Góc ký ức #1: Đánh Tây, đuổi Nhật
Tag nhảm:
#Không_liên_quan_đến_ChiVie
#Kỷ_niệm_79_năm_ngày_Cách_mạng_tháng_Tám
‼️ Tập này văn phong hơi nặng nề, chứa yếu tố + hình ảnh bạo lực. Lưu ý nhaa
- Phương ngữ miền Bắc sẽ được đưa khá nhiều vào fic của tớ!
(Tớ quên giới thiệu bộ này có yếu tố chuyển sinh: Nam từng là một chiến sĩ cách mạng bị bắt và tra tấn dã man trong Nhà tù Hoả Lò. Sau khi đầu thai vẫn giữ nguyên ký ức kiếp trước).
---------------------------------------------------
1. (13+ warning) Địa ngục trần gian trong lòng Hà Nội
Maison Centrale, Hà Nội, 1929.
Được biết đến với cái tên "Nhà tù Hoả Lò", "Ngục thất Hà Nội", mà Pháp gọi là "Nhà tù Trung ương". Nơi đây được xây dựng ở trung tâm Hà Nội - thủ phủ của chính quyền thực dân Pháp, và là một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất Đông Dương.
Từ các phòng giam tập thể, nhìn vào sẽ thấy hai dãy xà lim cùng sự tối tăm, u ám của không gian bao trùm lên khu vực này. Nơi đây thật ngột ngạt, với chút ít ánh sáng le lói từ một lỗ hổng nhỏ, chẳng đủ để sưởi ấm dù chỉ cho một người duy nhất.
Từ chiếc thùng phuy để giữa trại giam, gần như chẳng lúc nào là không thấy mùi chất thải cứ thế xộc thẳng vào mũi... Vâng, chính nó, "Nhà vệ sinh lộ thiên"! Nhiều khi, thực dân Pháp không cho lao công vào quét dọn khiến phân và nước tiểu tràn ra ngoài gây ô nhiễm nặng nề. Có những lúc, các chiến sĩ phải ngồi "yên vị" ở khu vực của mình cho đến hết ngày, một khi chân đã bị cùm.
Khẩu phần ăn hàng ngày của tù nhân cũng chỉ là các loại lương thực, thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng. Các bệnh tê phù, thương hàn, kiết lỵ, sốt rét cứ thế đua nhau xuất hiện ở cái chốn "Địa ngục trần gian" này.
- Xót ruột xót gan lắm cậu ạ! Đói khổ đến mức chỉ mơ được ăn gạo, ấy thế mà quân Pháp vơ vét lương thực của ta giữ cho riêng chúng, chưa kể còn đem nấu rượu! Chả biết chúng mình có cầm cự được đến ngày độc lập không... - Quyết, một người đồng song đã từng xót xa tâm sự với Nam như vậy.
Tí cơm trắng của bọn quản ngục cũng chỉ đủ để mỗi người ăn một cục nhỏ. Nhiều khi đói lắm, nhưng vì tình đồng đội, Nam cũng đành ngậm ngùi chia cho những người chiến sĩ bên cạnh mình, mỗi người một cục cơm trắng chỉ bằng ngón tay cái mà thôi!
Trại giam K, khu E - Nơi giam giữ nam tù chính trị.
Sau khi giáng một cú tát trời đánh, tên cai ngục bấu chặt tay cậu thanh niên mười bảy tuổi, lôi đi xềnh xệch trước ánh mắt căm phẫn của bao chiến sĩ cách mạng nơi đây.
- Đả đảo lũ đế quốc, đả đảo lũ thực dân, đả đảo lũ chó đớn hèn!
- Đông Dương Cộng sản Đảng muôn năm!
Chưa kịp đọc xong cuốn "Đường Kách mệnh" được nguỵ trang kỹ càng của người đồng song, cậu chiến sĩ ấy đã phải theo chân tên lính, chẳng biết bất ngờ gì đang chờ đợi cậu.
Dù có hô hoán đến cỡ nào, cậu cũng không tài nào nghe thấy những người đồng song của mình nói gì. Ừ nhỉ, cậu bị điếc mà? Điếc từ khi bọn lính Pháp ấn đầu cậu xuống cái thùng phuy sóng sánh nước của chúng. Một tên cố gắng giữ cậu thật chặt, một tên lăm le cây búa trong tay, dùng hết sức bình sinh gõ mạnh vào thùng làm cậu thủng cả màng nhĩ, máu ộc ra cả tai mũi họng, mém chết.
Cậu chiến sĩ tên Nam nhìn tên lính với ánh mắt ráo hoảnh không chút cảm xúc, rồi lại quay đầu về phía trước.
Thật là... cuộc sống luôn biết cách làm Nam (và các anh em đồng chí ở đây) bất ngờ thật đấy~
Chưa gì đã đến khu Cachot rồi~
.
.
.
Nếu các khu trại giam khác đã tối tăm, ngột ngạt thì khu Cachot (ngục tối) còn tối tăm, ngột ngạt hơn gấp bội. Không những vậy, sàn xi măng còn được thiết kế dốc ngược để khi tù nhân nằm, chân sẽ cao hơn đầu làm máu dồn lên não.
Không những thiếu dưỡng khí, tù nhân còn bị buộc phải đi vệ sinh tại chỗ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và đường hô hấp.
Nam mỗi ngày được dăm ba bữa cơm, thậm chí có hôm bị bỏ đói. Nếu có thì cũng chỉ là chút cơm nhạt, thiếu i-ốt.
Những đêm giá rét, tên cai ngục lại "khuyến mãi" cho Nam một xô nước lạnh giáng vào mặt, ướt đầm đìa toàn thân.
-------------------------------------------------
Để thi hành các chính sách dựa trên tinh thần "pháp lý và bình đẳng", bọn thực dân đã dùng nhiều hình thức, thủ đoạn đàn áp dã man đối với các chiến sĩ cách mạng.
Và cũng nhờ sự nhân đạo của chúng, cộng với những ngày tháng quanh quẩn trong "Địa ngục của địa ngục", Nam dã thành công mù loà đôi mắt, dần dần sống như một vật vô tri vô giác.
Nếu chỉ sống vô tri vô giác vậy thôi thì tốt quá! Đằng này, vô số vết thương bị nhiễm trùng nặng cùng căn bệnh thương hàn không ngừng giày vò cậu từng ngày từng giờ.
Sống mà cứ chết dần chết mòn vậy thì thôi, thà chết quách luôn cho xong! Nhưng làm sao được...? Vô vàn các chiến sĩ ở đây, kể cả nữ, đều đang ngày đêm đấu tranh chống lại gông cùm xiềng xích cua bè lũ thực dân kia mà? Họ giữ được cho mình sự kiên trung, tinh thần bất khuất, vậy cớ sao mình lại không thể?
Cậu lại nhớ về những ngày vẫn còn tham gia "Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên", về tùng dòng chữ châm biếm đanh thép trong tờ báo "Người cùng khổ", cả về cái ôm ghì chặt của người đồng song trong trại giam. Khiếm thính, mù loà, nhưng cậu tin vẫn còn ánh sáng.
----------------------------------------------------
"Kíiit..."
Tuy mù hoàn toàn, nhưng Nam vẫn cảm nhận được cái thứ ánh sáng chói lóa kia đang phả thẳng vào mắt cậu, khó chịu vô cùng!
Không lẽ đây là cảm giác của người bị nhốt trong ngục tối quá lâu sao? Đúng như cậu nghĩ, cậu đã tìm thấy ánh sáng, tuy nhiên....
.... Cậu chỉ thấy đau, đau lắm! Hộc, hộc... máu từ miệng cứ thế tuôn ra ào ào.
Tên cai ngục lại mở cổng và tiếp tục tra tấn cậu nữa rồi. Cây gậy của hắn liên tục vụt lên vụt xuống nhịp nhàng như thế, chẳng mấy chốc đã dính đầy máu tươi!
Nước mắt cậu rơi lã chã, cố nuốt vào nhưng cũng bất thành. Cậu sẽ chẳng còn cơ hội để biết đến "Ngày vui của đất nước" nữa rồi...
Không còn đầu óc để nghĩ bất cứ chuyện gì nữa, cậu lập tức thiếp đi....
--------------------------------------------------
2. Tái sinh
"Ô hay, cái gì thế này?..."
Nam mở mắt. Xung quanh cậu không còn là cái tối tăm của ngục tù nữa. Ngó qua, ngó lại, cậu thấy mình xuất hiện trong một ngôi làng nhỏ.
Kỳ lạ thật! Mình biết nhìn, biết nghe này!? Và tại sao mình lại ở đây? Thôi thì cứ hỏi người dân trong làng trước đã!
- Aaa...eee...
"Thế này là thế nào!? Mình không nói được, tay chân cũng chả thể cử động gì! A, hiểu rồi..."
Nam lờ mờ nhận ra rằng mình đã tái sinh, và đang mang thân phận của một em bé.
"Thôi thì cứ khóc để gây sự chú ý vậy! Nhưng nhỡ lọt vào tai mấy ông lý trưởng, chánh tổng... làng này thì chết!"
- Eee...oee...oee...
Thật may cho cậu ta khi cóc có ông lý trưởng, chánh tổng bước ra từ cái đình làng. Trời nhá nhem tối, xung quanh vẫn cứ yên ắng như thế. Chỉ nghe thấy tiếng rặng tre ngà xào xạc, tiếng con cá dưới ao thỉnh thoảng lại đớp ánh trăng rằm in bóng trên mặt nước.
Ừ nhỉ, ấn tượng duy nhất của cậu đối với các ông quan lại trong xã, trong làng chỉ có đủ loại thuế này, sưu nọ mà thôi. Đến hạn thu thuế, các ông kiểm từng hào từng cắc một, đếm từng mẫu ruộng rồi bắt bẻ đủ điều. Chưa kể còn có mấy ông ác ôn, đối xử với dân như kẻ ở đợ trong nhà. Thảo nào bị ghét là phải!
- Ai nỡ bỏ thằng bé này gần đình làng thế nhờ... Nhỡ nó đập vào mắt mấy ông quan lại ở đây thì... phải tội với giời!
Đó là người phụ nữ gốc Bắc Ninh, cũng mới tuổi đôi mươi. Như nhiều người phụ nữ khác ở thời đại này, cô phải bỏ cả tiền đồ rộng lớn phía trước để lập gia đình, ngày ngày phụng dưỡng, chăm lo cơm nước cho chồng con.
Khuôn mặt dịu hiền, dáng vẻ tần tảo của cô đã phần nào khiến Nam nhẹ nhõm hơn hẳn.
Cô nhẹ nhàng bồng thằng bé con trên tay, tiến vào gian nhà tranh có phần hơi cũ kỹ, xập xệ. Tuy vậy, đồ dùng trong nhà được bố trí rất quy củ, ngăn nắp, cộng với chút ánh sáng leo lét từ ngọn đèn dầu càng làm cho gian nhà thêm phần ấm cúng.
Trong buồng, ông bố nằm thao thức trên cái chõng tre, thằng con đầu lòng dường như đang ngủ rất say sưa theo từng nhịp đong đưa của chiếc võng.
Ngó vào chái bếp là cả một đàn chó mèo mà cô cứ đắn đo mãi, tiếc không dám bán. Sau vô số lần gom góp, nhặt nhạnh lũ chó mèo về, bây giờ chúng nó đã thành cả đàn. Nghe tiếng động, chó mẹ chó con thi nhau ùa ra, sủa ăng ẳng. Mấy ả mèo chảnh chọe đứa rúc trong đống rơm, đứa nằm ngay bếp lửa ngủ khò khò. Tính cô nó vậy, không dám dứt tình với lũ này, gắn bó với chúng lâu rồi. Nhưng rồi hoàn cảnh cũng buộc cô phải bán từng lứa đi, bởi, nếu không bán lấy đâu tiền đóng sưu hàng tháng, lấy đâu tiền trang trải cuộc sống?
- "Con ong làm mật yêu hoa...ơ...
Con cá bơi yêu nước...ơ....Con chim ca yêu trời..."
Đặt thằng bé xuống cạnh đứa con trai đầu lòng vừa đầy năm, cô vừa đung đưa võng, vừa cất tiếng hát ru con bài ca dao Bắc Bộ.
Một phần cũng vì thương thằng bé con, và một phần cũng vì muốn gia đình có thêm tiếng cười con nít, chồng cô (bố nuôi của Nam) đã đồng ý nhận nuôi nó, tuy hoàn cảnh còn có phần khó khăn. Cũng phải thôi, biết gửi nó cho ai nuôi bây giờ, bán cũng chả bán được!
Cậu hiểu rằng, bắt đầu từ giây phút này, cậu sẽ được lớn lên trong từng câu quan họ đậm tình yêu quê hương. Cậu sẽ được lớn trong gian nhà tranh cũ kỹ, trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và anh trai, và trong xó bếp đầy hoài niệm luôn có sự xuất hiện của lũ chó mèo gà vịt...
Tuổi thơ kiếp trước của cậu là một tuổi thơ buồn. Bố mất, gia cảnh khó khăn, người mẹ một nách hai con của cậu làm lụng vất vả cũng chỉ vì vài mẩu khoai, sắn làm bữa tối. Hàng tháng đều phải đóng thuế, nộp sưu, nhưng nào có đủ?
Tám tuổi, cậu mồ côi, cái Lựu em cậu ốm yếu quá cũng qua đời, hưởng dương chưa đầy ba năm. Lớn hơn, cậu tham gia cách mạng. Phong trào đấu tranh cho giai cấp vô sản bùng nổ mạnh mẽ khắp thế giới + các nước bị thực dân giày xéo đã tiếp sức cho cậu rất nhiều. Rồi cuối cùng cũng hy sinh trong Nhà tù Hoả Lò.
Cậu thù, thù lũ thực dân khủng khiếp. Chúng tước đi mưu cầu được sống tự do, cướp luôn gia đình cậu. Dù không thể quên đi ký ức kinh hoàng năm nào, nhưng được trở lại làm một đứa trẻ rồi lớn lên trong tình yêu đã góp phần xoa dịu nỗi đau ngày ấy.
-------------------------------------------------
Sáu tuổi, cậu (đã chuyển sinh) cùng anh trai học lớp vỡ lòng của thầy đồ trong làng. Hết giờ học lại ba chân bốn cẳng chạy về phụ mẹ nấu cơm. Chiều giúp bố mẹ việc đồng áng, rồi lại ba chân bốn cẳng về nghịch đất nghịch cát với mấy đứa trong xóm. Tối về ăn cơm, đi chơi và học. Hết!
Rồi bố của hai anh em cũng tham gia cách mạng, hứa mấy mẹ con sẽ trở về. Nào đâu ai ngờ...
---------------------------------------------------
3. (13+ warning) Phá kho thóc
- "Đỏ! Thằng Tây xử bắn thầy mày ở pháp trường rồi! Con mẹ nó, lũ khốn nạn..."
Chẳng qua cả làng cứ gọi Nam là "thằng Đỏ" vì mái tóc cùng đôi mắt đỏ nhạt bẩm sinh, trông có phần khá kỳ dị (trong mắt mọi người xung quanh) của cậu.
Câu nói cùng tấm giấy báo tử được trao tận tay khiến cả nhà chết lặng. Ngồi bơ phờ một lúc, nước mắt mẹ mới rơi xuống lã chã, mực chưa gì đã nhoè hết giấy!
- Giời ơi... thầy chúng mày... thầy chúng mày... hy sinh rồi...
Cô ôm chặt hai đứa con vào lòng, khóc nghẹn.
Cả anh với em không ai nói nhau câu nào, vừa khóc vừa nấc, khóc không ra hơi.
Cậu chẳng còn thiết tha sau này làm thầy giáo hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng nữa! Cậu chỉ muốn tham gia cách mạng như bố, như kiếp trước của cậu, đánh đuổi cho sạch hết lũ đế quốc thực dân thì thôi...!
Trong buồng, ngọn đèn dầu leo lét ánh sáng vàng. Đêm ấy trời mưa rả rích cứ như thể đang khóc theo nỗi đau của gia đình nhỏ vừa mất đi một bóng lưng vững chãi.
------------------------------------------------------
Một thời gian sau, Việt Minh rải truyền đơn báo tin Phát xít Nhật đã vào Đông Dương, thế chân quân Pháp. Nỗi đau này chưa nguôi, nỗi đau khác lại ập đến.
Chính phủ Trần Trọng Kim á? Cái chính phủ thân Nhật quái quỷ gì đây? Có những người sẵn sàng rời bỏ quê hương chỉ vì lợi ích đến từ lũ Việt gian, từ một chính phủ bù nhìn. Và té ra, mấy ông quan trong đình (ở ngôi làng Nam sinh sống) là tay sai của Nhật. Mồm thì cứ bô bô tuyên truyền rằng "Quân đội Nhật ở đây giúp dân ta diệt trừ bọn Việt Minh!". Một đám người ngu muội khác cũng theo chân các ông, khi không lại đồng loạt giơ hai cánh tay lên, rồi đồng thanh hô:
- Tenno Heika Banzai! Banzai! Banzai!!!
(Thiên hoàng vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!!!)
Đấy, trông khác gì bọn lính Nhật thực thụ không nào? Chúng cứ hô hào như vậy, trước ánh mắt khó hiểu của người trong làng.
.
.
.
Tệ hơn nữa, bắt đầu từ tháng 10/1944, cả nước phải hứng chịu một nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của khoảng hai triệu đồng bào ta. Đấy! Thành quả của việc bọn Phát xít Nhật bắt ta nhổ lúa, trồng đay, rồi cùng quân Pháp vơ vét thóc lúa phục vụ cho mục đích chiến tranh đấy!
Bước qua tuổi mười lăm, "nhờ" nạn đói lịch sử này, Nam dường như mất đi sự lanh lợi vốn có, nói đúng là mất luôn sinh lực sống. Như bao đứa trẻ khác trong cái làng này vào nạn đói, mặt cậu ta hóp lại, người ốm tong ốm teo, tay chân lại như que tăm di động. Lũ trẻ đứa nào đứa nấy mặc độc cái quần xà lỏn, bụng lép kẹp. Lúc đói bụng ai nấy kêu "ọt ọt" nghe ám ảnh đến rợn người, thế mà mò mẫm mãi cũng chỉ được tí rau dại, củ chuối. Có được mẩu khoai, mẩu sắn là quý lắm!
Năm 1945, một tạ gạo tăng giá đến 53 đồng – một con số có thể coi là quá đắt đỏ. Lũ thực dân tăng giá gạo lên đến vậy, ấy thế mà chúng lại coi rẻ những mạng người khốn khổ. Hàng triệu người dân không còn cách nào khác ngoài chờ chết bờ chết bụi, xác chết la liệt khắp mọi nẻo đường.
- Đói lắm rồi! Đừng làm tao thêm xót ruột xót gan nữa, con ơi...
Giữa những xác người, loáng thoáng tiếng một đứa bé gào khóc thảm thiết vì quá đói. Bà mẹ của đứa bé biết không tài nào qua khỏi, chỉ còn cách khẩn khoản cầu xin con và... chờ đến khi thần chết đưa mình đi.
Xác chết nằm vương vãi trên đường phố, chất đầy xe bò, cứ thế không ngừng bốc mùi hôi thối. Rồi hàng triệu số phận hẩm hiu ấy, trước sau gì cũng sẽ bị quăng xuống hố chôn tập thể mà thôi.
Ba mẹ con Nam cứ ngồi thẫn thờ như vậy, chả nói được lời nào. Nam cầm trên tay mẩu khoai be bé anh trai đưa cho, trệu trạo nhai mà hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài, nuốt không trôi. Thành ra một cái vị gì đắng nghét ứ nghẹn trong cổ họng.
.
Giặc Nhật được biết đến với tinh thần và kỷ luật thép, nhưng cũng nổi tiếng với sự dã man tàn bạo của mình. Nam đã từng nghe người ta truyền tai nhau về cuộc thảm sát man rợ nhất mà quân đội Nhật gây ra - Thảm sát Nam Kinh. Chúng dùng đủ thể loại vũ khí, thủ đoạn quái thai nhất, tra tấn người dân không thương tiếc, kể cả đàn bà trẻ em. Ở đây đã như vậy, hỏi xem ở Trung Quốc còn kinh khủng đến mức nào?
------------------------------------------------------
Thế mà, chả ngờ, sau ngần ấy tháng ngày, cậu vẫn còn trên cõi đời này (tất nhiên có cả anh và mẹ cậu nữa). Một điều thật may mắn và phi thường nhỉ?
Không thể tiếp tục chịu cảnh "Một cổ hai tròng" (tuy Nhật hất cẳng quân Pháp nhưng Pháp vẫn cướp lương thực ta + âm mưu xâm lược nước ta thêm lần nữa), từ người già đến thanh niên đều sục sôi khí thế sau lời kêu gọi của Việt Minh.
Việt - Anh trai Nam tham gia Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội, rủ cả thằng em loắt choắt đi chung với mình. Nhiệm vụ chủ yếu cũng là rải truyền đơn bí mật, dán khẩu hiệu tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia kháng chiến và bí mật theo dõi động thái của mấy tên Việt gian trong làng.
Anh mười bảy, em sắp mười sáu. Tối tối, khi không gian xung quanh không còn gì khả nghi nữa, cả hai anh em phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu, đến từng nhà rải truyền đơn.
Nam, với bản tính vốn có phần vụng về, luôn tạo bất ngờ cho nhiều anh chị trong đội bằng những phen gây thót tim.
Đói và buồn ngủ, đi đứng loạng choạng, rồi phân cảnh cuối cùng là ngã làm xấp truyền đơn giấu trong người bay tứ lung tung và vãi hết xuống đất. Lúc lờ mờ nhận ra, cậu ta mới cuống qua cuống quýt gom nhặt từng mảnh giấy truyền đơn rơi vương vãi trên đường, sau đó ngồi bệt xuống đất thở hồng hộc.
Thậm chí, có nhiều lúc cậu ta vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ cái gì đấy, cuối cùng va "cốp" vào cổng đình (một cách vô thức). Mấy con chó nghe tiếng động, xồ ra sủa ăng ẳng. Hoảng loạn đến mức chả nghĩ được gì nữa, hai anh em ôm chặt túi áo (đựng xấp truyền đơn), chạy nhanh hết sức có thể.
- *Sụyt* Mày ngu thế? Ông lý trưởng nghe động, lỡ bắt luôn anh em mình thì sao nào? Rải truyền đơn mà cứ như đi chơi la cà không bằng!
- (Thở dốc) Đầu... mày... để đâu vậy? Làm ơn dừng những trò ngu giúp tao, hoặc cho mày nghỉ làm cách mạng với các anh chị ở đội nhá!
- Hộc... hộc... đầu em để ở mấy miếng khoai này! Em đói....
- Mệt mày thế nhờ... (chìa miếng sắn bằng ngón tay cất trong túi áo) nhiệm vụ chúng mình trên đà hoàn thành đang phần nào quyết định vận mệnh của đất nước đấy! Cố dùng đầu óc để ý tí không được à?
- Muốn vào được Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, phải rèn luyện ở môi trường khắc nghiệt như này trước đã!
Thường thường cuộc trò chuyện giữa Nam và anh sẽ diễn ra như vậy, nhưng càng về sau càng thấy cậu ta tiến bộ hơn hẳn.
Khó khăn và phải hoạt động tuyệt mật như vậy, nhưng chưa bao giờ Nam hối hận khi tham gia Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội. Đó luôn là kỷ niệm đẹp trong tâm khảm cậu, dù đói và thường xuyên bị các anh chị rầy bởi sự vụng về, hậu đậu vốn có.
----------------------------------------------------
- Thằng Nam, Việt Minh đã lên kế hoạch tổ chức cho dân làng phá kho thóc Nhật vào đêm nay, tại đình làng Mọc đấy! Vui thì gắng mà lao động nhá!
- Với một thằng nhóc háu đói như mày, tao tin rằng... - Việt tiếp lời một thành viên trong đội.
- Trộm vía! Ơn giời! Sớm muộn gì chính quyền chả về tay nhân dân... - Nam reo hò, chưa kịp đợi anh Việt nói dứt câu.
- *Suỵt, nói nhỏ* Nhắc bao nhiêu lần vẫn chưa chừa tật mồm to hử!? Mà mày nhớ nhá... chỉ cần dặn bà con mang thúng, mủng ra đình làng, sẽ có chuyện rất hay, thế thôi! - Việt
Nam cười toe toét nhìn các anh chị. Đứa thắc mắc phong trào được tổ chức ra sao, có cái gì; Đứa lại muốn tối bỏ được thật nhiều gạo vào thúng, bịch để ba chân bốn cẳng chạy về khoe mẹ. Nhưng dù ai thắc mắc cái gì, thì trong lòng vẫn hằng mong mỏi về ngày đất nước thực sự độc lập, chính quyền ắt về tay nhân dân.
Đêm đầu tiên sau ngần ấy năm, làng Mọc mới lại rộn ràng, nhộn nhịp đến vậy. Khuôn mặt ai nấy tươi phơi phới, trái với sự sầu thảm vì nghèo đói trước kia. Rồi ta sẽ hất cẳng bọn Pháp bọn Nhật, thay vì cứ để chúng đá cẳng nhau thay phiên đô hộ nước ta mãi, họ tin vậy.
Khi có lời hiệu triệu dân làng phá kho thóc, gái trai già trẻ ồ ạt chạy về phía sân đình. Hầu như mỗi người đều phải cầm trên tay thứ gì đó, từ thúng mủng, túi đựng gạo đến gậy guộc, súng đạn, băng rôn tuyên truyền... Hoà trong đám đông, họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu:
- Ủng hộ Việt Minh!
- Đả đảo Phát xít Nhật, đả đảo lũ thực dân Pháp!
- Kháng chiến nhất định thắng lợi!
Ái chà, có cả những đứa con nít loắt choắt nữa! Chúng chả rõ người lớn hô hào cái gì, nhưng cũng phần nào phấn khởi khi biết rằng sắp tới có nhiều gạo ăn. Việt và Nam tay cầm xấp băng rôn, cờ đỏ sao vàng, đi đến đâu tỉ mỉ dán lên đến đấy. Dọc đường làng vốn yên bình, nay chưa gì đã tràn ngập không khí cách mạng!
Bên trong đình làng cũng là lá cờ đỏ sao vàng được dán vuông vức. Mẹ cậu đội lên chiếc nón lá, vừa cầm ngọn đuốc sáng loà vừa hào hứng chạy theo dòng người phía trước. Hai anh em Nam và Việt dán băng rôn khẩu hiệu xong, cố gắng dìu nhau phi vào sân đình, không để đứa nào lạc mất đứa nào.
Mẹ cậu, người phụ nữ gan góc trong cánh áo tứ thân, đang chĩa súng vào đầu tên địa chủ gian tham, đợi đến khi ông ta đầu hàng và trao trả ruộng đất, lúa gạo cho nhân dân.
Những người nông dân vốn đói khổ nay được phong trào khởi nghĩa tiếp thêm sức mạnh, ồ ạt túa vào không ngừng. Mấy tên quan lại, địa chủ trong làng nay nom rúm ró, sợ sệt, chỉ biết cúi gằm mặt trước sự phán xét của mọi người.
Từng đoàn người chạy vào kho nơi tập kết thuế thóc của bọn Nhật. Súng, chông, gậy, guộc họ vội quẳng hết xuống đất. Bắt đầu từ thời khắc này, toàn bộ lúa thóc đã được chia đều cho dân nghèo, người cùng khổ.
Nam cắm lá cờ Việt Minh trên tay cậu trước cổng làng, sau đó nhoắng một cái, cậu ta đã có mặt trước đám đông.
Quá vui sướng, Nam mở banh túi gạo, xúc nhiều gạo nhất có thể. Chả biết với cái thân hình nhỏ con của cậu ta thì một túi gạo có khuân nổi không, ấy thế mà cậu còn toan cởi chiếc áo đang mặc trên người, lấy nó đựng thêm gạo.
- Mày biết thằng anh tham lam trong truyện Ăn khế trả vàng không? Này nhá, cứ lo gom gạo đầy đầy lên, chẳng mấy chốc sẽ đổ oà ra đất cho mọi người giẫm đạp đấy. Mày bé tí, sức mày gom vậy là quá lắm rồi! - Việt liếc Nam.
Nam cười trừ, vội mặc lại chiếc áo, ôm túi gạo tú ụ luồn lách khỏi đám đông. Cái túi này, mới ôm theo chạy vài mét đã làm mặt cậu ta đỏ gay, thở hồng hộc rồi. Nhưng mà thôi, thời buổi này gạo quý hơn vàng, nên cậu quyết định tiếp tục chạy về với niềm vui sướng là bao gạo trên tay.
Vội vã chạy ra từ kho thóc, người cầm thúng gạo, người lại ôm súng, đuốc hô hào trong vui sướng. Ba mẹ con Nam đi bên nhau, nhìn ai nấy mặt mũi lấm tấm mồ hôi, mỉm cười.
------------------------------------------------------
Cối xay gạo lại đều đặn vang lên tiếng ù ù.
Người lớn lại có dịp ngồi thư giãn cùng nhau, ngắm nhìn ánh trăng lưỡi liềm sáng vằng vặc trên bầu trời đêm.
Bọn trẻ đứa cầm sẵn cây đuốc trên tay, đứa cất thúng gạo cho mẹ, chạy ù ra sân tíu tít tán dóc.
- Cho chúng mày biết nhá, con Quyên nay ôm cả mười cân gạo chạy thẳng về nhà này!
- Đấy, xem tao đi, xem tao đi! Sau này tao sẽ làm chiến sĩ tải đạn cho chúng mày lác mắt.
- Giời ơi, mười cân mà mày hào hứng cứ như thể mười tấn í... Tao mà ăn no nê, tao dư sức khiêng gấp mười mày!
Nam lại cắm lá cờ trước cổng nhà, phủi phủi tay, nhẹ nhàng móc từ túi áo một tờ giấy gấp làm nhiều nếp đưa mẹ:
- U ơi, u ơi, kháng chiến đà này thắng lợi chắc rồi! U giữ cẩn thận tờ báo này giúp con và anh nhá, sau này còn có thứ làm kỷ niệm.
- Quý lắm đấy mày, cơ quan ngôn luận của Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chứ đùa! - Việt bỏ bao gạo xuống đất, vui vẻ tiếp lời.
Ấy là tờ báo "Hồn Nước", mỗi khung được chia là một mục khác nhau. Đúng là lúc đầu mẹ Nam rất lo lắng khi cho hai đứa tham gia cách mạng, nhỡ kết cục giống bố chúng nó thì sao? Nhưng nghĩ về những đóng góp của các con, rồi quay sang nhìn hai bao gạo trước mặt, cô nhẹ nhõm mỉm cười.
Sở dĩ cô đặt tên hai anh em là Việt và Nam, cũng vì cô tin vào cách mạng, tin tưởng vào ngày đất nước được hưởng độc lập và tự do.
- Nhìn nhiều thế, chứ ăn không biết tiết kiệm sẽ hết nhanh lắm đấy! Thôi thì hôm nay phá kho thóc thành công, u cho chúng mày ăn nhiều nhiều chút... Mấy bữa sau lo mà dè xẻn đi nhá...
Ôi chao... cái cảm giác này có vẻ lâu lắm rồi mới có lại ấy nhỉ? Không cần gì nhiều, chỉ cần một bát cơm nóng hổi, và chút khoai sắn thôi... đã đủ làm no bụng rồi.
Mấy năm rồi, nhà nhà mới có lại một bữa cơm đầy đủ. Hai anh em vẫn thế, đồng lồng chừa phân nửa số khoai cho mẹ, phần còn lại cả hai cứ thế giành nhau chí choé. Nghe mấy đứa nhóc bô bô "Của em! ; của tao!", rồi đưa ra đủ mọi lý lẽ để chứng minh mình phần hơn là đúng, lòng cô bỗng dưng nhẹ đi. Chẳng buồn hay xót xa điều gì, nhưng tự nhiên, cô bật khóc...
--------------------------------------------------
4. Cách mạng tháng Tám
"Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập.
Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!".
Lời kêu gọi đồng bào cả nước giành chính quyền được phát đi hôm trước, hôm sau, nhân dân Hà Nội đã cùng nhau đồng loạt đứng lên khởi nghĩa.
----------------------------------------------------
- "Thằng kia, dậy! Cướp chính quyền! Cướp chính quyền!"
Nam bừng tỉnh, nhảy phắt xuống từ chiếc chõng tre, vội vã chạy đi rửa mặt mũi. Công tác tổ chức cướp chính quyền ở đây đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ những ngày vừa qua, khi một vài tỉnh thành đã đứng lên khởi nghĩa. Súng, gậy, khẩu hiệu, truyền đơn... mọi thứ đều đầy đủ cả, không cần chuẩn bị gì thêm.
Chẳng qua do tối hôm trước cậu ta nôn nao quá, thành ra mới ngủ dậy muộn hơn dự tính đây mà, anh Việt và mẹ đã đứng chờ sẵn ở cổng rồi! Vác trên vai lá cờ, cầm thúng truyền đơn ở tay bên kia, cậu phóng ù khỏi nhà.
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, buổi sáng mùa thu hôm ấy, hàng vạn người đổ xô trên khắp các nẻo đường Hà Nội. Ai có gậy cầm gậy, ai có chông cầm chông. Cả thành phố tràn ngập một màu cờ đỏ.
"Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo đế quốc xâm lăng!" - Đây là những lời tuyên truyền, cổ động nhân dân xuất hiện trên các tấm băng rôn, áp phích nền đỏ chữ vàng. Từng đoàn người, thanh niên phụ nữ gì có tất, vừa hô to khẩu hiệu vừa đánh cao tay phải. Và cứ như thế, họ lần lượt tiến vào các cơ quan đầu não của địch trong lòng thành phố.
Trong vô vàn tiếng hô hào, Nam cầm từng nắm truyền đơn, rải khắp mọi khu vực xung quanh mình. Xong, cậu ta phất cao lá cờ, xông thẳng vào Phủ Khâm sai cùng những anh chị công tác với cậu. Trong khi mẹ và anh cậu lại chia ra một nhánh khác để tiến vào Quảng trường Nhà hát lớn.
Lính Bảo an được lệnh nổ súng, đứng thành hàng ngang trước Phủ Khâm sai. Nhưng mặc kệ, quần chúng với khí thế cách mạng phừng phừng trong lòng không ngại ngần gì mà xông vào, đập cửa, mạnh dạn hô vang "Chính quyền ắt về tay nhân dân chúng ta!".
Một tên lính Bảo an đè cậu nhóc với thân hình nhỏ nhắn xuống đất, bóp chặt cổ cậu khi phát hiện ra khẩu súng cậu vác sau lưng.
Tuy ở trong tình thế khó xử, nhưng nhận thấy bên ta đang giành lợi thế, Nam đã thành công kháng cự lại tên lính kia. Tận dụng cơ hội này, cộng với sự hỗ trợ của các anh chị trong Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội, cậu ta gí khẩu súng trường vào đầu tên lính canh hăm dọa cậu, đợi đến khi hắn đầu hàng.
Trước khí thế của đông đảo quần chúng, bọn lính đã chấp nhận đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng cuối cùng cũng phấp phới bay trên nóc Phủ Khâm sai.
Trong khi đó, tại Quảng trường Nhà hát lớn, cuộc mít tinh của chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng trở thành cuộc mít tinh của quần chúng nhân dân. cờ của chính quyền này đã bị dỡ xuống, thay vào đó là lá cờ của một nhà nước, một chính quyền mới mà sau này mang tên VNDCCH.
Người mẹ hạ cây gậy trên tay xuống, vui sướng vỗ vai Việt: "Thế là hết cảnh đói ăn rồi, sớm muộn gì cái chính phủ bù nhìn thân phát xít này cũng phải bị loại bỏ thôi, con ạ!"
Tại Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Trại Bảo an Binh... công tác giành chính quyền cũng được tổ chức khí thế như vậy. Chẳng mấy chốc, vào chiều 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa lịch sử giành chính quyền ở Hà Nội toàn thắng mà không phải đổ máu.
Hà Nội đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào khởi nghĩa như thế.
Ai nấy đều vỡ òa trong hạnh phúc.
Nam vác lá cờ trên vai, mỉm cười với niềm tự hào dâng trào trong lòng. Cậu thật may mắn khi có cơ hội được sống thêm lần nữa, để biết đến cái gọi là "Ngày vui của đất nước". Cứ ngỡ cuộc đời sẽ kết thúc một cách không trọn vẹn ở tuổi mười bảy, nhưng không...
--------------------------------------------------
"Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đem tới
Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng
Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn."
- Trích ca khúc "Mười chín tháng Tám" - nhạc sĩ Xuân Oanh.
Cuối tháng Tám, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công hoàn toàn, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Từ một dân tộc bị áp bức, bóc lột suốt trăm năm, nay đã trở thành một dân tộc có quyền làm chủ đất nước và được hưởng tự do, hạnh phúc. Dù quân thù có dã man, có chèn ép đến thế nào đi chăng nữa, dân tộc ấy vẫn quyết giành cho bằng được độc lập.
Đó chính là dân tộc Việt Nam của chúng ta!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com