Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

10. Đây là McDonald chứ không phải nhà hàng (1).

From Myung Jaehyun,

Do you remember our promises?

"Ba mươi sáu, ba mươi bảy, ba mươi tám,...”

Mấy cái giấy khen được đóng khung cẩn thận treo trên tường, rải rác từ hành lang đến tận cuối sảnh trưng bày. Huy chương, bằng khen, cúp vô địch,... Thứ gì tôi cũng đếm, chỉ cần là thành tựu của trường.

Chuông reo tan học lúc ba giờ chiều mà tôi vẫn còn loanh quanh trong sảnh trưng bày. Ngôi trường này nhiều người gọi là trường dành cho con nhà giàu, tôi chỉ mới nhập học được hai hôm mà cũng hiểu vì sao chỉ người giàu có tri thức mới học được. Ở đây phải dỏng tai lên nghe cho kĩ lắm mới hiểu được giáo viên đang nói cái gì, sách vở dày cui mà mới một buổi đã giảng xong bốn bài, tuần sau còn có ba dự án sinh học phải hoàn thiện. Ở Hàn cuộc thi tiếng Anh nào giáo viên cũng cử tôi đi, sang đến nước ngoài thì tôi chỉ là một học sinh tầm trung biết lắng nghe và giao tiếp.

Chicago là thành phố đông dân thứ ba nước Mỹ, người qua người lại tấp nập, rộng lớn nhiều đường lối khó hiểu. Căn nhà bố mẹ ở lại cách rất xa khu trường học, nằm đâu đó ở phía Bắc thành phố bên những công trình kiến trúc là lạ. Hôm nọ tôi nói sợ lạc đường nên chỉ nhỏ nhẹ xin bố hoặc mẹ đến đón về, cuối cùng vào ngày đầu tiên đi học bảy giờ tối tôi mới bước chân vào được cổng nhà.

Bố mẹ bảo tôi nhìn những người ở đây mà học hỏi, chừng nào đạt được nhiều thành tích hơn đống huy chương giấy khen ở đây thì tức là tôi đã thành công.

Chỉ khi người ta vượt mặt thầy của mình thì khi đó mới được công nhận.

Tôi đếm hoài đếm mãi để giết thời gian, chiều hôm qua đếm được chín mươi tư huy chương, hôm nay không có gì làm lại ngồi xổm đếm bằng khen. Trường này mỗi năm lại có hàng trăm con đại bàng vẫy cánh đi gặt hái thành tựu, rải rác khắp ba khối lớp, không giành giải vô địch các môn tự nhiên xã hội thì cũng đứng nhất nhì mấy cuộc thi thể thao.

Trường mạnh cả não lẫn thể lực, bố mẹ tôi nộp đơn xin vào học dù giàu đến đâu cũng phải kỳ kèo mãi người ta mới nhận. Bố bảo nếu là ông, có thể dư sức thầu công trình liên quan đến giáo dục nhưng lại không cần, vì lúc trường thành lập thì bố mới chỉ mười bảy, và thầy của ông đã quá nổi tiếng với việc xây dựng những trường học danh giá phía Tây thành phố.

Một trường học mà đem đi so với hàng tá công trình đồ sộ của Chicago, bố biết nên xây cái gì để đánh bóng tên tuổi và có cho mình chỗ đứng vững chắc trong nghề. Ngồi một lúc thì mỏi, tôi đứng dậy đi vòng quanh rồi quay về vị trí ban đầu.

Bố tiêm nhiễm những thứ như vậy vào đầu tôi khi ông lái xe đón về vào hôm qua, nghe cũng có lý, nhưng tôi không tìm thấy một chút đam mê nào trong ánh mắt ông qua gương chiếu hậu khi say sưa kể về những công trình kiến trúc.

Đếm đến cái bằng khen thứ sáu mươi tám thì tôi đã mệt rồi. Ngước lên đồng hồ trên tường, bây giờ là năm giờ chiều. Căn tin trường có cả quầy đồ ăn Châu Á nhưng hầu như món nào cũng không hợp khẩu vị, giờ nghỉ trưa kết thúc mà tôi vẫn chưa ăn được gì. Học tiết chiều mà bụng không có thức ăn để tiêu hóa, lúc tan học tôi chỉ muốn về nhà thật nhanh. Thở ra một hơi dài thườn thượt, tôi ngẩng đầu lên đếm thêm mấy cái huy chương thể thao treo tòng teng bên trong một dãy tủ kính.

Tôi xoay qua bên cạnh đếm huy chương ở cái tủ thứ ba, lại đúng ngay vị trí tia nắng kết hợp với tủ kính chiếu thẳng vào mắt. Chán thật, tôi ghét cảm giác bị bỏ lại thế này. Dù đã trải qua nhiều năm với cái cảm giác đó, nhưng tôi cũng muốn được nhớ đến dù chỉ là một chút.

Tôi khó chịu dụi mắt, tia nắng kia đã không còn chiếu thẳng vào con ngươi nhưng tôi vẫn để tay trên mặt, ngăn không cho giọt nước mắt nào trào ra. Có người nói vì lúc sinh ra tôi khóc nhiều quá nên mới bị bỏ rơi.

Rồi tôi giật mình một cái, có bàn tay đang đặt trên vai mình, từng từ tiếng anh bất ngờ lọt qua tai.

"Đang làm gì vậy nhóc?”

Ngước lên đã thấy một người con trai cao lớn, mắt anh màu xanh dương, tóc hơi ngả nâu. Hình như là người sinh ra và lớn lên ở đây, cũng mang dòng máu nơi đây.

“Nè, nghe thấy gì không vậy? Anh đang nói chuyện với em đó.”

Tôi cứ nhìn anh ta chằm chằm trong vô thức, vài giây sau mới dám mở miệng:

“V-vâng ạ?”

Rồi anh ngồi xuống kế bên tôi, trên người diện một cây đen như dân xã hội. Tôi chỉ biết quờ quạng tay chân lùi lại một chút.

“Giờ này chưa về hả? Tuần sau các câu lạc bộ mới bắt đầu hoạt động mà.”

Sau giờ học là lúc các câu lạc bộ của trường hoạt động nhưng tôi phải đợi đến tuần sau, mà nhớ ra bản thân vẫn chưa đăng ký câu lạc bộ nào. Giọng anh ta trầm đặc, nghe qua còn tưởng là giáo viên cho đến khi tôi thấy được khuôn mặt đó sau lớp khẩu trang.

“Nhìn em sợ vậy? Anh hiền lắm á, thấy chưa, mặt mũi không có một vết sẹo do xả súng đánh đấm nào.”

Anh ta mỉm cười, cặp mắt xanh cười lên vẫn thấy rõ hai mí. Mấy cọng tóc nâu rủ xuống trán, lắc lư vài cái khi khẩu trang được tháo ra.

“Mà hiền chứ không phải ngoan, anh có uống rượu, nhưng không làm hại em đâu.”

Tôi không ghét người uống rượu. Ở Hàn có đầy những hàng quán bên đường, rượu bia gì có đủ. Mấy hôm đi học về còn ngửi được thoang thoảng mùi cồn cay nồng, tôi cũng chưa bao giờ tỏ thái độ bịt mũi lướt nhanh qua.

“Không sao, em không sợ rượu.”

Tôi thấy anh lấy khẩu trang che hờ môi dưới cười khúc khích, hình như do nói nhanh quá nên tôi đã phát âm không rõ từ “rượu” trong tiếng anh. Ban đầu có hơi bối rối, nhưng sau đó tôi cũng mỉm cười theo anh.

“Em dễ thương đó, mà trông lạ quá, học sinh mới nhỉ?

“Vâng ạ, em là Lovell Myung, lớp 10.”

Trường này tập hợp đủ loại học sinh từ các nước, không lạ khi một người Châu Á tới đây học, tôi nghĩ rồi nhìn xuống những ngón tay thô dài tháo khẩu trang ra hẳn, hoàn toàn để lộ khuôn mặt góc cạnh trước mắt tôi.

“Allot Benedict, muốn gặp anh thì hỏi cô gái nào ở đây cũng biết, anh là cựu đội trưởng đội bóng bầu dục của trường.”

Hình như ban nãy tôi đã đếm được đâu đó mười lăm chiếc cúp từ các cuộc thi bóng bầu dục, quay qua nhìn người bên cạnh đang cười tươi. Trước tủ kính trưng bày cúp thể thao còn có những tấm ảnh được chụp lại khi những người tham gia thi đấu chiến thắng.

“Đây, anh đấy.”

Allot dắt tôi qua chỗ tủ kính cúp thể thao, chỉ vào tấm ảnh mọi người đang ôm nhau chúc mừng, ở giữa là anh cầm trên tay chiếc cúp loáng bóng. Allot khoanh tròn bản thân đang cười mãn nguyện trong ảnh, tôi lại chỉ để ý bàn tay to lớn đang giữ lấy cổ tay mình. Đứng trước tủ kính trưng bày rồi mà vẫn không buông, tay anh lạnh toát, giữ hờ cổ tay tôi. Với lực tay này tôi vẫn có thể dễ dàng thoát ra, nhưng không hiểu sao bản thân chỉ có thể cứng đờ chăm chăm vào tấm ảnh treo trên tủ.

“Chán ha, hồi anh mới vào người ta cũng kéo anh đi xem mấy thứ thành tích như vậy.”

Đột nhiên anh lên tiếng, quay qua đối mặt với tôi. Allot nở nụ cười, tôi cũng không ngại nhoẻn miệng cười điệu cún con.

“Đi uống với anh không? Ở đó không làm gắt chuyện tuổi tác đâu. Hứa không cần uống, chỉ ngồi với anh thôi.”

Allot hỏi rồi lại quay về với tấm ảnh bóng bầu dục đó, cái mũi cao thẳng khịt một tiếng, cọng tóc nâu rung rinh bên tai. Tôi nghĩ tới bộ bàn ghế phong cách rustic ở nhà bố mẹ mà từ giờ sẽ trở thành nơi mình về. Lại nghĩ đến thứ cồn đăng đắng cay xè ấy, đột nhiên cũng muốn thử vài ngụm cho biết.

Hôm đó trong tiếng nhạc nhẹ bẫng ở quán bar, anh hôn tôi.

“Em nhắn bố mẹ xin qua đêm nhà bạn học nhóm rồi.”

“Cho phép?”

“Chưa trả lời, tin nhắn đã nhận.”

Allot choàng tay ra sau vai tôi, anh thò tay ra bấm điều khiển khóa xe, chiếc xe phía trước kêu lên một tiếng.

“Bữa nay gan ghê ha?”

“Em hiền chứ đâu có ngoan, hợp với anh ha?”

Anh cười cười rồi mở cửa ghế phụ, tôi còn thấy Allot nhanh nhẹn cởi cái áo khoác denim bên ngoài rồi choàng qua cho tôi. Anh đi vòng qua ngồi vào ghế lái, lấy từ dãy ghế sau một chiếc bomber rồi khoác lên mình. Chiếc xe từ tốn di chuyển, không có điểm đến nhất định. Buổi hòa nhạc vừa rồi rất tuyệt vời, tôi đã không ngừng luyên thuyên với Allot về kỹ thuật ấn tượng của guitarist. Allot lại không phải kiểu phát cuồng vì âm nhạc, cả buổi chỉ lắc lư nhẹ nhàng rồi giữ cho tôi không nhào lên sân khấu.

“Nhớ hồi đó còn nhỏ nhẹ chỉ biết theo sau anh…”

“Ngay kế bên đây nhớ làm gì?”

“Vậy tối nay em định ngủ ở đâu?”

“Đâu cũng được.”

Tôi biết Allot chỉ đợi có thế là nói:

“Nhà anh-”

“Không, để em gọi Leo.”

Allot úp mặt vào vô lăng giả bộ khóc, tôi quay qua cười đứt ruột rồi dò tìm tên Leo trong danh bạ. Leonard Aidan là người quen của cả Allot và tôi. Cậu ta thậm chí còn nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng đã nhảy lớp lên học chung với học sinh lớp 11. Trước hôm các câu lạc bộ hoạt động vào năm ngoái, Leonard không biết từ đâu xuất hiện rủ rê tôi đăng ký vào câu lạc bộ nhảy với cậu ta. Sau này mới biết là do Allot đứng sau kêu Leo tới kết bạn.

“Hồi đó.”

Tôi lên tiếng, Allot quay đầu về phía ghế phụ nhưng mắt vẫn nhìn đường.

“Không có anh em vẫn kết bạn được, em hướng ngoại đó.”

“Anh biết mà, tại lo cho em thôi.” - Allot nói nhẹ như không khí, tôi chỉ khẽ hạ đầu xuống để anh đưa tay lên xoa.

Allot lo cho tôi, điều người ta hay nói yêu nhau thì hiển nhiên là phải vậy. Allot hứa rất nhiều, cho đi cũng không ít, đám lửa hừng hực trong tôi cũng vì thế mà lắng xuống đôi phần.

Leo không bắt máy, tiếng tít tít nãy giờ đã kêu lên được chục lần. Allot bên này vẫn mỉm cười lái xe, tay kia gõ gõ lên vô lăng. Chiếc xe này là được bố cho vào cuối năm lớp 10. Cả năm tôi học hành như sắp chết, đến cả Allot sau kì thi rủ đi chơi còn tưởng đang hẹn hò với thây ma. Cuối năm lên nhận giải hạng ba mươi toàn khối, bố chưa hài lòng nhưng vẫn nhượng lại cho tôi chiếc xe đời cũ của ông. Tôi học được vài tháng qua loa rồi lại nhận giấy phép, kiến thức điều khiển ô tô trôi dạt đâu đó, để bây giờ Allot luôn là người chở trên chính xe của mình. Hình như bố mẹ không rảnh để từ chỗ làm rồi lái thêm gần một tiếng đồng hồ đón tôi về.

Allot cũng có xe riêng, nhưng tan học về nhà bằng xe của người khác mà vô tình chạm mặt bố mẹ thì coi như là tôi bị đá về Hàn Quốc.

“Leo không nghe máy.”

Tôi ngửa cổ lăn dài trên ghế phụ, dí sát điện thoại vào mặt. Allot mở miệng hỏi:

“Giờ em định làm sao?”

“Ngày mai sẽ đạp cửa xông vào nhà cậu ta rồi đem hết đĩa than về.”

Ngóc ngách nào ở phòng tôi cũng có đĩa nhạc được giấu kín, giấu quá cũng có ngày lòi đuôi, tôi hết cách đành đem sang nhà Leo cất tạm, sẵn cậu ta cũng hay lôi ra nghe.

Allot phụt cười rồi nói:

“Thế thì đạp nhẹ thôi, nhà nó cũng giàu lắm đấy, cửa chắc là bằng vàng bằng bạc, đạp gãy chân anh sót.”

Nhà Leo giàu có ra sao tôi biết thừa. Mẹ là nghệ sĩ vĩ cầm, bố làm producer có tiếng trong giới. Trên phố có một căn nhà trệt gần trường, đó là studio nhà Aiden. Leo cứ chán là kéo tôi tới đó, lâu lâu cả hai còn ngồi lại học vì foam tiêu âm ở studio là loại tốt nhất.

“Vậy lo tìm chỗ cho em ngủ lại đêm nay đi, không thì sáng mai tức quá em đạp thật đấy.”

“Nhà anh-”

“Đạp cửa nhà anh á?”

“Để tìm chỗ khác cho em.”

Tôi nhoẻn miệng cười như cún con, tay bấm xem lại những đoạn video ngắn nhờ Allot quay trong buổi hòa nhạc ban nãy.

Tìm nơi cho tôi ngủ rất khó. Allot đòi phải đủ độ an toàn cho người yêu ở qua đêm, tôi thì chỉ cần một chỗ để chợp mắt mà không phải nhà của anh. Lòng vòng cả chục phút nói qua nói lại, cuối cùng Allot đưa ra đề xuất bất khả thi:

“Bar không? Tất nhiên vẫn là anh uống, em ngồi, rồi ta hôn.”

"Em cần chỗ ngủ, không phải chỗ hôn.”

"Ừ nhỉ, muốn hôn thì ta làm tại chỗ cũng được.”

Đợi anh nói hết câu, tôi lại tiếp:

“Tuổi này mà đi uống như cơm bữa, em tự hỏi tại sao người ta vẫn chưa bắt anh vào trại giáo dưỡng.”

“Chú anh là chủ quán bar, từ cấp hai là anh đã thường xuyên đến đó đưa đồ cho chú nên người ta không làm khó. Anh có mang ai tới cũng không sao, đến giờ thì đã uống được vài ly.”

Tôi biết trọng điểm là ở việc anh thường xuyên tới bar mà không bị tóm nhưng vẫn thích lái sang chuyện khác:

“Sinh viên năm hai thì uống được là chuyện bình thường.”

Allot cười nói:

“Em không hiểu đâu. Có người phải tập luyện mấy năm liền mới nốc hết được chai rượu trên bàn nhậu. Kỹ năng là từ rèn dũa chứ không phải tự nhiên mà có.”

Allot tâm đắc nói một tràn. Tôi nghe xong thì bật dậy đôi co:

“Bây giờ có cho em một ly thì em vẫn uống được.”

Allot có vẻ thích thú với chuyện này, anh quẹo vào đường bên phải ở một ngã ba, vừa hỏi vừa cười:

“Tại sao?”

“Mấy lúc anh hôn xong, em liếm môi cũng biết vị rượu như thế nào.”

Allot cười ồ lên. Không giống như rèn dũa hay nỗ lực đạt tới tửu lượng đỉnh cao nào đó, tôi chỉ việc hôn là đã có thể làm quen được với các loại rượu.

“Vậy thì phải nhét em vào trại giáo dưỡng rồi.”

“Thế thì anh là kẻ tiếp tay, đi tù đi.”

Allot cười không ngớt, suýt thì lái xe đâm vào gốc cây bên kia đường. Đòi đưa tôi vào trại giáo dưỡng đâu có dễ đến thế, ít ra tôi cũng phải kéo theo người yêu mình phạm tội cùng. Lát sau, khi đã cười nói xong xuôi, tìm được cho tôi một chỗ ngủ đêm nay, anh nói:

“Mà thôi, em sẽ không vô trại giáo dưỡng, anh cũng không đi tù đâu.”

“Sao vậy, anh sợ hả?” - Tôi nhoẻn miệng cười, đương nhiên con người nhắc đến tù tội thì không thể nào đùa được rồi.

Dù vậy, tôi vẫn thấy Allot rất bình thản, anh cười cười xoa đầu tôi.

“Ừ thì cũng sợ một phần, nhưng phần còn lại là vì chúng ta không cần phải bị dạy dỗ hay sửa chữa như máy móc hư hỏng. Em với anh đều biết giới hạn của nhau là ở đâu mà.”

Tôi chớp chớp mắt nhìn anh. Sinh viên năm hai hẹn hò với học sinh lớp 11, khoảng cách ít nhiều cũng có, nhưng không ai đặt ra giới hạn là ở đâu cả. Quá mười tám là sẽ làm được những chuyện không ai dưới mười tám được làm. Tôi biết điều đó.

“Mình chỉ cần cố gắng thôi.”

Allot nói thêm rồi tạm biệt tôi trước cửa khách sạn. Anh còn kéo mũ trùm hoodie xuống, nhẹ nhàng hôn lên môi tôi. Nụ hôn thoáng qua, nhìn ngang còn tưởng là thủ thỉ gì đó. Anh vẫy chào tới chỗ chiếc xe hứa sáng mai sẽ đón, tôi nở nụ cười huơ tay chào lại, lần này tôi không cảm nhận được vị rượu đăng đắng nào cả. Hình như đó cũng là giới hạn, là những gì chúng tôi cố gắng đạt được.

Đột nhiên tôi muốn viết một bài hát về anh, về tôi nữa, là về chúng ta.

Driving to Mcdonald and drawing on each other cheeks

We don’t need to be fixed, just you and I, we’ll try

Your jacket will be mine, and everything will be fine

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com