Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

5

13/5/1935

Một mùa hè nữa lại tới, oi ả và nặng nề. Mặt trời treo lơ lửng trên đỉnh đầu, thiêu đốt mặt đất và những mái ngói cũ kĩ, nhà tranh lớp lá xơ xác. Gió phả qua hàng tre, lay động mấy tán lá khô khốc. Đến giữa trưa, cái nóng len lỏi vào từng mái nhà, từng khe cửa, phả vào da thịt như than hồng chạm khẽ. Trên con đường làng đất đỏ, bụi bặm bốc lên mù mịt mỗi khi có gì đó ngang qua, để lại trên đường làn khỏi bảng lảng giữa ánh nắng gay gắt. Trong căn nhà tranh nhỏ dọc đường làng, có tiếng gọi í ới.

- Dương ơi, Dương. Hôm nay u bắt được con cá to, con đem khúc ni qua cho nhà cái Linh đi!

- Dạ

- Đi nhanh về nhanh đấy nhá!

- Vâng ạ, con biết rồi!

Vừa bước ra khỏi nhà, Dương đã vội nheo mắt vì cái chói chang của ánh mặt trời. Tiếng kêu râm ran của ve sầu cũng khiến người khác phải mệt mỏi. Dù mới chớm hè nhưng khoảng thời gian giữa trưa này cũng đủ chết nắng rồi.

Sau khi Dương đi khỏi, ông bà Thanh nấu nướng dần cho kịp lúc, Dương về thì ăn luôn. Đang lục đục dưới khoang bếp thì nghe có tiếng gọi khàn khàn, chầm chậm ngoài cổng.

- Ông bà Thanh Hà có nhà không thế?

Bà hà nghe có người gọi thì bỏ đũa, quẹt quẹt hai tay vào áo quần, vội vàng chạy ra.

- Ơ, ông giáo. Ông đến chơi ạ!

- Haha, tôi đến thăm nhà tí, bà cứ mặc tôi.

Vừa đỡ ông Thọ vào, bà vừa gọi với xuống bếp.

- Mình ơi, ông giáo đến chơi nhà này, mình mang nước ra mời ông nhé!

Tiếng đáp cũng vọng ra.

- Được rồi được rồi! Tôi ra liền!

Ba người ngồi xuống quanh cái bàn gỗ mục, trên bàn là mấy cái cốc cũ rích từ thời ông bà để lại.

- Ông giáo dùng tạm nước lá nhé, đến đột ngột quá nhà tôi chửa kiệp chuẩn bị chè.

- Không sa không sao, tôi sang nói chuyện với 2 bác chút về cháu Dương thôi!

Ông giáo già gương mặt hiền lành, phúc hậu. Cũng đã đến tuổi sang đông, nên trên mặt dày đặc vết chân chim và nhăn nheo  Đầu còn vài mống tóc cũng bạc trắng bạc trơ. Râu được lão cạo ngắn mọc lởm chởm. Miệng cũng đã rụng vài cái răng, nhai trầu đen sì. Đúng chất 1 ông lão làng quê, đâu ai nhìn qua mà nghĩ ông ấy có học! Lão đi đến nhà ông bà Thanh với cái nắng đó nên người lão nhễ nhại mồ hôi, lưng áo ướt đẫm, loang lổ, vậy mà nhìn lão vẫn khỏe phết. Lão nói với giọng ồm ồm, run run, khàn đặc như mắc bệnh nan y...

Nghe ông Thọ nhắc đến Dương, 2 ông bà cũng có chút chột dạ, nó thì có chuyện gì? Trước mặt ông bà nó ngoan thế cơ mà? Chẳng lẽ tuổi nổi loạn đến muộn à? Ông bà Thanh có chút lo lắng nhìn ông giáo. Bà Hà e ngại lên tiếng.

- Có chuyện gì thế? Lão cứ nói ạ! Thằng Dương có quậy để chúng tôi bảo lại cháu.

- Ông bà lo quá. Tôi muốn nói về chuyện học hành của cháu. Thằng Dương nó có cái đầu sáng. Tôi dạy bao nhiêu năm trời, hiếm thấy đứa nào chịu khó và tỉ mẩn như nó. Mà nó không phải học vẹt đâu... nó hiểu. Ông bà chắc cũng hiểu ý tôi nhỉ?

Bà Hà khẽ cúi đầu, tay mân mê vạt áo nâu sờn. Bên ngoài, tiếng ve râm ran hư giục giã, tiếng gà gáy lạc giữa trưa. Không làm vơi đi sự lặng lẽ trong gian nhà. Người cha ngồi đối diện ông giáo, chậm rãi gật đầu, ánh mắt không giấu nổi niềm tự hào. Nhưng giọng nói có chút ngập ngừng.

- Cũng muốn cho nó học... mà nhà thì, ông biết rồi đấy...

Ông giáo uống ngụm nước lá, đặt cốc xuống, ánh mắt nghiêm mà hiền.

- Cứ cho nó học. Dẫu sau này nó không làm quan chức gì, thì cũng nên có chữ để sống nó dễ hơn. Người có chữ, không ai dìm được mãi đâu.

- Dạ, ông giáo cho chúng tôi thời gian suy nghĩ nhé.

- 2 bác cứ nghĩ đi thôi, cố gâng chút vì cái Dương, tôi không ép đâu mà! Sâp tới có cuộc thi trên tỉnh, nếu 2 bác cho thằng Dương học được thì tôi giới thiệu cho!

- Dạ, nhà tôi cảm ơn ông giáo nhiều, suy nghĩ kĩ rồi, chúng tôi sẽ báo lại ông.!

- Thằng Dương với cái Linh chơi với nhau cũng hợp lắm, cả 2 đứa đều học được. Ông bà cứ tính toán đi nhé! Tôi qua nhà cái Linh, nói chuyện với gia đình nó chút, kẻo quá giờ trưa.

Ông giáo già cười nói, kéo lại bầu không khí ngại ngùng vừa rồi. Ông lục đục đứng dậy rời khỏi nhà Dương. 2 vợ chồng ông Thanh vội chạy lại đỡ ông ra ngoài. Chào tạm biệt ông giáo.

- Ông đi cẩn thận ạ!

Trên đường, nắng loang lổ mặt trên mặt đất, tiếng ve vẫn hát mãi điệp khúc mùa hè, không biết mỏi mệt. Mà có lẽ, cũng như lòng ông giáo già, dù thời thế ra sao, ông vẫn tin vào lũ học trò nhỏ của mình.

Hai ông bà quay trở vào bếp tiếp tục công việc dang dở, 2 người đều im lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi lá cây lạo xạo. 2 người đều có ý nghĩ riêng mà không dám nói ra. Suy nghĩ có chút lộn xộn, ông Thanh lên tiếng.

- Bà nghĩ sao? Nhà mình còn đang nợ gạo người ta nữa...

Bà Hà im lặng 1 chút, rồi cũng trả lời.

- Ông nghĩ thế nào?

- Tôi thế nào cũng được, theo ý của bà!

Bà Hà có chút do dự với quyết định của mình, nhưng rồi cũng nói ra.

- Tôi nghĩ cho thằng Dương theo học! Mình cố thêm chút, gom chút đỉnh cho tương lai của nó... Ông giáo đã nói vậy rồi, có chữ mà ở lại cái làng này, khác gì gà què ăn quẩn cối xay... Cơ hội chỉ đến 1 lần thôi ông ạ!

Ông Thanh im lặng, coi như ngầm đồng ý với bà Hà.

- Thày, u, ông giáo tới nhà mình có việc chi thế ạ?

2 ông bà mải nấu ăn mà không để ý Dương đã về từ bao giờ.

- Ơ, con về rồi đó à?

Bà Hà có chút giật mình, chột dạ nên nói chuyện có chút không tự nhiên.

- Vâng, con mới từ nhà cái Linh về, còn 1 đoạn đến nhà mình thì con gặp ông giáo. Con có hỏi thì ông nói qua nhà cái Linh, cũng vừa qua nhà mình xong.

- Ờ ừm, ông giáo mới qua, nói chuyện lặt vặt thôi chứ chẳng có chi đâu, con chớ có quan tâm, lo mà học đi thôi, ông giáo bảo con dạo này biếng học lắm đó.

- Ơ, không hề, con vẫn được ông giáo khen mà!

- Thế thì phải tiếp tục mà phát huy! Thôi, đi ra rửa tay rồi vào ăn cơm với thày u.

Dương thấy mẹ mình tự nhiên phản ứng có chút kì lạ. Cậu cảm thấy bất an trong lòng, nhưng cũng ngập ngừng. Dương nghĩ, chắc do cậu nhạy cảm quá! Rồi cũng lại phụ thày mẹ dọn cơm...

Tiếng ve rền rã khắp góc làng suốt từ sáng tới chiều, như 1 bản nhạc nền cũ kĩ lặp đi lặp lại không dứt. Mùa hè năm nay không chỉ mang theo cái nóng ngột ngạt, mà còn chở đầy những điều chưa rõ hình hài, những dự cảm, những biến cố, hay những đổi thay lặng lẽ, mà dù có là gì, cũng chẳng ai hay biết...

Mới chớm đầu chiều, ông bà Thanh vừa rời khỏi nhà không lâu, thì ngoài cổng lấp ló bóng dáng quen thuộc, là Linh, cô đến tìm Dương nhưng lại không dám gọi vì ngại ông bà Thanh có nhà. Dương vừa từ ngoài vườn vào thì thấy Linh lấp ló ngoài ấy, cậu lên tiếng.

- Linh à? Sao mà thụt thò như đi ăn trộm thế?

Linh dơ tay lên miệng ra hiệu Dương đừng nói nữa, rồi vẫy vẫy tay gọi cậu ra. 2 người đứng dưới tán cây gần đó. Linh lén lút nhìn quanh, rồi lại nhìn vào nhà Dương, điệu bộ đúng chẳng khác ăn trộm là bao.

- Có chuyện gì thế? Cứ lén lén lút lút vậy là thế nào?

Dương đi ra theo nhưng vẫn chẳng biết Linh có ý gì, không vào nhà nói mà kéo nhau ra đứng dưới gốc cây chi cho nắng nôi thế không biết.

- Thày u mày có nhà không Dương?

- Không, thày u tao mới đi công chuyện rồi!

- Chuyện bí mật đấy mày, để thày u biết thì khó cả đôi đường đấy!

- Thế rốt cuộc là chuyện gì nào?

- Trưa nay ông Thọ có sang nhà mày đúng không?

- Ừ, đúng rồi, lúc tao từ nhà mày về còn gặp ông nữa mà, ông bảo ông sang nhà mày, còn nhà tao thì ông sang trước.

- Ừ, mày biết sao ông ấy sang nhà tụi mình không?

- Không, thày u tao chẳng kể chi, chỉ nói là chuyện học hành của tao thôi.

Dương lắc đầu, có chút tò mò về nội dung mà Linh sắp nói.

- Ông ấy sang nhà tụi mình khuyên thày u cho mình đi thi trên tỉnh đó!! Còn nói đặt kì vọng vào 2 đứa mình nhất luôn!

- Hả? Thi trên tỉnh là thế nào? Nhà khá giả chi mà leo lên tận tỉnh, còn đặt kì vọng nữa á!

- Lúc ông ấy đến thì còn to nhỏ với u tao cái gì, xong u tao nhờ tao ra chợ mua giúp miếng rau, mà nhà tao còn rau ngoài vườn đầy đó không vặt mà ăn, mua chi cho nhọc thân đúng không?

- Ừ, cũng đúng!

- Xong tao nghi ngờ, lén ở lại nghe lỏm, ông ấy bảo thày u tụi mình ráng chút sức cho mình đi thi, gom góp cho mình học. Chưa cần làm cao, chứ có chữ là được. Nói chung là thày u phải chịu khó vì mình đó.

- Vậy thày u với ông giáo muốn giấu chúng mình cho tới khi kì thấy ấy diễn ra à?

- Tao nghĩ thế thật đấy! Muốn giấu chúng mình, sợ tụi mình lo rồi đòi bỏ học. Mà cũng đúng thôi, tự dưng biết chuyện, chắc tao rối tung rối mù lên chứ chẳng bình tĩnh được như bây giờ đâu.

Dương lặng người đi, ánh mắt rơi vào khoảng không đầy nắng trước mặt. Gió hè rát rạt thôi qua 2 bóng người gầy guộc. Cậu biết việc đi thi trên tỉnh không hề dễ, đã vậy sẽ còn phải học nhiều hơn trước. Học như bình thường đã khó với nhà cậu rồi, giờ con học lên thì sao mà theo được. Không riêng cậu mà nhà Linh cũng thế. Nhà 2 đứa có hơn kém gì nhau? Cũng làm lụng bục mặt ra, nay biết nay, mai biết mai, bữa đói bữa no. Cậu thương thày, thương u, lo cho bữa ăn no đã khó, giờ còn cho cậu đi thi. Dương có chút không biết xử lý thế nào... Hay cậu cứ nghỉ luôn đi cho xong.

- Này Linh, hay bọn mình không học nữa!

Linh giật mình.

- Mày điên à? Tao nói thế thôi! Ngơ thế...

Cô im lặng 1 chút, sau đó nói chắc nịch.

- Tao muốn học, Dương à!

- Hả?

- Ừ, tao muốn theo học. Cơ hội này bỏ qua thì uổng lắm. Thà cố 1 lần rồi thất bại, còn hơn mình không bao giờ biết mình có thể làm được đến đâu... Tao không muốn...

Dương quay sang nhìn Linh, nắng hắt lên khóe mắt cô, lấp lánh ánh lửa của một đứa con gái quê nhỏ bé nhưng cứng cỏi. Dương vẫn im lặng, lòng chợt thấy xốn xang. Những gì ông giáo nói, ánh mắt tự hào của thày y, giờ lại thêm giọng nói dứt khoát của Linh, tất cả như 1 luồng lửa bén vào tim cậu, ngọn lửa của hy vọng về 1 tương lai tươi sáng hơn. Đang chìm đắm thì Linh quay sang hỏi.

- Còn mày? Mày định sao?

Dương ngập ngừng, cúi đầu khẽ nói.

- Tao sợ làm thày u thất vọng, tao chưa từng nghĩ tới chuyện đi thi trên tỉnh,... Tao nghĩ, học hết lớp làng là đủ rồi. Vả lại, nhà cũng có khá giả gì...

Linh cười khẽ, cái kiểu cười chua chát.

- Người nghèo thì chẳng phải học à, ai cũng suy nghĩ như mày thì nghèo hoàn nghèo thôi! Đúng là con gà què!

Dương nhìn Linh, cậu thấy câu nói ấy như huých vào suy nghĩ bấy lâu của cậu. Đứa con trai quê như cậu, đã bao giờ nghĩ tới "ước mơ" chứ...

- Tao... tao cũng muốn thử.

Dương ấp úng đáp. Linh khẽ cười.

- Mình phải đi kiếm gì làm phụ đỡ thày u thôi! Ở vậy mãi sao được!

- Làm gì bây giờ?

- Tao giới thiệu cho mày làm ở nhà lão Đại đấy!

- Hả, nhà ông đấy thiếu gì người? Tao làm cái gì?

- Thiếu rồi đấy! Mách cho mày thôi đấy nhé! Ổng đang thiếu chân bếp với chạy vặt. Mụ bếp mới nghẹo rồi.

- Bà Hiên bếp đấy á?

- Ừ, còn con Mâm thì bà mụ vợ chán quá rực mỡ lên đuổi nó đi rồi. Giờ đang đi tìm người mới kìa. Mày xin vào được đó!

- Thế... mày làm cái gì?

- Tao đi canh trâu cho ông Phú xóm bên, hì hì!

- Con gái con lứa mà đi canh trâu, mày biết mệt lắm không?

- Thì có sao? Tao thích thế! Tao không làm cho nhà ông Đại được, vụng về thế khéo có ngày mụ vợ đuổi cổ đi! Mày cứ mặc xác tao!

- Rồi rồi, tao biết rồi!

- Mà nhắc lại, mày cẩn thận bà mụ vợ nhé, tính của mụ thì mày biết rồi đó. Như gà mái mắc đẻ!

- Nào! Cái mồm mày, khéo có người nghe được lại khổ!

2 đứa đứng nói chuyện thêm đôi ba câu thì Linh phải về nhà cho gà ăn, nên 2 đứa chào tạm biệt nhau, Dương không quên cảm ơn cô bạn về vụ việc này, nếu không vì Linh kể Dương nghe thì cậu vẫn nghĩ do bản thân nhạy cảm quá...

Ngay sau đó, Dương qua nhà ông Đại để xin vào làm. Lão cho cậu thử vài ba bữa rồi mới nhận hẳn. Vì cậu nhanh nhạy, nghe lời, hiền lành, bảo gì làm nấy... Đúng tố chất bà Ly cần, cái tính chua ngoa, hách dịch của bà chỉ có Dương là luôn nhẫn nhịn và dễ dàng bỏ qua, chứ không như những người ở khác, có dịp là nói xấu, chửi rủa mụ ta lên bờ xuống ruộng. Một phần, vì cậu khéo tay, nấu ăn hợp khẩu bị của ông bà, nên bà Ly cũng đồng ý cho nhận cậu vào làm người ở chính thức, đương nhiên tiền công vẫn bị bà chèn ép và ăn bớt ăn xén.

Những ngày sau đó. Trời còn chưa rạng hẳn, gió sớm mang hơi nước lướt qua hàng cau ngoài hiên. Dương đã lén ra khỏi nhà, cẩn thận từng bước tránh thày mẹ thức giấc. Bà Hà vẫn ngủ say, ho khan từng đợt nhỏ. Ông Thanh thì quay mặt vào vách. Dương rón rén, bước đi như kẻ trộm trong chính căn nhà của mình.

Nhà ông phú Đại cũng không xa nhà Dương lắm, đi 1 đoạn là đến. Nhà ông có bờ rào gạch cao, có cái cổng bằng gỗ xưa trông nặng trịch, và còn có 1 bà vợ khó ở, suốt ngày quát tháo và nghiến răng ken két. Bà thường gọi Dương bằng cái giọng khinh khỉnh:

"- Đồ nhà nghèo mà còn chậm chạp thế này thì chỉ có đói dài dài!"

Có hôm, Dương vừa rửa xong cái sân, thì bà đổ nguyên thau tro bếp xuống giữa, la lớn:

"- Không sạch! Mày rửa lại cho sáng cái mắt tao lên! Có rửa thì rửa cho khô, chớ để đọng nước rắn bò vô nhà! Nghe chưa!"

Còn 1 lần, Dương vì mệt, lỡ làm rơi vỡ cái bát, tiếng vỡ vang lên giữa khoảng sân im lìm khiến tim cậu thắt lại. Bà vợ gào lên, chửi bới, mắng cậu xối xả, đay nghiến cả gia phả nhà cậu. Còn đòi nói ông Đại cắt hết tiền công tháng này. Dương chỉ biết hết mực xin lỗi, xin bà đừng cắt tiền công của cậu...

Mỗi lần cúi xuống lau sàn, cậu lại thấy mình như càng lúc càng nhỏ lại. Nhỏ đến mức bị người ta dẫm đạp lên mà không ai buồn ngoái lại nhìn.

____________________________________________

Góp ý của các bạn là 1 phần giúp "Bức Tường và Ánh Mắt" hoàn thiện hơn 💗

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com