Chương 29
Một mình cưỡi khoái mã, từ Tắc Bắc đến đô thành Đại Tấn, Lê Sương chỉ đi mất một nửa thời gian so với người khác, đi suốt ngày đêm không hề ngừng nghỉ.
Nàng hồi kinh quá sớm, ngoài dự liệu của mọi người. Ngay cả Đại tướng quân Lê Lan cũng không ngờ.
Lê Sương về đến phủ tướng quân, Lê Đình là người phóng ra trước tiên. Lê Sương vừa xuống ngựa liền bị Lê Đình nhào một phát vào lòng: "A tỷ! A Mã nói tỷ sắp về nhà mà đệ không tin, ai ngờ tỷ thật sự về nhanh như vậy!"
Lê Sương chưa kịp trả lời cậu thì tướng quân Lê Lan uy nghiêm đã theo tới sau lưng. Đại tướng quân tuổi gần năm mươi, trên mặt khó tránh khỏi dấu vết năm tháng, nhưng những nếp nhăn này không hề khiến ông trở nên già nua, mà ngược lại còn là biểu tượng hùng hồn của oai phong thời son trẻ.
Từ biệt ba năm, Lê Sương trốn ở Tắc Bắc không muốn hồi kinh, nhưng trong lòng không phải không nhớ cha già.
Nàng chỉ là dưỡng nữ của tướng quân, nhưng Lê Lan đối với nàng chưa từng thua kém Lê Đình, dạy nàng binh pháp, dạy nàng cưỡi ngựa bắn cung, tạo cơ hội cho nàng cùng học tập với các vương công quý tộc trong kinh thành; thậm chí thuận theo tâm ý của nàng, giúp nàng đến Tắc Bắc làm tướng, đi một mạch tận mấy năm.
Lê Sương đối với Lê Lan thực vô cùng cảm kích.
Lê Sương đẩy Lê Đình còn đang làm nũng ra, tiến lên cung kính xá một cái, lại muốn quỳ rạp xuống: "A Mã, Sương nhi bất hiếu, ba năm không..."
Lê Lan vội đỡ lấy Lê Sương, nắm cánh tay nàng kéo dậy: "Mấy năm không gặp đã khách sáo với cha như vậy. Con bất hiếu à? Con đã giúp lão già ta giữ được biên giới phía Bắc của Đại Tấn, nếu như thế mà còn bất hiếu, vậy thì tiểu tử Lê Đình này phải đem vứt đi thôi."
"Phải lắm phải lắm, a tỷ đừng nói như vậy nữa, coi chừng cha già đem đệ vứt đi thật đấy!", Lê Đình đứng bên cạnh hoa tay múa chân. Lão tướng quân cười mắng vỗ đầu cậu, Lê Sương cũng bật cười.
Nhưng rốt cuộc vì trong lòng có chuyện gấp, nụ cười của Lê Sương rất nhanh đã rũ xuống: "A Mã", nàng khẽ gọi. Lê Lan hiểu ý, gật đầu: "Vào nhà trước đi, nghỉ ngơi một chút. Những chuyện khác để sau hãy nói."
Lê Sương lắc đầu: "A Mã, con không còn thời gian nữa.", chỉ cần nghĩ đến có một người hôm nay vẫn đang chịu khổ trong lao ngục, tâm Lê Sương liền lo lắng không yên.
Lê Lan nghe vậy cũng trầm mặt: "Chuyện gì gấp như vậy?"
"Con muốn vào cung bái kiến Hoàng thượng, cầu bệ hạ cấp cho con năm chục ngàn binh mã."
Muốn dùng binh? Lê Lan nhíu mày. Thấy ánh mắt Lê Sương kiên định, ông trầm ngâm: "Con từ nhỏ trầm ổn, đã quyết định thì chắc chắn có lí do của mình nên A Mã không hỏi, chẳng qua là muốn tốt cho con. Lần này hồi kinh vốn là thánh ý của bệ hạ, nếu con có việc muốn thỉnh cầu bệ hạ, liệu đã nghĩ đến chuyện phải hồi báo thế nào chưa?"
Ý không thể rõ ràng hơn được nữa. Lê Sương là một tướng giỏi, nhưng người Tư Mã Dương mong muốn không phải là một tướng quân.
Lê Sương nắm chặt tay: "Trong lòng Sương nhi hiểu rõ."
Từ khoảnh khắc ra roi thúc ngựa ở Tắc Bắc, nàng đã nghĩ xong tất cả hậu quả.
Nhưng cho dù như vậy nàng vẫn phải cứu hắn. Cứ xem như bây giờ ngay cả tên người kia nàng cũng không biết, thì vẫn phải cứu.
Lê Lan sai người đưa Lê Sương vào cung. Cung điện vẫn như cũ, chẳng qua đế vương đã đổi. Từ đây cung điện này và cung điện nàng biết khi còn bé, vĩnh viễn không giống nhau nữa.
Thế sự luôn là thê lương, nhưng Lê Sương chẳng còn thời gian để cảm khái. Cuối cùng nàng cũng gặp được Tư Mã Dương trong ngự thư phòng.
Không phải là công khai triệu kiến. Chuyện Lê Sương muốn thỉnh cầu vốn không thể để các đại thần cùng nhau tới thảo luận xem có khả thi hay không.
Từ biệt ba tháng, lúc Tư Mã Dương rời khỏi Tắc Bắc chính là thời điểm Lê Sương đang hôn mê bất tỉnh. Hôm nay gặp lại, hai người đều nhất thời im lặng. Tuy nhiên so với Lê Sương trầm mặc, đôi mắt đen chớp động của Tư Mã Dương có phần xúc động hơn.
"Lê Sương," Tư Mã Dương rốt cuộc mở miệng, phá vỡ không khí yên lặng trong ngự thư phòng, "nàng luôn làm chuyện ngoài dự liệu của trẫm." Hắn ném văn thư trong tay, đứng dậy, "trẫm cho là nàng sẽ không trở lại". Hắn vòng qua bàn đọc sách, tới trước người Lê Sương, trên môi xuất ra một nụ cười mỉa mai hiếm có: "Hôm nay nàng quay về, nhưng ta sẽ không..." Hắn đưa tay, muốn nắm lấy tay Lê Sương.
Lê Sương rũ mắt, lùi về sau quỳ xuống một chân, thực hiện một động tác quân lễ tiêu chuẩn: "Bệ hạ."
Tay Tư Mã Dương khựng lại giữa không trung.
"Lê Sương cả gan cầu bệ hạ đáp ứng một nguyện vọng."
Nàng nói vậy, Tư Mã Dương liền nhớ lúc dưới đầm lầy trong hang đá, hắn đã hứa với Lê Sương, chỉ cần nàng có thể thoát khỏi đầm lầy hắn sẽ đáp ứng nàng bất cứ chuyện gì.
Muốn gả cho hắn thì tốt, muốn rời hắn đi cũng được, hắn cho Lê Sương quyền tự do chọn lựa. Bởi vì thời điểm ấy Lê Sương đã chọn hi sinh bản thân, cứu hắn một mạng.
Đây là cách hắn báo ân, cũng là áy náy ẩn sâu trong lòng hắn. Mà nay Lê Sương vừa gặp liền nói đến chuyện này...
Nàng hẳn là muốn rời đi. Tư Mã Dương suy đoán như vậy, nhưng cuối cùng vẫn nhìn nàng hỏi: "Nàng yêu cầu chuyện gì? "
"Thỉnh bệ hạ cho thần mượn năm chục ngàn binh mã, xuất quân đến núi Nam Trường."
"Xuất binh đến núi Nam Trường?" Đây là một thỉnh cầu hoàn toàn ngoài dự liệu, Tư Mã Dương nheo mắt, "không biết có chuyện gì?"
Lê Sương ngẩng đầu nhìn Tư Mã Dương, ánh mắt đúng mực, "Thần muốn cứu một người. Hắn từng xả thân cứu Trường Phong doanh và Lộc thành lúc nguy nan," Lê Sương dừng một chút, "cũng từng cứu thần trong tuyệt cảnh. Hắn có ân với Tắc Bắc, cũng có ân với thần..."
"Là gã đàn ông bí ẩn kia?" Tư Mã Dương ngắt lời Lê Sương.
"Là hắn."
Tư Mã Dương hàng mi khẽ chớp: "Nàng biết lai lịch của hắn không?"
"Dạ không biết."
"Tên họ thì sao?"
"Cũng không biết."
Tư Mã Dương nhất thời cảm thấy mình không quen Lê Sương. "Nàng từ phương bắc vội vã chạy về chính là vì cầu trẫm chuyện này?"
"Dạ." Lê Sương cúi đầu, "Thần biết mượn binh là việc hoang đường thế nào, nhưng quả thực thần không còn cách nào khác."
Ngự thư phòng lâm vào sự trầm mặc thật lâu. Tư Mã Dương hiểu tính tình Lê Sương, nên hắn biết đằng sau sự im lặng của nàng là bao nhiêu kiên định. Nàng không nói muốn rời khỏi kinh thành hay rời khỏi hắn, nhưng điều thỉnh cầu này của Lê Sương càng làm đáy lòng Tư Mã Dương lạnh lẽo hơn so với việc để nàng rời đi.
Lê Sương trước kia, chưa từng chưa từng cố gắng quên mình như vậy. Đem hết khả năng, bất chấp tất cả, vì một người lạ ngay cả họ tên cũng không biết.
Lê Sương trước kia, vì quốc vì gia làm rạng rỡ phủ tướng quân, cũng là vì thành tựu của mình. Nhưng bây giờ nàng thỉnh cầu điều này, dường như đã chấp nhận từ bỏ mọi thứ.
"Sương nhi, trẫm không gạt nàng, nếu đáp ứng cho nàng mượn năm mươi ngàn binh mã mà không có lí do nào để xuất binh đến Nam Trường núi, thì thế lực trong triều làm sao cân bằng..."
"Thần không dám để bệ hạ khó xử. Trong núi Nam Trường có một vu tộc cổ chiếm cứ đã nhiều năm, dùng thủ đoạn giang hồ chèn ép bá tánh, hoành hành bấy lâu, vừa giống thổ phỉ vừa giống kẻ gian, chính là mầm họa ở phương nam, cần phải diệt trừ tận gốc."
Việc kiếm cớ xuất binh đối với Lê Sương mà nói không có gì khó. Binh giả, quỷ đạo giã*, nàng lý sự chẳng thua gì mấy quan văn đầu triều. Nàng tìm bừa lí do, lại nói: "Thanh tẩy núi Nam Trường xem như một phần hậu lễ phủ tướng quân dâng lên bệ hạ. Đợi Lê Sương trở về sau cuộc chiến, nhất định đem năm mươi ngàn binh mã, quân đóng giữ Lộc thành cùng với quân quyền của Trường Phong doanh toàn bộ nộp lại. Theo đó, Lê Sương sẽ từ quan, chỉ còn là một đứa con gái đợi gả của phủ tướng quân mà thôi."
* Binh giả, quỷ đạo giã: một trong những kế sách binh pháp Tôn Tử, là câu cửa miệng rất nổi tiếng của các vị tướng, có nghĩa: "Dùng binh đánh giặc là hành động dối trá". Thông thường, nếu có thể tấn công thì giả như không thể tấn công, muốn đánh như giả như không muốn đánh, muốn hành động ở gần nhưng giả như muốn hành động ở xa, muốn hành động ở xa nhưng lại giả như muốn hành động ở gần... (nguồn: )
Vị cô nương từng lập công trận lẫy lừng, chuyện gả cho người nào ngay cả Đại tướng quân cha nàng cũng không thể làm chủ, chỉ đương kim Hoàng thượng mới có thể.
Lời này của Lê Sương nghe qua thì không có gì không ổn, nhưng cẩn thận suy nghĩ một chút liền phát hiện ra ý dẫn dụ, thậm chí cả uy hiếp trong đó. Chuẩn tấu cho nàng năm mươi ngàn binh mã, nàng lập tức nộp lại quân quyền, ngược lại nếu không chuẩn, nghĩa là nói quyền vẫn trong tay nàng? Lúc đó liệu phủ tướng quân có còn không một cô nương đợi gả?
Tư Mã Dương chăm chú nhìn vào mắt Lê Sương, đột nhiên cong môi, nhàn nhạt cười: "Được."
Không cần phải nói thêm nữa, mọi chuyện đã rõ ràng.
Lê Sương là tình cảm của Tư Mã Dương, là thanh mai trúc mã, là ý trung nhân, là ân nhân cứu mạng của hắn. Nhưng hắn là vua, nàng cũng là thần tử. Nàng giúp hắn bắt thỏ khôn, thì gia tộc của nàng chính là chó săn của hắn. Giữa bọn họ còn có sóng ngầm mãnh liệt, có lợi ích và những mưu mô tranh đấu.
Tư Mã Dương xoay người đến bàn đọc sách, cầm bút lên, trước khi hạ bút lại ngưng mắt nhìn Lê Sương vẫn theo quân lễ đang quỳ đằng trước. Nàng mặc áo giáp đỏ, gương mặt nhuốm mệt mỏi sau chặng đường dài mưa gió, tóc cũng hơi rối, chỉ có thần sắc cùng dáng người luôn luôn thẳng tắp như cây trúc xanh, vĩnh viễn bền bỉ.
"Sương nhi," Tư Mã Dương bắt đầu viết ý chỉ, "hi vọng sau này nàng đừng hối hận."
Trả lời Tư Mã Dương là Lê Sương cung kính quỳ cả hai gối xuống đất, đầu cúi sát ngực, tay giơ quá đỉnh đầu: "Thần tiếp chỉ."
Lê Sương thỉnh cầu năm mươi ngàn binh mã, chọn ngày xuất binh đến núi Nam Trường diệt tộc vu cổ. Triều đình xôn xao, giang hồ chấn động. Hành động lần này đột ngột không ai ngờ tới.
Tin vừa truyền ra, dân gian lập tức bàn luận sôi nổi, suy đoán không ngừng.
Lê Sương hoàn toàn không bận tâm. Nàng lĩnh mệnh, sau khi thu dọn ổn thỏa liền dẫn năm mươi ngàn quân xuôi nam, tiến thẳng đến núi Nam Trường.
Lần này không phải đi đánh giặc, nàng chỉ đi cứu người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com