Ăn xong một bữa no nê, A Thuận ngồi dựa vào đầu giường thở đánh phì một cái, bàn tay nó mân mê mép chăn lụa, mắt chăm chú nhìn người yêu tất tả thu dọn bát đĩa, vạt áo bay phất phơ, tiếng gót giày nện trên nền gạch nghe cồm cộp. Y vừa ấn nó trở lại giường, ngay khi A Thuận dợm đứng dậy muốn giúp y, phát yêu nó một cái lên lưng trước khi cầm lấy bát cơm từ tay nó đặt lên khay. Thuận bỗng thấy trong bụng mình vui lạ, dẫu mới nãy thôi, nó còn đang khóc rưng rức vì mất cả làng, cả cháu lẫn anh chị, nhưng ngay giờ khắc này, nó đã có thêm Hoàng Sơn. Cũng thật là quá khéo, run rủi thế nào cả hai lại gặp nhau, một cách rất tình cờ, không ngờ và oái oăm đến lạ, một người bị bắt, và người còn lại đi kiểm tù. A Thuận ngẩn ngơ, thế lại hóa hay, bởi dẫu muốn gặp Sơn lắm, nó cũng chẳng có cách nào liên lạc. Y cứ biệt tăm biệt tích đi đâu mãi, và A Thuận thì ngày ngày vẫn đứng dưới gốc cây hoa lê, trông lên tán cây nở hoa trắng muốt cả một góc rừng, và vẩn vơ mãi về một ngày cả hai gặp lại. Khi ấy nó lấy làm giận Sơn lắm, tại sao lại vội rời đi đột ngột đến thế, cũng chẳng để lại cho nó vật gì làm tin, đôi ba câu từ giã và cái thơm vội vàng chẳng đủ khỏa lấp những nhớ nhung da diết đến trập trùng như núi, khắc khoải những đêm dài đằng đẵng bên đống lửa cháy phừng phực, như muốn đốt sém cả lòng A Thuận. Nó bực dọc, ấm ức, nhưng biết làm sao bây giờ ? Giận thì giận, nhưng biết làm sao bây giờ ? Chẳng nhẽ lại nhờ cụ Rấm biên thư ? Nhưng nó đâu có biết chữ... Thế là, A Thuận đành ôm một nỗi ấm ức không thổ lộ ra được, suốt từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Trông thấy Thuận ngồi thừ ra, Hoàng Sơn nhíu mày tiến lại ngồi xuống cạnh giường, vỗ đánh bộp lên vai nó, hỏi :
- Ô kìa, sao mà mặt cứ thộn ra thế kia ? Ăn no quá à, hay thức ăn không hợp khẩu vị anh ?
- Tôi bỗng thấy muốn hờn Sơn ghê gớm ấy, - Thuận đáp, - mà hờn không được...
Hoàng Sơn lườm yêu nó, nhấm nhẳng :
- Hờn cái gì, sao mà không được ? Nói tối nghĩa thế người ta hiểu lầm đấy nhé.
- Hờn vì Sơn mãi chẳng chịu lên bản tìm tôi, cũng chẳng thấy gửi gắm cụ Rấm cái gì cho tôi cả, nhưng bây giờ thấy Sơn cứ đáng yêu mãi thế này tôi lại không nỡ, sợ Sơn buồn thì tôi lại buồn theo. Bông hoa lê của tôi kia mà. - nó cười cười, đôi mắt sáng rỡ nhìn người yêu, cái răng khểnh lấp ló trông đến là duyên, hai tay siết lấy bàn tay nóng hổi của y, khẽ mân mê. Hoàng Sơn nghe thấy thế thì nóng bừng cả mặt, lầm bầm :
- Khéo miệng đến thế là cùng...
- Hả ?
- Ngủ đi, để chiều nay còn đi với em có việc. Muộn rồi kia kìa.
- Ngủ với nhau à ?
- Ngủ một mình anh ấy, em ra phòng khác ngủ đây.
- Ơ, nào, vừa gặp đã xa thế sao ?
- Thôi ngủ quách đi, sao mà hay rách việc sinh sự lắm. - Sơn gắt, đứng phắt dậy để lại A Thuận ngồi chưng hửng, đoạn đẩy xe bỏ ra ngoài.
*****
Trời chiều nắng nhạt, phủ lên giàn hoa giấy trên ban công tòa nhà lớn có cổng sắt tây uống thành hình đôi cánh sơn màu kem tọa lạc ngay phố Hàng Đào một sắc vàng ong óng êm ái như mật. Có tiếng con chim líu lo trên tàng cây xanh mướt, rót vào trong khung cửa sổ một chuỗi long lanh như chuỗi ngọc, nơi một người trẻ tuổi mặc áo lụa xanh đang tỉ mẩn sửa soạn cho một người trẻ tuổi khác, cao lớn hơn, và cái người ấy nom rõ là chất phác, chất phác đến cục mịch, nhưng đôi con ngươi màu sáng và bén ngót như diều hâu kia lại có một vẻ hoang dã kỳ lạ. Hoàng Sơn mím môi giúp A Thuận cài lại khuy áo cổ hồ bột, đoạn vuốt lại cho thật phẳng rồi đầy nó ra trước tấm gương lớn lắp trên cánh tủ gỗ, gật gù vẻ hài lòng, hỏi :
- Thế nào ?
- Lạ quá... Nom chẳng giống tôi... - A Thuận đáp, mắt nó nhìn chăm chú vào khuôn mặt mình phản chiếu trong gương. Một khuôn mặt y hệt nó, với mái đầu đã được vuốt rất thẳng thớm bằng một thứ dầu sáp kỳ lạ đựng trong hộp thiếc cán hình màu, khác hẳn với mớ tóc bù xù mọi khi, một chiếc áo lạ lẫm vừa vặn bó khít lấy người nó, phần dưới mặc một cái quần, mà theo lời Sơn vẫn gọi, thì đó là quần Tây, chân nó xỏ một đôi giày da, rất cứng, cứng hơn hẳn đôi giày vải mà nó hay mang trên bản rất nhiều. Thuận nín thở không dám cựa quậy, sợ làm chiếc áo trắng ấy bị hư hỏng, đoạn quay sang nhìn Sơn, vừa hay y cũng đang nhìn nó, trên cổ y, vẫn sợi dây bạc ấy, nhưng treo thêm một chiếc đàn môi có bông hoa lê nhỏ mà ban nãy khi A Thuận không trông thấy. Nó chợt thấy sống mũi bỗng cay cay lạ, hỏi :
- Tôi tưởng Sơn đã quên bẵng mất nó đi rồi...
Y tủm tỉm :
- Sao mà em nỡ quên kia, với lại, anh Thuận cũng khéo tay quá, khắc bông hoa lê rõ đẹp, trông như thật vậy.
- Tôi... chắc là... - A Thuận kín đáo dụi dụi mũi, đoạn lại quay đi, còn Hoàng Sơn thì phì cười, khen :
- Đẹp trai thế.
- Là kiểu đẹp giống bố tôi ấy à ? - Thuận đáp, gãi đầu vẻ ngờ nghệch. Sơn không đáp, bàn tay y nắn lại cổ tay áo, đoạn lại tiếp tục giúp nó chỉnh trang lại cho tươm tất, đến khi A Thuận đã rũ bỏ được cái vẻ ngơ ngơ rất đỗi buồn cười của một đứa trai từ trên núi xuống thì mới thở phào đứng lùi ra, ngắm nghía hồi lâu rồi mới kéo tay A Thuận ra ngoài, vừa đi, y vừa nói :
- Lát nữa đến nơi, nhớ chào người ở đấy là "thầy", chớ có hỏi thêm điều gì, em dặn thế nào anh cứ làm y là được.
A Thuận gật gật đầu, tay nó cũng vô thức siết tay y chặt thêm. Ra khỏi cửa phòng là một đoạn đường rất lạ có rào chắn ngay trong nhà, trên sàn lát gạch hoa màu đỏ trắng, bức tường treo đầy tranh ảnh, lồng trong những tấm gỗ đóng thành hình, bong bóng một thứ nước trong veo như nước suối mùa thu, nắng chiếu vào lóng lánh. A Thuận lại trông thấy một cái cầu thang, to lắm, rộng lắm, làm bằng một thứ đá trơn nhẵn, khác hẳn với bậc thang gỗ dẫn lên nhà sàn trên bản, nó chỉ dám bước dè dặt, lại sợ chân mình sẽ làm xước mặt đá mịn màng ấy. Sơn trông thấy thế thì cười xòa, bảo :
- Sao cứ rón rén thế làm gì, nhanh chân lên đi.
- Nhỡ làm hỏng...
- Anh cứ khéo lo mãi, ta đi nhanh kẻo muộn, có hỏng em cũng không nỡ trách anh đâu. - y cười, túm lấy cánh khuỷu nó lôi tuột xuống nhà dưới. Tầng trệt rộng rãi, bên ngoài treo một bức mành Nhật Bản, trông thoáng qua thì thấy một bộ bàn ghế kiểu Tây bằng gỗ gụ, lót đệm đỏ, bên cạnh có bàn đánh billiard. Hai bên hông cửa là hai đôn sứ trắng vẽ hoa súng theo lối sứ Tàu, bên trên là hai chậu cảnh đất nung trồng hoa lan, cuối phòng kê một ban thờ Phật lớn, có cánh tủ khảm trai, đỉnh đồng hun bày dưới đất, sát ngay đấy bày một bình hoa cổ cao kê trên giá gỗ, cạnh một cây đinh lăng hai lá, bên trong cắm mấy nhành hoa sứ tỏa hương ngào ngạt. A Thuận trố mắt nhìn, nơi đây sao mà lạ lẫm quá, đẹp đẽ quá, khác hẳn cái gian nhà sàn trống trơn của nó, vừa ấm áp lại vừa hấp dẫn đến kỳ quái. Sơn khẽ khàng mở cửa chính ra đường lớn, đã có một chiếc xe kéo khá rộng rãi chờ sẵn, người phu xe giấu mặt mình trong một cái nón mê rộng vành, che sùm sụp kín cả hai mắt. Hoàng Sơn gật đầu chào gã, đoạn nhanh chóng léo lên tấm nệm trên khung sắt đã bám rỉ sét, lại vẫy vẫy tay với A Thuận. Phải chật vật một lúc lâu, cả hai mới yên vị, lúc này, Hoàng Sơn mới vẫy tay ra hiệu cho người phu xe khởi hành. Đường Hà Nội đầu mùa vắng lặng, gió mơn man cành lá xoan mềm mại phấp phới trong nắng mùa thu trong trẻo. Có mấy chiếc ô tô phóng vùn vụt ngang qua, một làn bụi đỏ khé cuốn lên từ bánh xe, chiếc ô tô tạt ngang vệ đường, đoạn dừng lại ngay trước một căn nhà khác ở ngoài mặt phố. Hàng cây sấu già rợp bóng, thân cây xù xì lại xám xịt, trải dọc hai lối đi, xếp thành một mái vòm chen chúc những chùm hoa sữa nhỏ li ti, tỏa hương ngây ngất. Càng chiều về, hương càng ngát, quyện chặt vào, và trong đầu A Thuận chợt vang lên bài hát âu sầu mà Hoàng Sơn đã từng hát khi nằm trong lòng nó, khi y vẫn còn rấm rứt vì vết thương bên mạn sườn đang rướm máu, bàn tay bám lấy lưng nó và đôi mắt nhắm nghiền. Con đường yên ắng lạ, loáng thoáng có mấy người ăn mặc rất đẹp ngồi trên xe kéo, tiếng chân người phu xe nện thình thịch lên mặt đường bê tông, hòa vào tiếng lá xào xạc. Ồ, A Thuận nhớ Hoàng Sơn đã từng kể với nó về nơi này, một cái tên nghe là lạ, nơi y sinh ra, và là nơi y cứ đau đáu hướng về. Nó bỗng cảm thấy thân quen lạ, mơ hồ như thể cả con đường, cả hàng cây sấu và chùm hoa sữa đang cùng kể một câu chuyện của một mùa thu khác, mùa thu ở nơi mà y nhung nhớ khôn nguôi. Chiếc xe kéo đỗ lại trước một căn nhà lớn, có cổng rào thấp và bao lơn rộng sơn màu xanh, nép dưới tàng cây hoa sứ nở hoa trắng muốt. Trả mấy đồng bạc cho người phu xe ban nãy, y kéo tay A Thuận lôi vào trong. Sảnh dưới rộng rãi, trải thảm màu tối; trần nhà cao, treo chiếc chao đèn đính pha lê sáng lấp lánh, bốn chiếc tủ chè lắp kính kê sát tường, treo ngang một bức mành vẽ chim hạc vờn. Một chiếc đồng hồ quả lắc của Đức treo phía trên bộ bàn ghế sa lông màu đỏ rượu, một người đàn ông đứng tuổi mặc áo theo lối Khách đang ngồi, trên tường treo bộ tranh tố nữ và một cây đàn nguyệt. Người đàn ông thấy Sơn hớn hở bước vào thì cười tươi, dang tay cất giọng sang sảng :
- Ôi chà, lâu lắm không gặp con trai của ta !
- Bonjour, de papá ! - y sung sướng kêu to, - Cavá ?
- Bình thường. - ông cười hềnh hệch, bàn tay to như bàn cuốc phát lên lưng y bồm bộp, - Sao, làm ăn ngon nghẻ cả chứ ?
- Ổn cả, thưa thầy, mấy bác trên trụ sở liệu có giao thêm công vụ gì hay không ? - y vui vẻ đáp lời, thân thiết tiến lại khoác vai người đàn ông, quên bẵng mất A Thuận đang đứng ngẩn tò te ở ngoài cửa.
- Lâu lâu nữa mới đi, đợt này được về Hà Nội ít hôm, qua đây ở tạm.
- Thế sao, con mới nghe người bên sở Cẩm báo lại rằng sắp cho người vào trong ấy đi càn, thầy nhớ dặn các anh cẩn thận.
- Mày cứ khéo lo, đâu rồi sẽ có đấy...
Hai người cứ thế đứng bá vai bá cổ nhau trò chuyện một hồi rõ hồi lâu, Hoàng Sơn sực nhớ ra, y vẫy vẫy tay với A Thuận :
- Ấy chết, em quên, anh Thuận, mau vào trong này đi !
Thấy thế, nó cũng dè dặt bước vào, hai tay xoắn lấy nhau, cúi lom khom đến bên cạnh Hoàng Sơn, len lén liếc nhìn người đàn ông ấy, chào :
- Dạ chào thầy...
- Gọi ông Long được rồi. Chào cậu, mời ngồi. - người đàn ông hỏi, bàn tay đeo đồng hồ đưa lên xoa xoa cái đầu húi cua kiểu nhà binh, đoạn chìa tay ra mời đôi trẻ ngồi xuống bộ sa lông, còn mình thì lui về sau tấm mành, định lấy một túi trà. Hoàng Sơn khẽ khàng nhấc cái ấm đun bằng sành đặt lên bếp đốt bằng ga, đoạn tỉ mẩn sửa soạn bộ đồ trà Tàu có nước men xanh óng ánh, đem chén trà lật ngửa lên. A Thuận hồi hộp nuốt nước bọt, quá nhiều thứ xảy ra trong thời gian quá ngắn, những xúc động trong lòng A Thuận cứ hỗn độn đến mức nó không nhận ra được điều gì điều gì mạnh mẽ hơn điều gì, là nỗi đau, là sự sung sướng khi tương phùng hay sự tò mò với một miền đất lạ ? A Thuận chẳng biết nữa... Đúng lúc ấy, người đàn ông đã quay lại, ung dung ngồi xuống, nhấc ấm sành lên chế nước sôi tráng chén rồi mới rải lượt trà đầu. Ông nhìn nó vẻ thăm dò, hỏi :
- Sơn, ai đây ?
- Người con kể với thầy mấy hôm trước đây. Có nhờ bên anh Hòa được không thầy ? - Sơn mau miệng đáp, kín đáo đẩy A Thuận ngồi dịch lên, gần hơn với bàn nước. Ông Long trông thấy, trầm ngâm hồi lâu, đáp :
- Có phẩm chất thì chỉ ba tháng, lâu nữa thì nửa năm. Cần làm gì ?
- Trợ lý thông ngôn ạ. - Sơn cười toe toét, nghịch ngợm tựa đầu vào vai A Thuận, nói. Ông Long cũng cười tủm tỉm :
- Thân gớm, nhể. Thế cũng được, dễ dàng thôi. Gấp không ?
- Có thưa thầy.
- Thế tối nay cho cậu ấy ở lại đây luôn cũng được, mai sẽ đưa sang chỗ thằng Hòa. Từ giờ đến hết ngày 17 tháng 8 năm sau mới được gặp lại nhau đấy. Nay hay mai ? Thấy bảo vừa đưa về ngày hôm qua à ?
- Thế để mai kia cũng được thầy ạ, để anh còn có thì giờ mà sửa soạn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com