Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Hồi II

"Hạ Y Lạp, Á Đông vang danh khắp chốn
Bình Ca Tháp, nhập chung kết luận anh hùng"

Bước vào tứ kết, đối thủ của Đại Việt là Y Lạp Khắc quốc, xứ này chính là kế thừa văn minh Lưỡng Hà năm xưa, dù đang vướng cảnh binh đao nhưng mấy năm gần đây luôn được xếp vào hàng tứ cường trong châu lục.

Lại nói hơn mười năm trước, Y Lạp Khắc từng hạ Đại Việt cũng tại tứ kết Túc cầu đại hội Á châu ở Vọng Các. Hận cũ chưa nguôi, thế nhưng đối phương binh hùng tướng mạnh, chẳng ai nghĩ Đại Việt nhỏ bé có thể làm nên chuyện gì. Trận chiến diễn ra ở thành Thường Thục, khán đài vắng hoe, chỉ có phía nam xa xôi vạn người nóng lòng theo dõi.

Quân Việt vào trận bất thần lao lên, rồi từ một đường phạt góc phá vỡ cầu môn Y Lạp Khắc. Quân Y Lạp Khắc bị bất ngờ, vừa tức vừa sợ ào ạt tấn công không ngớt. Lại nói có viên trọng tài là người Úc Đại Lợi, âm thầm trợ lực mà tặng cho một quả phạt đền, nhờ đó mà Y Lạp Khắc bắt kịp, dồn dập uy hiếp Đại Việt suốt hai hiệp chính.

Sang hiệp phụ, Y Lạp Khắc lại vượt lên dẫn trước. Nhưng quân Việt không hề nao núng, lại ra tiếp hai đòn sấm sét. Y Lạp vất vả lắm mới cân bằng lại được, qua một canh giờ hai bên vẫn bất phân thắng bại, đành chấp nhận đấu súng phạt đền.

Đại Việt bấy giờ thế nước đang lên, trong quân có người thủ môn họ Bùi, tên là Tiến Dũng, gốc ở trấn Ngọc Lặc, Thanh thành, tuổi vừa hai mươi, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, hàm én mày ngài, bụng chia sáu múi. Luận về dung mạo thần thái đều khiến không biết bao nhiêu thiếu nữ thầm nhớ trộm thương. Còn luận về tài năng, họ Bùi giữ khung thành cho đội, cản phá không biết bao nhiêu đòn nguy hiểm, riêng chuyện phạt đền, khả năng mười lần cản được ba, bốn, nhiều lần khiến ba quân nức lòng, tướng sĩ tin yêu.

Ngay từ loạt đầu tiên, Tiến Dũng đã ôm gọn được cầu từ chân đội trưởng Y Lạp Khắc. Lại nói bốn lượt sau cầu thủ Việt đều hạ được thủ môn đối phương. Thắng bại đã rõ, cả đoàn Y Lạp Khắc khóc lóc như mưa, tức tưởi ra về.

Lần đầu tiên được lọt vào vòng tứ hùng bán kết, bao nhiêu nghi kị của bách tính Đại Việt hết thảy đều tan biến, nhà nhà mừng vui, đổ ra đường hò reo không ngớt, phấn chấn cùng nhau chờ đợi.

Ngày hai ba tháng giêng, đến khoảng giờ Thân, khắp nơi đường sá im lìm, phố phường thưa thớt, ai nấy đều ngồi trước màn hình, tâm trí đều hướng đến Thường Châu nơi đoàn túc cầu Đại Việt đối đầu với đoàn Ca Tháp Nhĩ. Tuy cùng ở vùng Trung Đông, nhưng Ca Tháp Nhĩ không phải chịu cảnh binh đao, dân ít dầu nhiều, tiền của không biết bao nhiêu mà kể xiết. Quốc vương xứ ấy muốn có đoàn túc cầu mấy năm tới phải ra tranh hùng ở Đại hội thế giới, bèn không tiếc kim tiền mà lựa chọn tinh anh, rước mời danh tướng từ Tây Ban Nha về rèn binh luyện sĩ, tiếng vang khắp cả một vùng. Ca Tháp Nhĩ toàn thắng vòng bảng, khí thế ngút trời, nào có ngán chi Đại Việt nhỏ bé xa xôi!

Thế nhưng, vào trận không lâu, Đại Việt trong ngoài thủ hộ kín kẽ, quân Ca Tháp Nhĩ không sao công vào được khung thành. Lúc bấy giờ, dường như không quên hậu chước, trọng tài Tân Gia Ba lại bắt Đại Việt phạt đền khiến quần hùng các nước đang xem vô cùng phẫn nộ. Ca Tháp Nhĩ cứ thế mà thong thả dẫn trước một bàn...

Đại cục dường như đã định, thế nhưng Đại Việt vẫn còn nhân tài đứng ra chống đỡ, người này họ Nguyễn, tên là Quang Hải, xuất thân miền Đông xứ Anh, gần trung tâm Thăng Long thành.

Hải tuy không to cao vạm vỡ, nhưng thân pháp vô cùng mau lẹ, kỹ thuật cá nhân lại xuất quỷ nhập thần. Thân là tiền vệ, Quang Hải vừa giúp phòng thủ, vừa dựa vào tốc độ mà xuất kì bất ý tấn công. Hai lần đội Ca Tháp Nhĩ vượt qua Đại Việt cũng hai lần Quang Hải tả xung hữu đột, dứt điểm phá thành đối phương. Nhờ đó mà trận chiến lại được kéo dài đến loạt đấu súng.

Lúc này tình thế thập phần căng thẳng, nhiều kẻ yếu tim không dám nhìn màn hình. Quang Hải dường như sức lực hao hụt, ra chân chưa thật hiểm khiến quân Việt bị đối phương chặn mất pha đầu. Thế nhưng ở phía cầu môn Tiến Dũng vẫn vô cùng xuất sắc, bay phải nhảy trái vô cùng mau lẹ, phá được hai đường cầu của cầu thủ Ca Tháp Nhĩ. Về phía những dũng binh còn lại của Đại Việt, không ai mắc phải sai lầm, cả đoàn cứ thế mà hiên ngang đi vào chung kết.

Tin chiến thắng trực tiếp bay về, khắp nơi dân chúng Đại Việt đổ ra đường ăn mừng đông hơn trẩy hội. Già trẻ lớn bé hết thảy đều vui vẻ chan hòa, nhảy múa hát ca, suốt từ bắc chí nam đều rợp trời cờ đỏ, phấp phới sao vàng. Triều đình hoan hỉ ban thưởng không ngớt. Khắp nơi trong vùng Đông Á đều vang lên lời tán tụng, chư hầu bốn phương trước dâng biểu chúc mừng, sau lại lên Diện Thư không tiếc lời ca ngợi. Tình cảnh hân hoan như vậy kể từ khi hoàn thành đại nghiệp thống nhất đến nay quả thực chưa có bao giờ...

Qua mấy ngày, bách tính Đại Việt vẫn còn lâng lâng, người người lên Diện Thư say sưa luận bàn không dứt. Thắng càng lớn, hi vọng càng thêm mãnh liệt. Từ Thăng Long đến Gia Định khắp nơi sắm sửa màn to loa khủng, lập đại hội xem túc cầu. Phường xưởng ngày đêm may thêm cờ đỏ, dân chúng nhiều người nô nức tìm thiết ưng hoặc hỏa xa đến tận Thường Châu cổ vũ. Thương Quán Bắc Triều tại Thăng Long mở thêm một cửa làm thị thực, ngân lượng thu được nhiều không kể xiết...

Gần ngày quyết chiến, Thường Châu bỗng có đợt hàn khí, tuyết rơi lất phất, phủ trắng nơi chiến địa báo hiệu một trận thư hùng khốc liệt. Đối thủ duy nhất còn lại đến từ Ô Tư Biệt Khắc, đây là xứ thảo nguyên, dân cư đông đảo thiện chiến, luận về túc cầu cũng tuyệt nhiên vào hàng ưu tú, trước loại Nhật Bản, sau hạ Cao Ly vô cùng áp đảo. Chung kết lần này một bên khiến phương Tây ôm hận, một bên thì uy trấn hạ nhục phương Đông, quả là thực là vô tiền khoáng hậu!

Xét về thực lực, Đại Việt vẫn bị coi là yếu hơn, nhưng nhìn gương từ Úc Đại Lợi đến Ca Tháp Nhĩ khiến tướng sĩ Ô Tư Biệt Khắc đều không dám khinh thường. Trận này ai thắng thì chẳng những năm nay chiếm ngôi đệ nhất, mà tiếng thơm lại còn vang mãi đến muôn đời.

Kết quả sẽ ra sao, xin để hạ hồi phân giải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com