Cóc, cá chép, và những bất cẩn khác của con người
Cái nhìn sâu sắc của Elizabeth Kolbert về sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên.
Nhà báo Elizabeth Kolbert đã tạo ra một nhịp điệu hấp dẫn cho chính mình. Tôi không chắc cô ấy mô tả lĩnh vực hoạt động của mình như thế nào, nhưng tôi muốn gọi đó là thứ gì đó giống như "tác động của nhân loại lên thiên nhiên và nỗ lực của chúng ta nhằm kiểm soát nó."
Mặc dù vậy, dòng mô tả khô khan này không thực sự đúng với công việc của Elizabeth. Cô ấy khiến chủ đề trở nên sống động hơn bằng cách chèn thêm những câu chuyện kể hay ho, các bản tường thuật kỹ lưỡng và chân dung những người thú vị. Tôi thích cuốn sách của cô, The Sixth Extinction (Cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu), cuốn này đã được nhận giải Pulitzer vào năm 2015. Tôi đọc mọi thứ cô viết trong tờ The New Yorker. Và tôi rất vui khi mời được cô làm khách mời đến nói chuyện về biến đổi khí hậu trong chương trình ghi âm mà tôi làm với Rashida Jones năm ngoái.
Vì vậy tôi thật háo hức để đọc sách mới của cô, tựa đề là Under a White Sky: The Nature of the Future (Dưới bầu trời mây trắng: Bản chất của tương lai), xuất bản đầu năm nay. Thật vui vì tôi đã chọn nó. Mặc dù bản thân có vài vấn đề với cuốn sách, nhìn chung nó là một ví dụ điển hình về công việc của cô ấy cùng một cái nhìn sâu sắc về vai trò của các nhà khoa học và kỹ sư đối với sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người.
Under a White Sky, như Elizabeth viết ở cuối sách, là "một cuốn sách về những người cố gắng giải quyết các vấn đề mà những người đang cố giải quyết vấn đề gây ra." Cô viết rằng con người đã tác động đến đất đai và đại dương của hành tinh này nhiều đến mức chúng ta phải đối mặt với một tương lai chưa hề có tiền lệ. Thách thức với chúng ta không còn là sự can thiệp vào môi trường tự nhiên nữa - mà là "kiểm soát việc can thiệp vào môi trường tự nhiên."
Lấy ví dụ, chương đầu nói về cách các quan chức quản lý động vật hoang dã tìm cách kiểm soát loài cỏ dại thủy sinh xâm lấn mà không sử dụng chất độc, họ đã thả loài cá chép châu Á vào một số con sông ở Mỹ vào những năm thập niên sáu mươi. Mục đích ban đầu là để cá chép ăn cỏ, và chúng ăn thật. Nhưng - do việc xây dựng các con kênh nối liền sông Misissippi và lưu vực hồ Great Lakes - bọn cá chép bắt đầu xâm chiếm các tuyến đường thủy và gây ra các vấn đề khác, bao gồm cả việc đe dọa giết chết loài cá câu giải trí ở hồ Great Lakes. Vậy nên bây giờ phía Công binh lục quân đã xây dựng một hàng rào điện để cố gắng ngăn chặn loài cá ăn cỏ này.
Elizabeth bao hàm nhiều chủ đề trong sách, từ nỗ lực cứu lấy rạn san hô đến kiểm soát lũ lụt ở miền Nam Louisiana. Tôi đặc biệt hứng thú với hai chủ đề bởi tôi đã nghiên cứu chúng rất nhiều cả mấy năm nay.
Chủ đề đầu tiên được gọi là phát động gen. Thuật ngữ này bao gồm một số cách tiếp cận, nhưng cơ bản là thực hiện chỉnh sửa bộ gen để viết lại các quy tắc thông thường theo quy tắc thừa kế gen, để làm sao gen của thế hệ cha và mẹ sẽ truyền lại toàn bộ các gen của mình cho con cái, thay vì chỉ truyền một nửa bộ gen. Elizabeth giải thích cách phát động gen có thể được sử dụng ở Úc để kiểm soát loài cóc mía độc xâm lấn - loài này cần được kiểm soát vì chúng lây lan như điên cuồng kể từ khi con người đem chúng đến địa phương vào những năm ba mươi để loại bỏ một loài dịch tàn phá cây mía của đất nước này.
Chủ đề tiếp theo là can thiệp khí hậu. Đây là thuật ngữ bao hàm nhiều cách khác nhau để giảm thiểu nhiệt độ của hành tinh bằng cách tạo ra những thay đổi tạm thời trong đại dương hoặc tầng khí quyển của trái đất. Can thiệp khí hậu là một phương pháp tiếp cận kiểu "Đập vỡ kính trong trường hợp khẩn cấp". Phương án này không miễn trừ trách nhiệm của chúng ta trong việc giảm lượng khí thải; mà sẽ giúp có thêm thời gian để cùng nhau hành động tránh một thảm họa khí hậu.
Giống như tôi mong đợi từ công việc của Elizabeth, cô ấy giải thích về phát động gen và can thiệp khí hậu theo cách thật hấp dẫn và sáng suốt. Bạn sẽ gặp nhiều người thú vị trong sách - kể cả David Keith, một trong những nhà khoa học đã dạy tôi về khí hậu nhiều năm trước và hiện đang thực hiện một số nghiên cứu thú vị về can thiệp khí hậu. Bạn sẽ tìm hiểu được một số hiệu ứng gợn sóng có thể sinh ra từ sự can thiệp của con người, cũng như có thể hiểu rõ cách các nhà khoa học và kỹ sư đang cố gắng đối phó với chúng.
Nhưng những tác dụng phụ tiềm ẩn trong nỗ lực kiểm soát thiên nhiên của chúng ta chỉ là một phần câu chuyện. Mặc dù bây giờ có vẻ không giống vậy, trong khi đại dịch vẫn đang diễn ra, tình trạng con người ngày nay tốt hơn bất cứ khi nào trong quá khứ - và phần lớn tiến bộ là do các khám phá, phát minh và sự can thiệp vào tự nhiên của con người và tự nhiên. Con người đã chế tạo ra vắc-xin COVID-19 nhanh hơn cả thập kỷ so với các loại vắc-xin được phát minh trước đó. Phân bón tổng hợp, hạt giống tốt hơn cùng các công cụ nông nghiệp cho phép chúng ta nuôi sống nhiều người hơn trong khi lao động ít hơn nhiều so với trước đây.
Tôi mừng vì cây bút thông minh như Elizabeth đang nhắc nhở chúng ta về những rủi ro khi can thiệp vào tự nhiên. Nhưng tôi ước cô ấy cũng sẽ khám phá thêm liệu các rủi ro này đáng để thử, hay những lựa chọn thay thế chúng là gì.
Lấy ví dụ, chúng ta có nhiều giải pháp cho biến đổi khí hậu ngoài việc làm lu mờ mặt trời đi, nhưng tôi đã nói đến trong sách của tôi phát hành năm nay. (Phần về can thiệp kỹ thuật chỉ có vài đoạn ở trang số 230.)
Tương tự, việc phát động gen không chỉ dành cho cóc mía. Như tôi đã giải thích vài năm trước, đây có thể là cách hiệu quả để kiểm soát loài muỗi mang mầm bệnh sốt rét. Quỹ của chúng tôi đang tài trợ cho một số dự án trong lĩnh vực này, và chúng tôi cũng tham gia đối thoại toàn cầu về ưu khuyết điểm của nó. Tôi mừng vì cuộc đối thoại sôi nổi đang diễn ra trong cộng đồng sức khỏe toàn cầu về hướng sử dụng của công nghệ phát động gen này.
Tôi ngại rằng mình lạc quan hơn Elizabeth. Tôi không nghĩ rằng việc con người sẽ tiếp tục làm suy thoái môi trường mãi mãi là điều không tránh khỏi. Khi mức sống tăng lên, dân số tăng chậm lại và mọi người bắt đầu dành nguồn lực giữ gìn và làm sạch môi trường. Chúng ta cũng phát triển các phương pháp mới để hiểu thêm về tác động của chúng ta đối với thiên nhiên - bao gồm các mô hình máy tính có thể dự đoán các quần thể muỗi sẽ phản ứng như thế nào với nỗ lực của chúng ta trong việc tiêu diệt chúng.
Bất chấp những dè dặt này, tôi vẫn khuyên các bạn nên đọc Under the White Sky. Sách của Elizabeth có phong cách nhẹ nhàng, dễ đọc, và là một lời nhắc nhở thích hợp rằng chúng ta cần đề phòng những tác động không lường trước được từ hành động của mình. Mặc dù đó chỉ là một nửa câu chuyện, nhưng lại là một nửa rất quan trọng
**
Ngày 14/06/2021
Link nguồn: https://www.gatesnotes.com/Books/Under-a-White-Sky
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com