Một chút về cha.......
Vu lan này con chẳng còn ai...
Đêm nay, con sẽ mời cha về nghe hoà nhạc nhé! Cha thích bản giao hưởng nào? Con sẽ mua vé ở ngay hàng ghế đầu để cha nhìn rõ nghệ sĩ đang đưa những ngón tay thon dài mềm mại chạy trên chiếc Dương cầm. Hay ánh mắt huyễn hoặc của chàng trai kéo Vĩ và cha sẽ nói đã đi nghe nhạc hay xem kịch thì phải ngồi ở hàng ghế đầu tiên...
Nhưng chỉ là sẽ thôi...vì cha đã không còn nữa...theo mây gió...theo cát bụi....cha lặng yên đi về nơi xa... Con giấu nỗi niềm này vào một nơi thật sâu trong trái tim mình, cố gắng sống binh thường như bao người khác...nhưng chỉ nghe ai đó khoe về bố mình, hay thấy một ông bố thể hiện lòng thương con gái là nước mắt của con chảy ngược vào trong...vẫn cười đấy, nói đấy...nhưng không còn cảm giác vui nữa.
Cha ơi! Con có phải là một đứa trẻ mồ côi??? Không, ngàn lần không phải... Cha chưa bao giờ chết trong trái tim con... Đêm nào trong giấc mơ con, cha vẫn trở về đầy yêu thương, cùng con nghe "Chuyện kể ở đại đội vào sáng thứ bảy hàng tuần. Và tối hôm ấy, sau "Câu chuyện cảnh giác", là "sân khấu" với kịch nói, cải lương, tuồng, chèo và ca kịch... Tuổi thơ con lớn lên cùng Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa và những vị tướng tài trong lịch sử... Tất cả, đều không có hình ảnh...con tưởng tượng ra vẻ dịu hiền của Cúc Hoa, cái ghê gớm của Tào Thị, sự chung tình của Phạm Công...đều bằng ngôn ngữ và âm thanh... Cha thương chúng con ở miền núi, đã xa xôi lại còn hẻo lánh...nên cứ có đoàn văn công nào về huyện là hôm ấy, đứa trước, đứa sau trên chiếc xe đạp cà tàng cha đèo chúng con đi xem. Bao giờ, nhà mình cũng đi sớm, và ngồi ở trên đầu ngay cạnh dàn nhạc...
Năm con lên bốn, cha đưa con đi xem Kiều ở Kiểm Lâm, con về ngúng nguẩy "Cái cô Kiều ấy chẳng đẹp bằng cô Kiều cha kể, thế mà cũng được biểu diễn cho rõ nhiều người xem!". Sáu tuổi, khi xem "Mười năm cô đơn" con đã khóc cùng bé Lệ Giang và người cha mù dẫn con đi hát dạo khắp nơi tìm mẹ... Ánh mắt man mác buồn của cha khi xem "Hai nghìn ngày oan trái". Mãi tận sau này con mới biết những uẩn ức trong lòng cha...
Con cũng chẳng thể nào quên cái năm con bi tai nạn, sáu tháng ròng cõng con trên lưng, vừa làm việc vừa chăm con. Vất vả thế mà cha vẫn đeo thêm một cái đài, để con nghe "Chương trình thiếu nhi", "Thời sự âm nhạc", "Đàn hát dân ca"... Cha bảo, sau này khi con lớn, cha con mình sẽ đến nhà hát lớn để nghe hoà nhạc mãi ngoài Hà Nội, xa lắm... Nên con cố gắng học giỏi vào nhé!
Con đã luôn cố gắng để không phụ lòng cha...những năm còn ngồi trên ghế nhà trường với thành tích học tập xuất sắc con được ra Hà Nội thăm lăng Bác Hồ, được gặp bác Võ Nguyên Giáp... Khi chú phóng viên hỏi ra Hà Nội con thích nhất đi đâu, con bảo cháu muốn đến Đài tiếng nói Việt Nam. Chú ngỡ ngàng, thắc mắc...Con giải thích là vì ngày nào bố con mình cũng nghe đài...nên con muốn đến xem Đài rộng thế nào mà nói cả ngày không hết.... Chú tủm tỉm cười bế con lên xe đạp chở đến 58 phố Quán Sứ...dẫn vào tham quan. Những kỉ niệm ấu thơ cứ chập chờn khi con nghĩ về cha... Cha nuôi con lớn phần thể lực bằng cơm gạo, bằng hạt mọc mạch, bằng bữa chiều sắn nạo... Sự thiếu thốn của vật chất được cha bù đắp bằng những món ăn tinh thần qua văn, thơ, sách vở (gia tài lớn nhất của mười năm Bộ đội mang về). Đêm đêm, cha kể con nghe về cuộc đời quân nhân xông pha lửa đạn, anh dũng giữa chiến trường nhưng tâm hồn cực kì nghệ sĩ, ai cũng viết kí và chép thơ... Có lẽ, với xúc cảm có từ hồi thơ bé mà bài văn về sợi chỉ xanh trong "Mảnh trăng cuối rừng" năm lớp 12 con được mười điểm. Đó không phải là điểm mười đầu tiên trong cuộc đời đi học... Nhưng con biết "sợi chỉ xanh" trong lòng người chiến sĩ lái xe và cô thanh niên xung phong năm ấy phần nhiều được truyền từ cảm xúc của cha...
Cha dạy cho con cách nghe nhạc làm sao để cảm thụ tốt nhất, cách đọc sách khiến mình không bị chán, cách làm việc say mê để hiệu quả... Con thấy khâm phục những hiểu biết và trí tuệ uyên bác của cha ( một người đàn ông tưởng chừng như bình thường, lặng lẽ đôi khi khó tính và khắt khe). Từ ngày còn bé tí, cha đã dạy con phải biết cách cười... Nụ cười tăng thêm cảm hứng để sống và làm việc... Vì vậy mà con không nặng mặt bao giờ, dù buồn mấy, mệt mấy... Và các bạn của con thường nói con có đau ốm thế nào trông mặt vẫn tươi tỉnh và đầy nội lực...khiến người bên cạnh cảm thấy yên tâm... Vậy mà, hôm cha đi...dù cố gắng...con cũng không trụ được...con đã thật bĩnh tĩnh để có thể ngồi bên cha lâu hơn một chút...được nắm bàn tay...từng dắt con suốt cả thời thơ bé... Con mở đài cho cha nghe chương trình "Đàn và hát dân ca", khi ca sĩ hát xong làn điệu cuối cùng...con mới nói với mọi người...cha không...còn...nữa...cũng là lúc còn suy sụp hoàn toàn...
Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dạ dày con xuất huyết... Vậy mà, vẫn cản đảm đến phòng thi...con đã cố gắng cho hết buổi cuối cùng...cha luôn bên con...động viên, lo lắng. Trên xe cứu thương, con nhìn thấy giọt nước mắt của cha rơi trong lặng yên...con biết mình ốm nặng nhưng đã giấu vì thương cha...
Ngày vào chuyên nghiệp món quà cha tặng con là một chiếc đài mới. Chiếc đài lăn lóc cùng con suốt bốn năm kí túc xa nhà... Cả phòng con, đứa nào cũng hình thành thói quen nghe đài...và chúng nó vẫn hay trêu con là " có thể cơm không có thịt, nhưng sống phải có đài"... Con vui vì mang được theo những lời dạy bảo và kí ức về cha vào giảng đường, để thấy mình chín chắn hơn...trước cám dỗ, trước những thú vui tầm thường. Nhờ vậy mà con đọc được nhiều hơn, những cuốn sách từ thư viện ngày ấy trở thành hành trang cho cuộc sống của con đến tận bây giờ...
Con vẫn còn một thói quen mà cha không thích, đó là thức khuya... Cha bảo, con gái thức khuya không tốt, ảnh hưởng tới sức khoẻ mà con lại đau dạ dày... Nhưng con không ngủ sớm được, khi mọi vật chìm vào yên lặng lòng con lai nhớ đến cha...đến ước mơ có một ngày hai cha con cùng nghe nhạc ở Hà Nội... Ước mơ này, có lẽ mãi mãi chỉ là ước mơ thôi ... Còn đêm nay, con mời cha về thưởng thức giao hưởng giữa núi rừng, trời trong, sao lấp lánh... Con gửi nỗi nhớ vào không gian yên tĩnh của đêm, để nhận lại tình yêu vô bờ bến cha dành cho con... Con gái cha sẽ không bao giờ yếu đuối phải không? Bởi vì, con là con của một người lính xông pha khắp các chiến trường Nam Bộ. Con của chiến sĩ lái xe tăng, "phải dũng cảm như các chú cùng tiểu đoàn với bố ngày húc đổ bờ rào sắt giải phóng miền Nam"...Con sẽ cố gắng để thực hiện ý nguyện của cha...và một ngày nào đó con sẽ ngồi ở hàng ghế đầu tiên của nhà hát lớn ngoài Hà Nội nghe hoà nhạc...mà...không có cha cùng đi... Con xin lỗi, đã không thể giữ cha được ở bên mình lâu hơn chút nữa. Con đã cố...nhưng không thể...cha vẫn ra đi. ..
Đêm ấy, cũng yên ả như đêm nay, gió mát cha nói muốn được ở bên con, yêu con nhất, tự hào về con và cha cũng đã phần nào yên tâm về bản lĩnh của con trước sóng gió cuộc đời. Cha bảo ....dù thế nào ...con cũng không được khóc, không được buồn lâu...
Cha ơi!
Qua một đêm thôi, cha không còn ở cạnh, qua một đêm con đã mất đi chỗ dựa lớn nhất của cuộc đời.
Một đêm thôi...con đã mồ côi...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com