Chương 15
Cuối tuần nào cũng đi dự hội thảo
......
Phượng Tường nói vậy là để Mão Sinh nghe. Ăn xong, Mão Sinh nói công việc dọn dẹp còn lại giao cho em, sư tỷ cứ yên tâm lái xe đưa khách đi hội thảo. Màn phối hợp nhiệt tình của hai người khiến Đỗ Ưng Kỳ đứng ngồi không yên. Nha sĩ nói không muốn làm phiền, cô biết đường nên có thể tự đi, bỗng bắt gặp ánh mắt xoáy sâu của Phượng Tường, Đỗ Ưng Kỳ mắc nghẹn, thấy mình như bị Hoa Đán nhìn thấu.
Phượng Tường nói không cần lo vấn đề ở khách sạn, đợi "họp xong" sẽ làm thủ tục sau. Cô ấn Đỗ Ưng Kỳ vào ghế phụ, hỏi thêm: "Ấy có cần lên bục phát biểu trong cuộc họp đó không?"
Đỗ Ưng Kỳ bối rối nói không cần. Định nói sự thật: "Thật ra tớ..."
"Thật ra cuộc họp này không cần đi cũng được phải không? Vậy được, để tớ dẫn đi tham quan xung quanh." Phượng Tường tiếp lời: "Tiểu Đỗ đã đi Phố cổ Ngân Giang chưa? Chúng ta đến đó xem thử nhé?"
Nha sĩ thở phào nhẹ nhõm, để cho Phượng Tường dẫn đi tới địa điểm du lịch.
Thế này thật tuyệt, không cần ở nhà và cảm thấy ngột ngạt vì khoảng cách, cũng không cần vắt óc suy tính phải đến khách sạn nơi không tổ chức hội thảo nha khoa. Phượng Tường và Đỗ Ưng Kỳ đi dạo trong phố cổ cùng nhau. Nắng trong lành, nước đập xanh, những phiến đá cổ đứng im lìm bên đập nước trên núi. Đi bộ hơn nửa tiếng, Phượng Tường gọi nha sĩ ngồi xuống một lúc: "Ngắm phong cảnh".
Những gì nhìn thấy hàng ngày không còn chỉ là phong cảnh nữa. Nếu không có bộ lọc, cây vẫn chỉ là cây và nước vẫn là nước. Nếu ngày nào cũng được nhìn thấy Trần Phượng Tường, liệu cô ấy có mất đi vẻ quyến rũ không? Đỗ Ưng Kỳ quay đầu nhìn Phượng Tường, bâng quơ nghĩ về những điều chẳng đến đâu.
"Có vẻ như đằng ấy rất quen thuộc với nơi này." Nha sĩ hoàn hồn, nói chuyện với Phượng Tường.
"Ừ, nhiều khi rảnh tớ hay lái xe đến đây ở lại nửa ngày." Mọi thứ ở Ninh Ba đều tốt, duy chỉ có một điều không tốt: Nơi đây không thể hoá tan nỗi cô đơn của Phượng Tường. Phượng Tường nói công việc của tớ thường quá ồn nên cần một nơi yên tĩnh. Ở đây tốt lắm, không có nhiều người.
"Ấy có bao giờ nghĩ sẽ quay lại Bách Châu không?" Đỗ Ưng Kỳ luôn cho rằng Phượng Tường từ giã quê hương không chỉ vì mục đích "kiếm sống".
Sớm muộn gì cũng sẽ quay lại, nhưng không phải bây giờ. "Tớ có một ngôi nhà ở Bách Châu nơi khỉ ho cò gáy. Ở đó tớ cũng giữ cổ phần của một cửa hàng thương hiệu hạt dưa rang nhà làm, tuy lợi nhuận hàng năm không được mấy đồng là bao. Thôi, không nói chuyện này nữa, nói về đằng ấy đi. Đàn chị của ấy trả lời như thế nào? Ấy đi tìm người ta ngay nửa đêm như thế, cô ấy không buồn sao?" Phượng Tường nhìn vào mắt Đỗ Ưng Kỳ, nha sĩ ngượng ngùng quay đi.
Đúng là Đỗ Ưng Kỳ hơi vội vàng khi từ chối Cam Đường, cô nói, những ngón tay đã quen cầm thám trâm soi miệng đang đan xen và xoắn lại với nhau. Phượng Tường không hấp tấp như tính tình thẳng thắn của cô, chỉ lặng lẽ ngồi cạnh và chờ. Khoảng mười phút chờ đợi trôi qua, Đỗ Ưng Kỳ nói, ối, quên mất.
"Không phải ấy nói muốn ăn món vịt muối của tỉnh lỵ sao? Sáng sớm tớ không kịp mua bên Trạng Nguyên Lầu, đành mua ngoài tiểu khu, cất vào trong vali quên đem ra." Đỗ Ưng Kỳ nói, ấy gọi điện cho cô gái đó, bảo cô ấy mang ra cho vào tủ lạnh đi.
Phượng Tường gật đầu, nhanh chóng gọi cho Mão Sinh. Lại quay sang nhìn nha sĩ, ý là: "Còn có chuyện gì nữa không?" Thấy nha sĩ mím môi cười, Phượng Tường cũng bất giác cười rộ: "Cảm ơn."
Nhưng mà - hễ có việc gì nhắc đến chữ "nhưng" đều khiến mọi người sợ hãi thít cơ đít, bít cơ hàm. Đỗ Ưng Kỳ cuối cùng cũng được trải nghiệm cảm giác căng thẳng của những bệnh nhân há miệng chờ cô ra tay.
Phượng Tường nói, ấy là một người không tệ. Không biết là đang khen Đỗ Ưng Kỳ hành động nhanh chóng, hay là giỏi dao sắc chặt đay rối, hay là khen vì đã mang giấy khám bệnh đến. Đưa tay khuấy động gợn sóng trong làn nước mát lạnh, Phượng Tường vẩy nhẹ những giọt nước vào không khí tạo thành chùm, nheo mắt nhìn Đỗ Ưng Kỳ, vẻ thanh nhã luyện tập quanh năm trên sân khấu rỉ ra trên đầu ngón tay. Khua tay, Phượng Tường nói tớ cũng không biết sau này sẽ sống một cuộc sống thế nào.
Thì cứ hát, tiền không bao giờ kiếm được nhiều đâu. Thì cứ diễn, tớ thấy người ta gặp dịp thì chơi khổ lắm, thà rằng cứ người thật việc thật còn vui hơn. Thì cứ dựa, nếu không hát được nữa thì về Bách Châu dưỡng già. Thực ra ở lại Ninh Ba dưỡng già cũng thật tuyệt, chỉ là tớ vẫn chưa kết bạn được với ai ở đây. Dừng lại một lúc, Phượng Tường cười xoà: "Không phải không có bạn, mà là không có cô ấy."
"Tiểu Đỗ, tớ hiểu." Không biết vì sao nữa, khi thực sự gặp mặt, Phượng Tường vẫn thích gọi "Tiểu Đỗ" thay vì "Tiểu Mẫu Đơn" hơn.
"Chúng ta thật ngu ngốc, ôm chặt mối tình đơn phương trăng trong nước như thể chỉ vậy mới có cảm giác được sống thực tế một chút. Cách sống này, ai nhìn kỹ sẽ nhận ra ngay." Phượng Tường vỗ vai nha sĩ: "Làm tốt lắm, ấy đã thực sự thoát ra ngoài." Còn cô vẫn như chưa thể thoát ra.
Đỗ Ưng Kỳ cúi đầu nhìn thân ảnh phản chiếu của hai người dưới nước, nói chính xác hơn, là nhìn Trần Phượng Tường trong nước, không nói gì cả. Bao năm tháng tơ vương vừa qua với Cam Đường đã dạy cho Đỗ Ưng Kỳ một bài học: Những lời thề thốt, van nài hay bày tỏ chân thành vô ích đều không cần nói. Nếu nói sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng lên vai, chỉ là cái cớ để mời bản thân một ly rượu.
Đừng quá hiểu rõ ý của Trần Phượng Tường: Phượng Tường vẫn chưa quên được "cô ấy". Đỗ Ưng Kỳ không muốn dò xét nhưng thực sự không thể kìm lòng mà lên mạng lục tung kết quả về "cô ấy", cuối cùng bị sốc trước nhan sắc cao sang nhẹ nhàng và tạo hình hoá trang khí khái tuyệt mỹ của "cô ấy".
Đỗ Ưng Kỳ không có gan nói: "Hay là chúng ta chạm môi nhau xem có cảm giác gì không?" Ngay cả cô gái trong nhà Trần Phượng Tường đó cũng không thể hoàn toàn khơi dậy cảm xúc Phượng Tường, trong khi vẻ ngoài của người đó thực sự khiến nha sĩ phải xấu hổ tự thẹn.
Trò chuyện nhát gừng vài câu với Phượng Tường cho đến khi mặt trời dịu đi, Phượng Tường đề nghị: "Ở lại nhà tớ đi."
Đỗ Ưng Kỳ mỉm cười, cảm ơn, nhưng tớ đã đặt khách sạn trên mạng.
Khi lấy lại hành lý từ nhà Phượng Tường và được đưa đến cửa khách sạn, Hoa Đán nhìn quanh khu vực khách sạn, hỏi: "Tối nay muốn ăn gì?"
Không ăn nữa, tớ còn có việc bận. Đỗ Ưng Kỳ biết cơ hội rất hiếm nhưng cô vẫn từ chối. Sau đó một lần nữa cảm ơn sự hiếu khách của Phượng Tường, cô cười, hai lúm đồng tiền hiện lên thật sâu: "Nếu có cơ hội, tớ sẽ đưa ấy đi chơi ở tỉnh lỵ."
Phượng Tường vui mừng và nhanh chóng đáp: "Nhất định." Cách mà chiếc ô tô quay đầu cũng nhanh chóng, chỉ dừng lại trong vài giây, Phượng Tường thò đầu ra nói với Đỗ Ưng Kỳ: "Đi đây."
Nha sĩ vẫy tay: "Đi cẩn thận nhé."
Phượng Tường vừa ra về, hồn phách của Đỗ Ưng Kỳ đã bị hút sạch, cô ngơ ngác làm thủ tục check-in, vào phòng không bật đèn, không đun nước và cũng không bật điều hòa, chỉ thẫn thờ ngồi ở đầu giường suốt một tiếng đồng hồ. "Việc" của cô là phải tự tiêu hóa sự thật: Trần Phượng Tường hoàn toàn không có ý gì với mình.
Có phải Đỗ Ưng Kỳ đáng đời vật lộn trong mạng lưới do Cam Đường dệt nên? Cuối cùng nha sĩ bật đèn, đi vào phòng tắm vặn vòi nước, dội lên mắt và mặt làn nước lạnh cóng, cái lạnh buốt xương buốt thịt sau đó chuyển thành cảm giác nóng hừng hực.
Như có thần giao cách cảm, Cam Đường gọi cho Đỗ Ưng Kỳ, nghe thấy giọng khàn khàn của nha sĩ, chị giật mình: "Ưng Kỳ, sao vậy?"
Không sao. Chùi nước mắt trên mặt, nha sĩ mắt đỏ hoe hỏi chị có chuyện gì.
"Trong tim em đã có người khác à?" Cam Đường nhạy cảm, để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của Đỗ Ưng Kỳ, nếu thực sự trong tim có cô, ánh mắt Đỗ Ưng Kỳ sẽ không nói dối, bầu không khí ám muội giữa hai người phụ nữ cũng sẽ không phai nhạt.
Không còn khả năng lắm nữa. Đỗ Ưng Kỳ cười: "Không thể gượng ép. Khi còn đi học, em không thể gượng ép chị, chị biết cách nên đi con đường nào vững vàng nhất." Bây giờ, chúng ta không gượng ép nhau, ở một mình cũng tuyệt.
"Cô ấy là người như thế nào?" Cam Đường hỏi thẳng.
Đỗ Ưng Kỳ im lặng, sau đó nói: "Là một người đáng thương, muốn mạnh mẽ nhưng lại yếu đuối."
Sau một đêm trằn trọc, bác sĩ Đỗ bắt chuyến xe sáng sớm về tỉnh lỵ như cách cô vội vàng đến vào sáng hôm qua. Xách vali vào thẳng bệnh viện nha khoa, vẫn là quy trình như thường lệ: Thay quần áo, bàn giao công việc trong ngày với đồng nghiệp, chuyên tâm bận rộn trong đủ loại âm thanh "bíp bíp bíp", "xèo xèo xèo" của các loại dụng cụ cho đến bảy giờ chiều. Đỗ Ưng Kỳ cười tươi tắn chào tạm biệt mọi người, xách vali lên lại trở về nhà.
Về đến nơi, thấy mẹ già vẫn chưa ăn cơm, đang bày bốn món một canh chờ con gái trở về, còn khui thêm một chai rượu ngon. Mẹ nói, hôm qua vừa mua cổ phiếu mới, hôm nay đã tăng trần. Chúng ta nên mua cổ phiếu như cách ta làm việc và làm người, phải chọn những gì đàng hoàng tử tế mà làm, đừng toan đi tắt rẽ ngang. Nói xong, bà nhìn ông chồng đầy ẩn ý.
Tăng trần thì tốt quá. Đỗ Ưng Kỳ gượng cười, ăn hết nửa bát cơm, ăn xong giành làm việc nhà, lau đi lau lại sàn phòng ngủ, ban công, phòng học, nhà bếp và phòng tắm hai lần. Cuối cùng mệt đến mức lưng đau nhức, phải đi tắm nước nóng nửa tiếng.
Trở về giường đã là 12 giờ đêm, Đỗ Ưng Kỳ không dám mở Q lên nữa. Hôm nay cô trả lời Phượng Tường một câu: "Cảm ơn vì đã tiếp đón, hẹn gặp lại khi có cơ hội. "
Bà mẹ đang vui vì cổ phiếu tăng trần gõ cửa, ngồi xuống bên giường của con gái, nhìn Đỗ Ưng Kỳ một lúc: "Kỳ Kỳ của mẹ xinh quá."
Đỗ Ưng Kỳ cười khổ, đó là bởi vì mẹ là mẹ của con.
"Đi họp thật à?" Mẹ cười tủm tỉm hỏi.
"Vâng." Đỗ Ưng Kỳ nói từ sau con sẽ cố gắng không đi nữa, thật kinh khủng, những việc phải làm không ít hơn chút nào, tạm thời trì hoãn lịch khám của bệnh nhân làm con ngại quá.
Hai mẹ con ngồi một lúc, mẹ nói: "Hay là con nghĩ xem, tự đẻ một đứa con, bố mẹ sẽ chăm." Bà mẹ đã dần từ bỏ suy nghĩ muốn con gái kết hôn, nói: "Con cũng phải tính chuyện dưỡng già chứ."
Đỗ Ưng Kỳ bị thuyết phục trong giây lát, nhưng không có tâm trạng suy nghĩ kỹ, chỉ nói đang bận công việc.
"Đang không thích ai thật sao?" Mẹ già nhưng mắt mẹ chưa mờ, rất có hồn nhìn con gái.
Nha sĩ kéo chăn lên che mặt: "Chúng ta đừng nói về chuyện này nữa, bây giờ con chỉ muốn kiếm tiền mở phòng khám riêng thôi." Mẹ nha sĩ khẽ cốc đầu cô. Một lúc sau, đèn trong phòng đã tắt, Đỗ Ưng Kỳ thò đầu ra ngoài, lại gối đầu, chốc thì nghĩ về chuyện sinh con, chốc thì nghĩ đến Cam Đường, cuối cùng tâm trí bị chiếm cứ bởi một khuôn mặt xa lạ, là Phượng Tường.
Phượng Tường ngoài đời thật khác với khi trang điểm, đôi mắt cô ấy sống động hơn, biểu cảm phong phú hơn. Ngắm Phượng Tường trong tâm trí rõ hơn, Đỗ Ưng Kỳ cảm thấy khuôn mặt này càng lúc càng quen thuộc, cô không thể nào quên.
Trần-Phượng-Tường. Đỗ Ưng Kỳ đọc thầm cái tên này, trằn trọc mãi không ngủ lại bò dậy lấy điện thoại, quả nhiên Phượng Tường không nói gì thêm, có lẽ chuyến thăm đột ngột mang theo ý định rõ ràng này đã khiến Phượng Tường cảm thấy khó xử. May thay Phượng Tường thông minh, cô ấy đã cố gắng hết sức thầm lặng để lại mặt mũi cho cả hai.
Đỗ Ưng Kỳ lướt lên hàng trăm trang lịch sử trò chuyện còn lại, như thể đang trong một giấc mơ. Khoảng hơn hai giờ đêm, Đỗ Ưng Kỳ hoàn toàn mất ngủ, cô cắm sạc cho điện thoại rồi ngồi ở đầu giường đọc lại lịch sử trò chuyện, không may lỡ tay trở lại trang chủ hội thoại, vô tình nhấn gửi một dấu "?".
Phượng Tường trả lời rất nhanh: "Chưa ngủ à?"
Trái tim Đỗ Ưng Kỳ tê dại trước câu hỏi quan tâm. Một lúc sau, nha sĩ hỏi: "Nếu tớ đi phẫu thuật thẩm mỹ, liệu ấy có cân nhắc tớ không?"
"Tớ nông cạn đến thế sao?" Phượng Tường ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại, thật ra cũng có một chút: "Tiểu Đỗ à, mặc dù đôi khi rất khó nói trước duyên phận giữa người với người, nhưng tớ thực sự không hoàn toàn nhìn vào khuôn mặt." Phượng Tường giải thích, mà không nói lý do cô chơi điện thoại nửa đêm nửa hôm vì nhớ đến dáng vẻ Đỗ Ưng Kỳ qua gương chiếu hậu khi họ tạm biệt nhau, vừa rắn rỏi, vừa kiên cường, khiến Phượng Tường nhìn mà có chút không thể kìm lòng.
Vậy nhìn vào điều gì? Đỗ Ưng Kỳ hứng khởi hẳn.
Hmm... có sống cùng một nơi với nhau không, có cùng sở thích và quan tâm giống nhau không, người này có thú vị hay không... và cả, có lúm đồng tiền hay không?
Cái này thì Đỗ Ưng Kỳ có, nhiều hơn Vương Lê một cái. Ngoài ra, Phượng Tường không nói chấm dứt, nghĩa là vẫn còn hy vọng. Không vội, không vội. Khi não của Đỗ Ưng Kỳ nổ tung, cô lấy giấy bút ra viết mấy chục câu "không vội".
Ba giờ đêm, nha sĩ bình tĩnh lại, biết rằng trước mắt chỉ còn lại một vấn đề: Làm sao để theo đuổi Trần Phượng Tường, khi hai người đang ở hai nơi khác nhau?
Khó đấy. May mà Đỗ Ưng Kỳ có tính kiên trì: "Cùng lắm thì, cuối tuần nào mình cũng sẽ đi hội thảo."
......
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com