Chương 21: Đi cùng với đau đớn, mãi mãi là biệt ly
Quay về thành phố N, chỉ được nghỉ ngơi đúng một ngày là bắt đầu đợt học hè tàn khốc. Tuy bộ Giáo dục đã ra chỉ thị nghiêm cấm các trường tổ chức học bổ túc vào thời gian nghỉ hè, thế nhưng chỉ thị này đa phần nhằm vào học sinh ở lớp dưới còn đám học sinh lớp Mười hai thì đều đang chuẩn bị tinh thần sắp sửa “lên thớt”.
Tôi cứ nghĩ tôi và Mỳ Ăn Liền sẽ giống như trước đây, cãi cọ xong rồi lại làm lành, quên hết những chuyện không vui, nhưng hiện thực lại không phải vậy, kể từ lần cãi nhau hôm ấy, tôi và cậu ấy chưa nói chuyện với nhau câu nào, cậu ấy cũng chẳng chủ động bắt chuyện với tôi.
Trước đây, tối nào tôi và cậu ấy cũng bật webcam thâu đêm để nói chuyện và học bài cùng nhau, thế nhưng kể từ khi trở
về, avatar của cậu ấy dường như chưa sáng lên lần nào, không biết là do không đăng nhập hay để ẩn với tôi. Tôi cũng có niềm kiêu hãnh và tự tôn của mình, dường như giữa chúng tôi có một bức tường kiên cố ngăn cách, không ai nhìn thấy ai.
Từ một học sinh vô cùng ưu tú trong mắt các thầy cô, cậu ấy bỗng nhiên trở thành một học sinh chểnh mảng, vô kỷ luật,
lớp bổ túc trong trường cậu ấy muốn đến thì đến, không muốn
đến thì không đến. Hiếm lắm mới có một hôm cậu ấy đi học,
tôi phát hiện ra cậu ấy đã gầy đi rất nhiều. Thầy Đầu Hói vừa
nhìn thấy cậu ấy liền mắng xối xả: “Em đừng nghĩ mình đứng
đầu lớp là được quyền không muốn đi học thì không đi, không
muốn làm bài tập thì không làm. Em có biết em làm như thế là ảnh hưởng xấu đến cả lớp hay không? Sau này hoặc là em đi học đàng hoàng, không thì đừng đến nữa!”
Hôm sau, Mỳ Ăn Liền đến lớp đúng giờ, thầy Cao cứ nghĩ
bài phê bình của mình đã có tác dụng, nhưng đến ngày thứ ba,
cậu ấy lại tiếp tục nghỉ học. Hồi đầu tháng Tám tôi còn thấy cậu
ấy được mấy lần, nhưng đến giữa tháng Tám thì cậu ấy hoàn
toàn lặn mất tăm.
Một mùa hè ngắn ngủi, mọi người đều cảm nhận được đã
có chuyện gì xảy ra với cậu ấy nhưng không ai biết được đó là
chuyện gì, mà bước ngoặt cho hết thảy mọi chuyện bắt đầu từ
ngày cậu ấy rời khỏi đảo.
Tiểu Bạch và Giai Dao hỏi tôi vài lần, kỳ thực tôi là người muốn biết cậu ấy xảy ra chuyện gì hơn bất cứ ai, nhưng sự kiêu ngạo và lòng tự tôn khiến tôi không biết nên mở lời thế nào.
Giờ học phụ đạo hôm nay, hai cô nàng lại tiếp tục hỏi.
Giai Dao mở lời: “Tinh Tinh, cậu thực sự mặc kệ sư phụ luôn đấy hả?”
Tiểu Bạch tiếp lời: “Hai người bọn cậu trẻ con thật đấy, cãi
nhau một trận thì đã sao? Cậu thấy Từ Tịnh Tịnh không vẫn cơm lành canh ngọt, nói chuyện bình thường với Cao Trạm kia kìa.”
Giai Dao lại tiếp tục: “Ế, nghe cậu nói vậy, tớ bỗng dưng nghĩ ra một chuyện, hình như Từ Tịnh Tịnh vẫn bình thường không thắc mắc chuyện sư phụ không đi học?”
Tiểu Bạch vỗ bàn kêu lên: “Chính xác! Nhất định là cô ta
biết chuyện gì rồi!”
Từ Tịnh Tịnh có vẻ vẫn như bình thường, chỉ khác ở chỗ
không nói chuyện với tôi và Ngụy Tuyết, cũng không bàn luận về chuyện của Mỳ Ăn Liền.
Sau giờ học phụ đạo, tôi không nghĩ nhiều nữa, lập tức đeo
cặp sách lên xe buýt đi thẳng đến nhà Mỳ Ăn Liền. Lúc đến nhà cậu ấy, tôi đứng ngoài gõ cửa một lúc lâu nhưng không thấy ai trả lời, gọi di động cũng không thấy cậu bắt máy.
Đúng lúc tôi đang ủ rũ, định cất bước quay về thì cô Vương nhà kế bên - người hay nhờ chú Khang sửa điện nước bỗng nhiên đi qua, hỏi tôi: “Cháu là bạn cùng lớp của Gia Vĩ hả?”
Tôi vội gật lia lịa, đáp lại: “Dạ đúng rồi ạ! Cô Vương đúng không ạ, cháu là Hứa Tinh Tinh... Gia Vĩ cậu ấy... Hình như
không có nhà ạ.”
“Cháu chưa biết chuyện gì sao? Bố Gia Vĩ bị ung thư, gần đây
ngày nào nó cũng túc trực ở bệnh viện để chăm sóc ông Khang.”
“Cái gì ạ?!!” Không tin nổi vào những gì mình vừa nghe, tôi điếng người, chân tay bủn rủn. “Cô... cô ơi, cô nói rõ hơn được không? Rốt cuộc chú Khang bị gì thế ạ? Sao tự dưng lại bị ung thư được chứ?”
“Ông ấy bị ung thư dạ dày. Hình như hồi đầu tháng trước, ông Khang bỗng nhiên bị ngã, sau đó đưa đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông ấy bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.”
Đầu tháng trước, chẳng phải lúc đó bọn tôi đang đi chơi ngoài đảo sao?
“Ung…. ung thư dạ dày giai đoạn cuối?!!” Thuật ngữ y học
đáng sợ này khiến người tôi run bần bật.
“Phải. Ông Khang cũng biết mình bị ung thư lâu rồi, có lẽ sợ ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái, nên mới giấu
không để Gia Vĩ biết, rồi tự mình đi khám bệnh. Hôm đó, ông ấy đau quá, không chịu nổi nữa nên bị ngã, lúc đó cô và mấy người hàng xóm xung m quanh mới biết chuyện. Mọi người thấy vậy liền đưa ông ấy đi bệnh viện.” Cô Vương xót xa nói: “Ông Khang đúng là số khổ, một mình nuôi nấng Gia Vĩ khôn lớn, thằng bé cũng là người cầu tiến, năm tới lại còn thi đại học nữa. Bây giờ ông ấy bỗng nhiên lại mang bệnh thế này...”
Nghe xong, đầu tôi ong cả lên. Hóa ra hồi trước, thuốc chú ấy uống không phải thuốc chữa viêm khớp mà là thuốc chữa ung thư dạ dày. Tôi đúng là một con ngốc! Ngốc đến mức tin rằng chú ấy mắc bệnh viêm khớp.
“Cô ơi, cô có biết chú Khang đang ở bệnh viện nào không
ạ?” Tôi vội vàng hỏi.
“À, cô có biết. Khoa ung bướu bệnh viện Nhân dân tỉnh, nhưng cụ thể phòng nào thì cô quên mất rồi, cô chỉ nhớ là phòng thứ hai hay thứ ba gì đó từ cuối dãy hành lang lên thôi.”
“Cảm ơn cô! Cảm ơn cô ạ!” Tôi cúi đầu thật thấp chào cô Vương, rồi sau đó vội vã quay người chạy ra trạm xe.
Bảo sao một tháng qua Mỳ Ăn Liền lại thay đổi nhiều đến thế. Trong lúc cậu ấy đang ưu phiền vì bệnh của chú Khang, tôin lại trách cậu ấy nhỏ mọn, trách cậu ấy thích Từ Tịnh Tịnh, trách cậu ấy đi chung với cô ta. Thật ra kẻ hẹp hòi nhất chính là tôi, lần nào cũng là tôi vô cớ gây rối đủ kiểu, đã hứa sẽ là bạn tốt của
nhau, vậy mà tôi cứ luôn tỏ vẻ khó chịu với cậu ấy. Dù có là bạn tốt của nhau đi chăng nữa, tôi cũng chẳng tận tâm chia sẻ vui buồn với cậu ấy. Rõ ràng là người tận mắt chứng kiến cảnh chú Khang uống thuốc, nhưng tôi lại nghĩ đó chẳng phải chuyện to tát gì. Hứa Tinh Tinh, mày đúng là không xứng làm bạn của Mù Ăn Liền!
Đang là giờ cao điểm nên đường rất tắc, bệnh viện Nhân dân tỉnh lại nằm ngay khu trung tâm, muốn đến đó lại càng khó khăn hơn. Tôi đứng trên xe, lòng như lửa đốt.
Tôi không ngừng tự trách mình, trầy trật mãi mới đến trạm dừng xe, tôi xông thẳng vào bệnh viện, dọc đường đi tôi liên tục
hỏi thăm, cuối cùng cũng tìm được khu Nội trú. Tôi bước vào
thang máy để đến khu bệnh nhân, đúng lúc cửa thang máy mở ra thì gặp một bệnh nhân đội mũ vừa ho vừa đi ngang qua tôi, tôi bèn đi theo người đó tới quầy y tá.
Hai cô y tá đang mải miết tập trung vào công việc. Tôi kéo căng quai cặp, gọi khẽ vài tiếng nhưng chẳng thấy ai đáp lại. Tôi
đành ngoan ngoãn đứng trước quầy, không dám làm phiền họ.
Tôi dè dặt nhìn xung quanh, hành lang không một bóng người, chỉ có một hai người thân của bệnh nhân phòng nào đó vội vàng ra ra vào vào. Trên bức tường bên cạnh quầy y tá có treo thẻ cơm của bệnh nhân, trên đó ghi rõ tên từng người. Tôi lướt qua thì thấy tên của chú Khang, nhưng không ghi rõ chú ấy nằm ở phòng nào.
Có lẽ do thấy tôi đứng ở đó một lúc lâu, một y tá miệt mài làm việc nãy giờ cuối cùng cũng phát hiện ra tôi, bèn hỏi: “Em là
người nhà bệnh nhân nào? Đã hết giờ thăm bệnh rồi.”
“Dạ, em là... Chú Khang Mục Hoa...” Tôi bỗng dưng không
biết nên diễn tả mối quan hệ của mình và chú Khang như thế nào.
Cô y tá ngẩng lên, ngờ vực nhìn tôi rồi hỏi: “Em là con gái của ông Khang Mục Hoa à?”
“Dạ? Em...” Tôi còn đang nghĩ xem nên trả lời “Phải” hay
“Không phải” thì cô y tá đã vội nói.
“Vào đi, vào đi.” Y tá nói xong lại tiếp tục làm việc.
“Cảm ơn chị ạ.” Tôi xoay người bước đi.
“Không phải bên đó, là bên này. Phòng 1026.” Y tá đột nhiên đứng lên nói.
“Dạ dạ dạ, cảm ơn.” Tôi vòng lại.
Tôi mang máng nghe được hai cô y tá trò chuyện với nhau: “Sao giờ này con gái ông Khang mới vào đây nhỉ?”
“Ông Khang ly hôn rồi mà, chắc cô con gái ở với mẹ, có khi bà ấy không cho con bé vào thăm.”
“Trông con bé không giống ông Khang cũng chẳng giống vợ cũ của ông ấy. Cậu con trai thì rất giống mẹ, đẹp trai thật đấy.”
“Vấn đề gen di truyền thì cô cứ trực tiếp lên hỏi chủ nhiệm Hách ở tầng sáu đi.”
Cuối cùng cũng tìm được phòng 1026. Tôi thầm thở phào.
Vì tắt đèn nên phòng rất tối. Tôi nhẹ nhàng đẩy cửa phòng bệnh đi vào. Trong phòng có ba chiếc giường, giường nào cũng có bệnh nhân nằm, người nhà nằm trên ghế dài cạnh giường. Giường gần cửa nhất là một ông cụ, người nằm ghế dài kế bên có
lẽ là con ông ấy. Bệnh nhân giường giữa chính là người đàn ông đầu trọc tôi đã gặp ở thang máy. Vợ anh ta đang đỡ anh ta nằm xuống, thấy tôi do dự đi vào liền hỏi: “Em tìm ai vậy?”
Giường gần cửa sổ nhất có một người đang nằm quay lưng lại với tôi, tôi không chắc đó có phải là chú Khang hay không.
Tôi rón rén bước tới. Người đó chính là chú ấy. Tôi khẽ gọi: “Chú Khang?!!”
Chú Khang thấy tôi gọi liền giật mình, chú từ từ quay đầu lại, vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Giọng chú yếu ớt: “Tinh Tinh, muộn rồi sao cháu còn qua đây?”
Chú Khang trước mắt tôi không còn là người đàn ông đứng tuổi khỏe mạnh như hồi trước khi nghỉ hè nữa, hiện giờ chú ấy ốm yếu, da mặt vàng vọt, tóc cũng thưa hẳn. Trên tay chú cắm rất nhiều ống truyền dịch, đầu giường bệnh treo hai bình
nước biển lớn, to hơn bình tôi truyền lần trước rất nhiều. Không biết phải mất bao lâu để lượng nước biển lạnh lẽo đó truyền hết vào người chú ấy, cũng thật khó để hình dung cảm giác toàn thân ngập trong thứ chất lỏng lạnh lẽo đó là như thế nào.
Mũi tôi chợt cay cay, nước mắt chua xót chực trào: “Chú Khang...”
“Con bé này, cháu đừng khóc.” Chú Khang từ từ ngồi dậy.
Người nhà giường bên chỉ tôi cách nâng giường lên, tôi vội
vàng lau nước mắt rồi nâng giường bệnh cao thêm một chút. Tôi ngồi bên giường, nước mắt không ngừng tuôn rơi: “Cháu xin lỗi, chú Khang, cháu không biết chú bị bệnh, nên giờ mới tới thăm chú được...”
“Tại chú không cho Gia Vĩ nói, không sao, không sao đâu...” Chú Khang nở nụ cười thoáng nét bi thương.
Lúc bấy giờ, cửa phòng bệnh lại bị đẩy ra, Mỳ Ăn Liền cầm chiếc bình giữ nhiệt bước vào. Thấy tôi đang ngồi bên giường bệnh, cậu ấy chợt sững sờ.
Hơn nửa tháng không gặp, trông cậu gầy hơn trước rất nhiều, cằm nhọn hơn, tóc cũng dài thêm, những sợi tóc cong
cong rủ xuống che khuất tầm mắt.
Tay vẫn cầm chiếc bình giữ nhiệt, cậu chậm rãi bước đến.
“Sao cậu... cậu qua đây lúc nào thế?” Có lẽ cậu ấy muốn hỏi vì sao tôi biết được chuyện này, nhưng sau đó lại đổi thành tôi đến đây lúc nào.
“Tớ vừa tới lúc nãy. Lúc tớ qua nhà cậu, cô Vương nói với tớ nên tớ vội đến đây...” Tôi buồn bã nói với Mỳ Ăn Liền.
Cậu ấy mở nắp bình, rót thuốc bắc đen sánh vào ly trà để đầu giường rồi đưa cho chú Khang: “Bố, bố uống thuốc đi.”
Chú Khang đón lấy ly thuốc, mày nhíu lại uống từng ngụm. Không biết có phải do thuốc đắng quá hay không, mười
phút sau, chú Khang mới uống hết ly thuốc. Uống thuốc xong, Mỳ Ăn Liền đỡ chú nằm xuống giường bệnh, dém chăn xong
mới đưa tôi ra ngoài phòng bệnh.
Tôi theo cậu ấy ra ngoài khu bệnh nhân. Đến thang máy, cậu ấy dừng lại, kể cho tôi nghe ngọn nguồn mọi chuyện.
Hoá ra tối hôm đó, sau khi tôi và Mỳ Ăn Liền cãi nhau, cậu ấy vội đưa Từ Tịnh Tịnh đến bệnh viện cầm máu. Đúng lúc ấy, điện thoại của bệnh viện Nhân dân tỉnh gọi tới báo chú Khang mới nhập viện lúc chiều, nhưng không ai liên hệ được với cậu ấy.
Bởi vậy, sáng sớm hôm sau, cậu ấy chấp nhận mua lại vé thuyền
của người khác với giá cao để quay về. Từ Tịnh Tịnh nghe được nội dung cuộc điện thoại, lại vì vừa cãi nhau với tôi nên cũng không muốn ở lại đảo nữa.
Sau khi gấp gáp trở về, bác sĩ hỏi cậu ấy có lựa chọn mổ hay không. Sau khi cậu ấy và chú Khang bàn bạc xong, cuối cùng hai người cũng quyết định ôm chút hy vọng mong manh mà ký tên vào tờ đơn xác nhận phẫu thuật. Nhưng lúc đang tiến hành mổ giữa chừng, bác sĩ đã rời khỏi phòng mổ, nói cậu hãy chuẩn bị tâm lý, thượng vị và môn vị trong dạ dày chú Khang có một khối u, khối u ở vị trí môn vị đã lan rộng, lấp kín gần như toàn bộ trực tràng gần đó.
Hàng loạt những thuật ngữ y khoa lạ hoắc khiến tôi chẳng
thể nào phản ứng nổi. Hiện giờ, chú Khang đã phẫu thuật xong, vì đang hóa trị nên sức khỏe còn rất yếu. Lúc ban nãy, phải hơn mười phút chú Khang mới uống hết ly thuốc, lý do không phải vì thuốc quá đắng, mà vì chú không thể uống nhanh được. Phẫu thuật xong không những chú ăn uống khó khăn hơn trước mà hệ tiêu hóa không hoạt động tốt cũng là một trở ngại rất lớn.
“Bác sĩ nói, nếu tinh thần tốt thì bố tớ có thể chống đỡ được
từ nửa năm đến một năm”, cậu ấy ngưng một thoáng, hít một
hơi sâu rồi tiếp lời: “Nếu tinh thần không tốt, ông ấy chỉ còn tối đa ba tháng thôi.”
“Không phải ung thư dạ dày có hy vọng điều trị nhất trong các loại ung thư sao? Chẳng phải có thể cắt bỏ dạ dày sao?”
“Bác sĩ nói, trường hợp bố tớ là ung thư tuyến dịch giai đoạn cuối, đã lan rộng nhưng cũng không thể phẫu thuật, chỉ có
thể... chờ để.. ra đi.”
Giọng cậu ấy nghẹn lại, khó khăn lắm mới nói được hai chữ cuối cùng, nước mắt tôi cứ thế trào ra.
Cậu ấy thở một hơi, nói với tôi: “Cậu đừng khóc nữa.”
Tôi không nhịn được nữa, ngồi thụp xuống đất khóc nức nở. Lúc nãy ở phòng bệnh, tôi không dám khóc lớn, sợ chú Khang thấy sẽ càng buồn hơn. Nhưng giờ đã ra khỏi phòng bệnh, lại biết được tình hình của chú ấy, chỉ cần nghĩ đến chuyện chưa đầy hai tháng mà chú ấy đã thành ra như bây giờ, những ngày tháng còn lại chẳng còn là bao, tôi thực sự chẳng thể nào kiềm chế được nỗi xúc động trong lòng.
“Tinh Tinh.” Mỳ Ăn Liền ngồi xuống, định kéo tay tôi ra nhưng hai tay tôi bịt kín mặt, không dám đối diện với cậu ấy.
Tôi nức nở: “Xin lỗi... Thực ra ba tháng trước, hôm cùng Tiểu Bạch và Giai Dao đến nhà cậu ăn cơm, tớ đã thấy chú Khang
ôm bụng đau đớn uống thuốc, nhưng chú ấy lại nói với tớ rằng
bệnh viêm khớp tái phát nên không đứng thẳng nổi. Lúc đó, tớ đã ngu ngốc tin rằng chú ấy bị viêm khớp thật. Xin lỗi cậu, nếu như khi ấy kể cho cậu, có lẽ tình hình của chú Khang đã không đến mức này... Lỗi tại tớ! Tớ là đồ ngốc! Tớ đúng là đồ ngốc mà...” Tôi đưa tay tự tát lên mặt mình.
“Tinh Tinh! Chuyện này không liên quan đến cậu.” Mỳ Ăn Liền ra sức kéo tay tôi lại, giọng cũng nghẹn ngào theo: “Nếu phải tự trách, thì kẻ nên tự trách nhất chính là người làm con như tớ
Ngày nào tớ cũng ăn uống, sinh hoạt cùng bố nhưng lại không biết bệnh của bố đã nặng đến mức đó, lại còn chịu đựng vì tớ nữa...”
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn đôi mắt đã ửng đỏ của cậu ấy rồi khóc nấc lên: “Xin lỗi cậu...”
Mỳ Ăn Liền ôm tôi, vỗ nhè nhẹ lưng an ủi tôi, nhưng khi bàn tay ấy ngừng lại, cuối cùng cậu ấy cũng không kiềm chế được mà bật khóc cùng tôi.
Tôi là một đứa bạn vô cùng tồi tệ... Trong lúc bạn bè cần giúp đỡ, tôi chỉ biết nghĩ đến mình trước tiên, chỉ biết nghĩ đến
nỗi ấm ức của bản thân, chỉ biết trách móc cậu ấy, còn Từ Tịnh
Tịnh - kẻ mà tôi vô cùng xem thường lại là người đầu tiên ở cạnh động viên cậu ấy. Hơn một tháng nay, những áp lực cậu ấy phải chịu đựng đã vượt quá giới hạn của một học sinh cấp ba. Thậm chí cậu ấy còn không dám nghĩ đến, không dám tưởng tượng đến chuyện sẽ xảy ra vào ba tháng sau, nửa năm sau hay một năm sau nữa...
Về đến nhà, quý cô Giai Nhân sốt ruột hỏi tôi đã đi đâu, sao muộn như vậy mới về nhà. Thấy hai mắt tôi vừa sưng vừa đỏ, mẹ giật mình, cứ nghĩ tôi bị ai bắt nạt.
Nghe tôi kể chuyện chú Khang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối xong, quý cô Giai Nhân liền cảm thấy trong người không ổn nên không ngừng lẩm bẩm nhất định mai phải cùng bố tôi đến
bệnh viện kiểm tra tổng quát. Mẹ hỏi tôi đã ăn tối chưa, tôi mơ hồ đáp rằng đã ăn rồi, thật ra tôi chưa ăn gì hết, nhưng cũng không có cảm giác đói.
Tôi trở về phòng, nằm trên giường, đầu óc trống rỗng. Màn
hình di động bỗng nhiên sáng lên, Tiểu Bạch và Giai Dao chat nhóm hỏi tôi tình hình của Mỳ An Liền, còn tôi lại chẳng thể nói được gì, nên đã tắt máy đi.
Nước mắt tưởng như đã cạn
khô lại chảy ra, hết thảy mọi thứ trong tâm trí tôi lúc này đều là
trong hình ảnh của chú Khang.
“Tinh Tinh à, sau này cháu muốn làm gì? Muốn thi vào ngành nào?”
“Cháu muốn làm kiến trúc sư như chú. Cháu muốn làm kiến
trúc sư cầu đường, xây dựng thật nhiều cây cầu ở Tây Bộ, giúp đường sá ở Tây Bộ phát triển hơn, giúp cho những em nhỏ ở vùng sâu vùng xa có thể đi lại dễ dàng hơn.”
“Ồ, cháu suy nghĩ sâu xa thật đấy. Chẳng bù cho Gia Vĩ nhà
chú, nó nói cái gì kiếm được tiền thì làm cái đó.”
Hôm sau vừa hay là cuối tuần, không cần phải đi học phụ đạo, quý cô Giai Nhân hầm canh rồi bảo tôi mang đến bệnh viện.
Tôi âu sầu nói: “Bây giờ chú Khang ăn gì cũng khó khăn lắm mẹ à.
Quý cô Giai Nhân cũng rầu rĩ theo, may mà bố tôi kịp thời
lên tiếng: “Con ngốc quá, bố Gia Vĩ không ăn nổi, Gia Vĩ cũng
không ăn được chắc? Thằng bé đó phải chăm sóc bố nó hàng
ngày, chắc chắn không ăn uống đầy đủ rồi. Con qua đó xem
thằng bé ấy ăn được gì thì về nhà bảo mẹ nấu rồi mang qua đó."
Quý cô Giai Nhân nói: “Hay bố mẹ đi cùng con? Dù gì bình thường thằng nhóc mập mạp đó đối xử với con rất tốt mà.
“Không cần đâu ạ, đông người quá cũng không tốt. Chú Khang vừa hóa trị xong, những bệnh nhân khác còn cần được nghỉ ngơi nữa.”
Với “trình độ bà tám” của quý cô Giai Nhân nhà tôi, chắc chắn việc nghỉ ngơi của chú Khang sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa kể từ khi chứng kiến “kỳ tích” từ mập hóa gầy của Mỳ Ăn Liền, mẹ
suốt ngày thao thao bất tuyệt với tôi rằng Mỳ Ăn Liền rất tốt, lâu lâu còn tâm sự với bố chuyện coi cậu ấy như con rể.
Tôi cầm bình giữ nhiệt rồi vội vã bắt xe đến bệnh viện. Đến phòng 1026, tôi phát hiện người nằm trên giường của chú
Khang bây giờ là một ông cụ lớn tuổi. Người nhà của bệnh nhân
nằm giường giữa cho tôi hay, sáng nay bệnh viện đã đổi cho chú Khang sang phòng VIP dành cho một người rồi.
Tôi đưa tay lên vỗ vỗ ngực rồi đi ra quầy y tá để hỏi. Y tá vừa nói xong số phòng, tôi liền vội vàng cảm ơn rồi rời đi.
Lúc tìm được phòng bệnh, tôi đang định đẩy cửa đi vào thì
tình cờ nhìn thấy một quý bà mặc đồ Tây đang đứng bên giường bệnh nói chuyện với chú Khang thông qua khung cửa kính. Bà thoáng nghiêng người, tôi chợt nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của bà, chính là mẹ của Mỳ Ăn Liền - Lưu Vân Hoa.
Tôi rụt tay lại, bước qua một bên, rồi đứng ngoài cửa phòng
bệnh, lẳng lặng chờ đợi.
Ở bên ngoài, tôi loáng thoáng nghe được bà Lưu Vân Hoa kích động lớn tiếng nói: “Khang Mục Hoa, đã bao nhiêu năm rồi, sao đến giờ ông vẫn ngoan cố như thế? Tôi đã tìm được bác sĩ tốt
nhất nước Mỹ rồi, ngày mai ông ấy sẽ bay qua đây chẩn bệnh cho ông. Tôi cũng đã nói với Gia Vĩ, tại sao ông lại từ chối? Bây giờ đã là lúc nào rồi? Tôi đúng là người yêu tiền thật, nhưng tốt xấu gì chúng ta cũng từng là vợ chồng, có thể giúp được gì tôi đều sẽ giúp ông. Còn về chuyện của Gia Vĩ, ông cân nhắc kỹ càng đi rồi hẵng trả lời tôi.”
Tôi đang định nhìn vào xem chuyện gì đang diễn ra thì cửa
phòng đột nhiên bật mở. Bà Lưu Vân Hoa bước ra, thấy tôi đứng
ngoài cửa phòng nên nét mặt thoáng hiện vẻ ngạc nhiên.
Bà vẫn không khác gì người tôi đã gặp nửa năm trước, trang điểm cầu kỳ, quần là áo lượt, trông thật hoàn hảo, chẳng
hề giống một người mẹ đã có đứa con mười bảy mười tám tuổi đầu chút nào.
Tôi lễ phép cúi chào, đang định mở cửa đi vào thì nghe thấy tiếng gọi khẽ: “Cháu là Hứa Tinh Tinh đúng không?”
Tôi ngoảnh lại, gượng gạo gật đầu. Kể từ hồi bị bà cư xử lạnh lùng nửa năm trước, tôi có phần nơm nớp khi gặp bà.
“Cháu theo tôi ra đây một chút.” Bà lạnh lùng buông lời, đoạn đi qua lối thoát hiểm bên cạnh.
Tuy không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng vì lễ phép, tôi vẫn theo bà đi ra hành lang thoát hiểm vắng vẻ.
“Nghe nói cháu là người đã giúp Gia Vĩ giảm cân.”
“Vâng!” Tôi gật đầu.
“Có phải cháu và Gia Vĩ nhà chúng tôi đang yêu nhau đúng không?” Bà ấy nhìn tôi chằm chằm bằng ánh mắt sắc lẹm.
Tôi hơi cau mày, khẽ cắn môi đáp lại: “Dạ không, cháu và Gia Vĩ chỉ là bạn cùng lớp, bạn thân thôi ạ.”
“Bạn thân?!” Bà Lưu Vân Hoa không bình luận gì thêm, bà
chỉ cười giễu cợt, ánh mắt loé lên tia châm biếm: “Cháu hay về cùng Gia Vĩ như vậy, chẳng lẽ ông Khang chưa từng hỏi quan hệ của hai đứa là gì à? Ông ấy vẫn chắc chắn hai đứa là bạn thân thôi sao?”
Tôi bất giác đứng thẳng lưng, đường hoàng đáp lại: “Chú Khang biết bọn cháu học cùng lớp nên chú ấy rất tốt với cháu,
không phải người lớn nào cũng nghĩ như dì đâu ạ. Nếu không có
việc gì nữa thì cháu xin phép đi trước.”
“Khoan đã! Tôi còn chưa nói xong mà.” Mẹ Mỳ Ăn Liền gọi giật tôi lại: “Cháu rất có chính kiến, không yêu đương gì bây giờ là tốt. Cháu có muốn đi du học không?”
Tôi nghi hoặc nhìn bà, không trả lời, cũng chẳng hiểu tại sao bà ấy tự nhiên lại hỏi một câu như thế.
“Tôi nói thật nhé, trình độ y học của nước nhà lạc hậu quá rồi. Tôi đã mời bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ, ngày mai ông ấy sẽ bay qua đây khám bệnh cho bố Gia Vĩ. Nếu có hy vọng, thì có thể đưa ông ấy qua Mỹ chữa bệnh, như vậy sẽ kéo dài thêm được vài
năm nữa. Tôi đã nói chuyện với Gia Vĩ rồi, giờ chỉ còn xem ý bố
nó thế nào thôi. Lúc nãy tôi cũng nói chuyện với ông ấy, nhưng ông ấy không muốn đi đâu hết. Nghe Gia Vĩ nói bố nó rất quý cháu, cháu có thể giúp tôi khuyên ông ấy, nói ông ấy tích cực phối hợp điều trị được không?”
Tôi im lặng nhìn bà ấy, nhưng vẫn không nói lời nào. Bà Lưu Vân Hoa nhìn tôi, rồi nói thêm một câu: “Nếu cháu đồng ý khuyên ông ấy, tôi sẽ giúp cháu sang nước ngoài du học, Mỹ hay Anh, hoặc nước nào đó, tuỳ ý cháu.”
“Nếu có thể giúp đỡ chú Khang, cháu sẽ cố hết sức.” Tôi dừng một thoáng rồi nói: “Chuyện đi du học thì không cần đâu ạ.
Dứt lời, tôi liền rời khỏi lối thoát hiểm, nhanh chân đi đến phòng bệnh.
Chú Khang đang lẳng lặng nằm trên giường, ngẩn người nhìn chằm chằm lên trần nhà. Tôi khẽ gọi chú ấy một tiếng. Thấy
tôi vào, chú Khang ráng gượng cười: “Tinh Tinh, hôm nay cháu
lại đến thăm chú à?”
“Mẹ cháu hầm ít canh, bảo cháu mang đến cho chú ạ.” Tôi đặt bình giữ nhiệt xuống, vô thức nhìn quanh phòng bệnh dành cho một người, điều kiện quả nhiên tốt hơn phòng ba người rất nhiều, không chỉ có thêm một chiếc giường dùng cho người chăm bệnh nhân, còn có tivi, tủ lạnh và những trang thiết bị khác.
“Cảm ơn mẹ cháu hộ chú nhé.”
Tôi không biết nên đáp lại chú ra sao, dù trong lòng vô cùng đau xót nhưng tôi không dám để lộ điều đó trên mặt, sợ làm ảnh hưởng đến chú Khang.
Chú Khang bỗng nhiên hỏi tôi: “Tinh Tinh, cháu thích Gia Vĩ nhà chú đúng không?”
Tôi kinh ngạc ngẩng đầu lên nhìn chú ấy, không biết trả lời
thế nào. Lúc nãy bà Lưu Vân Hoa cũng hỏi tôi một câu tương tự, không biết tại sao chú Khang lại bắt đầu để tâm đến quan hệ của tôi và Mỳ Ăn Liền.
Chú Khang trấn an: “Đừng căng thẳng, chú chỉ thuận miệng hỏi vậy thôi.”
Tôi nhanh miệng đáp lại: “Chú Khang, chú yên tâm. Cháu và Gia Vĩ chắc chắn sẽ không yêu sớm đâu ạ. Cháu và cậu ấy nhất định sẽ học hành đàng hoàng, phấn đấu thi vào một trường
đại học danh tiếng”
“Tính cách Gia Vĩ nhà chú có phần hướng nội, từ ngày gặp
cháu nó đã cởi mở hơn nhiều.”
Tôi biết chú Khang đang lo lỡ mình gặp chuyện gì không may, Mỳ Ăn Liền lại bị trầm cảm, nên đã nói rằng: “Chú cứ yên tâm đi ạ, dù sau này không học đại học cùng nhau, cháu vẫn sẽ tìm cậu ấy để nói chuyện mỗi ngày, đến chừng nào cậu ấy thấy phiền thì thôi.”
“Vậy chú nhờ cháu cả đấy Tinh Tinh à.” Chú Khang cười nói.
“Chú Khang, nếu qua Mỹ điều trị, có thể kéo dài thêm được vài năm, chú sẽ đi chứ ạ?”
Nụ cười của chú Khang bỗng nhiên chùng xuống, chú ấy im lặng một chốc rồi hỏi ngược lại tôi: “Tinh Tinh à, nếu có cơ hội
sang Mỹ du học, cháu sẽ đi chứ?”
Tôi ngẩn người, ban nãy bà Lưu Vân Hoa cũng hỏi tôi một câu y hệt, tuy tôi sẽ không đi Mỹ vì lời đề nghị của bà ấy, nhưng tôi vẫn đáp theo bản năng: “Có lẽ là có ạ...”
Chú Khang trầm ngâm, lát sau lại nói: “Ừ nhỉ, những trường đại học tốt nhất đều ở bên Mỹ, nước Mỹ đúng là một nơi tốt. Nếu ở Mỹ thì sẽ không khổ như bây giờ, không có dầu bẩn làm từ nước cống, chất phụ gia, thực phẩm biến đổi gen hay khói
bụi... Nước Mỹ thật tốt...” Chú Khang lẩm bẩm một hồi.
“Chú Khang à, cháu chưa từng đi Mỹ nên chẳng biết bên ấy tốt đẹp thế nào đâu ạ. Cháu chỉ tò mò không biết quốc gia tư bản chủ nghĩa là thế nào nên muốn đến đó tham quan, tham quan xong sẽ lại về thôi ạ. Hơn nữa cháu nghe người mình nói đồ ăn bên đó không ngon, nên cháu nghĩ một người thích ăn uống như cháu có lẽ vẫn thích hợp ở lại nước mình hơn. Người Trung Quốc chúng ta có câu: 'Chẳng đâu bằng cái ổ nhà mình'.
Chú xem tin tức quốc tế bây giờ, có quốc gia nào tốt hơn nước
mình đâu? Ở đâu cũng loạn hết. Nước mình không có kỳ thị chủng tộc, độ lượng lại bao dung, trị an ổn định, đi trên đường chắc chắn không sợ bị kẻ nào vác súng ra bắn. Tuy còn nhiều chỗ khiếm khuyết vì nước mình vẫn còn non trẻ, và đang trên đà phát triển nhưng một ngày nào đó có thể trở thành cường quốc số một thế giới mà.”
“Tinh Tinh à, cháu thật biết nhìn xa trông rộng” Chú Khang mỉm cười, song chẳng mấy chốc lại cau mày, thở dài một hơi: “Ây, sao Gia Vĩ lại không muốn đi Mỹ...”
“Bố, bố đang nói gì thế?” Mỳ Ăn Liền đột nhiên đẩy cửa bước vào.
“Cháu chào chú ạ!” Đi cùng cậu ấy còn có Từ Tịnh Tịnh. Vừa thấy tôi, ánh mắt của cô ta lập tức trở nên thiếu thân thiện hẳn.
Chú Khang đáp lại: “À, có gì đâu. Bố đang nói chuyện phiếm thôi mà.”
“Thuốc sắc xong rồi, bố uống thuốc đi đã.” Mỳ Ăn Liền rót
thuốc bắc đã sắc xong từ trong bình giữ nhiệt ra.
“Để đó đi, lát nữa bố uống. Bây giờ bố hơi mệt.” Dường như nãy giờ chú Khang đã hao tốn rất nhiều sức lực nên thoáng chốc trở nên yếu ớt vô cùng. Kéo tấm chăn trên người, chú khẽ nhắm mắt lại.
Tôi lập tức đứng lên nói: “Chú Khang, chú nghỉ ngơi cho khoẻ, hôm nào cháu lại vào thăm chú ạ.”
Chú Khang mở mắt ra đáp lại: “Tinh Tinh, cảm ơn mẹ cháu thay chú. Cháu hãy cố gắng học hành, thi cử thật tốt nhé.”
Tôi gật đầu, khoé mi đã ươn ướt. Vừa ra khỏi phòng, nước mắt liền không kìm được mà trào ra.
Mỳ Ăn Liền cùng tôi ra ngoài. Tôi mở lời: “Mẹ tớ có hầm chút canh, lúc nào chú Khang đói bụng thì cậu múc cho chú ấy ăn nhé. Nếu chú ấy không ăn được thì cậu phải ăn đấy.”
“Cảm ơn mẹ cậu giúp tớ.”
“Cảm ơn gì mà cảm ơn? Cậu nhớ giữ gìn sức khoẻ.” Thấy khuôn mặt hốc hác của cậu ấy, lòng tôi ngổn ngang trăm mối.
Cậu ấy gầy hơn trước kia rất nhiều, gương mặt trẻ con trước kia giờ đã nhuốm đầy muộn phiền.
"Ừm."
“Tớ về đây.”
Nhưng tôi không thể ngờ rằng, kể từ lần đó, tôi không bao giờ gặp được chú Khang nữa.
Ngày hôm sau nữa, tôi lại mang canh tẩm bổ của quý cô Giai Nhân đến bệnh viện. Hôm ấy trời đổ mưa to, lúc đến bệnh viện, mặt tôi đã ướt mèm. Tôi đẩy cửa phòng bệnh ra, người
trong phòng là một bà lão xa lạ, con gái bà ấy ngạc nhiên nhìn tôi.
Tôi lùi ra phía cửa, nhìn bảng số gắn trên đó, số phòng không sai,
lúc đó lòng tôi chợt hoảng hốt đến lạ kỳ. Tôi chưa kịp mở lời thì con gái bà cụ đã nói trước: “Em đến thăm người bệnh ở phòng này lúc trước đúng không, ông ấy đi rồi.”
“Đi rồi?!” Hôm qua tôi vẫn còn liên lạc với Mỳ Ăn Liền, cậu ấy nói chú Khang vẫn khoẻ mạnh cơ mà.
Con gái bà cụ nhìn thoáng qua mẹ mình, có lẽ sợ ảnh hưởng tâm trạng bà cụ, bèn đi ra nói với tôi rằng: “Nghe nói tối hôm qua ông ấy lén chạy ra khỏi đây, rồi nhảy sông tự vẫn, vậy nên nhà chị mới có phòng để dọn vào. Cụ thể thế nào em đi hỏi
y tá ngoài kia nhé.”
Trong phút chốc, đầu tôi như muốn nổ tung, bình giữ nhiệt trong tay rơi xuống đất. Tôi không thể tin nổi những gì chị
ấy vừa nói.
“Cảm ơn chị.” Tôi vội vàng rút di động trong túi ra gọi cho Mỳ Ăn Liền, nhưng lại nhận được thông báo số điện thoại của cậu ấy đã ngoài vùng phủ sóng.
Tôi vội vã chạy đến bàn y tá hỏi, nét mặt cô ý tá kia cũng không tốt cho lắm, cứ ậm ừ đánh trống lảng với tôi. Thế nhưng lại có một người nhà của bệnh nhân ở bên cạnh nghe được, bèn kể cho tôi: “Khoảng chừng 11, 12 giờ đêm qua, ông ấy thừa dịp người nhà bệnh nhân vào chăm sóc liền lén đi ra ngoài cùng họ.
Không lâu sau, con trai ông ấy tỉnh giấc, không thấy bố mình
đâu nên đã đi tìm khắp nơi. Đến khi tìm thấy thì người cũng đã
mất rồi, nghe đâu là nhảy xuống sông đằng sau bệnh viện.
Tôi nhìn về hướng ngón tay người ấy chỉ, giữa thang máy xếp một dãy ghế nằm ngang, người nhà bệnh nhân ngồi kín ở
đó. Hai ba người đàn ông đang lo lắng hút thuốc, đằng sau họ
là một dãy cửa sổ mở, bên dưới khung cửa sổ chính là con sông
mà người đó nói.
“Cảm ơn chú” Giọng tôi run rãy, toàn thân cũng run lên bần bật.
Tại sao tự nhiên chú Khang lại tự vẫn chứ? Mới hôm kia mọi chuyện vẫn còn ổn cơ mà. Mỳ Ăn Liền đang ở đâu? Bây giờ đang ở đâu? Tôi liên tục gọi điện cho cậu, nhưng vẫn không
thấy ai bắt máy. Tôi chỉ nghĩ ra được một nơi duy nhất cậu có thể đến, đó là nhà cậu. Tôi vội vã rời bệnh viện, sau đó bắt xe đến nhà cậu. Xuống xe, tôi chạy một mạch đến đó, hoàn toàn mặc kệ nước mưa đang bắn tung toé.
Cuối cùng cũng đến nơi, cửa chính nhà cậu ấy mở rộng bên trong nườm nượp người ra vào. Cô Vương tinh mắt nhìn thấy tôi liền vội vàng nói: "Cháu đến đúng lúc lắm, mau vào thăm Gia Vĩ đi."
Biết Gia Vĩ đang ở nhà, trái tim lo lắng của tôi cuối cùng cũng trở về đúng chỗ.
Phòng khách chật kín người, tất cả đều là hàng xóm nhiệt tình qua giúp đỡ bố trí linh đường. Còn chưa đi vào phòng ngủ,
tôi đã nghe thấy tiếng đàn violin đau thương truyền ra.
Trong phòng lộn xộn ngổn ngang, quần áo của chú Khang
đều được đóng thành thùng. Mỳ Ăn Liền đứng giữa hành lang
nối liền phòng ngủ và sân sau, tập trung kéo đàn violin. Ngoài
phòng, mưa khẽ rơi xuống những phiến lá trên giàn hoa tử đằng, chảy xuống những viên đá xanh mà chú Khang đích thân rãi.
Vốn là một đứa không hiểu gì về âm nhạc, tôi chẳng biết khúc nhạc đó tên gì, nhưng nghe giai điệu buồn thương đó, nỗi lòng bi ai của tôi cũng trào dâng theo, nước mắt không kìm được
tuôn rơi lã chã. Tiếng mưa ngoài kia giờ đây nhuộm màu bi thương bất tận. Câu kéo đi kéo lại khúc nhạc đó, giai điệu đau buồn khôn xiết còn hơn cả nhạc ai điếu của Trung Quốc. Cuối cùng tôi đã hiểu tại sao cô Vương vừa thấy tôi, đã sốt ruột giục tôi đi thăm cậu ấy.
Tôi đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn cậu ấy, gương mặt cậu ấy mang nỗi buồn lặng ngắt mà tôi chưa từng thấy, tay trái bấm trên dây đàn, tay phải cầm vĩ không ngừng kéo lên xuống. Nỗi niềm buồn thương tuôn trào trên giai điệu nhưng những đớn đau trong lòng cậu ấy lại không cách nào bộc lộ được ra ngoài.
Thế rồi, tiếng đàn bỗng dưng im bặt, cậu ấy ngẩn người quay lại nhìn tôi, biểu cảm trong ánh mắt thoáng chốc trở nên lạnh lùng và xa cách.
Tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy như vậy nên sợ hãi thốt lên:
“Mỳ Ăn Liền...”
Cậu ấy nhìn tôi hồi lâu, vẻ mặt dần trở lại bình thường, hỏi tôi rằng: “Nếu có cơ hội đi Mỹ, cậu có đi không?”
Tôi nhíu mày, tại sao ai cũng hỏi tôi câu này vậy?
Thế nhưng, tôi còn chưa kịp trả lời, cậu ấy đã vội gạt đi: “Thôi bỏ đi. Tớ không sao.” Nói rồi, cậu ấy lại gác cây vĩ lên cung đàn, tiếp tục kéo nhạc.
Cho đến tận ba ngày sau tang lễ, tôi vẫn chưa thấy cậu ấy rơi một giọt nước mắt nào, thứ lưu lại trong tâm trí tôi chỉ có khúc nhạc vĩ cầm được kéo từ lúc tinh mơ cho đến chập tối, và
ngón tay rớm máu của cậu ấy.
Một ngày nào đó của nhiều năm về sau, có dịp nghe lại khúc nhạc đó nhưng tôi vẫn không kìm được nước mắt. Cuối cùng tôi cũng biết khúc nhạc đó có tên là “A song from secret garden” - một khúc nhạc có thể làm trái tim người ta tan vỡ.
Tựa như dùng âm nhạc nói thay cảm xúc, Mỳ Ăn Liền khi ấy hệt
như một đứa trẻ cô độc và lạc lối. Tôi cũng chẳng đoán được liệu những hạt mưa trên bầu trời hôm ấy có phải nước mắt thương xót của ông trời hay không.
Sau đó, Mỳ Ăn Liền không từ mà biệt, cũng chẳng ai biết đã có chuyện gì xảy ra với cậu ấy. Người con trai mà tôi từng thầm
mến, chàng trai có mái tóc xoăn vừa nhìn là nghĩ ngay đến mỳ ăn liền, cứ như vậy mà hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời tôi.
Có đôi khi, tôi sẽ nhìn về phía Tây bầu trời rồi tự hỏi, có phải cậu ấy đang ở nơi phương trời đó không?
Có đôi khi, tôi choàng tỉnh giấc khỏi cơn mộng mị, trong tâm trí tôi chỉ toàn hình ảnh về khuôn mặt tròn trịa mũm mĩm của cậu.
Có đôi lúc, cả giấc mộng cũng hóa thành xa xôi, trở nên xa xỉ, thậm chí tôi sợ một ngày nào đó tôi không còn nhớ nổi dáng
hình của cậu ấy, cũng chẳng nhớ nổi khoảng thời gian mình đã từng rung động trong lặng thầm...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com