Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 19: Gặp lại Bùi Đình Quốc

Cuối cùng thì cũng hoàn thành xong học kỳ đầu tiên ĐH. Kết quả nhanh chóng liền có, GPA kỳ đầu tiên của Thanh 3.7/4.0, vượt hơn nhiều so với mức tối thiểu để duy trì học bổng là 3.2, cô thở phào nhẹ nhõm.

Kỳ nghỉ đông kéo dài 2 tháng là cơ hội để Thanh ở lại Hàn Quốc, tranh thủ làm thêm không giới hạn 20 giờ 1 tuần tại tiệm bánh mì. Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa háo hức trở về quê nhà, cô chọn ở lại, bởi mỗi đồng won kiếm được là một chút gánh nặng bớt đi cho mẹ và em trai ở Việt Nam. Nhưng sâu thẳm trong lòng, quyết định này cũng khiến cô trĩu nặng. Cô biết, trong khi mình cặm cụi gói từng ổ bánh mì, những người bạn cùng lớp—những sinh viên năm nhất tài năng từ khắp thế giới—đã bắt đầu xây dựng tương lai rực rỡ.

Hiện tại, Mặc dù GPA của Thanh luôn nằm trong top đầu, nhưng cô vẫn cảm nhận rõ rệt khoảng cách vô hình giữa mình và những người bạn cùng trang lứa. Xung quanh cô là không chỉ là những gương mặt xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới, mà còn xuất thân từ những gia đình dư dả. Họ mang dáng vẻ tự tin trong từng bước đi, giọng nói trầm bổng đầy chất trí thức, và trang phục luôn toát lên sự tinh tế, sang trọng. Trong mắt cô, họ đều là những Anh Kiệt tự tin mà cô ngưỡng mộ. Họ khác cô—người sáng lên giảng đường, tối vội vã đến tiệm bánh mì làm thêm, rồi khuya về lại cặm cụi bên bàn học dưới ánh đèn mờ nhạt.

GPA của họ không cao, không phải vì thiếu năng lực, mà bởi đó là lựa chọn của chính họ. Với họ, điểm số chỉ là một thước đo, còn những trải nghiệm, mối quan hệ, và cơ hội ngoài giảng đường mới là điều định hình tương lai.

 Một số người đã lên kế hoạch thực tập tại công ty gia đình trong kỳ nghỉ hè, người khác tham gia CLB Truyền thông để thử sức với những dự án nhỏ, thậm chí có bạn còn dẫn dắt cả một dự án độc lập.

Với họ, việc học ĐH không phải là chiếc vé đổi đời như cách Thanh nhìn nhận, mà chỉ là một hành trình trải nghiệm, một cột mốc để tô điểm cho tương lai đã được định sẵn. Công việc làm thêm, nếu có, không phải để trang trải cuộc sống, mà là cách để họ khám phá, tích lũy thêm những câu chuyện cho tuổi trẻ. Họ không bận tâm khi đồng lương ít ỏi chẳng thấm tháp so với tài sản gia đình, bởi niềm vui của họ đến từ những trải nghiệm mới lạ. Và khi một công việc không còn phù hợp, họ sẵn sàng dừng lại, không phải vì bị chèn ép, mà đơn giản vì nó không còn đáp ứng được kỳ vọng của họ nữa.

Trường đại học của Thanh tràn ngập những CLB hấp dẫn, từ Truyền thông đến K-pop Dance, nơi cô khao khát hòa mình để mở rộng mối quan hệ và tô điểm cho quãng đời sinh viên thêm sắc màu. Cô mơ về một hành trình đại học rực rỡ, nơi cô không chỉ là một cô gái chăm chỉ, mà còn là một người tự tin, tỏa sáng giữa đám đông.

Nhưng thực tế lại kéo cô về với những ca làm tối tại tiệm bánh mì. Cô biết ơn công việc này—nó giúp cô trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Seoul và mang lại chút hơi ấm quê nhà qua những ổ bánh mì nóng hổi. Tuy nhiên, cô cũng hiểu rằng ngành Văn hóa và Truyền thông mà cô theo đuổi đòi hỏi một hồ sơ kinh nghiệm nổi bật, không chỉ là con số GPA cao. Bán bánh mì, dù giúp cô kiếm ra tiền, nhưng không thể giúp cô xây dựng kinh nghiệm cần thiết để cạnh tranh trong thị trường việc làm khốc liệt, đặc biệt với một du học sinh Việt Nam như cô. Để một công ty ở Hàn Quốc đồng ý bảo lãnh visa, cô phải chứng minh mình xuất sắc, vượt xa những ứng viên khác.

Song, nếu từ bỏ việc làm thêm, cô không biết lấy đâu ra tiền để sống. Cô đứng trước ngã ba đường: vừa học, vừa làm, vừa tham gia CLB—nhưng cô không đủ sức để ôm đồm cả ba. Thanh tự nhận mình không phải thiên tài; thứ cô có chỉ là sự kiên trì và chăm chỉ. Nếu tham lam, cô sợ một trong ba mảnh ghép ấy sẽ sụp đổ, và cô không thể mạo hiểm với học bổng hay ước mơ của mình.

Cô có ý định tham gia K-pop Dance Club, nơi cô có thể sống lại những ngày nhảy múa đầy đam mê ở trường cấp ba. Nhưng hiện tại, cô gác lại giấc mơ ấy, chọn tập trung vào học tập và công việc. Để thỏa mãn đam mê, cô tự tập nhảy qua các video YouTube, thỉnh thoảng rủ Hữu Đạt ra sân trường luyện cùng, vừa để giữ lửa, vừa để nhắc nhở bản thân rằng cô vẫn có thể mơ mộng, dù chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Cô tự nhủ, sang năm hai, khi đã quen với nhịp sống và quản lý thời gian tốt hơn, cô sẽ thử sức với CLB. Còn bây giờ, cô cần vững vàng trên plan mình đã quyết định.

Hôm nay, Thanh làm ca tối ở tiệm bánh mì. Trời Seoul lạnh buốt, cái rét cuối đông như muốn đóng băng mọi thứ. Cô vội vàng khoác lên người chiếc áo phao dày cộp, quàng thêm chiếc khăn len rồi tất tả chạy ra khỏi ký túc xá. Gió rít qua từng con hẻm, luồn vào cổ áo khiến cô rùng mình.

Dù mới làm ở tiệm được vài tháng, Thanh đã quen với nhịp điệu công việc. Nhưng điều khiến cô ấn tượng nhất là sếp Quốc—Bùi Đình Quốc, người đứng đầu chuỗi cửa hàng. Anh là một bộ máy sáng tạo không ngừng nghỉ.

Tháng trước, tiệm vừa ra mắt món bánh mì nấm dành cho khách ăn chay. Vậy mà chưa đầy một tháng, anh lại "đẻ" thêm món bánh mì tôm bơ,.

Các sếp thì hào hứng với những ý tưởng mới, với doanh thu tăng cao, còn cô và đồng nghiệp thì "bục mặt" học công thức, ghi nhớ nguyên liệu, và luyện tập để làm ra những ổ bánh mì hoàn hảo.

Tối nay, tiệm vắng hơn so với ca sáng thông thường cô làm. Có lẽ cái lạnh tê tái đã khiến khách hàng chọn ở nhà, cuộn mình trong chăn ấm hoặc tụ tập quanh nồi lẩu nghi ngút khói. Vào những đêm đông, người Hàn thích những món nóng hổi như súp bò, lẩu kim chi, thịt nướng trên vỉ, hay là chả cá luộc thơm lừng. Bánh mì, dù ngon, lại không phải lựa chọn hợp lý trong tiết trời này. Thế nên hôm nay tiệm vắng, cô không bất ngờ. Tháng trước, công ty thông báo cắt giảm nhân viên ca đêm ở các chi nhánh nhỏ như chỗ cô từ hai người xuống còn một, để tiết kiệm chi phí. Thế nên, dù khách ít, Thanh vẫn chạy qua chạy lại như con thoi giữa quầy thu ngân và khu vực bếp.

Cuối cùng, mọi thứ cũng tạm ổn. Đồng hồ treo tường chỉ 9 giờ tối—còn đúng một tiếng nữa là hết ca. Theo kinh nghiệm, sau 9 giờ hiếm có khách ghé qua. Thanh thở phào, định ngồi xuống ghế nghỉ một chút, đôi chân nhức mỏi sau mấy tiếng đứng liên tục. Nhưng cô còn chưa kịp đặt mông xuống, tiếng chuông cửa đã vang lên, sắc nét trong không gian tĩnh lặng.

Cô ngẩng đầu. Là sếp Quốc.

Đã hơn một tháng kể từ lần cuối cô gặp anh—đêm hôm ấy, khi cô liều lĩnh đối đầu đám đầu gấu để bảo vệ một cậu học sinh. Thanh nhẩm tính nhanh: chuỗi cửa hàng có hơn 20 chi nhánh trên khắp Hàn Quốc, và đã 45 ngày kể từ lần gặp trước. Chẳng lẽ anh thực sự "vi hành" mỗi tiệm cứ hai ngày một lần? Siêu nhân à?

Cô vội cúi đầu, chào anh bằng tiếng Việt, "Bánh mì Việt xin chào!". Đây là quy tắc bất di bất dịch của tiệm, một công thức bắt buộc mà mọi nhân viên phải tuân theo, bất kể khách là người Hàn, người Nhật, hay phương Tây.

Anh chỉ khẽ gật đầu, ra hiệu cho cô tiếp tục công việc, rồi bước đến quầy order. Anh nhìn lướt qua menu, rồi gọi món mới nhất: bánh mì tôm bơ.

Thanh muốn hét lên. Anh đang muốn dò bài cô, đúng không?

Món này mới ra mắt ba ngày, và hôm nay là ca làm đầu tiên của cô kể từ khi nó được thêm vào menu. Cả buổi tối hôm nay, không một khách nào gọi món này. Có thể nói, đây lần đầu tiên cô phải làm nó, mà lại là trước mặt sếp lớn nhất của công ty. Buổi hướng dẫn món mới chỉ diễn ra đúng một lần, và ký ức về nó giờ như màn sương mờ. Cô nuốt khan, cố giữ bình tĩnh. Sao lần nào anh "vi hành" cũng đúng lúc cô lúng túng nhất?

Đầu óc cô rối như tơ vò, cố lục lọi công thức trong trí nhớ, nhưng đôi tay vẫn làm việc theo bản năng. Cô nở nụ cười chuyên nghiệp, bấm hóa đơn trên máy tính tiền, và nhận thẻ thanh toán từ anh. Anh không cười đáp lại, giữ vẻ mặt lạnh lùng của một khách hàng bình thường. Thanh cảm nhận được áp lực vô hình từ ánh mắt anh, dù anh chẳng nói gì.

Sau khi đưa hóa đơn và bảo anh chờ vài phút, cô vội chạy sang khu vực chuẩn bị. Tất cả nguyên liệu đã được sơ chế sẵn—tôm luộc, bơ cắt lát, rau thơm, và sốt đặc biệt. Cô lấy tờ giấy ghi chú từ buổi hướng dẫn, bình tĩnh kiểm tra lại thứ tự và định lượng. Tôm, bơ, rau, sốt—mọi thứ phải đúng. Cô cẩn thận xếp từng lớp vào ổ bánh mì, rồi đặt nó vào lò nướng, cài đặt chính xác ba phút.

Cô cảm nhận được ánh mắt của sếp Quốc từ phía sau, như một chiếc máy quét lặng lẽ. Cô không biết phải làm gì—quay lại nhìn anh thì kỳ, mà cứ đứng đây thì càng lo. Cuối cùng, cô trở lại quầy thu ngân, giả vờ sắp xếp lại mấy tờ hóa đơn, trong khi đếm từng giây cho ba phút trôi qua. Tim cô đập thình thịch, như thể đang thi một bài kiểm tra sống còn.

Đình Quốc đứng yên trước quầy tính tiền, lặng lẽ quan sát cô gái trẻ trước mặt. Anh vẫn nhớ cô. Không phải vì tài năng gì đặc biệt, mà vì sự liều lĩnh của cô khi đối đầu đám học sinh bắt nạt. Nhưng sau hôm đó anh hoàn toàn không nghĩ gì nhiều về cô nữa.

Việc cắt giảm nhân viên ca đêm ở các chi nhánh nhỏ là ý tưởng của giám đốc vận hành, nhằm tối ưu chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Anh và ban quản lý đã ghé thăm vài tiệm để kiểm tra, và mọi thứ dường như vận hành trơn tru. Nhưng với bản tính cẩn trọng, Quốc muốn tự mình đến vài chi nhánh mà không báo trước, để đảm bảo mọi báo cáo đều phản ánh đúng thực tế.

Quyết định cắt giảm tuy có vẻ hợp lý, trong khoảng 25 phút anh ngồi đây, ngoài anh, chỉ có ba khách khác ghé qua—trung bình hơn 8 phút một người, một nhân viên là đủ để xử lý, và khách không phải chờ lâu, nhưng anh nhận ra vài vấn đề.

Dù đã cắt giảm nhân sự, chi phí mặt bằng và điện nước vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Chi phí nhân viên chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí, nên nếu lượng khách buổi tối tiếp tục ít như hiện tại, anh cần tập trung tăng số lượng khách vào ban đêm thay vì chỉ cắt giảm chi phí. Bánh mì là món ăn tiện lợi, phù hợp cho buổi sáng khi khách cần món ăn nhanh, dễ cầm tay, không cần dụng cụ phức tạp. Tuy nhiên, vào buổi tối, bánh mì không còn hấp dẫn. Anh nên đa dạng menu, thêm món phù hợp hơn cho bữa tối.


Với chỉ một người một ca làm, quầy thu ngân thường bị bỏ trống khi nhân viên di chuyển sang khu vực nướng bánh, phải quay lưng lại với khách. Điều này gây rủi ro an ninh, đặc biệt vào ban đêm, khi két tiền dễ bị kẻ xấu nhắm đến. Hơn nữa, món bánh mì tôm bơ mới có một điểm yếu. Anh nhìn ổ bánh mì trước mặt, nhận ra lớp bơ đã bị oxy hóa, một góc chuyển màu nâu nhạt. Chắc chắn là do nguyên liệu được chuẩn bị sẵn từ trước. Anh ghi chú tất cả vào chiếc ipad của mình, cần họp với đội Quản lý Thực phẩm để tìm cách giữ bơ tươi lâu hơn khi đến tay khách.

Anh liếc nhìn Thanh, thấy cô đứng ở quầy, đôi tay lặng lẽ sắp xếp lại hóa đơn, nhưng ánh mắt lộ vẻ căng thẳng. Cô đang lo lắng, anh biết. Nhưng anh không định làm cô thoải mái—đây là cách anh kiểm tra nhân viên, để xem họ xử lý áp lực thế nào.

*Tác giả: Ông không ác ai ác?

Thanh len lén nhìn sếp Quốc qua khóe mắt. Anh ngồi ở góc, lông mày nhíu chặt, tay cầm ổ bánh mì cô vừa làm. Tim cô chùng xuống. Cô đã làm sai gì sao? Cô đã kiểm tra kỹ công thức, cân nhắc từng bước. Nhưng ánh mắt anh, dù không lộ liễu, vẫn khiến cô cảm thấy mình vừa thất bại.

Tiếng chuông cửa vang lên lần nữa, kéo cô khỏi dòng suy nghĩ. Cô liếc đồng hồ—9:30 tối, còn 30 phút nữa là hết ca. Gắng lên, cô tự nhủ, chỉ cần vượt qua đêm nay.

Một cậu học sinh bước vào, vẫn mặc đồng phục trường, áo khoác hơi sờn ở cổ. Cánh tay trái của cậu cụt đến khuỷu, ống tay áo đung đưa trống rỗng. Thanh mỉm cười, chào cậu. Nhưng cậu ngẩn người, mắt mở to như nhìn thấy điều gì kỳ diệu.

"Trời ơi, là chị!" cậu reo lên, giọng phấn khích.

Thanh ngớ ra, đầu óc trống rỗng. Ai đây? Cô chẳng quen học sinh cấp ba nào ở Hàn Quốc cả. Cô nhìn cậu, cố lục lọi trí nhớ, nhưng gương mặt cậu chẳng gợi lên chút ký ức nào.

"Chị cứu em hôm đó, gần đây! Lúc mấy đứa kia chặn em đòi tiền," cậu nói, mắt sáng lên.

Cô bàng hoàng. Là cậu bé bị bắt nạt—đêm hôm ấy, cách đây hơn một tháng, cũng là lần đầu tiên cô gặp sếp Quốc. Hôm nay cậu trông khác hẳn, gương mặt rạng rỡ, đôi mắt không còn hoảng loạn như lần trước. Chắc vì thế mà cô không nhận ra. Trời đất đúng là có cách sắp xếp kỳ lạ. Cả sếp Quốc lẫn cậu bé này, lại cùng xuất hiện ở đây, vào đúng hôm nay.

Đang trong ca làm, và chuyện cũ đã qua, Thanh cố giữ vẻ chuyên nghiệp. "Em muốn gọi món gì?" cô hỏi, giọng nhẹ nhàng.

Nhưng đừng gọi tôm bơ nha! Lòng Thanh gào thét.

Cậu ngập ngừng, sau đó nhìn cô nói: "Chờ chút, em quay lại ngay." Cậu chạy vụt ra ngoài, để lại Thanh đứng ngẩn ngơ.

Chắc quên mang tiền, Thanh nghĩ.

Cô liếc sang sếp Quốc. Anh không còn quan sát tiệm nữa, mà dán mắt vào iPad, ngón tay lướt nhanh trên màn hình. Anh đang viết gì? Một báo cáo chê bai cô? Hay đánh giá thấp kỹ năng của cô? Cô cắn môi, cố xua đi ý nghĩ tiêu cực, nhưng nỗi lo vẫn len lỏi trong lòng.

Gần 20 phút sau, khi Thanh bắt đầu dọn dẹp quầy để chuẩn bị đóng cửa, tiếng chuông lại vang lên. Cậu học sinh trở lại, tay cầm hai cuộn kimbap to, gói cẩn thận trong giấy bạc sáng bóng. Cậu bước đến, hơi ngượng ngùng, rồi chìa kimbap ra cho cô.

"Hôm đó em hơi hoảng sợ," cậu bắt đầu, giọng nhỏ nhưng chân thành. "Khi tụi nó quay sang chị, em chỉ biết chạy. Em xin lỗi. Lúc đó em quá hoảng, chẳng nghĩ được gì khác. Em có chạy đi báo cảnh sát, nhưng khi quay lại thì chẳng còn ai."

Hóa ra cô đã hiểu lầm. Hôm ấy, cô nghĩ lòng tốt của mình hóa vô nghĩa, còn thất vọng vì tưởng cậu bé bỏ chạy không ngoảnh lại. Cô nhớ cảm giác hụt hẫng khi đứng một mình trên con hẻm tối, nghĩ rằng mình đã làm điều vô ích. Giờ đây, lời cậu khiến cô thấy nhẹ nhõm, như một nút thắt được tháo gỡ.

"Đây là kimbap bà em làm," cậu tiếp tục, đưa hai cuộn kimbap cho cô. "Bà bán ở góc đường cách đây hai ngã tư. Cũng.. được nhiều người khen. Em coi như thay lời cảm ơn."

Thanh nhận kimbap, tay hơi run. Cô không cần sự cảm ơn, nhưng sự công nhận từ người khác khiến cô hạnh phúc. Cảm giác được trân trọng vì việc tốt mình làm mang đến niềm vui giản dị mà cô luôn trân quý.

Cô lại nhìn sang sếp Quốc, anh vẫn dán mắt vào iPad, anh không hề để ý đến họ. Cô chợt nghĩ, có nên chia cho anh một cuộn không? Cô là ân nhân của cậu bé, nhưng anh cũng là ân nhân của cô đêm ấy, xuất hiện đúng lúc cô cần giúp nhất, như một người hùng bất đắc dĩ.

Cầm kimbap, Thanh cảm thấy vừa tự hào vừa áy náy. Cô đã giúp cậu bé, nhưng nhận món quà này lại khiến cô bối rối. Qua lời cậu, cô đoán cậu sống với bà, và nhìn bộ đồng phục sờn cũ cùng cánh tay khuyết tật, cô hiểu vì sao cậu bị bắt nạt. Những người yếu thế—người khuyết tật, người nghèo—đáng lẽ được xã hội che chở, lại thường là mục tiêu đầu tiên của sự tàn nhẫn. Cô nhớ đến Thiên Phú, em trai cô, trạc tuổi cậu bé. Giờ Phú cũng mang một vết thương vĩnh viễn, liệu khi quay lại trường, em có bị bạn bè trêu chọc không? Ý nghĩ ấy khiến tim cô thắt lại.

Cô mỉm cười, cảm ơn cậu bé, rồi bất giác lấy hai ổ bánh mì đặc biệt từ phần hàng dư, gói cẩn thận và đưa cho cậu. "Chị tặng em, ăn thử nhé," cô nói, giọng ấm áp. Cậu xua tay, từ chối quyết liệt, nhưng Thanh khăng khăng, bảo là quảng bá sản phẩm. Cuối cùng, cậu nhận lấy, hứa hẹn sẽ giới thiệu tiệm đến bạn bè của mình.

"Hừ, nhiều người đến quán thì mệt hơn chứ có được thêm đồng nào đâu."

Nhưng câu này cô chỉ nghĩ, chứ không dám nói ra trước mặt sếp mình. 

Hai người, từ hai đất nước xa xôi, trao nhau những món quà giản dị—kimbap và bánh mì—như biểu tượng của quê hương, của lòng tốt nhỏ bé nhưng chân thành. Thanh nhìn cậu bé bước ra khỏi tiệm, bóng lưng gầy gò khuất dần trong màn đêm lạnh giá, và cô cảm thấy một chút ấm áp len lỏi trong lòng.

Cô quay lại, bắt gặp ánh mắt sếp Quốc. Anh đang nhìn cô, không còn tập trung vào iPad nữa. Thanh giật mình, vội thanh minh: "Em trả tiền hai ổ bánh mì đó bằng tiền của em, thật đấy, em bấm bill rồi!"

Đình Quốc bật cười, một nụ cười hiếm hoi khiến cô ngẩn ra. Anh đã nghe hết cuộc trò chuyện, nhưng chọn không xen vào. Anh định bảo cô rằng bánh mì dư được tính vào hàng cần dọn, nhân viên có thể lấy mà không cần bấm hóa đơn. Nhưng cô đã nhanh tay bấm bill trước khi anh lên lên tiếng. Anh nghĩ, cô muốn quyết thế nào thì tùy cô vậy, dù gì cũng không đáng bao nhiêu tiền.

--------------------------------------------------------------------------------

Hello xin thông báo là truyện này t có sử dụng chatgpt và grok để điều chỉnh lại câu văn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com