Chương 6: Tìm bố mẹ nuôi
Chớp mắt đã gần ba tuần trôi qua kể từ khi hai con chim cắt non chào đời.
Trong thời gian này, chúng vẫn chỉ có lớp lông tơ mềm mại, chưa mọc lông vũ, đôi cánh cũng chưa phát triển hoàn chỉnh, mỗi ngày chỉ có thể loanh quanh trong tổ.
Ngoại trừ lần chạm trán nguy hiểm với con chim cắt non trưởng thành kia, những ngày tháng còn lại đều trôi qua yên bình, cuộc sống đơn giản và có phần tẻ nhạt.
Nhưng đối với nhóm quan sát viên luôn theo dõi từ xa, sự tẻ nhạt này lại là một tín hiệu đáng mừng.
Bình an vô sự chính là điều tốt nhất.
Những chú chim nhỏ phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm khi trưởng thành, nhất là trong giai đoạn còn non nớt, chưa có khả năng tự vệ. Lần đụng độ với con chim cắt non hôm trước đã khiến các quan sát viên thót tim, suýt nữa thì cho rằng cả tổ sẽ bị diệt sạch.
Chim cắt có cả loài định cư và loài di cư. Loài di cư không ở cố định một nơi, vào thu đông sẽ bay về phương nam tránh rét, đến mùa xuân lại trở về phương bắc tìm nơi thích hợp sinh sản.
Mùa sinh sản là khoảng thời gian bận rộn nhất của các nhà nghiên cứu.
Chim cắt vốn không thường chủ động tấn công đồng loại, nhưng để đảm bảo thế hệ sau có một môi trường sống tốt, hạn chế những mối nguy hiểm tiềm tàng, chúng sẽ đặc biệt cẩn trọng trong việc chọn tổ.
Đặc biệt là những con chim cắt cái.
Mỗi con chim cắt đều có sở thích riêng khi chọn tổ.
Dù các nhân viên bảo tồn đã lắp đặt rất nhiều tổ nhân tạo, số lượng tuy chưa thể bao phủ khắp nơi, nhưng cũng đủ để đa phần chim cắt có nơi ở.
Thế nhưng, những cuộc ẩu đả dẫn đến thương tích hoặc thậm chí là tử vong, vẫn thường xuyên diễn ra.
Nguyên nhân thường thấy nhất chính là tranh chấp lãnh thổ.
Chim cắt chủ yếu cạnh tranh đồng giới. Không ít lần, hai con chim cắt cái cùng nhắm đến một tổ rồi lao vào đánh nhau, cắn xé lông vũ, dùng mỏ tấn công đối phương. Trong khi đó, chim cắt đực lại chẳng hề can thiệp, thậm chí còn mang theo con mồi đứng một góc 'ăn bỏng ngô xem kịch'.
Đây là tập tính chung của đa số loài chim cắt. Bên cạnh đó, vẫn có những cặp đôi gắn bó bền chặt. Đã từng có trường hợp chim cắt cái ở lại bảo vệ lãnh địa sau khi bạn đời qua đời, không cho phép bất kỳ con đực nào khác bén mảng đến. Còn khi gặp được đối tượng ưng ý, chim cắt cái sẽ hỗ trợ xua đuổi những kẻ xâm nhập.
Những trận chiến giữa chim cắt cái là dễ dẫn đến thương vong nhất. Nếu gặp được đối thủ nương tay thì thua cuộc cũng chỉ đơn giản là rời đi tìm tổ khác. Nhưng cũng có những con cực kỳ tàn nhẫn, khi đã giành chiến thắng thì sẽ thẳng tay kết liễu đối thủ.
Đây cũng là thời điểm các quan sát viên đau lòng nhất.
Một con chim cắt trưởng thành khỏe mạnh vốn đã không hề dễ dàng.
Chim cắt di cư mỗi năm đều sẽ đi đi lại lại một chuyến. Chúng rời tổ sau khi trưởng thành và quay trở về vào năm tiếp theo. Những gương mặt quen thuộc cứ thế xuất hiện theo chu kỳ. Nhìn vòng chân, các quan sát viên có thể nhận ra con chim đó thuộc thế hệ nào, sinh ra ở tổ nào.
Có thể nói, nhiều con chim cắt trong khu vực này đã lớn lên dưới sự dõi theo của các quan sát viên.
Vậy mà, những con chim cắt khó lắm mới lớn lên được lại mất mạng vì tranh chấp lãnh thổ, ai nấy đều không khỏi xót xa.
Nhưng trong tự nhiên, cạnh tranh là thứ đã khắc sâu vào bản năng của mọi giống loài. Con người chỉ có thể quan sát và hỗ trợ khi cần thiết, nhiều nhất là cứu giúp những con chim bị thương, chữa trị rồi thả chúng về với thiên nhiên.
Quay trở lại chủ đề chính, hai bé chim cắt lớn lên khỏe mạnh cũng tạm thời xoa dịu trái tim của các chuyên gia.
Ban đầu, cậu cả nhà Lạc Tuyết có dấu hiệu phát triển không tốt. Nhưng sau một thời gian theo dõi, ngoài việc trầm lặng và ít kêu hơn những con khác thì nó phát triển rất bình thường.
Hai anh em chim cắt rất thân thiết. Con thứ hai dù rất tích cực giành ăn, nhưng lại thích bám dính lấy anh trai. Không ít lần bắt gặp cảnh hai cục bông trắng cuộn tròn trong góc tổ, ngủ ngon lành bên nhau.
Chim cắt con đã lớn, cũng đến lúc trải qua nghi thức quen thuộc— gắn vòng chân.
Gắn vòng kim loại vào chân không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng mà còn giúp các nhà nghiên cứu theo dõi con đường di cư, thói quen săn mồi và hành vi sinh sản.
Muốn gắn vòng cho hai con chim cắt non, cần huy động đủ nhân lực và chọn thời gian phù hợp.
Mỗi lần tiếp cận tổ của Lạc Tuyết đều rất nguy hiểm.
Nhìn chim săn mồi qua video và trực tiếp đối mặt với chúng ngoài đời là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Ngay cả một con quạ dang cánh lao xuống cũng tạo không ít áp lực, huống chi là một con chim săn mồi thực thụ.
Khoảnh khắc nó xòe vuốt sắc nhọn, lao xuống với tốc độ cao, con người mới chân chính cảm nhận được sự nguy hiểm chết người của loài chim này.
Gắn vòng cho chim cắt non đúng là một nhiệm vụ đau đầu.
Bên này, Chúc Lạc vừa lo lắng vừa háo hức, trong khi một nhóm khác cũng đang vò đầu bứt tóc vì vấn đề khác.
"Lại bị trả về à?"
Mùa sinh sản năm nay có không ít chim cắt non cần cứu hộ. Một số con bị rơi khỏi tổ có thể được hỗ trợ kịp thời, nhưng cũng có những trường hợp bố mẹ gặp nạn, hoặc một trong hai chim trưởng thành bỏ đi, khiến chim con bị bỏ rơi.
So với con người, chim cắt con chắc chắn sẽ tiếp thu tốt hơn khi được đồng loại dạy dỗ.
Sau khi xác nhận tình trạng sức khỏe ổn định, nhân viên bắt đầu tìm bố mẹ nuôi cho những con non.
Một số chim cắt trưởng thành sẵn sàng tiếp nhận chim con không phải do mình sinh ra, nhờ vậy mà hầu hết các ca ghép đôi đều diễn ra thuận lợi. Nhưng chỉ riêng Bạch Lịch là gặp vấn đề.
Bạch Lịch là quả trứng rơi xuống từ tổ trên vách đá. May mắn thay, phía dưới có một cây sồi trắng cao lớn, cành cây đã giảm bớt lực va đập, lớp lá dày bên dưới cũng tạo thành lớp đệm giúp nó thoát khỏi số phận bị vỡ tan.
Tên của chú cắt nhỏ này được nhân viên đặt theo loài cây đã vô tình cứu sống nó – Bạch Lịch.
Tuy nhiên, do trứng từng bị nhiễm lạnh, tình trạng của Bạch Lịch vốn đã không hề khả quan. Ngay từ khi chào đời, nó gầy yếu hơn hẳn những con chim khác. Mọi người cũng không đặt nhiều hy vọng rằng nó có thể sống sót, bởi Bạch Lịch thực sự quá yếu ớt.
Tiếng kêu nhỏ đến mức gần như không thể nghe thấy, thân hình gầy gò, mềm nhũn nằm rạp xuống đất, trông như có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Ngay cả người không hiểu biết về chim cắt cũng có thể nhìn ra sự mong manh của nó ngay từ cái nhìn đầu tiên.
May mắn thay, nó đã gặp được con người.
Đã cứu rồi thì không thể bỏ mặc, vì vậy mọi người đã dành sự chăm sóc đặc biệt cho chú chim cắt non này.
Họ còn nhờ chuyên gia kiểm tra tình trạng sức khỏe của nó.
Không phải sợ chim con quá yếu, mà lo rằng nó có thể mang bệnh bẩm sinh.
Những động vật mắc bệnh di truyền hoặc khuyết tật bẩm sinh đều khó có thể sinh tồn trong môi trường hoang dã. Nếu thả về tự nhiên, chờ đợi chúng chính là cái chết.
May là sau khi kiểm tra, không có tin xấu nào được đưa ra. Bạch Lịch chỉ là hơi yếu, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc trưởng thành.
Bạch Lịch cũng rất kiên cường.
Ngay từ khi còn nhỏ đã thể hiện ý chí sinh tồn mạnh mẽ, như thể trời sinh đã biết vạch xuất phát của mình thấp hơn những con khác. Nó ăn nhiều nhất, chọn chỗ ngủ ấm nhất và cố gắng phát triển từng ngày.
Kế hoạch ban đầu là đưa nó về với bố mẹ ruột.
Dù đôi chim cắt này hơi bất cẩn, nhưng kỹ năng săn mồi của chúng rất tốt, tình cảm vợ chồng lại khá bền chặt. Vì khu vực chúng ở không có tổ nhân tạo nên ít có sự cạnh tranh từ những loài săn mồi khác, điều đó giúp chúng có nhiều cơ hội săn bắt hơn.
Nguồn thức ăn chính là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc.
Ở những nơi dồi dào thức ăn, chim trưởng thành sẽ ít chịu áp lực khi nuôi con hơn và cũng sẵn sàng nhận nuôi chim con không phải mình sinh ra.
Tổ trên vách đá mà cặp chim cắt này chọn khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu không ít, nhưng cách chúng chăm sóc con non sau sau nở lại rất đáng khen ngợi.
Cặp chim cắt hoang dã này chưa từng được theo dõi trước đây.
Không có thông tin về nơi sinh, cũng chưa từng được ghi nhận trước đó, nên không thể xác định tính cách để biết liệu chúng có sẵn sàng nhận lại chim con hay không.
Nhưng đây vốn là bố mẹ ruột của Bạch Lịch, môi trường cũng ít sự cạnh tranh, khả năng nhận lại con sẽ cao hơn, đúng chứ?
Khi các nhân viên mang Bạch Lịch trở về tổ cũ, thử thách đầu tiên đã xuất hiện— chim mẹ luôn túc trực gần tổ.
Chim mẹ có bản năng bảo vệ con.
Lần này họ không đến để gắn vòng nhận diện, mà để đưa một con non trở về, vì vậy phải cố gắng không làm bố mẹ nó cảnh giác, tránh tạo ra áp lực.
Các nhân viên kiên nhẫn chờ đợi, nhưng không rõ là chim mẹ đã phát hiện ra nhóm người phía dưới hay đơn giản là nó không muốn rời tổ.
Bạch Lịch à, lần đầu ra quân đã gặp trắc trở rồi.
Nhìn chú chim nhỏ đang thu mình trong hộp, ngáp dài một cái, rồi nhìn sang chim mẹ vẫn đứng im lặng bên tổ, nhân viên chỉ có thể bất lực thở dài.
Linh cảm chẳng lành đôi khi rất chính xác.
Khi bạn có linh cảm rằng mọi thứ không ổn... thì thường là nó thực sự không ổn.
Kế hoạch đưa Bạch Lịch trở về thất bại.
Cả nhóm đã kiên trì chờ đợi hơn nửa ngày, chỉ đợi lúc cả chim bố lẫn chim mẹ rời tổ rồi nhanh chóng đặt Bạch Lịch trở lại đó.
Để theo dõi gia đình chim này, một camera giám sát đã được lắp đặt trên vách đá.
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan.
Con chim cắt non vốn đang ngủ trong tổ bị nhóm người bên dưới làm cho giật mình, sợ hãi rúc vào một góc, cuộn tròn lại. Khi thấy những 'sinh vật hai chân' kia đưa một con chim cắt non xa lạ vào tổ, nó càng thêm căng thẳng, cảnh giác kêu to, không cho tiếp cận.
Bạch Lịch bị đẩy ra rìa, chỉ có thể thu mình trong một góc khác.
Dù vậy, các nhân viên vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hy vọng, chỉ cần chim bố mẹ quay về và nhận ra con chúng thì có lẽ mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Nhưng nỗi sợ hãi của chim non lại tạo ra hiệu ứng dây chuyền.
Tâm trạng bất an của nó lan sang cả chim bố lẫn chim mẹ, khiến chúng cũng căng thẳng giương cánh, vào tư thế phòng thủ, hối hả quan sát xung quanh, tìm kẻ đột nhập đã lợi dụng lúc chúng vắng mặt để xâm phạm tổ.
Con chim cắt non vừa thấy bố mẹ liền vội vàng chạy tới nép vào bên cạnh, điều này khiến Bạch Lịch trở nên lạc lõng.
Nó đứng nép ở mép tổ, nhìn thấy chim bố mẹ thì rụt rè cất tiếng kêu nhỏ, nhưng vẫn do dự, không dám tiến lại gần.
Cuối cùng, các nhân viên nhận ra tình hình không ổn và lập tức can thiệp, đưa Bạch Lịch ra khỏi tổ.
Cặp chim cắt này đã bày tỏ thái độ rất rõ ràng, chúng không chấp nhận chim non được con người nuôi dưỡng.
Hết cách, các nhân viên buộc phải tìm một tổ khác cho Bạch Lịch.
Lần này, tổ chim được chọn vẫn chưa có chim non nở.
Chim mẹ trong tổ này mỗi năm đều đẻ từ hai đến bốn trứng, nhưng chưa năm nào ấp nở thành công.
Năm đầu tiên có thể đổ lỗi cho chim bố là lính mới, không biết cách thụ tinh.
Năm thứ hai, chỉ có một con chim non nở được.
Đến năm nay, cả hai quả trứng đều không nở.
Vậy thì lỗi không còn nằm ở 'kỹ thuật' của chim bố nữa, mà vấn đề nằm ở chim mẹ.
Tuy nhiên, chuyện đó không quan trọng ngay lúc này. Điều cần quan tâm là liệu cặp chim này có chịu nhận nuôi một con chim non hay không.
Vì đây là lần đầu ghép chim non vào tổ này, các nhân viên cẩn thận cho Bạch Lịch ăn no trước, sau đó mới đặt vào tổ.
Họ thậm chí còn mang theo một túi thịt coi như 'phí nhận nuôi' gửi cho chim bố mẹ.
Chim mẹ là kẻ về tổ trước.
Năm nay, sau khi đẻ trứng, nó vẫn theo bản năng ở lại ấp.
Nhưng sau hơn một tháng rưỡi, trứng vẫn không có dấu hiệu nở. Có vẻ nó cũng nhận ra kết quả.
Dần dần, nó không còn bám trụ tổ suốt ngày như trước mà thỉnh thoảng cũng bay ra ngoài.
Tổ nhân tạo của nó được đặt trên tầng thượng của một tòa nhà truyền hình.
Buổi trưa, chim mẹ bay từ xa trở về. Khi đến gần tổ, nó nghe thấy một âm thanh lạ, lập tức thay đổi tư thế bay, thu cánh lại rồi đáp xuống lan can tầng thượng, nghiêng đầu lắng nghe.
Ngay phía trước, trong chiếc tổ vốn trống không của nó, có tiếng sỏi bị giẫm lên phát ra những âm thanh lách cách.
Chim mẹ nghiêng đầu.
Cái đầu bé xíu nảy một dấu chấm hỏi to đùng.
Nó vỗ nhẹ cánh, trượt xuống đất rồi chậm rãi tiến về phía tổ. Đi được nửa đường, nó khựng lại rồi cảnh giác quan sát xung quanh.
Đúng lúc đó, một tiếng kêu yếu ớt vang lên— chim non đang đói bụng đòi ăn.
Hàng loạt dấu chấm hỏi như bật ra khỏi đầu chim mẹ. Nó không kìm được nữa, nhanh chóng bước lên vài bước và ngay lập tức nhìn thấy Bạch Lịch co mình trong góc.
Bạch Lịch còn chưa kịp phản ứng, chim mẹ như thể đã nhìn thấy ma, toàn thân run lên, xoay người một góc 90 độ rồi phóng vọt lên trời, biến mất chỉ trong chớp mắt.
Bạch Lịch tựa vào góc tường, thu lại bước chân vừa định tiến lên, tiếng kêu đòi ăn trong miệng nhỏ dần rồi cuối cùng im bặt.
Rõ ràng, nó đã hiểu chim mẹ này cũng không chấp nhận nó.
Kể từ giây phút đó, chim mẹ không hề quay lại suốt hai ngày liền.
Giữa chừng, chim bố có quay lại vài lần, nhưng hoàn toàn không có ý định chăm sóc chim non. Nó chỉ lặng lẽ ăn hết những miếng thịt mà con người để lại, hoàn toàn phớt lờ con chim non đang đói đến mức loạng choạng bước tới xin ăn.
Chim non chưa đủ khỏe để tự xé thịt ăn, chỉ có thể mổ những vụn thịt rơi vãi trên mặt đất.
Chim bố đứng tại chỗ chỉnh bộ lông trước ngực, dùng mỏ vuốt nhẹ một cái, rồi vỗ cánh rời đi.
Bị cả chim bố lẫn chim mẹ ghẻ lạnh, Bạch Lịch chỉ có thể đi quanh tổ trống rỗng, nhặt vài mẩu thịt nhỏ lót dạ, sau đó lại thu mình vào góc, lặng lẽ nằm im.
Hai con chim lớn từ đó hoàn toàn biến mất, tỏ rõ ý định bỏ tổ ra đi, mặc kệ chim non kêu gào vì đói nhưng không hề quay lại.
Cuối cùng, nhân viên bảo tồn động vật thấy chim non đã quá đói, bèn mang theo thịt xay và dùng thìa nhỏ để đút nó ăn.
Cục bông trắng gần như đã cạn kiệt sức lực, bị nâng ra ngoài mà chẳng hề phản kháng. Sau khi nếm được vài miếng thịt, nó lập tức hiểu ra đây là thức ăn, liền vùi đầu vào túi thịt ăn ngấu nghiến.
Tìm một gia đình nhận nuôi không hề dễ dàng. Nhân viên bảo tồn kiên nhẫn đợi thêm hai ngày, nhưng dù chim trưởng thành có xuất hiện trên camera giám sát, chúng thà đứng trên lan can hứng gió chứ không hề đi kiếm mồi cho chim non. Lúc này, mọi người mới hoàn toàn hết hy vọng, quyết định mang Bạch Lịch trở về.
Bị từ chối hai lần, Bạch Lịch trở nên trầm lặng hơn hẳn. Có lẽ nó đã nhận ra mình không được chào đón, nên thường im lặng thu mình trong góc, không kêu tiếng nào.
Nhân viên bảo tồn cũng bó tay. Họ chỉ có thể tiếp tục rà soát tình hình của các tổ chim cắt, cố gắng tìm một gia đình có thể nhận nuôi Bạch Lịch.
"Hay thử đưa đến chỗ chim cắt đực độc thân?"
Có người đề xuất.
Trong tập tính của loài chim cắt, chim đực chịu trách nhiệm săn mồi, còn chim cái lo liệu ấp trứng cùng bảo vệ tổ.
Một số chim đực đảm đang cũng sẽ chủ động ấp trứng, nhưng nhìn chung, chúng không tiếp nhận con non tốt bằng chim cái. Dù ở những nơi khác từng có trường hợp chim đực nhận nuôi chim non, nhưng tại đây, vẫn chưa ai thử làm điều đó.
"Nếu nói về kinh nghiệm nhận nuôi, chúng ta cũng có một con chim cắt khá phù hợp. Lạc Tuyết trước nay đều rất dễ dàng chấp nhận chim non."
Nghe thấy đề xuất này, một người lập tức phản đối: "Không được, tổ của Lạc Tuyết đã có hai con non rồi. Nhỡ chẳng may gặp chuyện tấn công chim non, không can thiệp kịp thời thì rất nguy hiểm."
"Nhưng trước đây, nó luôn tỏ ra thân thiện với những con chim cắt non được gửi đến..."
Được hỏi ý kiến, Chúc Lạc trầm ngâm suy nghĩ.
Anh khá tán đồng với phương án này.
Việc trong tổ Lạc Tuyết đã có chim non không phải là trở ngại. Trước đây cũng từng có trường hợp một tổ chim cắt nhận nuôi thêm chim non từ bên ngoài. Có chấp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của chim trưởng thành.
Hơn nữa, dù Lạc Tuyết có tính cách hung hăng, nhưng chủ yếu là nhắm vào con người. Khi đối mặt với đồng loại, cô vẫn luôn biết nương tay.
Tuy nhiên, ngoài khả năng được chấp nhận, còn phải cân nhắc đến vấn đề thức ăn.
"Nếu là bạn đời trước đây thì còn đỡ, nhưng bạn đời lần này của Lạc Tuyết lại thường xuyên vắng mặt, ngay cả trong thời kỳ ấp trứng cũng hiếm khi mang thức ăn về tổ."
Nếu thêm một chim non nữa, gánh nặng trên vai Lạc Tuyết sẽ càng lớn hơn. Nhưng Bạch Lịch cũng đã gần ba tuần tuổi, sắp bước vào giai đoạn thay lông. Nếu không sớm tìm được nơi nhận nuôi, nó chỉ có thể được nuôi dạy bởi con người.
Nghĩ đến tình hình hoang dã hóa những năm gần đây không mấy khả quan, Chúc Lạc lên tiếng quyết định: "Đúng lúc cần gắn vòng chân nhận dạng, nhân cơ hội này đưa nó qua đó thử xem."
Anh nhớ đến hình ảnh cô đơn của Bạch Lịch khi được cứu về, lại nghĩ đến hai con chim chỉ việc ăn uống ngủ nghỉ, quấn quýt sưởi ấm bên nhau trong tổ Lạc Tuyết.
Nếu được chấp nhận, có lẽ cũng là một điều tốt.
Nói là làm, cả nhóm đều thuộc phái hành động. Giải quyết sớm chuyện này, mọi người cũng có thể sớm thở phào nhẹ nhõm.
_
Bé Chíp lớn nhanh như thổi.
Rõ ràng là chim nở sau, nhưng chỉ sau hai tuần ăn uống đầy đủ, giờ nó đã cao hơn Vân Thanh Lam một chút.
Khoảnh khắc phát hiện ra điều này, Vân Thanh Lam như bị sét đánh ngang tai, ngồi thu lu trong góc, buồn bã vẽ vòng tròn trên đất.
Cậu quên mất rằng chim cắt cái thường có vóc dáng vạm vỡ và mang lại cảm giác an toàn hơn chim đực.
.....Nếu không có gì bất ngờ, Bé Chíp chắc chắn là một cô em gái rồi.
Bé Chíp tròn xoe đôi mắt đen, không hiểu sao anh trai lại buồn bã, liền nhún nhảy chạy tới. Cục bông lớn hơn Vân Thanh Lam một vòng kia lùi lại vài bước để lấy đà, rồi vui vẻ lao lên, đè thẳng lên người anh trai.
Vân Thanh Lam hít mạnh một hơi, suýt bị đè bẹp thành bánh chim, khó khăn lật người lại, ngồi xuống đất, dùng chân đẩy Bé Chíp ra xa một chút.
Bé Chíp lại lao lên, Vân Thanh Lam lại đẩy ra, Bé Chíp lại nhảy bổ vào, Vân Thanh Lam tiếp tục đẩy... Rồi sau đó, Bé Chíp bắt đầu thấy hứng thú với chân của anh trai mình.
Khi con người gõ cửa, Vân Thanh Lam đang chạy tán loạn khắp tổ để trốn Bé Chíp, kẻ đang có hứng thú kỳ lạ với móng vuốt của cậu.
Tấm ván gỗ trên tường vang lên hai tiếng 'cộc cộc' giòn tan và rõ ràng.
Vân Thanh Lam lập tức phanh lại, nhưng cậu quên mất phía sau còn có Bé Chíp.
Cô nhóc nhỏ mà mạnh như viên đạn lao thẳng tới, đâm sầm vào Vân Thanh Lam, khiến cả hai lăn lộn thành một cục, lăn đến tận bức tường mới chịu dừng.
Ngay lúc đó, tấm ván gỗ trên tường mở ra. Chúc Lạc cúi người nhìn vào trong, vừa lúc thấy hai cục bông dúm dó dưới đất, liền bật cười.
"Ồ, còn chủ động ra đón nữa à?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com