Đại Việt duy tân ký Quyển 1 chương 3
Đại Việt duy tân ký
Quyển 1
Chương III
Trần Ngạn và Nguyễn Huệ nhìn thẳng vào nhau, ánh mắt như muốn chui thẳng vào mà lục lọi cho kỳ hết tâm tư của người đối diện. Hai con thú vờn nhau vòng quanh, mắt không cho đối phương một phút được ngơi nghỉ. Hai người, một là con sói già lặn ngụp trong chính trường Lê -Trịnh từ ngày mới xuất tràng, một là tráng hổ vừa xuất sơn đã oanh động thiên hạ. Hai kẻ gườm nhau từ tí một, không cho đối phương nghỉ ngơi một khắc nào cả.
Ngọc Hân ngồi trên phản, im lặng quan sát cuộc đấu trí. Dù rất tự tin với năng lực của chồng, nhưng lần này, bà lại không thể không e dè, vì đối thủ của chồng không phải là một tên bát nho, mà là một con sói, một con sói đầu lĩnh thật sự. Sói tinh ranh như cáo, nhưng nó vẫn còn giữ được ngạo khí của một thứ bá vương trên thảo nguyên. Sói cũng tàn bạo như hổ, nhưng có là kẻ biết tấn biết thoái, cầm được thì bỏ được. Vì vậy nếu chính diện mà đánh thì hổ dễ thắng, nhưng một khi trận địa đã được sói dọn sẵn, thì mèo nào cắn mỉu nào còn chưa chắc.
Trong đầu Nguyễn Huệ lúc này len lỏi vào một sự sợ hãi. Ông cảm thấy con người trước mặt ông có cái gì đó tàn độc đến khó tả. Con sói già này chuyện gì cũng dám làm, cái gì cũng không ngăn được hắn. Ông hy vọng tình cảm sẽ động được lòng người, nhưng lại không tác dụng gì với con sói này. Hắn quá tinh ranh, quá thông thái, cũng quá lạnh lùnh. Lạnh đến mức không thiết gì đến tình thân. Trước mắt hắn chỉ có điều hắn muốn làm.
Trần Ngạn cười cười. Nguyễn Huệ thông minh hơn ông nghĩ. Con người này có năng lực thấu hiểu lòng người. Người trải qua khổ ải nhiều thường phản ứng theo hai cách. Thứ nhất là bằng mọi giá để được sung sướng và giữ riêng cái sung sướng cho mình. Thứ hai là tìm cách để cho không kẻ nào quanh mình khổ ải nữa. Thói đời, ai cũng thương mình trước, kể cả quân vương. Nguyễn Huệ là một trong những kẻ hiếm hoi thuộc dạng thứ hai. Điều này làm Trần Ngạn càng lúc càng hứng thú về vị vua này.
-Ngạn to gan, có câu này muốn hỏi, không biết bệ hạ có trách tội Ngạn chăng?
Nguyễn Huệ im lặng gật đầu. Mưu sĩ như Trần Ngạn, thuyết phục không được thì phải làm cho ông ta tâm phục khẩu phục, thì may ra châu mới về Hợp Phố cho được.
-Xin tiên sinh đừng khách khí, Huệ sẽ thành thật trả lời, quyết không nửa lời dối trá.
-Vậy Ngạn mạn phép hỏi, bệ hạ quyết lấy thiên hạ để làm gì?
Hỏi thẳng không e ngại, đó là điểm Nguyễn Huệ thích nhất ở Trần Ngạn. Vốn con nhà võ, trải qua chinh chiến lâu năm, nên Nguyễn Huệ vẫn khó mà quen được với cách nói dài dòng tránh né của các đại thần trong triều.
-Như Huệ đã nói, Huệ lấy thiên hạ để bá tánh không phải chịu điều Huệ từng chịu nữa.
-Vậy theo bệ hạ, quân vương muốn có thiên hạ, phải cần gì?
Quân vương muốn có thiên hạ phải cần gì. Câu hỏi tưởng dễ mà không hề dễ. Nếu hỏi đám văn thần, chúng sẽ sẵn sàng nói ngay hàng canh giờ về đức của quân tử chế phục thiên hạ. Còn đám võ tướng thì đơn giản hơn, chỉ cần đánh, khỏi cần dùng lưỡi làm gì cho mỏi. Nhưng Nguyễn Huệ dựa vào kinh nghiệm xương máu mà khẳng định, lấy thiên hạ không chỉ dùng đức và hay chỉ dùng binh. Lấy thiên hạ là cả một thiên binh thư, kế sách dụng hết cả tâm huyết của một đời người mới có chút hy vọng, nhưng rốt cuộc vẫn mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
-Thưa Trần tiên sinh, Huệ ngu muội, xin tiên sinh giáo huấn.
-Ngạn trộm nghĩ, chắc chư vị đại thần trong triều cũng đã có dâng kế qua với bệ hạ rồi chớ.
Con sói già này. Nụ cười mỉa mai của Trần Ngạn làm Nguyễn Huệ rủa con sói già này tơi bời, may mà không nói với ông ta, không thì đã bị cười cho đào lỗ xuống đất rồi.
-Trần tiên sinh, không phải là Huệ chưa từng nghe qua nhưng lòng Huệ lại không thật tin tưởng. Lời thánh hiền nói Huệ không dám bắt bẻ, nhưng lắm khi thực tế lại khiến Huệ nghi ngờ không thôi. Vì vậy Huệ mới to gan xin Trần tiên sinh giải tỏa khúc mắc trong lòng giúp Huệ.
Câu trả lời thành thật của Nguyễn Huệ làm Trần Ngạn cười lớn. Câu trả lời của Nguyễn Huệ làm Trần Ngạn vô cùng vui sướng. Cuối cùng thì ông cũng tìm ra được một quân vương chưa bị đám hủ nho trong triều làm cho hư hỏng.
-Vậy Ngạn xin bêu xấu bản thân một phen vậy.
-Xin tiên sinh cứ giảng. Huệ rửa rai lắng nghe
-Quân vương muôn có thiên hạ phải biết đắc nhân tâm.
-Đắc nhân tâm?
Nguyễn Huệ cau mày. Ông từng nghe về thu phục lòng dân nhưng đắc nhân tâm thì...
-Đắc nhân tâm không chỉ là thu lòng dân, mà còn là thu phục lòng người. Thần tử bao quanh, quân binh bảo vệ, thần dân tuân phục, đó là đường ngắn nhất để có thiên hạ.
-Vậy còn thiên mệnh.
-Thiên mệnh là chi, thiên mệnh tại lòng dân, lòng dân theo ai, mệnh trời theo người đó.
-Nhưng mà...
-Đúng, Lưu Bang nhờ vận khí mà được lên ngôi hoàng đế, nhưng khải bẩm bệ hạ, bệ hạ quên mất Hạng Vũ rồi sao. Hạng là hào kiệt một đời, vì sao mà phải chết tức tưởi. Chính là vì mất lòng dân. Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức. Lòng dân là do chính ta giành lấy, hiểu được lòng dân chính là hiểu được thiên mệnh, hiểu được thiên mệnh tất thiên hạ trong tay ta.
Vừa nghe, Nguyễn Huệ vừa gật gù. Đây chính là điều Nguyễn Huệ từng nghĩ nhưng chưa đạt được đến mức súc tích rõ ràng như thế này.
-Nhưng còn vế sau, địa thế khôn quân tử dĩ hậu đức chế vật.
-Khải bẩm bệ hạ, thiên hạ này, nhân tâm chỉ gói gọn trong ba chữ. Mà hiểu được ba chữ đo thì mới đắc thành nhân tâm.
-Ba chữ?
Nguyễn Huệ trợn tròn mắt. Dù ít học hành, nhưng những chuyện xưa được nghe, thì đắc nhân tâm là điều khó vô kể. Bao đời quân vương vì thất nhân tâm mà mất nước, nên khi nghe chỉ cần ba chữ là thấu được dân tâm thì Nguyễn Huệ không làm sao tin cho được.
-Đúng, chỉ có ba thứ. Úy, Lợi, Nghĩa.
Khuôn mặt hai vợ chồng Nguyễn Huệ ngây ra một lúc rồi bình hòa trở lại. Lời Trần Ngạn nói hoàn toàn là điều họ hay thấy nhưng lâu nay không thấy được.
-Khải bẩm bệ hạ, tại sao thần lại lấy Úy làm đầu. Nho gia có dạy, quân tử dĩ hậu đức chế vật, nghĩa là quân tử phải dung đức đối đãi vạn vật. Tống nho các đời dựa vào câu này mà ra sức dùng đức để giáo hòa lòng dân, quân tử dĩ trung vi tiên, lấy quân thân sư làm gốc. Điều này đúng nhưng viễn vông. Vạn dân không phải cứ dùng đức là được hết vì lòng người khó dò, nên phàm kẻ nắm đại quyền phải có Uy, từ đó mà tạo Úy. Dân có Úy kỵ quân vương, thì quân vương mới đủ sức mà ngạo thị thiên hạ, khống chế quần hùng.
-Xin Trần tiên sinh xá tội vô lễ, nhưng bản cung có nghe, đời Tần không phải vì đốt sách chon nho, trọng Pháp gia, hình phạt nặng nề, lòng dân ly tán mà mất nước đó sao?
Trần Ngạn không cản mà chỉ cười lớn rồi chấp tay hướng Ngọc Bình mà nói.
-Bắc Cung thứ cho Ngạn tội vô lễ, nhưng nhờ đâu Bắc Cung tỏ tường việc Tần Hoàng dùng trọng hình mà làm lòng dân ly tán.
-Là bản cung đọc trong sử.
-Vậy dám hỏi Bắc Cung, sử đó do ai viết nên?
-Là do ...
Ngọc Bình tự nhiên trả lời theo bản năng thì chợt ngớ ra. Trần Ngạn không nói chỉ cười cười nhìn Nguyễn Huệ.
-Sử là do Nho gia viết ra, dĩ nhiên làm sao mà lại viết tốt cho kẻ từng đốt sách chôn nho cho được. Hơn nữa nếu vậy, thì Hán Cao Tổ lấy gì trị quần hùng, bình thiên hạ đây.
Nói rồi, Trần Ngạn lại quay về với chén trà. Hương trà thơm ngát làm Trần Ngạn cảm thấy sảng khoái vô cùng, nhất là khi nó được nhấm nháp cùng sự thích thú khi quan sát hai kẻ còn lại trong phòng khó chịu mà hết cầm chén lên lại hạ chén xuống.
-Khải bẩm bệ hạ, đúng, Pháp gia nổi danh vô tình, chỉ lấy pháp làm đâu, mọi chuyện dựa theo pháp luật mà xử. Lại phải nói, Pháp gia đề cao thuật, nghĩa là mưu kế, chỉ cần hiệu quả, bất kể nhân tình nên bị Nho gia phê phán. Nhưng mặt khác, Pháp gia lại đúng ở việc, mọi việc phải lấy Pháp làm chủ. Pháp làm chủ thì muôn việc rõ rang, triểu đình ngay ngắn, mọi việc đều có khuôn phép. Đời sau chỉ nhớ Pháp gia vô tình vô nghĩa mà quên đi cái hay của Pháp gia.
-Vậy xin Trần tiên sinh giảng rõ, làm sao dùng Úy mà đắc nhân tâm?
- Muốn tạo được Úy thì ân uy phải đầy đủ, có thưởng mà phải có phạt. Tuy đúng là nên khoan hòa nhân ái để được lòng dân, nhưng đó chỉ là hạ sách. Pháp luật không nghiêm chỉnh thì khó tạo được kỷ cương, thiếu kỷ cương thì lòng dân dễ sinh khinh nhờn. Ngược lại, hình luật quá nặng nề cũng không thể được. Hình luật nặng nề thì lòng dân tất sinh mỏi mệt, tham qua ô lại có chỗ mà đục khoét, hơn nữa Úy cũng phài có chừng mực, quá úy kỵ tất sinh sợ hãi, quá sợ hãi tất sinh hèn yếu. Trị thiên hạ, tối kỵ là nhân tâm hèn yếu, cho nên còn một chữ Úy nữa mà bệ hạ cần theo. Nhưng mà chuyện này lại đụng đến chỗ húy, cho nên Ngạn không dám lộng ngôn.
-Xin Trần tiên sinh giảng rõ.
-Úy này là úy kỵ của bậc quân vương. Bao vương triều vì sao chỉ được một hai đời là quốc thịnh dân an còn các đời sau lại suy đồi, chính là vì quân vương không hề có sự úy kỵ. Dân làm sai thì có quan phụ mẫu sửa trị, quan làm sai tất cũng sẽ có quan khác hay chính quân vương sửa trị, nhưng nếu quân vương làm sai thì sao? Kẻ nào dám sửa trị quân vương đây. Thói đời ai ai cũng có chỗ tự đại, nhất là kẻ nắm đại quyền thiên hạ trong tay càng khó mà không sinh lòng kiêu ngạo. Kiêu ngạo tất sinh sơ suất. Dân thường cho tới quân vương ai ai cũng là người, nghĩa là sẽ kiêu ngạo sẽ sơ suất. Dân sơ suất thì cùng lắm là hại mình, quân sơ suất thì không chỉ hại mình, mà còn hại người, dân làm sai chết một, quân đi sai một nước cờ, thì ngàn vạn người phải đi theo mà bồi tội. Cho nên, quân phải được ước thúc thì mới khỏi sinh lòng kiêu ngạo mà hư đại nghiệp.
-Nhưng thưa Trần tiên sinh, chẳng phải các đời trước đã lập Ngự sử đài ước thúc hoàng đế và quân vương đó sao?
Trần Ngạn không nói gì, chỉ cười. Hai kẻ này đúng là song kiếm hợp bích, trời sinh một đôi, Trần Ngạn thầm cười. Nguyễn Huệ chưa nói gì, chỉ liếc mắt là Ngọc Hân đã hiểu được ý. Đúng là thi vị.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com