Ba câu chuyện, một bài ca
1) Chuyện con rết và con cóc
Có một con rết đang đi lại nhởn nhơ trong vườn, bỗng nhiên gặp một con cóc. Con cóc
giương đôi mắt ốc nhồi, nhìn con rết uốn éo với năm trăm cặp giò uyển chuyển như
những làn sóng lượn: "Này, chị rết ơi! Làm sao mà chị có dáng đi yểu điệu thế. Chắc hẳn
phải là nhờ năm trăm cặp giò của chị. Nhưng mà, làm thế nào mà đi với một ngàn cái
chân được nhỉ? Chú voi thì: 'Cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau,
còn cái đuôi đi sau rốt'... Còn chị thì không biết chân nào đi trước, chân nào đi sau vậy?"
Con rết lúc đầu được khen, phổng mũi, nhưng sau bị hỏi vặn, bắt đầu luống cuống: "Ừ
nhỉ! Không biết mình làm thế nào. Chân thứ 83 đáng lẽ phải đi trước chân thứ 245, mà
tại sao nó lại ở đằng sau chân thứ 167, ồ lạ quá, hay là mình phải giơ chân 98 lên trong
khi chân 14 đạp ra sau..." Rốt cục ra chân nọ sọ chân kia, con rết, từ lúc tự hỏi làm thế nào
để đi, không làm sao chuyển mình nổi nữa và bắt buộc phải nằm bẹp dưới đất.
(Có một câu chuyện tương tự, hẳn những ai ham đọc chuyện tranh Tintin đều nhớ rõ:
Một hôm, ông thuyền trưởng Haddock tự nhiên trước khi đi ngủ tự hỏi mình nên để bộ
râu ở trên chiếc chăn, hay dưới chiếc chăn. Ở trên thì không ổn, mà ở dưới thì cũng không
xong. Rốt cục, cả đêm ông không thể nào chợp mắt được!)
2) Chuyện bà mẹ và chiếc răng
Ngày xưa có một anh chàng sắp đi hành hương nơi xứ Phật. Anh có một bà mẹ già rất
sùng đạo Phật. Trước khi chia tay, bà dặn dò anh nhớ đem về cho bà một viên xá lợi, hay
một dấu vết gì của Đức Phật để bà thờ. Rốt cuộc chuyến đi hành hương này rất vất vả, cho
nên anh không có một giây phút nào rảnh rang để kiếm tặng phẩm cho bà mẹ. Ngày cuối
cùng trên đường về, anh bứt rứt trong lòng, không biết làm thế nào để cho mẹ anh khỏi
thất vọng. Bỗng nhiên, khi nhìn thấy bên lề đường xác chết của một con chó, trong đầu
anh loé lên một tia sáng. Anh lấy ở trên xác chó một chiếc răng, rửa nó sạch sẽ và đặt nó
trong một chiếc hộp rất đẹp. Anh đem về tặng mẹ anh, như một chiếc răng còn lại của Đức
Phật. Bà mẹ rất vui mừng khi nhận được chiếc răng đó, bà kính cẩn đặt lên bàn thờ, mỗi
ngày tụng kinh và chiêm ngưỡng. Sau một thời gian, chiếc răng mỗi ngày một sáng lên,
và tỏa ra một ánh hào quang lạ kỳ trong bóng tối...
3) Chuyện nhà sư ngu đần
Tchounda vốn sanh ra ngu đần, dốt nát. Khi người anh cả của ông xuất gia đầu Phật,
thì ông cũng muốn noi gót anh và đi tìm gặp Ananda, người đệ tử thân cận của Đức Phật,
để xin thâu nhận vào tăng đoàn. Vì thấy Tchounda quá ngu dốt, ngay cả vài giới luật
cũng không thể nào nhớ nổi, cho nên Ananda ban đầu từ chối. Nhưng rốt cuộc, Đức Phật,
với lòng từ bi và trí tuệ siêu việt của ngài, soi thấy rõ mầm mống giác ngộ tiềm tàng nơi
ông do những nghiệp tốt trước, và thâu nhận ông làm đệ tử xuất gia.
Vấn đề là không những Tchounda dốt đặc cán mai, mà chuyện gì ông cũng quên, từ
kinh kệ cho tới mặc quần áo, cũng không nhớ vạt nào trước, vạt nào sau. Cuối cùng, mọi
người giao cho Tchounda công việc rửa dép, quét nhà, là những việc duy nhất mà ông có
thể làm được.
Đức Phật đích thân dặn dò ông: "Mỗi lần rửa dép, quét nhà, thì con hãy tự nói như
vầy: 'Tôi gột bỏ những ô nhiễm trong tâm ý tự nhiên, trong sáng và trọn vẹn của tôi', con
có nhớ không?" "Dạ có!". Và ngày này qua ngày khác, Tchounda cặm cụi rửa dép, quét
nhà rồi lên gặp người anh để ôn lại những lời dặn của Đức Phật cho khỏi quên.
Một hôm Đức Phật tới hỏi Tchounda: "Con rửa dép đó à?" "Dạ!" "Con quét bụi bậm
dưới đất phải không?" "Dạ!" "Vậy thì con đã gột bỏ những ô nhiễm trong tâm ý tự nhiên,
trong sáng và trọn vẹn của con chưa?" Ngay lúc đó, Tchounda bỗng nhiên bừng tỉnh, giác
ngộ. Một niềm vui tràn ngập ông, ông thấy rõ rằng dép dơ vẫn là dép, đất vương đầy bụi
bậm vẫn là đất, tâm ý ông vẫn tự nhiên, trong sáng và trọn vẹn, và ông trở thành A La
Hán.
Những ai quen biết Tchounda từ trước không thể tin rằng một người ngu đần như ông
có thể trở thành A La Hán được. Nhưng Đức Phật bất cứ đi đâu cũng dành một chỗ đặc
biệt cho Tchounda, bởi vì theo ngài đó là vị A La Hán có tâm trong sạch và khiêm
nhường nhất, trong sạch là vì không biết gì, và khiêm nhường là vì biết những hạn chế
của mình... (phỏng theo lama Surya Das)
4) Bài ca của cố Lama Guendune Rimpotché, Dhagpo Kagyu Ling
(vùng Dordogne, Pháp):
Hạnh phúc không tìm thấy bởi sự cố gắng và ý chí.
Nó đã có sẵn trong sự nghỉ ngơi, sự cởi mở và sự buông xả.
Đừng cố sức quá
Không có gì phải làm, và cũng không có gì phải bỏ.
Những gì thoáng qua trong thân–tâm
chẳng có gì là quan trọng,
và cũng chẳng có phần nào thực thể.
Tại sao phải tự nhận là mình và chấp chặt vào đó,
phê phán trên đó và trên chính mình?
Tốt hơn là để trò chơi lớn đó
tự nó xảy ra
như những làn sóng nhô lên và rơi xuống,
không đụng đậy thay đổi gì,
và nhận thấy rằng tất cả tan biến đi và
xuất hiện lại, như một trò quỷ thuật, vẫn còn và mãi mãi, không ngừng.
Chỉ có sự tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta
mới không cho phép ta nhìn thấy nó.
Như một chiếc cầu vồng nhiều màu sắc mà người ta theo đuổi
không bao giờ nắm bắt được,
hay một con chó chạy theo đuôi mình.
Dù thanh bình và hạnh phúc không có thực
như những đồ vật và nơi chốn thực sự,
nhưng chúng luôn luôn sẵn sàng
đi bên cạnh chúng ta trong mỗi giây phút.
Đừng tin ở sự thực
của các kinh nghiệm tốt hay xấu:
Chúng cũng phù du như thời tiết hôm nay,
như những cầu vồng trên bầu trời.
Khi muốn nắm bắt cái không nắm bắt được,
bạn sẽ đuối sức một cách vô ích.
Khi mở nắm tay co quắp của sự ham muốn,
thì không gian xuất hiện ngay: mở rộng, đón nhận, dễ chịu.
Hãy tận hưởng cái không gian, cái tự do, cái thoải mái tự nhiên đó.
Đừng tìm kiếm xa hơn.
Đừng đi sâu vào bụi rậm rừng rú
tìm con voi lớn giác ngộ,
nó đã yên lặng nghỉ ngơi
trước lò sưởi trong nhà bạn.
Không có gì phải làm, không có gì phải bỏ,
không có gì phải cố sức,
không có gì phải muốn,
và không có gì thiếu thốn.
Emahô! Thật là mầu nhiệm!
Tất cả tự làm lấy một mình.
Dịch tại Olivet, 16/2/2003
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com