Chấp niệm mình anh 2
Chấp niệm mình anh.
Chương 2. Hiện thực nào?
Nghe Linh gọi rủ đi chơi, Huệ Châu chưa biết nên trả lời thế nào.
Không biết là hiện thực hay giấc mơ, không biết có đúng là nó trở về thời gian của gần hai mươi năm về trước hay không, nhưng nếu đang diễn ra thì nó cũng phải đối mặt.
Ngày ấy nhóm bạn thân của nó có hơn mười người, cả trai cả gái thường rủ nhau qua ngã ba đường vào làng gần nhà Thủy để tụ họp chơi bời.
Hôm nay chắc lại là ngày chúng bạn rủ nhau chơi gì đó nên bây giờ Linh đến gọi Huệ Châu.
Còn nhớ ngày đó bố mẹ nó cũng không dễ tính để cho nó đi chơi nhiều với các bạn, vì nhà nó "nhiều việc" hơn nhà khác. Mỗi lần muốn đi chơi là trốn hoặc xin phép chỉ được 1 lúc. Nó đã từng lúc nào cũng thèm muốn có nhiều thời gian để đi chơi. Một phần ngày đó còn là trẻ con ai cũng ham vui, một phần ganh tị với chúng bạn rằng chúng nó chỉ ăn với chơi còn mình phải làm nhiều không được đi chơi bao giờ.
Mai này lớn lên, nó hiểu được hoàn cảnh gia đình khi ấy bắt buộc phải làm nhiều hơn các bạn, lại mong nếu có thể quay lại thời gian thì sẽ giúp bố mẹ nhiều hơn là đi chơi. Thế nhưng khi ấy đã là muộn rồi....
Hiện ra nếu đúng là thời gian trở lại... nó có thể sẽ làm theo những gì đã suy nghĩ, và muốn làm.
Nó quay ra hỏi mẹ đang ngồi ghế uống nước, bà nhẩm tính gì đó, chắc là tính tiền nong buôn bán sáng nay.
-Mẹ! Con ra nhà Thủy chơi một lúc nhé?
Mẹ nó quay ra, có lẽ Huệ Châu làm ngắt quãng việc tính toán của bà, hay do bà ngạc nhiên vì nếu là "nó" của "kiếp trước" sẽ không có chuyện hỏi ý kiến mẹ trước khi làm gì, mà đã tự ý đi hoặc trốn đi. Bà mở to đôi mắt thâm quầng của người phụ nữ ngoài bốn mươi đầy khắc khổ.
Nhìn nó một lúc, không biết bà suy nghĩ cho xong việc tính toán bị ngắt quãng hay để đánh giá đứa con gái út đứng trước mặt, sau đó bà cất tiếng không mấy thiện cảm:
-Đi đi, nhanh rồi về.
-Vâng, con biết rồi.
Nó bước ra đi cùng Linh hướng con đường bên cạnh nhà tắt sang nhà Thủy. Khi này, con đường còn có thể đi tắt qua, chứ khi nó đi lấy chồng là nhà họ rào lại xây bờ tường rồi.
Bước trên con đường với quá nhiều hồi ức, lặng lẽ bước bên cạnh, Linh đang nói về vấn đề gì đó...nó nghe không còn nhớ. Thấy nó không phản ứng lại, Linh hỏi:
-Lại bị ăn đòn à?
Nó quay qua nhìn, không biết nên khóc hay nên cười.
Cô bạn gần nhà nó nhất, Linh là người chứng kiến nhiều trận đòn roi của nó từ bố mẹ anh chị. Mỗi lần Linh đến nhà nó chơi, hoặc muốn rủ nó đi chơi là hay gặp phải cảnh nó bị "rầy la". Nó đã nghĩ Linh là một người không có tâm, vì thấy bạn bị mắng chửi, thậm chí những trận đòn đau mà thường không tỏ ra thương xót.
Mai này nó mới biết được, chỉ tại Linh không biết biểu đạt thế nào cho nỗi thương tâm khi chứng kiến cảnh bạn mình bị đánh đập, mắng chửi. Ngày nó liên hoan chia tay bạn bè đi lấy chồng, ngồi mâm cơm chỉ mình Linh khóc. Khi nó tặng lại cho Linh cái dây cổ, Linh không kìm được mà nước mắt rơi nói rằng:
{Ở gần nhà nhau nhất, chứng kiến việc lớn lên sinh hoạt cùng nhau, nhớ về những ngày vất vả của Huệ Châu, về những trận đòn roi....}
Huệ Châu khi ấy mới hiểu được, nỗi thương xót của Linh dành cho nó là đã từ nhiều năm tích lũy.
-Không...
Huệ Châu trả lời.
-Vậy mà im re thế lại tưởng vừa bị ăn đòn.
-Bị ăn đòn mà giờ này còn được đi chơi sao?
Nó cười nụ cười phức tạp nhưng lại ấm lòng, vì bây giờ nó biết gần hết tâm tư tình cảm qua những lời nói của mọi người thông qua "một kiếp".
Đoạn đường từ nhà nó sang nhà Thủy không dài. Bước đi một lúc là đã nghe thấy tiếng mấy cô con gái tru tréo ở ngã ba. Nhà Thủy khi này là tụ điểm tập hợp "ăn chơi" của chúng nó.
Nó và Linh ra đến nơi thì thấy Hải Yến và Thủy đang chơi bài, cùng lúc Trang và Tuyết cũng chạy đến hô hào chơi nhảy dây nịt. Trò chơi nhảy dây nịt này lấy đi bao mồ hôi, nước mắt của chúng nó, nhưng lại ham không dứt ra được.
Huệ Châu chơi không giỏi khoản này, nhưng cũng thường ham muốn một lần được làm người "cứu cánh" cho đội mình. Nó còn nhớ như in, ngày ấy Hải Yến chơi trò này là át chủ bài, chơi rất giỏi và chuyên nghiệp, thường là người chơi thắng cuối cùng, hoặc cứu cánh cho đội của nó.
-Chơi nhảy dây đi, vừa đủ 6 người.
Tuyết cất tiếng trước, Tuyết kém hội nó một tuổi nhưng cùng một xóm nên cũng thành đội chơi ngày ấy luôn.
-Dây đâu lấy ra đi, xèng lấy đội nào.
Hải Yến nói rồi dơ tay mang động tác oẳn tù tì, người thắng vào một đội, người thua vào một đội. Vì Hải Yến nhảy giỏi nên thường khi ấy ai cũng muốn được vào đội của nó để chơi được nhiều mà không lo "chết".
Hải Châu cũng không thể phủ nhận nó của "kiếp trước" đã từng nhiều lần tiếc nuối vì không thể vào cùng đội chơi với Hải Yến.
Kiếp này thì khác rồi, dù nó vừa trở về chưa được một ngày.
Huệ Châu nói rằng nó còn đau bụng nên chỉ đứng trồng dây cho mọi người nhảy thôi không cần xèng, lát có ai đến thì thay vào là đủ đội. Vậy là 5 người lại oẳn tù tì.
Hải Yến và Linh một đội, Trang Thủy Tuyết một đội.
Ký ức này, trò chơi này, đến ngày lấy chồng có con nó cùng các bạn đã không ít lần "giá như" có thể chơi lại. Nhưng lớn hết rồi, động tác đâu còn nhanh nhẹn như ngày mười mấy tuổi, mai này trẻ con không còn chơi trò này nữa, dần dần những trò chơi ngày đó cùng các bạn chơi biến mất theo thời gian.
Huệ Châu đứng nguyên trồng dây nhảy cho mọi người, nhìn các bạn cười đùa, nhìn sự hồn nhiên của tất cả khi này mới ở tuổi mười hai. Khi này chưa ai biết thế giới sau này có bao nhiêu giông bão đang chờ, chỉ biết ngây thơ mà sống những ngày tháng bình yên.
Huệ Châu thấy lòng nhẹ lại, tuy nó đang ở thân hình của năm mười hai tuổi nhưng suy nghĩ đã là một cô gái trưởng thành có chồng có con rồi.
Ngã ba nơi chúng nó đang chơi chính là đường lớn của làng, xe cộ qua lại nhiều, chúng nó phải vừa chơi vừa tránh. Thi thoảng Huệ Châu sẽ nhìn thấy những người thân quen, người còn sống, người đã chết ở "kiếp trước".
Thỉnh thoảng mấy người đang nhảy dây lại om sòm vì chuyện ai đúng ai sai, nếu là nó của kiếp trước chắc khi này cũng đang rất "nóng giận" bận rộn phân bua. Nhưng khi này nó chỉ đứng nhìn lại cảm thấy rất thân thương, gần mà như xa.
Cả nhóm chơi đến mồ hôi nhễ nhại, mẹ Thủy cũng vừa đi đâu về đến, nói rằng không trông quán mà chỉ chơi bời, lúc này cả nhóm mới thu dây ngồi nghỉ.
Nhà Thủy có cái quán bán đồ tạp hóa nhỏ nhỏ ngay ngã ba, chính vì vậy mà chúng nó thường lấy đây là nơi tụ tập chơi bời. Thủy vừa trông quán giúp mẹ lại vừa có thể chơi trò mình muốn, nói chung khi ấy Thủy khá thoải mái.
Cả đội ngồi vào ghế nghỉ xả hơi, chiếc ghế dài cỡ một mét ngày đó ở quán nhà Thủy thường bị chúng nó chen chúc nhau ngồi ba bốn người, giờ nhìn thấy các bạn ngồi xuống trước Huệ Châu đứng cạnh.
Những câu chuyện theo phong cách trẻ con, được đưa ra bàn tán. Sáng nay Huệ Châu bị say sắn về giữa giờ nên không biết chuyện gì xảy ra, cũng vì "nó" mới hoàn hồn chưa được bao lâu. Hôm nay Huệ Châu đặc biệt điềm đạm.
Ngồi một lúc chuyện qua chuyện lại, đã đến 3 giờ chiều. Linh rủ Huệ Châu "về thôi". Hai đứa đứng lên bước về. Bước được vài bước thì một tốp thanh niên choai choai đang từ xóm dưới đi lên... chúng hồ hởi như vừa có chuyện gì phấn khích, vừa đi vừa náo loạn đoạn đường.
Những khuôn mặt Huệ Châu đã không còn nhớ rõ, vì khi này chúng cũng mới mười hai mười ba tuổi. Có Tuấn, có Thành, có Việt, Hùng và cả....
Vừa bước được vài bước Huệ Chân đứng khựng chân tại chỗ, nhìn khuôn mặt đang tươi cười của người thanh niên lẫn trong đám bạn. Khuôn mặt tuy còn non nớt, nhưng nụ cười đó Huệ Châu sao có thể quên.
Nụ cười ăn sâu vào tiềm thức của nó cả trong mơ, trong ảo mộng, trong trí nhớ tưởng tượng của nó. Người đàn ông mà ở "kiếp trước" lúc nào nó cũng tham lam muốn ôm thêm một chút, nắm chặt tay hơn một chút, hay thậm chí chưa từng rời vòng tay ấy một phút nào.
Thấy Huệ Châu đứng lại nhìn đám con trai đang đi qua, Linh thấy lạ đứng lại gọi, khi này Huệ Châu mới hoàn hồn bước tiếp.
Hải Phong của năm mười hai tuổi, chắc có lẽ còn chưa biết tình cảm nam nữ là gì, hoặc là chỉ không biết mai này sẽ có rung động với người bạn được coi là bạn thân như nó. Huệ Châu.
Được nhìn lại người đàn ông, niềm đau của nó cả một "kiếp trước", Huệ Châu tâm trạng phức tạp lạ thường. Nếu đúng là thời gian quay trở lại, hay nó sống lại hiện giờ đi nữa thì nó phải làm sao đối diện với Hải Phong?
Cả một buổi chiều tối hôm đó, Huệ Châu như người trên mây, mà đúng là trên mây, vì mọi thứ đang diễn ra quá đỗi thân quen mà nó sợ không dám tin đây là sự thật. Nó sợ rằng chỉ nằm ngủ lại khi mở mắt ra là mọi thứ biến mất như bọt biển, như vô vàn giấc mơ đã trải qua.
Chiều tối mẹ nó đi chợ về cầm theo túi cá và rau dựng xe trước nhà đưa cho Huệ Châu bảo nó nấu cơm tối. Hỏi mẹ là phải làm món gì, bà trả lời qua loa "tùy ý". Bây giờ khi linh hồn là của Huệ Châu trưởng thành nên nó biết được đại khái khẩu vị của mọi người trong gia đình.
Nhà nó khi này, tất nhiên rồi, còn phải nấu bằng bếp củi, Huệ Châu thành thục theo bản năng còn lưu trong trí nhớ chuẩn bị đồ ăn sẵn rồi sau đó sẽ nấu cơm.
Nếu thực sự được sống lại, nó sẽ sống có ý nghĩa hơn, không chê hoàn cảnh nghèo khó của gia đình.
Nó đã nghĩ vậy hàng ngàn hàng vạn lần ở "kiếp trước", chỉ mong có được một lần bù đắp.
Bây giờ, nếu có ngắn ngủi nó cũng muốn làm những điều canh cánh trong lòng nhiều năm qua.
Buổi chiều chị Ngọc đi học nên thường những năm này nó phải nấu cơm chiều, hai chị em luân phiên nhau. Nó đã từng rất ghét việc nấu cơm.
Buổi tối có lẽ từ rất lâu Huệ Châu mới được nghe mọi người khen "nấu cơm ngon thế". Hay là có lẽ từ khi sinh ra của "kiếp này" bố mẹ chưa thấy nó nấu ăn được bữa con tử tế vừa miệng tất cả mọi người bao giờ.
Dù là cơm canh cá đơn giản của nhà nghèo nhưng nó đã đưa vào cả tình cảm của cô gái trưởng thành hơn ba mươi tuổi xa nhà nhiều năm, cũng như nó đã có được "tay nghề" sau nhiều năm nấu ăn cho chồng cho con của "kiếp trước".
Khi người ta xa nhà, mới hiểu được cảm giác nhớ nhung, mới thấy thèm không khí gia đình. Cũng như Huệ Châu từ ngày lấy chồng xa không có cơ hội về thăm bố mẹ thường xuyên nên mọi sự ghét bỏ đã biến thành sự da diết khát khao.
Ăn uống xong nó lại phát hiện ra thời điểm hiện tại hôm nay là thứ năm, tức nghĩa ngày mai nó vẫn phải đến trường, ngôi trường hiện tại có phải ngôi trường mới được xây dựng "khi đó" trong tiềm thức của nó hay không?
Mất một thời gian lâu để nó định hình được quần áo của nó hiện đang ở khu vực nào, những bộ quần áo nào, những đồ dùng gì ở đâu hiện nó không còn nhớ nổi nữa.
Luống cuống, mà cố gắng để mọi người không phát hiện nó có sự "khác biệt" nên Huệ Châu cứ thấy mình như đang làm việc gì mờ ám.
Tắm rửa xong mặc lại bộ quần áo được cho là "của nó", chắc có lẽ đúng vì chị Ngọc nhìn thấy cũng không nói gì, chứ nếu mặc đồ nhầm là với thời điểm hiện tại chắc chắn chị ta sẽ cho nó một trận lên bờ xuống ruộng hay "hiền hơn" là một bài ca nhạc cổ truyền.
Biết rằng ngày mai còn phải đi học, mà thời điểm này là có thời khóa biểu treo bên cạnh tường hoặc trên bàn học. Nhìn thời khóa biểu xong sắp sách vở, nó vừa "sống lại" làm sao biết được có bài tập hay không, nhìn lại đống sách vở vừa lạ vừa quen....ngày mai không biết có chuyện gì sẽ xảy ra...
Ngày mai đi học chẳng phải sẽ đối mặt với Hải Phong sao?
Tình yêu đau đớn của nó của "kiếp trước", người đàn ông duy nhất khiến nó đến lúc "chết" vẫn không nguôi ngoai trong lòng.
Nhưng nếu đây chỉ là giấc mơ, thì khi nó ngủ dậy mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Huệ Châu vẫn bên chồng chăm con. Hải Phong vẫn đi làm rồi về ngôi nhà đó có vợ con đang chờ đón. Hải Phong sẽ có cuộc sống không có nó như nhiều năm qua, sẽ quen việc hai đứa nó "đã từng" là gì của nhau.
Có lẽ như vậy lại tốt hơn, dẫu muộn màng và nhiều tiếc nuối, nhưng mọi thứ vẫn cứ nên diễn ra như thế. Để không còn ai ngoài hai đứa biết được nỗi đau khi phải rời xa người mình còn yêu thương thật nhiều thì đau đớn ra sao.
Chưa bao giờ Huệ Châu phải trải qua một ngày dài với nhiều tâm trạng thay đổi liên tục như hôm nay. Thực thực giả giả, kiếp này kiếp trước, mơ mơ ảo ảo.
Mọi thứ dần lơ đãng, nó chìm vào giấc ngủ khi nào không hay.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com