Hoạ địa vi lao
- Cô ơi, cho con hai phở bò như cũ nhé ạ, một bát cho nhiều hành, một bát không hành ạ.
- Ô này không phải thằng Thiên đây sao? Ôi trời, lâu quá không gặp, dạo này khoẻ không con?
Quốc Thiên mỉm cười, ngoan ngoãn đáp lại:
- Dạ con khoẻ. Đợt này được nghỉ nên con ra Bắc chơi một chuyến dì ạ.
Cô bán phở vẫn múc nước dùng không ngớt, vui vẻ tiếp chuyện với anh:
- À thế hả. Thế con ra mấy ngày hay ở đây luôn?
- Con ra lâu, tiện ăn Tết đây luôn ạ.
Thiên cười, mắt ngó về phía Huỳnh Sơn đang ngồi hà hơi vào tay ở gần cửa ra vào. "Trông đáng yêu tệ", Thiên nghĩ thầm, và nói tiếp:
- Sau đấy chắc con lại vô Nam, có lẽ ở đấy khá lâu ạ.
- Ừ thì học hành mà, chả trách được. - Cô bán phở chép miệng. Chuyện nào ra chuyện đấy, việc học vẫn quan trọng nhất, có học mới tốt.
- Nhưng mà thằng Sơn ngóng con lắm, nhớ thi thoảng về cho nó vui con ạ.
- Dạ.
- Thế thôi ra kia ngồi đi, lát cô làm xong bưng qua cho.
- Vâng, thế con cảm ơn cô nhé ạ.
Nói rồi, Quốc Thiên đi về phía bàn chỗ Huỳnh Sơn đang ngồi. Anh ngồi xuống, vui vẻ mở lời, trong giọng nói hồ hởi có phần khoe khoang như một đứa trẻ được cái kẹo ngon:
- Cô bán phở vẫn nhớ anh đấy.
Sơn bĩu môi, tiếp tục xoa hai tay vào nhau, thở ra từng đợt khói trắng.
- Không nhớ mới là lạ. Anh mới đi được nửa năm thôi chứ mấy. Làm trò quá à.
- Sao, thế mới đi có nửa năm cu Bin có nhớ anh không?
- Này nha, em lớn rồi, đừng có mà gọi như thế nữa. Em giận đấy! - Em giả vờ giận dỗi nói. Đôi mắt lúng liếng xinh xắn lắm mà lườm thì sắc lem lẻm, trông đanh đá ra phết.
Anh chỉ mỉm cười, gật gù ra chiều đồng tình lắm:
- Ừ ừ, em tôi lớn rồi. Thế cậu người nhớn này năm nay định thi trường cấp Ba nào?
- Em chưa biết nữa. - Sơn rũ đầu, giọng cũng ủ rũ đi mấy phần. - Mấy môn tự nhiên khó chết đi được. Sao phải sinh ra môn Toán nhỉ?
Quốc Thiên xoa đầu đứa em hàng xóm của mình, động viên em:
- Cố lên, ít cũng phải vào được trường tốt tốt một tí em ạ.
Sơn chẳng ư hử gì. Không biết em đang miên man nghĩ gì mà không đáp lại anh. Bầu không khí chợt như chững lại.
Anh bỏ tay ra khỏi mái tóc mềm mại của em, hơi tiếc nuối một tí, sau đó bắt đầu lấy giấy từ trên bàn ăn lau sạch đũa thìa. Người đối diện anh vẫn ngẩn ngơ không động đậy.
Chính vào lúc anh định nói gì đó phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng này, Sơn đột ngột lên tiếng:
- Năm nay đông lạnh ghê anh Thiên nhỉ.
Thiên vẫn đang lau đũa thìa bị giật mình, thuận tay đưa cho em rồi gật gù:
- Ừ, năm nay rét đến sớm mà lạnh quá. Mới qua anh về còn nắng mà sớm nay gió bấc đã thổi căm căm, chả biết ông giời thế nào mà lần.
- Anh nói cứ như mẹ em ấy. - Sơn cười khúc khích.
Rồi cả hai lại cùng ngồi thẩn thơ. Cái giá rét tràn về là trời cũng âm u hẳn ra. Mặt trời biến đi đâu mất, chỉ để lại một khoảng trống cơ man là mây. Mây nặng nề liền thành một khối, đứng im lìm ở trên đầu, mặc kệ gió bấc vẫn rít gào rét ngọt bên dưới. Gió như không với đến mây, nên chỉ biết hung hăng đành hanh với con người.
- Mà đợt này anh ra Bắc lâu không?
- Chắc anh ở qua Tết luôn, hết Tết lại bay vô đấy.
Thiên chú ý đến biểu cảm nho nhỏ thấy đổi trên khuôn mặt em. Em bé của anh buồn kìa, cái mặt dài ra thấy rõ. Thì cũng phải thôi, anh em chơi thân với nhau từ thời còn cởi truồng chạy lông nhông tắm mưa trong sân, quen nhau cũng chục năm rồi chứ ít ỏi gì. Đi học cùng, đi chơi cùng, đi ăn cùng, làm gì cũng í ới gọi nhau suốt, mà đùng cái anh Thiên đăng kí trường đại học ở tít trong Nam, thành ra hai đứa bị chia cắt. Nhớ đợt ấy, khi nghe tin Quốc Thiên sẽ vào Nam học, Huỳnh Sơn đã giận dỗi anh lâu ra trò. Anh gọi thế nào cũng không sang nhà, cho quà bánh cũng không động một miếng. Cứ ngỡ hai anh em cứ giận nhau, mà hầu hết là Huỳnh Sơn đơn phương giận lẫy anh, cứ giận như thế đến lúc anh vào Nam thì đột nhiên ngày anh ra sân bay, có một bóng người quen thuộc lấp ló sau lưng bác Long. Bác Long là bố của Sơn và Cường, hàng xóm sát vách với nhà Thiên.
Ra là cậu út nhà bác ấy, đứa nhóc đã giận dỗi chuyện anh vào Nam mà chẳng nói trước với em một câu, cậu Huỳnh Sơn. Sơn vẫn phụng phịu như còn giận anh Thiên lắm, nhưng mắt thì hơi óng ánh vết nước. Em đặt vào tay anh một quyển sổ, nhỏ giọng bảo:
- Anh vào đấy thì ghi chép cuộc sống của anh trong đấy vào đây nhá. Với cả không được quên em, cũng không được quên viết thư cho em.
Quốc Thiên phì cười bởi sự đáng yêu của em, xoa nhẹ mái tóc em, không quên hứa:
- Được rồi, anh hứa. Bin ở nhà cũng phải ngoan, nghe lời bố và anh Cường đấy nhé.
- Hừ, em luôn nghe lời mà.
Cả hai còn trò chuyện thêm đôi câu nữa cho tới khi tiếng loa thông báo ở sân bay vang lên. Thiên buộc phải bỏ dở câu chuyện và vội vàng thu dọn chút đồ xách tay để chuẩn bị lên máy bay. Bỗng nhiên, anh thấy buồn và lưu luyến không thôi. Quay đầu nhìn lại, Huỳnh Sơn vẫn đang chăm chú dõi theo anh, thấy anh quay lại thì đưa tay lên vẫy vẫy. Đứa nhỏ ấy lúc nào cũng đáng yêu như thế hết, làm anh như tan chảy trong sự dễ thương của em.
Tự nhiên anh muốn ở lại Hà Nội quá.
Ở lại với Hà Nội anh quen, Hà Nội thân thương, Hà Nội có Sơn.
- Đừng nhìn nữa, về nhà thôi Sơn.
Bác Long gọi cậu con trai nhỏ của mình. Từ lúc anh Thiên lên máy bay, Sơn cứ nhìn mãi đến tận khi bên ngoài có một chiếc máy bay bay lên trời cao mới thu ánh mắt lại. Chắc nó không nỡ xa thằng Thiên, bác Long nghĩ, rồi nhẹ nhàng an ủi:
- Nào, có gì phải buồn? Anh Thiên mấy chốc sẽ lại về Bắc thôi, mà con cũng có thể viết thư cho anh, vui lên nào.
Huỳnh Sơn nghe bố mình nói vậy chỉ ủ rũ đáp một tiếng, sau đó cùng bố và anh trai về nhà.
Thời gian trôi nhanh thật, chớp mắt một cái đã qua nửa năm.
Trong thư, em gặng hỏi anh suốt về ngày anh quay lại Bắc, trở về Hà Nội. Bởi cũng sắp Tết rồi, anh cũng phải về ăn Tết chứ. Nhưng mà Quốc Thiên luôn giả vờ không thấy, tránh đi câu hỏi của em. Ba bức liên tiếp như vậy, Sơn tưởng rằng anh không thể về nên tránh nhắc đến, em cũng không còn hỏi bao giờ anh về nữa.
Chỉ là trong lòng nhiều thêm một nỗi buồn.
Để rồi chiều hôm qua, em đột ngột gặp anh ở cổng.
Bàn tay cứng đờ.
Cả người ngơ ngác, đôi môi cũng chẳng nói nên lời.
Quốc Thiên thì nén cười, bước đến ôm chặt lấy em, cất tiếng nói trầm ấm:
- Anh về rồi đây.
Huỳnh Sơn vẫn còn đơ ra một lúc nữa, sau đó như một công tắc nào đó trong em được bật lên, bắt đầu nện những cú đấm nhẹ hều vào ngực anh:
- Thế mà không trả lời thư em. Sao không trả lời thư em rằng anh sẽ về. Hả? Hả?!
Giọng em cứ nhỏ dần, nhỏ dần, xen theo chút run rẩy khe khẽ. Quốc Thiên vội vàng cúi xuống.
Ôi, em bé mắt đỏ hoe rồi.
Anh luống cuống lau nước mắt cho em, dỗ dành:
- Anh xin lỗi, Quốc Thiên xin lỗi Huỳnh Sơn mà. Anh không nói vì muốn làm em bất ngờ, ngoan, không khóc nữa nhé.
- Ai thèm khóc? Đường bụi, cát bay vào mắt em thôi.
Em đưa tay chùi nước mắt, tỏ vẻ hờn dỗi. Sơn ghét quá, cứ có việc gì liên quan đến cái người to đùng trước mặt này là cảm xúc của em cứ như một quả bóng bay dễ dàng bị đâm thủng bất cứ lúc nào. Khi đã đinh ninh anh Thiên không thể về vào Tết rồi, đã chuẩn bị hết tâm lý để nhận thư xin lỗi mà tự nhiên anh ta đứng đây khiến bao nhiêu cảm xúc đều vỡ oà. Thực sự em vui lắm, nhưng vẫn giận vì anh cố tình giấu em. Thế là cảm giác tủi thân đột nhiên tràn ra, và nước mắt cũng theo đó lăn dài trên má chứ nào phải do em yếu đuối mau nước mắt đâu.
- Được rồi, em bé Bin của tôi không khóc, là tôi nhìn nhầm. Thế để mừng anh về, mai anh bao em phở bò nhé? Vẫn quán đầu ngõ của cô Mai nhá, em thích ăn ở quán đấy nhất còn gì.
Và vậy là có buổi đi ăn lẻ của hai anh em ngày hôm nay.
- Hà! Đúng là ăn ở Hà Nội mới thấy cái vị chuẩn phở nhất!
Quốc Thiên xuýt xoa vì vị cay xè của ớt tươi và cảm giác chua thanh nhè nhẹ của chanh quyện lại trong thứ nước dùng trong suốt óng ánh vị ngọt thơm từ xương bò, không khỏi cảm thán một câu. Tiết trời lành lạnh của Hà Nội lại càng hợp với một bát phở nóng. Đưa tay ấp lấy bát phở vẫn đang bốc khói nghi ngút, cảm nhận bàn tay từ giá chuyển dần sang ấm áp, rồi uống một ngụm nước dùng, ăn một miếng phở dai mềm thì ấm cả bụng, lâng lâng cả người. Có lẽ vua chúa cũng chỉ đến thế. Trong Nam dù thèm phở đến mấy cũng không thể ăn ra cái cảm giác ngon ngây ngất này. Quốc Thiên vừa ăn vừa nghĩ,
Huỳnh Sơn bên kia không vội vã, từ tốn ăn, mỗi cái nhấc tay đều mang một chút ý vị nhã nhặn khó nói. Chẳng biết do em ăn chán rồi, hay do gia giáo gia đình dạy em phải phép tắc, em ăn chậm và tỉ mỉ. Nhìn em ăn phở trông lâu cũng thấy như một màn biểu diễn nịnh mắt. Sơn gắp một sợi phở trắng mềm mại để vào thìa, thêm một chút thịt bò lên trên, lại gắp một vài cọng hành, dăm cọng giá bỏ lên nữa, sau cùng chầm chậm thả xuống vợt tí tẹo nước dùng cho vừa miệng và ăn. Hồi trước mỗi khi thấy thế, Thiên hay trêu em là "có nết ăn của một cô công chúa" và hay bị em dỗi mất cả nửa buổi ăn còn lại, phải lấy một gói bim bim, đôi khi là một chiếc kẹo mút vị dâu sữa mới có thể hoà bình lại mối quan hệ.
Tiếng người cười nói trong quán vẫn vang lên, bầu không khí cuối năm cũng không đến mức ảm đạm.
- Sơn ơi, con còn ăn nữa không?
Huỳnh Sơn đột ngột giật mình. Cô bán phở đang đứng bên cạnh em, ánh mắt lộ ra vẻ lo lắng. Sơn thấy bát phở của mình đã nguội lạnh từ bao giờ, mà phía đối diện trống trơn chẳng một bóng người.
À.
Đã ba năm rồi.
Thời gian trôi nhanh đến mức em hẵng còn ngỡ mới nửa năm.
Kể từ ngày anh đi.
Em đứng dậy, trả tiền cho cô bán phở, miệng cảm ơn rồi rời khỏi quán phở quen. Cô Mai nhận tiền nhưng vẫn nhìn chăm chăm tới tận lúc em khuất bóng.
Có một vị khách trông thấy cảnh này, tò mò hỏi:
- Chị à, rốt cuộc là sao thế? Sao em thấy nhóc kia gọi hai bát phở mà chẳng động đũa đã đi rồi?
Cô bán phở thở dài một tiếng, mắt nhìn về xa xăm, chậm rãi kể:
- Đó là thằng Sơn con bác Long trong ngõ kia thôi. Trước nó hay đi ăn với thằng Thiên, thằng Thiên thì đi học trong Nam nên mới thi thoảng về. Hai đứa nó chơi với nhau từ nhỏ, thân lắm, còn hơn anh em ruột. Tết năm nào hai đứa nó cũng qua đây ăn phở cuối năm, khách quen của chị đấy. Mà...
Cô Mai hơi dừng lại như nén một nỗi đau, đoạn nói tiếp:
- Mà nghe đâu ba năm trước khi thằng Thiên bay từ Nam ra, chuyến bay của nó... gặp nạn. Nó mất rồi. Kể từ đó, Tết năm nào thằng Sơn cũng ra đây gọi hai bát phở cả, cứ ngồi thừ người ra không ăn miếng nào, sau lại đi. Rõ khổ.
Lác đác vài tiếng thở dài vang lên, cùng những người vẫn đang cắm cúi ăn vờ như không nghe thấy.
Trời, dường như âm u thêm.
Ở nơi khác, sau khi rời đi, Sơn không về nhà như mọi khi mà lang thang trên phố. Cuối năm đường cũng thưa thớt dần, xe cộ không nhiều như trước. Một chiếc xe máy chằng theo cành đào mới chúm chím vài bông khẽ nở, trông sinh động vô cùng trong cái xám xịt của tiết trời và đường sá.
Huỳnh Sơn ngồi vào bến xe buýt, ngẩn người.
Ba năm trước, khi em sắp thi Đại học, chuẩn bị bước vào tuổi 18, em đã định lúc anh về sẽ nói cho anh những cảm xúc của lòng em.
Những cảm xúc đã luôn len lỏi từ lâu mà em chẳng để ý.
Chỉ là ai ngờ được, lời thương ấy chưa kịp nói ra, đã vĩnh viễn không còn cơ hội để nói rồi.
Hoạ địa vi lao.
Em tự vẽ một vòng tròn lớn.
Tự nguyện chết chìm ở trong đó.
Với kỷ niệm về anh.
---------------
Đôi lời cuối chương,
Thực sự thì không nghĩ bẻ lái thành SE như này đâu. Ban đầu tui còn đặt tên chương này là "Tuổi học trò" cơ vì định viết một chương theo hướng học sinh - sinh viên nhí nhảnh dễ thương mà. Chắc do trời lạnh nên viết buồn dễ :')))))
À nói thêm tí về câu "Hoạ địa vi lao". Thực ra vì đến cuối mới bẻ lái nên cái ý "Hoạ địa vi lao" nó không có quá rõ ràng, cảm giác hơi gượng ép so với cái tuổi của Sơn, Sơn vẫn còn trẻ quá, khó mà có những cảm xúc sâu sắc đến mức đấy. Ý nghĩa câu này là tự vẽ vòng tròn trên đất, tự bước vào và coi nó là nhà tù không thể bước ra, cũng gần như một kiểu tự giày vò bản thân/ tự làm mình đau khổ. Trong truyện này thì có thể hiểu đơn giản là mãi nhớ nhung một người.
Thôi hoan hỉ, hoan hỉ hé~
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com