Chương 3: Tuổi 20, chúng ta hãy giành lấy tương lai bằng công việc
"Tiêu chuẩn tuyển nhân viên của công ty chúng tôi là tinh thần tôn trọng nghề nghiệp. Tôi cho rằng, làm việc là quyền lợi cơ bản của mỗi con người. Một người có quyề n được sinh tồn trên thế giới này hay không, cần phải xem anh ta có nghiêm túc với công việc hay không. Công ty cho anh một công việc, tren thực tế chính là cho anh một cơ hội được sinh tồn, chỉ nghiêm túc nhìn nhận cơ hội này, anh ta mới xứng đáng với cơ hội mà công ty trao cho. Có thể làm tốt việc mà công ty giao cho hay không, năng lực không phải là nguyên nhân quan trọng nhất; khả năng có thể kém một chút nhưng nếu có tinh thần coi trọng nghề nghiệp, năng lực của anh cũng sẽ dần dần được nâng cao".
Tổng giám đốc mạng Sogou Ông Trương Triều Dương.
- Công việc không phải để kiếm tiền, mà để giành lấy tương lai
Trong thị trường nghề nghiệp hiện nay, vấn đề rất nhiều người, đặc biệt là những người mới ngoài 20 tuổi quan tâm tới không phải là công việc, mà là mức lương công việc đó mang lại. Trong mắt của họ, tiền lương chính là tiêu chí đánh giá giá trị của bản thân, mức lương tuyệt đối không được thấp hơn người khác. Một khi phát hiện ra mức lương của mình thấp hơn so với mức dự tính ban đầu hoặc thấp hơn so với những người có năng lực hay học lực không bằng mình, tâm lí họ sẽ bị mất thăng bằng, cảm thấy mình đang chịu thiệt thòi. Họ không hiểu rằng, nếu một người chỉ làm việc vì tiền lương thì người đó cả đời chỉ làm một người không có thành tích nổi bật, tài năng của bản thân bị mai một, sức sáng tạo cũng dần bị hủy diệt.
Còn những người tài giỏi thực sự thường rất ít khi chú ý tới tien lương, họ một lòng muốn làm tốt công việc, họ yêu thích cong việc của mình hơn cả những đồng tiền nhận được.
Tài sản của Bill Gates ước đoán khoảng 46.6 tỷ đô la Mỹ. Nếu mỗi năm ông dùng hết 100 triệu đô thì cũng phải tới 466 năm mới dùng hết số tiền này, vậy tại sao ngày nào ông cũng làm việc? Số tài sản của Steven Spielberg là 1 tỷ đô la Mỹ, số tiền này đủ để ông hưởng thụ một cuộc sống xa hoa như bậc đế vương, tại sao ông vẫn không ngừng quay phim? Năng lực làm việc thực sự của một người tới từ tình yêu đối với công việc và khát vọng được thực hiện giá trị bản thân. Giống như nhà tâm lí học Maslow từng nói: "Một người chỉ khi theo đuổi thực hiện giá trị của bản thân mới có sự nhiệt tình lâu dài nhất, mới phát huy được hết những khả năng tiềm ẩn của bản thân, phục vụ cho xã hội không giới hạn". Có nhiều lúc, một người chỉ coi trọng sự nghiệp nhưng tài sản thu về còn nhiều hơn những người suốt ngày chỉ lo kiếm tiền.
"Nếu có một công việc có mức lương cao hơn hiện nay, chắc chắn tôi sẽ chuyển việc". Những chàng trai ngoài 20 tuổi thường dễ dàng thay đổi công việc vì tiền lương. Họ không biết rằng, làm việc vì tiền lương sẽ bị những lợi ích nhỏ che khuất tầm mắt, khiến chúng ta không nhìn rõ con đường phát triển của tương lai. Nếu một người phấn đấu vì tiền lương, người đó sẽ có cuộc đời không bằng phẳng và cũng không đạt được thành công thực sự.
Công việc luôn đem lại cho chúng ta nhiều điều hơn những gì chúng ta bỏ ra. Nếu coi công việc là một cơ hội tích cực để học tập kinh nghiệm thì chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để trưởng thành; nếu chúng ta nghĩ rằng làm việc không chỉ để kiếm tiền mà để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn thì chúng ta sẽ bình tĩnh đối mặt với những thu nhập không lí tưởng ở hiện tại. Đàn ông ngoài 20 tuổi nhất định phải nhớ rằng, bất kỳ thời điểm nào cũng không nên coi tiền lương là mục tiêu cuối cùng của mình, bởi vì những mục tiêu ngoài tiền lương mới khiến bạn có bước tiến xa hơn.
Tuổi 20, dựa vào cái gì để giành lấy tương lai
Một ông chủ nói: "Trong tay tôi có 8 nhân viên tiếp thị, tỷ lệ tăng trưởng của hai người "cao thủ" nhất trong đó chiếm tới 50%. Tôi không thể để mất hai người này".
Hai nhân viên "không thể để mất" này chính là những nhân viên "có tính thay thế" cho ông chủ. Từ đó có thể thấy được địa vị của hai nhân viên này trong lòng ông chủ. Đối với việc này, Bill Gates cũng từng nói: " Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một tỷ phú, phú quý thực sự không phải là điều tôi mơ ước. Cho tới ngày hôm nay, thứ khích lệ tôi vẫn là chuyện kiếm tiền. Nếu cho tôi lựa chọn giữa sự nghiệp và tiền bạc, tôi sẽ chọn sự nghiệp. Một số tiền lớn gửi trong ngân hàng làm sao so sánh được với đội ngũ những người trẻ tuổi tràn đầy trí sáng tạo và nhiệt tình công việc. Trong lòng Bill Gates, những nhân viên tài giỏi còn đáng giá gấp nhiều lần số tiền mà ông có. Hiện thực vô cùng tàn khốc, vì lợi ích của bản thân, tất cả các ông chủ chỉ có thể giữ lại những nhân viên tốt nhất.
Tuổi 20, chúng ta dựa vào cái gì để giành lấy tương lai?
Mặc dù hiện nay những lời kêu gọi sinh viên lập nghiệp ngày càng nhiều, nhưng những người thành công vẫn chỉ là thiểu số, còn đa số mọi người đều lựa chọn dựa vào một nghề nghiệp nào đó để tìm kiếm tương lai. Công việc chính là công cụ để chúng ta giành lấy tương lai, chỉ khi chúng ta phấn đấu trở thành một người quan trọng trong lòng ông chủ thì mới có thể phát huy đầy đủ mọi tài năng và năng lực tiềm tàng của bản thân.
Nhưng trong thị trường việc làm hiện đại, rất nhiều chàng trai ngoai 20 tuổi không thực sự cảm thấy yêu thích công việc mình đang làm, cũng không suy nghĩ xem về lâu dài, công việc có thể mang lại cho mình điều gì mà chỉ quan tâm tới tiền lương. Nếu tiền lương thấp hơn yêu cầu của họ, họ sẽ chỉ làm việc mang tính chống đối, thậm chí trong lòng cảm thấy oán trách công ty vì đã trả mức lương thấp như vậy.
Hai năm trước, Mã Chí Viễn đã có thái độ ứng xử với ông chủ và công ty như vậy. Một hôm, anh gặp mặt một người hoc cùng trường nhưng tốt nghiệp trước anh vài năm.
Hai người nhanh chóng bàn tới chuyện hợp tác. Vừa bàn tới công việc, tâm trạng Mã Chí Viễn đã trở nên kích động, anh mắng ông chủ là "một người đáng ghét", là "con quỷ hút máu người", cả ngày chỉ biết yêu cầu nhân viên coi trọng nghề nghiệp mà không tăng lương cho họ.
"Tôi hận là không thể phá hoại công ty để cái con quỷ hút máu đó phải chịu tổn thất". Lúc giận dữ, Mã Chí Viễn còn đập tay xuống bàn.
"Cậu đã nghĩ tới chưa, tại sao ông chủ không chịu tăng lương cho cậu?". Người bạn bình tĩnh hỏi lại anh.
"Bởi vì ông ta tham lam vô độ, chỉ muốn ngựa chạy thật nhanh mà không muốn phải cho ngựa ăn cái gì". Mã Chí Viễn không cần suy nghĩ, nói nhanh.
"Có thể thực sự ông ta đúng như cậu nói, nhưng không còn nguyên nhân khác sao?". Người bạn hỏi tiếp, "theo lương tâm mà nói, cậu đã tạo ra những thành tích đáng để ông chủ vui vẻ chưa? Nếu cậu bỏ công ty, việc vận hành, hoạt động của nó có vì vậy mà chao đảo không?".
"Điều này ". Mã Chí Viễn vừa rồi còn thao thao bất tuyệt kể tội công ty, giờ trở nên ấp úng: "Nói thật, tôi luôn không toàn tâm toàn sức làm việc vì mức lương thấp quá, lấy đâu ra thành tích mà nói, bất quá chỉ là làm tạm kiếm bát cơm sống qua ngày mà thôi".
"Nếu cậu là ông chủ, cậu có chấp nhận tăng lương cho một nhân viên không có thành tích gì nổi bật không?".
"Đương nhiên là không". Lần này Mã Chí Viễn không còn ấp úng nữa.
"Vậy thì cậu hãy từ bỏ ý nghĩ phá hoại công ty mà toàn tâm toàn ý dồn sức vào công việc của cậu đi. Yêu quý nghề nghiệp, cần mẫn, chuyên tâm làm việc, cậu sẽ học được rất nhiều thứ, nắm vững được nhiều kỹ thuật quan trọng, tới lúc đó, cậu sẽ trở thành một nhân viên không thể thiếu được, đương nhiên tiền lương cũng sẽ tăng lên. Nếu không, không những không thể tăng lương, mà coi chừng có ngày nào đó ông chủ sẽ đuổi việc cậu đấy". Người bạn nói với Mã Chí Viễn.
Một năm trôi qua, người bạn đó lại gặp lại Mã Chí Viễn, phát hiện hình như anh đã biến thành một người khác, khi nói chuyện không những không còn phê phán ông chủ, ngược lại còn tỏ lòng cảm kích ông.
"Cậu vẫn làm việc dưới quyền của ông chủ tham lam đó hả?". Người bạn kinh ngạc hỏi.
"Tôi làm theo lời cậu khuyên, thật lòng cần mẫn, chăm chỉ cố gắng trong công việc. Kết quả là, ông chủ không những trả cho tôi mức lương như mong muốn mà còn cho tôi lên làm trợ lý".
Đàn ông ngoài 20 tuổi nếu muốn thành công, đừng bao giờ chỉ để mắt tới mức lương và chức vụ, đừng chỉ nghĩ rằng mình làm việc là vì ông chủ, người có lợi lớn nhất là ông chủ, còn bản thân chỉ nhận được tiền lương mà thôi. Thực ra, bạn làm việc là vì bản thân muốn tìm kiếm một "sân khấu" tốt hơn để phát huy năng lực, thực hiện lý tưởng và trách nhiệm của mình và vì để tích lũy một sự nghiệp mà bạn mong muốn, tạo cơ sở vững chắc cho tiền đồ sau này.
Tuổi 20, cuộc đời của chúng ta mới chỉ bắt đầu, nếu lúc này quá tham lam với lợi ích trước mắt, có thể bạn sẽ khiến mình trở thành người thiếu đi ý chí, trở thành người có tầm nhìn thiển cận. Tuổi 20, chúng ta cần tìm được một công việc xứng đáng để phấn đấu.
Trong xã hội hiện đại, do kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, cơ hội việc làm rất nhiều, bởi vậy thường xuyên có những thông báo tuyển nhân viên. Những người đàn ông ngoài 20 tuổi rất dễ dàng vì những lợi ích hiện thực trước mắt mà chuyển đổi công việc, cũng bởi vậy mà không tận tâm với công việc hiện tại. Chúng ta ở tuổi 20 cần phải trân trọng nghề nghiệp để nâng cao bản thân, chỉ có trân trọng nghề nghiệp mới có thể khiến mình trở nên xuất sắc hơn, từ đó có một tương lai tốt đẹp hơn.
Trân trọng nghề nghiệp mới có thể lập nghiệp
Hãy thử hỏi những sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp xem họ có dễ tìm việc hay không, e rằng có nhiều người sẽ nói là rất khó. Nhưng đồng thời, nếu hỏi giám đốc các công ty hiện nay có dễ tìm nhân viên không, cũng sẽ có một số người nói rằng, tìm được các nhân tài thích hợp với yêu cầu của công ty thực sự không dễ. Tuyệt đối không thể chỉ đưa ra lý do "thông tin không ăn khớp" để giải thích hiện tượng này. Không có tinh thần trân trọng nghề nghiệp, không làm tốt công việc của mình, làm sao bạn có thể tìm được điểm đột phá để lập nghiệp?
Trong hiện thực cuộc sống, rất ít chàng trai mới bước qua tuổi 20 có thái độ tốt với công việc của mình, nhất là những người làm công việc không như lý tưởng. Chúng ta luôn hy vọng có thể làm việc mình thích, sau đó mới yêu những gì mình đã làm.
Thông thường, lựa chọn nghề nghiệp mà mình yêu thích sẽ phát huy khả năng tiềm tàng của cá nhân, dễ thành công trong công việc. Nhưng có những lúc chúng ta không thể lựa chọn như vậy mà phải làm những việc không phù hợp với sở thích, nguyện vọng của bản thân. Trong tình cảnh này, đừng bao giờ làm việc với thái độ đối phó mà hãy học cách yêu quý những gì mình đang làm.
Hứa Kiệt tốt nghiệp tại một trường Đông y danh tiếng.
Việc chẩn đoán bệnh của Đông y cơ bản dựa vào kinh nghiệm, nhưng khi Hứa Kiệt còn ở trường lại chỉ muốn nghiên cứu lý luận của Đông y mà không biết dùng thuốc, bắt bệnh, bởi vậy, sau khi ra khỏi trường, anh đành "chịu ấm ức" tới làm tại một bệnh viện.
Bệnh viện này chủ yếu thiếu các bác sĩ lâm sàng, bác sĩ điều chế thuốc, bởi vậy Hứa Kiệt được đưa tới học tại phòng chẩn đoán, nhưng anh cho rằng làm như vậy là lãng phí nhân tài. Anh muốn cho dù không thể làm lý luận thì ít nhất cũng phải làm lãnh đạo. Đương nhiên, cuối cùng anh vẫn phải chấp nhận hiện thực, mang theo nỗi hối hận là mình đã chọn sai ngành học, bực bội đi làm.
Nhưng Hứa Kiệt mới làm được mấy ngày đã cảm thấy công việc này thật vô vị, những bác sĩ già, mùi thuốc Bắc khó ngửi, việc chẩn đoán khó khăn và cuộc sống đơn điệu khiến anh cảm thấy không thoải mái. Cả ngày anh chỉ biết than vãn về công việc, chán ghét cuộc sống. Mấy tháng trôi qua, ngay những việc cơ bản nhất trong Đông y là "vọng, văn vấn, thiết" anh vẫn không biết, ngay đến mạch của bệnh nhân cũng tìm không trúng, đừng nói tới việc kê đơn thuốc. Hứa Kiệt không những không ý thức được rằng, mình chỉ là người "nói được mà không làm được", ngược lại, đi tới đâu cũng nói rằng mình là sinh viên tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, ta thán rằng các lãnh đạo không biết nhìn người, rằng mình kém may mắn, không gặp thời.
Kết quả là, Hứa Kiệt bị đuổi khỏi bệnh viện.
Một triết gia từng nói: "Vật chất và đòi hỏi cao là hai sai lầm mà các thanh niên dễ mắc phải nhất và cũng là nguyên nhân khiến họ không thu được gì". Hứa Kiệt cũng chỉ vì phạm phải lỗi lầm này mà bị bệnh viện đuổi việc.
Chúng ta có thể phát hiện ra rất nhiều người "không thuận lợi" trong công việc, họ thường xuyên ta thán và cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của mìn h. Họ khô ng hi ểu, ta thán không phải là ngu yên nhân chủ yếu khiến họ mất việc làm, mà ngược lại, chính hành vi oán trách này đã chứng minh rằng, hoàn cảnh khó khăn của họ là do chính họ tạo ra. Đối phó với công việc, người chịu thiệt thòi nhiều nhất là chính mình, đây cũng là bài học tốt nhất cho những chàng trai vừa bước qua tuổi 20.
Có nhiều lúc, chúng ta không có lựa chọn, ví dụ, được sinh ra, công việc, mức lương, đãi ngộ, cái chết; có nhiều lúc, chúng ta lại có thể lựa chọn, ví dụ như tâm lí bi quan, thất vọng hay là tích cực tiến về phía trước. Vì không có sự lựa chọn nên chúng ta học được sự nhẫn nại, kiên trì, học được cách đối mặt với khó khăn, học cách thay đổi; bởi vì có thể lựa chọn, chúng ta càng có thể trực tiếp đối mặt với số phận, tích cực tìm hiểu và phát hiện giá trị của bản thân, tìm kiếm bầu trời thuộc về riêng mình.
Nếu coi công việc như một con tàu, những nhân viên yêu quý nghề nghiệp sẽ luôn bảo vệ con tàu, cho dù có phong ba bão táp, họ cũng có thể bình tĩnh nắm vững cần lái, điều khiển con tàu đi vào vùng biển rộng lớn hơn. Ngược lại, những người thiếu đi tinh thần tôn trọng nghề nghiệp, con tàu của họ lúc quay về phía Đông, lúc quay về phía Tây, có nhiều lúc họ lãng phí thời gian đi tìm nhưng rồi công việc cứ lần lượt nối nhau ra đi. Đây cũng là lý do vì sao, cùng là sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học nhưng sau vài năm, có người thành công, sự nghiệp huy hoàng, có người lại vẫn trắng tay.
Một người muốn thành công cần phải thay đổi thái độ nhìn nhận về công việc, cho dù làm việc gì cũng phải dốc hết sức lực. Bởi vì ý nghĩa của một sự việc nào đó không chỉ là bản thân sự việc mà còn có thể quyết định sự thành bại của bạn sau này. Một người khi đã lĩnh hội được bí quyết "yêu quý công việc mình đang làm và toàn tâm toàn lực thực hiện nó thật tốt", anh ta sẽ tìm được chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công.
Tôn trọng nghề nghiệp có lẽ trong một khoảng thời gian ngắn không nhìn thấy hiệu quả, nhưng về lâu dài, tác dụng của điều này là vô cùng to lớn, giúp bạn được người khác công nhận, được trọng dụng, có cơ hội được đề bạt. Nếu bạn là một thanh niên có lý tưởng, có trách nhiệm, vậy thì đừng lãng phí thời gian để oán trách công việc của mình, càng không nên sống vô vị. Tôn trọng nghề nghiệp mới là tiền đề và cơ sở để lập nghiệp. Có tinh thần tôn trọng nghề nghiệp mới có ý chí, khả năng để lập nghiệp, mới có thể tăng thêm cơ hội thành công. Tôn trọng nghề nghiệp có thể giúp bạn vui vẻ, có thêm dũng khí tiến về phía trước, có quyết tâm phấn đấu, từ đó đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra.
- Tuổi 20, hãy để bạn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
Phía trước, chúng tôi đã đề nghị mọi người hãy lựa chọn những công việc khó thay thế, hãy làm những nhân viên không thể thay thế được trong công ty. Nhưng bạn dựa vào điều gì để trở thành người khó có thể thay thế? Tôn trọng nghề nghiệp đương nhiên là điều không thể thiếu, nhưng bạn cũng đã thấy, một người mặc dù có tinh thần tôn trọng nghề nghiệp nhưng anh ta vẫn là người mà bất kỳ người nào khác cũng có thể thay thế được, bởi vì công việc anh làm là công việc mà người nào cũng có thể đảm nhiệm được.
Muốn trở thành người không thể thay thế được, cách tốt nhất là bạn hãy biến mình trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó.
Một kỹ sư phần mềm nắm vững được kỹ thuật cơ bản trong nghiệp vụ công ty, một bác sĩ nội (ngoại) khoa trong bệnh viện, một người lập kế hoạch có trí sáng tạo phong phú, một phóng viên nhạy bén với mọi tin tức và có khả năng viết ra những bài báo hay, một nhân viên ngoại giao tinh thông nhiều ngoại ngữ Những người như vậy, cho dù ở các công ty hay những doanh nghiệp lớn đều có thể nhanh chóng trở thành người được ngưỡng mộ. Nguyên nhân vì họ là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, những việc họ làm được thì người khác không biết làm, hoặc không làm giỏi như họ.
Khi 20 tuổi, chúng ta đều mơ ước thành công và có động lực để phấn đấu, nhất là sau khi bước chân ra khỏi cổng trường, chúng ta luôn cảm thấy kiến thức và kỹ năng của mình vẫn chưa đủ, thế là hôm nay lên kế hoạch học thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, ngày mai lên kế hoạch đi học PR, ngày kia lại vội vàng đi học về quảng cáo Chúng ta giống như một chú khỉ mới xuống núi, đào, dưa hấu, vừng đều muốn có, nhưng cuoi cùng lại chẳng có được thứ gì. Khả năng của một người chỉ có hạn, người xưa đã nói "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", nếu mỗi nghề chúng ta đều hiểu một chút nhưng lại không giỏi về chuyên môn thì e rằng sẽ không có cơ hội được tuyển dụng.
Có sở trường về một lĩnh vực nào đó vẫn tốt hơn là mỗi thứ chỉ biết một chút bề mặt. Không có sở trường, chuyên môn là một việc rất nguy hiểm, bởi vì như vậy có nghĩa là, bạn là người không có gì, bạn rất khó trở thành một người không thể thay thế trong công ty, rất khó tìm được một chỗ đứng vững chắc trong công việc. Chuyên môn chính là lưỡi búa của bạn, không có chiếc lưỡi sắc bén, chỉ dựa vào cán búa thì bạn không thể chặt được cây, càng không thể nói đến việc phá núi mở đường. Cũng giống như tiến sĩ Napoleon Hill từng nói: "Kiến thức chuyên môn là một con đường quan trọng giúp chúng ta biến nguyện vọng thành vàng. Cũng có thể nói, nếu bạn muốn có nhiều tài sản hơn thì hãy không ngừng học tập và nắm vững kiến thức chuyên môn có liên quan tới nghề nghiệp bạn đang làm. Bất luận thế nào, bạn đều phải trở thành chuyên gia số một trong công việc. Chỉ có như vậy bạn mới có thể thành rồng, thành phượng".
Tiểu Trương, Tiểu Vương và Tiểu Triệu cùng làm công việc thiết kế đồ họa trong một công ty quảng cáo. Một hôm, ba người nhận được nhiệm vụ vẽ thiết kế quảng cáo cho một công ty nhà đất, sau khi nhận nhiệm vụ, họ lập tức thu thập tin tức, tìm kiếm nguồn cảm hứng để mong có được sự sáng tạo tốt nhất. Tiểu Trương bắt đầu cảm thấy chán nản khi thu thập tin tức, "những tin tức về tòa nhà này vừa vụn vặt vừa ít, chỉ riêng việc thu thập tin tức đã mất một khoảng thời gian lớn, thay vì bỏ thời gian vào việc này, chi bằng mình cứ nghỉ ngơi vài ngày, dựa vào trí thông minh của mình, có lẽ chỉ một la t la tìm ra ca m hứng ". Thế là anh ở nhà nghỉ ngơi, sau đó vội vàng vẽ ra một bản thiết kế quảng cáo cho tòa nhà nhằm ứng phó với công ty. Bản thiết kế của anh không có chút hấp dẫn nào, tính sáng tạo và thẩm mĩ lại càng không có. Một bản thiết kế như vậy tất nhiên là không có giá trị, không được công ty nhà đất lựa chọn. Tiểu Vương sau mấy ngày thu thập tin tức cũng cảm thấy vô vị, anh cảm thấy công việc mình làm quá khô khan, hầu như tất cả mọi cảm hứng đều mất đi trong quá trình thu thập thông tin, hết sức cố gắng nhưng cũng không có được ý tưởng nào mới, nhưng anh lại nghĩ: "Dù sao mình nhận lương của công ty thì phải có trách nhiệm làm xong bản thiết kế này". Vì thế, anh ép bản thân phải thu thập và sắp xếp lại các thông tin quan trọng. Sau một thời gian cố gắng, cuối cùng bản thiết kế cũng hoàn thành. Bản thiết kế phản ánh một cách rất trung thực những đặc điểm quan trọng của tòa nhà, nhưng vẫn khiến mọi người cảm thấy còn thiếu một cái gì đó.
Còn Tiểu Triệu từ hôm nhận nhiệm vụ là bắt đầu thông qua mọi con đường để tìm kiếm thông tin hữu dụng về tòa nhà cần quảng cáo, hơn nữa anh còn mượn những cuốn sách về thiết kế quảng cáo nhà đất mới nhất, có liên quan tại thư viện về, sau đó anh học hỏi ở đồng nghiệp, bạn bè và vận dụng những kiến thức phong phú mình đã tích lũy, nhanh chóng tìm được cảm hứng thiết kế cho tòa nhà này. Cuối cùng, anh đã hoàn thành một tác phẩm đầy tính sáng tạo đúng theo thời gian quy định của ông chủ. Kết quả là mọi người đều thích tác phẩm của anh.
Cuối năm, công ty quảng cáo sa thải Tiểu Trương, giữ lại Tiểu Vương và Tiểu Triệu, có điều mức lương của Tiểu Vương và các khoản tiền thưởng, đãi ngộ khác đều không bằng Tiểu Triệu.
Năm năm sau, Tiểu Trương vẫn là người trắng tay, vì không có sở trường, chuyên môn gì, anh thường xuyên trở thành đối tượng bị các công ty mà anh làm việc "cắt giảm nhân sự" và anh không ngừng tìm việc; Tiểu Vương mặc dù rất nỗ lực trong công việc, nhưng vì không giỏi bằng người khác nên chỉ nhận được mức lương rất thấp; còn Tiểu Triệu đã trở thành một kỹ sư nổi tiếng cả thành phố, những bản thiết kế anh làm ra vừa hình tượng sinh động lại vừa cảm động lòng người, đã giúp công ty quảng cáo thu về rất nhiều lợi nhuận.
Tại sao cũng là yêu quý, tôn trọng nghề nghiệp nhưng Tiểu Vương lại không bằng Tiểu Triệu? Bởi vì, dù cần cù chăm chỉ nhưng vào thời đại kinh tế tri thức, những công việc kỹ thuật cao, trí tuệ cao đòi hỏi người lao động phải có tố chất cao, trong một môi trường xã hội rộng lớn thì yêu cầu về tính chuyên môn và hiệu quả công việc cũng cao hơn, bởi vậy, trình độ chuyên môn cao và kiến thức phong phú trở thành điều kiện tất yếu. Khi đối mặt với sự lựa chọn, ai chuyên nghiệp hơn, người đó sẽ giành được ưu thế trong cạnh tranh.
Có lẽ rất nhiều người như Tiểu Vương sẽ cảm thấy khó hiểu: Rõ ràng mình có năng lực hơn người khác, nhưng tại sao thành công của mình lại vẫn không bằng những người như Tiểu Triệu? Đừng nghi hoặc, cũng đừng trách móc, bạn hãy tự hỏi mình những vấn đề sau:
1. Bản thân có thực sự đang đi trên con đường tiến về phía trước?
2. Bản thân có nghiên cứu tỉ mỉ về mọi vấn đề nhỏ nhặt nhất trong lĩnh vực chuyên môn giống như các họa sĩ nghiên cứu về vải vẽ của mình hay không?
3. Để làm phong phú cho kiến thức của bản thân, hoặc tạo thêm nhiều giá trị cho ông chủ của bạn, bạn có chăm chỉ đọc những sách chuyên môn hay không?
4. Trong công việc của mình, bạn có thông hiểu hết mọi vấn đề có liên quan hay không?
Nếu bạn không thể đưa ra câu trả lời khẳng định cho những câu hỏi này thì đó chính là nguyên nhân khiến bạn không thể chiến thắng.
Tuổi 20, chúng ta nhất định phải học được những kiến thức chuyên môn, trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó, như vậy bạn mới có chỗ đứng vững vàng trong cạnh tranh và đạt được thành công.
- Đừng để sự cố chấp bó buộc bạn
Đã từng có một phóng viên hỏi một nhà doanh nghiệp thành công, bí quyết của thành công là gì? Nhà doanh nghiệp này không do dự, trả lời: "Thứ nhất là kiên trì, thứ hai là kiên trì, thứ ba vẫn là kiên trì". Nhưng cuối cùng ông lại nói một câu: "Thứ tư là từ bỏ". Đúng vậy, trong một số điều kiện nhất định, từ bỏ cũng là một con đường dẫn tới thành công.
Mấy hôm nay tâm trạng của Thành Lỗi lúc tốt lúc xấu, cũng giống như thị trường cổ phiếu lúc lên lúc xuống. Anh không thể hiểu được, tại sao cổ phiếu của người khác lên nhanh chóng, cả thị trường đều lên điểm, duy chỉ có cổ phiếu anh chơi là tụt dốc. Lúc đầu khi mới mua, nó cũng tăng điểm không ngừng, vốn dĩ định chờ tới luc lên tới mức giá lý tưởng thì sẽ bán ra, thấy tình hình tốt như vậy, anh chờ thêm mấy ngày, ai ngờ sau đó cổ phiếu của anh bắt đầu giảm điểm. Chỉ do dự một chút mà đã giảm điểm xuống bằng lúc mua. Nhớ lúc đầu mình có thể kiếm được một khoản tiền kha khá, lúc này mà bán ra, anh không cam tâm, thế là anh cứ cố chờ, và càng bị chìm sâu hơn, suốt cả quá trình đó anh không ngừng tham khảo ý kiến của các chuyên gia, mua thêm cổ phiếu lúc gia thấp, nhưng càng ngày càng không rút ra được.
Nghĩ một chút, nếu anh không cố chấp mà kịp thời bán cổ phiếu ngay khi giảm điểm rồi lại đầu tư vào cổ phiếu khác thì sẽ thu được lợi nhuận bù vào sự hao hụt trước. Thực ra, cuộc đời của con người cũng như vậy.
Khi đi học, chúng tôi từng làm một bài tập nhìn vào hình vẽ để viết bài: Trên hình có vẽ một người đang đào giếng, phái dưới là dọng nước tinh khiết, nhưng chỗ đào giếng không thấy có nước, người đó lại chuyển sang chỗ khác Dụng ý của bức tranh này rất rõ ràng, nói với chúng ta rằng, đừng đào giếng khắp nơi như người đó, cần phải kiên trì, đó chính là thắng lợi. Nhưng nếu vùng đất mà người đào giếng đang đào thực sự không có nước thì kết quả của sự cố chấp là gì?
Những người đi trước thường dạy chúng ta phải kiên trì, nhưng họ lại quên mất dạy chúng ta rằng, sự kiên trì phải có tiền đề là tin tưởng, rằng nếu mình cứ tiếp tục kiên trì thì sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng nếu biết rằng quân bài mình lấy được chỉ là một quân vô dụng thì đừng hy vọng ván bài này mình là người thắng cuộc; khi rơi vào bùn lầy, hãy biết kịp thời đứng lên, rời khỏi nơi đó; khi bị chó cắn, đừng hạ quyết tâm cũng cắn lại nó; lên nhầm xe buýt, hãy kịp thời xuống luôn ở bến sau và chờ xe khác.
Quách Cường làm công tác quản lý hành chính trong một công ty, hàng ngày lặp đi lặp lại một cách máy móc quy luật đi làm, tan làm, không những bao nhiêu nhiệt tình trước kia đều tan biến mà ngày nào anh cũng cảm thấy mệt mỏi. Anh ta thán với bạn bè rằng năm xưa mình đã chọn sai nghề nên không thể phát huy được các ưu điểm của bản thân, vì thế dù đã lớn tuổi mà vẫn không có sự nghiệp gì trong tay. Bạn bè cảm thấy kỳ lạ, hỏi anh tại sao không thử đổi một công việc khác, anh nói, làm lâu như vậy rồi, đã bỏ ra biết bao tâm huyết, cũng tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định, nếu giờ đổi nghề thì mọi thứ lại phải bắt đầu lại. Mặc dù không nhìn thấy có hy vọng, nhưng dù sao cứ tiếp tục kiên trì cũng tốt hơn là bắt đầu lại. Chính vì quan điểm này, Quách Cường đã kiên trì 5 năm đầu tiên, rồi lại kiên trì 5 năm tiếp theo, tới giờ thì anh rất khó để từ bỏ.
Cùng lúc đó, những người có hoàn cảnh như Quách Cường, khi phát hiện ra công việc không tốt, lập tức đi tìm công việc khác, bắt đầu lại từ con số 0. Đặc biệt, một người bạn học của anh 5 năm trước đã từ bỏ công việc nhân viên văn phòng có mức lương và đãi ngộ khiến người khác phải ngưỡng mộ để chuyển sang kinh doanh, ngày nay người đó đã trở thành một ông chủ lớn.
Có những lúc, từ bỏ còn cần dũng khí và ý chí hơn cả kiên trì. Và một người dám từ bỏ đúng lúc luôn là người có thành công lớn. Mặc dù từ bỏ sẽ khiến bạn cảm thấy đau khổ tạm thời, nhưng về lâu dài, từ bỏ chính là để có một sự lựa chọn tốt hơn; có cuộc sống tốt hơn; từ bỏ là biểu hiện của sự nhận thức kịp thời, đúng đắn. Thử nghĩ xem, nếu năm xưa Phạm Lãi không kịp thời từ bỏ mũ quan thì có lẽ ông đã không có cuộc sống nhàn hạ, cùng người đẹp Tây Thi ngồi thuyền uống rượu trên Tây Hồ mà là một số phận bi thảm.
Sở dĩ người ta khó có thể từ bỏ vì điều đó có vẻ như sự thừa nhận thất bại. Nền giáo dục truyền thống quan niệm, kẻ mạnh là người không bao giờ chịu thua. Bởi vậy, chúng ta thường bị những lời lẽ đầy màu sắc anh hùng làm kích động, cho dù biết rằng con đường phía trước không có ánh sáng nhưng vẫn kiê n trì đi tới c ùn g vơ i tinh tha n khôn g chịu khuất phục khó khăn, không bao giờ hối hận.
Đúng thế, con người cần có ý chí và nghị lực kiên cường để tiến tới mục tiêu. Nhưng, cuộc đời luôn thay đổi, có nhiều cách để đạt được mục tiêu, không phải lúc nào lựa chọn bạn đưa ra cũng là đúng, không phải lúc nào kiên trì cũng có thể giúp bạn đạt được thứ bạn muốn. Hãy nhớ, sau khi con người đưa ra lựa chọn thì trong quá trình phấn đấu còn thường xuyên phải điều chỉnh lại mục tiêu và có những thay đổi hợp lý. Đừng giống như con ruồi, biết rõ rằng phía trước là tấm kính dày nhưng vẫn lao vào, kết quả là tự hủy diệt bản thân. Người mà ngay nút thắt trái tim mình cũng không thể mở ra thì sao có thể trở thành người mạnh?
Tuổi 20, có lẽ bạn vẫn đang đi trên đường, có lẽ công việc trong tay chỉ như một cái chân gà, ăn thì vô vị, bỏ thì lại tiếc, lúc này, từ bỏ sẽ là sự lựa chọn tốt. Khi ngoài 20 tuổi, chúng ta từ bỏ tất cả để bắt đầu lại sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi ở tuổi 30. Nếu bớt đi một chút cố chấp và thêm nhiều lựa chọn sáng suốt, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức, con đường phía trước sẽ trở nên sáng rõ hơn.
- Có thể làm thử nhiều công việc, nhưng đừng thử nhiều đàn bà
Nắm vững nguyên tắc tiến lùi trong nghề nghiệp
Một người đàn ông ngoài 20 tuổi khi mới ra trường thường thích không ngừng tìm công việc mới, luôn cho rằng công việc sau sẽ tốt hơn công việc trước; tới khi gần 30 tuổi lại trở nên rụt rè, nhút nhát, xin được việc làm thì làm rất lâu. Đàn ông ở vào những năm cuối cùng của tuổi 20, nhiệt tình và độ linh hoạt của thời điểm mới ra trường đã không còn nữa. Họ sợ phải chuyển nghề, sợ những đãi ngộ mới không tốt bằng hiện tại, sợ tới năm 30 tuổi không có cách nào lập thân, sợ người yêu hoặc vợ chê trách Nhưng có lúc đời người cũng phải lấy lùi làm tiến.
Tại sao nước suối lại chảy quanh núi xuống? Bởi vì chỉ khi đi qua sườn núi nó mới duy trì được nguồn sức mạnh hoàn chỉnh nhất. Nếu bất chấp tất cả để chảy về phía trước, kết quả không phải là sườn núi bị mòn mà dòng suối sẽ bị phân làm hàng ngàn dòng khác nhau, trở thành những dòng chảy rất nhỏ không được lưu ý đến.
Đàn ông tuổi 20, nếu có người đề nghị bạn "dù mức lương thấp một chút cũng nên chuyển sang nghề khác", đừng bao giờ cho rằng đó là lời nghịch tai rồi không để ý tới. Ngoài 20 tuổi, bạn đã làm việc được mấy năm, có thể biết được tình trạng nghề nghiệp của mình. Cũng giống như trèo cây, nếu phát hiện ra cành cây mà mình trèo lên đã bị mục, cách làm duy nhất là phải trèo theo hướng khác.
Lý Nguyệt Bằng tốt nghiệp tại một trường đại học nổi tiếng, vừa tốt nghiệp đã vào làm công việc thiết kế mô hình điện thoại trong một công ty điện thoại di động rất lớn. Nhưng khi thị trường điện tín của Trung Quốc phát triển mở rộng hơn, các sản phẩm điện thoại di động của Nhật Bản và Hàn Quốc với giá thành ưu đãi tràn vào thị trường Trung Quốc. Di động sản xuất trong nước đứng trước những thách thức lớn. Nhìn thấy các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động trong nước lần lượt chuyển ngành hoặc đầu tư sang các hướng khác, Lý Nguyệt Bằng từ chức. Với trình độ tiếng Anh lưu loát, anh nhanh chóng tìm được công việc giao dịch. Một năm sau, Lý Nguyệt Bằng đã có một số lượng khách hàng nhất định trong lĩnh vực ngoại thương, thu nhập cũng tăng gấp mấy lần. Còn công ty mà anh làm trước đây vì không cạnh tranh được với các hãng điện thoại của nước ngoài nên đã tuyên bố phá sản.
Thử nghĩ xem, nếu Lý Nguyệt Bằng không nhận ra thế yếu của điện thoại di động sản xuất trong nước mà kiên trì hưởng thụ cuộc sống an nhàn tại công ty cũ thì liệu anh có thành tựu như ngày hôm nay không?
Chuyển nghề phải làm sớm, phải có một con mắt biết nhìn xa trông rộng, phải biết dự đoán về nghề nghiệp mình làm, đồng thời cũng chú ý tới các ngành nghề khác. Đàn ông ngoài 20 tuổi không nên lo sợ vấn đề chuyển nghề, bởi vì đó là điều không thể tránh khỏi. Kinh tế phát triển mỗi ngày một khác, các ngành nghề và chức vụ mới không ngừng xuất hiện, không ai có thể đảm bảo được rằng 10 năm sau mình vẫn không đổi việc. Trong tình hình đó, mỗi người cần nắm vữn g ca c kỹ năng công việc m ới để thích ứng với những cơ hội việc làm mới hơn, quá trình này tất nhiên sẽ gặp khó khăn nhưng điểm mấu chốt của vấn đề là sau này bạn sẽ nhận được những thành tựu xứng đáng.
Từ bỏ công việc đã quen thuộc, thậm chí là công việc mà mình đã có nhiều thành tựu để chuyển sang một công việc hay ngành nghề khác, điều này thực sự không dễ dàng, vì chúng ta không chỉ phải học lại, làm lại từ đầu mà còn phải gánh chịu những tổn thất kinh tế và áp lực gia đình, nhưng nếu coi đó là một sự đầu tư thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều: Không phải bạn đang đổi việc mà đang đầu tư vào một lĩnh vực mới.
Trong quá trình chuyển nghề còn có những bước lùi, vấn đề thu nhập giảm và chức vụ bị hạ xuống là điều khó tránh, nhưng chỉ cần phương hướng lựa chọn của bạn là chính xác thì những vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời, trong tương lai bạn sẽ có một mức lương và chức vụ cao hơn, bởi vậy, bạn nên "lùi một bước để tiến hai bước".
Những người vẫn tiếp tục làm công việc cũ thì thời gian càng lâu sẽ càng khó thay đổi. Ngoài 20 tuổi, khi chúng ta mới bắt đầu công việc chưa lâu, cái giá phải trả để thay đổi cũng sẽ không lớn, bởi vậy, nếu nhận thấy việc chuyển hướng là cần thiết thì đừng bao giờ do dự. Thời gian do dự, chờ đợi càng dài thì cái giá mà chúng ta phải trả càng lớn.
Đừng dễ dàng bước chân vào tình yêu, nếu đã yêu rồi thì đừng vội vã chia tay
Chúng ta khi mới ngoài 20 tuổi thường rất dễ dàng bước chân vào tình yêu và cũng dễ dàng vì những lý do nào đó mà nói chia tay nhau: Cô lấy lúc nào cũng xào rau nát, cô ấy lúc nào cũng coi mình là trên hết, không chú ý tới cảm nhận của tôi, trước mặt bạn bè, cô ấy không giữ thể diện cho tôi
Đàn ông ở tuổi 20, khi yêu thường mù quáng và nông cạn. Tình yêu thiếu đi sự chuyên tâm và quên mình, "nóng" nhanh mà "lạnh" cũng nhanh. Trên thực tế, yêu không chỉ là một cách biểu đạt tình cảm mà còn thể hiện trách nhiệm. Bắt đầu và kết thúc của mỗi chuyện tình đều hao tốn rất nhiều tinh thần cũng như vật chất. Tình yêu thiếu bình yên sẽ khiến tâm trạng không ổn định. Nỗi đau khi mất đi tình yêu thường để lại những thương tổn tinh thần, ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp, công việc và sức khỏe của bản thân. Không ít chàng trai ngoài 20 tuổi khi thất tình đã có những hành động tiêu cực như uống rượu, hút thuốc, chơi bời thâu đêm, chìm đắm vào các trò chơi điện tử, hoặc dùng một tình yêu chớp nhoáng khác để chữa lành vết thương lòng, dù biết rằng điều này không có gì tốt đẹp.
Tinh lực của mỗi người chỉ có hạn, nếu những người mới ngoài 20 tuổi tiêu tốn quá nhiều tinh lực vào chuyện yêu đương, vậy chúng ta phải dựa vào cái gì để phát triển sự nghiệp? Một tình yêu chớp nhoáng không những không thể ủng hộ và giúp đỡ bạn trong công việc cũng như cuộc sống, vậy thì tại sao bạn lại bước chân vào? Tình yêu chân chính sẽ thúc đẩy người ta tiến lên, giúp tinh thần được vui vẻ, thoải mái. Bởi vậy, cho dù bạn có liên tục gặp được những người phù hợp với mình nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên nếm trải những tình yêu mới.
Tục ngữ nói, hai người được ở cạnh nhau là nhờ có duyên phận, nếu bạn đã lựa chọn ở cùng với cô ấy, vậy thì hãy dùng trí tuệ của mình để nuôi dưỡng tình yêu của các bạn.
18 điều dưới đây rất đáng để bạn học tập:
1. Đừng hỏi phụ nữ những chuyện ngày trước. Nếu căn vặn những chuyện đã qua có lẽ bạn sẽ không chịu được, trong lòng thường xuyên nảy sinh những nghi ngờ.
2. Cũng như vậy, bạn đừng nói với cô ấy quá nhiều chuyện quá khứ, nhất là những mối tình trước đây của mình, rằng bạn đã từng yêu một người sâu đậm như thế nào.
3. Đừng giải quyết mọi việc chỉ bằng tình cảm.
4. Đừng quá gia trưởng. Phụ nữ của thời đại mới không còn là những người con gái bé nhỏ chỉ biết phục tùng số phận như trước kia, nếu bạn quá gia trưởng sẽ khiến người ta không chịu đựng nổi.
5. Đừng bắt cô ấy chịu đựng tâm trạng xấu của bạn. Bạn có thể chia sẻ nhưng đừng vì những vấn đề của công việc mà nổi giận với cô ấy.
6. Đừng khen một người phụ nữ xinh đẹp trước mặt một người phụ nữ khác. Bạn có thể khen họ ở các phương diện khác, ví dụ như vẻ đẹp tâm hồn, điều đó sẽ khiến cô ấy nhận ra mình còn thiếu những nét đẹp gì trong tính cách và hiểu rằng cần thay đổi bản thân.
7. Đừng so sánh người yêu cũ của bạn với cô ấy, nhất là nói rằng người yêu cũ của bạn tốt như thế nào, như vậy là không công bằng. Mỗi người đều có ưu khuyết điểm riêng của mình, hơn nữa, bạn đã chọn cô ấy thì chứng tỏ cô ấy có một ưu điểm nào đó khiến bạn say mê.
8. Nên nắm tay hoặc ôm cô ấy trước mặt bạn bè, như vậy cô ấy sẽ cảm thấy bạn quan tâm tới mình. Biểu hiện những cử chỉ âu yếm trước mặt người khác một cách phù hợp cũng là điều nên làm.
9. Đừng nhìn ngắm mãi những người phụ nữ khác trên đường trong khi nắm tay cô ấy.
10. Đừng kể hết lịch sử tình ái của mình, cho dù đó là những chuyện trước đây hay hiện tại.
11. Hãy nói những lời có cánh, những câu nói ngọt ngào trong những hoàn cảnh thích hợp, nhưng đừng lạm dụng chúng.
12. Đừng dễ dàng nghi ngờ một nửa của mình, nếu không tin người yêu, bạn sẽ khiến cô ấy cảm thấy bạn không có tự tin và tâm địa hẹp hòi.
13. Đừng tìm cách trói buộc một người phụ nữ, hãy tin tưởng rằng vòng tay ấm áp của bạn chính là chỗ dựa cả đời cho cô ấy.
14. Cần biết cách quan tâm tới một nửa của mình, nếu cô ấy mệt thì bạn hãy gửi tin nhắn an ủi, điều này còn tốt hơn việc mua một món quà.
15. Đừng tỏ ra hiểu những việc mà mình không biết, phụ nữ hiện đại rất thông minh, họ sẽ nhìn ra sự giả dối của bạn. Nếu bạn có vấn đề gì không hiểu thì hãy nói ra, đừng ngại.
16. Hãy làm lành với người yêu khi bạn có lỗi, nếu không cô ấy sẽ thất vọng vì bạn.
17. Đừng nói quá nhiều đến chuyện tương lai khi đang yêu nhau, như vậy sẽ khiến cô ấy sợ mà không dám cùng bạn đi tới lễ đường của hôn nhân (để đi đến hôn nhân cần có sự tự nguyện, duy trì hôn nhân cần phải có trí tuệ, ly hôn thì cần có dũng khí).
18. Không nên nói đến chuyện tình dục khi mới bắt đầu yêu nhau, như vậy sẽ khiến cô ấy lánh xa bạn.
Tuổi 20, hãy trân trọng mỗi công việc mà bạn làm, mỗi tình yêu mà bạn có. Hãy phát triển công việc của bạn giống như nuôi dưỡng tình yêu, hãy đối xử thật lòng với người yêu và tôn trọng nghề nghiệp của mình.
- Không làm một chú thiên lý mã không gặp thời
Đàn ông tuổi 20 luôn ta thán rằng mình là một chú thiên lý mã không gặp thời; làm nhân viên văn phòng, cảm thấy mình là người có tài năng tuyệt đỉnh nhưng không thể giống như Khương Tử Nha ngồi câu cá gặp được Chu Văn Vương đang cầu người tài; làm công tác phần mềm, cảm thấy mình chẳng kém cỏi gì so với Trần Thiên Kiều, Trương Triều Dương, chỉ là thiếu đi một chút may mắn như họ mà thôi; vẽ thiết kế, cảm thấy ý tưởng của mình thật tuyệt vời nhưng vẫn không có ai hiểu được các tác phẩm mình sáng tạo
Trong xã hội luôn có những kiểu người như thế, họ có tài năng thiên phú khiến người khác ngưỡng mộ, nhưng luôn cảm thấy bất an khi công việc không có thành tựu đặc biệt; họ cũng có kiến thức sâu rộng, nhưng chỉ có thể trở thành một người không có gì nổi trội; xét về năng lực, họ là những người xuất sắc trong đám bạn bè; xét về tiền lương, họ lại chỉ có thể nhìn và ngưỡng mộ người khác. Họ là thiên lý mã, nhưng lại không nhận được sự chú ý. Bạn có phải là một trong số họ? Nếu gặp phải vấn đề như thế này, chúng ta nên đối mặt ra sao?
Tự xét lại xem có phải bản thân có khiếm khuyết nghề nghiệp nghiêm trọng không
Những người không gặp thời thươ ng xuyên oán trách cấp trên không công nhận tài năng của mình. oán trách đồng nghiệp bài xích mình, oán trách môi trường của công ty quá nhỏ bé, không thích hơp cho một tài năng như mình
Tục ngữ nói rất hay: "Người đáng thương chắc chắn sẽ có chỗ bi thương". Tại sao bản thân mình lại trở thành một người đáng thương khô ng gặp thời? Có phải vì bản thân mình có chỗ nào không tốt? Nếu bạn có thể trả lời những câu hỏi này thì quãng đời kém may mắn của bạn đã sắp kết thúc rồi.
Triệu Nhất Dân tốt nghiệp tại đại học Thanh Hoa nổi tiếng, làm việc tại phòng IT của một doanh nghiệp nhà nước. Anh có hiểu biết sâu rộng về máy tính, hơn nữa lại rất nhiệt tình, nhưng làm việc 5, 6 năm mà hầu như chưa bao giờ được giao nhiệm vụ nào quan trọng, bởi vậy anh vẫn chỉ là một nhân viên bình thường không được chú ý tới, mức lương cũng thấp. Triệu Nhất Dân cảm thấy lãnh đạo đã lãng phí một nhân tài như mình.
Tình cờ, Triệu Nhất Dân gặp ông Trần, tổng giám đốc một doanh nghiệp tư nhân. Ông Trần trước khi phát tàicũng giống như Triệu Nhất Dân, làm việc trong một doanh nghiệp quốc doanh; "đồng bệnh tương liên", nhớ lại tình cảnh của mình năm xưa, ông nói chuyện với Triệu Nhất Dân. Tư duy rõ ràng mạch lạc, trình độ chuyên môn tài giỏi của Triệu Nhất Dân đã tạo ấn tượng rất tốt với ông Trần. Ông Trần quyết định để anh kiêm chức phát triển một hệ thống kho dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với công ty.
Giai đoạn đầu, công việc tiến triển nhanh chóng, ông Trần vô cùng vui mừng. Nhưng khi đi vào chuyên môn sâu hơn, tiến độ dần dần chậm lại, Triệu Nhất Dân nói là do công việc bận rộn, không giải quyết được, ông Trần thúc giục mãi nhưng không thấy công việc có tiến triển. Theo tiến độ thời gian đặt ra lúc đầu thì trong 1 tháng phải hoàn thành phần một của công việc, nhưng đã 3 tháng trôi qua mà một nửa của phần đó vẫn chưa xong. Ông Trần lại thúc giục, Triệu Nhất Dân bèn nói tới vấn đề đãi ngộ và yêu cầu lắp đặt những thiết bị tiên tiến nhất, đi ngược lại thỏa thuận ban đầu. Điều này buộc ông Trần phải suy nghĩ lại toàn bộ câu chuyện: Chi phí phát sinh trong một năm cao hơn rất nhiều so với chi phí của bản thân thiết bị, thật là "mua được ngựa mà không mua được yên". Đã 8, 9 tháng trôi qua, công việc đầu tiên của hệ thống kho dữ liệu lẽ ra phải hoàn thành trong 1 tháng vẫn chưa có chút kết quả nào, bất đắc dĩ, ông Trần buộc phải quyết định ngừng thiết kế hệ thống này. Cuối cùng ông Trần cũng hiểu tại sao Triệu Nhất Dân tốt nghiệp từ một trường đại học nổi tiếng nhưng lại "không gặp thời". Ông cảm thấy may mắn vì lúc đầu không mời gọi "nhân tài" này tới làm việc tại công ty.
Từ câu chuyện kể trên, chúng ta thấy, Triệu Nhất Dân đã phạm vào một lỗi mà những người làm kỹ thuật chuyên môn thường mắc phải, đó là, vào thời khắc quan trọng nhất, họ thường dựa vào kỹ thuật chuyên môn của mình để thỏa mãn lòng tham. Những "nhân tài" không nghĩ tới đại cục, chỉ lo tư lợi cá nhân này có một khuyết điểm nghề nghiệp chí mạng. Những người có khuyết điểm này có thể tồn tại trong các doanh nghiệp quốc doanh, nhưng trong các doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường, e là họ không được may mắn như vậy. Nhưng thật đáng tiếc, trong hiện thực cuộc sống, khiếm khuyết này không những thường xuyên xảy ra trong các nhân viên kỹ thuật mà thậm chí còn được họ sử dụng như một kiểu trao đổi kinh nghiệm và được coi là "chìa khóa" sinh tồn của bản thân.
Làm thế nào để thay đổi tình trạng "không gặp thời" Một người đang làm việc cho rằng mình là người không gặp thời, vấn đề căn bản nằm ở chính bản thân người đó.
Thông thường, có 4 điểm sau:
Một là tài năng kém. Đừng trách người khác không bằng mình, hãy trách tài năng của mình không bằng người khác. Tự cho rằng mình có tài xuất chúng nhưng thực ra trình độ của bản thân còn cách mức đó rất xa. Rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp gặp phải vấn đề này, họ luôn cho rằng các lãnh đạo không coi trọng mình và muốn được chứng tỏ bản thân, nhưng khi cơ quan, tổ chức giao việc thì lại có hai trạ ng thái tâm lí : Một là kho ng biết cách làm như thế nào; hai là mù quáng cứ làm theo cách mình nghĩ, kết quả là càng làm càng sai. Bởi vì những hiểu biết của họ vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề thực tế.
Hai là không giỏi giao tiếp. Đàn ông ngoài 20 tuổi thường rất kiêu ngạo, coi thường những người có học lực thấp hơn mình. Nhưng mọi việc trong xã hội luôn phức tạp, không phải cứ có tài là có thể chiến thắng, người khác ghét sự kiêu ngạo của bạn sẽ tìm cách để phê phán bạn. Với cấp trên, vì tài năng của bạn uy hiếp tới sự sinh tồn của họ, nếu bạn không khéo léo trong ứng xử, họ sẽ đàn áp bạn, không cho bạn được xuất hiện, từ đó bạn sẽ trở thành một người "không gặp thời".
Ba là tài năng không tiến bộ theo thời gian. Cùng với sự phát triển của thời đại, kiến thức và kỹ thuật thay đổi rất nhanh, những kỹ năng mà một người từng rất thuần thục có thể chỉ trong phút chốc đã trở nên vô dụng. Bởi vậy, khi làm việc, học tập là điều vô cùng cần thiết, chỉ khi duy trì trạng thái luôn luôn học tập kiến thức mới, nắm vững các kỹ năng mới, bạn mới có thể duy trì tuổi xuân cho tài năng của mình.
Bốn là nguyên nhân khách quan. Không thể phủ nhận rằng, việc bạn không được trọng dụng còn do những nguyên nhân khách quan. Ví dụ, những hạn chế của thể chế, hoặc là thời cơ không thích hợp, hoặc bạn gặp phải cấp trên khát khao quyền lực, muốn kìm hãm mình. Đối mặt với những nhân tố khách quan này, bạn có thể lựa chọn thái độ thuận theo tự nhiên, chấp nhận sự tồn tại của những tiêu cực này, từ đó cân bằng lại tâm lí; hoặc có thể áp dụng các biện pháp tích cực, thông qua các phương thức như đổi việc để tìm kiếm một môi trường thích hợp với mình hơn.
Con đường tốt nhất để thay đổi việc "không gặp thời" là học cách thông qua mọi con đường để cấp trên chú ý tới thành tích của bạn, khen ngợi sự nỗ lực của bạn; vào những thời điểm thích hợp, hãy chứng minh cho lãnh đạo thấy năng lực cũng như thành tích của bản thân chứ đừng chỉ âm thầm làm một anh hùng vô danh. Ngoài ra, đừng tự cho rằng mình là người quan trọng nhất mà hãy thử trải qua cảm giác khi đứng trên góc độ mình là lãnh đạo để nhìn nhận vấn đề, hãy làm việc theo yêu cầu của cấp trên chứ không phải vì sở thích của cá nhân, như vậy bạn sẽ nhận được sự tán dương của cấp trên và nhanh chóng được trọng dụng.
Nếu bạn là một chú Thiên lý mã, vậy thì vào bất cứ lúc nào cũng phải duy trì lòng tự tin cao độ của mình, đây chính là sự chuẩn bị đầu tiên và quan trọng nhất để bạn bước một bước dài hơn.Trên con đường đi tới thành công, sau khi trải qua nhiều việc không như ý muốn, con người thường mất đi động lực tiến về phía trước, nhưng bạn phải hiểu rằng, thực ra "không gặp thời" không phải là vấn đề nghiêm trọng, điều đáng sợ là bạn cứ sống những ngày tháng bình thường, không có chí tiến thủ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com