Chương 3. Tìm Về Quá Khứ
Minh ngồi trước bàn học của chính mình, ánh sáng từ chiếc đèn bàn hắt xuống trang sách đã ngả màu nếu để ý kỹ còn có thể ngửi thấy mùi ẩm mốc toát ra từ quyển sách cũ. Nhìn cuốn sách mượn từ thư viện làm Minh chợt nhớ đến những hiện tượng lạ ở thư viện, đã thu hút Minh ngay từ lần đầu cậu nhìn thấy.
Các trang sách ghi chép bằng những dòng chữ thô mộc, xen lẫn những bức ảnh đen trắng mờ nhòe theo thời gian. Minh miệt mài với từng trang sách và thậm chí còn chẳng dám bỏ sót một chữ trong quyển sách cũ. Cậu cẩn thận đọc từng tư liệu được ghi trong quyển sách, trong đây có rất nhiều câu chuyện được người biên soạn viết và tường thuật lại về những ngôi làng đã bị xoá sổ do chiến tranh và những người vô tội bị sát hại.
Điều cậu chú ý nhất vẫn là những trang sách nói về làng Thạch Lâm, một ngôi làng đã bị thảm sát và hàng trăm sinh mạng bị cướp đi trong một đêm. Trong đó gồm có những người dân làng và những người chiến sĩ bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ công tác tại ngôi làng. Minh đọc từng câu từng chữ một cách kỹ càng, thậm chí còn không quên ghi lại những chi tiết mà cậu nghĩ rằng chúng quan trọng, có khi mình sẽ cần đến. Đặc biệt, khi đọc thông tin và tư liệu trong sách cậu càng thấy quái lạ về một chuyện.
Tất cả những ngôi làng được kể trong quyển sách hầu hết đều bị bom đạn trong lúc chiến tranh loạn lạc khiến cả làng bị san bằng, hàng nghìn người dân vô tội bỏ mạng nhưng chỉ có làng Thạch Lâm lại được người biên soạn nhắc đến với những lời dẫn đầy mơ hồ và kỳ lạ. Có một đoạn được viết trong quyển sách khiến Minh chú ý:
Đoạn trích từ quyển sách "Những bí ẩn lịch sử làng Thạch Lâm":
[Đêm đó, bầu trời Thạch Lâm đỏ rực như bị nhuộm máu. Những ngôi nhà tranh lần lượt chìm trong biển lửa hoà lẫn tiếng khóc la đầy thảm thương vang vọng khắp núi rừng. Có lời đồn rằng, kẻ phản bội là người trong làng, một kẻ đã tự nguyện dẫn đường cho quân giặc để đổi lấy sự sống. Làng Thạch Lâm không thoát khỏi số phận, cả người phản bội và người vô tội đều bị giày xéo bởi sự tàn nhẫn của chiến tranh và sự tàn ác của kẻ giặc khi ra tay tước bỏ mạng người không thương tiếc.
Những người dân sống sót trong đêm đó có một người đàn ông già nua, ông ta tự nhận mình may mắn thoát chết nhờ trốn dưới lòng sông. Nhưng chẳng ai biết rõ ông đã làm gì trong bóng tối trước khi mọi chuyện xảy ra. Những người chứng kiến còn lại thì không ai dám kể lại câu chuyện năm ấy vì vẫn còn sợ hãi và nỗi đau mất đi toàn bộ gia đình trong một đêm khiến họ không muốn nhớ lại những ký ức đau thương đó. Chỉ có một mình người đàn ông là người dám kể và được xem là nhân chứng sống mỗi khi có ai tìm về ngôi làng để tìm hiểu về những ký ức của ngôi làng cổ mang tên Thạch Lâm.
Ngày nay, tại ngôi làng nơi từng đi qua cuộc chiến chỉ còn những bia mộ khắc tên mờ nhòa và nỗi u uất ngàn năm bám lấy ngôi làng Thạch Lâm. Mỗi bước đi nơi đây đều khiến cho người ta phải rợn người như thể cảm nhận được tất thảy những nỗi căm hờn và phẫn uất của những người đã chết. Dân làng cũ, con cháu đời sau không ai trở về, những người mới đến cũng chỉ ở lại được vài ngày rồi cũng rời đi vì ám ảnh và sợ hãi mỗi khi đêm đến. Người ta nói rằng, khi đêm xuống từ những ngôi mộ bỏ hoang và những ngôi mộ liệt sĩ vẫn vang lên tiếng gọi của những linh hồn oán hận như muốn đòi lại một sự thật đã bị chôn vùi trong cát bụi thời gian.]
Minh đặt cuốn sách xuống lòng nặng trĩu cảm giác trái tim như bị bóp nghẹn. Những dòng chữ đó như vẽ ra trước mắt cậu một khung cảnh kinh hoàng với ngọn lửa, tiếng khóc và cả những cái chết oan uổng không ai cất thành lời.
Nhưng điều khiến cậu bận tâm nhất chính là câu chuyện về những người sống sót cuối cùng. Có thể những người này chính là manh mối để đưa cậu đến với sự thật đằng sau lời nguyền bị chôn giấu. Tuy vậy trong lòng cậu cảm giác như đang đứng trước một tấm màn sương mù và đằng sau lớp sương mù đó đang che giấu điều gì đó còn ghê gớm hơn.
Lật từng trang, Minh dần nhận ra bức tranh u ám về một làng quê tưởng chừng bình yên. Trong sách, Thạch Lâm từng là một ngôi làng trù phú với thiên nhiên và con người hoà quyện, ngôi làng nổi tiếng với nghề đan đát tre và các lễ hội truyền thống. Nhưng đến một ngày, chiến tranh kéo đến khiến cho mọi thứ bị nhấn chìm trong máu và nước mắt. Một thảm sát đã xảy ra nhưng những chi tiết về thảm sát lại bị cắt ngắn hoặc viết một cách mơ hồ. Tác giả chỉ để lại một dòng đầy ám ảnh:
[Nỗi đau không tên của làng Thạch Lâm. Một vết sẹo không lành trong ký ức dân tộc.]
Minh gấp quyển sách trên tay lại rồi đặt xuống bàn một cách cẩn thận như đang nâng niu báu vật, đôi mắt nhắm lại. Một luồng ký ức mơ hồ dội về, đó là hình ảnh những gương mặt hốc hác, tiếng la hét và cả ngọn lửa đỏ rực đang thiêu rụi những mái nhà tranh. Những thân người gầy gò lê lếch cầu xin trong vô vọng, xác người chất thành núi đang bị ngọn lửa hung tợn cháy bừng bừng bao lấy, máu người theo cơn giận dữ của ngọn lửa mà chảy xuống, lan rộng ra cả một khu đất cằn cõi. Một cảnh tượng khiến ai cũng phải khiếp vía khi chứng kiến.
Mồ hôi túa ra trên trán, Minh thở gấp như thể chính mình đang chứng kiến cảnh tượng đó. Cậu cảm giác được rằng mọi thứ không phải trùng hợp mà tất cả đang gợi ý cho cậu về những ký ức xưa cũ năm ấy.
Minh ngã người ra sau ghế để bình tĩnh, trong lúc ấy cậu vẫn không ngừng nghĩ về hình ảnh của ngôi làng Thạch Lâm và những điều liên quan.
Minh cau mày, càng suy nghĩ lại càng không hiểu. Cả làng bị giết hại vì có người trong làng phản bội sao? Vậy người đó là ai và hiện tại người đó như thế nào sao trong quyển sách không có đề cập đến chi tiết đó, cậu trầm ngâm về điều đó nhưng lại không biết kẻ phản bội đó chính là ông cố của mình và bà ngoại luôn che giấu điều đó suốt những năm tháng qua.
Minh hoàn toàn không biết sự thật đã luôn bị che giấu nên bây giờ vẫn không ngừng thắc mắc về chuyện của kẻ phản bội, những hiện tượng kỳ lạ mà cậu gặp trong những ngày vừa qua khiến cậu càng suy nghĩ. Nhớ lại những giấc mơ về những oan hồn muốn đòi mạng mình, oan hồn người đàn bà với cây đèn dầu cậu gặp ở toà thư viện cũ liên tục gọi cậu là hậu duệ của ai đó và bắt cậu phải trả lại. Minh ngồi sâu chuỗi lại tất cả những tình tiết quan trọng rồi bỗng dưng chợt hiểu gì đó mà bật dậy:
“Nếu nhớ không lầm thì hình như mấy giấc mơ trong thời gian qua những oan hồn luôn đòi mạng của mình, chúng luôn miệng nợ máu trả máu gì đó thì phải. Còn oan hồn của người đàn bà đáng sợ kia thì lại gọi mình là con cháu của hắn…chã lẽ, thứ mà những oan hồn kia đang nói chính là tổ tiên mình sao? Quái lạ chẳng phải nhà mình ở thành phố Hồ Chí Minh từ đó tới giờ mà, sao đột nhiên liên quan đến cái ngôi làng xa lắc xa lơ ở tận miền Tây đó?”
Minh quyết định tra cứu thêm thông tin, những thông tin trong quyển sách thật sự không đủ thoã mãn điều mà cậu muốn tìm. Cậu gõ từ khóa “thảm sát làng Thạch Lâm” vào công cụ tìm kiếm với mong muốn có được nhiều thông tin hữu ích hơn nhưng chỉ có vài bài viết nhỏ nhắc đến sự kiện này, phần lớn là những câu chuyện đứt đoạn từ những bài báo trên mạng cùng với những lời kể từ các nhân chứng ít ỏi còn sống nhưng cũng chả thấm vào đâu. Một bài báo cũ từ năm 1980 khiến Minh dừng lại với một tựa đề được viết rất mơ hồ:
“Lời nguyền từ Thạch Lâm: Bi kịch của kẻ phản bội hay sự thật bị chôn vùi?”
Câu chuyện trong bài báo chính là về ngôi làng Thạch Lâm, kể về câu chuyện ngôi làng từng bị lính giặc tàn sát vì sự đầu hàng của một người trong làng. Nhưng danh tính kẻ phản bội lại không được tiết lộ, chỉ biết rằng sự kiện này đã khiến ngôi làng chìm trong nỗi ám ảnh kéo dài nhiều thế hệ. Minh ấn chuột vào bài báo và bắt đầu đọc:
[Làng Thạch Lâm nay thuộc xã Phú Hoài, huyện Phú Thuận, một trong những vùng đông dân bị thảm sát hàng loạt trong cuộc tấn công của giặc ngày 02 tháng 05 năm 19XX trên địa chiến sự Nam Bộ. Nhiều nạn nhân xấu số trong vụ thảm sát đã được quy tập về hai nghĩa trang, một nơi là nghĩa trang liệt sĩ và nơi còn lại là nghĩa trang được dân xây lên để tưởng nhớ những người dân đã chết oan trong vụ thảm sát như một trong những bằng chứng tố cáo tội ác của giặc. Bên cạnh những nấm mộ quan lạnh cùng với số phận buồn của những người dân và những người chiến sĩ đã hy sinh cùng với rất nhiều ngôi mộ tập thể, tất cả đều được xem là chứng tích lich sử đầy đau thương của những ngày tan tóc.
Trong đó có cả những gia đình không một ai sống sót, họ được lập chung một bia mộ, chung một dòng hương khói tưởng nhớ trong nỗi đau, mất mát của người dân Việt Nam. Những người còn sống cuối cùng sau vụ thảm sát đều nhắc đến chuyện có kẻ phản bội trong làng dẫn giặc về và chỉ chỗ ẩn náo của căn cứ cách mạng nhưng sau đêm đó chẳng còn ai biết kẻ phản bội ấy ra sao, có lẽ đã đầu hàng theo giặc đi nơi khác hoặc đã chết rồi cũng nên.
Sau khi kết thúc chiến tranh thì câu chuyện thảm sát của giặc gây ra cho ngôi làng mới được lôi ra ánh sáng và dấp phải rất nhiều sự phẫn nộ từ những người sau khi nghe câu chuyện đầy tan thương của ngôi làng vốn từng là một nơi rất xinh đẹp và tràn ngập sự trù phú của thiên nhiên con người, ấy vậy mà vì chiến tranh mà bây giờ đã trở thành một ngôi làng chết chỉ còn vài người sống và qua lại.
……..]
Minh dừng lại không đọc nữa mà chỉ ngồi lặng, cảm giác vừa thương vừa đau xót cho những người vô tội. Càng xem lại càng thấy thương cho những đắng cay, những đau khổ mà dân tộc phải chịu đựng trong suốt thời kì loạn lạc.
Nhìn lại ngày cả làng bị thảm sát cậu mới chợt giật mình, nó trùng với ngày sinh của mình khiến cho cậu lại càng thêm sợ hãi, mọi thứ dần dần trùng hợp với nhau theo cách kỳ lạ. Những thông tin rời rạc cũng dần xâu chuỗi lại trong đầu cậu. Nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống chưa thể lấp đầy. Câu hỏi về người phản bội liệu có phải là tổ tiên của mình hay không? Những người may mắn thoát chết và cả người đàn ông còn sống sau thảm sát, liệu ông ấy còn ở ngôi làng đó không?
Hiện tại bây giờ thì mấy cái đó không hẳn quan trọng nhất ngay lúc này, mà điều quan trọng nhất hiện tại chính là chờ bà ngoại và mẹ về để cậu có thể hỏi về những điều mà mình thắc mắc. Minh không biết rằng mình có được thêm chút gì không nhưng chí ích cậu vẫn tin rằng bà ngoại sẽ biết gì đó và những điều mà bà biết sẽ có thể giúp cậu không ít.
------
Sau khi ghi lại hết những gì mà mình tìm được trong quyển sách và trên mạng, Minh ngồi đó đọc đi đọc lại những thứ mình đã ghi trong quyển sổ tay tới mức sắp thuộc lòng. Nhìn cuốn nhật ký kỳ lạ mà cậu nhặt được ở toà thư viện cũ lại càng khiến cậu chắc chắn thứ này cũng có liên quan đến lời nguyền.
“Chúng tôi đã sai, sai lầm ấy đã khiến những linh hồn không thể siêu thoát. Lời nguyền này không thể bị phá vỡ, trừ khi...”
Cậu cứ nhìn mãi vào dòng chữ nghuệch ngoạc xiêu vẹo kia, trong lòng dấy lên rất nhiều điều khó nói. Người để lại quyển nhật ký này là ai hay chỉ là sự vô tình? Nếu thật sự có liên quan đến ngôi làng vậy thì lời nguyền được nhắc trong đó có ý nghĩa gì? Trừ khi?Trừ khi gì chứ, sao lại bị mất chữ ngay phần quan trọng thế này. Minh chợt mất bình tĩnh, cậu liên tục lật những trang tiếp theo của quyển nhật ký cũ với mong muốn sẽ có thêm gì đó nhưng ngoại trừ chương đầu tiên có dòng chữ nói về lời nguyền thì chẳng có gì khác ngoài những trang giấy đã ngả vàng theo thời gian.
Minh quyết định đợi bà về hỏi bà về chuyện năm xưa. Ngồi ở nhà đợi mãi với trạng thái lo lắng xen lẫn hồi hộp thì cuối cùng cũng nghe tiếng xe của mẹ. Minh liền chạy ùa ra đỡ bà đi vào trong, mặc dù trong lòng đang nóng như lửa đốt, gấp ráp tới mức được biểu thị ra ngoài làm cho bà ngoại có thể thấy được điều đó.
Hai bà cháu ngồi xuống chiếc ghế sofa ở phòng khách, bà ngoại hỏi:
“Con hôm nay sao vậy Minh? Thấy không khoẻ trong người hả con?”
Bà vừa hỏi, đôi tay bà vừa vuốt mớ tóc đang rối trên đầu của Minh cho gọn gàng lại.
Lúc này Minh mới thật sự nghiêm túc và bắt đầu hỏi bà:
“Làng Thạch Lâm…bà có biết hay đã từng nghe qua nơi đó không bà?"
Vừa nghe đến cái tên quen thuộc sắc mặt bà ngoại liền thay đổi.
Minh nhìn vào bà, người phụ nữ đã ngoài sáu mươi trên gương mặt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn do tuổi tác để lại. Cậu cảm nhận sắc mặt của bà có chút khác, vừa bất ngờ cũng vừa lo sợ khiến cậu liền hiểu rằng mình đã tìm đúng người để hỏi rồi. Giọng bà hơi run run liền hỏi Minh:
“Sao con lại biết nơi đó?”
Minh nghe bà hỏi cũng không biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, có nên kể với bà là mình đã mơ thấy ngôi làng và có những oan hồn đến đòi mạng mình không? Nhưng nếu nói ra thì bà có tin mình nói không hay giống như lúc cậu kể với nhỏ Linh nó cũng nói là cậu bị hoang tưởng.
Minh bỗng dưng cuối gầm mặt, trong phút chốc cảm thấy do dự về điều mình sắp nói ra. Bà ngoại như hiểu điều đó liền xoa xoa lưng của cậu an ủi giống hệt như lúc nhỏ mỗi khi cậu làm gì có lỗi mà không dám kể thì bà sẽ liền dùng cách xoa lưng để an ủi. Minh ngẩn đầu rồi bắt đầu kể những điều mà mình đã thấy và cả những cảnh tượng trong giấc mơ, cậu đã kể hết những gì mà mình gặp phải cho bà nghe mà không sót một chi tiết nào.
“Con mơ thấy ngôi làng Thạch Lâm..con thấy ở đó có rất nhiều người chết, nhà cửa thì bị thiêu rụi..còn…còn có cả những oan hồn đòi con phải đền mạng nhưng con chẳng hiểu bọn chúng nói gì.”
Gương mặt của bà ngoại lúc này từ bất ngờ đã dần chuyển sang lo lắng hơn bao giờ hết nhưng bà vẫn im lặng không nói gì cho đến khi Minh hỏi tiếp:
“Bà ngoại, bà biết những chuyện liên quan đến ngôi làng đó phải không? Con tìm hiểu nhiều nhưng vẫn không rõ về những gì đã xảy ra ở đó và cả việc mà những oan hồn gọi con là con cháu của ai đó. Bà hãy kể cho con nghe đi mà bà.”
Nhìn sự khẩn thiết của đứa cháu trai của mình. Bà Hoa, tên thật của bà ngoại Minh. Bà nhìn Minh ánh mắt thoáng hiện lên vẻ do dự. Bà im lặng một lúc lâu như đang cân nhắc có nên nói ra hay không. Vốn dĩ bà đã chôn giấu chuyện này từ rất lâu đến ngay cả mẹ Minh còn không được bà Hoa cho biết đến bí mật động trời đó, nhưng ngày hôm nay có lẽ bà không thể nào chốn chạy khỏi chuyện năm đó, những chuyện mà bà muốn quên vì nó đã ảnh hưởng đến đời cháu của bà. Bà im lặng ánh mắt hướng lên bàn thờ gia tiên khẽ thở dài, nhìn những làn khói từ mấy cây nhang được mẹ của Minh cắm trong lư hương khi nãy khiến bà càng thêm buồn.
Trên bàn thờ, cây nhang cháy dở toả ra àn khói nhẹ nhàng bay lên một cách chập chờn, chập chờn rồi chợt tan biến trong hư vô, để lại một cảm giác trống trải mơ hồ. Mùi hương thoang thoảng gợi lên những ký ức cũ vốn tưởng rằng đã bị quên lãng, những giọng nói giờ chỉ còn trong hồi ức.
Không gian tĩnh mịch đến mức nghe rõ cả tiếng thở dài khe khẽ của bà Hoa vang lên trong bầu không khí im lặng như hòa quyện với sự lặng lẽ của khói nhang, nhấn chìm căn phòng trong một nỗi buồn khó gọi thành tên. Minh có thể thấy đôi mắt thoáng đượm buồn của bà trong làn hơi thở nặng nề. Bà nói:
“Vốn dĩ bà sẽ định không kể chuyện này cho ai, bà sẽ giữ chuyện đó mãi mãi cho đến khi bà chết đi. Nhưng sau khi nghe con kể về những gì mà con đã thấy thì bà biết rằng bà không thể chốn chạy khỏi những chuyện đen tối đó nữa Minh à.”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com