Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 12

Mọi khi vẫn hay bám rễ ở thư viện, nhưng hôm nay, chỗ Mai đến lại là quán ăn vặt “Không Sợ Béo” có tiếng trong thành phố. Trước mặt nào là gỏi đu đủ, cá viên chiên, khô gà lá chanh… ấy nhưng, Mai đang bận dán mắt vào điện thoại, đọc cho xong một tiểu thuyết trên mạng rồi bình luận tại chỗ:

“Ôi trời! Tác giả đã để cho nam chính hy sinh, vậy mà đến cuối… lại hóa phép cho anh ta nhập hồn vào nam phụ. Kết cục gì quá đáng, không hiểu nổi!”

Mai đập bàn, bất mãn ra mặt. Rồi nó nhìn Tùng. Dẫu chưa nói gì, nhưng Tùng đã hiểu. Anh đáp lại nó cùng cái nhún vai, “Em có phàn nàn, anh cũng không giải quyết được đâu. Anh chỉ phụ trách vẽ minh họa cho người ta thôi.” Sau đó, đôi mắt Tùng hướng vào lại màn hình laptop.

Tiểu thuyết mạng Mai vừa đọc xong kia thuộc dòng tiên hiệp. Tác giả của câu chuyện đó cũng chính là khách hàng của Tùng. Người đó đặt anh vẽ mười bức tranh cho truyện, gồm tranh cặp đôi lẫn tranh riêng của từng nhân vật. Nhưng Tùng khuyến mãi thêm hai bức. Chính sách ưu đãi này rất được lòng khách. Trung bình cứ mười khách sẽ có chín người quay lại ủng hộ, tiếp tục tin tưởng mà chọn mặt đặt hàng.

Về chất lượng truyện của những vị khách đó, phải nói là… thượng vàng hạ cám đều có đủ. Tiểu thuyết Mai đang phản ứng dữ thuộc cái dạng đầu voi đuôi chuột. Phần đầu hấp dẫn, gay cấn biết bao thì càng về cuối, độc giả là Mai càng thêm ức chế vì sự phi lý của tác phẩm.

“Anh để vậy mà được hả?” Mai không cam tâm. “Ít ra cũng phải vẽ thằng cha nam chính xấu đi cho em. Thêm nốt ruồi hay râu dê ở chỗ nào đó không ai thấy ấy! Không thì cho cánh tay gã bên to bên nhỏ đi. Mắt bị lác thì càng tốt.”

“Em đinh phá ‘cần câu cơm’ của anh ta à, em gái nhỏ?”

Daisy liếc mắt khỏi màn hình laptop đang xem chung với Tùng, chị nói giúp anh một câu công đạo. Vừa đi dạy thêm về, chị vẫn mặc áo sơ mi hoa nhí cùng với chân váy đen. Tóc cột cao chỉn chu rất ra dáng cô giáo. Ngồi cạnh Tùng – người lúc nào cũng sơ mi đĩnh đạc, hai người họ trông xứng đôi vừa lứa cực kỳ.

Mai thoáng qua chút suy nghĩ kỳ quặc trong đầu.

Trong lúc đó, Tùng nhìn Daisy, giọng nhẹ tênh đáp như cân đường hộp sữa:

“Không sao. Chỉ vậy thôi thì tôi vẽ được. Nhưng mà…”

Tùng quay sang Mai, anh thắc mắc: “Nam chính nào có tội gì đâu. Anh nghĩ, tác giả mới là người đáng bị chỉ trích chứ.”

Ý kiến của Tùng chuẩn xác đến không thể phản bác.

Mai “đứng hình” trong giây lát. Nhìn vẻ hoang mang đó của nó, Tùng và Daisy lại đâm áy náy.

“Vậy là, em đứng về phía của nam phụ hả? Nhưng nam chính với nam phụ giờ lại sống cùng một thể xác. Điều này cũng có nghĩa… về sau, nữ chính đã ở với nam phụ?”

Daisy thử tìm hướng lạc quan để phân tích. Chị vờ như vô tình đẩy dĩa cá viên chiên về phía Mai một chút. Bị đồ ăn đánh lạc hướng, Mai nhấc nĩa, xiên lấy một viên cá, quệt thêm chút sa tế cay nồng rồi cho vào miệng, nhai nhồm nhoàm. Đồ ăn ngon là thế, đáng tiếc, sự tức tối trong lòng Mai vẫn chưa thể trôi đi.

“Đúng thì đúng vậy. Nhưng nữ chính đến với nam phụ là vì cô ta đã nhận ra thằng cha nam chính đã nhập vào nam phụ! Với lại, nam phụ có chết đâu. Anh ta trở thành người thực vật, nhưng trong bối cảnh của tiểu thuyết thì vẫn có thể cứu chữa được. Ấy mà tác giả vẫn chọn cái kết điên khùng gì đâu.”

“Đợi đã.” Daisy cố hiểu vấn đề. Chị gạt đi mớ cảm xúc chủ quan của Mai rồi trình bày theo suy nghĩ của mình. “Em nói, nam phụ là người thực vật à? Nếu vậy, khi nam chính nhập vào… hẳn cơ thể đó sẽ cử động được. Xét ra, kết cục đó cũng không đến nỗi mà.”

“Không đâu chị.”

Mai xua tay. Hiếm khi nào giọng nó lại kiên quyết như này. Tay cầm nĩa cứ nhấc lên dằn xuống trong dĩa.

“Tại chị không đọc toàn bộ đó. Chứ nam phụ thành ra như thế đều do thằng cha nam chính hại hết không. Ỷ mình có phép thuật cao siêu, muốn làm gì thì làm, lúc thì hại, khi thì cứu. Rõ vô phép! Mà bà nữ chính cũng khó ưa lắm.” Mai ấn đầu nĩa vào một viên cá, bất mãn thở phì ra. “Lúc đầu thì tỏ vẻ không thích rồi về sau lại dùng dằng, đong đưa giữa hai bên, cuối cùng thì lấy luôn combo ‘hai trong một’. Đọc mà sôi máu! Gặp em mà viết, nam chính muốn chết thì em cho chết luôn. Còn bà nữ chính, bả muốn sao thì tùy bả, cho ế tới già luôn cũng được. Nói chung, cốt truyện ‘nát’ hết rồi, không cứu vớt nổi chỗ nào nữa.”

Mai bặm môi, khoanh tay để kiềm bất mãn xuống. Khi tâm trạng đã dễ chịu hơn, Mai cúi xuống, xử một mạch hết dĩa cá viên rồi quay sang nhấp nhẹ chút Hồng trà kem cheese ngọt béo. Mai chợt nghĩ, lâu lâu đổi điểm hẹn cũng hay. Thư viện nhiều sách, chứ chẳng có gì ngon để bỏ bụng cả.

Trong khi Mai được đồ ăn xoa dịu thì Daisy lại bị những câu nói của Mai làm lung lay suy nghĩ. Chị mở điện thoại, hỏi tên tiểu thuyết mà Mai vừa đọc rồi tự mình kiểm chứng, để xem những chê trách của Mai có xác đáng hay không.

Độc giả cũng là người tiêu dùng. Do đó, họ có quyền lợi và sức mạnh đối với tác phẩm trên thị trường. Những nhận xét, đánh giá, dù là tích cực hay tiêu cực, đều sẽ để lại phần nào định kiến trong đầu người tham khảo, sẽ ảnh hưởng đến nhóm độc giả mới, thậm chí là tác động đến sức hút của các tác phẩm khác về sau.

Thế mới thấy, viết văn đâu phải là chuyện dễ. Rất hiếm tác phẩm nào có thể làm hài lòng tất cả. Giữa “cái tôi” và “chúng ta” là cả một rừng khó khăn phải tranh đấu, chinh phục. Dẫu vậy, những người say mê con chữ lại không thể ngừng viết.

Tại sao?

Mai biết rất rõ câu trả lời. Đơn giản mà nói, viết là một phần linh hồn của nó, và với những người khác cũng thế. Câu văn thành hình là một sự giãi tỏ. Quan trọng nhất, bút không rèn, con chữ sẽ cùn đi; không đặt bút xuống sẽ chẳng có gì cả.

Điều đầu tiên để thành một người viết, bắt buộc ta phải viết mỗi ngày. Từng chút, từng chút một giống như quá trình tập đi của đứa trẻ – viết, sửa, viết tiếp, rồi lại sửa… cứ không ngừng kiên trì như vậy, viết dở rồi sẽ thành tàm tạm rồi chuyển dần thành hay. Cây cao đâu thể lớn bổng chỉ trong một ngày.

Mai nhớ, hồi nó mới bắt đầu viết lách, nó viết tệ gấp mấy chục lần cái tiểu thuyết kia. Cốt truyện có thể vớt vát được đôi chỗ hay ho. Chứ câu cú gì không thấy dấu phẩy, đọc thành tiếng nó muốn ná thở, chủ ngữ thi thoảng lại trốn đi đâu mất. Phân đoạn cũng chẳng được rõ ràng, thích đâu tách đó, lúc cả trang dài không hề tách đoạn, lúc lại phân ra như mấy bậc cầu thang.

Mỗi lần xem lại mấy tác phẩm “đời đầu” của mình, Mai không khỏi thở phào nhẹ nhõm, vì ngoài nó ra, nó chưa cao hứng đưa cho ai đọc mớ tác phẩm đáng xấu hổ này.

Dẫu viết dở, miễn sao có viết vẫn là một chuyện tốt. Có công mài sắt có ngày nên kim. Sự tiến bộ chỉ có thể nhìn thấy thông qua hành động.

Những ngày đầu, Mai chỉ viết được vài trang là tịt ngòi. Có ngồi vắt óc, cố suy nghĩ lắm, nặn thêm được vài ba câu nữa là rơi vào bế tắc. Cái cảm giác muốn viết mà viết không ra ấy thật sự bất lực và cực nản. Nhưng đến cùng, Mai vẫn không buông bút. So với bỏ cuộc, sự bứt rứt khi không thể hoàn thành mớ ý tưởng trong đầu khó chịu hơn nhiều. Chỉ đến khi viết ra, tâm hồn nó mới được thanh thản. Rồi sau đó, chẳng biết từ lúc nào, từ một ngàn chữ mỗi ngày, sức viết của Mai đã tăng lên hai ngàn, rồi ba ngàn chữ… Hiện tại, số chữ tối đa Mai có thể viết được trong một ngày lên đến sáu ngàn chữ!

Thành quả thế này, Mai thật sự không khỏi cảm ơn sự kiên trì của nó trong quá khứ.

Mai hài lòng chuyển hướng sang dĩa gỏi đu đủ. Có rất nhiều món ăn vặt nó thích trên bàn. Daisy đã cố ý chọn quán ăn này làm điểm hẹn vì Mai. May mà Tùng cũng không ý kiến gì.

“Thỏa thuận giữa hai người đến đâu rồi ạ?”

Mỗi lần Mai thay Tùng hẹn gặp Daisy đều có một mục đích đi kèm. Lần này, Tùng muốn nhờ cô sinh viên xuất sắc của ngành Ngôn ngữ Anh chuyển ngữ bộ truyện anh đang vẽ, nhằm đăng lên các trang webcomics nước ngoài.

Là một họa sĩ theo đuổi ước mơ vẽ truyện tranh, để có thể phổ biến tác phẩm và tạo thương hiệu cá nhân cho mình, Tùng không chỉ muốn tiếp cận các độc giả trong nước mà còn nhắm đến thị trường quốc tế, đặc biệt là nhóm các quốc gia sử dụng tiếng Anh. Việc được sống trong thời đại công nghệ thông tin là một thách thức, nhưng đồng thời cũng là lợi thế cho những ai biết cách tận dụng. Theo đó, khi lượng độc giả tăng lên, sức hút của tác phẩm được khẳng định vị thế, nguồn thu của tác giả sẽ được ổn định, nhờ vào việc khóa chương, bán goods, may mắn hơn là có cơ hội được xuất bản sách giấy. Và, hiển nhiên, khi có thể kiếm sống từ chính niềm đam mê của mình, tác phẩm của họ sẽ không lụi tàn mà ngày càng nở rộ hơn nữa.

Tuy nhiên, để có thể hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc.

Daisy đặt điện thoại xuống, tạm ngưng việc đọc truyện. Chị quay trở lại vấn đề Mai vừa hỏi.

“Theo dung lượng này, tôi có thể dịch ba chương một tuần. Tạm thời vậy đi. Sau khi sắp xếp xong mấy việc đang làm dở, tôi sẽ thông báo lại cho anh. Còn tiền lương, anh tính thế nào?”

Daisy nghiêm nghị đặt câu hỏi cho Tùng. Mai nhìn Daisy. Trong thoáng chốc, nó có cảm giác đang ngồi xem phỏng vấn xin việc. Có điều, không giống thực tế lắm, trông Daisy nào như người xin việc. Với dáng vẻ đó và giọng điệu đó, chị như bà chủ đang ban ơn cho Tùng thì đúng hơn.

“Trung bình ba chục ngàn một trang. Đó là giá sàn trên thị trường. Tùy theo số chữ và độ khó, tôi sẽ có điều chỉnh đôi chút. Tiền lương có thể trả theo chương, hoặc theo tháng. Nhưng nếu trễ deadline, tôi sẽ trừ lương đấy. Có lý do thì tùy trường hợp mà xử lý.”

Quả không hổ là người đã đi làm, Tùng ra rả một tràng quy định đầy chuyên nghiệp. Mai tròn mắt nhìn anh, không khỏi ca ngợi trong lòng.

Mai không đi làm thêm như phần lớn sinh viên bây giờ. Nội việc lột hành, đi bỏ hàng cho khách đã ngốn sạch thời gian rảnh của nó. Tính ra, Mai chưa biết mùi vị “đi phỏng vấn” thế nào. Nhìn Tùng và Daisy hiện giờ, Mai thấy có vẻ vui.

“Trả lương theo tuần đi.” Daisy trả giá. “Tôi còn phải sống nữa.”

“Được thôi. Để tôi soạn hợp đồng.”

“Không cần đâu. Nói miệng là được rồi.”

Daisy vươn tay về phía Mai, nhón lấy một nhúm sợi đu đủ bằng bộ móng trơn màu rượu mới đổi, rồi cho vào miệng, nhai nhẹ nhàng cũng vừa kiều diễm, chị hệt như một cô người mẫu đang quay phim quảng cáo về ẩm thực. Ngay lúc đó, không ít cậu nam sinh bàn bên, trên người vẫn mặc nguyên đồng phục thể dục, đều há hốc, dõi theo. Lúc về, Mai đoán, thể nào cũng sẽ có vài cậu nán lại, xin số điện thoại của Daisy cho xem.

“Không qua loa được đâu.”

Trong khi đó, Tùng xoay laptop về phía mình, vừa nói vừa lạch cạch gõ chữ. “Tiền bạc là thứ dễ mất lòng. Với người thân thiết, điều đó càng quan trọng. Cho nên chúng ta phải rạch ròi từ đầu.”

Những lời Tùng phát biểu vừa hay chính là những gì Mai từng nói với Tùng trước đây, lúc nó nhờ anh vẽ giúp bìa tiểu thuyết. Không ngờ Tùng vẫn nhớ như in. Mai sau đó tuy không trả tiền mặt, nhưng nó đã viết giùm Tùng phần giới thiệu truyện thú vị ra trò. Một cách trả ơn vẹn cả đôi đường.

Bấm enter một cái, Tùng quay màn hình về phía Daisy, trưng cho chị xem bản hợp đồng mới lập. Nhưng chỉ lướt đại khái một chút, Daisy gật đầu nhanh chóng.

“Được rồi.”

“Cô nên đọc kỹ đi.”

Tùng nhắc nhở. Giọng anh nghiêm khắc như một ông thầy.

Daisy đâm bực. Chị chau mày, hằn học đáp lại:

“Đừng có lên giọng như thế nhé. Anh cần tôi. Tôi cần anh. Đây là quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nghĩa là, chúng ta ngang hàng nhau. Tôi bảo ‘Được rồi’ tức là được. Anh đừng có làm mọi chuyện phức tạp lên.”

“Vì tôi xem cô là chỗ thân quen nên mới nhắc nhở.” Giọng Tùng vẫn cứng rắn như núi không thể lay chuyển. Thái độ kiên quyết hiếm có đó của anh làm Mai cũng không dám chen vào đỡ lời cho ai. Tùng đều đều giải thích: “Sau khi tốt nghiệp, đi làm cô sẽ thấy, dù ở lĩnh vực nào đi nữa, hợp đồng là một thứ cực kỳ quan trọng đối với người lao động. Nếu cô xem thường nó, một lúc nào đó, khi cô gặp phải những điều không thỏa đáng, trái với thỏa thuận, nó sẽ không thể đứng về phía cô… Hợp đồng là con dao hai lưỡi.” Tùng đột ngột nhấn mạnh. “Mặc kệ số tiền cô kiếm được là bao nhiêu, đọc kỹ hợp đồng là quyền và trách nhiệm của cô đối với sức lao động của mình. Đừng phí phạm nó.”

Tùng kết thúc lời giảng dạy bằng cách nhấp một ngụm capuchino. Phải lâu lắm rồi Mai mới thấy anh nhiều lời như thế. Nhưng những lời ấy không hề sai, cũng không quá thổi phồng. Là một sinh viên ngành Kế toán, Mai hiểu rất rõ tầm quan trọng của bản hợp đồng mà phần lớn người lao động vẫn còn xem nhẹ ấy.

Không chỉ hợp đồng lao động mà tất cả các loại hợp đồng trên đời nói chung, đều có giá trị khi chữ ký của ta đã đặt xuống. Kể từ lúc ấy, tờ giấy được in thành hai bản đó chính là ràng buộc pháp lý, là cơ sở để hai bên – bên lao động và sử dụng lao động, thực hiện những điều khoản cam kết. Cho nên, nếu đối phương là kẻ gian dối thì chỉ cần một giây lơ là không đọc kỹ điều khoản, bút sa, không phải gà, mà ta sẽ chết.

“Anh ấy nói đúng đó chị ạ.” Mai góp lời vào, mong muốn xoa dịu bầu không khí căng thẳng một chút. “Dân Kế toán bọn em, dù biết rõ hợp đồng kinh tế nào cũng na ná như nhau, nhưng vẫn phải dặn lòng đọc kỹ từng chữ từ đầu tới cuối. Giảng viên biết đám sinh viên thỉnh thoảng chay lười nên lắm lúc cũng hay ‘gài’ lắm, sửa câu từ một chút. Ví dụ như chỗ ‘tiền hàng chưa tính phí vận chuyển’ với ‘đã tính phí vận chuyển’, đọc qua loa là tính sai ngay, mà sai từ đầu là sai cả bài luôn. Có điều, nếu tập trung đề phòng chỗ đó thì thể nào giảng viên cũng đổi sang cái khác. Tóm lại, để tránh rủi ro, chỉ còn cách trích ra vài giây đọc kỹ hợp đồng thôi.”

Đã nói đến thế, Daisy đành miễn cưỡng đọc lại hợp đồng, rà các điều khoản cho thật kỹ. Hàng lông mày không còn khó chịu mà đã dãn ra. Điều này nói cho Mai biết tâm tình của chị đã dễ chịu phần nào. Mai nhẹ nhõm ăn hết dĩa gỏi. Sau đó, Tùng gọi thêm món. Tạm gác chuyện công việc, cả ba tập trung ăn. Đồ ăn vặt tuy không no bụng nhưng được cái ngon miệng. Không khí nhờ thế trở nên vui vẻ hơn.

Mai ăn sạch phân nửa món trên bàn rồi dừng đũa. Lau vội tay bằng tờ khăn giấy trong hộp đựng, nó mở điện thoại lên, coi đồng hồ. Gần 4 giờ chiều. Sắp tới lúc trận đấu bóng ở nhà thi đấu tỉnh diễn ra.

Mai quét mắt một lượt, đếm số dĩa đã ăn, nhẩm nhanh thành tiền rồi dúi vào tay Tùng phần tiền ăn của nó. Không thể nào để Tùng khao mãi được. Chưa kể Mai còn là đứa ăn nhiều nhất từ đầu đến giờ.

Giải quyết chuyện tiền bạc xong xuôi, Mai khoác ba lô lên, sẵn sàng rời đi.

“Em đi đâu thế?”

Cả Tùng và Daisy cùng hỏi, nhưng giọng Tùng vang lên trước át luôn tiếng hỏi của Daisy.

Mai nhìn Tùng, đáp gọn: “Em đi cổ vũ.”

“Hả? Cổ vũ gì?”

“Hôm nay Trúc nó đấu chung kết nên em phải tới nhà thi đấu tỉnh cổ vũ nó như đã hứa.”

“Bóng đá à?” Dù chưa hiểu lắm nhưng Daisy vẫn hỏi.

“Không ạ.” Mai đứng dậy. Vừa nhắc đến tên, điện thoại bỗng réo ầm lên số điện thoại của Trúc. Mai bắt máy, nó xẵng giọng nói: “Gì mày? Đang trên đường đi… Ờ. Biết rồi. Chờ ở cổng sau chứ gì. Hả? Lúc về á? Không. Không có hẹn gì hết. Ừm. Ừm… Cũng được.”

“Là bóng chuyền.” Mai vừa giải thích vừa tắt máy. Nó cứ nói mà không hề nhận ra… sắc mặt của hai người còn lại đang tối dần đi. “Bóng chuyền nam đấy ạ. Làm bạn gái, nên em phải đi cổ vũ thôi.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com