002. Trần Đăng Dương
_
Tôi là Trần Đăng Dương.
Tôi sinh ra trong một gia đình có thể gọi là khá giả, nơi mọi thứ đều được sắp đặt một cách chỉn chu, gọn ghẽ, nơi những lo toan về cơm áo gạo tiền chưa bao giờ trở thành gánh nặng đè trĩu trên đôi vai tôi. Cuộc sống của tôi trôi qua êm đềm như dòng nước lững lờ trên mặt hồ phẳng lặng. Gia đình của tôi tuy không thuộc giới thượng lưu hào nhoáng nhưng cũng chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện bữa nay ăn gì, ngày mai ra sao.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với việc được khoác lên mình những bộ quần áo thơm tho, tươm tất, chưa từng biết đến cảm giác áo sờn vai, quần rách gối. Những bữa cơm nhà tôi luôn nóng hổi, đầy đủ món này món kia, chẳng khi nào phải đắn đo giữa miếng ngon và giá cả. Tôi được học ở những ngôi trường tốt, nơi mà bạn bè tôi cũng giống tôi—những đứa trẻ chưa từng một lần nếm trải sự khắc nghiệt của cuộc sống ngoài kia.
Thế giới của tôi cứ thế mà xoay vần trong những điều bình yên, phẳng lặng đến mức đôi khi tôi ngỡ rằng cuộc đời mình sẽ mãi mãi chỉ có những gam màu tươi sáng như thế. Không sóng gió, không xáo trộn, không biến động.
Cho đến khi tôi gặp anh.
Anh lớn hơn tôi ba tuổi, sống ở khu xóm lao động ngay cạnh nhà tôi. Một nơi tôi hiếm khi lui tới. Không phải vì tôi khinh thường, mà đơn giản chỉ vì giữa tôi và nơi đó chẳng có bất kỳ điểm giao nhau nào.
Vậy mà không biết từ khi nào, tôi bắt đầu chú ý đến anh.
Chiều nào cũng vậy, cứ tầm xế muộn, khi ánh mặt trời chỉ còn là những vệt nắng cuối cùng trải dài trên mặt đường, tôi lại thấy anh xuất hiện ở quán hủ tiếu đầu ngõ nhà dì Sáu, cặm cụi rửa từng cái tô, cái chén. Bộ quần áo anh mặc đã bạc màu theo thời gian, tay áo xắn cao đến khuỷu, để lộ đôi cánh tay gầy gò, rám nắng. Những ngón tay thô ráp, chai sạn vì công việc lao động, hoàn toàn đối lập với bàn tay mềm mại của tôi—một kẻ chưa từng biết thế nào là cực nhọc.
Anh không phải kiểu người hay cười, cũng chẳng phải kẻ ồn ào. Anh lặng lẽ làm việc, thỉnh thoảng mới buông vài câu đáp lại những lời trêu chọc của mấy người khách quen trong xóm. Nhưng mỗi khi cười, khóe môi anh cong lên nhẹ nhàng, đôi mắt nâu sẫm phản chiếu ánh đèn đường lấp lánh, khiến tôi có cảm giác như cả thế giới bỗng chốc thu bé lại, chỉ còn anh và nụ cười ấy.
Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên mình nhìn thấy anh là khi nào. Có thể là một chiều muộn nào đó, khi tôi tình cờ đi ngang qua quán hủ tiếu hoặc có thể là khoảnh khắc vô thức lúc tôi đứng trên ban công nhà mình, mắt lơ đãng hướng về con hẻm nhỏ.
Chỉ biết rằng, kể từ ngày ấy, ánh mắt tôi dường như luôn lặng lẽ kiếm tìm bóng dáng anh. Như một thói quen. Như một điều gì đó không thể kiểm soát.
Và cũng từ ngày ấy, thế giới tôi bắt đầu có những gợn sóng đầu tiên.
Tôi nhớ rất rõ hôm ấy, một buổi chiều muộn khi mặt trời đã rút những vệt nắng cuối cùng khỏi nền trời, để lại khoảng không lờ mờ ánh cam nhạt. Tôi ghé quán dì Sáu ăn hủ tiếu—một việc hiếm hoi vì từ trước đến giờ, tôi vốn không có thói quen ăn ở những quán vỉa hè. Nhưng chẳng hiểu vì sao, hôm ấy tôi lại có chút hứng thú với mùi nước lèo thơm phức len lỏi qua từng cơn gió nhẹ, hay đúng hơn, tôi chỉ đơn giản là muốn tìm một lý do để ngồi xuống, để quan sát anh gần hơn một chút.
Anh vẫn như mọi ngày, ngồi ở một góc nhỏ, tay thoăn thoắt rửa từng chiếc tô, chiếc đũa. Nước bắn lên đôi tay rám nắng của anh, lấp lánh dưới ánh đèn đường vàng vọt. Tôi gọi một tô hủ tiếu rồi ngồi xuống chiếc bàn ngay gần đó, tầm mắt vô thức hướng về phía anh.
Và điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là ánh mắt anh.
Tôi không phải là một người nhạy cảm với ánh nhìn của người khác, nhưng tối hôm ấy, tôi nhận ra rõ ràng—giữa những lần cúi xuống, giữa những khoảnh khắc bọt xà phòng trôi theo dòng nước, anh vẫn liếc nhìn tôi. Chỉ trong một giây ngắn ngủi, nhưng đủ để tôi bắt gặp.
Lúc đầu, tôi cứ ngỡ là mình tưởng tượng. Nhưng khi lần thứ hai, rồi lần thứ ba, tôi nhận ra ánh mắt ấy không phải là vô tình.
Anh đang nhìn tôi.
Không phải một cái nhìn hờ hững như cách người ta lướt qua nhau, cũng không phải ánh mắt của một người xa lạ tò mò về ai đó. Cái nhìn của anh nhẹ nhàng, có chút do dự, có chút e dè, như thể anh không chắc liệu mình có nên tiếp tục nhìn nữa hay không. Tôi cúi xuống, giả vờ tập trung vào tô hủ tiếu trước mặt, nhưng trong lòng lại rối bời theo một cách tôi không hiểu nổi.
Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ quan tâm đến việc ai đó có đang nhìn mình hay không. Thế mà chỉ vì một ánh mắt thoáng qua, tôi lại cảm thấy lòng mình gợn sóng. Bất giác, tôi cũng liếc nhìn anh.
Và lần này, khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, anh giật mình quay đi.
Vài ngày sau, tôi lấy hết can đảm hỏi thăm dì Sáu về anh. Dì đang lom khom vớt cọng hủ tiếu cuối cùng ra khỏi nồi nước sôi, nghe tôi hỏi, dì bật cười, giọng hào sảng như bao người lao động chân chất trong xóm.
"À, là thằng Hùng, nó trọ ở cuối ngõ nè chứ đâu."
Hùng.
Cái tên đơn giản đến lạ, vậy mà khi nghe dì nhắc đến, tôi lại có cảm giác như vừa phát hiện ra điều gì đó quan trọng. Tôi nhẩm đi nhẩm lại cái tên ấy trong đầu, như thể muốn khắc sâu vào tâm trí.
Dì Sáu nói tiếp, tay vẫn thoăn thoắt chan nước lèo vào tô hủ tiếu. "Thằng nhỏ hiền lành, chịu thương chịu khó lắm. Nhà nó nghèo, nghỉ học sớm để đi làm nuôi mấy đứa em. Tao thương nó lắm, nên lâu lâu có gì dư dả cũng kêu nó qua ăn cho đỡ đói."
Tôi im lặng, nghe tim mình khẽ nhói lên một nhịp.
Một người như anh, lớn lên trong cảnh thiếu thốn, vất vả mưu sinh nhưng vẫn lặng lẽ gánh vác cả gia đình trên đôi vai. Một người như anh, xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn thế.
Và tôi... chẳng hiểu vì sao, lại muốn trở thành một phần trong những điều tốt đẹp ấy của anh.
"Dì có biết thêm gì về anh ấy không ạ?" Tôi lấy hết can đảm hỏi dì Sáu.
Dì Sáu nhìn tôi, ánh mắt có chút ngạc nhiên, nhưng rồi dì cười cười, chống nạnh nói: "Ủa, sao tự nhiên bây hỏi kỹ vậy? Thích nó hả?"
Tôi giật mình, suýt nữa đánh rơi cái muỗng trên tay.
"Dạ không... con chỉ tò mò thôi." Tôi lúng túng chống chế, nhưng nhìn vẻ mặt gian xảo của dì Sáu, tôi biết mình chẳng giấu được gì cả.
Dì cười khoái chí rồi ngồi xuống cái ghế nhựa bên cạnh, lấy tay phe phẩy cái nón lá trên đầu. "Thằng nhỏ đó hả? Từ nhỏ đã cực rồi con. Nhà nó nghèo lắm, nó là anh cả nên phải nghỉ học đi làm lo cho mấy đứa em. Ban ngày nó phụ hồ, tối lại chạy xe ôm, có bữa nào rảnh thì qua đây giúp dì rửa chén kiếm thêm ít đồng."
Tôi nghe mà lòng bỗng trùng xuống. Một người trẻ tuổi như anh, đáng lẽ phải có những tháng ngày vô tư vô lo, thế mà anh lại gánh trên vai bao nhiêu trách nhiệm. Tôi không tưởng tượng nổi, một cậu thiếu niên mười mấy tuổi phải đối diện với cuộc sống như thế nào khi phải gác lại ước mơ để mưu sinh.
"Vậy... anh ấy có từng hẹn hò ai chưa ạ?" Tôi không kìm được mà hỏi tiếp.
Dì Sáu bật cười ha hả, vỗ nhẹ lên vai tôi. "Bữa nay sao bây tò mò dữ vậy nè? Tao nhớ trước giờ nó có quen vài cô, mà rồi cũng chẳng đi tới đâu. Con gái thời nay đâu có thích trai nghèo con, nhất là người như nó, suốt ngày chỉ biết cày cật lực để lo cho gia đình, đâu có thời gian hẹn hò."
Tôi im lặng, lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Một phần tôi cảm thấy xót xa cho anh, một phần lại cảm thấy... có lẽ mình vẫn còn cơ hội.
"Bây để ý thằng Hùng thì gặp nó đi, hỏi tao chi cho cực." Dì Sáu vừa cẩn thận đặt tô hủ tiếu nghi ngút khói xuống bàn cho vị khách gần đó, vừa liếc nhìn tôi, giọng nói nửa trách móc, nửa như đang trêu chọc.
Tôi cười trừ, cố giấu đi sự bối rối trong lòng. "Con chỉ tò mò thôi mà, đâu có gì đâu dì."
Dì Sáu liếc tôi một cái, vẻ mặt đầy ẩn ý, rồi lại quay sang tiếp tục công việc của mình. Nhưng trước khi rời đi, dì vẫn không quên buông một câu bâng quơ: "Tò mò mà hỏi kỹ vậy hả? Thiệt tình, bây thích người ta thì cứ mạnh dạn lên, quanh co chi cho mệt. Hổng lẽ để tao làm mai luôn cho?"
Tôi suýt nữa sặc nước. Vội vàng cúi gằm mặt xuống, tôi lảng tránh bằng cách cầm đũa đảo đảo tô hủ tiếu trước mặt nhưng đầu óc thì hoàn toàn không tập trung được. Gặp anh ư? Tôi có nên không?
Dì Sáu chép miệng, buông một câu bâng quơ: "Tao nghe đâu nhà thằng Hùng từ Huế dọn vô đây."
Tôi vẫn cúi mặt ăn, nhưng khi dì Sáu kể tiếp, tôi bỗng chững lại.
"Hồi mới gặp nó, nó nói cái giọng Sài Gòn lơ lớ nghe mà phát tức, riết rồi cũng quen. Tánh nó hiền lắm, có lần bị tụi du côn du đãng ăn hiếp mà cũng không hé răng một tiếng."
Tôi ngẩng đầu, nhíu mày. "Bị ăn hiếp mà cũng không phản kháng ạ?"
Dì Sáu chống nạnh, thở dài: "Ừ, hồi đó, nó gầy nhom, ít nói, ai sai gì cũng làm. Mà con biết rồi đó, cái xóm này đâu có thiếu mấy thằng cà chớn. Thấy nó hiền thì càng chọc ghẹo, bắt nạt. Có lần tụi kia giật tiền công của nó, vậy mà nó cũng chỉ lẳng lặng bỏ đi, không nói gì hết."
Tôi siết chặt đôi đũa trong tay. Một người như anh, cực khổ bao nhiêu cũng không than vãn, chịu đựng đủ thứ bất công mà vẫn im lặng. Là vì anh nhẫn nhịn, hay vì đã quá quen với những thiệt thòi trong đời?
Dì Sáu nhìn tôi một lúc, rồi nói tiếp: "Mà cũng có lần tao thấy nó nổi nóng nghen. Chuyện đâu phải nó lúc nào cũng chịu đựng."
Tôi giật mình, mắt sáng lên. "Dạ? Lần nào vậy dì?"
Dì khoanh tay, ngả lưng ra ghế như đang hồi tưởng lại. "Có lần, cũng tụi du côn đó, tụi nó không chỉ giật tiền công của nó mà còn xô đẩy làm bể cái cặp lồng cơm nó mang cho em nó. Lúc đó, tao thấy mắt nó đỏ gay, tay siết chặt tới mức mấy khớp ngón tay trắng bệch. Nó nhìn tụi kia một hồi lâu rồi mới lên tiếng. Giọng nó vẫn điềm đạm nhưng nghe mà ớn lạnh."
Dì Sáu ngừng một chút, rồi hạ giọng bắt chước lại: "Mấy người muốn gì cũng được nhưng đừng đụng đến đồ ăn của em tui."
Tôi cảm thấy tim mình khẽ rung lên. Một câu nói đơn giản, nhưng ẩn chứa cả một tấm lòng. Anh có thể chịu thiệt thòi, có thể im lặng trước những bất công dành cho mình. Nhưng chỉ cần liên quan đến em trai em gái, anh tuyệt đối không nhẫn nhịn. Tôi bỗng thấy mình hiểu thêm một chút về con người anh và càng hiểu, tôi lại càng muốn biết nhiều hơn.
_
Đôi lời của tác giả:
Chào mọi người, lại là Ivy đây. Vì Ivy vừa được dời lịch thực tập sang 17/3 nên Ivy sẽ cố ra vài chap nữa rồi sủi, mong mọi người sẽ thích 💙💙💙
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com