My heart buried in Venice.
Em bước đến từ bên ngoài của vùng biển Adriatic, màu nước ngọc bao bọc lấy Venice xinh đẹp và đậm chất tình. Em dạo qua Piazza San Marco, và nhấn vào trong con tim người nhạc sĩ một bóng hình mê luyến của thanh âm.
Không, em không phải một phụ nữ người Ý, người ta có thể thấy điều đó trong phương ngữ và cách hành xử thường ngày của em, như cái cách mà em vẫn thường chần chừ khi thấy người ta đưa điều mình muốn truyền đạt qua đôi tay những chuyển động, hay khi những người bạn của em tặng em một cái hôn lướt qua trên gò má thay lời chào đón, mỗi lúc như thế em sẽ lại đỏ mặt. Không, em không phải người Ý, và không, Narcisso không phải là người duy nhất bị thu hút bởi em. Nhưng cũng yêu kiều thay, Narcisso không phải là người duy nhất bị em thu hút, vậy mà em lại là người duy nhất thu hút Narcisso. Tôi nghe cậu ta gọi em qua từng tiếng đàn, nghe cậu ta nói về "nàng thơ", tôi nghe về mối tình của cả hai vẫn thường êm ái như Venice một chiều tháng tám.
Người Ý không thích làm quen với những kẻ xa lạ bước lên trên sắc màu của Adriatic xinh đẹp - theo cái cách nói ưu ái, Adriatic có thể khiến bất kỳ ai say mê từ cái nhìn vì rực rỡ, nhưng tôi không thấy họ khó chịu với em, một nàng thơ mà Narcisso vẫn nói chẳng thể dùng mực đen in giấy trắng để tả hết được cho dù duy chỉ là đôi mắt. Rồi em sẽ thấy, thứ họ rộ lên sau từng bước chân của em không phải là những lời đàm tiếu thông thường. Những người phụ nữ Ý sẽ nói về em như cách họ nói về đứa con gái xinh đẹp của họ. Và những tên đàn ông Ý bàn tán về em theo cái cách mà họ thường ca ngợi món rượu nho. Vài gã hoạ sĩ tán tụng em như cái cách mà Michelangelo ngợi ca Cavalieri của người. Và mấy thằng nhà thơ nghiệp dư xôn xao em như cách họ đọc bản Sonnet 18. Tôi không rõ em liệu có biết, nhưng tôi muốn em biết, Narcisso cũng sẽ kể như vậy, về em, về vẻ đẹp của em, và còn hơn cả thế.
Dù cho chỉ còn lại chiếc ghi ta cổ điển, và dù cho khi chỉ còn có thể chơi cho em một bản jazz duy nhất của Sinatra. Thì tôi biết, rằng Narcisso, chẳng có từ nào để bày tỏ được hết tâm tình của tên nhạc sĩ ấy dành cho em, cậu ta yêu em bằng cả tâm hồn ngây trẻ, nhiều như cái cách mà Werther đã phải say mê nàng Lotte.
Tôi lần đầu thấy em vào một sáng ngày thường nhật, hay đúng hơn, ánh mắt của Narcisso đã khiến tôi nhận ra có điều gì đặc biệt, cậu ta trở nên gọn gàng hơn thường ngày, nụ cười có lẽ bớt cứng nhắc hơn và cách cậu ta gảy lên dây đàn tỉ mỉ hơn tất cả những lần tôi từng nhớ. Những lần biểu diễn của Narcisso tại quán rượu Cantinone già Schiavi và dù chỉ có một cây ghi-ta loại cổ điển có lỗ thoát hơi hình ô van, thì có lẽ cũng sẽ khiến cho Django Reinhardt phải hài lòng; hay ít nhất là phỏng theo như cách tôi thường hay nói với cậu ta. Đó là lần đầu của tôi khi thấy em, nhưng hẳn nhiên không phải là lần đầu của Narcisso. Tôi hẳn sẽ không nói em sinh ra là để dành cho Narcisso, nhưng tôi sẽ nói Narcisso là để dành cho em và chỉ riêng mình em. Vì Narcisso, cậu ta hoàn toàn say mê em hơn bất kỳ điều gì khác. Và cho dù khả năng âm nhạc của Narcisso mà tôi quen là điều kỳ diệu, như cái cách mà mấy gã người Ý nán lại trong quán để tán thưởng và gọi cậu ta là Mozart của giới jazz; thì cách diễn đạt ngôn từ của cậu ta lại chẳng thể khiến ai hiểu nổi. Tôi đã không thể khắc hoạ lại bóng hình em trong tâm trí mình hay trên những trang giấy khi nghe những lời tả của Narcisso. Cho đến khi tôi thực sự được gặp em, người mà tên nhạc sĩ ấy khao khát gọi "nàng thơ".
Em quả nhiên là loại người có thể nắm bắt được ánh nhìn của người khác chỉ qua một nụ cười, và dù chỉ mới thoáng nhìn thấy em hai hoặc ba lần, tôi đã thấy được thói quen cũng như tâm tình của em. Em luôn đến vào giữa buổi, khi mà những chiếc gondola đã bắt đầu nhịp nhàng trên kênh đào Grand Canal, và mấy gã người Ý trao nhau đôi lời hỏi thăm giữa những chuyến "du ngoạn" ngắn ngủi; giống như một sự trùng hợp, lúc em đến cũng là gã chơi đàn người Séc phải dừng lại để thay ca, và đó là lúc Narcisso bắt đầu làm việc. Cậu ta luôn chú ý đến em, và từ từ nhìn em khi mà từng ngón tay gảy lên những dây đàn. Em luôn hiện hữu trong dáng hình thanh khiết nhất: váy trắng và mũ đính hoa lan cùng với cuốn Manon Lescaut thường cầm trên tay, nhưng em sẽ đưa mắt dừng khỏi trên những trang sách nói về tình yêu trẻ đẹp khi khúc dạo đầu của "Fly me to the moon" bắt đầu vang lên trong quán.
Một ca của Narcisso thường kéo dài hai tiếng, và cậu ta chỉ chơi bản jazz của Sinatra ấy hai lần. Khi em xuất hiện tại quán, và khi em rời đi.
Cậu ta chơi bản nhạc ấy hoàn hảo hơn tất cả những bài khác, qua những đoạn nhịp gõ hai-bốn, nhấn cẩn thận vào những phách nhẹ, và thuần thục những lần đảo hay nghịch phách. Và mỗi lần rời đi, em sẽ để lại một lần vỗ tay ngắn ngủi khoảng chừng chục giây, cùng một nụ cười cảm ơn dịu dàng, và Narcisso cũng sẽ đáp lại em bằng một nụ cười như thế. Dù cho Narcisso luôn chơi những bản nhạc khác nhau, có thể là những bản của Billie Holiday, hay những khúc nhỏ trong vở Andrews Julie ngày xưa, hay có lần tôi đã từng nghe thấy cậu ta chơi "The Godfather" theo yêu cầu của một quý bà. Nhưng dù có vậy, thì khoảng trống giữa đầu buổi và cuối buổi (gần cuối) vẫn luôn dành cho "Fly me to the moon" của Sinatra. Hay đúng hơn, là dành cho nàng thơ kể từ khi nàng xuất hiện.
Nàng thơ của Narcisso là một hoạ sĩ tự do còn Ý là giấc mơ đầy lãng mạn. Em thuê một palazzo không xa quán Cantinone già Schiavi, có cửa sổ phòng hướng thẳng ra kênh đào; tôi vẫn thường thấy mấy gã đứng thuyền vẫy tay chào em hay mấy người bán hoa khen ngợi em hết lời và tặng em một đóa lưu ly. Venice là giấc mơ của em, còn em là giấc mơ của Narcisso. Tôi quả thực phải đồng ý với em rằng nếu "mọi con đường đều dẫn đến La Mã" thì có lẽ "mọi lãng mạn đều dẫn đến Venice", người ta không bao giờ thiếu những cảm xúc ở nơi này, mà như những bức tranh của Claude Monet (Le Grand Canal) hay Édouard Manet (Grand Canal) đã từng nói qua màu sắc. Venice không bao giờ là hết kỳ diệu. Vậy nên khi Narcisso hỏi tôi về lần hẹn đầu tiên với em, tôi đã không suy nghĩ nhiều khi cái tên "Grand Canal" bật ra như thể vô thức. Mọi hoạ sĩ đều cần nên biết đến vẻ đẹp của kênh đào ấy, còn mọi nhạc sĩ đều có thể dùng Grand Canal để tôn lên âm nhạc của mình. Narcisso luôn tin tưởng tôi, đó là điểm dễ thương của những người Ý, họ đặt niềm tin hơn ai hết lên những người bạn và gia đình.
Tôi đã mong mình có thể thấy được khung cảnh ấy trên bức họa của Van Gogh vì ánh đèn nhập nhoạng từ bến đò đẫm mùi gió biển và tiếng nhộn nhịp của những quán rượu hai bên kênh đào; nhưng bao bọc lấy nó, tôi lại như nghe được tiếng hát của Narcisso và tiếng cười của em, bút than vội phác lên trang giấy trắng tất cả khung cảnh mà em muốn nắm giữ.
"Chúa đã không rời bỏ sắc đẹp của nàng, Chúa đã không rời bỏ chúng ta."
Vì Grand Canal quả thật đã cảm thán hết mọi điều về em và Narcisso, về màu sắc của em, về tiếng đàn của cậu ta, về tình yêu kiểu platon điển hình của hai người. Tôi không nói đó là điều xấu, ngược lại, "chẳng ai có thể nói về tình yêu theo cái cách trong sáng và thuần khiết đến thế" như cái cách mà tôi nhìn em và Narcisso. Cái đêm mà cả hai cùng ngồi trên chiếc gondola dập dềnh suốt những đợt nước ở kênh đào và gã đứng thuyền người Ý cũng là kẻ ý tứ, gã biết cách khuây mái chèo làm sao để con thuyền không bị ảnh hưởng bởi những khúc ngoặt. Vậy nên tôi đã không quá bất ngờ khi nghe Narcisso kể về em sau buổi hẹn đầu tiên của cậu ta, lời nói như tiếng hát, cử chỉ như tiếng đàn. Tôi chưa bao giờ bị rung động đến thế, cái cách mà cậu ta tả em tỉ mỉ như một người nghệ nhân điêu khắc người phụ nữ của mình. Hay cái cách mà mọi phím đàn của Narcisso đều dùng để kể về tình yêu và sắc đẹp dành cho em.
"Cơn say của anh ngủ qua đêm là hết, còn cơn say của tôi lưu lại trên trang sách."
Mọi rung cảm duy nhất Narcisso đều dành cho em, dù cậu ta chưa từng trải nghiệm nó trước đây nhưng tình yêu, hỡi lãng mạn hay ôi cảm xúc, người ta vẫn nói tình yêu là thứ nghệ thuật không thể giải thích. Không hiểu mới là yêu, và yêu, và ghét, dễ dàng hơn bất cứ thứ xúc cảm nào trên đời, chỉ là người ta không nhận ra. Nên có lẽ tôi sẽ nói về tình yêu, rằng,
Tình yêu của thế kỷ 20 dành cho hội hoạ là khi người ta lần đầu được chiêm ngưỡng trường phái Siêu thực của Picasso.
Căm ghét của thế kỷ 20 dành cho hội hoạ là khi người ta lần đầu được chiêm ngưỡng trường phái Siêu thực của Picasso.
Narciso tặng em những xúc cảm qua những tiếng đàn, em trao cho Narcisso lời nói qua những màu sắc. Tôi thấy hạnh phúc mơ mộng của Narcisso và tôi nhìn vào lãng mạn rung cảm của em. Trên Ponte di Rialto lúc buổi đêm, em và cậu ta cùng hát đoạn nhạc jazz của Sinatra vẫn luôn quen thuộc, mấy người đàn bà bồng con cười nói về bóng hình của cặp đôi trẻ, những tên đàn ông nâng chén rượu bên ngoài quán thì thường đem ra tô vẽ. Tình yêu của hai người là thứ căn bản nhất, nguyên sơ nhất mà cũng lại khó khắc họa nhất. Là thứ nghệ thuật thuần khiết của Đức mẹ Đồng trinh mà nào ai dám vấy bẩn.
Và như người ta thường nói,
Nghệ thuật làm sống dậy cả một thời đại.
Đánh thức cả cảm tình ngây trẻ của Narcisso và bừng sáng trái tim mơ mộng của em, tôi sẽ nói gì đây? Một thứ tình yêu thuần khiết kiểu platon mà đời nào tôi lại có thể tìm được cơ hội thứ hai để được chiêm ngưỡng. Narcisso dành tất cả rung động của mình cho em, và nàng thơ của cậu ta, em đón nhận nó một cách quá đỗi dịu dàng. Em và Narcisso, hai người cùng nhau nhảy điệu waltz của riêng mình trên khắp những quán rượu chẳng riêng gì Cantinone già Schiavi, qua những khúc ngoặt của Grand Canal, băng qua cây cầu Ponte de le Maravegie, cả hai nắm tay nhau khi sao rơi xuống Adriatic một màu xanh ngọc trên chiếc gondola dập dềnh. Hai người nhuộm cả Venice này với điệu waltz tình yêu của mình mà có lẽ với âm thanh đẹp đẽ nhường ấy, Frédéric Chopin (nếu có thể) cũng muốn tôn nó lên bằng những phím dương cầm. Dõi theo bản Waltz No.2 và rồi đây em ơi, hãy để cho trái tim em và Narcisso được nhảy múa dưới những nốt nhạc của Dmitri Shostakovich.
Còn nơi đây đất trời Venice nguyện sẽ rạo rực cùng hai người.
Narcisso không phải là người khôn khéo trong đối đáp, cậu ta không phải là triết lý như Socrates, cũng không thể đầy mơ mộng như Shakespeare, ngôn từ của Narcisso mà tôi quen chưa từng làm rung động Venice chứ chẳng thể nói đến thế giới. Nhưng âm nhạc sẽ nói điều ngược lại, tiếng ghi ta của Narcisso có thể làm sống dậy những góc phố, pha náo nhiệt vào những quán rượu đêm, cậu ta chính là một Robert Johnson của đất Ý. Thế nên hãy nói tôi đã ngạc nhiên đến thế nào khi em lại có thể hiểu được Narcisso, chẳng phải qua tiếng đàn, mà là lời nói. Người ta nói nghệ thuật của tình yêu đôi khi chỉ là dòng chảy, thứ mà "tôi thấy nó, tôi tìm nó, tôi đuổi theo nó, nhưng nghệ thuật của tôi ơi, mãi mãi tôi không thể bắt được người". Thì tôi đã thấy em, và Narcisso, ôm lấy dòng chảy ấy, chỉ với vài câu từ đơn giản.
"Ti amo"
và,
"Je t'aime"
Yêu cả câu từ, yêu cả lời nói. Bức tượng đầu tiên Michelangelo khắc, nốt đàn đầu tiên Chopin đánh, kẻ câm học hát, người tuyết có hơi ấm, kẻ không thể diễn tả lòng mình thành lời lại có thể nói được tiếng yêu.
Narcisso và em tựa như giấc mơ những buổi trưa hè êm ái. Nhuốm Venice của đất Ý bằng những màu sắc chẳng thể nhẹ nhàng hơn, và tôi nghe, nghe tình yêu của hai người giống như một bản nhạc phối sắc, không quy củ, không luật lệ, tự do, phóng khoáng, và dâng ngàn hạnh phúc. Tôi nghe trong những ngày trời nổi gió khi mà cả hai cùng cười lúc nắm tay nhau vui đùa điệu tarantella, Venice như cũng muốn hòa nhịp mà kéo theo cả ngàn người vào điệu múa. Vậy nên vỗ tay và nhịp chân theo điệu sáu-tám, Narcisso sẽ trao lại cả Venice này vào hồn em hãy còn xinh đẹp. Tôi nghe trong những ngày chiều yên ả, em và Narcisso thường mở cánh cửa St. Mark's Basilica, Vương cung Thánh đường chẳng hề từ chối một bóng người. Em cảm thán, em rung động trước những tấm phù điêu vẽ trên trần nhà nguyện, kể về những thần thánh, những thuở sơ khai, từ những thế kỷ thứ IX. Em nhìn cái đẹp đẽ nghệ thuật của những tấm tranh kiểu mosaic, những bức khảm trên cổng vòm phía Tây của St. Mark's Basilica. Em say mê những cẩm thạch, vụn vò, như thể chính em cũng được tạo nên từ chúng.
Khi nhìn vào ánh mắt khi ấy của em lúc kể lại, tôi đã nghĩ có lẽ nếu có tài năng hội hoạ, Narcisso hẳn cũng muốn khắc lại em từ những đá trắng và vụn cẩm thạch, khảm lên em bằng cánh hồng hoa, đặt em lên Ngai thờ Nữ sắc để cho Venice này có thể chiêm ngưỡng nàng thơ mà cậu ta yêu bằng tất cả những hồn nhạc. Cậu ta sẽ thấy em như những bức hoạ tại nhà thờ Ravenna, sẽ tôn cho sắc đẹp của em bằng tất cả những gì mà Narcisso còn có thể. Vì đời này mà em, người ta hãy cứ yêu khi còn có thể; vì Chúa đã nói về con người rằng "họ sống như thể không bao giờ chết, và chết như thể chưa bao giờ sống". Nên em cứ để tiếng nhạc của điệu jazz em hằng thân quen được chảy vào trong tâm can, để cho trái tim em và Narcisso mãi còn cùng một nhịp đập.
Chẳng còn điều gì khiến tôi hứng thú hơn là khi tôi nghe Narcisso ngồi lại vài giờ ngắn ngủi sau ca diễn của mình lúc giữa trưa, và kể cho tôi mọi điều về em. Mỗi lúc như thế, Faust cũng chỉ có thể khiến trái tim tôi rung động hơn là những câu chuyện mà cậu ta kể. Dù cho câu từ lộn xộn, và cử chỉ bối rối, cùng mỗi lần cậu ta ngượng ngùng không dám nói ra. Tôi vẫn biết, tôi vẫn hiểu, rằng Narcisso và em yêu những cảm xúc của người kia đến chừng nào.
Đẹp đẽ nhất của em và Narcisso có lẽ là khi tôi được nghe kể về cái đêm mà cả hai đã đứng trên dãy cồn cát của Lido xa mãi ngoài khơi của Venice. Tôi đã không thể tưởng tượng được cả hai sẽ đến tận nơi đó chỉ vì Narcisso thích, cùng nàng thơ của cậu ta cũng thích. Để rồi dưới ánh hoàng hôn bắt đầu chạng vạng, khi mà bóng hình của em và cậu ta hằn lên trên cát. Dưới nắng chiều êm đềm, cậu ta hát cho em nghe khúc "My heart is buried in Venice", sâu lắng, trầm ấm, tĩnh lặng. Em, "nàng thơ" theo cái cách tôi vẫn thường gọi, nói với Narcisso rằng Adriatic đang lắng nghe tiếng đàn của cậu ta, rằng gió đang liếc trộm còn ánh dương đang hòa ca. Narcisso cười, rồi khi những ngón tay vẫn gảy cẩn thận lên những dây đàn của chiếc ghi ta cổ điển. Cậu ta nói chỉ cần em nghe. Tiếng đàn là dành cho mình em, chỉ cho em, mãi mãi sẽ là mình em.
"I'll pull up each of our anchors
So you can get lost, you and me.."
Rồi cả hai cứ hát, đến khi khúc nhạc kết thúc, còn tiếng ghi ta cuối cùng cũng ngừng. Ánh trăng dừng lại trên giữa khoảng trời vô tận, và em, và Narcisso, cả hai cuối cùng cũng đã lạc. Lạc vào trong nhịp đập của tất cả những lãng mạn trái tim, lạc vào trong nụ hôn nhẹ nhàng thuần khiết nhất của tình yêu. Adriatic chuyển sang màu xanh thẫm, ánh trăng treo trên bầu trời, cả hai bỗng biến mất khỏi thế gian để đi vào một nơi chỉ có riêng mình. Tôi muốn thấy khoảnh khắc là hiện thực sống cho bản Sonate Ánh trăng, may mắn thay cho tôi hay bất lực thay cho tôi vì đã không thể chứng kiến. Hai người trao nhau nụ hôn trên khoé môi, nó chẳng phải chỉ là cái hôn thân thiết mà người Ý trao nhau trên những con phố bạn bè.
Venice điểm sắc cho lãng mạn, Adriatic cài diễm lệ lên bờ môi, cùng điệu nhạc đưa em say đắm, và dẫn lối Narcisso mơ mộng. Nụ hôn thuần khiết nhất của lãng mạn ngây trẻ, tình yêu đáng trân trọng nhất của những cảm xúc say mê, hiện thực của những vở tình lãng mạn mà không ai được biết. Em khuấy động những dâng trào trong Narcisso, và khêu gợi lên sự tò mò. Tình yêu, hỡi ôi, thứ sẽ làm hoen ố đi con người, thứ mà tôi lại chẳng thể tìm thấy trong tâm hồn em và Narcisso.
Tôi sẽ mượn lời của Alfred de Musset, "Le seul vrai langage au monde est un baiser" rằng "Ngôn ngữ duy nhất trên thế giới là một nụ hôn". Hình như tôi biết rằng em sẽ hiểu, vì nơi em bước đến là từ hoa lệ điểm lên một bóng hình của Paris.
Nụ hôn ấy là khúc hát ru của những ngày trái tim mình còn cảm nhận được nhịp đập.
Tôi lại nghe tiếng ghi ta của Narcisso lại bắt đầu một ca diễn, giai điệu hai-bốn của nhịp jazz quen thuộc. "Fly me to the moon" vẫn như lẽ thường lại vang lên, khúc ca mà cậu ta muốn dành cho "nàng thơ" được tấu lên bằng tất cả tâm hồn âm nhạc. Ánh mắt cậu ta lại hướng về nơi góc quán để tìm kiếm em với váy trắng, mũ đính hoa lan cùng cuốn Manon Lescaut quen thuộc mà em luôn lưu lại dấu trang trước khi rời mắt để tận hưởng những nhịp điệu của Narcisso. Tôi thấy nụ cười nhẹ nhàng của cậu ta khi bài hát của Sinatra bắt đầu cất lên, tôi nghe điệu jazz trầm ấm chảy theo từng dây đàn, tôi nhìn ánh mắt cậu ta khi hướng về nơi góc quán.
Nhưng nàng thơ của cậu ta, em ơi, tôi lại chẳng hề thấy em ở đó, ở nơi góc quán vẫn thường quen thuộc. Khi mà em đã đi từ lúc nào, tôi không còn thấy nàng Aphrodite đầy đáng kính của cậu ta, hay Desdemonia sắc sảo xinh đẹp. Em đã từng là cô thiếu nữ đa cảm, và cảm xúc duy nhất em dành cho Narcisso những ngày ấy là yêu.
Ngày em đi, Narcisso kể cho tôi nghe về đất nước của em, về quê hương mà em luôn tự hào. Paris, thủ đô nước Pháp, cái nôi của những rung động và lãng mạn hoa lệ pha sắc màu đẹp đẽ, về cách em đến từ đó, rồi cách em lại một lần nữa quay trở về. Cậu ta vẫn say đắm em biết nhường nào, vẫn còn nhớ về những khoảnh khắc được bên cạnh nàng thơ. Vậy mà Narcisso của em, cậu ta trưởng thành sau tất cả những lần ấy, Romeo tự tìm đến độc dược, Dorian Gray mặc cảm tội lỗi, Werther đau khổ vì tất cả chân tình.
Ấy mà Narcisso lại chẳng hề giống như thế, cậu ta tiễn em đi bằng nụ cười vì em chẳng thể mãi hạnh phúc ở xứ Venice, dù là bên cạnh màu nước ngọc Adriatic, hay dập dềnh trên chiếc gondola mỗi ngày chiều tà. Narcisso có thể đưa em đến tìm những rực rỡ sắc màu hai bên dãy nhà tại Burano hay cho em chiêm ngưỡng thứ nghệ thuật của thuỷ tinh của đảo Murano, sẽ đàn cho em tiếng nhạc bên bờ biển nơi dãy cồn cát trải dài suốt Lido những thơ mộng ngày chiều tà. Nhưng em ơi, hạnh phúc mà cậu ta đem cho em lại quá ngắn ngủi, Narcisso muốn trao cho em cái gọi là hành trình bất tận, nơi sẽ chẳng bao giờ gói gọn tại những lãng mạn Venice. Em sẽ gặp gỡ với Ý từ tarantella, chu du qua Argentina với điệu tango nhịp nhàng, em cúi chào sau khi chạy theo nhịp flamenco nơi đất nước Tây Ban Nha rực sắc lửa đỏ, sẽ là những waltz, ballet, salsa và còn hơn thế đưa em đi khắp ngả đường cuối phố. Âm nhạc sẽ chạy theo gót chân em, nghệ thuật sẽ cùng em mà sánh bước. Và rồi đây, em sẽ nhớ về âm nhạc như cái cách em nhớ về Narcisso. Vì Narcisso ấy mà em, cậu ta mãi yêu nàng thơ bằng tất cả những gì mà đời này còn có thể.
Vậy nên, em và Narcisso, cả hai chôn xuống trái tim từng đập cùng nhịp, vùi xuống tại nơi Venice mà đã từng làm rung động tâm hồn của cả hai. Vì như Shakespeare đã nói, đời này chỉ là tồn tại hay không tồn tại. Hoàng hôn giờ đã mất đi một bóng người, khúc hát đã vắng đi một trái tim. Bản waltz hãy còn vương trên tiếng đàn mà lại chỉ có duy một người nhảy múa.
"My heart is buried in Venice
Waiting for someone to take it home.."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com