🌤
Chuyện Hách lên vùng núi cao công tác chỉ vừa được phê duyệt, hiệp hội những chiếc máy dò ra-đa chạy bằng cơm chưa chi đã tỏ tường hết cả. Chìa khóa xe còn cắm nguyên chưa kịp vặn tắt, mũ bảo hiểm xanh biển tróc mất lớp sơn bên mắt trái của Doraemon được cậu cầm trên tay, mắt chột kia của nó nhìn chòng chọc vào người hàng xóm ở sát vách nhà cậu. Chán nản không muốn tiếp lời, nhưng Hách vẫn giả đò cười lấy lệ.
"Lên đó làm gì, ở thành phố còn thăng tiến chứ con."
Bán họ hàng xa mua láng giềng gần. Hách gật gù trong lòng như vậy khi cúi người bấm khóa chống trộm vào bánh xe. Lúc đứng thẳng lên, định lịch sự đáp lại rồi chuồn thẳng, mà nhớ đến ánh mắt và giọng điệu khinh khỉnh của người đàn bà đối diện từng dành cho nhà cậu, tự nhiên thấy ghét quá nên nói mát một câu.
"Nghĩ không có wifi cũng hơi cực ạ, mà được cái nhờ vậy nên không ai mắc chung dây, tới ngày muốn tách riêng cũng đỡ bị lườm nguýt."
Hách nắm dây quai mũ và chìa khóa trong tay trái, đẩy cửa vào nhà bằng tay phải rồi nghiêng đầu nhìn sang người đàn bà đã tím mặt vì giận, cảm tưởng trông thấy được khói xám bốc nghi ngút qua hai tai như nồi áp suất. Cậu nhún vai:
"Ở đó bà con chan hòa yêu thương nhau lắm, bác khỏi lo cháu sống khổ sống cực."
-
Khu nhà Hách ở trong rìa nội thành, thời mẹ của mẹ cậu, chỗ này mới chỉ là một thị trấn quê mùa, nhà dân cũng chẳng sát dính vào nhau như bây giờ. Đang nhai cơm còn loáng thoáng tiếng cãi cọ nhà bên cạnh, mẹ cậu còn khoa trương leo lên sân phơi đồ để hóng hớt hai cha con nhà bên đó đang xổ vào mặt nhau mấy tràng nghe cho tròn vành rõ chữ. Hay tỷ như tiếng con chó nhà bà Cảnh cứ sủa ầm lên trong nhà chỉ vì ông chủ say xỉn, mặt đỏ bừng bừng nằm sõng xoài gần chuồng nó không chịu xê đi.
Bước qua gian phòng thuê để vào nhà, Hách quăng cặp táp lên giường, đổ uỳnh người xuống, nhắm mắt đợi gân cốt giãn ra mới xoay đầu sang nhìn thằng cu em đang đọc sách trên bàn gập, cũng chẳng nhớ nó đã mở mồm ra chào mình tiếng nào chưa.
"Chăm dữ, chắc tối trời đổ mưa."
"Sắp thi rồi, chị Hiên thì còn lâu mới thèm dạy em."
Sắp thi của thằng nhỏ cũng tận một năm nữa lận, mà lần này đi rồi, cũng chẳng dám bảo để đấy có gì anh kèm cho.
"Anh có bằng lái công nông chưa mà đi."
Hách bật cười, bởi vì hiểu rõ trong ngôn ngữ của Khánh, ý rằng em sẽ nhớ anh lắm, anh đừng đi. Mà tầm tuổi dậy thì, miệng lúc nào cũng như ngậm hột thị, chỉ giỏi nói linh tinh lòng vòng, mấy lời sến súa thế này có chết cũng chẳng chịu hé răng tới nửa chữ.
"Anh lên đó dạy đọc dạy viết, biết lái công nông rồi là anh ở tuốt luôn trên đó làm nương rẫy với bà con đấy."
Chắc thằng cu em cũng cảm nhận được chuyến đi này không còn chỉ là dự tính ban đầu, nên xụ mặt hẳn, không hùa theo đùa như bình thường nữa. Làm Hách nhớ đến dáng vẻ lấm lét của nhóc con ngoài bãi xe trường học, lúc cậu chuẩn bị phóng đi mới nắm lấy vành yên, đợi cậu chống chân quay lại nhìn mới bắt đầu lí nhí: "năm sau thầy phải tiếp tục dạy chúng em nhé thầy nhé!"
"Thôi, đi hẳn rồi ai ở nhà trị mi, còn kèm mi học đàng hoàng. Ở nhà nhớ để ý bố mẹ giúp anh."
-
Chuyến đi công tác trên huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu lần này, mỗi trường trong quận đều triển khai cho giáo viên đăng ký tham gia nếu có nguyện vọng. Bên cạnh Hách còn có một giáo viên thuộc diện không tình nguyện, bị hiệu trưởng bắt ký tên nhưng vẫn cố gắng ấm ức kì kèo: "Bố, con ở thành phố sẽ chăm chỉ mà làm ơn, tuyệt đối không đẩy tiết cho thầy Hách dạy thay nữa."
Hách ngồi đối diện muốn chống tay lên mặt bàn thở dài, cuối cùng chỉ gõ bút nhịp nhịp lên mặt giấy còn nguyên mùi máy in, tự nhiên thấy hơi hối hận, lần này lên núi phải kẹp theo cậu công tử thành phố rồi.
Trước ngày đi, mấy đứa bạn đều muốn kéo cậu đi tận hưởng nốt không khí náo nhiệt hiện đại, còn bày biện tổ chức sinh nhật sớm cho cậu vào năm sau để phòng hờ. Trong nhóm chat Zalo dành cho giáo viên cũng thường xuyên tag Hách vào dặn dò, và dù rất muốn, nhưng không ai công khai khuyên cậu suy nghĩ lại, dẫu thế nào thì việc ý nghĩa này vẫn rất đáng được tuyên dương. Chỉ là, Hách dạy chính cũng mới thôi, dù chẳng giàu sang hay sống giữa lòng thủ đô, nhưng ít nhất đã bám trụ trên mảnh đất Hà Nội ăn sinh cũng hơn hai mươi mấy năm cuộc đời, chỉ sợ lên đó không chịu được, đến lúc ấy hối hận cũng muộn màng, việc thăng tiến sau này cũng gặp trở ngại không ít.
Mà còn trẻ, thích trải nghiệm, nông nổi một chút cũng tốt.
-
"Thầy Hách, tôi ở đây!!!"
Sáng sớm ngày lên đường, xe khách đã đậu sẵn ở gần cổng trường cậu, các giáo viên ở nhiều nơi khác nhau cũng tụ họp lại đầy đủ. Có người đã gà gật trên xe, có người vui vẻ trò chuyện cùng với nhau, nhưng phần đông còn lại đều chớp chớp nhìn qua lớp kính xe, ngó Hách đứng ngoáy chân ở vỉa hè, chắc nghĩ bụng không biết phải chờ cậu tới khi nào mới khởi hành được.
Hách xốc balo trên vai, vô cảm nhìn qua tên kia một thân đồ hiệu, đếm sơ cũng mang gấp ba lần hành lý cậu, cổ còn treo máy ảnh kỹ thuật số đời mới nhất, đập bụp bụp vào ngực theo từng bước chạy hớt hải trông xót tiền phải biết. Anh ta thở dốc trước mặt cậu, hồn nhiên hỏi thầy đợi lâu chưa.
"Thầy tính đi du lịch thưởng ngoạn hay sao vậy?" Hách nói, nghiến răng vỗ vào balo to tướng khoác một bên vai của người kia. "Xíu leo núi mà mệt thầy đừng đùn đẩy ai cầm dùm nha."
Số tiết chấm công của thầy Toàn luôn ở mức vô cùng đáng báo động, tối ngày nhờ vả giáo viên dạy thay để chạy đi lượn lờ đâu đó có trời mới biết, đặc biệt chuyên nài nỉ mấy giáo viên dễ mủi lòng như cậu. Nhất quan hệ nhì tiền tệ, Hách thấm thía chân lý này hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, Toàn vẫn là giáo viên có chuyên môn tốt, tính cách cũng hoà nhã ít để bụng, chứ không đã chẳng chịu khó nghe lời ông già ở nhà - tức hiệu trưởng trường cậu mà ở đây lái đò đưa học trò qua sông tới lần tư (dù bẻ lái hơi căng và thường xuyên làm rớt mái chèo xuống xoáy nước), còn để cậu bỗ bã chẳng kiêng dè hoài vẫn chỉ ái ngại cười hề hề cho qua.
Sau khi cùng thầy Toàn xin lỗi mọi người trên xe vì chậm trễ, Hách đi tới dãy ghế hai còn trống, nhét balo xuống dưới chân rồi tựa đầu vào cửa sổ. Nhớ lời dặn trước khi lên đường liền lôi điện thoại ra hí hoáy gửi đi mấy dòng cho mẹ an tâm.
Xe lăn bánh cũng là lúc người bên cạnh mới rục rịch ổn định hành lý và chỗ ngồi. Hách nhắm mắt lại, từ chối nhìn theo những lá bàng cánh phượng cuối mùa đang khiêu vũ vài giây cùng làn gió trong không trung trước khi chạm đất, bỏ ngỏ câu đáp lại người đồng nghiệp đang vu vơ hỏi chuyện:
"Hách, thầy có cảm thấy hối hận không?"
-
Từ Hà Nội tới Lai Châu cũng phải hơn bốn trăm cây số, Hách nhớ tới chuyến thăm quan lần đầu của mình cùng các cô nhóc cậu nhóc ở trường tiểu học, những trạm nghỉ chân ăn nhẹ thôi cũng khiến tụi nhỏ hào hứng như một địa điểm du lịch.
Hôm nay, Hách thấy nôn nao khó chịu sao sao ấy, lẩm nhẩm nghĩ lại hồi sáng giờ chưa bỏ gì vào bụng, mà lâu rồi không ngồi xe đường dài, sợ ăn vào rồi trớ hết. Lúc tới trạm nghỉ cuối cùng trước khi vào địa phận tỉnh, Hách vẫn nhất quyết không chịu xuống mua đồ, đầu cũng bắt đầu quay quay vì hơi say, nên chỉ hạ cửa kính để hít thở tạm không khí bên ngoài, lần nữa gạt qua lời mời ăn bánh giầy của thầy Toàn, "ngon lắm á, ăn đi tí còn có sức leo trèo nữa thầy."
Xe dừng hẳn khi Hách đã trở lại trạng thái tỉnh táo như ngày thường, bước xuống xe với tâm thế như sẵn sàng lao vào tiền tuyến, còn thầy Toàn khỏe măng cả chuyến đi lại xụi lơ chạy lẹ xuống ngồi gục đầu vào gốc cây. Hách nhìn sang phía xa xa, một địa phận mà xe khách bị cấm vào và cũng không thể vào được, con đường đất đá và cát khô, lởm chởm gồ ghề, xung quanh um tùm cây cỏ, lối đi eo hẹp bị khuất đi kha khá tầm nhìn.
Bác tài xế cùng anh phụ xe khuân nốt chỗ hành lý của mọi người xuống, xót xa nhìn đoàn giáo viên làm công tác. Người lái xe đi tới chỗ Hách, dường như vì cậu trông còn trẻ quá, trẻ nhất ở trong đoàn, nên bác tài mỉm cười hiền hậu nhìn cậu hồi lâu như con cháu trong nhà, rồi vỗ vai Hách thật mạnh một cái. Lúc ngồi lên chuẩn bị đóng cửa xe, bác ấy cũng còn nói lớn ra:
"Giờ lên xe về thành phố còn kịp đấy, tôi chở mấy cô mấy cậu về miễn phí luôn."
Bóng xe khách chưa kịp mất hút, Hách cũng mới chỉ ngồi xuống gốc cây, lôi từ túi ra chai nước khoáng vứt qua cho thầy Toàn, tới lượt bản thân, vừa đưa chai lên ngang miệng, ngửa cổ ra, hớp nước cậu trông chờ sẽ làm dịu qua cổ họng khô khốc bị ai kia thúc vào khuỷu tay mà sánh trào cả ra, lập tức bốc hơi trên nền đất.
Hách nhăn nhó nhìn sang tên gây họa, nhưng chỉ thấy người nọ như con sáo sậu, tỉnh táo lạ thường bỏ mặc cậu mà chạy lại chỗ các thầy cô giáo viên đã túm tụm lại cùng nhau từ lúc nào. Dưới ánh nắng đầu chiều chói chang, Hách đưa hai tay lên che trán, nhíu mày trông thấy xa xa là đoàn xe xanh lá chìm trong cát bụi mù mịt.
Đoàn xe U-oát đi chậm lại rồi dừng hẳn, đếm qua phải tới ba chiếc được phân công để chở hơn mười giáo viên vào sâu trong huyện. Hách đứng cạnh Toàn, lắc đầu vì người này hơn mình vài tuổi nhưng bỗng dưng hào hứng như trẻ con, trái ngược với dáng vẻ tối qua video call với cậu rồi ỉ ôi như ngày mai thôi là tận thế. Giờ trông thấy vài anh bộ đội lần lượt bước xuống xe, mắt Toàn sáng rỡ như diện kiến người nổi tiếng, coi bộ còn khoa trương hơn mấy chị gái trẻ tuổi thì thầm vì lần đầu được gặp trai bộ đội ở cạnh cậu.
Từng bộ đồ xanh lá rằn ri xếp hàng ngang trước mặt Hách, cậu cùng vài người cũng vô thức đáp lại động tác giơ tay chào của bộ đội.
"Mời các thầy cô lên xe." Tiểu đội trưởng chia người vào bốn xe, mỗi chiếc bốn giáo viên cùng hai bộ đội.
Cô giáo Chi - người đã làm Hách khá ấn tượng sau màn chào hỏi đầy tự tin ngày ra mắt đoàn giáo viên, trước khi lên xe U-oát số 2 được xếp cùng đội cậu, còn không ngại tíu tít vì được ngồi sau tay lái của đồng chí bộ đội mà cổ chưa chi đã xếp hạng là đẹp nhất.
Giọng Chi thì vang, ai đứng quanh đó đều nghe thấy hết thảy, thậm chí đồng chí còn lại cũng huých vào cánh tay đồng-chí-đẹp-trai để trêu chọc.
Hách quan sát người nọ, mái tóc đen cũn cỡn giấu sau mũ cối, ánh ban chiều phủ lấy một bên má, cặp mắt đen tròn chìm vào bóng râm vẫn lấp lánh kỳ lạ. Sự nghiêm túc quá đỗi của anh khiến cậu tò mò, chăm chú nhìn người ta rồi miên man ngẫm nghĩ mãi. Đột nhiên, anh nhìn về hướng này, giao thoa cùng ánh mắt cậu, vệt ửng hồng xấu hổ hồi mới nãy vì lời khen chỉ phớt nhẹ nơi vành tai giờ bùng lên như hoa gạo đỏ. Đồng-chí-đẹp-trai kín đáo né tránh ánh mắt cậu, nhưng sự nghiêm túc vốn có không vì thế mà xao động. Anh đằng hắng một tiếng rồi mở cửa ra hiệu cho cả nhóm vào trong xe.
Hách đẩy Toàn vào ngồi trước, tính chuẩn bị trèo vào với thầy ấy ở hàng ghế cuối cùng, mà giây sau cảm nhận một ngón tay gõ nhẹ vào vai mình, cậu quay sang nhìn, vẫn là gương mặt né tránh ánh mắt cậu, đồng chí ấy hơi nghiêng đầu về hướng vô lăng rồi nói, chẳng biết do tai cậu hay giọng người nọ thực sự giảm đi một phần uy nghiêm, có chút ngượng ngùng vấp váp:
"Mời thầy lên ngồi cạnh ghế lái, một đồng chí của chúng tôi sẽ ngồi hàng dưới cùng để phòng hờ."
Lời của anh cũng có lý, quân nhân vẫn luôn ưu tiên sự an toàn của người dân, nhưng phản xạ đầu tiên của Hách vẫn là không nhịn được mà nhìn về phía cô giáo Chi.
"Sao lại nhìn tôi?" Cô giáo Chi cười bẽn lẽn, "hai người đều đẹp trai mà, ngồi cạnh nhau lại càng thêm bổ mắt ấy chứ."
"Cô cứ khéo đùa."
Hách cười xòa, liếc thầy Toàn một cái rồi trèo vào ghế phụ. Lần đầu có người lạ gọi riêng cậu là 'thầy', cảm giác thất thường không tên cũng chẳng thể hình dung dấy lên thật kỳ cục. Nhìn đồng chí ấy đi vòng qua đầu xe rồi ngồi vào vô lăng mà Hách bĩu môi trong vô thức. Đến chính mình cũng chẳng thể hiểu nổi.
-
Không chỉ riêng mình Hách, tất cả giáo viên ở đây đều là lần đầu được ngồi trên một chiếc xe U-oát. Sau khi đạp côn đôi, kéo phanh tay, thao tác nặng nề cần nhiều kĩ thuật được đồng chí bộ đội đưa U-oát lăn bánh một cách thuần thục. Hách trầm trồ nhìn vào gân tay nổi trên mu bàn của người nọ, yên lặng ngưỡng mộ vẻ ngầu lòi đầy trưởng thành trên gương mặt góc cạnh còn phảng phất chút non trẻ. Nhìn theo tay cần, Hách quan sát ca-bin điều khiển chi chít những nút công tắc dài dài, gạt lên gạt xuống, lại có cả cái quạt con cóc, cánh màu xanh trong cái lồng sắt nhỏ quay vù vù. Thời tiết cuối tháng bảy nóng nực, xe vốn không có điều hòa, Hách loay hoay ngó nghiêng lên, thấy trên đầu có nóc bạt kéo mở được, mà trông thấy xe sắp vào tới địa hình hiểm trở nên đành nắm dây an toàn ngồi im re.
"Con đường chúng ta sắp đi qua đây thuộc địa phận xã Mù Cả, từ đây tới xã Thu Lũm sẽ hoàn toàn tiến vào vùng núi cao, không còn dễ dàng đi như ở vùng đồi núi thấp nữa. Các đồng chí giáo viên bám chắc để đề phòng rung lắc do địa hình."
Tông giọng đều đều máy móc như được lập trình sẵn của người ngồi cạnh bất giác làm Hách ngồi thẳng lưng.
Mọi thứ xung quanh tiếp tục khiến cậu phải lặng người. Những hình ảnh trắc trở gian nan ở nơi đây chẳng mấy ai còn xa lạ, nhưng được trực tiếp nhìn qua lớp kính mờ ảo phủ bụi vàng, được chân chính đi sâu vào con đường gập ghềnh những chông gai mà đồng bào trên này sải bước qua mỗi ngày, chỉ vậy thôi cũng đủ làm cậu phải nghẹn ngào.
"Ở bên trái kia là căn cứ của bộ đội biên phòng xã Mù Cả," Hách nhìn theo hướng chỉ của đồng-chí-đẹp-trai (cậu vẫn ngầm gọi như vậy, bởi vì xuyên suốt cả quãng đường dài dặc, chỉ còn đồng chí ấy là người duy nhất cậu không biết danh xưng, thậm chí biển tên mặc định trên túi áo trái cũng biến đâu mất tiêu). "Các đồng chí giáo viên nếu muốn xuống thị trấn thì bộ đội ở đây cũng có thể hỗ trợ đưa mọi người đi."
"Bình thường việc dạy học cũng được phân công cho bộ đội chúng tôi, có các thầy cô tình nguyện chuyển lên đây công tác, ai ai cũng đều phấn khởi cả." Đồng chí Hiếu ngồi cuối xe tiếp lời.
Hách thầm cảm thán, bộ đội biên phòng không ngại khó ngại khổ, dù vất vả đến mấy vẫn luôn lạc quan, cả chuyến đi đều lấp đầy bầu không khí bằng việc xởi lởi kể chuyện bà con trên tỉnh bản. Nụ cười của bộ đội ta cũng thật đẹp, là đẹp nhất trong lòng cậu, chắc hẳn cũng như vậy trong lòng mọi con dân của Tổ quốc.
-
Khi tới được Thu Lũm, mặt trời đã bắt đầu chơi trốn tìm sau vách núi, lấp lấp ló ló khi cả đoàn lần lượt bước xuống xe.
"Hôm nay có chút khó khăn trong quá trình di chuyển nên trời cũng không còn sáng sủa nữa, chúng tôi sẽ giúp các đồng chí giáo viên đem những vật dụng cần thiết lên trường học trước. Bây giờ dẫn mọi người về nhà nghỉ ngơi, sáng sớm mai ta sẽ lên trường sau."
Hách nhìn quanh quất, thấy trời vẫn chưa quá tối, nghe tiểu đội trưởng cũng bảo rằng khu nhà giáo viên chỉ cách trường học một con đồi thôi, nên Hách sốt sắng giơ tay ra muốn phát biểu, hai tay đặt cũng rất ngoan ngoãn như học trò ngồi trên lớp.
"Mời đồng chí." Tiểu đội trưởng ra hiệu cho cậu nói, làm mọi người đều tò mò nhìn sang, Hách cũng cảm nhận được ánh nhìn nóng rực đằng sau gáy mà người đồng hành bên cạnh cậu chỉ mới nãy thôi dành cho. Hách hơi ngượng:
"Tôi xin phép lên trường cùng các đồng chí bây giờ luôn được không ạ?"
Tiểu đội trưởng có đôi chút đắn đo hỏi cậu có chắc không, nhưng trước khi Hách mở lời đáp, đằng sau cậu vang lên một giọng nói rất trầm, vừa cương vừa nhu, "thầy nên về nghỉ ngơi thì hơn, đừng quá sức." Cậu khựng lại, theo phản xạ hơi nghiêng đầu về hướng giọng nói ấy nửa giây, nhưng cũng nhanh chóng quay lại nhìn thẳng vào mắt tiểu đội trưởng để gật gật đầu, rồi nhớ ra làm vậy không đúng lắm nên dõng dạc lại: "Tôi chắc chắn."
"Tôi đi nữa." Thầy Toàn đứng bên cạnh cũng góp vào, làm Hách quay sang nhìn, thấy người này sắp xỉu tới nơi còn bày đặt ra gió, balo hàng xịn nhưng do nặng quá nên cũng bị chính chủ hắt hủi nằm dưới đất.
Một số giáo viên sau đó cũng xin phép đi cùng cậu. Hách ái ngại nhìn mọi người chia nhau đồ dùng đem về bản về trường, tiểu đội trưởng cũng chỉ huy phân người ra hai tổ. Cậu vểnh tai nghe những cái tên được hô vang, cố gắng gán chúng lên gương mặt của từng đồng chí bộ đội mong sao tìm ra được tên người nào đó.
"Xin phép tiểu đội trưởng, cho tôi được nhập đoàn đưa giáo viên lên trường."
"Được."
Người nào đó mà Hách tò mò, chính là đồng-chí-đẹp-trai, cũng là người được phân công đưa giáo viên về khu nhà trong bản nhưng vừa xin để theo cùng đoàn cậu. Trong lòng Hách bỗng dưng thấy phấn khởi vì lý do khó hiểu ấy, còn giúp Toàn chia bớt đồ qua bên túi mình, bỏ quên việc bản thân cũng chẳng mạnh mẽ gì cho cam.
-
Hách xót xa nhìn ngôi trường nằm chênh vênh trên lưng đồi, cũng hối hận vì hồi nãy chê bai thầy Toàn mà bản thân mình cũng ra gió không kém, đòi đi mà giờ thì chân cẳng tê rần, cả quãng trèo đèo lội suối rút cạn sạch năng lượng cơ thể cậu.
Trước khi tới trường, phải băng qua một con đèo, Hách biết mình là ma mới ở vùng này, nên cũng chỉ chậm rãi bước theo đoàn, không dám le te đi trước như ngày còn cầm đầu hội giáo viên thực tập.
Cậu đi phía cuối hàng, đưa tay nắm thân cây mỏng để vít người qua phiến đá trơn, nhìn theo dòng nước trong lành róc rách chảy xuống con suối nhỏ. Bận cảm thán chú chim non nhiều màu đẹp mắt đang đậu ở đằng xa, Hách giật mình bởi tiếng rắc vọng bên tai, rồi cũng chỉ kịp a lên một tiếng, sau đó trượt chân loạng choạng suýt đáp mông xuống. May sao nước nông, Hách chỉ bị ướt hai bên ống quần dưới. Tinh thần thì càng không khỏi phải nói, tổn hại bé xiu xíu, bởi vì nhờ vậy mà đồng chí bộ đội biên phòng đẹp trai nhất đoàn ai cũng biết là ai kia còn nắm tay an ủi cậu nữa đó.
"Thầy không sao chứ?" Anh hình như chạy tới chỗ cậu vội lắm thì phải, chiếc mũ cối rơi đâu mất tiêu. Hách cũng muốn chú ý tới nét mặt căng thẳng của người ta lắm, rồi bàn tay nắm chặt cẳng tay cậu mang chút dịu dàng an tâm nè, hay tay kia của anh còn khôi hài phủi như phủi bụi dưới ống quần ướt sũng nước của cậu nữa, nhưng tiếng 'thầy' này cứ liên tục thoát ra từ miệng anh, thực sự khiến cậu để tâm chết mất, nghe cứ tổn thọ sao sao ấy.
"Sao đồng chí cứ gọi em là thầy mãi vậy..."
Ấn tượng vào ngày đầu gặp gỡ vốn dĩ vô cùng quan trọng, cũng là thứ vô cùng khó kiểm soát, Hách dù biết rõ nhưng vẫn không giấu được chút nũng nịu dồn nén cả buổi trong câu nói, cũng chẳng màng hỏi xem người ta có hơn tuổi hay cho phép xưng hô suồng sã vậy với mình không. Sau vài giây, Hách cảm nhận được đối phương đơ người mà nhìn chằm chằm vào gương mặt cùng đôi môi trề ra như đang tủi thân lắm của cậu, như anh là người bắt nạt cậu.
Anh bộ đội nhất thời luống cuống, hình như do bị hỏi bất chợt thẳng thắn quá làm đỏ bừng cả mặt, lắp bắp mấy chữ. "Thầy là thầy giáo nên là tôi... thầy... nếu không gọi thầy thì thầy - "
Một câu gọi thầy, nửa câu cũng gọi thầy. Hách muốn nhức cả đầu mà cắt ngang. "Em có dạy đồng chí học đâu mà kêu thầy. Em dạy tụi nhỏ mà." Cậu cười thầm vì màu đỏ thêm đậm nơi vành tai người nọ, bộ đội ai cũng dễ thương vậy sao, Hách thật muốn được trêu chọc mãi thôi.
Lúc này, cả hai bị tụt lại với đoàn, phải cố bước nhanh lên dốc để đuổi kịp, Hách vừa đi vừa quay sang nhìn người kế bên, tủm tỉm vì mấy ngón tay đáng yêu đang túm lấy vạt áo sau để phòng hờ nhỡ đâu cậu sảy chân lần nữa. "Đồng chí cứ gọi em là Hách được rồi, nhé đồng chí..."
Hách kéo dài giọng ở chữ i cuối, mà đợi mãi người ta cũng chả í ời gì với mình. Thật sự chẳng hề tính ý chút nào cả!
"Đồng chí!" Hách gọi lớn, tay nắm của bộ đội ở vạt áo cậu bị giật mình, theo đà chộp hẳn lấy cổ tay Hách.
"Thầy... à đồng chí Hách gọi tôi có gì không?" So với một người điềm tĩnh, nghiêm túc vài giờ trước, anh nói chuyện đã có phần dễ chịu và thân thiết hơn. Hách khẽ cười, thầm vỗ ngực tự hào về sức ảnh hưởng của chính mình. Dáng vẻ trẻ con này của cậu cũng lâu ngày quá rồi mới xuất hiện lại, để thầy Toàn hay cô giáo Chi trông thấy là cậu bẽ mặt lắm. Mà ở riêng thế này với anh, cần phép tắc hơn ai hết mà bản thân lại nghịch ngợm làm khó người ta quá. Lần thứ hai trong ngày, Hách chẳng thể hiểu nổi hành động của chính mình nữa.
"Ý là em muốn biết tên đồng chí đó, mà đồng chí chậm tiêu quá." Hách bĩu môi đôi chút, ngăn mình cau mày về một chuyện tự bản thân làm quá lên.
"Đồng chí có thể gọi tôi là Hưởng." Sau cả buổi tò mò, hóa ra cậu cũng chỉ cần hỏi anh đơn giản một câu thế này thôi. Đồng-chí-đẹp-trai giờ là Hưởng, nhưng vẫn là đồng chí không dám nhìn thẳng cậu, vì vậy Hách bất ngờ lắm khi tay anh đang nắm cổ tay cậu, giây tiếp theo lại di chuyển xuống nắm trọn bàn tay Hách rồi nhẹ nhàng kéo đi.
"Đi mau thôi, mọi người đang chờ chúng ta đấy. Đồng chí còn phải về ăn uống ngủ nghỉ cho lại sức, nghe nói cả ngày đồng chí chưa ăn gì tử tế rồi."
"Sao đồng chí..." Chữ 'biết' cùng dấu hỏi chấm to đùng được Hách nuốt ngược lại vào trong, vì cậu chợt nhớ lại lúc ngồi xe, thầy Toàn có chuyền lên cho cậu hộp hạt dổi rừng, còn dặn cậu ít nhất nên nhấm nháp gì đó chứ cả ngày mốc meo rồi. Chỉ là không ngờ, đồng chí Hưởng kiệm lời, cả đường đi gần như chỉ nhìn thẳng phía trước để vượt địa hình một cách êm ái nhất có thể, lại bỏ vào tai mấy chuyện lông gà vỏ tỏi này của cậu.
"Có hơi đạm bạc một chút thôi, mong là đồng chí không chê."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com