Chương 1: Cơn mưa rào đầu mùa hạ
Tiếng xe đạp của bọn trẻ con chạy trên đường làng, con đường này vốn rất hẹp và nhỏ nhưng chẳng hiểu sao cả tuổi thơ của tôi lại gắn bó với con đường này, gắn bó với hàng tre xanh và gắn bó với làng Yên Đà xinh đẹp.
Từ nhỏ tới lớn tôi đã rất nghịch ngợm, đôi khi còn có phần lì lợm khiến mẹ chẳng thể nào bảo được tôi.
Giữa cái trưa hè nắng nóng, oi bức, tôi trốn mẹ sang gọi đám trẻ con trong làng ra để bày trò quậy phá, chúng tôi phá đến cái mức không ai mà ngủ nổi.
Tất nhiên bao nhiêu trò đùa đấy không thể một mình tôi nghĩ ra được, mà có thêm người anh em của tôi là Hoàng Tuấn. Đây là cu cậu cùng tôi lớn lên ở cái làng Đà này, cùng nhau đi qua bao trận đòn roi của bố tôi từ hồi tôi mới lên ba. Bố mà đánh tôi thì mẹ tôi cũng chẳng thể can ngăn được nên đành chịu trận sau mỗi lần bày trò thôi!
Nói là tuổi thơ của tôi gắn bó với ngôi làng xinh đẹp này nhưng thực ra tôi chẳng ở nơi này được bao nhiêu lâu.
Bố mẹ tham gia kháng chiến từ khi tôi còn chưa chào đời, phục vụ cho kháng chiến bằng tất cả sự nhiệt huyết, hi sinh tuổi trẻ với mong ước đất nước sẽ dành lại được nền độc lập. Nên mỗi khi đi, bố mẹ đều đưa tôi theo, biết là mặt trận chiến trường đầy nguy hiểm nhưng họ cũng chẳng thể để tôi ở nhà một mình.
Một đứa trẻ con thì làm được gì cơ chứ! Thỉnh thoảng tôi cũng được gửi lại ở nhà bác Ba hàng xóm, nhà bác ngay cạnh nhà tôi nên bố mẹ cũng an tâm phần nào...
***
Mùa hè về với những cơn mưa rào đổ xuống tắm mát cho cây cỏ, những hạt mưa cứ rơi "lộp bộp" trên mái nhà màu đỏ cũ. Chúng tôi thích tắm mưa lắm!
Một hôm trời mưa lớn khi tôi đang ngồi chơi bắn bi với thằng Tuấn ở dưới hiên nhà. Tự nhiên đâu ra lại xuất hiện một cô bé chạy vào cái mái hiên cũ để trú mưa. Tôi thấy vậy liền gọi bác:
"Bác ơi. Có ai tới kìa bác."
Tiếng nói của bác vọng ra từ trong căn bếp nhỏ:
"Đâu nhỉ. Hôm nay nhà làm gì có khách. Chắc là người ta trú mưa nhờ thôi."
Sau đó chúng tôi liền bày trò xua đuổi, trêu trọc con bé:
"Mày nghe thấy chưa. Khách không mời mà đến, mau cút đi! Cút đi!"
Tưởng chỉ là đùa cợt cho vui nhưng con bé bị thằng Tuấn trêu chẳng khóc nhè hay lăn ra ăn vạ mà nó còn lên giọng nói lớn:
"Đây là nhà bác tao, người phải cút là hai thằng chúng mày đấy" Con bé cau mày, tỏ thái độ.
Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, tôi chẳng thể kiềm chế được trước những lời nói của nó. Tôi mới tiến đến gần nó, vung tay thật mạnh đẩy nó ngã xuống vũng bùn bên cạnh, rồi cười thật to:
"Ai bảo mày láo này. Cho mày tiêu đời, ngã vào đây thì mày tắm hai ngày cũng không hết mùi hôi tanh." tôi nở nụ cười mãn nhãn.
Thằng Tuấn cười phá lên, hùa theo tôi:
"Hahaaa... Chết chưa ranh con, lần sau gặp bọn tao thì né ra chỗ khác mà chơi..."
Con bé ngã thẳng vào vũng bùn, người ngợm, quần áo đều ướt đẫm trong nước mưa và bùn đất. Cái mùi tanh tưởi bốc lên vì người ta hay họp chợ ở đây, mùi cá, mùi thịt, mùi trứng thối nó đều hòa quyện vào. Bởi mỗi khi buôn bán xong, họ không quét dọn sạch mà chỉ thu gọn lại đồ đạc rồi tranh thủ về nhà với gia đình, sáng hôm sau lại đến bán tiếp.
Mặt mũi nó lấm lem, nó không chịu đứng lên phản kháng lại chúng tôi nữa. Nó cứ ngồi đấy, ngồi dưới cơn mưa rào đầu mùa hạ, gương mặt nó xị xuống, từng giọt nước mắt đã bắt đầu rơi.
Tuy là dưới trời mưa nhưng tôi vẫn thấy được hai hàng nước mắt của nó. Một giọt, hai giọt, rồi nó khóc òa lên như đứa trẻ lên ba bị ai đó giành mất món đồ chơi yêu thích. Tiếng khóc của nó làm cho bác Ba từ trong bếp chạy ra:
"Sao vậy? Lại trêu nhau nữa à Định ơi?"
"Hai đứa trêu nhau suốt ngày không thấy chán hay sao vậy."
Khi bác bước ra bác chẳng thấy cuộc cãi vã nào của tôi với thằng Tuấn cả, bác chỉ thấy một con bé đang ngồi khóc dưới cơn mưa rào dữ dội. Bác nhanh chóng chạy ra, đỡ con bé:
"Nào Yên đứng dậy đi cháu! Sao lại ngồi ở đây?"
"Vào nhà không tắm mưa là ốm bây giờ."
Thế là bác Ba đưa con bé vào nhà ngồi, bác cho nó đi tắm rửa sạch sẽ cái chỗ bùn đất đấy rồi ra nói chuyện với hai thằng tôi. Bác nhẹ nhàng hỏi tôi đầu đuôi câu chuyện:
"Hai đứa trêu con bé à?"
Tôi ấp úng chẳng biết phải nói như nào với bác, còn thằng Tuấn thì im như thóc. Bác liền hỏi tiếp:
"Nào! Trả lời cho bác biết đi Định."
Tôi mới lúng túng trả lời:
"Tại...tại nó chửi bọn cháu trước, bọn cháu đã nhịn nó rồi nhưng nó...nó quá đáng lắm bác."
"Ai mà nhịn cho nổi. Đồ ranh con đáng ghét."
Biết được mâu thuẫn của hai đứa tôi với con bé kia. Bác lại hỏi:
"Thế đứa nào đẩy em Yên ngã?"
Tôi với thằng Tuấn chẳng thằng nào dám nói câu gì. Người đẩy nó là tôi, bây giờ tôi nhận tội bác sẽ mách cho bố tôi. Bố tôi mà biết là chỉ có no đòn nhưng tôi cũng không muốn phải đổ hết lỗi cho thằng Tuấn.
Tôi ngập ngừng đáp lại câu hỏi của bác:
"Dạ. Cháu là người đẩy nó ngã ạ."
"Nhưng cháu chỉ đẩy nhẹ một cái thôi. Cháu nói thật đấy bác."
Bác Ba vốn là người hiền lành cũng ít khi trách móc ai bao giờ nhưng hôm nay bác lại nghiêm khác phê bình cái việc làm của tôi:
"Định. Cháu làm thế là bác không đồng ý đâu. Em còn kém cháu 2 tuổi, nó bé như thế đẩy em ngã nhỡ có chuyện gì thì sao?"
"Cháu chịu trách nhiệm à?"
Vừa dứt câu, thằng Tuấn nhảy vào nói:
"Con đấy mà yếu đuối."
"Biết thế ném nó lên cây cho rồi."
Bác cáu giận trước những lời nói của thằng Tuấn, thế là bắt hai thằng tôi ra góc nhà quỳ ở đấy cho đến chiều muộn.
Tối đến thằng Tuấn đi về nhà, bác dọn cơm lên, mâm cơm đạm bạc chẳng có mấy món. Ngày nào cũng chỉ có mấy cọng rau và vài ba con cá khô, có hôm bác đi làm được người ta cho một ít thịt thì mang về hai bác cháu cùng ăn.
Tự nhiên hôm nay trong mâm cơm lại có thêm con bé kia, sao mà tôi thấy ghét nó thế không biết! Vừa ăn được một miếng thì bác giới thiệu con bé kia:
"Đây là em Yên kém cháu hai tuổi, em nó là cháu ruột của bác." Bác nói xong rồi xoa đầu nó
"Bố mẹ dạy học ở nơi xa, không tiện chăm sóc nên gửi qua đây."
"Sau này bác phải nhờ anh Định giúp đỡ cho cháu rồi."
Con bé chẳng tỏ ra e thẹn hay ngại ngùng vì đây là lần đầu tiên tôi với nó gặp nhau mà nó còn lườm nguýt, nói bóng gió:
"Đã đi ở nhờ rồi còn lên giọng."
"Mày nói ai cơ?" Tôi chằm chằm nhìn nó
"Nói ai tự người đấy biết."
Trong một phút nóng giận, suýt nữa thì tôi đã lao vào đánh nó mấy cái cho nó chừa cái thói láo toét, xấu tính của nó đi.
Nhưng vì có bác Ba ở đó, nên tôi chẳng thể làm gì nó, tôi đành phải ngậm cục tức rồi nuốt trôi hết bữa cơm ngày hôm đấy.
Đêm xuống, tôi phải nhường cho nó cái võng mà tôi hay nằm. Tôi trải tấm chiếu cũ nát, đã bị mục hết xuống đất nằm ngủ, cố nhắm mắt cho qua đêm.
Trời vừa ngớt mưa, ẩm ướt, tôi không sao mà tránh được bọn muỗi cứ vo ve bên tai.
Và rồi một tuần hai tuần tôi ở chung với nó. Ăn chung, ngủ chung nhưng cuối cùng tôi chẳng thể nào chịu nổi cái tính cách khó ưa, ngang ngược của nó.
Tôi có món đồ chơi nào nó cũng dành cho bằng được, không thì cũng phá hỏng của tôi.
Trong suốt khoảng thời gian đấy, tôi đã tự nhắc nhở bản thân phải nhẫn nhịn và rồi tôi với nó vẫn lao vào chửi bới, đôi co qua lại thậm chí là đã có một vài lần tôi đánh nhau với nó.
Có lần cãi nhau, tôi quát mắng nó:
"Mai sau có chó nó mới yêu mày Yên ạ."
"Mày đáng ghét như thế chỉ có ở một mình đến già thôi."
Nó coi lời nói của tôi như gió thổi qua tai, chẳng mảy may đến mà còn phớt lờ đi. Nó đi vào trong bếp, nhóm cái bếp củi lên và mang mấy cuốn truyện yêu thích của tôi vứt vào đấy. Tôi chạy vào chứng kiến cảnh tượng trước mắt mình, bao nhiêu là giấy, là truyện đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa kia. Nóng máu tôi gào lên:
"Sao mày làm thế...?"
Mặt con Yên chẳng có chút hối lỗi mà còn hả hê:
"Thích."
Tôi lẩm bẩm trong miệng mấy câu, rơi nước mắt rồi bỏ đi:
"Đáng ghét!"
"Mày biết đây là thứ tao thích nhất mà?"
Tôi chạy thẳng một mạch ra ngoài bờ sông cùng với những giọt nước mắt đầy uất ức, tôi cảm thấy vô cùng căm ghét nó, chẳng hiểu tại sao nó lại xuất hiện trong cuộc đời của tôi. Tôi ngồi ở đấy đến tối muộn mới về nhà.
***
Sáng hôm sau, tôi cũng không ở nhà bác Ba nữa, bố mẹ tôi có nhiệm vụ mới, ở một địa điểm khác nên về đón tôi đi. Tôi cùng họ rời xa cái ngôi làng này, rời xa cái mảnh đất Bắc đầy những kỉ niệm đẹp của tôi với mấy thằng trẻ con, mấy trò quậy phá, nghịch ngợm của thằng Tuấn. Thầm nghĩ trong đầu:
"Không có tôi chắc chúng nó buồn lắm."
Gia đình tôi chuyển lời cảm ơn tới bác Ba rồi rời đi từ sáng sớm. Tôi cũng nhờ bác chuyển một lá thư tay tới cho mấy đứa bạn của tôi, cảm ơn thằng Tuấn, cảm ơn bọn trẻ trong làng đã gắn bó và giúp đỡ tôi như người thân trong nhà, chỉ trừ con Yên, mối thù mà tôi nhớ mãi không quên...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com