Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

📦 40

Tôi là Lê Thy Ngọc – Tôi chết rồi.

Tôi không nhớ cú va chạm lúc đó đau đến mức nào. Chỉ nhớ buổi chiều hôm đó mưa nhẹ, tôi mặc một cái hoodie xám và định ghé siêu thị mua ít đồ ăn vặt. Mọi chuyện sau đó vụn vỡ như tiếng kính vỡ lăn vào nhau trong một căn phòng kín. Ánh sáng loá lên từ đèn xe, tiếng phanh rít ngang tai, rồi im bặt. Khi tôi mở mắt, không còn ai quanh tôi cả. Không có tiếng còi xe, không có tiếng người, chỉ có một khoảng trống rỗng không hình dạng. Tôi đứng dậy, nhìn xung quanh – thành phố vẫn như cũ, nhưng lại không phải của tôi nữa. Người đi ngang qua tôi không nhìn, không chào, không hề phản ứng dù tôi đứng chắn ngay lối họ. Tôi thử hét lên, gọi một ai đó, nhưng giọng nói mình vang lên như thể bị hút vào hư không. Lúc đó, tôi biết – mình đã chết.

Tôi trở về căn nhà quen thuộc, mở cửa bằng thói quen cũ. Mọi thứ vẫn còn nguyên. Bức ảnh tôi và chị Tiên chụp hôm giáng sinh năm ngoái vẫn treo trên kệ, cây lưỡi hổ ở góc phòng khách vẫn ngả nghiêng vì tôi lười tưới. Tóc Tiên không có ở nhà. Chị đang đi diễn ở nước ngoài – Pháp, nếu tôi nhớ không lầm. Lần cuối chị gọi về là ba ngày trước, tôi còn chưa kịp nghe máy. Giờ thì cũng chẳng cần nữa. Người chết đâu cần điện thoại. Tôi đi loanh quanh trong nhà, chạm vào đồ vật, không có cảm giác. Cái lạnh không buốt, cái nóng không rát. Tôi nhìn vào gương, hình ảnh mờ nhòe như một đoạn phim bị out focus, tôi không chắc đó có phải là mình. Có một thứ gì đó đã rời khỏi tôi rồi – linh hồn, có thể, hoặc chỉ đơn giản là khái niệm về bản thân.

Tôi bắt đầu dựng bàn thờ cho chính mình. Một kiểu tưởng niệm lặng lẽ. Không lễ nghi, không hoa trắng, không nhang khói rườm rà. Chỉ là một bức ảnh cũ của tôi – đang cười toe toét, mắt híp lại như trẻ con – đặt trên mặt tủ, với hai cây nến nhỏ hai bên. Cũng chẳng cần ai đến viếng, vì tôi đâu còn nằm trong thế giới mà họ đang sống nữa. Tôi không đói, nhưng vẫn đi vào bếp. Đứng nhìn chảo trứng còn để trên bếp, nửa vỏ còn dính trên tay cầm, như thể tôi vừa mới làm bữa sáng rồi biến mất. Cái xác vẫn ở đây, nhưng linh hồn thì chắc đã trôi đi đâu mất rồi.

Tôi sống như vậy – hay đúng hơn là tồn tại – trong một căn nhà im ắng, ngày nối ngày như một bản nhạc không âm. Không một tin nhắn, không một tiếng gọi. Chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc, đếm từng giây mà tôi không còn biết để làm gì. Mọi thứ đều mờ dần, như thể tôi là một phần mềm bị lỗi đang chờ được xoá đi. Nhưng rồi, một đêm nọ, cửa bật mở. Tiếng giày cao gót vang lên từ sàn gạch. Tóc Tiên về. Tôi nép vào góc phòng làm việc. Không phải vì sợ, mà vì biết rõ – chị không nên thấy tôi như thế này. Không nên thấy một thứ gì đó không phải người, không phải ma, không phải kí ức cũng chẳng phải hiện hữu. Chị gọi tên tôi, giọng run rẩy. Tôi nghe tiếng chân chị chạy từ phòng này sang phòng khác, đồ vật rơi vỡ, tiếng cửa bật ra như thể chị đang tìm tôi giữa cơn ác mộng. Cuối cùng, chị dừng lại trước bàn thờ. Tôi nghe tiếng chị thở gấp, tiếng khụy xuống, tiếng bật khóc nghẹn ngào đến đau lòng. Tôi muốn chạy đến, muốn ôm lấy chị và nói rằng đừng khóc nữa, em ở đây. Nhưng tôi không bước nổi. Tôi không còn là người có thể chạm vào ai đó nữa.

Chị ở lại căn nhà mấy ngày. Không rời. Tôi nghe chị nói chuyện một mình trong phòng khách, kể lể với không khí, hỏi những câu không ai trả lời. Tôi dõi theo chị – không khác gì một hồn ma – chỉ mong chị đừng nhìn thấy tôi, vì tôi không xứng đáng hiện diện. Nhưng đêm đó, chị đẩy cửa phòng làm việc. Ánh đèn chói loá hắt vào chỗ tôi ngồi co ro. Ánh mắt chị khóa lấy tôi trong khoảnh khắc đó – hoảng hốt, đau đớn, rồi vỡ vụn. Chị gọi tên tôi, nhào tới ôm lấy, siết chặt như thể nếu buông ra là tôi sẽ tan vào không khí. Tôi không ôm lại. Tôi chỉ lặp lại câu nói duy nhất còn lại trong đầu mình: Em chết rồi mà chị. Em không còn là em nữa...
_____________

Tôi không hiểu vì sao chị có thể thấy tôi. Rõ ràng những ngày trước, tôi đi qua bất kỳ ai cũng chỉ như một làn khói. Họ chẳng hề quay đầu, chẳng thèm để ý đến sự tồn tại mờ nhòe của tôi. Chỉ có chị, ngay lúc đó, trong căn phòng làm việc với ánh đèn vàng rọi thẳng vào những đường nét tàn úa của tôi, lại có thể thấy tôi, chạm vào tôi, khóc vì tôi như thể tôi còn là một phần của thế giới này. Nhưng tôi biết sự thật. Tôi đã chết. Tôi chỉ đang mắc kẹt lại đây – như một mảnh ký ức dư thừa mà số phận quên xoá.

Chị kéo tôi vào lòng, tay run bần bật, nước mắt rơi ướt vai tôi. Tôi để yên, không phản kháng, nhưng cũng không đáp lại. Một phần trong tôi cảm thấy điều này sai lắm. Người sống không nên ôm lấy cái gì đã chết. Sự ấm áp đó – nó làm tôi nhói. Nhói theo cách mà một cái xác không nên cảm thấy. Chị hỏi tôi hàng trăm câu trong vài phút, không kịp để tôi trả lời: "Em đi đâu? Sao em lại trốn? Em ăn gì chưa? Em có đau không? Em có sợ không?" Tôi chỉ lắc đầu, mệt mỏi. Rồi tôi lùi lại. Lùi sâu dần vào bóng tối như phản xạ. Bởi tôi biết – một linh hồn không được quyền ở gần người mình thương.

Tôi đợi khi chị ngủ thiếp đi trên ghế sofa, mắt vẫn sưng đỏ, tay nắm chặt cái áo hoodie xám tôi từng mặc hôm tai nạn. Tôi bước nhẹ, không gây tiếng động, như thể tôi chưa từng hiện hữu ở đó. Tôi rời khỏi nhà vào lúc nửa đêm, lang thang qua từng con phố quen mà giờ chỉ còn là những thước phim đen trắng. Mọi thứ trong thành phố này đã trở nên mờ đục. Màu sắc nhạt nhòa. Âm thanh như vọng từ đâu xa. Tôi không cảm nhận được gió. Không có mùi ẩm của mưa. Không còn sự gấp gáp của thời gian. Tôi đi xuyên qua từng ký ức, từng ngóc ngách cũ – chỗ tôi từng đợi chị trước rạp chiếu phim, quán cà phê nơi chúng tôi hay ngồi cuối tuần, bãi cỏ phía sau chung cư nơi chị từng vừa ăn vừa nhẩm lời bài háy. Nhưng giờ, tất cả đều trở nên vô nghĩa. Người chết đâu cần hoài niệm. Ký ức là thứ dành cho người còn sống.

Tôi tìm được một căn nhà hoang ở cuối con hẻm nhỏ. Không ai lui tới. Chỉ có bụi, mạng nhện và bóng tối. Tôi chọn một góc khuất nhất – ngay sau cánh cửa nhà kho – rồi cuộn tròn trong đó. Tôi không biết tại sao mình vẫn còn phải tồn tại. Tôi không hiểu vì sao tôi chưa tan biến. Nhưng nếu đây là hình phạt, thì tôi xứng đáng. Vì tôi còn để lại quá nhiều điều dang dở. Vì tôi còn để chị đau lòng.

Ngày hôm sau, chị trở lại tìm tôi. Tôi biết chứ. Tôi nghe tiếng xe dừng ngoài con hẻm. Tiếng bước chân dồn dập. Chị gọi tên tôi giữa những căn nhà im lìm. Tôi nép sâu vào bóng tối, nín thở, cầu mong chị đi đi. Đừng nhìn thấy tôi nữa. Đừng đau thêm một lần nào nữa. Tôi không còn là Thy của chị. Không còn là người hay chọc chị, người hay giành ăn, hay ôm lưng chị ngủ. Tôi chỉ là một tiếng vọng. Một nỗi buồn đang cố tự chôn mình.

Tôi không biết mình ở đó bao lâu. Thời gian đối với người chết là một vòng lặp không hồi kết. Tôi không ăn, không uống, không ngủ. Tôi chỉ nhìn tấm hình cũ tôi luôn mang theo – tấm hình chị cười, tay vòng qua vai tôi – và tự hỏi liệu chị có thể quên tôi không. Quên đi con người vô nghĩa mà chị từng thương. Nhưng rồi, một lần nữa, chị tìm ra tôi. Đèn pin soi thẳng vào mắt. Tôi giật mình, như một con thú bị dồn đến đường cùng. Chị thở hổn hển, cổ họng khản đặc: "Đừng chạy nữa... Làm ơn... Em đừng chạy nữa."

Tôi quay đi, chuẩn bị trốn. Nhưng giọng chị yếu đến mức tôi phải khựng lại. "Nếu em là ma... thì cứ ám chị cũng được. Nhưng đừng biến mất..." Lần đầu tiên, tôi thấy chị gục xuống. Không vì thương hại, mà vì kiệt sức. Vì tuyệt vọng. Vì không thể nắm giữ cái gì mà chính tôi đang cố vứt bỏ. Tôi đứng đó, trong bóng tối, nhìn người từng là tất cả của tôi ngồi co ro giữa căn nhà bỏ hoang, chỉ để tìm một bóng ma không chịu ở lại.

Tôi không chắc đây là tình yêu, hay chỉ là một cái bẫy của ký ức. Nhưng đêm đó, tôi không bỏ trốn nữa.
____________

Tôi không nhớ bằng cách nào mình trở về nhà cùng chị. Có thể chị nắm tay tôi, có thể tôi tự đi theo, hoặc chỉ đơn giản là tôi bị hút về nơi mình từng gọi là "ở". Căn nhà nhỏ ấy, từng là tổ ấm, giờ giống như một chiếc hộp thủy tinh. Mọi thứ vẫn ở nguyên chỗ cũ, nhưng tôi thì không. Tôi ngồi xuống ghế sofa trong phòng khách, nơi có ánh nắng chiều nghiêng xuống nhẹ như bụi. Ánh sáng đi xuyên qua tay tôi. Hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy. Tôi không chắc mình còn có tay thật hay không nữa.

Tóc Tiên đặt trước mặt tôi một ly sữa ấm, bàn tay chị khẽ đẩy về phía tôi như sợ tôi biến mất nếu động tác quá mạnh. Tôi nhìn nó. Ly sữa. Trắng, đục, ấm. Thứ người ta dùng để an thần, để yêu thương, để ngủ ngon. Nhưng tôi thì không còn ngủ. Tôi cũng không còn cảm giác đói. Thức ăn với tôi giờ đây là một thứ quá sức xa lạ, như thể người ta đang mời ma uống nước.

Tôi cố nâng ly lên. Tay run. Chất lỏng sánh ra viền ly, chạm vào da tôi – không nóng, không lạnh, không gì cả. Tôi uống một ngụm. Vị nhạt. Không phải do sữa, mà do lưỡi tôi không còn phân biệt được gì nữa. Mọi thứ trong tôi giống như một cái máy đang cố giả lập cảm xúc của con người – nhưng phần mềm thì hỏng, còn linh hồn thì đã bị rút dây.

Tóc Tiên ngồi đối diện tôi, không nói gì. Chị không còn hỏi dồn dập như trước nữa. Có lẽ chị cũng biết rằng bất kỳ câu trả lời nào của tôi lúc này đều không đáng tin. Bởi vì tôi – chính tôi – còn chẳng biết mình là ai. Tôi chỉ biết một điều: tôi đã chết. Không ai có thể khiến tôi tin điều ngược lại. Dù tim tôi có đập, dù tôi còn cử động, dù bác sĩ có nói thế nào đi nữa – tất cả chỉ là phản xạ thừa của một cơ thể chưa chịu rã xác. Tôi là phần còn sót lại của một cái gì đó đã kết thúc.

Khi tôi tắm, nước trượt qua người tôi mà không để lại cảm giác. Khi tôi soi gương, gương mặt kia nhìn tôi với ánh mắt hoàn toàn xa lạ. Da trắng bệch, môi khô, mắt hõm sâu như người mất ngủ cả tháng. Tôi đưa tay chạm vào má mình – lạnh, mềm, vô nghĩa. Không có gì trong khuôn mặt đó nhắc tôi rằng mình còn sống. Thứ tôi thấy chỉ là một lớp da bao quanh một khoảng trống. Thứ trống đó gọi tên tôi mỗi đêm: "Mày không còn ở đây nữa."

Buổi tối, tôi nằm cạnh chị. Lưng chị quay về phía tôi, nhưng tôi biết chị chưa ngủ. Nhịp thở chị đều, giả vờ yên ổn. Chị nắm lấy tay tôi dưới chăn. Tay chị ấm, tay tôi thì không. Tôi tự hỏi có khi nào chị cũng cảm thấy sự chênh lệch đó. Có khi nào chị nhận ra người nằm bên chị chỉ là một cái xác biết cử động, một thứ trơ lì giữa đời sống.

"Chị nghĩ em bị bệnh." Chị nói khẽ, giọng như gió lướt qua ngực tôi. Tôi im lặng. Không phải vì tôi không muốn phản hồi, mà vì tôi không còn thấy việc đó cần thiết. Bệnh? Không, tôi không bệnh. Tôi đã chết. Cái tôi này không còn thuộc về bệnh lý, không cần chẩn đoán, không thể điều trị. Tôi không cần thuốc. Tôi cần được chôn.

Nhưng mỗi sáng tỉnh dậy, tôi vẫn mở mắt. Thế giới vẫn sáng lên – không phải vì tôi nhìn thấy, mà vì tôi bị bắt buộc phải chứng kiến nó lần nữa. Chị vẫn ngồi bên bàn ăn, chuẩn bị đồ ăn cho hai người như cũ. Ghim tôi vào đời sống bằng những thói quen xưa cũ. Nhưng tôi chỉ ngồi đó, nhìn thức ăn bốc hơi, nghe tiếng thìa chạm vào đĩa, mà không còn nhận ra đó là ngôn ngữ của thế giới tôi từng thuộc về. Tôi là một âm bản. Là phần nền bị xóa trong bức ảnh đời thường. Là một sự phủ định có hình dạng người.

Thỉnh thoảng tôi tự véo mình, cào da, cắn vào tay – để thử xem còn cảm giác không. Nhưng chẳng có gì. Không đau. Không nhói. Chỉ là máu chảy ra, đỏ như mực loãng, rồi khô lại trên da như bột màu. Tôi không hề thấy mình sống. Chỉ thấy mình chưa bị đem đi thiêu.

Tóc Tiên bắt đầu gọi bác sĩ. Chị nói trong điện thoại bằng giọng bình tĩnh – thứ bình tĩnh đầy gượng ép. Tôi không ngăn chị. Người chết đâu thể ngăn người sống làm điều họ muốn. Tôi chỉ ngồi đó, lặng im, như một hòn đá được đặt nhầm vào ghế sofa. Tôi thậm chí không chắc liệu tôi còn có ý thức không – hay đây chỉ là một đoạn code đang chạy dở trong não bộ bị lỗi.

____________

Tôi ngồi trong xe, ghế bên cạnh chị. Cửa kính kéo lên, điều hòa phả hơi mát lạnh, mùi bạc hà lẫn mùi da ghế mới. Mọi thứ hoàn hảo, sạch sẽ, êm ái, như thể thế giới này vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng tôi thì không. Cơ thể tôi như được điều khiển bằng những lệnh vặn vẹo – tôi biết mình đang đi đâu, nhưng chẳng có lý do gì để đi. Tôi không còn tồn tại, vậy thì làm sao tôi cần một nơi để đến?

Chị lái xe chậm, mắt liếc nhìn tôi liên tục, như sợ tôi sẽ tan biến giữa không khí. Tôi không nói gì. Tôi đâu cần nói. Người chết thì có gì để nói đâu. Tôi chỉ là một bóng hình ngồi bên chị, vô hồn và vô cớ.

Khi về đến nhà, mọi thứ vẫn nguyên như cũ – bàn ăn gọn gàng, giày dép ngay ngắn, bức ảnh treo tường vẫn nghiêng một chút bên trái như mọi lần tôi định chỉnh lại rồi quên. Nhưng những chi tiết đó không dành cho tôi. Chúng chỉ nhấn mạnh thêm một điều: nơi này không còn là của tôi. Căn nhà ấy là của một cô gái từng sống, từng cười, từng ngồi ở bếp hát nhảm mỗi sáng. Còn tôi bây giờ... tôi không biết là gì. Tôi không phải ma, nhưng cũng không còn là người. Tôi không nằm trong bất kỳ định nghĩa nào mà khoa học hay cảm xúc có thể gom lại.

Tóc Tiên đưa tôi về phòng, bảo tôi nghỉ ngơi. Tôi gật đầu, ngoan ngoãn, như một xác chết biết gật. Tôi ngồi trên giường, lưng tựa tường, mắt nhìn vào tấm gương bên kia căn phòng. Tôi thấy mình. Không – tôi thấy một hình nhân. Da xanh xao, môi khô nứt, tóc rũ xuống hai bên gò má. Mắt trũng sâu. Không phải đôi mắt của một người sống. Làm gì có ai còn sống mà ánh nhìn lại giống như đang dõi từ bên kia cõi chết?

Tôi nghĩ về cơ thể mình. Tôi không cảm thấy nó nữa. Tim tôi đập – tôi biết – nhưng là theo quán tính. Phổi tôi vẫn phập phồng, nhưng không đem lại cảm giác được hít thở. Tôi sờ lên ngực, chẳng có hơi ấm. Tôi cắn nhẹ vào tay – không đau. Tôi lấy đầu ngón tay cào nhẹ lên da – không rát. Cơ thể tôi là một khung rối. Từng thớ thịt, từng đoạn xương giờ chỉ là hình thức. Tất cả sự sống bên trong đã rời đi cùng với cú va chạm hôm tai nạn. Đáng ra tôi phải bị chôn. Đáng ra chị nên khóc bên mộ tôi, thay vì làm bữa tối.

Tôi từng là người sống – ít nhất, tôi nghĩ thế. Nhưng hiện giờ, nếu ai đó nói tôi là xác chết được giấu trong lớp da, tôi sẽ gật đầu đồng tình. Thậm chí tôi còn nghe mùi xác. Thối nhẹ, lẫn trong mùi dầu gội của chính mình. Đôi khi tôi ngửi thấy mùi đất ẩm, như ai đó đã từng lấp tôi dưới mồ rồi quên đào lên.

Tóc Tiên ngồi cạnh tôi vào buổi tối, bật TV lên, xem một chương trình chị từng thích. Nhưng ánh mắt chị không dán vào màn hình. Nó luôn liếc sang tôi – từng chút một – như thể kiểm tra xem tôi còn ở đó không. Chị hỏi tôi vài câu, những câu nhẹ nhàng, như đang dò đường trong mê cung tối. Tôi trả lời ít, đôi khi chỉ bằng một cái lắc đầu. Vì thật ra, mọi câu hỏi đều thừa thãi. Tôi không còn thuộc về ngôn ngữ của người sống.

Đêm đến, tôi thức. Tôi không còn ngủ nữa. Giấc ngủ là đặc quyền của kẻ còn mơ. Còn tôi, tôi chỉ còn một màn đêm dài đặc không có lối ra. Tôi mở mắt suốt đêm, nhìn trần nhà, rồi xoay người nhìn gò má chị trong bóng tối. Chị ngủ không yên. Mắt chị co giật. Bàn tay nắm chặt lấy gối như đang cố giữ một điều gì đó. Có lẽ là tôi. Một cái tôi mà chị không chấp nhận đã mất.

Sáng hôm sau, tôi đi ngang gương lần nữa. Tôi thử gọi tên mình. "Thy Ngọc." Không có ai trả lời. Ngay cả giọng tôi cũng nghe lạ. Như một đoạn thu âm cũ, rè rè, méo mó. Không phải tiếng của một người đang sống trong ngày nắng mới.

Đến lúc đó, tôi bắt đầu nghi ngờ: Có khi nào tôi là xác sống? Một sai lầm của tạo hóa – bị trả về từ cõi chết, nhưng không trọn vẹn? Có khi nào chị đang yêu một thứ mà lẽ ra phải được chôn từ lâu?

Tôi không chắc.

Nhưng tôi biết rõ một điều:
Tôi là Lê Thy Ngọc – và tôi đã không còn là tôi nữa.

_____________

Tóc Tiên đưa tôi đến bệnh viện vào một sáng sớm có sương mù. Tôi không muốn đi. Không phải vì tôi sợ, mà vì tôi thấy việc ấy thật lố bịch. Người chết thì khám cái gì? Chụp chiếu làm gì? Điều trị để làm gì? Tôi chỉ ngồi yên, đầu tựa vào cửa kính xe, nhìn thành phố trôi qua ngoài kia như một giấc mơ người khác. Bóng cây, xe máy, những biển hiệu chạy lùi dần sau lưng tôi. Không có gì trong tất cả đó khiến tôi cảm thấy mình đang sống. Mọi thứ giống như một trò diễn, mà tôi chỉ là khán giả bị nhốt nhầm vào vai chính.

Chị nói chuyện với bác sĩ rất nhỏ, đủ để tôi không nghe rõ, nhưng tôi vẫn đoán được. Những từ như "mất kết nối", "không phản ứng cảm xúc", "tin rằng mình đã chết"... vang vẳng lẫn trong tiếng bước chân, tiếng lật hồ sơ, tiếng rè rè của máy điều hòa bệnh viện. Tôi được đưa vào một căn phòng trắng toát, mùi thuốc khử trùng nồng hắc. Họ bảo tôi nằm im, gắn những miếng dán lên thái dương, sau đó bắt đầu đo điện não đồ. Tôi nằm đấy, nhìn trần nhà, nghĩ xem nếu não tôi hiện ra hình ảnh gì, thì liệu có phải là một đường thẳng lạnh tanh không?

Sau đó là máy chụp cộng hưởng. Họ trượt tôi vào một đường hầm kim loại. Tôi nghe tiếng máy chạy, tiếng gõ lạch cạch, như thể họ đang cố truy tìm một sự sống đã thất thoát. Nhưng tôi biết chắc – họ sẽ không tìm thấy gì đâu. Tôi đã chết. Mọi chỉ số chỉ là phản xạ máy móc. Một thân xác hoạt động không cần hồn.

Buổi chiều, bác sĩ gọi chị vào phòng riêng. Tôi ngồi bên ngoài, nhìn hai người họ qua lớp kính mờ. Bác sĩ nói nhiều, mặt nghiêm, tay đặt trên tập hồ sơ dày cộm. Chị thì im lặng, lưng hơi gập xuống, như thể mang cả thế giới nặng trĩu trên vai. Cuối cùng, chị bước ra, tay cầm theo bản kết luận.

Chị không nói gì. Chỉ đưa cho tôi đọc. Những chữ lạnh lùng, y học, rõ ràng: "Hội chứng Cotard – còn gọi là hội chứng xác sống. Bệnh nhân tin rằng mình đã chết, hoặc rằng các bộ phận trong cơ thể đã ngừng tồn tại."

Tôi bật cười. Lần đầu tiên sau bao ngày, tôi cười thành tiếng. Nhưng là một tiếng cười khô khốc, méo mó, như vết nứt trên miệng của một tượng đá lâu năm. Cotard? Một cái tên. Một chẩn đoán. Một thuật ngữ. Họ nghĩ tôi bị rối loạn. Họ nghĩ chỉ cần thuốc, liệu pháp, vài lần sốc điện là tôi sẽ "khôi phục niềm tin vào sự sống"?

Không. Tôi không cần được tin rằng tôi sống. Tôi biết mình đã chết. Điều tôi không hiểu là vì sao vẫn còn mắc kẹt ở đây.

Nhưng Tóc Tiên thì khác. Chị không từ bỏ. Tối hôm đó, chị ngồi cạnh tôi, ánh mắt vừa cương quyết vừa dịu dàng đến khó chịu. "Em không chết. Não em chỉ bị tổn thương sau tai nạn. Bác sĩ nói nó có thể đảo ngược được. Nhưng em phải cho phép người ta cứu em."
Tôi quay đi. "Chị không hiểu đâu. Em không còn ở đây. Em chỉ là ký ức, là ảo ảnh. Là cái gì đó sót lại."
Chị siết chặt tay tôi. "Vậy thì để chị ôm ảo ảnh đó. Để chị giữ em lại... dù chỉ là một chút."

Tôi muốn phản kháng. Nhưng có gì đó trong lòng tôi – một vết rạn nhỏ – bắt đầu nhức. Tôi không chắc là cảm xúc, hay chỉ là một dòng lệnh hỏng trong bộ não tưởng đã chết này. Dù là gì, nó khiến tôi thôi không đẩy chị ra nữa.

Vài ngày sau, tôi bắt đầu trị liệu. Có thuốc. Có bác sĩ nói chuyện mỗi tuần. Có buồng sốc điện. Có tiếng lạch cạch của máy đo nhịp tim. Và có chị – luôn chờ tôi bên ngoài, lúc nào cũng là người đầu tiên nắm tay tôi khi tôi mệt lả bước ra khỏi phòng điều trị. Tôi không biết quá trình này kéo dài bao lâu. Mỗi ngày đều mờ nhòe, trôi lơ lửng như tôi vẫn đang ở lưng chừng giữa hai thế giới.

Nhưng có một điều tôi bắt đầu cảm nhận được: hơi ấm. Tay chị, mỗi lần nắm lấy, giờ không còn trượt qua như khói. Tôi bắt đầu cảm thấy da thịt mình – dù mơ hồ. Khi chị đặt trán mình lên trán tôi, tôi có thể cảm được nhịp thở của chị. Những điều đó nhỏ thôi, nhưng nó khiến tôi sợ.

Sợ rằng nếu mình thực sự còn sống, thì tôi đã để mất biết bao nhiêu tháng ngày sống như kẻ chết.

Và nếu tôi thực sự chết – thì vì sao trái tim tôi lại nhói khi chị rơi nước mắt vì tôi?

Tôi là Lê Thy Ngọc – và tôi không chắc mình sống hay chết. Nhưng có lẽ, nếu bàn tay chị vẫn còn nắm lấy tôi như thế này... thì tôi sẽ thử tin.

_______________

Nỗi đau đầu tiên không đến từ kim tiêm, thuốc men hay những cơn co giật nhẹ sau mỗi lần sốc điện. Nó đến từ một sáng bình thường, khi tôi nhìn thấy Tóc Tiên ngồi ở ghế chờ ngoài phòng điều trị, đầu gục xuống hai bàn tay, vai rung lên từng đợt. Lặng lẽ. Kiệt sức. Và lần đầu tiên, tôi thấy tim mình đau. Không dữ dội, không rõ ràng – chỉ là một nhịp co thắt mơ hồ, như thể thứ gì đó tưởng đã chết trong tôi bất ngờ nhúc nhích.

Bác sĩ bảo với tôi rằng quá trình điều trị sẽ dài, có lúc tốt lên, có lúc tệ đi. Tôi không để tâm. Tôi không tin. Nhưng tôi vẫn làm theo. Họ cho tôi thuốc – nhiều loại, đến mức tôi từng nghĩ chỉ có người sống mới phải uống nhiều thứ như thế. Họ cho tôi tập viết cảm xúc mỗi ngày, như thể tôi còn có khả năng gọi tên điều gì đó. Lúc đầu tôi chỉ viết một dòng: "Tôi chết rồi." Nhưng dần dần, tôi viết thêm: "Tôi mệt." Rồi "Tôi không biết mình là ai." Rồi "Chị đang khóc." Và rồi – "Tôi ghét làm chị buồn."

Tóc Tiên vẫn luôn ở bên tôi. Không thiếu một buổi hẹn nào. Chị ngồi với tôi trong phòng trị liệu ngôn ngữ, cùng tôi đọc những câu đơn giản, dạy tôi cách gọi tên đồ vật. Có hôm tôi nhìn cây kéo, không thể nhớ nổi tên nó, nước mắt cứ tự nhiên rơi. Tôi gắt lên: "Em đâu có sống, chị bắt em học làm gì?" Chị không giận. Chị chỉ ôm tôi, nói nhỏ: "Vì chị cần em sống lại, không phải chỉ thở. Em phải nhớ cách cảm nhận, cách gọi tên mọi thứ. Kể cả khi em nghĩ em không còn ở đây nữa."

Có hôm chị chở tôi về bằng xe máy, gió rít qua tai, tóc chị bay lòa xòa che cả nửa mặt tôi. Tôi nép sau lưng chị, lần đầu tiên cảm nhận được hơi nóng của ánh nắng hắt lên từ đường nhựa. Tôi hỏi: "Chị thấy em thật không? Có chắc em không phải ảo ảnh?" Chị phanh xe lại giữa đường, quay đầu nhìn tôi. "Không ai ôm chị từ phía sau mà là ảo ảnh cả, Thy."

Tôi bắt đầu mơ. Những giấc mơ ngắn, nhưng có hình ảnh. Có chị. Có tôi. Có tiếng cười rất nhẹ. Tôi kể cho chị nghe, chị cười rạng rỡ như mùa hạ. "Vậy là não em đang hồi phục rồi." Tôi không hiểu, nhưng trong lòng thấy gì đó ấm lên. Dù tôi vẫn thức giấc với cảm giác lạc lõng, nhưng dần dần, mỗi sáng tôi tỉnh dậy, tôi biết là mình đã tỉnh dậy, chứ không phải chỉ mở mắt trong trạng thái tồn tại.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng tiến bộ. Có hôm tôi lại trở về trạng thái cũ, ngồi hàng giờ trong góc phòng làm việc, lẩm bẩm "Tôi không tồn tại." Có lần chị bước vào, nhìn thấy tôi như thế, mắt đỏ hoe, chị đến ôm tôi từ phía sau, không nói gì. Chị chỉ ngồi đó, ôm lấy tôi thật chặt, mặc cho tôi nói ra những câu khiến người ta nát lòng. "Chị không cần giữ cái xác này nữa. Em không còn là người chị yêu đâu." Nhưng chị vẫn thì thầm vào tai tôi: "Thì chị yêu lại từ đầu. Từng chút một."

Tôi dần tập cười lại. Lúc đầu là cười gượng, rồi cười thật. Có hôm chị chọc tôi bằng một câu gì đó ngớ ngẩn, tôi bật cười, rồi lại khóc. Cái cảm giác vừa xa lạ vừa quen thuộc. Tôi bối rối, hỏi chị: "Em thật sự đang sống lại hả?" Chị chỉ nhéo mũi tôi một cái. "Ừ. Nhưng sống kiểu này phải chịu trách nhiệm nha. Không có bỏ chị nửa đường đâu đó."

Tháng thứ ba điều trị, tôi bắt đầu ra ngoài nhiều hơn. Chị dẫn tôi đến công viên, tới quán cà phê quen, đến những nơi chúng tôi từng đi. Mỗi bước chân đều mỏi, vì tâm trí tôi vẫn còn rối bời. Nhưng giữa những ngày lộn xộn ấy, tôi bắt đầu nhận ra: thế giới có mùi. Mùi hoa. Mùi đường phố. Mùi nước hoa nhẹ trên tóc chị. Và cả mùi sữa nóng mà chị hay làm mỗi tối – thứ từng nhạt nhẽo vô nghĩa, giờ khiến tôi thấy an lòng.

Tôi chưa khỏi. Tôi vẫn còn những ngày nghĩ rằng mình chỉ là một bóng mờ trên đời. Nhưng khác với trước đây, giờ tôi có điều để bám vào. Một tay, một giọng nói, một đôi mắt lúc nào cũng dõi theo tôi không rời. Tóc Tiên không chỉ giữ tôi lại – chị dắt tôi quay về từng bước một, dẫu cho tay tôi từng lạnh ngắt, tim tôi từng lặng câm.

Tôi là Lê Thy Ngọc – và nếu đau vẫn còn nghĩa là tôi đang sống, thì hôm nay, tôi đau. Và tôi biết, chị vẫn ở đây – nên tôi sẽ tiếp tục.

_____________

Tôi thức dậy vào một buổi sáng yên ắng, ánh nắng nhẹ lùa qua tấm rèm cửa, trải một dải mờ nhạt lên sàn nhà. Có tiếng chim kêu, rất nhỏ, không rõ ràng – nhưng tôi nghe được. Không phải nghe bằng tai, mà là bằng sự hiện diện. Bằng một thứ gì đó sâu bên trong ngực tôi, như thể mọi cảm giác đang bắt đầu chảy ngược trở lại.

Tôi nằm yên một lúc lâu, nhìn lên trần nhà trắng. Không có tiếng vọng nào trong đầu hôm nay. Không có suy nghĩ "Tôi chết rồi." Không có cảm giác lạc lõng như một bóng hình thừa thãi giữa thế giới. Thay vào đó, tôi chỉ cảm thấy – tôi đang nằm trên giường. Tôi đang chăn ấm, tay tôi đang đặt trên tấm drap hơi nhăn. Tôi hít vào một hơi, sâu. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, tôi cảm thấy được luồng không khí đi qua phổi mình là thật. Và khi tôi xoay đầu nhìn sang bên, tôi thấy chị đang nằm đó, quay lưng về phía tôi, hơi thở đều đều.

Tôi đưa tay ra. Chạm vào chị.

Chị ấm. Rõ ràng. Không phải một ảo ảnh. Và tôi cũng vậy – vì tôi đã cảm nhận được hơi ấm ấy lan qua lòng bàn tay tôi.

Tôi bật dậy, bước xuống giường, chân có hơi run nhưng không rệu rã. Tôi đi ra hành lang, chạm vào tường. Tường lạnh. Gió ngoài cửa sổ lùa vào, làm tóc tôi khẽ bay. Tôi đứng đó, nhìn vào gương. Một khoảnh khắc ngắn thôi – tôi thấy bóng mình. Thấy rõ. Không mờ nhòe, không nhạt nhòa, không như những lần trước tôi soi vào rồi phải ngoảnh mặt đi. Bóng tôi dính dưới chân tôi, trải dài theo nắng.

Tôi có bóng. Tôi tồn tại.

Tôi bật khóc.

Chị choàng tỉnh vì tiếng sụt sịt. Chị nhào ra khỏi giường, tưởng tôi lại hoảng loạn như những lần trước. Nhưng tôi không co ro trong góc. Tôi không run rẩy. Tôi chỉ đứng giữa hành lang, khóc như một đứa trẻ. Và khi chị chạy tới ôm lấy tôi, tôi nói:
"Chị ơi... em có bóng rồi."

Chị cứng người trong một giây, rồi cười. Không, chị vừa khóc vừa cười. "Ừ. Em có bóng. Em là người. Em là... em."

Sau hôm đó, mọi thứ như nứt ra một đường sáng nhỏ. Tôi không khỏi hẳn, nhưng những tia nắng bắt đầu lách vào tâm trí tôi mỗi ngày một rõ hơn. Tôi bắt đầu chủ động mở cửa sổ vào buổi sáng, để ánh sáng tràn vào phòng. Tôi tự chọn món ăn sáng. Tôi cười nhiều hơn. Tôi không còn hoảng loạn khi nhìn vào gương. Có ngày tôi vẫn lặng đi hàng giờ không nói, nhưng khi chị hỏi "Em ổn không?", tôi không còn trả lời "Em không tồn tại" nữa. Tôi chỉ nói, "Em đang cố hiểu cảm giác này." Và chị gật đầu, không thúc ép, chỉ ngồi cạnh tôi cho đến khi tôi nói thêm một câu gì đó.

Có một tối, tôi ngồi trên ghế, chị ngồi trên sàn dựa vào chân tôi. Chị bật bản nhạc cũ mà tôi từng thích. Tôi đặt tay lên tóc chị, mân mê nhẹ nhàng. Lòng tôi bỗng thắt lại. Không phải vì buồn – mà vì lần đầu tiên, tôi thấy sợ. Sợ rằng nếu một ngày tôi quay lại trạng thái cũ, tôi sẽ lại đánh mất cảm giác này. Tôi thì thầm: "Nếu em chết thêm lần nữa, chị còn chịu được không?"
Chị ngẩng lên, mắt đẫm nhưng kiên định. "Không. Nhưng chị sẽ chịu. Chị sẽ luôn đi theo em, dù là lần thứ bao nhiêu đi nữa."

Tôi ôm lấy chị. Một cái ôm thật – không còn sự mơ hồ. Tôi nghe được tiếng tim chị đập. Cảm giác đó khiến tôi tin rằng nếu còn có một thứ gì đó có thể giữ tôi ở lại thế giới này, thì chính là chị. Không phải thuốc. Không phải trị liệu. Là chị.

Đêm đó, lần đầu tiên tôi nói thành lời:
"Em nghĩ... em còn sống."

Chị siết chặt tôi trong vòng tay, không nói gì. Nhưng tôi biết – không chỉ tôi sống lại, mà cả hai chúng tôi – đã được sống lại cùng nhau.

Tôi là Lê Thy Ngọc – và nếu chị còn yêu em, thì em xin được tiếp tục tồn tại.

____________

Một năm kể từ ngày tai nạn. Một năm kể từ khi tôi nghĩ mình đã chết, rồi lại chết thêm nhiều lần trong chính ý nghĩ đó. Một năm để sống lại – từng chút một, từng hơi thở, từng mảnh vụn của bản thân được nhặt lại, bằng đôi tay người khác.

Hôm nay, căn nhà vẫn yên bình như thường. Không có gì đặc biệt – không bó hoa nào, không ánh đèn lung linh, không nhạc lãng mạn vang lên từ đâu đó như trong phim. Chỉ là một buổi chiều nhẹ, gió xào xạc ngoài ban công, mùi quýt từ bếp thoang thoảng, và tiếng nước nhỏ tí tách trong phòng tắm. Tóc Tiên đang rửa mặt, tôi ngồi trên giường, tự tay gấp lại chiếc áo len mà chị thường mặc mỗi tối khi trời se lạnh. Chiếc áo màu xám tro, hơi bai sợi, có vết xù nhẹ nơi tay áo – vì tôi hay nắm chặt mỗi lần mộng du giữa những giấc hoảng loạn.

Giờ tôi không còn làm vậy nữa. Không còn những đêm tỉnh giấc giữa mồ hôi lạnh, không còn cảm giác cơ thể mình là một lớp vỏ rỗng. Tôi sống. Không cần phải khẳng định to tát. Tôi sống – vì tôi vẫn có thể ngồi đây, nghe tiếng chị khẽ húng hắng ho trong phòng tắm, và tự hỏi lát nữa nên pha trà bạc hà hay sôcôla nóng cho chị.

Chị bước ra, tóc hơi ướt, mắt nhìn tôi – đôi mắt luôn khiến tôi thấy mình còn thật.
"Nhìn gì mà nhìn?" – chị hỏi, nửa trêu, nửa ngại.
Tôi mỉm cười. "Nhìn chị. Chị đẹp."
Chị liếc tôi. "Dạo này biết nói câu ngọt rồi ha. Chắc khỏi trị liệu nữa quá."
"Không đâu. Em phải trị suốt đời." – tôi ngừng một nhịp, nhìn sâu vào mắt chị – "Bằng tình yêu của chị."

Chị cười nhẹ, không đáp, chỉ tiến đến ngồi cạnh tôi, vùi mặt vào vai tôi như mọi khi. Nhỏ hơn tôi tưởng. Dịu hơn tôi nhớ. Hơi thở chị vẫn vậy – đều, trầm, và đầy tin tưởng.

Tôi kể cho chị nghe giấc mơ đêm qua – không phải ác mộng nữa, mà là một giấc mơ yên ả. Tôi thấy mình và chị ngồi bên nhau, uống trà trong một căn phòng đầy nắng, chị cười, còn tôi... tôi nghe được tiếng tim mình đập. Lúc kể xong, tôi nói:
"Chị biết không... em nghĩ, nếu hôm ấy em chết thật... chắc cũng không có gì tiếc nuối. Nhưng nếu em không tỉnh lại, em sẽ bỏ lỡ mất tất cả những điều nhỏ nhặt này."
Chị không trả lời ngay. Một lúc sau, giọng chị khẽ vang:
"Chị thì không. Nếu em không tỉnh, chị sẽ tiếc từng hơi thở em chưa thở. Từng cái ôm chị chưa kịp siết. Từng lần em chưa kịp gọi tên chị mà giọng vẫn còn nguyên vẹn."

Tôi im lặng. Không phải vì buồn. Mà vì lòng tôi yên đến lạ. Căn nhà vẫn thế. Không có gì hào nhoáng. Nhưng từng thứ trong nó – cái ly có vết mẻ, đôi dép chị hay đá lung tung, chiếc gối ôm cũ xì – đều có mặt tôi trong đó. Có mặt chị. Và có tình yêu – đủ đầy, bình dị, không ồn ào nhưng vững chắc như nền nhà.

Chiều xuống chậm rãi. Tôi đặt đầu lên đùi chị, chị vuốt tóc tôi như thể tôi vẫn là đứa trẻ hoang mang của một năm trước. Nhưng không – tôi đã khác. Tôi không còn là cái bóng. Tôi không phải một hồn ma. Tôi là tôi – có nhịp tim, có yêu thương, có một người ngồi cạnh, và một đời đang mở ra trước mặt.

Tôi ngẩng lên, hôn nhẹ lên mu bàn tay chị.
"Cảm ơn chị đã giữ em lại. Cảm ơn vì chưa từng rời đi."
Chị không nói gì. Chị chỉ cúi xuống, đặt một nụ hôn lên trán tôi, thật lâu. Rồi thở khẽ như một lời hứa:
"Lần sau, nếu em lạc nữa, chị vẫn sẽ đi tìm. Dù em ở đâu."

Và tôi tin.

Tôi là Lê Thy Ngọc – và tôi đã sống lại, bằng tất cả tình yêu mà chị dành cho tôi. Và lần này, em sẽ sống trọn vẹn... để yêu chị cho đủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com