Đề2: Cảm nhận về khổ3 và bình luận về quan niệm thời gian mới mẻ của Xuân Diệu
Nếu văn xuôi là tiếng nói đi sát và gần như trùng với tiếng nói hằng ngày, là tiếng nói tự nhiên giàu chất liệu và sức sống hiện thực thì thơ lại là “tiếng gọi đàn” (Xuân Diệu), là “rượu thế gian” (Huy Trực), là “chuyện đồng điệu” (Tố Hữu). Bởi thơ mang trong mình cái lắng đọng từ tâm hồn người nghệ sĩ, là kết tinh từ tình cảm mà thi nhân dành cho con người, cuộc đời qua bút pháp nghệ thuật uyển chuyển tạo nên chất nhạc cùng những dư ba. Đọc “Vội vàng” của Xuân Diệu ta cũng cảm nhận được cái men say sự sống từ tâm hồn người ấy, đan xen với sự nuối tiếc về thời gian một đi không trở lại là tâm thế của một cái tôi hối hả, vội vã, sống đắm say, tận hưởng những thanh âm, hương sắc từ cuộc đời. Khổ 3 của bài thơ mang đặc sắc trong nghệ thuật và nội dung, thể hiện trực tiếp quan niệm mới mẻ của nhà thơ về thời gian lần đầu xuất hiện trong dòng chảy văn học nước nhà, khẳng định sức hút to lớn và nét đặc trưng trong bút pháp, đặc điểm thơ Xuân Diệu- “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới” (Hoài Thanh).
Nếu 4 câu thơ mở đầu cùng khổ 2 của tác phẩm khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn trề nhựa sống cùng cái tôi thi nhân đường hoàng, đĩnh đạc, say sống, yêu sống đến nỗi muốn thay thế tạo hóa để vận chuyển càn khôn, giữ lại những hương sắc của đất trời thì khổ 3 của bài thơ lại mang một gam màu đối lập, ảm đạm, đượm buồn, thể hiện nỗi niềm tiếc nuối của Xuân Diệu trước sự vô tình của thời gian, cái hữu hạn của đời người. Thời khai dưới con mắt thi nhân dù vẫn đẹp nhưng lại nhuốm màu tâm trạng từ chủ thể trữ tình:
“... Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.
Thủ pháp nghệ thuật tương xứng, tương phản, đối lập: “đương tới>< đương qua, còn non>< sẽ già, hết <-> mất” kết hợp với điệp từ “xuân” vừa mang ý nghĩa là mùa xuân của đất trời, vừa ẩn dụ cho tuổi trẻ tuổi hoa niên của con người góp phần thể hiện và khẳng định về quan niệm thời gian mới mẻ của Xuân Diệu so với thơ ca truyền thống. Khi trong thơ xưa, thời gian mang khái niệm tuần hoàn như Hồ Xuân Hương trong Tự tình từng viết: “ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con.” hay “ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thì thi nhân lại lấy tuổi xuân là thước đo của đời người, rằng thời gian là tuyến tính một đi không trở lại và giữa cái vô biên, vô cùng của vũ trụ “mùa xuân” của con người là hữu hạn và không thắm lại hai lần. Đây được coi là ý thức, tư tưởng đầy mới mẻ mang đặc trưng của phong trào thơ mới xuất hiện vào những năm 1932 – 1945, thể hiện lòng yêu đời ham sống của Xuân Diệu cũng như mang sự khẳng định về cái tôi độc đáo, cá nhân muốn được tận hưởng đầy đủ và trọn vẹn cuộc đời. Điệp từ “nghĩa là” được gặp lại 3 lần ở mỗi dòng thơ với mục đích bóc tách, lý giải càng nhấn mạnh và tô đậm cho nỗi lo sợ, niềm dự cảm của nhà thơ trước sự trôi chảy không ngừng của tạo hóa. Như trong “ Giục giã” ông cũng đã từng viết:
“Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.”
Niềm khát khao giao cảm với đời luôn là tư tưởng chi phối mạnh mẽ trong các sáng tác của Xuân Diệu. Có lẽ chính vì vậy nên tâm hồn thi nhân rất nhạy cảm với thời gian và dù cho có đang được tận hưởng những gì tươi đẹp nhất, thanh tân nhất của cuộc sống tràn đầy thì ông vẫn luôn trăn trở một nỗi niềm riêng về cái hữu hạn của đời người, cái vô cùng của trời đất, rằng làm sao cho mỗi phút giây trôi qua là không hề uổng phí:
“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân văn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.”
Quan niệm về thời gian tuyến tính một đi không trở lại được thể hiện trực tiếp qua thủ pháp nghệ thuật tương xứng, tương phản, đối lập: “lòng tôi rộng>< lượng trời cứ chật, xuân tuần hoàn>< tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, còn trời đất>< chẳng còn tôi mãi” cùng điệp từ “tuổi trẻ” khẳng định khát khao sống của con người nhưng lại không thể thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của tạo hóa. Ý thức về sự tồn tại mong manh, hữu hạn của tuổi xuân làm nên mạch tranh luận ngầm giữa quan niệm của tác giả với quan niệm trong thơ xưa về thời gian, góp phần nhấn mạnh và thể hiện lòng ham sống của Xuân Diệu- cái tôi mượn tình yêu để giao cảm với đời. Tiếng thơ như tiếng lòng người xót xa, thở dài, trách cứ, đớn đau vì tiếc nuối lại muốn níu kéo thiết tha những giây phút dù cho ngắn ngủi. Tính từ “bâng khuâng, tiếc” gợi tả nhiều cung bậc cảm xúc: một chút nhớ, một chút thương, một chút bịn rịn, một chút luyến tiếc về nỗi niềm đang đau đáu trong tâm khảm thi nhân giữa thời gian đời người và thời gian vũ trụ: hữu hạn với vô biên, tuyến tính với tuần hoàn. Qua đó truyền tải đi tuyên ngôn sống sâu sắc là phải biết trân trọng những tháng năm trước mắt để sống cao độ, trọn vẹn, đắm say với cuộc đời.
Không còn đâu bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn trề nhựa sống, ngọt ngào, quyến rũ; thời phai nhuốm sắc màu tâm trạng đượm buồn, thiết ththatuy vẫn đẹp nhưng lại khiến lòng người nặng trĩu:
“ Mùi tháng năm đều rơm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Còn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thì
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...”
Xuân Diệu lắng nghe bước đi của thời gian trong lòng vạn vật. Nhà thơ ngửi thấy mùi “vị chia phôi” trong tháng năm, nghe thấy cái “than thầm tiễn biệt” của sông núi, tiếng “thì thào”, hờn dỗi của cỏ cây vì phải lìa cành, nhìn thấy “tiếng reo thi” của chim ca vốn rộn ràng giờ đây đã dứt. Thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ cùng những hình ảnh mang tính khái quát, biểu tượng được sử dụng để làm nên bức tranh thời phai dường như đang ở những cửa, rhàn xuân đã qua đi và không trở lại làm cho vạn vật hay chính lòng người khi mang một nỗi niềm tiếc nuối khó buông. Sự chia ly đó là không thể tránh khỏi nhưng lại là đột ngột bắt buộc: “con gió xinh... phải bay đi; chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi” tạo nên cách nhìn về thời gian có sự vận động, mang đầy tính mất mát. Có lẽ vì vậy mà người đọc cũng có thể cảm nhận được một sự níu kéo vô hình vẫn luôn luôn thường trực trong nhịp thơ chậm rãi và giọng điệu đau đớn xót xa của của Xuân Diệu. Cấu trúc câu cảm thán cùng biện pháp nghệ thuật điệp từ, dấu ba chấm(...) mà tác giả sử dụng trong câu thơ cuối: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa” đã đẩy những xúc cảm lên đến tận cùng, bên cạnh việc nhấn mạnh sự không quay trở lại của thời gian thì đó dường như còn là một tiếng than, tiếng thở dài não ruột của chính Xuân Diệu khi dù cho có khao khát, có ham sống, nhà thơ vẫn không thể thay đổi được nhịp vận động không ngừng của trời đất. Càng khẳng định tình yêu mà ông dành cho tuổi trẻ, cuộc đời, thanh xuân đầy mãnh liệt và đắm say như Huy Cận từng nhận định: “Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn sự trôi chảy của thời gian, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động có khi đậm đà triết lý nhân sinh”.
Điều làm nên sự thành công cho tác phẩm “Vội vàng” nói chung và khổ 3 của bài thơ nói riêng là sự đổi mới trong quan niệm thời gian của Xuân Diệu. Khác với thơ ca truyền thống, thi sĩ nhìn nhận về thời gian là một khái niệm mang tính chất tuyến tính, tuổi trẻ được dùng làm thước đo và trong khi thời gian vũ trụ là vô biên thì đời người lại là hữu hạn ngắn ngủi. Chính vì thế nên Xuân Diệu với giục giã, vội vàng, cuống quýt để sống và tận hưởng từng phút giây trong đời bởi chẳng có điều gì là mãi mãi. Cùng với những cách tân độc đáo trong nghệ thuật, ngôn từ giản dị, tinh tế, táo bạo, giọng thơ dồn dập, gấp gáp, sử dụng nhiều thủ pháp tương xứng, tương phản, đối lập tạo nhịp điệu; quan niệm thời gian mới mẻ của nhà thơ càng trở nên rõ nét, góp phần làm nên tiếng nói của tác phẩm.
“ Vội vàng” mang trong mình nguồn cảm hứng mới là yêu đương và tuổi trẻ -nét đặc trưng không thể nhầm lẫn của ngòi bút Xuân Diệu . Theo như Nguyễn Đăng Mạnh thì “Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống”. Theo thời gian và dòng chảy văn chương nước nhà bài thơ vẫn giữ được giá trị của mình cũng như truyềnnhiề đi nhiều ý nghĩa sâu sắc đến các thế hệ mai sau....
(18/4/2020- Cải thìa)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com