Chương 1
| Edit & Beta: Cây Bút Chì Màu
Lễ truy điệu¹ sẽ bắt đầu vào lúc tám giờ sáng và kéo dài trong một tiếng rưỡi.
Vì người quá cố có địa vị đặc biệt nên cách đây ba ngày, cơ quan hành chính đã cử người đến liên hệ với nhà tang lễ, yêu cầu họ lo liệu mọi việc thật chu đáo và đã thanh toán hết toàn bộ chi phí mai táng. Chính vì thế, các nhân viên tại hiện trường đều hết sức cẩn thận khi di chuyển quan tài, sắp xếp vòng hoa tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt, không dám sơ suất một chút nào.
Mưa xuân rơi lả tả từ đêm qua đến giờ vẫn chưa tạnh. Những hạt mưa nhỏ rơi từ mái nhà tạo thành một bức màn nước mỏng tang. Trong không khí nhộn nhịp hối hả ấy, mọi người bỗng chốc trở nên im lặng. Họ khẽ khàng tránh những vũng nước trơn trượt, đồng thời tranh thủ ngước nhìn người thân đang miệt mài làm việc một mình.
Cậu toát lên vẻ thông minh và điềm tĩnh đến lạ thường như thể đã từng đối mặt với tình huống này biết bao lần. Thế nhưng, bộ âu phục lịch lãm cùng vẻ bình tĩnh ấy lại hoàn toàn trái ngược với gương mặt còn non nớt, khiến những người từng trải cũng không khỏi xót xa, ngậm ngùi thay cậu.
Có lẽ năm năm trôi qua đã xóa nhòa mọi ký ức, hoặc do nhân viên nhà tang lễ thay đổi liên tục, hay vì chính bản thân đã khác xưa nhiều quá nên chẳng còn ai nhận ra cậu nữa.
Khi mọi việc gần hoàn tất, bỗng có người đến nhắc nhở cậu rằng phải tuân thủ đúng giờ giấc đã định và cố gắng giữ bình tĩnh để không làm ảnh hưởng đến những gia đình khác đang chờ đến lượt tiễn đưa người thân.
Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Chu Đồng giơ tay lên xem đồng hồ, còn ba mươi phút nữa là buổi lễ chính thức diễn ra.
Trong nửa tiếng cuối cùng trước khi buổi lễ bắt đầu, những người khách đến viếng lần lượt xuất hiện. Họ sửa sang lại trang phục, gấp gọn chiếc ô ướt sũng rồi chia thành từng nhóm nhỏ bước vào nhà. Sau đó, họ vội vàng lau những giọt mưa còn đọng trên vai và thay thế bằng nét mặt buồn bã. Để an ủi Chu Đồng, mọi người đều tiến tới nắm lấy tay cậu hoặc khẽ vỗ vai. Có người muốn nói gì đó nhưng lại nghẹn ngào không nói thành lời, có người còn bật khóc rồi dặn dò cậu hãy mạnh mẽ, cố gắng vượt qua nỗi đau này.
Thế là Chu Đồng cứ gật đầu lia lịa, cúi chào liên tục và không ngừng nói lời cảm ơn. Cảm giác như mọi chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua chứ không phải đã năm, bảy năm trôi qua.
Tiếng mưa rơi tí tách hòa cùng giai điệu u buồn của bản nhạc. Những hơi thở gấp gáp với từng bước chân qua lại vội vàng khiến hình ảnh của người đã khuất dần nhạt nhòa trong màn sương mờ ảo. Một làn gió nhẹ thoảng qua, cuốn bay những dải băng trắng trên vòng hoa. Những đôi giày đen lặng lẽ quay gót rời đi để lại Chu Đồng đứng đó. Ánh mắt cậu chạm phải Diêu Hoành Vĩ đang đứng ngay phía sau.
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong những ngày qua hai người nhìn thẳng vào mắt nhau mà chẳng còn chút thương xót hay đau khổ nào cả. Một cảm giác nhẹ nhõm lan tỏa, mang đến sự thanh thản cho tâm hồn. Nhưng Chu Đồng chỉ biết kìm nén lại, mím chặt môi, trao cho ông một ánh mắt đầy ẩn ý rồi khẽ gọi: "Cậu Diêu đã đến rồi ạ."
Nhìn những ngôi sao trên vai áo của Diêu Hoành Vĩ, Chu Đồng đoán rằng ông đã được thăng chức rồi. Cậu chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay chào hỏi, nào ngờ ông lại bất ngờ giang rộng vòng tay và ôm chầm lấy cậu.
"Con trai ngoan." Giọng ông khàn đặc vì xúc động, "Nhìn con giống hệt anh Chu hồi xưa, lại còn cao lớn hơn nữa chứ!"
Chu Đồng cảm thấy vui sướng trong lòng và đáp lại ông bằng một cái ôm. Cái chất thô ráp vừa quen vừa lạ của bộ quân phục dưới bàn tay gợi cho cậu nhớ về bao kỷ niệm xưa.
Lễ truy điệu diễn ra giản dị như bao đám tang của người dân bình thường khác. Không có những lời điếu văn² hoa mỹ của bạn bè hay người thân, cũng chẳng có ai đại diện đứng lên phát biểu. Chỉ có dòng người nối đuôi nhau đi quanh quan tài và nhẹ nhàng đặt lên đó một bông cúc trắng hoặc vàng, rồi nán lại giây lát để nhìn mặt người đã khuất lần cuối.
Một cuộc đời bình thường, không mấy nổi bật đã khép lại tại đây. Chỉ có duy nhất vết mực ghi dấu sự hy sinh cao cả của những người con trên trang giấy trắng tinh khôi. Bao lần chứng kiến cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh đã khiến người phụ nữ chất phác, suốt đời không biết chữ ấy trở thành một người mẹ anh hùng, một thân nhân liệt sĩ được nhiều người kính trọng. Nhờ vậy mà những ngày cuối đời, bà có thể ra đi trong sự trang trọng và đầy đủ lễ nghi.
Một tiếng rưỡi không phải là quãng thời gian ngắn ngủi gì nhưng vẫn còn dư giả lắm. Sau khi lễ truy điệu kết thúc, Chu Đồng dõi theo quan tài của bà được đưa vào lò hỏa táng dưới sự chứng kiến của mọi người. Đến lúc khách khứa ra về hết thì một mình cậu ra phía sau hội trường và tìm một cái lò nhỏ để thiêu hủy những vật dụng cá nhân của bà rồi chờ đến khi nhận lại tro cốt.
Đám người cứ tan rồi hợp chẳng khác nào những con sóng vỗ bờ. Lễ tiễn đưa tiếp theo lại bắt đầu trong sự hối hả. Chu Đồng đứng giữa cái lạnh se sắt của mùa xuân, tay ôm hủ tro cốt, thở dài một hơi tạo thành làn khói trắng xóa.
Cơn mưa vừa dứt, màn mây kéo lui, nhường chỗ cho ánh nắng vàng rực rỡ.
...
Chu Đồng mang hũ tro cốt của bà nội đến đặt cạnh chỗ của cha nuôi và anh trai. Khi rời khỏi nhà tang lễ, cậu quay lại nhìn con đường dài bất tận dẫn vào nơi đó. Giữa hai hàng bia mộ nhỏ nhắn xếp san sát nhau là những bụi cây xanh mướt. Sau trận mưa xuân, cây cối càng thêm tươi tốt và tràn đầy sức sống như thể mùa đông chưa hề ghé qua.
Ngay trước cổng có một chiếc Audi đen bóng mang biển số rất đặc biệt đã đỗ sẵn. Diêu Hoành Vĩ ngồi trong xe đang nhả khói thuốc thì thấy Chu Đồng bước ra, bèn vội dập tắt điếu thuốc rồi ra hiệu cho cậu lên xe.
"Con có đói bụng không? Hôm nay là ngày Lập xuân³ nên chúng ta đi ăn chả giò nhé?"
"Vâng ạ, nhưng mà phải để con mời cậu nhé." Chu Đồng cười tươi, rồi mở cửa xe và ngồi vào ghế sau.
Chiếc xe bon bon rời khỏi vùng ngoại ô yên tĩnh, hòa vào dòng xe cộ tấp nập. Diêu Hoành Vĩ đã chuyển công tác khỏi Giang Châu từ lâu nhưng vẫn nhớ như in từng ngóc ngách nơi đây. Hồi còn là thành viên của đội cứu hỏa đặc nhiệm ở Giang Châu, ông và Chu Hạm tuần nào cũng cùng nhau đi dạo khắp các con đường từ lớn tới nhỏ. Lúc đó chưa có thiết bị định vị hiện đại như bây giờ nên mọi nhiệm vụ đều phải dựa vào bản đồ trong trí nhớ. Hai anh em đạp xe cả ngày, ghi nhớ từng ngóc ngách, từng quán xá ven đường.
Chủ quán ăn vặt vô cùng mừng rỡ khi thấy Diêu Hoành Vĩ ghé thăm. Quán ăn nhỏ bé này đã gắn bó với đất Giang Châu gần hai mươi năm rồi. Dù không gian chật hẹp nhưng vẫn luôn đông khách nhờ những món ăn ngon như bì cuốn, chả giò nhân đậu đỏ và chả giò thịt vịt cùng các đặc sản khác. Muốn thưởng thức món ăn ở đây, thực khách phải xếp hàng dài để chờ. Ngày xưa, quán từng gặp một trận hỏa hoạn lớn và chính Diêu Hoành Vĩ đã cứu sống cô con gái út của chủ quán, từ đó trở thành ân nhân của gia đình đối phương. Vì ơn nghĩa ấy nên mỗi lần ông và Chu Hạm đến đây, chủ quán luôn dành cho hai người một chỗ ngồi thật thoải mái.
"Trường học ra sao rồi? Con đã quen với cái lạnh ở miền Bắc chưa?" Diêu Hoành Vĩ đẩy đĩa chả giò vừa mới chiên xong về phía Chu Đồng, bảo cậu ăn ngay kẻo nguội.
Từ khi chuyển lên Bắc Lâm học, Chu Đồng thấy mình ăn ngon miệng hẳn. Lần này về quê, vì bận rộn lo liệu việc tang lễ cho bà nên chưa có cơ hội thưởng thức những món ngon ở quê nhà. Những cuốn chả giò miền Nam nhỏ xíu nên cậu ăn liền một mạch năm sáu cuốn, làm cho nóng đến nỗi mặt mày nhăn nhó hết cả. Thấy vậy Diêu Hoành Vĩ bật cười ha hả, vội vàng đưa nước trà cho cậu, nhắc nhở hãy ăn chậm thôi.
Chu Đồng uống một ngụm trà rồi nói: "Ở đó cũng ổn lắm ạ. Mùa đông có lò sưởi nên ấm hơn ở Giang Châu nhiều. Chỉ có một điều hơi bất tiện là con hay bị chảy máu cam thôi. Trong phòng có một bạn cùng quê nên hai đứa chơi thân lắm. Thầy cô ở đó cũng tốt với con nữa."
"Con trai thường hay bị sốt nên con phải tự biết giữ gìn sức khỏe đấy." Diêu Hoành Vĩ biết Chu Đồng được tuyểnn thẳng vào đại học nên chẳng lo chuyện học hành của cậu nữa, ông lại hỏi: "Cuộc sống ở đấy có khó khăn không? Có chuyện gì thì phải báo với cậu ngay nhé. Mợ cũng thường hay nhắc đến con đấy. Khi nào nghỉ lễ thì con hãy ghé qua nhà cậu chơi, tiện hơn là về Giang Châu nhiều."
Chu Đồng mỉm cười gật đầu như muốn nói rằng cậu đã hiểu tấm lòng của ông. Nhờ học bổng và số tiền tử tuất⁴ của Chu Hạm và Chu Dập nên cậu có thể yên tâm học hành mà không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, Chu Đồng chưa bao giờ động đến số tiền ấy. Hiện tại, cậu vừa học vừa đi làm thêm nên cuộc sống cũng khá ổn. Bà nội đã qua đời nên ở Giang Châu chẳng còn người thân nào nữa. Lần này rời đi không biết bao giờ mới có cơ hội quay lại.
"Mợ và chị Lộ Lộ vẫn khỏe mạnh chứ ạ? Còn cậu thì sao rồi?" Chu Đồng hỏi lại.
Cậu đã bước sang tuổi mười chín, đủ trưởng thành để mời Diêu Hoành Vĩ dùng bữa cơm. Đồng thời cũng không quên giữ phép lịch sự đúng mực của người lớn khi thể hiện sự quan tâm đến công việc và cuộc sống thường ngày của ông như bạn bè thân thiết. Cũng giống những năm qua kể từ khi bố mất, cậu luôn thay bố lo lắng cho anh trai và cả bản thân mình.
"Mọi người trong nhà đều rất khỏe mạnh, cậu cũng vậy."
Diêu Hoành Vĩ không giấu nổi sự thích thú trước vẻ mặt nghiêm nghị, cố tỏ ra chững chạc của chàng thanh niên. Chu Đồng giờ đã không còn là cậu bé mà Chu Dập từng bồng bế đến cổng đội đặc nhiệm, vừa khóc lóc kêu đói vừa nài nỉ xin bánh ăn nữa. Chu Hạm đã dành trọn cuộc đời mình để phục vụ Tổ quốc, giúp đỡ đồng bào và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu hỏa cao cả. Còn cậu con trai Chu Dập thì luôn sát cánh bên cha, chẳng hề sợ hãi trước những gian lao thử thách, ngày đêm xông pha vào chốn hiểm nguy bất kể ngày mai sẽ ra sao. Thế mà họ lại dành cho Chu Đồng tình yêu thương bao la và sự che chở vững chắc. Mong muốn mở ra cho cậu một con đường bình yên, nơi cậu có thể tận hưởng sự hạnh phúc mà chính họ vẫn hằng ao ước.
Họ muốn cậu được khỏe mạnh, có đủ điều kiện để lo cho gia đình, bản thân và cũng sẽ trải qua những lúc vui buồn, thất vọng hay hy vọng giống bao người khác. Dù gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng tương lai vẫn luôn mang đến những điều tốt đẹp hơn.
"Quân đội sắp bước vào giai đoạn đổi mới và ngành cứu hỏa sẽ được chuyên nghiệp hóa hoàn toàn. Chẳng bao lâu nữa, cậu phải cởi bỏ bộ đồng phục và những chiếc huy hiệu trên vai rồi chuyển sang làm công chức thôi." Diêu Hoành Vĩ không biết Chu Đồng có thấu hiểu và muốn lắng nghe những lời này hay không.
Bỗng nhiên những năm tháng xưa cũ ùa về trong tâm trí, ông như thấy bóng hình của người bạn và cũng là người đồng đội thân thiết đang ngồi đối diện với mình ngay tại căn phòng này. Khi ấy hai người trẻ tuổi còn độc thân thường rủ nhau uống vài ly bia rồi tâm sự đủ thứ trên trời dưới đất. Từ những chuyện sinh tử, những khát vọng cháy bỏng cho đến trọng trách họ mang trên vai và cả nhiệt huyết sôi sục trong trái tim.
Ánh mắt nửa hiểu nửa không của Chu Đồng đã kéo Diêu Hoành Vĩ quay lại thực tế. Ông mỉm cười, giải thích rõ hơn: "Trước đây, lực lượng cứu hỏa ở Trung Quốc được quản lý chung bởi công an và quân đội. Những người lính mới nhập ngũ thường còn rất trẻ, chưa kịp làm quen với công việc đã phải ra chiến trường. Dù sở hữu sức bền cao và rất nghe lời nhưng vì thiếu kiến thức chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản nên rất dễ gặp nguy hiểm, thậm chí hi sinh tính mạng. Chẳng hạn như..."
Diêu Hoành Vĩ lập tức dừng lại khi thấy có gì đó không ổn. Ông muốn rút lại lời vừa rồi nhưng chẳng biết nên nói thế nào cho phải. Ai ngờ Chu Đồng lại đáp lại một cách tự nhiên, giọng trầm ngâm: "Cũng giống như anh trai con vậy. Nếu lực lượng cứu hỏa được chuyên nghiệp hóa từ sớm thì có lẽ anh ấy đã không phải lao vào hiểm nguy mà chẳng hề chuẩn bị gì. Và biết đâu lúc đó, anh ấy đã có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn."
"Ừm..." Đối diện với sự thẳng thắn của chàng trai khiến người đàn ông ngoài bốn mươi như Diêu Hoành Vĩ cảm thấy lúng túng. "Có lẽ là vậy."
"Đó là điều tốt mà." Chu Đồng khẽ thở dài, giọng nói tựa một người đã từng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.
"Khi nào con định quay trở lại Bắc Lâm?" Diêu Hoành Vĩ cố gắng chuyển hướng cuộc trò chuyện, không muốn đào sâu thêm vào chủ đề vừa rồi.
Chu Đồng vừa ăn xong miến chả giò cuối cùng thì đặt ví tiền lên bàn rồi lấy khăn giấy lau miệng. "Ngày mai và ngày mốt con còn phải tới nhà cũ để lo chút việc. Còn cậu thì sao?"
Thấy thái độ và hành động của Chu Đồng như vậy, Diêu Hoành Vĩ đành thôi không tranh giành chuyện trả tiền nữa. "Cậu sẽ đi ngay trong tối nay."
Lúc Chu Đồng lấy tiền ra khỏi ví, Diêu Hoành Vĩ vô tình nhìn thấy trong đó hình như có tấm ảnh của một cô gái. Thế là trước khi ra khỏi cửa, Diêu Hoành Vĩ cũng không tránh khỏi tò mò như bao người lớn khác mà hỏi: "Lên đại học rồi, con đã có bạn gái chưa?"
Chú Đồng cười ngượng ngùng: "Dạ... coi như là có rồi ạ."
"Ồ?" Diêu Hoành Vĩ nhìn người đối diện từ đầu đến chân một cách đánh giá. "Xem ra cả trí thông minh lẫn chỉ số cảm xúc của con đều phát triển hết rồi nhỉ. Cũng khá đấy, chỉ cần đừng học theo anh Chu là được. Lần sau, con nhớ dẫn cô bé kia đến đây để cậu gặp mặt nhé?"
"Thôi, để sau đi ạ." Chu Đồng nhẹ nhàng cúi đầu, bước ra khỏi cửa tiệm nhỏ, đứng bên đường tạm biệt Diêu Hoành Vĩ. "Không cần tiễn con đâu ạ, con muốn đi dạo một lát."
"Cậu Diêu, cậu hãy giữ gìn sức khỏe nhé. Hẹn gặp lại ạ."
Chu Đồng giơ tay chào tạm biệt rồi đi mất. Diêu Hoành Vĩ lấy gói thuốc ra, châm một điếu, đứng đấy nhìn theo đứa cháu trai chạy vội qua đường rồi khuất dạng sau góc phố.
...
Ngôi nhà cổ kính nằm sát bên dòng sông, quanh năm ẩm thấp, tường thì nứt nẻ bong tróc, hễ mưa xuống là lại dột tứ tung. Nhớ năm ngoái, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên về hoàn cảnh của một gia đình chính sách⁵ cần được sắp xếp chỗ ở mới. Và không lâu sau đó, gia đình này đã được cấp một căn hộ tại khu tái định cư ở thành phố. Thế nhưng bà cụ vẫn nhất quyết không chịu rời đi, cứ ôm khư khư đống đồ đạc cũ kĩ của mình. Ngay cả khi Chu Đồng vội vã trở về khuyên nhủ cũng không thể lay chuyển được ý định của bà.
Khi mới lên năm, sáu tuổi thì Chu Đồng được một gia đình nhận nuôi và chuyển đến sống trong một căn hộ có ba phòng ở một khu nhà cũ kỹ cùng với Chu Dập. Hai anh em nương tựa vào nhau suốt mười ba năm, lâu đến mức cậu gần như quên mất tên khai sinh của mình là gì.
Từ lúc lên Bắc Lâm được nửa năm nay thì căn nhà càng thêm bừa bộn hơn. Chai lọ, hộp thiếc, đồ sắt vụn,... chất đống đến nỗi chẳng biết phải đặt chân ở đâu cho vừa. Chỉ có phòng của cậu và Chu Dập là vẫn còn sạch sẽ như trước. Hai chiếc giường tầng được trải cùng một loại ga giống nhau. Hai bàn học đặt cạnh cửa sổ thì có một bàn bị phủ đầy bụi vì chẳng có đồ đạc gì, còn bàn kia lại rất ngăn nắp với sách vở ôn thi môn Vật lý cùng với mấy cái cúp và cây vợt bóng bàn mà Chu Dập đã tặng.
Ngôi nhà tối tăm và ẩm thấp đến nỗi những vật dụng bằng vải đều ẩm ướt như vừa bị nhúng nước. Chu Đồng phải rửa mặt bằng nước lạnh do hết ga. Xong xuôi, cậu cẩn thận cởi bỏ bộ âu phục và cho vào túi chống ẩm rồi treo cạnh bộ quân phục của Chu Dập. Sau khi đóng tủ, cậu vẫn không yên tâm nên lại mở ra, khẽ vuốt ve ống tay áo màu xanh lá của quân đội. Cảm giác ấy cứ như khi chạm vào áo của Diêu Hoành Vĩ vậy.
Bộ đồ tây bên cạnh cũng là của Chu Dập. Chuyện là hồi đó, khi anh ấy về thăm nhà ở Giang Châu thì tự dưng lại dở chứng muốn mua một bộ âu phục. Thế là Chu Đồng nghĩ rằng anh mình đã có bạn gái, sắp phải ra mắt gia đình người yêu hoặc là có dịp quan trọng cần ăn mặc thật chỉn chu nên mới giúp anh chọn lựa rất kỹ.
Năm ấy cậu mới vào cấp hai nên người vẫn còn gầy nhom. Thấy Chu Dập với thân hình lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn nhờ rèn luyện trong quân đội mà phát ham. Mỗi lần anh ấy diện đồ tây thì bảnh bao hết nấc khiến cậu ngưỡng mộ vô cùng nên cứ nằng nặc đòi mặc thử cho bằng được. Rốt cuộc thì sao? Vai thì không đủ rộng, mông thì không đủ cong, mặc vào trông chẳng khác nào thằng hề làm cho Chu Dập và người bán hàng cười ngặt nghẽo hồi lâu.
Bây giờ cậu đã mười chín, vóc dáng cũng cao lớn hơn hẳn Chu Dập hồi bằng tuổi nên bộ đồ này đã trở nên chật chội so với cậu. Nhưng thật đáng tiếc vì Chu Dập còn chưa kịp mặc nó lần nào mà Chu Đồng đã phải mặc thay Chu Dập trong chính đám tang của anh. Hôm ấy bà nội rơi vào mê man, cứ nắm chặt tay cậu mà gọi: "Bé Dập, bé Dập ơi" và hỏi cậu rằng Đồng Đồng đi đâu mất rồi, bảo cậu hãy mau gọi Đồng Đồng về ăn thịt kho tàu.
Bộ quân phục của anh trai vẫn chưa được ai mặc lần nào, kể cả cậu cũng chẳng có ý định sẽ mặc nó. Từ ngày Chu Dập hi sinh, bộ quân phục này cùng với những kỷ vật khác được mang về nhà. Rồi chúng được treo trong tủ suốt năm năm trời. Dù có túi chống ẩm và long não, nhưng cuối cùng tà áo và cổ tay áo vẫn bị mốc.
Chu Đồng cẩn thận lấy bộ quân phục ra, định lát nữa sẽ mang đi giặt khô.
Tuy biết chắc là chẳng có gì nhưng cậu vẫn cứ kiểm tra hết các túi áo theo thói quen. Bộ quân phục của hạ sĩ quan chỉ khác quân phục của sĩ quan ở chất liệu vải may và số lượng túi ít hơn. Sau một hồi sờ soạng, Chu Đồng chợt phát hiện ở túi áo bên trong có một vật gì đó ẩm ẩm như khăn ướt. Lấy ra xem kỹ thì mới biết là một bức thư được gấp nhỏ hơn cả lòng bàn tay.
Cả phong bì lẫn tờ giấy bên trong đều ướt nhẹp, lúc mở ra không khéo nên bị rách toạc một góc. Mực trên giấy thì lem luốc gần hết nhưng vẫn còn nhận ra được nét chữ rất nắn nót và sự chân thành, chu đáo của người viết.
Ánh sáng trong phòng hơi lờ mờ. Chu Đồng cảm thấy có gì đó không ổn, liền nhíu mày suy nghĩ. Sau đó, cậu cầm lá thư đưa ra gần cửa sổ để nhìn cho rõ.
Ở mặt trước của lá thư màu trắng có hai chữ "di thư" được viết theo lối hành thư. Nội dung bên trong không quá dài, bắt đầu bằng câu: "Kính gửi. Khi đọc được những dòng này, hãy nghĩ rằng tôi vẫn luôn bên cạnh người."
| Chú thích
¹Lễ truy điệu là nghi thức được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng thương tiếc với người đã mất.
²Điếu văn là một bài diễn thuyết được trình bày trong tang lễ để tưởng nhớ cuộc đời của một người. Đó là lời tri ân gửi đến người đã khuất do người thân hoặc bạn bè đọc. Trong bài điếu văn, người ta thường kể lại những câu chuyện về cuộc đời của người đã mất và tóm tắt những thành quả mà họ đã đạt được. Nếu bạn muốn, người chủ trì tang lễ cũng có thể đọc điếu văn giúp bạn.
³Lập xuân là một tiết khí quan trọng trong năm, đánh dấu sự bắt đầu một năm mới và báo hiệu mùa xuân đã đến. "Lập" có nghĩa là điểm khởi đầu, sự bắt đầu, còn "xuân" chính là tên mùa đầu tiên trong bốn mùa của một năm. Tiết Lập xuân khởi đầu cho 24 tiết khí trong một năm. Ngày Lập xuân là ngày đầu tiên của tiết này.
⁴Tiền tử tuất là khoản tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội trả từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm, đang hưởng bảo hiểm hoặc đang chờ hưởng bảo hiểm xã hội mà chết hoặc một số đối tượng có công với nước chết thì các thân nhân trong gia đình của người chết là cha, mẹ, vợ, chồng con được hưởng tiền tuất.
⁵Gia đình chính sách là gia đình đủ điều kiện được nhà nước ban hành các chính sách cung cấp cho người dân các dịch vụ xã hội tốt nhất và các chính sách xã hội hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi hình ảnh khó khăn của xã hội.
Hiện nay, hộ gia đình chính sách là hộ gia đình được hưởng các chính sách xã hội bao gồm: hộ nghèo; nhà đặc biệt khó khăn; hộ gia đình là người dân tộc thiểu số; thành viên trong hộ gia đình là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com