Chương 4.2
Đèn bên trong được tự động bật sáng khi cánh cửa khép lại, soi rọi khu vực bãi xe bên trong. Lại cái ánh sáng trắng vô vị như của Trạm. Tôi cứ ngỡ rằng mình xuống sao Hỏa này sẽ không gặp lại nhưng tôi đã nhầm. Bãi xe rộng, nhưng chỉ có vài phương tiện: Ngoài chiếc xe tám bánh xuyên địa hình vừa nãy ông lão sử dụng còn có 2 chiếc tương tự, và một chiếc khác nhỏ hơn. Vung vãi quanh một chiếc là các cờ lê, ốc vít. Có lẽ ông đang sửa chữa. Nhưng sự chú ý của tôi là nằm một thứ trông khá tức cười nằm xa trong góc: Nó màu trắng, lửng lơ trong không khí, có cán dài cong cầu kì để vịn - Cơ bản nó giống một cái xe hẩy, nhưng cái xe hẩy này không có bánh, bập bềnh cách sàn vài phân, và chân đế để đứng rất to.
"Theo ta, chỗ này lớn lắm, coi chừng lạc."
Trước khi đi tiếp, tôi cố ngoái lại cái xe hẩy bay ấy lần cuối.
Sau một hồi lên xuống những hành lang nhỏ hẹp, với vô số bóng đèn mập mờ nhưng thân thiện soi rọi, cùng với hàng đống dây nhợ chi chít trên tường, ba người chúng tôi đã ra đến sảnh chính, nằm dưới lớp kính khổng lồ. Hóa ra đây là bên trong ư? Rộng khủng khiếp. Dễ đi từ đầu này đến đầu kia hết tầm một trăm mét. Ánh nắng sau khi xuyên qua lớp kính dày trở thành một thử chất lỏng mềm mại chảy tràn không gian, dịu dàng và êm ả. Có vẻ như chúng tôi vừa dùng lối đi chuyên cho việc bảo trì. Xung quanh là một vòng tròn những cánh cửa. Ông ngó quanh một hồi, gật gù nhẹ xong lại khoác tay bảo chúng tôi đi theo. Sau vài bước, chúng tôi đã đến cánh cửa có tên gọi: "Khu Dân Cư B". Một cánh cửa kính được mở tự động. Nó dẫn đến một hành lang dài nhưng khá rộng, được thắp sáng đầy đủ và kéo mãi xuống phía dưới. Vừa đi ông lão vừa giải thích:
"Nơi này hơn năm mươi năm chỉ còn mình ta. Thành ra chỉ vài khu ta còn bật điện và cho hoạt động. Vừa tiết kiệm năng lượng vừa đảm bảo an toàn. Trên sao Hỏa còn nhiều khu khác tương tự. Có điều khu này là lớn nhất, có sức chứa đến một ngàn người. Cái mái vòm vừa đi qua ấy thật chất là một tấm pin mặt trời khổng lồ kiêm phòng sinh hoạt chung, quảng trường để hội họp các kiểu. Ở đây đừng có đi đâu lung tung nhé. Ta thậm chí không nắm hết được nơi nào an toàn nơi nào không. Ngoài ra Khu Liên Hợp này rất dễ lạc, với cả chẳng có hệ thống máy tính chỉ dẫn cùng hoang vắng nên cẩn thận."
Hành lang giờ đâm ra một sảnh lớn, hơi âm u do ít đèn chiếu sáng, mà bóng nào bóng nấy lờ mờ. Ông lão lại dẫn chúng tôi ra cuối sảnh, nơi có hàng tá cửa chạy dài.
"Thật ra mỗi phòng tương đương một căn nhà. Hai cháu tính ở chung hay ở riêng?" - Ông lão bất chợt hỏi trên đường đi.
"Riêng."
"Chung."
Hai chúng tôi đồng thanh nhưng không đồng điệu. Xấu hổ tôi cụp mắt xuống, không dám nhìn lên nữa. Hai tay cứ miết lấy dây quai ba lô. Phần ông lão, ông không nói điều gì, mà lại trầm ngâm. Rồi ông dừng lại trước dãy cửa.
"Hai đứa vào đi. Thôi, cháu gái vào đi. Cháu trai theo ta." - Giọng ông run lạ.
Nói rồi hai người bỏ đi về đầu kia của sảnh, để lại mình tôi trước cửa. Tôi mím chặt môi, thấy khó chịu do dù đã đi được một quãng, chẳng ai ngoái lại nhìn lấy một lần. Tặc lưỡi cho qua, tôi vào phòng.
Căn phòng rất mới, mới đến tinh tươm. Nhưng tôi cảm giác đây không phải là phòng ông lão vì nó quá... Nữ tính. Có mùi nước hoa nhẹ. Trên tường là những tờ giấy báo cũ, những áp phích, gần như phai màu hoàn toàn. Nội dung của chúng về các ca sĩ, nhóm nhạc. Ngoài ra có một căn bếp nhỏ và phòng tắm. Căn phòng không hề có hơi người khi tôi lăn ra cái giường lạnh lẽo. Một cơn rùng mình thoáng qua. Tôi nhận ra rằng mình đang đói, không kể những giây phút cuốc bộ mỏi mệt cùng cơn say xe. Vả lại không khí bên trong này lại khó thở vô cùng, thậm chí nội việc đứng dậy cũng làm đầu óc tôi choáng váng. Ở Trạm ít ra nó cũng không ngột ngạt như thế. Có thể chỉ là do còn mình ông lão ở đây nên thành ra. Với cả trên Trạm, mọi hoạt động đều do máy móc tiến hành thì bảo sao có thể có hư hỏng được? Còn trong Quả Cầu, mọi hoạt động từ lớn đến bé đều do một tay ông lão thực hiện.
Nhưng tại sao lại thế nhỉ? Trên đường đi tôi có thấy những con rô bốt nằm trơ chọi, bám đầy bụi. Khi ở một mình như ông, đáng lí ra ông phải tận dụng chúng để đỡ vất vả chứ?
Nghiên người sang một bên, tôi cảm nhận rõ cái nóng và rỗng trong dạ dày mình. Từng hồi từng chập những âm thanh ọt ọt tức cười vang lên. Tôi co người lại, dùng một tay đặt lên bụng. Thế nhưng như vậy không đủ. Cơn đói hành hạ, là tôi vô cùng khó chịu và không tài nào của được. Tôi bật dậy, ra ngoài, hi vọng ông lão có thể giúp tôi.
Ngoài sảnh âm u. Một màu xám nhẹ phủ lên không gian. Tôi nghĩ bình thường sảnh này nếu được thắp sáng đầy đủ thì nó trắng lóa, cái màu trắng của Trạm. Thế nhưng trên trần nhà chỉ có vài ba bóng đèn lờ mờ, cố gắng loe loét. Trông thật buồn.
Ngó quanh chẳng thấy ai, tôi bắt đầu đi gõ cửa từng phòng. Nhưng sực nhớ ra hai người đi về phía bên kia sảnh nên tôi quyết định gõ cửa từ phía đó trước. Cánh cửa thứ nhất. Cánh cửa thứ. Cánh cửa thứ ba. Cánh cửa thứ tư. Cánh cửa thứ... Chợt có tiếng cửa mở. Là anh. Nhìn tôi chờ đợi. Tôi nhùng nhằng:
"Em đói."
Anh vội sập cửa lại. Tôi tiến về trước phòng anh, chờ đợi trong khó chịu. Không chỉ là cảm giác kiến bò bụng mà còn là sự bối rối trước cách cư xử của anh. Anh cứ như thế suốt từ lần đầu gặp đến nay - chưa đầu bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Mỗi khi cảm thấy anh chấp nhận tôi, thôi xù lông nhím thì anh lại làm điều ngược lại, đẩy tôi ra xa. Tôi không thể hiểu được.
Anh lại xuất hiện nơi cửa. Chính xác hơn là anh để cửa mở nhưng đứng chắn toàn bộ tầm nhìn vào bên trong. Cái áo phông xám hòa điệu với sự nhợt nhạt của không gian. Mặt anh tối hẳn đi, nhưng đôi mắt vẫn cứ sáng rực. Cảm giác như mắt anh nó tự sáng bởi mọi thứ ẩn chứa bên trong.
"Cô muốn gì?"
Tôi hơi ngớ người ra. Chớp chớp mắt. Hít một hơi thật sâu lại để bình tâm, tôi lặp lại.
Anh gật đầu hơi giật cục. Trầm ngâm một chút, anh nói:
"Tôi không rành rẽ nơi đây, nhưng ông J'on đã đi đâu rồi. Cô nên chịu khó chờ."
Anh toang khép cửa lại, tôi vội cản, hỏi anh xem anh có cái gì ăn không.
Anh, đứng đằng sau cánh cửa hé, nhìn ra và chỉ để lộ con mắt, dịu xuống:
"Tôi chưa ăn."
Rồi anh sập hẳn cửa trong sự bất lực của tôi.
Nhăn mặt lắc đầu, tôi lủi thủi rời cửa phòng anh. Trong sảnh có hàng loạt ghế dài và ghế vải để ngồi - Về cơ bản nó gióng phòng sinh hoạt chung trên trạm. Mỏi mệt và không muốn trở lại căn phòng ngột ngạt, tôi ngồi xuống một cái ghế, rũ người khi bao thứ đổ dồn lên đầu. Đói, mệt, căng thẳng, anh. Sao Hỏa không chỉ có nắng, nó còn có cả sự ngột ngạt buồn tẻ đến phát điên. Thỉnh thoảng có tia điện tóe từ vách tường, nơi có những cọng dây cáp điện đứng đôi hờ hững thõng mình. Cảm giác đang bị ép chặt xuống, tôi tức ngực. Cảm giác nhói trong tim. Cảm giác này giống như đêm mẹ chết: Bất lực, yếu đuối, không làm được gì. Chỉ biết khóc trong vô dụng. Chỉ biết tự vỗ về bản thân rằng bố sẽ về thôi. Cứ ôm con Lu tắm nước mắt cho nó. Và khi tôi tưởng tất cả những thư đó đã ở đằng sau lưng mình, thì nó cứ hiện về ám ảnh. Dù ánh nắng của sao Hỏa tươi tắn ấm áp thanh tẩy cho tôi, dù cho bụi Hỏa tinh này đùa giỡn vui vẻ với tôi, dù cho bầu không khí nơi đây trong lành chẳng có tí ô nhiễm nào. Nhưng nó thiếu tình người. Anh. Ông. Tôi. Những kẻ xa lạ. Những người lạc lõng, mắc kẹt trong chính mình, mắc kẹt trong vũ trụ. Chẳng quan tâm ai và chẳng ai quan tâm. Một mình. Đến chết.
Tôi thút thít. Cảm nhận toàn bộ niềm đau trong cơ thể chảy tràng ra theo những giọt nước mắt, những dòng suy nghĩ. Cuộc đời mình chẵng lẽ chỉ có vậy thôi ư? Vậy mẹ chỉ con tấm vé để làm gì? Con sống chỉ để sống thì có mục đích quái gì cơ chứ? Con không cần. Con không cần những thứ xa hoa, những người máy và tiện nghi trên Trạm. Con cần những người yêu thương con mà thôi. Nhưng có ai trong cái hệ Mặt Trời cũ kĩ này quan tâm đến con? Anh lúc nóng lúc lạnh, không thể nào hiểu được. Ông thì cứ rúc vào thế giới riêng, trốn biệt vào cái mê cung ông dựng lên, vào những ám ảnh của ông. Nỗi buồn cứ dạt dào, và cộng hưởng với cái đói cùng cái mệt nốc ao tôi. Gục xuống tại chỗ, lăn ra sàn, tôi lả người đi. Cảm thấy mọi thứ thật xa xôi. Như hai tiếng bước chân đang to dần, hay tiếng nói gay gắt và đầy lo lắng...
Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy một bàn tay ấm áp bế tôi dậy. rung rẩy ngả nghiêng đặt tôi lên băng ghế dài. Anh ư? Tôi không biết nữa, nhưng hơi thở n1ong hả vào mặt. Chếnh choáng tôi gắng mở to mắt ra nhìn lần nữa.
Ông lão rời tay khỏi tôi. Anh liền thế chỗ với đồ ăn trên tay, mở nó ra rồi bón cho tôi. Một hỗn hợp sền sệt khó chịu. Tôi nhăn mặt, cảm nhận cái nhờn nhợn trôi tuột xuống cổ họng, rơi tõm vào bao tử sôi sùng sục. Cơn đói dịu đi, năng lượng trở lại. Có vẻ như anh mang theo đồ ăn chế biến sẵn của Trạm. Ông lão lại xuất hiện trong tầm nhìn, cẩn thận với cái khay nghi ngút khói trên tay. Một mùi hương quen thuộc. Khoai tây! Một bát súp khoai tay nóng hổi ngon lành. Ông trao nó lại cho anh. Anh lại đút từng thìa cho tôi ăn. Thỉnh thoảng tay anh chạm mặt tôi, lạnh như nước đá. Nhưng tôi kệ, bản năng dập tắt mọi sự nghi ngờ. Tôi cứ húp và ngồm ngoàm từng muỗng cho đến hết sạch. Cảm giác no cùng sự thỏa mãn vỗ về, xua tan hết mọi sợ hãi và mệt mỏi. Nhưng chính trong giây phút đó, tôi nhận ra mình đã ích kỷ và vô tâm đến nhường nào. Đang lí ra đã tiếp xúc với anh được một thời gian, tôi phải hiểu anh hơn chứ? Òn ông, tôi phải nhìn rộng ra suốt năm mươi năm qua ông một mình, trên sao Hỏa, trong Quả Cầu. Tôi có anh, trong trạm, sau là gặp thêm ông và ở sao Hỏa, trong Quả Cầu, và chưa đầy bốn mươi tám giờ tôi phát điên không biết bao nhiêu lần! Tôi hèn mọn, nhỏ nhen. Tôi không xứng, không xứng chút nào với tấm lòng của anh và ông. Tôi ngồi bó gối, cứ thế mà khóc, mà lí nhí xin lỗi.
Một bàn tay đặt lên lưng, vỗ về. Có lẽ là anh. Giọng ông lão ở xa, trìu mến:
"Không sao đâu cháu. Dù gì thời gian của chúng ta. Không. Của ta không còn nhiều nữa."
Tôi dừng khóc, ngẩn mặt lên nhìn gương mặt già nua đang trầm ngâm kia.
"Hôm kia sẽ có thiên thạch đâm vào đây, và đặt dấu chấm hết cho Khu Liên Hợp."
Ông bình thản, cười mỉm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com