Chương 2: Quảng Linh Linh
Nam Phổ - Năm 1949. Bên trong thủ đô Nam Châu, một thế giới như tách biệt với phần còn lại của Nam Phổ. Hiện đại, sắc màu nhưng cũng nhuộm đầy u tối ở đâu đó.
Không ai nhớ rõ ngày chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc ở Nam Phổ. Người ta chỉ nhớ những dòng chữ đỏ tươi trên bích báo: "HÒA BÌNH ĐÃ LẬP LẠI!" – ngay trước khi tiếng súng nổ tiếp từ những ổ phục kích của Liên Minh Nhân Dân.
Nam Phổ, miền đất gãy đôi vì đạn bom, giờ rạn nứt thêm bởi những cuộc thanh trừng. Chính quyền Trung Ương gọi Liên Minh là "lũ phản loạn", còn dân nghèo thì thầm truyền nhau câu slogan nguệch ngoạc trên tường: "Chúng tôi không phải phản loạn. Chúng tôi chỉ không còn gì để mất."
Một buổi sáng tháng Chạp, xác một tên lính đặc công X01 bị treo ngược trên cột đèn phố Hồng Lý. Trên ngực hắn, ai đó đã đóng một tấm thiếc ghi dòng chữ: "Đây là kết cục của kẻ phản bội, bán nước."
Cảnh sát quân sự kéo đến trong mười phút, nhưng không kịp ngăn bà hàng nước cạnh đó lẩm bẩm: "Liên Minh vào thành phố rồi."
Trong khi Tổng thống Đặng Văn Bình tiếp đại sứ Anh Phong bằng rượu champagne ướp lạnh, ở làng chài Vĩnh Yên, một ngư dân già đập vỡ chiếc bình gốm cuối cùng để lấy mảnh sắc cắt cổ tay. Hai thế giới ấy cùng tồn tại trên mảnh đất Nam Phổ – một bên nâng ly mừng 'nền dân chủ kiểu mẫu', một bên chết im lìm như cá mắc cạn. Liên Minh Nhân Dân chẳng cần tuyên ngôn hoa mỹ. Khẩu hiệu của họ khắc trên vách nhà xí: Chúng tôi không phải phản loạn. Chúng tôi chỉ không còn gì để mất.
Nội chiến là có lẽ là sự thống khổ nhất mà một dân tộc có thể trải qua. Những cuộc chiến giờ không còn phân biệt đâu là chiến tuyến. Những con đường từng là nơi đưa tiễn nhau ra ga tàu, giờ là bãi bắn lén. Trẻ em ngủ trong hầm rượu cũ, người già chết trên những cánh đồng chưa gặt. Cả đất nước bị chia năm xẻ bảy: Đông – nơi đô thị duyên hải bị cảnh sát quân sự kiểm soát nghiêm ngặt, Tây Nam – nơi núi rừng bảo bọc người kháng chiến, và giữa – nơi không ai sống nổi quá một mùa.
Trong vùng đô thị phía Đông, các học viện quân sự vẫn mở cửa. Cờ vẫn bay. Người ta vẫn đọc báo sáng, vẫn mặc vest, vẫn tổ chức tiệc rượu. Nhưng đằng sau bức màn văn minh ấy là một sự mục ruỗng đến tận xương: vì giành lấy quyền lực, quân đội sau chiến tranh thế giới đã mệt mỏi, giờ đây để bổ sung lực lượng, lệnh cưỡng bức tòng quân gửi đến từng cô nhi viện, họ nhắm vào những đứa trẻ không còn cha mẹ, chưa học hết lớp tiểu học.
Tướng Phùng Tử Khải vỗ vai một đứa trẻ trong cô nhi viện khi kiểm tra: 'Các cháu may mắn hơn lũ trẻ ngoài kia. Các cháu sẽ thành anh hùng.' Đứa bé cúi đầu nhìn đôi giày mới – thứ duy nhất che giấu vết bỏng từ lần thí nghiệm thuốc kích thích. Sau lưng chúng, bức tường ghi dòng chữ trắng bệch: 'Nơi nuôi dưỡng những linh hồn không chủ.'
Phùng Tử Khải – lãnh đạo tối cao của quân đội Trung Ương – là người đỡ đầu chương trình đặc công X01, nơi sản sinh ra những "binh sĩ lý tưởng": không cảm xúc, không ký ức, không đặt câu hỏi. Chính ông cũng là người đẩy mạnh chính sách "trưng binh cưỡng bức", biến những cô nhi thành công cụ phục vụ cho một nền "trật tự quân phiệt hóa."
Phía bên kia, Đàm Tề Uyên – một trong các lãnh đạo Liên Minh, bên cạnh Lý Văn Cường, nhân vật bị phe Trung Ương truy nã gắt gao – không khác gì một bóng ma truyền thuyết. Người ta truyền nhau rằng bà từng học ở Tây Âu, biết ba thứ tiếng, giỏi triết học và dùng súng ngắn chính xác đến từng milimet. Bà không xuất hiện trên báo chí, không lên truyền hình, nhưng mỗi lần lời kêu gọi của bà được truyền tay, hàng trăm người bỏ phố vào rừng.
Kinh tế đất nước đến hiện tại đã phân hóa đến mức tàn nhẫn. Tầng lớp giàu có thì gửi con đi học ở Đông Luân, Anh Phong, nắm giữ ngân hàng, buôn bán độc quyền, sống trong biệt thự với rượu nhập khẩu và điện sáng trưng. Tầng lớp nghèo thì chen chúc trong xóm lụp xụp, nuôi lợn trong phòng khách, làm việc không biết ngày đêm tại các nhà máy, công xưởng, đôn điền Anh Phong và thậm chí bán máu để mua thuốc ho cho con.
Chợ đen là nơi duy nhất mà mọi tầng lớp gặp nhau: quan chức mua tình báo, lính đào ngũ bán súng, phụ nữ bán thân, trẻ con bị bán. Những mạng lưới này tồn tại dai dẳng như nấm độc sau mưa – và đôi khi, lại chính là thứ nuôi sống những người tử tế cuối cùng còn sót lại.
Bà Giang – người đứng đầu cô nhi viện số 9 tại cảng Đông – từng phải đặt chân vào những mạng lưới ấy, chỉ để đổi lấy gạo và thuốc cho hơn hai mươi đứa trẻ không họ không tên.
Trong số những đứa trẻ ấy, có một đứa nhỏ, hay ngồi thui thủi bên cửa sổ tầng ba, gác cằm lên gối và nhìn chằm chằm ra ngoài cả khi trời mưa.
Tên nó là Quảng Linh Linh.
...
Khu vực cảng phía Đông Nam Châu gần đây yên tĩnh một cách giả tạo. Đường phố lát đá sạch sẽ, đèn gas thắp sáng đều đặn mỗi tối, tàu điện chạy đúng giờ — nhưng chỉ cần rẽ xuyên qua một góc hẻm nhỏ, là thấy rõ bản chất của thứ "ổn định" mà chính phủ ca tụng.
Khu ổ chuột Tam Hà nằm ở rìa cảng, nơi người ta đem rác từ trung tâm ra đổ, nhưng chính quyền lại vẽ ranh giới đó là "khu dân sinh tự do", nghĩa là ai muốn ở thì cứ ở, miễn là không gây loạn.
Mỗi căn nhà ở đây đều là lắp ghép từ gỗ vụn, tôn rỉ hoặc vải bạt cũ, vách ngăn giữa hai hộ chỉ bằng một lớp giấy dầu và vài tấm bảng quảng cáo xé từ chợ đêm. Buổi sáng mùi nước gạo thiu trộn với khói đốt nhựa và mùi ẩm mốc từ ống cống tràn bốc lên thành một thứ hương hỗn tạp mà chỉ dân quen sống ở đây mới không thấy buồn nôn.
Trong con hẻm phố, trẻ con lấm lem, đầu trần, giữa đêm còn tranh nhau nhặt vỏ bánh từ bãi rác sau chợ trung tâm. Những căn nhà chắp vá dựa lưng vào nhau, không có tên trong sổ hộ khẩu. Và khi lính chính phủ ập vào nhà trong đêm nào đó, không ai có thể gọi tên được cái chết của mười mấy người dân là vì "tội ác" gì.
Câu chuyện bắt đầu từ việc một người đàn bà nghèo — chị Lệ, góa chồng, có ba đứa con nhỏ — bị tố giấu một người đào ngũ trong nhà. Không cần lệnh, không cần điều tra. Một trung đội lính xông vào lục soát, đánh đập, đốt sạch giấy tờ tùy thân, rồi... biến mất. Sáng hôm sau, cả nhà chị Lệ bị phát hiện chết trong đống tro, hàng xóm xung quanh sợ hãi, thương tiếc khóc thành tiếng.
Người dân khu Tam Hà đã từng nghĩ đến việc phản kháng. Và họ đã làm — bằng cách lén treo một mảnh vải trắng lên dây điện, với dòng chữ nguệch ngoạc: "Không có công lý, chỉ có máu." Chỉ vậy thôi.
Đêm kế tiếp, mười mấy thanh niên biến mất. Không ai thấy xác. Cũng không ai dám hỏi. Cảnh sát nội thành chỉ đến dựng bảng cảnh báo: "Phá hoại trật tự trị an là hành vi phản quốc."
Kể từ đó, khu Tam Hà không còn đèn đêm. Chỉ có tiếng chó sủa vọng qua hẻm sâu mỗi khi có bóng người lạ lướt qua — như thể chính những con vật cũng đã quen với việc im lặng.
Mặt trời chưa kịp ló rạng, sương sớm còn đặc quánh như váng sữa thiu trong những ngóc ngách tối tăm của khu ổ chuột Tam Hà, thì Quảng Linh Linh đã thức dậy. Cô không dùng đồng hồ. Đã nhiều năm rồi, chiếc đồng hồ duy nhất trong viện trẻ chỉ còn là cái khung sắt rỉ nằm ở góc tủ. Nhưng Linh Linh không cần nó – cơ thể cô tự biết khi nào trời vừa chuyển sang hơi thở đầu tiên của ngày.
Chiếc áo sơ mi cũ nhăn nhúm, vai đã sờn, nhưng vẫn đủ ấm. Cô xỏ vội áo vào rồi cột tóc gọn sau gáy. Cạnh tấm nệm rơm nơi cô nằm, A Tam đang cựa mình. Cậu nhỏ gầy nhẳng, mặt dính bồ hóng vì tối qua ngủ quên khi đang nhóm bếp. A Cửu thì còn lười hơn, cứ phải lôi dậy mới chịu mở mắt. Ba đứa, như thường lệ, sẽ đi "mót rau" – một công việc nghe hiền lành nhưng thật ra là trò giành giật giữa bao nhiêu đứa trẻ đói quanh khu chợ bến cảng.
Cô nhi viện nằm nép sau dãy nhà xập xệ, cách chợ chưa đầy hai con hẻm. Bà Giang – người phụ nữ trung niên với dáng lưng gù và tiếng quát như roi quật – luôn nhắc tụi nhỏ rằng: "Mót được gì thì mót. Đói mà còn chê rau dập, thì chờ tới lúc bụng kêu lụp bụp rồi mới hối không kịp."
Sáng nay may mắn hơn mọi khi. Một sạp rau cải vừa rút lui sớm, để lại cả đống bẹ cải xanh thâm đen, lá héo úa. Linh Linh không nói gì, nhanh tay nhặt phần còn đỡ nát, nhét vào bao bố. A Tam bị một thằng bé khác giật tay kéo ngã – Linh Linh không quay lại, chỉ quát: "Đứng dậy mau!" Giọng cô không to, nhưng dứt khoát như đá tạt vào nước. A Tam biết, khi cô đã nói thế, thì cậu không được phép khóc.
Trở về viện khi trời mới vừa hửng, Linh Linh giao bao rau cho Tiểu Tứ để lựa và luộc. Đại Đại, lớn nhất, đang vo gạo. Mỗi người một việc, không ai cần nhắc. Bữa trưa sẽ là cháo loãng, đủ để đỡ đói đến chiều. Thức ăn có dầu là chuyện xa xỉ, như mơ được thấy tuyết giữa Tam Hà này. Bà Giang ngồi trong gian bếp nhỏ, đang cắt thuốc Bắc phơi sấy. Mùi khô sậm của quế chi, cam thảo và xuyên khung trộn lẫn trong hơi thở buổi sáng, nghe vừa ấm lại vừa chát.
Linh Linh không có nhiều thời gian nghỉ. Cô phải ra trạm báo, giao mớ giấy in cho các sạp dọc phố Hồng Lý – công việc trả năm xu mỗi ngày, đủ để bà Giang giữ phòng ngừa khi có đứa nhỏ ốm nặng.
Ông chủ báo là người gốc Hán, không nói nhiều. Có lần, khi thấy Linh Linh tò mò nhìn mấy tờ báo bị cấm, ông đã liếc liếc cô, rồi ném ra một câu mà sau này cô nhớ mãi:
"Chính trị không nuôi cơm dân đâu. Nhưng nếu miếng cơm mày bị cướp vì chính trị, thì ít nhất mày cũng nên biết thằng nào đang cầm dao chỉ vào mày."
Trên đường giao báo, Linh Linh cứ nghĩ bâng quơ về câu nói của ông chủ báo, mấy dòng chữ được mất trên báo ẩn hiện. Bỗng từ góc đường, một đội lính X01 đi qua. Linh Linh nép hẳn vào tường, những chiếc mặt nạ sắt bóng loáng che kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt trống rỗng như mắt cá chết. Bước chân họ đồng loạt dội lên mặt đường, không một tiếng thì thào. Mùi thuốc sát trùng từ quần áo họ bốc lên nồng nặc – thứ mùi hắc nồng khiến cô nhớ đến chậu thuốc Bắc bà Giang vẫn pha, nhưng thứ này không chữa lành được ai, chỉ giết chết những thứ khiến người ta là người.
Cô nín thở cho đến khi bóng lính khuất dạng. Lòng bàn tay đẫm mồ hôi, in hằn vết móng vào da thịt. Trong khoảnh khắc ấy, cô chợt nghĩ: "Thế giới này được xây bằng súng đạn sao?".
Những bàn tay gầy yếu như cô không thể chống lại nó. Nhưng mỗi tiếng kêu bị bóp gãy hôm nay của dân nghèo, sẽ là mồi lửa cho tiếng súng ngày mai.
...
Con hẻm từ khu chợ về cô nhi viện càng về trưa càng hôi nồng mùi rác, nước cống và mồ hôi. Linh Linh lách qua hai xe đẩy chở cá ươn, dừng lại nơi góc quán nước của bà chủ họ Tạ. Bà Tạ mở quán không để bán chè hay thuốc lá – mấy thứ đó chỉ là cái cớ. Việc chính của bà là cho thuê radio.
"Mười xu nghe một bản tin, hai xu mỗi bài nhạc. Đọc báo thì miễn phí!"
Linh Linh chưa bao giờ có đủ mười xu, nhưng bà Tạ thương cô – không phải vì tình cảm, mà vì cô không bao giờ xin xỏ, cướp vặt gì đồ của bà, dù trẻ mồ côi khu này do nghèo mà trộm suốt. Mỗi lần giao báo xong, Linh Linh thường đứng sau lưng quán nước, cạnh cột điện gãy, nghe ké vài câu từ đài radio.
"...Tô giới Pháp đóng cửa biên giới phía tây..."
"...báo Trường Giang bị tịch thu toàn bộ số in..."
"...quân Liên Minh rút khỏi vùng lân cận, để lại khoảng trống cho nhóm tự vệ địa phương..."
Những câu chữ như bóng ma trôi qua tai, không đầu không đuôi. Nhưng Linh Linh hiểu dần. Thế giới không yên, và đám người có súng đang xô đẩy nhau trên bản đồ đất nước này, không ai quan tâm dưới chân họ có bao nhiêu người ăn cháo loãng để sống qua ngày.
"Ê Linh! Lại đây coi, tao có cái này hay nè."
Một ông chú râu quai nón, mặc áo may ô vàng ố, chìa ra tờ báo cũ gấp tư. Trang cuối là ảnh mờ – hình như là một toán người bị trói, cúi đầu trước hàng súng. Chú chép miệng:
"Bọn 'phản động ' đấy, chúng nó bắt cả vợ con họ đem xử. Chụp cho cả thế giới coi. Tởm chưa."
Một ông khác ngồi gần đó nhổ bãi nước trầu xuống gạch, lầm bầm:
"Chúng nó giết thì bảo là 'giữ an ninh'. Tụi mình mót rau thì bị gọi là 'phá trật tự'. Thằng nào lắm chữ thì lật được lưng dân. Đứa nào ngu, như tao với mày, thì suốt đời đi múc cứt."
Cả đám cười ồ lên, mùi rượu rẻ hắt qua hơi thở của họ. Linh Linh không cười. Cô nhìn tờ báo, ghi nhớ khuôn mặt người phụ nữ đang bị kéo ngã trong ảnh. Không rõ vì sao – có lẽ vì gương mặt ấy hơi giống bà Giang lúc giận.
Chiều hôm đó, trên đường về, Linh Linh thấy một thằng bé bị bảo an đế quốc chặn lại. Nó gào: "Cháu chỉ bán kẹo thôi mà!" nhưng không ai nghe. Một tên lôi túi kẹo ném xuống cống, còn tay kia túm tóc nó đập vào xe. Linh Linh đứng lại vài giây, rồi đi tiếp. Cô biết nếu cô can, thì mai viện trẻ sẽ thiếu một đứa nhặt củi.
Nhưng tối đó, trong lúc dạy Thấp Nhất ghép vần bằng báo cũ, cô xé một mảnh có bài viết bị tẩy mực, rồi viết lên bằng bút chì cùn:
"Ngày 14. Một thằng bé mất kẹo. Hai thằng lớn cười. Một con bé đi qua, không cứu."
Bà Giang thấy cô làm vậy, không hỏi. Chỉ đốt đi, và nói nhỏ: "Ghi nhớ thì để trong đầu. Viết ra là mất đầu đấy."
Linh Linh không trả lời. Nhưng đêm đó cô không ngủ. Lưng cô tựa vào cột hiên, mắt nhìn vầng trăng bị khói đèn che nửa. Dưới sân, một con mèo hoang kêu yếu ớt. Đâu đó, trong khu chợ đã tắt đèn, có tiếng ai rít lên – không rõ là đau, hay sợ, hay tức.
Con hẻm dẫn về chợ lớn nồng mùi xú uế và yên ắng kỳ lạ. Thường thì giờ này đã nghe tiếng rao, tiếng chửi, tiếng hò hét giành nhau chỗ đổ cá. Nhưng hôm nay, một khoảng giữa hẻm bị chắn lại bằng dây thừng, máu loang khô đọng bên vỉa. Một bà lão thầm thì:
"Chuyện sáng nay. Cô Hứa... dám chửi thẳng mặt lính tuần..."
Một ông già ngồi quán nước run tay đốt thuốc, kể nhỏ cho người bên cạnh:
"Nghe nói chúng nó đến dỡ nhà. Cô Hứa ôm con đứng chắn cửa, đạp văng cái bảng 'giải tỏa'. Chưa dứt câu chửi thì 'đoàng'... Máu bắn trúng cả cái nôi."
"Đứa bé thì sao?"
"Nghe bảo sống. Nhưng không ai dám nhận nuôi. Đứa nào nhận, mai là có cớ vô tù."
Không ai khóc. Cũng không ai chửi nữa. Dân khu hẻm này học được từ lâu: thấy thì quên, nghe thì nín, sống thì cúi đầu.
Linh Linh đứng chôn chân ở đầu hẻm. Mùi máu khét lẹo khiến cô nhớ đến cái ngày bà Giang dẫn cả viện trẻ đi nhận xác A Thập – đứa bé bị xe quân đội cán chết khi đang nhặt vỏ chai. Cô đã không khóc lúc ấy, nhưng đêm đó, cô cắn nát môi đến chảy máu.
Tiếng mẹ cô Hứa gào lên: "Bắn nó thì bắn luôn cả tao!" vang lên như tiếng đập cửa từ cơn ác mộng cũ. Linh Linh siết chặt bó báo trên tay – tờ giấy nhàu nát in hình Tổng thống Tạ Hạo Sâm đang cười, mắt rực lên màu đỏ như máu trên vỉa hè.
"Chị ấy giỏi lắm," thằng nhóc bên cạnh thì thào. "Chị Hứa từng dạy em viết chữ Hán. Chữ 'Nhẫn' chị viết đẹp nhất phố."
Linh Linh nuốt xuống cổ họng một thứ gì đó mặn chát. Chữ "Nhẫn" ư? Có lẽ chính nó đã giết chị ta, cô nghĩ. Trong đầu cô hiện ra hình ảnh người phụ nữ ngã gục trước cửa nhà – áo rách, máu chảy loang tấm phản, đứa trẻ khóc ré bên cạnh. Không có anh hùng. Không có công lý. Chỉ có cái chết, đến như gió, rồi tan như khói...
Đối với lũ trẻ Tam Hà, chị Hứa là ánh nắng xuyên qua kẽ lá cuối cùng còn sót lại. Mỗi chiều, chị dùng than củi viết lên nền đất những con chữ đẹp như tranh vẽ. 'Tự do' - chị cầm tay Linh Linh, từng nét than mềm mại hiện ra dưới đất. "Chữ này thầy giáo không dạy," chị mỉm cười, "nhưng nó sẽ mở ra con đường cho các em."
Người ta cười nhạo khi chị nhịn ăn để đổi lấy phấn viết. "Đồ điên!", họ bảo, "dạy lũ nhỏ chữ nghĩa để làm gì? Chúng nó chỉ cần biết cúi đầu thôi, biết nhiều chỉ tổ hại chết chúng nó, không khéo còn cả họ nhà nó." Chị Hứa không tranh cãi, chỉ lặng lẽ xóa chữ cũ bằng gót chân trần, viết chữ mới lên vách tường rêu mốc. Đêm nào cũng vậy, khi tiếng tuần tra lặng đi, lại thấy bóng chị còng lưng dưới ngọn đèn dầu, sửa từng nét chữ nguệch ngoạc của lũ trẻ.
"Chữ nghĩa là thứ duy nhất chúng không thể cướp đi được", chị nói với Linh Linh cái đêm trước khi chết, tay siết chặt mảnh giấy gói thuốc có ghi mật mã Liên Minh. 'Khi em biết đọc, em sẽ thấy cả ngục tù này được xây bằng lời dối trá.
Với Linh Linh, cái chết của chị Hứa là điều cô không hiểu được, không chấp nhận được. Trong mắt cô, chị Hứa khác với trẻ mồ côi, chị có học, có tri thức, chị giúp đỡ mọi người và đáng được coi trọng, nhưng sao lại thành ra thế này. Linh Linh một cách vô thức, đã ám ảnh và khắc khoải cái chết của chị đến sau này.
Linh Linh cúi xuống nhặt mảnh vỡ từ chiếc bình đất chị Hứa từng dùng đựng bút. Chị bảo: 'Mảnh gốm vỡ vẫn sắc hơn lưỡi kiếm bị bọc nhung.' Giờ chị thành xác lạnh dưới mảnh vải tẩm dầu, còn mảnh gốm nằm trong tay cô nóng bỏng. Cô siết chặt đến máu chảy – không phải vì đau, mà để khắc vào da thịt lời hứa: Một ngày, những kẻ bóp cò sẽ thở bằng chính khói súng chúng bắn.
Linh Linh gánh hai bó báo lên vai, đôi chân nhỏ nhắn bước qua những vết nứt lởm chởm của vỉa hè như đã quen thuộc từ thuở còn chưa biết buộc dây giày. Con đường Hồng Lý là một trong những trục chính của nội thành Đông Phổ – nơi mà lính tuần tra luôn đi theo cặp, súng đeo lủng lẳng trước ngực như nhắc nhở ai dám sai bước. Nhưng lạ thay, người dân nơi đây dường như đã học được cách sống chung với súng: họ lầm lũi, im lặng, và tuyệt đối không hỏi chuyện không liên quan đến mình.
Trên phố, các tiệm thuốc bắc, cửa hàng vải, tiệm tạp hóa mở cửa từ sớm. Mùi trà nóng hòa cùng khói bụi xe cộ, tiếng rao bánh bao lẫn trong tiếng chuông tàu điện leng keng – tất cả tạo thành một thứ âm thanh quen thuộc mà Linh Linh chưa bao giờ thấy dễ chịu. Vì cô biết, ẩn sau cái nhịp sống tưởng chừng bình thường ấy, là những thứ luôn chực chờ sụp đổ. Một vụ bắt người, một lần đánh bom, một cái chết vô danh – đều có thể xảy ra trong nháy mắt.
Sạp cuối cùng Linh Linh giao báo là một tiệm cắt tóc nhỏ nằm ở góc ngã ba. Chủ tiệm là một người phụ nữ lớn tuổi, tóc đã bạc nhiều, nhưng vẫn gọn gàng và thẳng lưng như lính. Bà tên là Mẫn – có người bảo bà từng là bác sĩ quân y, có người nói bà là gián điệp cũ - bằng chứng là chiếc sẹo hình chữ V trên cổ tay, thứ chỉ có ở điệp viên Đông Luân. Nhưng Linh Linh chưa từng hỏi, cũng chưa từng cần biết. Cô chỉ biết bà Mẫn luôn đưa cô thêm một đồng, và đôi khi lén nhét cho một cái bánh nếp nhỏ.
"Dạo này báo hay mất nét lắm." Bà Mẫn nhận xấp giấy, lật thử vài trang rồi hừ nhẹ. "Chữ mờ thế này, người ta đọc được quái gì?"
"Do mực đợt này kém, cháu nghe ông chủ nói vậy." Linh Linh trả lời, mắt vẫn không rời bàn tay bà đang cầm dao lam rọc gọn các cạnh báo như một thói quen lâu đời.
"Cái gì cũng đổ tại vật tư. Nhưng thực ra là do người ta chẳng còn tâm mà in nữa." Bà Mẫn nói, rồi cúi xuống nhét tiền vào túi áo cô. "Có mùi khói thuốc trên người mày đấy. Lần sau hút thì đừng để bà Giang phát hiện."
Điếu thuốc đầu tiên Linh Linh hút là của thằng A Ngũ để lại. Trước khi chết vì nhiễm trùng vết đạn, nó nhét vào tay cô bao thuốc lá móp méo: 'Bà Giang bảo hút hại phổi. Nhưng chết đói còn đau hơn.' Khói cay xé cổ họng khiến cô ho sặc sụa, nhưng cô không nhả ra. Cô muốn nhớ cái cảm giác ấy – cảm giác còn đủ để biết mình sống.
Trưa hôm đó, khi trở về viện, Linh Linh thấy bà Giang đang đứng trước cửa, tay cầm một phong bì có dấu niêm đỏ chói. Ánh mắt bà nặng như đá, môi mím lại. Không cần hỏi, Linh Linh đã đoán ra – lệnh trưng binh.
Bà Giang đặt phong bì có dấu niêm phong đỏ lên bàn, rồi mở hộp gỗ dưới chân giường – nơi bà cất giữ những thứ không bao giờ dùng đến. Một chiếc khăn tay thêu chữ "An", một chiếc răng nanh trẻ con bọc vải, và một con dao găm nhỏ.
"Mày cầm lấy," bà dúi vào tay Linh Linh con dao. Lưỡi dao lạnh buốt in hằn vào lòng bàn tay. "Đây là của thằng A Ngũ để lại. Nó chết vì không có thứ này."
Linh Linh nhìn xuống. Trên chuôi dao, ai đó đã khắc nguệch ngoạc hình một con chim bị xích. "Chúng sẽ tẩy não mày," bà Giang nói thêm, "nhưng nếu mày nhớ được thứ gì đó đáng để giết... thì hãy giữ lấy."
Cô không đáp. Không khóc, không vùng vẫy, không thắc mắc. Chỉ cúi đầu, như thể cuối cùng cũng đến lượt mình phải bước qua cái ngưỡng mà bao đứa trước cô đã biến mất sau đó không lâu.
Đêm trước ngày nhập ngũ, Linh Linh ngồi co ro trên mái nhà cô nhi viện - nơi cô từng ngồi xem pháo hoa trong dịp năm mới với các em, điều mà năm nay không còn nữa. Thành phố bên dưới vẫn sáng đèn, vẫn phát nhạc du dương trên radio nhà hàng, vẫn có người say rượu la hét ngoài đường. Từ đây, cô có thể nhìn thấy ánh đèn vàng ấm từ những căn biệt thự khu Đông - nơi cách Tam Hà chỉ một con sông nhưng với những người như cô là cả thế giới xa xôi. Cô không biết rằng, trong một căn nhà gạch đỏ có hàng cúc tần xanh mướt, cô bé Trần Mỹ Linh 7 tuổi đang ngồi bên đàn piano, vô tư vừa đánh vừa hát bài đồng dao me dạy. Cạnh bên, mẹ em gõ nhịp bằng thìa gỗ, hòa cùng tiếng đàn non nớt.
"
Núi Ngân ôm mây trắng
Sông Hồng Lý trăng treo
Ba con thuyền giấy nhỏ
Hai bờ lau rì rào...
Mẹ ơi, cỏ non xanh
Sao con thấy màu đỏ?
..."
Tiếng nhạc vọng qua sông, tan vào màn đêm như lời thì thầm của số phận. Hai đứa trẻ - một bên tay lấm bùn đất, một bên tay trắng muốt phím ngà - chưa từng biết sự tồn tại của nhau, nhưng tương lai sẽ buộc họ vào cùng một cuộn chỉ định mệnh.
...
Lúc trời còn chưa sáng hẳn, cô đứng trong hàng dài người trước cổng quân khu. Gió sớm thổi qua cổ áo, buốt tới xương. Trên tay là tờ giấy tuyển dụng có dấu niêm đỏ. Trong mắt là bóng lính gác cầm súng, nhìn thẳng như muốn soi thấu từng suy nghĩ.
Khi tiếng còi trại lính vang lên, Linh Linh siết chặt tờ giấy nhập ngũ. Trong tai cô văng vẳng tiếng bà Tạ nói: "Viết rồi thì sao? Đơn thì rơi, người thì mất."
Khi xe quân sự chở Linh Linh rời khỏi Tam Hà, cô không ngoái lại. Trong ống tay áo, lưỡi dao khắc hình chim xích cứa nhẹ vào da thịt. Máu thấm vào vải, in hình con đường mỏng manh - con đường sẽ dẫn cô trở về, hoặc biến cô thành kẻ dẫn lối cho những linh hồn không chủ khác.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com