#Những_đứa_con_trong_gia_đình
Chủ đề: Cha mẹ nên hay không nên có biểu hiện “gia đình mình chẳng khá giả gì” trước mặt con cái?
Người dịch: Trang Hoàng (có lược dịch)
[+3887 bình luận] [+31499 quan tâm] [+14098486 lượt xem]
Link: https://www.zhihu.com/question/296333267
Hôm nay, ở quán KFC, tôi bắt gặp một câu chuyện như thế này:
Một người bố dẫn con mình vào quán và gọi cho con một suất ăn của trẻ em. Khi đứa bé đang ăn, người bố nói với nó rằng: “Con ăn bữa này tốn nửa ngày công của bố rồi đấy”. Đứa bé áng chừng tầm 7, 8 tuổi gì đó, tuy bé im lặng không nói gì, nhưng tôi có cảm giác rằng, nó hiểu tất cả những gì bố nó vừa nói.
Tôi sống ở một thành phố hạng ba. Ở những nơi như thế này quả thật thu nhập của người dân không được cao cho lắm. Lúc nhỏ, tôi cũng đã từng nghe người lớn trong nhà nói với lũ trẻ những câu đại loại như “Nhà không có tiền nhưng cũng cố mua cho mày rồi đấy” hay “Tao thắt lưng buộc bụng cũng là để dành hết cho mày đấy”.
Thật ra, thâm tâm tôi vô cùng mâu thuẫn. Tôi hiểu rất rõ rằng đối với những gia đình bình thường ở cái thành phố hạng ba này, kinh tế quả thật là một vấn đề khó nói, thế nhưng tôi cũng không khỏi xót xa cho những đứa trẻ đáng thương từ khi sinh ra đã phải chịu áp lực cơm áo gạo tiền (dù chúng chẳng làm gì sai cả).
Thế nên, tôi rất muốn thảo luận với mọi người về vấn đề này.
Trong câu chuyện tôi vừa kể trên, nếu như người bố đợi con mình ăn xong rồi mới hỏi đứa bé là: “Con biết bữa ăn này của con đáng giá bao nhiêu không?”
Đứa bé có thể tự nó biết và trả lời, hoặc nếu nó không biết, người bố sẽ trả lời như thế này: “Nửa ngày công của bố đó con. Con xem, bố thương con biết nhường nào”
Nếu câu chuyện diễn ra theo hướng như vậy thì sẽ không bị coi là thể hiện sự nghèo khó trước mặt con trẻ.
----------------------------------
[Chuỗi giai điệu nhẹ nhàng] [+39377 likes]
Trong giáo dục ở gia đình, có 2 thứ đáng sợ nhất là “sự bỏ ra” và “sự hy sinh”.
Những bậc làm cha làm mẹ nuôi dưỡng con cái, một khi có tư tưởng mình là người “bỏ ra”, mình là người “hy sinh” thì sẽ cảm thấy việc nuôi dạy con trẻ này vô cùng vất vả, tự cho bản thân là vĩ đại và trong tiềm thức luôn có tư tưởng con cái đang nợ mình công ơn dưỡng dục. Những đứa trẻ tiếp nhận luồng tư tưởng này sẽ luôn nghĩ mình là gánh nặng của cha mẹ, từ đó đồng thời mất đi cảm giác an toàn.
Ăn một bữa KFC: “Bữa này tốn của tao bao nhiêu tiền.”
Mua một món đồ chơi: “Vì mua cho mày thứ này mà tao với bố mày chả dám mua cái gì khác.”
Từng niềm vui nho nhỏ, từng ước nguyện của con trẻ được thực hiện luôn đi liền với cảm giác tội lỗi. Nếu mọi việc cứ tiếp tục diễn ra như vậy trẻ con sẽ càng ngày càng kìm hãm bản thân bởi chúng không muốn mang trên mình cái cảm giác tội lỗi kia. Và khi ở mức độ cao, chúng càng lúc càng ít ước mơ hay thậm chí là không có cả một ước mơ nhỏ nhoi nào cả. Thế nhưng cho dù đã đi đến tình trạng này rồi, vẫn còn có những người cha người mẹ sẽ nói:
“Nuôi dạy mày, cho mày ăn học chẳng dễ dàng gì”
“Hồi đẻ mày ra, tao đã chịu đựng biết bao vất vả khổ sở”
“Đống hoa quả này tao chỉ dám ăn dè sẻn, còn lại đều để dành cho mày hết. Mỗi tí này thôi mà bao nhiêu tiền của cả đấy”
…
Chỉ là những câu nói tùy tiện thôi thế nhưng cứ như vậy tháng này qua năm nọ sẽ có ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến suy nghĩ của con trẻ. Thế nhưng những bậc làm cha làm mẹ lại không bao giờ chịu suy nghĩ thấu đáo vấn đề này cho chính con cái của mình.
Trước đây, đã từng có một phụ huynh học sinh tới trường tìm tôi than thở rằng: “Con trai tôi lúc nào cũng ăn ở luộm thuộm. Ngày nào tôi cũng tốn bao nhiêu thì giờ công sức dọn phòng cho nó. Vất vả như vậy mà nó chả bao giờ biết điều, nói nó vài câu thì nó lại giận dỗi bực tức, nhờ cô khuyên bảo cháu nó giúp tôi”
Tôi gọi con của vị phụ huynh này đến nói chuyện:
- Em có cần mẹ ngày ngày dọn phòng cho không?
- Dạ em có cần đâu ạ. Lúc nào mẹ dọn xong đồ đạc của em cũng loạn hết cả lên, nhiều thứ còn không cánh mà bay. Em cũng nói với mẹ nhiều lần là không cần dọn dẹp phòng con rồi nhưng mẹ vẫn cứ đòi dọn cho bằng được.
Nghe xong, tôi nói lại với mẹ học sinh rằng: “Vấn đề được giải quyết rồi, từ nay chị không cần phải dọn phòng con chị nữa đâu”
Vị phụ huynh này cảm thấy khá khó chịu. Bà ấy có lẽ đang nghĩ là tại sao một giáo viên cấp 3 lại có thế giải quyết vấn đề một cách hời hợt như vậy.
Tôi nói tiếp: “Vấn đề ở đây có lẽ không chỉ đơn giản ở việc dọn dẹp nhà cửa. Những việc mà chị làm mà không can tâm tình nguyện thì đương nhiên sẽ cảm giác vô cùng khó chịu bức bối. Nếu vậy chị có thể lựa chọn không làm. Thế nhưng khi chị đã làm rồi thì đừng có kêu ca với những người thân yêu của chị một câu nào cả, bởi vì như vậy không giúp chị vui vẻ hơn chút nào mà ngược lại chỉ càng khiến chị thêm mệt mỏi. Vả lại, trong thực tế, đã rất nhiều lần họ nói với chị không cần phải làm những việc như vậy, chỉ cần chị vui vẻ thoải mái là được. Thế nhưng, có vẻ như chị đã từ chối cái quyền hạnh phúc ấy. Chị tin tôi đi, nếu một ngày chị không nấu cơm nữa, họ sẽ chẳng thể để cho bản thân họ đói, hay nếu một ngày chị không giặt quần áo, họ cũng sẽ chẳng thể để để chính họ trần chuồng ra đường đâu.”
Vị phụ huynh này nghe tôi nói xong trông mặt có vẻ không vui cho lắm. Chị ấy có thể sẽ nghĩ mình bỏ ra nhiều như vậy, hy sinh nhiều như vậy mà tại sao lại không nhận được bất cứ sự đồng tình ủng hộ nào.
Hôm sau, học sinh này đến nói với tôi rằng, mẹ em ý về nhà kể lại lời tôi nói với bố mình, ông chồng đã phải thốt lên rằng: “Cuối cùng bà cũng gặp được người khai sáng”.
Trước khi sinh con, bạn nên tự hỏi chính mình: “Đứa con này có phải mình tự nguyện sinh ra không?” Nếu đã sinh con ra rồi, bạn phải chịu trách nhiệm về quá trình trưởng thành của con mình, cả về mặt điều kiện vật chất lẫn đời sống tinh thần.
Vậy nên, đừng có trước mặt con trẻ kêu ca là sinh con ra mẹ khổ thế nào, phải chịu đựng những gì, cũng đừng dẫn đứa bé đi mua đồ chơi rồi ngay ở cửa hàng đồ chơi lại nói với nó rằng món đồ này là bố mẹ dùng tiền mồ hôi xương máu mua cho con đấy.
Các bạn thử nghĩ xem, những đứa trẻ phải sống như vậy đáng thương nhường nào. Trong khi đó, các bạn với suy nghĩ mình là người hy sinh thì sẽ không bao giờ cảm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc được nhìn con trẻ trưởng thành.
Thêm vào đó, việc bạn nói với con cái rằng vì nuôi con mà bố mẹ phải làm việc vất vả này nọ căn bản chả có một chút đạo lý nào cả.
Không có con cái thì bạn sẽ không làm việc ư?
Sinh con đau đớn, không phải lỗi của con cái.
Kiếm tiền vất vả đương nhiên cũng không phải lỗi của chúng.
Những bậc làm cha làm mẹ xin hãy hiểu rõ rằng, tất cả những điều này đều là do chính các bạn lựa chọn. Nếu các bạn biết cảm nhận được niềm hạnh phúc từ sự lựa chọn của mình thì dù có vất vả bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng vẫn sẽ cảm thấy những gì mình bỏ ra là xứng đáng.
Đạo lý này cũng đúng cả với tình yêu, tình bạn hay trong bất cứ một mối quan hệ nào khác nữa.
=>>[Một vũ điệu rực rỡ] [+4762 likes] “Sinh con là chuyện ích kỷ nhất trên đời bởi nó dùng sinh mệnh của con cái để hoàn thiện cuộc đời của chính những người cha, người mẹ. Mọi người đều nói cha mẹ vất vả, thế nhưng thực ra tình yêu mà cha mẹ dành cho con chính là sự chịu trách nhiệm đối với chọn lựa của chính bản thân họ. Người xứng đáng nhận được lời cảm ơn chính là đứa trẻ, bởi nó dạy người cha, người mẹ trưởng thành, khiến cho những bậc cha mẹ cảm nhận được thứ tình cảm không so đo, tính toán thậm chí dùng cả tính mạng để yêu thương. Đó cũng chính là một loại tự do.” Trong cuốn “Tìm thấy bạn” có viết như vậy.
=>> [Ok Mao] [+2298 likes] “Khi đó sinh mày ra tao đã phải chịu bao nhiêu khó nhọc vất vả”
“Thì con cũng có cần mẹ sinh con ra đâu. Con buồn vì được sinh ra trên cõi đời này đấy”
=>> [Chú gà con có lý tưởng] [+2545 likes] Nếu nuôi con chỉ để có người chăm sóc khi tuổi già sức yếu thì tình mẫu tử hay tình phụ tử chẳng phải là câu chuyện hài hước nhất thế gian ư?
Nguồn: Zhihu Vịêt Nam
Bởi vì mình thấy cái này rất hay nên muốn cop qua đây, còn rất nhiều top pic hay trên trang nữa, nếu muốn bạn có thể tìm trên fb
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com