Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

☆Chương 8: Muôn mặt cuộc đời (phần 1)


Ông Nhiếp năm nay sáu mươi ba tuổi, sống một đời khắc khổ.

Hồi trẻ, vì kiếm tiền, ông rời quê đi làm ăn xa. Tích góp từng đồng trong năm sáu năm trời, nhờ người mai mối cưới được một cô vợ xinh đẹp người ngoại tỉnh.

Con trai vừa chào đời, vợ đã bỏ trốn. Hỏi người mai mối thì chỉ nhận được câu trả lời rằng mấy cô vợ tìm được đều như vậy, sinh con xong là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Không còn cách nào khác, ông vừa làm cha vừa làm mẹ, cực khổ nuôi con khôn lớn.

Đến khi con trai lập gia đình, sau khi sinh được một đứa cháu, cặp vợ chồng trẻ nói muốn đi hưởng tuần trăng mật bù. Ai ngờ lại gặp tai nạn xe, chỉ còn lại ông và đứa cháu nương tựa vào nhau.

Trong làng có chính sách đóng tiền một lần để mua bảo hiểm gì gì đó, đến tuổi nghỉ hưu sẽ nhận tiền trợ cấp hàng tháng cho đến khi qua đời. Ông Nhiếp nghe thấy hợp lý, liền gom hết tiền đóng luôn một lần. Ngày ngày đếm ngón tay chỉ mong đến kỳ nhận lương hưu.

Ngay khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, chỉ còn ít thời gian nữa là có thể ở nhà an nhàn nhận trợ cấp, nào ngờ ngoài đường bỗng xuất hiện vô số loài động vật kỳ dị, con nào con nấy đều cực kỳ hung tợn.

Mặc dù đã mua nhà trong thành phố, nhưng ông Nhiếp vẫn giữ thói quen tích trữ lương thực của người già. Ai ngờ chưa được bao lâu, khu chung cư bị cắt điện, mất nước, có gạo cũng không nấu được. May mà trước đó ông đã trữ khá nhiều nước máy trong chậu, có thể cầm cự thêm vài ngày.

Ngày nào ông Nhiếp cũng mong chờ quân đội đến cứu viện, ông kiên định tin rằng quân đội sẽ không bỏ mặc dân thường. Chỉ có điều ông hơi lo lắng, sang năm cháu trai sẽ thi đại học, không biết bao giờ quân đội mới dọn sạch lũ hung thú bên ngoài để cuộc sống trở lại bình thường. Nhỡ mà kéo dài quá lâu, cháu ông không thể chuyên tâm học hành, chẳng phải sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi sao?

Đáng tiếc là thằng bé không chịu nghe lời, ngày nào cũng lẩm bẩm: "Đợi quân đội tới, chắc chúng ta chết đói mất rồi." Nó để lại một mẩu giấy rồi lén bỏ ra ngoài, nói là đi tìm thức ăn.

Ông Nhiếp vừa giận vừa lo, sao lại có thể tự ý chạy ra ngoài như vậy? Nhỡ gặp phải hung thú thì sao? Biết đâu vài ngày nữa quân đội sẽ tới cứu không chừng, sao lại không thể kiên nhẫn thêm một chút chứ!

Không biết thằng cháu chạy đi đâu, ông Nhiếp chỉ có thể ngồi nhà chờ đợi. Lúc nghe thấy tiếng gõ cửa, ông còn tưởng cháu đã quay lại. Nhìn qua mắt mèo, hóa ra là một chàng trai trạc tuổi cháu mình.

"Có ai ở nhà không?" Chàng trai một tay cầm chậu, tay kia gõ cửa. "Cháu ở tầng trên, ngay trên căn hộ của ông. Khu này mất nước rồi, nhà cháu không còn giọt nào, ông có thể cho cháu xin một ít không?"

Ông Nhiếp mở cửa: "Trong chậu có đấy, nhà ông tích trữ được khá nhiều nước, cháu cứ lấy một ít mà dùng."

Hồi còn ở nông thôn, cho người qua đường miếng nước là chuyện hết sức bình thường, hàng xóm láng giềng cũng thường xuyên qua lại giúp đỡ nhau.

Nhưng cháu trai ông thì không nghĩ vậy. Nó hay nhắc nhở: "Có người đến thì phải nhìn qua mắt mèo trước, hỏi rõ chuyện gì rồi hãy quyết định có mở cửa hay không. Phải biết đề phòng người khác."

Ông Nhiếp chẳng hiểu nổi, ông chỉ là một ông già, có gì đáng để người khác nhắm tới đâu. Đôi khi ông tự hỏi, có phải thằng bé đọc sách nhiều quá mà hóa ngốc rồi không, sao lúc nào cũng nghi ngờ người khác như vậy?

Chàng trai vui vẻ, vào nhà múc nước, miệng không ngớt cảm ơn: "Ông ơi, nhờ có ông mà cháu đỡ khổ rồi. Không có đồ ăn thì còn cầm cự được mấy ngày, chứ không có nước thì chết mất. Ồ, nhà chỉ có mình ông thôi à?"

Ông Nhiếp cũng không nghĩ nhiều, vừa rót nước vừa trò chuyện: "Nhà ông còn có đứa cháu. Không chịu ngoan ngoãn ở nhà, cứ nhất quyết chạy ra ngoài tìm đồ ăn. Cháu nói xem, bên ngoài nguy hiểm như vậy, sao nó có thể ra ngoài một mình chứ?"

Chàng trai khéo miệng đáp: "Cháu ông chắc là muốn kiếm thêm thức ăn cho ông đấy. Cháu ông hiếu thảo thật, ông đúng là có phúc."

Ông Nhiếp nghe mà trong lòng thấy ấm áp, nhưng ngoài miệng vẫn trách móc: "Hiếu thảo cái gì mà hiếu thảo! Không chịu nghe lời ông, chẳng hiểu chuyện chút nào. Nhà có phải hết đồ ăn đâu, vẫn còn gạo đấy, ngâm nước lạnh ăn tạm cũng được, chịu khó một chút là qua thôi. Nó cứ nhất quyết không nghe. Cháu bảo xem, giờ chạy đi rồi, nhỡ xảy ra chuyện thì biết làm sao?"

Chàng trai ngạc nhiên: "Ông còn có thói quen tích trữ lương thực à?"

Ông Nhiếp tự hào ưỡn ngực: "Đương nhiên rồi! Ngày xưa thiên tai, có tiền cũng không mua nổi đồ ăn, từng chịu đói đến sợ. Không trữ sẵn bảy tám bao gạo trong nhà là đêm ông ngủ không yên. Đâu như mấy đứa trẻ các cháu, chẳng có tí kinh nghiệm nào, cứ nghĩ có tiền là vào siêu thị mua được đồ. Đợi đến lúc thực sự gặp chuyện rồi mới biết có tiền chưa chắc đã mua nổi hạt cơm!"

Chàng trai nuốt nước bọt, thử thương lượng: "Ông ơi, hay là thế này, ông chia cho cháu một bao gạo, cháu trả ông một ngàn tệ nhé?"

Ông Nhiếp khó xử. Ông vẫn muốn dự trữ bảy tám bao gạo, nhưng cháu ông chê chật, trong nhà giờ chỉ còn bốn bao loại 5kg, trong đó có một bao đã mở gần hết. Nếu cho đi một bao, chỉ còn lại hơn hai bao. Không biết bao giờ quân đội mới có thể quét sạch lũ quái vật, nhà càng có nhiều lương thực thì càng yên tâm.

"Không được, ông không bán."

Chàng trai sốt ruột: "Ông ơi, một bao gạo một ngàn tệ đấy, ông có thể kiếm được kha khá đó! Ông nghĩ lại đi? Nếu không đủ, cháu có thể trả thêm."

Ông Nhiếp kiên quyết lắc đầu: "Ngày xưa chịu đói khổ lắm rồi, ông không thể để cháu ông phải sống những ngày như vậy nữa. Đừng nói nữa, ông không bán đâu. Ông có thể cho cháu một ít, cháu mang về ăn tạm rồi tìm cách khác đi."

Có đủ bảy tám bao gạo, lại kiếm thêm ít nước, có thể cầm cự rất lâu. Đợi quân đội đến cứu viện thì chẳng cần phải ra ngoài đối mặt với quái vật nữa. Ánh mắt chàng trai dần trở nên cương quyết, hắn đặt chậu xuống bàn, đẩy mạnh ông Nhiếp sang một bên rồi xông vào nhà.

"Này! Cháu làm gì vậy..." Ông Nhiếp tức giận lao tới ôm lấy hắn, nhưng bị đẩy ra, đầu đập vào tủ, máu chảy ra. "Cứu với! Có cướp!"

Chàng trai hoảng loạn: "Đừng la hét nữa!"

Nhưng ông Nhiếp mặc kệ, vẫn lớn tiếng kêu cứu.

Chàng trai cắn răng, nhìn quanh, vớ lấy món đồ trang trí bằng sứ đập mạnh vào đầu ông Nhiếp, khiến ông bất tỉnh.

Khi Nhiếp Thắng về đến nhà, phát hiện cửa nhà mở toang. Cậu lao vào, thấy ông nội nằm bất tỉnh trên sàn, trán rướm máu. Nhà cửa giống như bị người ta lật tung một lượt.

Nhiếp Thắng hoảng hốt bỏ con gà quay trong áo khoác xuống, định chạy vào bếp lấy nước để lau mặt cho ông tỉnh lại. Nhưng vừa nhìn vào, cậu chết sững... tất cả bao gạo đã biến mất, chậu nước cũng đã cạn, chỉ còn một lớp nước nông dưới đáy chậu.

Nhiếp Thắng không quan tâm được chuyện gì khác, cậu vốc một ít nước vỗ lên mặt ông Nhiếp.

Hồi lâu, ông Nhiếp mới tỉnh lại, sau khi mở mắt việc đầu tiên ông làm chính là bò lại kiểm tra tủ bếp, sau khi tìm kỹ, ông cụ lập tức nước mắt lưng tròng, khóc lóc om sòm: "Đồ vô nhân tính, nó không phải con người, nó lấy hết gạo của tôi đi rồi!"

"Cháu đã vảo ông đừng tùy tiện mở cửa cơ mà!" Nhiếp Thắng vừa xót ông nội mình bị thương, vừa xót đồ trong nhà bị người ta lấy mất, vừa giận vì ông không nghe lời mình, nội tâm vô cùng phức tạp.

"Ông nào biết chuyện sẽ thành ra thế này... Con người trong thành phố sao có thể xấu xa như vậy? Trước đây lúc còn ở dưới quê, nhà có quên khóa cửa cũng chẳng mất mát gì cơ mà." Ông cụ Nhiếp tiếp tục tìm, phát hiện những không còn bao gạo nào, mà ngay cả tiền đi học cho cháu nội, tiền mua quan tài cho mình cũng chẳng còn!

"Đúng rồi." Ông cụ Nhiếp túm lấy quần áo cháu nội. "Nó nói nó sống tầng trên nhà chúng ta, ở ngay căn hộ bên trên thôi, chúng ta mau đi tìm nó."

"Gượm đã, đầu ông bị thương, phải bôi thuốc trước."

"Bây giờ ông làm gì có tâm trạng bôi thuốc!" Ông Nhiếp vừa gào lên lo lắng vừa chạy nhanh ra cửa, leo thang bộ lên tầng. Nhiếp Thắng đóng cửa nhà lại, cũng theo ông lên tầng.

"Mở cửa ra, mau mở cửa trả đồ lại cho thôi." Ông Nhiếp ra sức gõ cửa căn hộ tầng trên.

Cửa nhà hé ra một khe nhỏ, xích cửa vẫn khóa, bên trong nhà có một người đàn ông trung nhiên thò đầu ra: "Có chuyện gì?"

"Vừa rồi có một cậu thanh niên đến nhà tôi xin nước uống, nói là sống ở đây. Nó cướp sạch đồ trong nhà tôi rồi, mau trả lại đồ cho tôi." Ông Nhiếp tức giận ngút trời.

"Thanh niên nào? Trông ra làm sao?"

Ông Nhiếp miêu tả một lượt, người đàn ông trung nhiên lập tức hiểu ra: "Nó là khách thuê nhà chúng tôi, là người của thôn gì đó tỉnh khác, nói nó bỏ học rồi, muốn lên thành phố tìm việc làm. Hợp đồng thuê nhà ký từ ba tháng trước, mấy hôm trước mới đáo hạn. Tôi thấy bên ngoài loạn lạc, không tiện đuổi nó đi ngay. Kết quả là mấy hôm nay họ hàng đến nhà tránh nạn, hết cách, nhà không đủ chỗ ở, đành phải bảo nó rời đi. Hôm nay nó vừa mới đi rồi."

Khách thuê? Nông thôn? Hôm nay mới rời đi?

Ông Nhiếp nghe mà ong cả đầu: "Vậy ông để tôi vào nhà xem thử, tôi muốn tận mắt thấy nó không có ở trong nhà này."

"Thế sao được!" Người đàn ông trung nhiên quả quyết cự tuyệt. "Trong nhà còn có vợ con tôi, bây giờ thời thế loạn lạc, sau có thể tùy tiện cho người lạ vào nhà chứ? Những gì tôi nói đều là sự thật, ông không tin thì tôi cũng mặc kệ."

Rầm một cái, cửa nhà đóng sập lại.

Ông Nhiếp tiếp tục gõ cửa, thế nhưng sau đó quả nhiên chẳng còn ai tiếp tục để ý đến ông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com