Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 3

Chẳng lâu sau, tôi bỗng dưng 'nổi danh' trong đám tì nữ quét dọn ở sân ngoài, có lẽ do hành động quá khích của tôi khiến họ nghĩ rằng đầu óc tôi hâm hấp, bởi vậy thường tránh tôi như tránh tà.

May sao Đào Đào vẫn đối xử tốt với tôi... À không, với Trương Bình Nhi.

Tôi chả biết trước kia cô ấy và Trương Bình Nhi ở chung ra sao, nhưng cô ấy thật ngây thơ, tôi liền dùng cách đánh cược để moi từ miệng cô ấy ra không ít chuyện.

"Bây giờ là năm nào, tháng nào?".

"Năm Thái Hanh thứ ba, ngày mùng chín tháng tư".

"Ba năm trước là niên hiệu gì, năm thứ mấy, vị hoàng đế trước đó là ai?".

"Năm Thừa An thứ hai mươi ba, Mục hoàng đế".

"Đương kim hoàng đế là con của ai?".

"Cố thái tử".

"Tề vương thì sao?".

"Tề vương vu cáo Cố thái tử tạo phản, hại thái tử bị tịch biên gia sản, nhưng sau đó đại trưởng công chúa đã minh oan cho Cố thái tử, còn cứu được đứa con duy nhất của Cố thái tử, tiên hoàng phong con trai của Cố thái tử làm thái tôn [1], tịch biên gia sản của Tề vương. Một năm sau, tiên hoàng băng hà, thái tôn đăng cơ".

[1] Cháu nội hoàng đế được chọn làm người nối ngôi thì gọi là (hoàng) thái tôn.

"Đại trưởng công chúa có những phong hiệu nào?".

"Ừm... thời tiên hoàng là Nhu Gia, bây giờ là Tấn Dương đại trưởng công chúa".

"Lại bộ thượng thư Phạm Trạch Dân và gia quyến thì sao rồi?".

"Cái này tôi không biết, trong kinh không có người này, mấy người thượng thư gì gì đó tôi cũng không rõ ai là ai".

Chuyện đấy có lẽ hỏi cô ấy cũng vô dụng, tôi suy nghĩ một thoáng, do dự hỏi ra điều mình muốn biết nhất - "....Vị Phạm phò mã kia của Nhu Gia công chúa, giờ thế nào rồi?".

"Phạm phò mã... đã tự vẫn trong thiên lao" - Đào Đào nói xong, lại nhíu mày khuyên - "Bình Nhi, chúng ta chỉ nói chuyện này với nhau thôi, đừng để người khác nghe thấy, không thì đại trưởng công chúa chắc chắn sẽ phạt tội bất kính".

Tôi nghi hoặc hỏi - "Tại sao?".

Đào Đào thở dài - "Đại trưởng công chúa và Phạm phò mã tình sâu như kiêm điệp [2], phò mã qua đời, vẫn luôn là nỗi đau trong lòng đại trưởng công chúa, nhớ mãi khôn nguôi, cho nên đã cho xây một tòa biệt viện phò mã trong phủ, nghe nói bài trí giống y đúc khi phò mã còn sống, còn cho chuyển tất cả đồ đạc của phò mã vào, nhưng chỗ đó trừ người quét dọn ra thì không ai được phép vào, chỉ có đại trưởng công chúa thường đến đó ngắm nhìn, ngồi một chút để tưởng nhớ phò mã".

[2] Kiêm là một loài chim trong truyền thuyết, mỗi con chỉ có một mắt và một cánh, vì vậy chúng phải kết hợp với một con chim khác mới có thể bay. Còn điệp chính là cá bơn, hai mắt nằm ở một bên nên người ta ngộ nhận đây là phải có hai con cá dính vào nhau mới có thể di chuyển.

Vị đại trưởng công chúa thâm tình trong lời cô ấy khiến tôi cảm thấy xa lạ. Tôi chẳng đáng để công chúa tưởng nhớ đến ngần ấy, cũng chẳng xứng để cùng công chùa tình sâu như kiêm điệp.

Giờ đây, nàng đã là Tấn Dương đại trưởng công chúa tôn quý nhất, việc nàng thể hiện tình cảm sâu đậm trước thiên hạ, e cũng chỉ vì lợi ích.

Nhưng nghe những lời của Đào Đào, nếu công chúa đã cho người chuyển tất cả đồ đạc của tôi vào phò mã viện thì chắc hẳn khế ước nhà đất mà tôi tích cóp bấy lâu cũng nằm trong đó.

Sống trong phủ đại trưởng công chúa chả qua chỉ là hạ của hạ sách, nếu có được khế ước nhà đất và tiền bạc, tôi không cần phải ở lại đây nữa, cũng không cần bị quản thúc bởi cha con Trương gia.

"Cô đang nghĩ gì vậy?" - Đào Đào đẩy nhẹ vai tôi - "Bệnh vẫn chưa khỏi hẳn sao?".

Tôi cười nhạt, lắc đầu, hỏi - "Cô có biết ai quét dọn phò mã viện không?".

Đào Đào ngẫm một lúc, rồi đáp - "Hình như không cố định người nào, mà thật ra cũng chẳng ai muốn làm".

Tôi lại càng khó hiểu, hỏi - "Tại sao?".

Đào Đào xị mặt - "Đại trưởng công chúa nói, phò mã khi còn sống ưa sạch sẽ, nên trong phủ phải sạch bóng, sáng như gương, nhưng rốt cuộc phải sạch đến mức nào thì ngay cả đại trưởng công chúa cũng không kể rõ, nên thường xuyên có người bị phạt".

Tôi há hốc mồm, ngạc nhiên vô cùng. Đúng là tôi thích sạch sẽ, nhưng công chúa chưa từng để tâm đến chuyện này bao giờ cả.



#



Không rõ đó là năm nào, giữa ngày nghỉ, tôi từ Quốc Tử Giám trở về thì thấy trong phòng mình bị dấu chân bùn giẫm đạp bầy hầy cả lên, tôi tức khắc nổi giận, nghĩ rằng do tên đầy tớ hay thị nữ đáng ghét nào đó gây ra.

Đang định tìm người đến mắng lại cảm thấy dấu chân đó vô cùng quen mắt, hình như từng gặp ở Lưu Xuân Các.

Tôi liền sực nhớ mười ngày trước công chúa tại hoa viên trồng hoa, cả chân đều là bùn đất, chưa rửa sạch đã giẫm vào phòng, khi ấy tôi có nói với nàng một câu - "Công chúa đúng là đi bước nào sen nở bước nấy".

Xem ra nàng ghi hận tôi những mười ngày, cho nên mới giẫm đầy bùn đất trong thư phòng và phòng ngủ của tôi một lượt để hả giận.

Đợi đến khi tôi đi hỏi đám tôi tớ, ánh mắt bọn họ né tránh song vẫn trả lời - "Bẩm phò mã, công chúa có lệnh, không cho phép bất luận kẻ nào quét dọn, muốn phò mã tự mình 'tẩy sen'".

Tôi bất lực, đành tự thân dọn sạch thư phòng và phòng ngủ, mệt muốn gãy lưng, ấy vậy mà Đinh Lan chạy đến gọi tôi đi đánh cờ cùng công chúa, dĩ nhiên là bại thê bại thảm.

Kể từ đó, mỗi khi không vui, nàng sẽ luôn dẫm bùn từ vườn Lưu Xuân Các vào phòng tôi, đôi khi dẫm xong rồi bỏ đi, đôi khi nhìn mặt mày méo xệch của tôi khi cọ rửa.

Lúc đó nàng sẽ hơi nhăn mũi, thể như không phục - "Phạm Bình, ngươi còn dám nói ta nữa không?".

Tôi chỉ thiếu nước quỳ xuống cầu xin nàng tha thứ - "Không dám nữa, không dám nữa".

Tôi chả nhớ rõ lúc đấy công chúa có cười hay không, chỉ là cảm thấy có lẽ nàng đang đùa bỡn tôi, thử xem tôi có còn áy náy với nàng hay không, có ngoan ngoãn nghe lời hay không, để tính đường ứng biến, tiếp tục lợi dụng tôi.



#



Sau khi biết được từ chỗ Đào Đào rằng việc quét dọn phò mã viện không cố định, tôi bèn nhờ cô ấy, nếu hay tin ai phải đi quét dọn biệt viện phò mã thì báo với tôi ngay, tôi có thể thay người đó đi.

Đào Đào vẫn cho rằng tôi nói sảng, liên tục xua tay, hỏi - "Sao cô làm vậy? Vất vả lắm Ngô gia lệnh mới thông cảm cho cô đang bệnh, đặc biệt dặn dò không cho cô đi quét dọn nữa".

Tôi nửa thật nửa giả mà rằng - "Tôi muốn được diện kiến dung nhan của đại trưởng công chúa, Ngô gia lệnh bằng lòng giữ tôi lại, ắt hẳn là nhờ đại trưởng công chúa nhân từ. Giá mà có thể nhìn thấy từ xa, ghi tạc trong lòng, nguyện cầu phúc thần phù hộ cho người".

Đào Đào bừng tỉnh - "Phải rồi, những thị nữ ngoại viện như chúng ta thật sự rất khó gặp đại trưởng công chúa. Bình Nhi, cô thật có lòng".

Tôi gượng cười, bàn tay vô thức bấu chặt góc áo - "Đương nhiên".



#



Ba ngày sau, tôi có cơ hội được dọn dẹp biệt viện phò mã, cùng với tám thị nữ khác.

Nghe nói công chúa không thích nam nhân vào biệt viện phò mã nên chỉ cho phép các thị nữ đến.

Tôi cũng không rõ vì sao không cho nam nhân vào biệt viện của tôi, đã cách biệt gần bốn năm, dù đối với tôi chỉ như mới ngày hôm qua, nhưng từ lời của người khác, tôi đã không còn nhận ra dung mạo và giọng nói của công chúa, chớ đừng nói chi đến tính tình.

Không lâu sau, chúng tôi đã tới nơi, từng cọng cây ngọn cỏ, từng viên gạch mái ngói, trước mắt bày ra cùng trí nhớ của tôi y như đúc.

Tôi là thị nữ cấp thấp nhất, chỉ phụ trách sân ngoài, không thể vào thư phòng và phòng ngủ, ngặt nỗi những khế ước nhà đất của tôi đều được cất trong thư phòng, cùng với mấy bức thư họa vụng về của tôi, chúng bị niêm phong mấy năm, ngay cả tôi còn cảm thấy sẽ không có cơ hội được trông ánh mặt trời một lần nào nữa.

Gặp tôi ngẩn ngơ tại chỗ, một thị nữ khẽ huých tôi một cái, nói - "Đừng thừ người ra đó, mau vào việc đi".

Tôi cười gượng hồi đáp, rồi vờ như vô tình mà hỏi - "Người đã khuất, sao đại trưởng công chúa còn giữ biệt viện phò mã này, chẳng phải thấy cảnh càng sinh sầu hay sao?".

Thị nữ kia nhìn quanh quất, nom lo lắng, nhỏ giọng lại - "Nghe bảo đại trưởng công chúa vì nhớ phò mã mà sinh bệnh, cứ cho rằng ngài ấy sẽ về, nên mới xây tòa biệt viện này".

Nói đoạn, cô ta nom tiếc nuối mà lắc đầu - "Người chết sao có thể sống lại, đại trưởng công chúa quá si tình".

Tôi cũng phụ họa một câu - "Ừ, người chết sao có thể sống lại, cho dù thực sự mượn xác hoàn hồn, e rằng đại trưởng công chúa cũng nhận không ra".

Thị nữ gật đầu lia lịa, lại dặn tôi quét dọn nhanh lên để rời khỏi nơi này.

Song chả hiểu vì sao, trong lúc đương bận bịu, thần xui quỷ khiến thế nào tôi lại đi về một phương khác.

Nếu nơi đây giống như kiếp trước của tôi thì chỗ đó hẳn có một cái đình nhỏ, là vị trí tôi thường luyện chữ vẽ tranh lúc nhàn, tên đình là Thanh Vân, lấy ý từ Thanh Vân Sĩ [3], là nỗi niềm cất giấu trong lòng tôi.

[3] Thanh Vân Sĩ thường dùng để chỉ những người có hoài bão lớn, theo đuổi chí hướng cao xa.

Nhưng rốt cuộc, phong lưu của những văn nhân sĩ tử đó chẳng can hệ gì đến tôi.

Ngay cả bản thân tôi còn chẳng biết vì sao mình lại muốn đến xem cái đình nhỏ mà một người chết thường lui tới lúc sinh thời, là vì nhớ công chúa sao?

Ký ức tôi còn lưu giữ chuyện của một năm nào đó, tâm trạng công chúa rất tốt, thấy tôi vẽ tranh trong đình cũng nổi hứng nói muốn vẽ tôi.

Tôi thật sự không phải là người văn nhã gì cho cam, bởi vậy lập tức từ chối - "Công chúa thích hoa, chi bằng vẽ hoa đi, tuy hoa trong viện của tôi không bằng hoa trong Liễu Xuân Các được công chúa dày công chăm sóc, nhưng nét hoang dã của nó cũng có phần thú vị".

Công chúa lắc đầu, không cho tôi từ chối - "Phạm Bình, ta muốn vẽ ngươi".

Công chúa nói chuyện với tôi, trước giờ ít khi giải thích, bất kể tôi có gì khó xử, hoặc có gì bất tiện, nếu tôi không đồng ý, công chúa sẽ lạnh nhạt với tôi, không thèm đếm xỉa, để thể hiện sự khó chịu của nàng, thường thì kéo dài một thời gian rất lâu.

Tôi nào muốn công chúa phớt lờ tôi, nên đành đồng ý.

Đẩy bút mực đến trước mặt nàng, lại trải giấy cho nàng, song tim tôi vẫn thấy bức bối.

Công chúa liếc tôi một cái, nói - "Phạm Bình, ngồi cho ngay ngắn".

Tôi bèn thẳng lưng, ngồi trên ghế đá, không dám nhúc nhích.

Lúc đó hoa bào đồng đã rụng hết, bóng nắng chiếu xuống đình Thanh Vân dần dần nghiêng xéo, tôi mơ hồ cảm thấy lưng mình ướt đẫm mồ hôi mà không biết vì sao, lẽ nào thời tiết oi bức quá đỗi?

Hay là, ánh mắt quan sát của công chúa khi cúi đầu rồi lại thoạt ngửng lên quá mức mãnh liệt? Lúc đấy tôi đang nghĩ, thứ công chúa trông thấy là cảnh sắc như hoa cỏ, cây đá, hay là...

Chưa kịp ngẫm ngợi rõ ràng, công chúa đã đặt bút xuống, thị giác lướt qua tôi, tôi biết ý nàng, bèn đứng dậy đi đến bên cạnh nàng xem bức tranh Phạm Bình ấy.

Công chúa vốn không rành nét đan thanh [4], tôi cũng chẳng dám mong nàng vẽ được mấy phần khí chất thanh tú cỡ nào, song khi thấy người trong tranh mày rậm môi dày, mặt vuông mắt cười, dáng vẻ cứng nhắc, khù khờ như đá, tôi không tránh khỏi chạnh lòng, rầu rĩ.

[4] Ví von về hội họa.

Hóa ra trong mắt nàng, tôi là như vậy, xấu quá.

Tôi buột miệng hỏi - "Công chúa không muốn giúp tôi trau chuốt một chút sao? Sao cứ chăm chăm vào những chỗ xấu xí của tôi vậy?".

Công chúa thản nhiên đáp - "Dễ nhớ".

Tôi bất lực, tự diễn giải ý tứ trong lời nàng - "Được rồi, ít nhất công chúa vẫn muốn nhớ đến tôi".

Công chúa không trả lời, cũng không đưa bức họa cho tôi, có lẽ đúng như lời nàng nói, là vì dễ nhớ, nhưng đến nay tôi vẫn không hiểu, rốt cuộc nàng muốn nhớ đến tôi làm gì.

Hay là, nàng chỉ mượn tranh để trút nỗi chán ghét của mình, dẫu sao thì chuyện giả vờ giả vịt xưa nay rất dày vò người ta.

Mà giờ đây, người sau cây hoa đồng kia, không phải công chúa thì là ai?

Nàng ngồi nhàn nhã trong đình Thanh Vân, nhắm mắt, chống tay lên trán. Trên bàn đá và dưới đất ngổn ngang những bình rượu sứ trắng cổ nhỏ, hình như nàng say rồi.

Tôi không dám bước tiếp, hệt như trước mắt có một cái rãnh trời ngăn cách giữa tôi và nàng. Một nỗi bi thương dâng lên từ đáy lòng, giữa lúc hoảng hốt chỉ muốn xoay người bỏ đi, nhưng hai chân tựa hồ bị hai cây đinh sắt đóng chặt xuống đất, không cách nào nhúc nhích.

Lồng ngực cũng bị một tảng đá lớn đè nặng, chôn tôi vào trong đầm nước lạnh thấu xương, gần như không thở nổi.

Chỉ tích tắc, hình như nàng đã phát giác, giương mắt nhìn về phía tôi, khẽ mấp máy môi, nom đang gọi một cái tên.

Tôi không dám nhìn nàng, thoáng cái bừng tỉnh và chuyển động được gót chân, vội vội vã vã cúi đầu, xoay người rời đi, sợ rằng nàng sẽ gọi tôi lại.

Mà mơ mơ hồ hồ, ánh mắt sau lưng mang đến cho tôi cảm giác như những sợi tơ nhện vấn vít, dù có phủi cũng không sao xóa được xúc cảm nhớp nháp.

Rất nhanh sau đó, tôi cùng các thị nữ quét dọn xong ngoại viện, cùng mọi người lui ra ngoài, đồng thời ghi nhớ một lần nữa con đường từ biệt viện đến ngoại viện.

Cấu trúc của biệt viện chẳng khác gì lúc tôi còn sống, gần đấy cũng không có nhiều kẻ canh gác, chắc do công chúa dặn dò, không cho người tụ tập ở chỗ này, đối với tôi mà nói đây đúng là chuyện tốt, có thể tránh tai mắt kẻ khác mà lấy lại khế ước.

Chỉ cần đợi đến tối lại đi thêm một chuyến, là có thể chấm dứt hết thảy.

Từ đó về sau...

Từ đó về sau rời khỏi chỗ này, e rằng không cần gặp công chúa nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com