Chương 20: Chiêu Văn vương một mình đến sơn động Đà Giang (1)
Tháng mười năm ấy, Thánh Tông họp triều thần, nói:
- Ta năm nay đã gần bốn mươi tuổi, thái tử cũng lớn rồi, cần phải trao quyền bính để khỏi bỡ ngỡ sau này.
Ngày hai mươi hai tháng ấy tuyên chiếu nhường ngôi cho thái tử Khâm tức là Trần Nhân Tông. Nhân Tông xưng là Hiếu Hoàng, tôn Thánh Tông là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng hoàng đế, tôn mẹ Thiên Cảm hoàng hậu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu. Triều thần dâng tôn hiệu nhà vua là Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân hoàng đế.
Quần thần có ngươi bàn nên dâng biểu sang nhà Nguyên cầu phong. Quan thiên chương các đại học sĩ là Trần Cố nói:
- Năm trước Thái Tông băng, nước ta đã cho trung thị đại phu Chu Trọng Ngạn, trung lương đại phu Ngô Đức Thiệu sang báo tang. Nhà Nguyên đã không sang viếng lại còn giữ sứ không cho về, rõ ràng là họ ỷ thế nước lớn hiếp nước nhỏ, không kể gì lễ đạo. Vậy thì ta cần gì phải cầu phong.
(Trần Cố: Người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện. Nay làthôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Ông đỗ trạng nguyênkhoa Bính Dần - 1266)
Chư vệ kí ban Nguyễn Thám bàn:
- Họ không giữ lễ, ấy là trái ở họ. Ta làm căng lên tất tạo cho người Nguyên có cái cớ mà gây chuyện can qua.
Thái uý Trần Quang Khải tâu:
- Nay người Nguyên đã dồn người Tống vào mảnh đất nhỏ như bàn tay, lẽ tồn vong chỉ trong sớm tối. Nhà Tống mất rồi không lý nào người Nguyên không đánh ta để hả cái giận mấy mươi năm, có cớ hay không cũng chẳng can hệ. Tốt nhất xin hoàng thượng sửa sang chính trị, tích thảo dồn lương, chiêu binh rèn tướng, tu sửa thành trì phòng khi hữu sự.
Triều thần ngươi bàn đi người bàn lại, cuối cùng nhà vua cũng không cử sứ sang Nguyên nữa. Nhà Nguyên thấy nhà Trần không cầu phong, mới cho đoàn sứ bộ Đại Việt của Lê Khắc Phục về nước và cử một đoàn sứ do lễ bộ thượng thư Sài Thung dẫn đầu cùng bọn hội đồng quán sứ Cáp Lạt Thoát Nhân, công bộ lang trung Lý Khắc Trung, công bộ viên ngoại lang Đổng Doãn sang hạch nhà Trần về việc vua Trần chưa được phong đã lên ngôi và thúc ép vua Trần vào chầu. Khi ấy quân Nguyên đã chiếm được Ung châu nên bọn Sài Thung theo đường Giang Lăng qua Ung châu tới ải Vĩnh Bình để vào Đại Việt nhưng vua Trần đưa thư bắt bọn Sài Thung phải quay về đi đường Vân Nam như thông lệ. Bọn Thung không nghe, đưa điệp sang đòi quan binh nhà Trần lên biên giới đón. Vua Trần cho quan ngự sử trung tán là Đỗ Quốc Kế lên đón. Đỗ Quốc Kế không dẫn bọn Sài Thung theo đường lớn mà cứ xuyên rừng đi. Bọn Thung phải đi xa lại trèo đèo leo núi, bao nhiêu xe kiệu vứt đi hết, vất vả muôn phần.
Sài Thung đến Thăng Long, hống hách nạt nộ, đưa chiếu thư của Hốt Tất Liệt đòi Trần Nhân tông phải thân sang chầu, còn doạ: Nếu trái ý thì hãy sửa thành, chỉnh quân mà đợi đại quân của ta. Trần Nhân Tông chẳng theo một yêu cầu nào của Hốt Tất Liệt, chỉ cho mở tiệc đãi sứ ở điện Tập Hiền. Sài Thung bất mãn không dự. Sau bữa đó nhà vua không tiếp sứ. Bọn Sài Thung muốn nói gì thêm chỉ giao dịch với thái uý Trần Quang Khải, lâu ngày không được công trạng gì đành xin về nước. Hôm tiễn sứ về nước, Trần Quang Khải làm bài thơ tặng Sài Thung:
Tiễn ngài mà dạ bâng khuâng
Ngựa xăm xăm bước về đường quê vua
Bắc Nam tình những từ xưa
Cạn ly chủ khách tiễn đưa trường đình
Vừa thôi đã khuất dặm xanh
Tiếc khi đối ẩm chút tình ca ngâm
Bao giờ gặp lại cựu nhân
Cầm tay chuyện nước chuyện dân thái bình.
(Nguyên văn bài thơ này bằng chữ Hán, như sau:
Tống quân quy khứ độc bàng hoàng
Mã thủ xâm xâm chỉ đế vương
Nam Bắc tâmtình huyền phản bái
Chủ tân đạo vị phiếm ly trường
Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân duệ
Công xướng thù gian tích đối sàng
Vị thẩm hà thời trùng đổ diện
An cần ác thủ tự huyên lương)
Bọn Sài Thung về nước, Trần Nhân Tông cử Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế làm sứ thần cùng sang theo để khước từ mọi đòi hỏi của nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt giận dữ không cho sứ Đại Việt trở về.
Trong khi cho bọn Sài Thung sang hăm doạ Đại Việt, Hốt Tất Liệt lệnh cho bọn Trương Hoằng Phạm và Lý Hằng tiến đánh miền đất cuối cùng của nhà Tống. Tháng Mười một năm ấy (1278), Trương Hoằng Phạm cùng Lý Hằng đem quân đánh miền ven biển. Quân Tống tan vỡ. Thừa tướng nhà Tống là Văn Thiên Tường bị bắt, quân Nguyên dụ dỗ mua chuộc nhưng ông không chịu quy phục. Trong thời gian bị giam, ông đã viết nên tác phẩm bất hủ Chính khí ca.
Sau ba năm giam cầm, ông bị quân Nguyên giết hại.
Tháng Sáu năm Kỷ Mão (1279) Trương Hoằng Phạm, Lý Hằng tiến đánh Nhai sơn. Tướng Tống giữ Nhai sơn là Trương Thế Kiệt chỉ huy quân lính cố thủ nhưng chống không lại. Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống Triệu Bính lúc ấy mới sáu tuổi, nhảy xuống biển tự tử. Trương Thế Kiệt và quân lính, quan lại, cung nhân cũng trầm mình theo hơn mười vạn người. Xác chết trôi đầy mặt biển, dạt vào đất Đại Việt. Người Đại Việt thương tình chôn cất tử tế. Từ đấy nhà Nguyên chiếm đóng toàn bộ Trung Quốc.
Nhà Tống mất, Đại Việt đứng trước hoạ xâm lăng không thể tránh khỏi. Nhà vua cùng triều đình mải lo toan việc binh bị. Bọn tham quan đục nước béo cò vơ vét của dân khiến nhiều người oán thán. Chúa động Đà giang là Trịnh Giác Mật lãnh đạo thổ binh đứng lên khởi nghĩa, đánh giết bọn quan châu, quan huyện, thanh thế ngày một lớn. Quan binh xứ ấy chống không lại, làm sớ tâu về triều đình.
Trần Nhân Tông họp triều thần, bàn kế dẹp loạn. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La tâu:
- Mấy năm nay triều đình mải lo phòng giữ biên thuỳ, lơi lỏng việc giám sát các địa phương. Bọn quan lại các châu huyện nhiều kẻ nhân đấy tác yêu tác quái, sách nhiễu dân chúng khiến họ cực khổ quá mà nổi lên. Xin hoàng thượng tìm cách vỗ về để trăm họ được yên chứ không nên chinh phạt.
Các quan đều cho lời bàn ấy là phải. Nhân Tông hỏi:
- Vậy các khanh hãy chọn cho trẫm một người có thể đảm đương được công việc này.
Trương Xán tâu:
- Thần trộm nghĩ, việc này phi Chiêu Văn vương Nhật Duật ra thì không ai gánh nổi.
Nhân Tông nói:
- Quan thị lang bàn rất hợp ý trẫm.
Nhà vua nói xong, truyền lệnh cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi chiêu hàng. Trần Nhật Duật vốn tính thông minh từ nhỏ, thích đọc sách, ngao du sơn thuỷ, học tiếng nước ngoài và tiếng các dân tộc. Ông nói được nhiều thứ tiếng, hiểu tập quán của nhiều dân tộc, lúc ấy nhận lệnh đi chiêu hàng, không lấy quân của triều đình, chỉ mang thuộc hạ của mình đến Đà giang, cho quân cắm trại lại rồi viết một bức thư bằng tiếng Mường gửi cho Trịnh Giác Mật, khuyên ông ta nên về hàng. Trịnh Giác Mật nhận được thư, họp các đầu lĩnh lại bàn. Các tướng đều nói:
- Quân của Nhật Duật ít, quân ta đông. Xin chủ tướng cho đánh một trận diệt sạch chúng đi.
Giác Mật nói:
- Chúng ta vốn không có ý chống lại triều đình, chỉ vì căm giận thói tham ác của bọn quan châu quan huyện nên bất đắc dĩ phải nổi dậy thôi. Nay trong thư Chiêu Văn vương đã nói rõ nhà Nguyên đang rình rập nước ta. Nếu muôn dân bách tính không hợp sức đồng lòng sao chống được giặc mạnh. Liệu anh em ta có chịu làm tôi mọi cho bọn giặc Hồ không?
Mọi người đều nói:
- Bất cộng Hồ binh, không làm tôi mọi cho bọn người Hồ.
Giác Mật nói tiếp:
- Nếu không muốn làm tôi mọi cho người Hồ thì chỉ có về với triều đình để cùng đánh giặc. Ta nghe nói Chiêu Văn vương là người ân uy tài đảm, nhân chuyến này muốn thử xem có đúng không.
Các đầu lĩnh nói:
- Chủ công nói rất phải. Nếu quả thật tướng triều đình là người tài giỏi thì ta theo, còn không ta giữ lấy trại, mai sau dẫu phải liều chết với giặc mạnh cũng cam.
(Chỉ giặc Nguyên)
Trịnh Giác Mật liền viết một phong thư, cho người đưa đến quân doanh của Trần Nhật Duật, bày tỏ lòng thành và đại ý nói nếu Nhật Duật dám một mình một ngựa lên sơn trại thì Mật sẽ hàng. Nhật Duật nhận được thư, hôm sau đem năm sáu tiểu đồng theo hầu, không mặc giáp, không đeo gươm, chỉ cầm cây quạt ngà phe phẩy, ung dung đi lên sơn trại. Các tướng can:
- Người man không biết lễ nghi, lại hung bạo. Xin vương công chớ tin lời chúng.
Nhật Duật nói:
- Ta đâu phải không biết câu Binh tắc khả yếm trá, nhưng không mạo hiểm sao chúng chịu phục mà theo về, vả lại nếu nó thất tín giáo giở, triều đình còn có vương khác đến.
(Việc binh tất có sự lừa dối)
Nói xong, bảo quân hầu cứ việc tiến lên. Khi đến trước trại của Trịnh Giác Mật, quân Mường bủa vây bốn phía. Người nào người nấy mặt mũi tô vẽ hung tợn, tay lăm lăm gươm sắc giáo dài chĩa cả vào. Nhật Duật mặt không biến sắc, chỉ mủm mỉm cười đi thẳng đến tướng doanh. Trịnh Giác Mật ra mời. Nhật Duật trèo lên nhà sàn nói chuyện với Mật bằng tiếng Mường. Mật sai quân hầu dọn tiệc. Nhật Duật điềm nhiên bốc xôi ăn rồi cùng Mật uống rượu bằng mũi, không hề gượng gạo. Quân Mường thấy thế thích quá cười ầm cả lên. Trịnh Giác Mật bảo bọn chúng:
- Chiêu Văn vương chính là ân chủ của chúng ta. Các ngươi không quỳ lạy còn đợi gì nữa.
Quân Mường bỏ hết gươm giáo, quỳ lạy liên hồi. Nhật Duật bảo thôi không phải lạy nữa, cho mọi người cùng dự tiệc. Đêm ấy đốt lửa nhảy múa, chủ khách say khướt đến sáng hôm sau. Khi tỉnh rượu, Giác Mật nói với các đầu lĩnh:
- Ta đã hàng triều đình, hôm nay theo ân chúa về kinh bái kiến thánh thượng. Các ngươi ở lại lo việc trồng cấy, chăn nuôi, canh cửi đợi ta chầu vua xong sẽ về cùng săn bắn hái lượm, chớ có lơ là.
Quân Mường vâng dạ tuân theo. Ngay ngày hôm ấy Nhật Duật cho nhổ trại ban sư. Khi về đến kinh thành, vương đem Trịnh Giác Mật cùng vợ con thân quyến của y vào chầu nhà vua. Nhân tông vui vẻ nói:
- Khanh đi chuyến này không mất một mũi tên mà bình xong được Đà giang, thật không phụ sự uỷ thác của trẫm.
Nhà vua nói xong truyền ban thưởng cho Nhật Duật, lại bảo Trịnh Giác Mật:
- Trẫm nghe ngươi yêu mến dân chúng, ghét bọn tham quan, thế là tốt nhưng không nên mỗi lúc lại khởi binh làm loạn.
Trịnh Giác Mật xấu hổ lạy tạ xin tha tội. Vua tiếp:
- Nay ngươi đã thực lòng về với triều đình, thế là biết bỏ đường tối mà theo chính đạo, trẫm đâu nỡ bắt tội. Trẫm muốn phong cho ngươi chức quan, lưu lại làm việc ở kinh thành, ngươi có ưng lòng không?
Giác Mật tâu:
- Đội ơn hoàng thượng tha tội. Thần vốn sinh ra ở chốn lâm tuyền, quen với mây ngàn gió núi. Đô hội không phải là chỗ hợp với những kẻ chân đất như thần. Xin hoàng thượng cho thần về quê sống đời sơn dã cùng mường động.
Nhà vua thấy Trịnh Giác Mật có bụng thành thật, liền ban thưởng vàng lụa rồi cho về, chỉ lưu con trai của Mật là Trịnh Tú ở lại kinh đô, giao cho Chiêu Văn vương nuôi dạy lại ban cho tước thượng phẩm, bảo vào trông nom ao cá. Vợ Trịnh Giác Mật tuy là người Mường nhưng đã từng có thời sống chung với người xuôi nên học được tính khôn ranh, lúc ở triều về bảo chồng:
- Ông thật ngớ ngẩn không chê vào đâu được. Người ta mất tiền để đến kinh thành còn chả được, ông lại xin về rừng. Đúng là cái đồ dại có đuôi ra.
Trịnh Giác Mật bảo:
- Mẹ mày thật buồn cười. Ai cũng đòi về kinh thành cả thì ai ở quê đây? Núi rừng rộng rãi thênh thang chả sướng thì thôi lại muốn kéo nhau về nơi đô hội toàn người với bụi. Muốn thở cũng không dám thở mạnh nữa.
- Bây giờ nhà đất đắt như vàng, ông hẵng tạm nhận chức quan, được ban nhà, ban đất sau này không ở bán đi cũng khối tiền, làm sao cứ phải chối đây đẩy. Chỉ được cái sĩ diện, làm ra bộ quân tử lắm chỉ được cái tiếng hão, khố rách áo ôm suốt đời chứ báu gì. Cứ làm quan đã ai bỏ tù đâu mà sợ.
- Trời ơi! Chưa làm quan đã tham như mụ rồi cũng tù thật chứ chẳng chơi.
- Ông cứ nói thế chứ. Quan tham mà phải đi tù có mà nước An Nam này các quan đi tù vợi.
- Mụ tưởng ai cũng như mụ chắc.
- Tôi chẳng biết nhưng nếu quan không tham lấy đâu ra mà ai cũng xây lắm nhà lầu nhà gác thế?
Chỉ vì chuyện ấy mà vợ chồng Trịnh Giác Mật xích mích suýt bỏ nhau.
Chiêu Văn vương nuôi Trịnh Tú chu đáo hết lòng nhưng Trịnh Tú cũng không quen sống ở chốn kinh thành, mấy tháng sau xin về. Chiêu Văn vương vào triều tâu với nhà vua. Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân nói:
- Triều đình giữ Trịnh Tú ở lại là để cha nó không dám làm càn. Nay tha nó về sao khống chế được nữa.
Chiêu Văn vương nói:
- Tôi tin Trịnh Giác Mật không phải là kẻ tráo trở.
Nhà vua nói:
- Ta cũng cho là như vậy. Vả lại Trịnh Giác Mật là dân mà biết theo điều phải, lại có lòng ái quốc. Triều đình không tin dân thì vững sao được. Thôi! Cứ cấp tiền bạc cho nó về.
Trịnh Tú được về mường, sướng như chim bằng về núi nhưng lại bị mẹ mắng cho một trận ngập đầu:
- Mày thật giống bố mày, rõ cái đồ dại nó có dòng. Con ơi là con, ngu ơi là ngu. Chịu khó làm quan một thời gian lại chẳng giàu to hay sao. Thật tiếc công tao đẻ ra mày.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com