Nguyên Anh lên xe rời tòa nhà Hải Vương sau hơn 2 tiếng ghi hình cho bản tin phỏng vấn có thời lượng chỉ nửa tiếng. Cậu đoán đúng về việc thông cáo báo chí đã được gửi cho các cơ quan truyền thông, nhóm sản xuất chương trình Tin Tức 24h sau khi nhận tin đã nài nỉ cậu quay lại đoạn giới thiệu, và thêm vào vài câu hỏi về tin tức bổ nhiệm("Điện hạ cảm thấy như thế nào khi được tiếp bước các vị trưởng bối ạaaa?"). Họ làm quá lên cứ như Thánh thượng đã xuống chiếu sách phong cậu làm Trữ quân không bằng, Nguyên Anh thầm nghĩ trong khi vẫn hết sức tư lự sau khi xem tin nhắn của hoàng tử Thánh Kiệt.
Nó chỉ vỏn vẹn vài chữ "Về cung đi rồi nói nè em trai."
"Vũ Đình Nguyên Minh chết tiệt, chắc chắn anh đã ủng hộ Đức Cha trong quyết định này." Nguyên Anh lẩm bẩm trong cổ họng, tất nhiên không để bà Thượng ký ngồi bên cạnh nghe thấy, không là sẽ phải nghe thuyết giảng đến mòn tai về chuyện lễ giáo.
Bây giờ đã gần sát giờ tan ca sáng của các văn phòng, tuy nhiên dọc theo đại lộ Lạc Vương không nhiều xe cộ hay các đám đông tranh thủ đi ăn trưa. Nguyên Anh đoán rằng họ đang mắc kẹt trong các cuộc họp giao ban đầu tuần.
Cậu biết rất rõ công chúng sẽ ủng hộ nếu cậu tham gia chính trường lúc này, hầu hết người dân luôn đồng tình với các thành viên hoàng gia trong mọi việc, nhưng cậu ngán ngẩm việc phải dự các phiên đại triều vốn quá nửa là các cuộc tranh luận giữa hai phe Nguyên Lão và Cách Lão. Gần như toàn bộ phe Nguyên Lão là các đại thần thuộc Triều Đình (tương tự như Chính phủ), những người có phần bảo thủ về việc giữ nguyên văn hóa; trong khi mặt trận bên kia của phe Cách Lão, những kẻ sính ngoại đặc biệt là phương Tây, hầu hết là các quan viên máu mặt của Quốc Vụ Viện (tương tự như Quốc hội).
Mặc dù Thánh Kiệt đứng về phe Nguyên Lão và Thánh thượng thì không ưa mấy gã của phe Cách Lão, nhưng Nguyên Anh chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ đứng hẳn về phía nào. Như Vũ Đình Nguyên Nhi tức công chúa Nghiêm Hy, người chị gái kế trước cậu từng nói, cậu luôn tránh các cuộc đối đầu nếu có thể. Còn người chị Vũ Đình Nguyên Linh tức công chúa Chiêu Hoa kế sau Thánh Kiệt, nhận xét (hay chỉ trích???) cậu thiếu chính kiến một cách rõ ràng.
Nếu các anh chị của cậu đều suy nghĩ giống nhau, vậy mắc gì lại đề cử cậu tham gia chính trường lúc này làm gì?
Mà không phải Nguyên Anh không có tham vọng thừa kế, ngược lại cậu luôn khao khát được dự phần vào đế nghiệp thiên thu gần hai nghìn năm của triều Vũ Đình. Dòng họ nhà cậu là nhánh Hoàng tộc duy nhất còn tồn tại của Lạc tộc, vốn là những bộ lạc tổ tiên của quốc gia, đã giữ vững bờ cõi trước mọi sự xâm lăng từ phương Bắc lẫn phương Tây, và giờ đây được mệnh danh là "ngôi sao sáng" về kinh tế ở miền Đông Nam của Á châu. Việc kế thừa hoàng vị dù rất áp lực và gánh nặng không hề nhỏ, nhưng Nguyên Anh đã hằng mong mỏi từ khi bắt đầu biết suy nghĩ.
Mãi miên man đuổi theo các dòng suy tư, Nguyên Anh không để ý thấy xe đã xuống khỏi Nhật Nam, một câu cầu dây văng khổng lồ vượt sông Cả nối phân khu tài chính với phân khu hành chính. Chỉ khi nhìn thấy Khải Môn, chiếc cổng chính đồ sộ để vào cung Thiên Khải phía xa xa bên kia quảng trường Thống Nhất, cậu mới giật mình để ý đã gần về tới nhà. Trên quảng trường dù sát giờ trưa, trời nắng muốn bể đầu nhưng vẫn có rất nhiều người, hầu hết là khách du lịch đi tham quan kinh đô văn hóa của Đại Việt.
Thủ đô chính thức đặt tại Đông Kinh, đó là trung tâm của mảnh đất đã phát tích triều đại nghìn năm này, nhưng thực tế từ sau hai cuộc chiến vệ quốc và thống nhất quốc gia, hoàng gia Vũ Đình đã xây dựng hệ thống cung điện mới tại dải đồng bằng rộng lớn phía Nam, ngay ngã ba giao giữa sông Cả và sông Huyền, biến nơi đây thành kinh đô văn hóa và đầu não chính trị, đặt tên là Phủ Văn Lang theo tên vương triều tiên khởi.
Xét cho cùng, dù cung Thiên Khải có tuổi đời chưa tới 60 năm nhưng so với cung Đông Kinh, Nguyên Anh thích ở đây hơn. Cung điện Đông Kinh ngoài kia đã trải qua bao thế hệ tổ tiên và các cuộc binh đao bể lửa, ai biết được có bao nhiêu linh hồn vẫn còn quẩn quanh ở đó. Nguyên Anh là đời thứ 3 ở tại cung Thiên Khải, và ngoại trừ Tiên Đế thì vẫn chưa có ai khác qua đời trong cung cả. Suy nghĩ có phần trẻ con này Nguyên Anh chưa bao giờ nói cho ai biết, ôi mất mặt vô cùng.
Một lần nữa, Nguyên Anh không để ý thấy xe đã rẽ phải vào đại lộ bên hông tòa thành, chạy dọc theo chiếc hào nước ngăn cách cung Thiên Khải với đại lộ. Cậu thoáng thấy đám sen súng hơi hé nụ bên dưới hào trước khi xe lại rẽ trái ngay chiếc cầu con con dẫn tới Thần Vũ Môn tức cổng phía đông của cung.
Ngoại trừ các đại lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ đăng cơ hoặc sanh thần Hoàng đế, không ai được phép đi thẳng vào cung Thiên Khải từ Khải Môn. Hầu hết các đại thần mỗi khi vào chầu sẽ đi qua Thần Vũ Môn, giống như Nguyên Anh bây giờ vì điện Diên Hồng nằm ở phân khu bên phải của cung Thiên Khải, đối diện với sân Long Trì ngăn cách chính điện Thiên An và điện Khải Hưng.
Các cung, điện nơi hoàng đế và gia đình hoàng gia ở được đặt theo phong hiệu của từng người, không giống như Đại Trung hay Đại Triều và Đại Hòa. Do vậy mà tẩm cung riêng của Nguyên Anh gọi là cung Hồng Vũ theo phong hiệu của cậu. Cung này nằm bên phải ngay ngã tư đầu tiên của đường Thần Vũ, đi sâu vào trong và chạy ngang qua ba cánh cổng lần lượt là Thánh Kiệt Môn, Chiêu Hoa Môn và Nghiêm Hy Môn - cả ba cung này cùng đối diện một hoa viên xinh đẹp. Cung cuối cùng trên trục đường nội bộ này nằm đối diện một ao sen với thủy đình nằm giữa, đó là cung Hồng Vũ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com