Chương 30: Hư Hoàng 7
Phượng Hoàng Ảo 7
Mùi bánh bao từ lồng hấp càng lúc càng thơm nồng, tiếng chào hỏi qua lại trước cửa cũng rộn ràng hơn. Chiếc kiệu nhà Vệ lão gia quả nhiên đã dừng trước cửa quán trọ. Người đến là quản gia phủ Vệ, khiến ông chủ quán vội vàng ra đón, miệng không ngớt lời “Bồng tất sinh huy”. (1)
(1) Bồng tất sinh huy: Lời khách sáo, thường được dùng khi khách quý tới nhà.
Sau khi quản gia nói rõ lai lịch, Tần Ngôn cùng mọi người thu xếp hành lý, ba chiếc kiệu nhỏ lắc lư tiến vào phủ Vệ.
Phủ Vệ tọa lạc ở tận cùng phía Bắc Nghiệp Thành, nơi địa thế cao ráo, phong thủy hữu tình. Kiệu leo lên một dốc nhỏ mới thấy cổng chính phủ Vệ hiện ra. Quản gia dẫn kiệu chân bước không ngừng vòng qua gần nửa vòng rồi rẽ vào một cổng phụ thấp hơn chút đỉnh.
Tần Ngôn ngồi thong thả, Liễu Trà vén rèm kiệu, người đung đưa theo nhịp kẽo kẹt của gỗ, ngẩng đầu ngắm hai hàng ngô đồng phủ bóng hai bên đường.
Phủ Vệ được xây theo kiểu Đông Tây kết hợp thịnh hành bấy giờ. Chính phủ là dinh thự cổng son bốn sân nối tiếp, mái ngói đen chồng lớp tạo vẻ thâm nghiêm (2). Bên phải là khu vườn kiểu Âu có đài phun nước, bên trái là tòa dinh thự kiểu Pháp cao sáu tầng.
(2) Trông như này thì phải:
Vào cổng, quản gia niềm nở đón mấy vị nữ tiên sinh vào viện khách bên phải trong phủ, tên là Yên Vũ Tạ. Con suối nhỏ uốn quanh muôn hoa rực rỡ, phía sau tiếng trúc Hương Phi xào xạc. Khuôn viên vườn Giang Nam đậm chất Trung Hoa càng tôn lên vẻ đẹp của tấm biển đề.
Liễu Trà tròn xoe đôi mắt tò mò ngắm nghía khắp nơi nhưng lạ thay lại không nói gì. Đợi mọi người vào phòng, quản gia dặn dò nghỉ ngơi chốc lát, lát nữa sẽ đưa đồ ăn tới rồi khép cửa ra về.
Liễu Trà lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, ném túi đồ lên chiếc bàn tròn lớn bằng gỗ tử đàn, đỡ Phương Tiền Nguyệt ngồi xuống: "Chúng ta đều vào đây cả rồi, sao không thấy Vệ lão gia đâu nhỉ?"
Phương Tiền Nguyệt giữ dáng điệu đoan trang, chỉ ngồi mép ghế: "Chuyến này của chúng ta, e rằng khó gặp được Vệ lão gia."
"Tại sao?"
"Nhà họ Vệ là thân tộc hoàng gia, lại thuộc hàng quý tộc mới, khác hẳn thân phận thương nhân chúng ta, tất nhiên phải giữ lễ nghi."
"Phải, rốt cuộc chúng ta cũng chỉ mạo nhận thân phận đạo mộ mà thôi." Thẩm A Kim cười nói: "Lúc nãy nghe nói đi vòng qua cổng chính, vào cổng phụ, tôi đã biết Vệ lão gia này chưa chắc đã muốn tiếp kiếp mấy "Tiên sinh" hạ cửu lưu (3) như chúng ta đâu."
(3) Hạ cửu lưu: Hạng bạt mạng, tầng lớp thấp nhất.
Nàng nở nụ cười, lời nói nhẹ nhàng mà chĩa thẳng vào Tần Ngôn.
Tần Ngôn cũng mỉm cười. Vệ lão gia không gặp càng tốt, cô vốn chẳng thích những lời xã giao.
Cao lương mỹ vị bày trên đĩa chân cao, lần lượt được dâng lên như suối chảy. Món đầu tiên là bát bảo viên tử, hạt nếp dẻo thơm lừng mùi hoa quả, cùng ly rượu vang óng ánh trong chiếc cốc thủy tinh khiến Liễu Trà mê mẩn, tưởng chừng nuốt cả lưỡi.
Ăn no uống say, mí mắt cô bắt đầu trĩu nặng. Bóng mát từ trúc Hương Phi lọt qua song cửa sổ rơi vào phòng. Liễu Trà nằm trên ghế dài, tay vừa xoa xoa cái bụng no căng vừa than: "Cuộc sống này đúng là hơn cả tiên."
"Phải có tiền đã." Cô lim dim môi lẩm bẩm trong cơn buồn ngủ, tay buông thõng khẽ nghịch cái nút thủy tinh chai rượu vang.
Trong trạng thái mơ màng, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Quản gia lại tới, lần này không mang theo gia nhân, chỉ một mình ông ta. Ông ta cúi người chào hỏi rồi khép cửa bước vào. Vài câu xã giao xong, ông ta đi vào vấn đề chính.
"Một lát nữa tôi sẽ đưa mấy vị nữ tiên sinh sang dinh thự nhỏ, linh đường của Trần tiểu thư đặt ở đó. Lão gia những năm nay sùng Phật, sợ đặt trong viện sẽ xúc phạm đến Phật tâm."
Thẩm A Kim khẽ động tai, liếc trộm Tần Ngôn. Khóe miệng Tần Ngôn thờ ơ khẽ nhếch lên, trong đôi mắt khép hờ thoáng chút châm biếm mơ hồ.
"Chắc mấy vị nữ tiên sinh cũng đã nghe qua, việc Trần tiểu thư chưa an táng cũng có nguyên do. Nàng mới vào phủ chưa đầy hai năm, trẻ tuổi lại kiêu kỳ, lúc sinh thời rất được lão gia sủng ái."
"Tôi có nghe nói." Tần Ngôn không thể im mãi nên lên tiếng: "Trước khi qua đời, Trần tiểu thư đang mang thai."
Quản gia thở dài, khẽ cúi người lại gần Tần Ngôn, hạ giọng: "Cái án này chính là nằm ở chỗ mang thai."
Ông ta hắng giọng, nét mặt hiện rõ nỗi buồn phiền, vừa khó xử vừa có chút vượt quá phận tôi tớ khi bàn chuyện chủ nhân: "Lão gia hai năm nay tinh huyết hao tổn, bụng mấy vị tiểu thư khác đều không động tĩnh. Lão gia nghi ngờ... nghi ngờ cái thai của tiểu thư này có điều kỳ lạ. Nhưng lão gia dù sao cũng có lòng từ bi, không nỡ dùng hình phạt, chỉ trói lỏng tay chân nàng. Ai ngờ tiểu thư tính tình cương liệt, đâm đầu vào tường mà chết."
Tần Ngôn chớp mắt, nhìn sang Thẩm A Kim. Vẻ mặt Thẩm A Kim không gợn sóng, chỉ khẽ rủ mi xuống rồi lại mở ra, lặng lẽ nhìn Tần Ngôn.
Tần Ngôn nhếch mép cười. Lời quản gia nói có giấu giếm điều gì đó, cả cô và Thẩm A Kim đều nghe ra.
Cái gọi là "Lòng từ bi" và "Trói lỏng tay chân" kia, nghe thế nào vẫn thấy mâu thuẫn.
"Lão gia vừa đau lòng, vừa giận dữ, lại càng hối hận vạn phần, cứ luôn miệng tự hỏi không biết có oan chết Trần tiểu thư hay không. Lão gia sùng Phật, nếu quả thực oan chết hai mạng người, đó thực là tội lớn."
Tần Ngôn thở nhẹ, nghiêng cổ hỏi: "Nhưng người đã khuất rồi, nếu quả thực oan chết, vậy phải làm sao?"
Quản gia "Ôi!" lên một tiếng: "Thế thì không thể không cúng dường hai ngôi chùa, cầu phúc tụng kinh vậy."
Sống mũi Tần Ngôn khẽ phát ra tiếng "Hừ", nửa cười nửa không mà "Ừ" một tiếng.
"Vậy nên, tôi nhận tiền làm việc, thay lão gia vấn quan. Nhưng công dụng của vấn quan là thông linh tụ hồn, mời tinh hồn trả lời một câu hỏi. Lão gia phải nghĩ cho kỹ, tôi sẽ hỏi đứa bé trong bụng vị tiểu thư kia, rốt cuộc có phải họ Vệ không, hay là... hỏi tên người tình của nàng?" Tần Ngôn lười nhác hỏi.
Quản gia giật mình, "Hừ" một tiếng: "Tất nhiên là... hỏi tên người tình của nàng."
"Biết rồi." Tần Ngôn bình thản như không.
Quản gia lúc này mới nhếch đôi môi khô nẻ, cười: "Thế thì tốt quá. Quy củ trong giới này, tôi không rành lắm. Mấy vị nữ tiên sinh, khi nào vấn quan?"
Tần Ngôn liếc nhìn chiếc đồng hồ Tây trên tường: "Giờ Tý (4). Phiền ông dẫn chúng tôi đi. Tuy nhiên, Trần tiểu thư chắc trong lòng còn nhiều oán khí với phủ này, người trong phủ không nên có mặt. Ông đợi ngoài cửa là được."
(4) Giờ Tý: Là khoảng thời gian từ 23h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau.
Quản gia vâng lời, thấy việc đã xong, bèn nói không dám quấy rầy các cô nghỉ ngơi, lễ phép cáo từ.
Mọi người sau ba tuần rượu, buồn ngủ dâng đầy, cũng chia nhau ngả lưng trên hai chiếc giường.
Tiếng tích tắc đồng hồ vang lên. Tần Ngôn bị đánh thức bởi âm thanh mỏng manh từ ngoài sân vọng vào, thanh âm ấy tựa như đến từ ngoài viện, nhọn hoắt mà dài dằng dặc, thỉnh thoảng bất ngờ chuyển điệu kịch liệt, rồi lại rên rỉ thê lương não nuột vang lên. Tần Ngôn khoác áo đứng dậy, trước hết nhìn trời, màn đêm sâu thẳm, quản gia vẫn chưa có động tĩnh gì, chắc là giờ Hợi (5).
(5) Giờ Hợi: Là khoảng thời gian từ 21h đến 23h.
Cô đẩy cửa bước ra, ngoài sân có một nữ hầu đang soàn soạt quét lá rụng trong sân.
(Sao bà này gần nửa đêm đi quét lá vậy...)
Đến giữa sân, tiếng động càng rõ hơn. Đầu Tần Ngôn hơi nhức, cô hơi nhíu mày gọi nữ hầu: “Tiếng gì thế?”
Cô gái nhanh nhẹn thi lễ, giọng trong trẻo đáp: “Thưa nữ tiên sinh, Tam Sinh Đường đang tập hát ạ.”
“Tập hát?”
“Ban hát do lão gia nuôi dưỡng đấy ạ, nuôi được một, hai năm rồi. Dạo này lão gia tâm trạng không vui, nên ban hát đang gấp rút luyện tập.”
Tần Ngôn khoanh tay, khó tin: “Trong phủ liên tiếp xảy ra hai vụ án mạng, mà tiếng đàn sáo vẫn không dứt sao?”
Nữ hầu cười ngọt ngào: “Lão gia nói Bồ Tát thích nghe đấy ạ.”
Tần Ngôn chợt cảm thấy một nỗi phi lý khó tả. Thân tộc hoàng gia, quý tộc mới, Bồ Tát, án mạng, quan tài, điệu hát. Tất cả như bị ghép ép vào nhau, lạc điệu như hai tòa viện Trung - Tây bị kéo xích lại gần.
Cô mặc kín áo ngoài, vén mái tóc xõa sang một bên: “Tôi qua đó xem được không?”
Nữ hầu suy nghĩ giây lát: “Quản gia có dặn, nữ tiên sinh có thể đi khắp viện phụ, chỉ cần đừng vào chính đường là được ạ. Cô cần con dẫn đường không ạ?”
“Không cần, tôi tự đi.” Tần Ngôn nói.
Tiếng bước chân khẽ đạp lên ánh trăng vang lên sau lưng. Một bàn tay mát lạnh đặt vào lòng bàn tay Tần Ngôn. Thẩm A Kim dựa vào cô, giọng dịu dàng: “Em đi với chị.”
“Ừ.” Tần Ngôn hơi siết tay lại, dắt nàng men theo âm thanh mà đi.
Tam Sinh Đường cách Yên Vũ Tạ không xa, giữa hai nơi chỉ ngăn bởi nửa hồ nhân tạo và một khu vườn nhỏ, như vầng trăng ôm lấy cả hai phía. Băng qua khu vườn nhỏ, mới nhận ra ánh trăng cũng thiên vị. Nơi Yên Vũ Tạ, nó là tấm gấm dệt rực rỡ, còn nơi Tam Sinh Đường, nó là pháo ướt chìm nghỉm trong nước.
Ánh trăng lơ lửng trên trời một cách miễn cưỡng, chẳng sáng sủa, cũng chẳng buồn chiếu rọi âm thanh và sắc màu của thế gian.
Tam Sinh Đường nép ở góc phủ, vốn đã âm u gấp ba phần, cổng viện lại chất đầy đao, thương, kiếm, kích lẫn mấy chiếc hòm mở toang, bên trong đồ đạo cụ cũ kỹ bày bừa lộn xộn.
Đi sâu vào là một khoảng sân nhỏ sạch sẽ. Vài cây sào tre giăng ngang, trên đó phơi mấy bộ xiêm y hát tuồng. Dải tua trên vai áo đung đưa, như thể đang treo mấy người sống vậy.
Thẩm A Kim tuy không nhìn thấy, nhưng trái tim nàng thắt lại. Tiếng luyện giọng đột ngột tắt lịm, chỉ còn nghe tiếng bước chân hai người và âm thanh leng keng của chuỗi ngọc trên phượng quan hà bội va đập trong gió đêm. Tần Ngôn dắt nàng băng qua khoảng sân. Trang phục lâu ngày chưa giặt, mùi mồ hôi người quyện với hương xạ trên áo, bị nắng trưa phơi hết lớp này đến lớp khác, bốc lên thứ mùi nồng nặc đặc trưng của nắng.
Cuối đường là một sân khấu, có lẽ không phải để biểu diễn chính thức nên trông khá thô sơ. Ván gỗ ngấm nước mưa lâu năm, thoảng mùi mục nhẹ.
Tần Ngôn đang nhìn quanh, bỗng từ góc sân khấu, điệu hát lại cất lên u uất:
“Lẻ loi thay, rời bỏ đài Vọng Hương,
Lênh đênh đâu, oan hồn tới nha môn.
Máu cùng lệ, ba năm ròng rơi lệ căm hờn,
Ba năm dài... Ngoảnh lại, mây khóa sương vùi cõi âm bí ẩn,
Nghiêng tai nghe, trống canh vội vã giục dồn...
Cha già ơi, con với cha, âm dương cách biệt sao đoàn viên?” (6)
(6) Trích đoạn trong vở kịch “Đậu Nga Oan”, bản dịch là do mình đi tham khảo và tự dịch nên có thể không được đúng và sát nghĩa.
Gấp gáp, thảm thiết, nghẹn ngào tưởng chừng tuôn lệ, đắng cay khó tả.
Mối hận tình bỗng vút cao, từ cổ họng cất lên như tiếng khóc nức nở rướm máu, như sợi dây câu xiết lấy tâm tình người ta, rồi nhét chiếc lưỡi câu mắc mồi vào miệng kẻ đang khao khát hơi thở.
Thẩm A Kim cảm thấy trái tim mình bị bóp nghẹt.
“Không ổn, A Ngôn.” Nàng thì thào.
Tần Ngôn bóp nhẹ tay nàng, không nói gì.
“Đây là vở “Đậu Nga Oan”. Nếu quả thật Trần tiểu thư là cái tâm bệnh của Vệ lão gia, ban hát đâu dám đem vở này ra diễn.” Thẩm A Kim cau mày. Nếu không phải để trình diễn, cớ gì nửa đêm khuya khoắt khuấy động hồn người?
Tần Ngôn “Ừ” một tiếng, đưa mắt theo âm thanh. Trong góc tối chẳng được trăng chiếu rọi, một kép hát trang phục lộng lẫy ngồi quay lưng trước bàn trang điểm, dùng khăn lụa che mặt khóc nức nở.
Ván gỗ kêu cót két. Kép hát quay đầu lại, lộ nửa khuôn mặt lớp son phấn đậm đà, nhìn về phía Tần Ngôn và Thẩm A Kim đang bước lên sân khấu.
Tần Ngôn đứng trước mặt kép hát: “Giọng cao sáng, mặc áo nữ oa, đầu cài trâm hoa, cô nương hẳn thường tập vai đào chứ? Sao hôm nay lại đóng vai thanh y?”
Kép hát giật mình, vội dùng khăn lau khóe mắt, đứng dậy bước ra khỏi bóng tối, thi lễ mềm mại với Tần Ngôn, giọng the thé: “Kinh động cô nương rồi.”
Mây tóc đen huyền, dáng người thon thả, khuôn mặt xinh đẹp, thần thái mềm mại.
Nhưng chính giọng nói lại có vấn đề.
Cổ họng vốn đã khàn ba phần, âm cuối khó che giấu nổi sự trầm đục.
Tần Ngôn nhìn vào đốt ngón tay đang cong hình hoa lan của người kia, cùng phần cổ mà lớp phấn son không thể che đậy được.
Tần Ngôn lùi nửa bước: “Xin lỗi, vừa rồi xưng hô lầm, hóa ra là can đán.”
Can đán là nam đóng vai nữ, người trước mặt đương nhiên không nên gọi là ‘cô nương’.
Là một người đàn ông.
Lời tác giả:
Trích đoạn vở kịch “Đậu Nga Oan”:
“孤凄凄,离开了望乡台,晃悠悠,按院署中冤魂来,血和泪,铭心刻骨三长载,三长载……回首看,云锁雾埋阴阳界,侧耳听,鼓漏声声把人催……老爹爹,我与你呀,人鬼陌路怎聚首?”
Dịch nghĩa:
“Lẻ loi thay, rời bỏ đài Vọng Hương,
Lênh đênh đâu, oan hồn tới nha môn.
Máu cùng lệ, ba năm ròng rơi lệ căm hờn,
Ba năm dài... Ngoảnh lại, mây khóa sương vùi cõi âm bí ẩn,
Nghiêng tai nghe, trống canh vội vã giục dồn...
Cha già ơi, con với cha, âm dương cách biệt sao đoàn viên?”
Tìm hiểu ngoài lề:
Vở kịch “Đậu Nga Oan” (窦娥冤):
Tên đầy đủ : "Cảm thiên động địa Đậu Nga oan" (Nỗi oan của Đậu Nga cảm động đến trời đất.)
Thể loại: Ca kịch
Tác giả: Quan Hán Khanh
Đậu Nga Oan là vở ca kịch nổi tiếng của nhà văn Quan Hán Khanh đời nhà Nguyên, tác phẩm được sáng tác dựa trên câu chuyện oan khuất “Đông Hải Hiếu Phụ” trong “Liệt Nữ truyện”.
Truyện kể Đậu Nga bị bọn vô lại hãm hại, lại bị thái thú Đào Ngột phán tội chém đầu một cách oan uổng.
Đây là một câu chuyện chân thật xảy ra vào triều Nguyên, bởi ảnh hưởng chấn động vào thời bấy giờ, vậy nên đã được ghi vào trong “Liệt Nữ truyện” giống như sử ký vậy.
Nhân vật chủ yếu trong vở ca kịch là một người con gái nhà nghèo vùng Sở Châu, tên là Đậu Nga. Mẹ nàng mất khi nàng còn nhỏ, cha nàng là Đậu Thiên Chương không có tiền trả nợ, lại vội lên kinh dự thi, không có tiền lộ phí, liền bán nàng cho một bà góa là Thái Bà làm con dâu nhỏ (tức là con dâu mua từ lúc nhỏ, khi lớn lên phải làm vợ con trai người mua).
Đậu Nga tới nhà họ Thái chưa được 2 năm, thì cậu con trai họ Thái bị bệnh mất, chỉ còn nàng và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau. Trương Lư Nhi là một tên lưu manh ở Sở Châu, cùng với bố là Trương Lão Nhi thấy nhà họ Thái chỉ có hai người phụ nữ, liền đến ở lỳ đó, rồi ép bà lão lấy Trương Lão Nhi. Thái Bà thế cô, đành ưng chịu. Trương Lư Nhi lại ép Đậu Nga thành thân với hắn. Đậu Nga cương quyết cự tuyệt và chửi rủa hắn thậm tệ. Trương Lư Nhi căm tức, liền nghĩ kế trả thù.
Mấy hôm sau, Thái Bà bị ốm, sai Đậu Nga nấu cháo. Trương Lưu Nhi lén bỏ thuốc độc vào trong bát cháo, rắp tâm giết chết Thái Bà rồi sẽ ép buộc Đậu Nga. Đậu Nga bưng cháo cho Thái Bà, bỗng Thái Bà thấy buồn nôn, không muốn ăn nữa và chuyển bát cháo cho Trương Lão Nhi ăn. Trương Lão Nhi trúng độc, lăn lộn dưới đất rồi tắt thở.
Trương Lư Nhi đã đổ tội đầu độc cho Đậu Nga, bắt nàng giải lên quan cai trị Sở Châu. Tri phủ Sở Châu là Đào Ngột, một viên quan nổi tiếng tham nhũng, nhận tiền đút lót của Trương Lư Nhi, bắt Đậu Nga ra thẩm vấn, ép nàng nhận tội đầu độc. Đậu Nga bị đánh đập chết đi sống lại, nhất định không chịu nhận tội. Đào Ngột biết Đậu Nga rất hiếu thuận với Thái Bà, liền đem Thái Bà ra đánh đập trước mắt Đậu Nga. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi già, không chịu nổi cực hình, đành chịu nỗi oan mà nhận tội. Tên tham quan Đào Ngột đã đã dùng mọi thủ đoạn ép được cung, liền khép nàng vào tội chết, giải nàng ra pháp trường xử tử. Trên đường ra pháp trường, nàng đã xin được giải đi ngõ sau, chứ không bị diễu qua phố, vì nàng sợ mẹ chồng nàng nhìn thấy sẽ không thể chịu nổi.
Trong vở kịch có một màn cảm động lòng người sâu sắc, Đậu Nga trước khi bị hành hình đã phát ra ba lời thề như đinh đóng cột với quan giám trảm:
1. Nếu tôi bị oan, thì “Đao chém qua đầu một giọt máu nóng cũng sẽ không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia.”
2. Nếu tôi bị oan, thì “Sau khi thân chết, trời sẽ giáng tuyết dày ba thước, đắp lên thi thể tôi.”
3. Nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết thì “Từ giờ trở đi, Sở Châu này sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền.”
Lời thề của Đậu Nga ngay sau đó đều đã ứng nghiệm: Máu bắn lên dải lụa trắng, tuyết rơi tháng 6, vùng Sở Châu đại hạn 3 năm.
Bố cô là Đậu Thiên Chương đỗ cao trong kỳ thi, được triều đình trọng dụng, đi điều tra các vụ án trong vùng. Khi đi đến Sơ Châu, Đậu Nga đã báo mộng và kể lại sự tình cho ông. Đậu Thiên Chương rửa sạch nỗi oan cho Đậu Nga, xử tội Trương Lư Nhi và Đào Ngột.
Nguồn: Điển tích điển cố (tên page trên facebook) và Wikipedia.
Sau hơn 1 tháng lặn mất mặt mình đã trở lại đêy=))
Thời gian qua mình có 2 kì thi quan trọng nên không có thời gian edit truyện.
Cảm ơn mọi người đã chờ đợi và ủng hộ 😭.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com