Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3: Pourquoi me réveiller, ô souffle du printemps?

Giải thích tiêu đề chương 3: "Pourquoi me réveiller, ô souffle du printemps?" hay "Cớ sao người đánh thức tôi, cơn gió mùa xuân hỡi?" là câu mở đầu khúc aria "Pourquoi me réveiller?" trong vở "Werther" của nhà soạn nhạc Jules Massenet và nhà soạn kịch Édouard Blau, Paul Milliet và Georges Hartmann.

—----------------------------------------------------------------------------------

Những bước chân chậm rãi, đầy cẩn trọng đưa Công tước xứ Mainisar và viện trưởng Tramontane dạo quanh khu vườn gập ghềnh trang hoàng đầy bậc thang và muôn loài hoa cỏ phương Đông chẳng biết tên.

Dân Valenti quan niệm chốn bề thế nên ngự đường hoàng ở vị trí thượng đỉnh để người chốn ấy trông tỏ tường nhân gian; người ta xem như lẽ thường khi Nhạc viện Jonquillo, đền Thượng thần Julias và Mẫu thần Yuniya, Viện Mỹ thuật Quốc gia, Viện Muses, các pháo đài trọng yếu đều được xây dựng một cách kỳ công trên những khu đồi cao, thuận lòng mẹ thiên nhiên đã ban cho họ bạt ngàn núi đồi dọc theo miền lãnh thổ giữa dãy Aegis và biển Trung Hải.

Tại khu vườn cheo leo trên sườn đồi Canto, Công tước xứ Mainisar có thể chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của quần thể cung điện Imperium trên ngọn đồi vĩ đại cách đấy nửa ngày đường. Đêm nay mây mù đã nhường sân khấu cho nàng trăng, và nàng ta hứng chí tung tà áo bàng bạc lấp lánh phủ xuống kinh thành đang dần say ngủ. Đứng dưới thác ánh trăng lạnh tanh, Công tước xứ Mainisar lại càng thêm tỉnh táo, anh quyết không để chuyến tham quan Nhạc viện Jonquillo thành ra vô nghĩa.

Viện trưởng Tramontane gợi ý một chuyện vui:

-Ngài có muốn gặp cậu Massimiliano không, thưa ngài?

Sắc mặt anh vẫn tĩnh lặng như pho tượng thạch cao đứng ở một khúc quanh. Ludolf bứt một bông sứ trắng, điềm đạm nói:

-Chắc chắn cậu ta bận tiếp người hâm mộ. Ta không dám phiền.

Bá tước Berger liếc anh với cái nhìn sắc bén lồ lộ sự bất mãn. Như bao con người vừa bị Massimiliano lôi cuốn vào vũ trụ đầy mê hoặc của mình, ông ta sẵn sàng moi tim gan đánh đổi cơ hội hạnh ngộ với thần tượng. Tramontane vẫn kiên trì:

-Thực ra, sinorino phải hầu chuyện hai cụ thân sinh một lát. Tuy nhiên sau đó...

Sinorino? Quý tộc ư? Quý tộc mà lại mua vui cho cả một phường vàng ngói lẫn lộn? Nụ cười tự tin của Massimiliano vặn vẹo hóa thành nụ cười quỷ quyệt. Bông sứ tuột khỏi tay anh tự bao giờ không hay. Công tước xứ Mainisar gằn giọng:

-Ông không hiểu phần nào trong lời ta nói vậy? Ta hỏi thăm con ma thì ông cố tình lái sang Massimiliano. Vị thiếu gia nọ và ma quỷ dắt tay nhau khiêu vũ trên đài à?

Sau lưng họ, một bụi hoa giấy ngả ngớn, gió đưa một chiếc lá quét ngang gáy viện trưởng, vai ông ta nảy mạnh như bị ma sờ. Gã Tramontane mặt chuột liên tục xua tay và khẳng định:

-Nơi đâu cũng phát sinh mấy lời đồn vớ vẩn. Ngài đừng tin miệng thiên hạ.

Ông ta giận dữ giật phăng cành cây. Ludolf quan sát thái độ của ông ta và nhận ra ngay: chuyện ma không chỉ là tin đồn thất thiệt.

-Ái chà, vậy lời từ miệng ta thì sao?

Ba quý ông giương mắt nhìn chủ nhân của giọng nữ đầy phí phách anh thư. Nàng ta đi từng bước nhanh nhẹn đến bên họ, dõi theo họ qua hai cửa sổ tâm hồn dáng quả hạnh có đồng tử tròn xoe sáng bóng, đẹp hơn cả hai viên đá mắt hổ đong đưa trên vành tai. Cũng như bao đồng bào miền Hạ, sống mũi nàng cao và gợn một điểm gồ. Cái miệng rộng mang nét duyên của riêng nàng, cánh môi tường vi né nở gieo vào lòng người cơn hảo cảm. Nàng đến cùng hương cam túa ra từ khẽ tóc và nếp áo; nàng là kỳ quan lộng lẫy nhất dưới ánh trăng.

Thiếu nữ xinh đẹp này nào phải bóng ma hoang đường, nhưng sự hiện diện bất ngờ của nàng ta đã ép cơn kinh ngạc dâng tới cửa miệng ông viện trưởng. Bá tước Berger phải giật nhẹ tà áo gã đồng niên, cả hai quy ông luống tuổi cung kính cúi đầu:

-Công nương Lovisa. Xin người tha lỗi cho chúng tôi vì đã không kịp nghênh đón.

Lovisa? Lovisa Agostini đây ư? Ludolf che miệng hít hà. Tim anh nện từng hồi vào vách ngực, thôi thúc anh tiến đến nói lời yêu. Người anh mong mỏi nên duyên hạnh ngộ đã bước ra đời thực, xinh đẹp và duyên dáng bội phần. Ta nhất định sẽ cưới nàng.

Thấy hai người trẻ cúi mặt lúng túng, Humbert von Berger nhanh trí mở lời giới thiệu quý danh kẻ ngoại tộc. Hai người trẻ tuổi chào hỏi theo lối lễ nghĩa xã giao, Công tước xứ Mainisar hạ chiếc mũ lật vành, còn Công nương Lovisa đoan trang khẽ khàng cúi đầu.

Lovisa âm thầm đánh giá, vị Công tước này gần như trùng khớp với kẻ trong tranh và trong các bản báo cáo trình tận tay Thân vương Romulus Aelius. Hắn sở hữu vóc người vạm vỡ, mái đầu nhạt màu và đôi mắt xanh lạnh lẽo của người Sắt xứ Rhavelein; tay chân và bờ vai nở nang, vững chãi sau tháng ngày cưỡi ngựa săn bắn và rèn luyện kiếm thuật. Lovisa cho rằng gương mặt với nét cương nghị thường trực sẽ dễ mến hơn nếu anh ta chịu tô điểm nó bằng nụ cười phơi phới của người trẻ.

Thân vương phi Milena nghe em chồng nói vu vơ, liền bảo ban chân thành: "Em phải thấu hiểu chàng, khiến chàng vui vẻ thì chàng mới mỉm cười với em." Công nương Lovisa không cho việc lấy lòng đàn ông là thành tựu sáng giá; đối với họ, cô luôn giữ vẻ lịch thiệp, tôn trọng mà xa cách.

Ludolf theo dõi Lovisa và lắng tai nghe nàng trao đổi với ông viện trưởng:

-Chuyện ma không xuất phát từ miệng ông thì cũng đến từ nguồn tin khác. Ông phải khư khư giữ kín sự thật mới giống một người Valenti bao đời khắc vào xương câu thành ngữ "cửa sổ có mắt, vách tường có tai" chứ nhỉ? À, riêng bức tường ở Nhạc viện Jonquillo còn biết hát, mà gần đây chúng thích khóc lóc hơn. Công tước muốn nghe thử chăng?

Tramontane chau mày, và rồi ông ta dùng sự nhiệt tình để lấp liếm:

-Thưa Công nương, thật quá thất lễ nếu chúng tôi đã sơ sẩy bước nghênh đón, lại còn mặc người tiếp khách quý của chúng tôi. Tôi sẽ gọi đứa tiểu đồng của mình...

Công tước xứ Mainisar cắt ngang:

-Sự nghi ngờ của ông nhắm vào tấm lòng của Công nương hay sự ngưỡng mộ thuần thúy ta dành cho nàng đây?

Đoạn, anh đưa tay cho Lovisa.

-Ta nguyện nghe tất cả lời vàng ngọc của nàng.

Công nương Lovisa tiến lên, đón lấy bàn tay anh:

-Tôi có được mạn phép đi trước dẫn đường chăng, thưa ngài?

-Tất nhiên rồi, nhà Agostini là chủ nhân của thành Noviroma bề thế.

Tramontane nói gì đó nhằm cứu vãn tình hình, nhưng Công tước xứ Mainisar chẳng màng ông ta. Bá tước Berger nhanh trí kéo ông viện trưởng sang một ngã khác. Điện Cerase gửi gắm tâm nguyện, nhờ vị đại sứ góp gió đẩy thuyền đưa Công nương Lovisa về Công quốc Mainisar. Berger đau đáu ngoảnh đầu nhìn bóng lưng cao lớn và nhỏ bé, nghĩ thầm rằng hai kẻ nổi loạn bước chung lối, ông cũng chẳng hay bản thân đang gieo mầm họa hay mầm phúc.

Công tước xứ Mainisar sánh vai bên Lovisa hồi lâu đã thấy cảm mến cô gái Valenti này. Ngữ âm của nàng thuần cái đanh thép trong giọng bản xứ đến mức có thể đưa một người Rhavelein trên đất Valenti về giữa căn phòng khiêu vũ tấp nập tài tử yến anh tại điện Rhavelberg. Nàng khuyên nhủ thân tình:

-Già trẻ ở đây rất kiệm lời với các nhà chức trách hay "lũ mặt búa" theo tiếng nói thô lậu của dân đen. Ngài ăn mặc đơn giản như tôi ắt đã dò được chuyện hay rồi.

Lớp ren viền cổ sơ mi tinh khôi và tà váy xòe rộng màu hoa lựu rung rinh theo từng bước chân của Lovisa. Với bộ cánh thơ ngây, cùng sự duyên dáng và gương mặt khả ái, anh cược rằng nàng đủ khả năng thuyết phục loài báo đốm dữ dằn học thói ngoan ngoãn của mèo nhà.

Công tước xứ Mainisar gượng cười:

-Ta nghĩ cứ hỏi Berger và người quản trò mới là đắc sách. Nhưng nàng nói thì càng hay, ta hợp với người trẻ tuổi nhiệt tình hơn.

Lovisa ho hắng vài tiếng rồi bắt đầu kể:

-Vài thế kỷ trước, Carmelo Tartari và đồng phạm đã thiết kế một hệ thống mê cung ẩn giấu sau các bức tường, nhằm che đậy chứng tích phạm pháp. Tòa lâu đài Tartari cứ ăn thịt uống máu người suốt một thập niên, cho đến khi Lãnh chúa Cesare Varagon, người cha thân yêu của công tử Eleno mất tích giải mã bí ẩn gian phòng kín trong lâu đài. Chung cuộc, Hội Đồng Mười Hai đã tung lưới trời tóm gọn đàn kền kền nhà Tartari và ít lâu sau, khối gia sản trên đồi Canto bị tịch biên. Năm tháng trôi qua, tòa kiến trúc cổ vẫn sừng sững trên đồi, tiếp thêm liều thuốc bất tử cho các oan hồn mắc kẹt trong dãy hành lang và lớp lớp tin đồn thất thiệt.

Ban đêm, bản năng sinh tồn kích thích sự cảnh giác và trí tưởng tượng của con người. Dường như mọi gốc cây ngọn cỏ đều ẩn chứa một linh hồn vừa sống dậy. Anh rùng mình, cất giọng xua tan bầu không khí tịch mịch:

-Một câu chuyện khủng khiếp. Ai đã đầu độc tâm hồn thuần khiết của nàng vậy?

Lovisa lườm anh. Người duyên dáng lườm trông cũng đáng yêu.

Nàng phủi một con bọ khỏi bụi cẩm chướng, rồi mỉm cười tự tin:

-Lũ chim nhỏ mớm sự thật vào tai tôi. Là người quân tử, tôi không ngại thốt nên sự thật, dẫu điều đó nhơ nhuốc trái tai.

Thuận tình, Công tước xứ Mainisar hỏi ngay:

-Vậy nàng có sẵn lòng nói ta nghe vì sao nàng đến tìm ta chăng?

Người Sắt quả thật rất thẳng thắn. Công nương Lovisa ứng đáp khôn khéo:

-Anh trai tôi, giống như Đại Công Tước Otto, cho người trẻ chúng ta đặc ân tự sắp xếp chuyện tương lai. Tôi đến Nhạc viện nghe cánh học viên đồn đại chuyện ma quỷ, vừa khéo ngài cũng có hứng thú với thế lực siêu nhiên. Hiển nhiên, tôi phải bầu bạn bên ngài rồi.

Công tước xứ Mainisar chưa từng gặp ngữ con gái táo tợn như Lovisa. Nhớ điều luật bất thành văn "ở thành Noviroma phải trá hình dân Noviroma", anh đánh bạo ngỏ lời:

-Ta rất thích bầu bạn với nàng, được bên nhau trọn đời thì thật tuyệt.

Công nương che miệng cười bằng chiếc quạt ren:

-Chuyện cả đời phải bàn bạc kỹ lưỡng, tránh mai sau chúng ta hận chính mình thời trẻ nông nổi.

-Thời nông nổi của ta qua rồi. Đời ta sẽ sang một trang mới đẹp đẽ hơn, bắt đầu từ việc lập gia thất. Ta muốn rước Lovisa yêu kiều về Công quốc Mainisar.

Ludolf hái một bông sứ trắng, giũ sạch nhựa cây rồi cài lên búi tóc của Lovisa, năm ngón tay anh lướt êm trên gò má mịn màng không phấn son. Anh hỏi với giọng nhẹ nhàng như cơn gió xuân:

-Hẳn nàng đã liệu câu trả lời.

Lovisa hạ chiếc quạt xuống, hướng đôi mắt tròn xoe về anh:

-Vâng. Tôi đã có câu trả lời, nhưng tôi sẽ giữ trong lòng cho đến thời điểm thích hợp. Sớm thôi, Ludolf ạ.

Nghe Lovisa gọi tên mình bằng giọng thân mật, Công tước xứ Mainisar mềm lòng, không đành truy vấn nữa. Hai người nắm tay nhau bách bộ lên khu ký túc trên đồi Canto.

Rũ bỏ quá khứ u ám một thời, khoảng sân lọt lòng chữ O của tòa kiến trúc Tartari giờ trở thành một bức phông nền trang nhã cho lớp lớp người tụ tập đêm ngày - cánh sinh viên nội trú chiếm phần đông, số còn lại là khách tham quan, cánh hàng rong hoặc người hâm mộ, họ nói chuyện bằng phương ngữ kèm cử chỉ tay hết sức sinh động, thi thoảng lại đệm thêm vài câu hát trong những vở nhạc kịch kinh điển.

Như anh mường tượng, có hàng chục ánh mắt tò mò bủa vây hai kẻ cao quý. Tuy nhiên, Ludolf chẳng buồn để tâm đám ô hợp đó, nếu không bận ngắm Lovisa thì anh lại chăm chú quan sát bãi đá con lúc nhúc vẽ ra một câu đố nhiều đường lắm ngách dưới đế giày. Nàng bảo ở nơi đây từng tồn tại một mê cung hoàng dương, cho đến khi thiên hạ công nhận giá trị tinh thần của Nhạc viện, sinh khí con người bắt đầu tràn lên đồi Canto và lấn át màu xanh thiên nhiên mát lành. Tuy nhiên, đài phun nước có tượng nghĩa sĩ Jonquillo giữa mê cung vẫn hiên ngang, ánh sáng từ viên dạ minh châu cỡ quả táo trên tay bức tượng đắp lên bao mặt người một lớp phấn xuân thì rạng rỡ.

Sau một hồi vận động bắp chân, hai người ngồi nghỉ bên đài phun nước. Công tước mua một ít bánh tart chanh và dâu tẩm mật ong mời Lovisa. Tâm tình nàng bấy giờ đã thoải mái hơn, nàng tiết lộ một vụ việc gây chấn động đồi Imperium:

-Thú thật, tôi gặp ngài với tâm trạng nửa mừng nửa lo. Hai đêm trước, gã nam sủng Adonis đã mang theo một túi châu ngọc, bỏ trốn khỏi điện Corinna, nhân lúc chúng tôi tất bật lo liệu tang sự của cố Thân vương. Anh trai tôi đã huy động cánh nô lệ và lính Vệ Vương lục soát từng tán cây bụi cỏ trong nội cung, đồng thời ban lệnh tróc nã mà vẫn không truy được hành tung của tên nô lệ.

Ludolf thấy sự tình nhuốm màu dị thường. Một gã nô lệ đâu đáng cho Thân vương bận lòng. Anh vẫn bình tĩnh lựa lời an ủi Lovisa:

-Hắn đã quyết tâm bỏ trốn, ắt sẽ không quay về nội cung mưu hại anh em nàng.

Anh đặt một bàn tay lên cổ tay mảnh dẻ. Nàng nhìn anh với cặp mắt long lanh:

-Người ta lo cho ngài thôi. Gã thống hận cố Thân vương, âm mưu quấy nhiễu cuộc sống yên bình của anh em tôi, định phá hôn sự giữa nhà Gumarich và Agostini cũng nên. Gã chỉ cần lảng vảng quanh Đại sứ quán Rhavelein, trà trộn vào đoàn tùy tùng ngoại tộc và chờ thời cơ ám hại ngài. Lâm vào thế tình ngay lý gian, người Valenti chúng tôi có trăm cái miệng cũng không thể biện bạch với Đại Công Tước Otto.

Ludolf hít một hơi thật sâu nhằm trấn tỉnh bản thân, rồi lại ân cần vỗ về Lovisa:

-Quý nương đừng cả nghĩ. Việc hắn nấp trong hàng ngũ kị binh của ta thật sự hoang đường. Các tráng sĩ hộ tống ta sẽ nhận diện ngay một người Valenti hoặc Xolani.

Xem ra hắn chưa gặp Adonis, hoặc hắn là tên dối trá bậc thầy. Lovisa ém chặt nỗi nghi ngờ tận tâm can. Nàng nhích đến gần Ludolf, nhìn thật rõ tấm dung nhan mê hoặc đàn ông lẫn đàn bà. Họ ngồi kề bên, tà áo bị gió thổi bết dính, các giác quan cảm nhận hương nước hoa thoang thoảng và hơi ấm từ đối phương, vậy mà trái tim nàng vẫn hững hờ đập chậm rãi, đầu óc choáng ngợp bóng hình Adonis:

-Adonis có diện mạo tương tự người Sắt xứ Rhavelein. Hắn biết đọc, biết nói ngôn ngữ phổ thông trên lãnh thổ Đế chế, lại rành cưỡi ngựa, cung thuật và thương thuật.

Công tước xứ Mainisar đặt nghi vấn:

-Cố Thân vương nhân từ dung dưỡng hắn như thiếu gia quyền quý, cớ sao hắn lại hận ngài?

-Adonis từng mang tên Peter Gehring, có xuất thân là quý tộc Odilia, chẳng may gặp vạ lưu lạc đến Valenti với thân phận nô lệ.

Có một cơn run rẩy truyền đến bả vai anh. Dù nàng ta đã khéo diễn đạt bằng xảo ngôn, Ludolf vẫn luận ra Adonis là nạn nhân đáng thương của một vụ buôn người xuyên biên giới Odilia và chế độ chiếm hữu nô lệ hà khắc ở Valenti. Song, anh không phải kiểu người ưa quản việc thiên hạ nên chỉ buông vài lời đối phó:

-Nàng yên tâm. Ta sẽ lệnh quản gia lưu ý người lạ và cắt cử thêm lính gác quanh dinh đại sứ. Ta còn Hầu tước xứ Weich chí thân bầu bạn đêm ngày, gã Adonis đó đành nuôi ác ý trong bất lực mà thôi.

Công tước mỉm cười tự tin. Các giác quan nhạy bén của Albert Bachmeier giăng khắp dinh đại sứ như một mạng nhện khổng lồ, kẻ vào người ta đều không tránh khỏi đánh động những mối tơ vô hình. Trong vòng tay hắn, đêm đêm anh dễ dàng vào giấc như một đứa trẻ nằm nôi.

Ngay cả Lovisa cũng bị thuyết phục bởi sự tận tâm mà Hầu tước dành cho Ludolf. Thực ra, hiểu biết về Adonis dẫn dắt suy luận của nàng theo hướng ít bi kịch hơn: gã nô lệ muốn diện kiến Công tước, dùng một số bí mật chốn nội cung đổi lấy cơ hội đào thoát khỏi lãnh thổ Valenti. Là một người con trung thành với quê hương xứ sở, nàng không mong Adonis toại nguyện.

Công tước xứ Mainisar nghiêng đầu ngắm một Lovisa trầm tư vừa làm rơi quả dâu tẩm mật. Anh không nghe nàng đáp lời nên bắt đầu nổi cơn bồn chồn, anh nghĩ mình quá ngu xuẩn khi nhắc đến Hầu tước xứ Weich mà chẳng hề lường trước tâm tính của nàng. Ludolf vỗ lên cổ tay Lovisa và cất giọng giải bày:

-Ở điện Schwann xứ người, ta cô đơn nên đành nương tựa bờ vai vững chãi của Albert, thi thoảng bọn ta cùng chui vào chăn, ôm ấp giải sầu. Nếu nàng thấy phiền lòng thì ta sẽ tạm thời quên lãng hắn.

Lovisa chớp mắt ngạc nhiên:

-Tôi nói vậy bao giờ? Ngài yêu ai thì hãy cứ yêu.

Anh tưởng nàng dỗi nên hết mực dỗ dành:

-Ta chỉ yêu Lovisa thôi.

Lovisa không kiềm nổi tiếng cười. Mẹ Harmonia thấu sự đời cho rằng: "Đàn ông là giống loài có trái tim đa ngăn. Họ thì thầm tiếng yêu, tức họ cho ta vào một gian trống, đặt ta ngang hàng với vô vàn nhân tình. Vĩnh viễn không một ai là chủ nhân cung điện trong tim họ." Mẹ à, mẹ thật thông thái làm sao. Lovisa nằm lòng tên tuổi những người đàn ông và phụ nữ mà Công tước đã tặng lời yêu, nên giờ đây câu chữ đường mật từ miệng anh ta trở nên nhạt nhẽo như sương đọng trên lá.

Ludolf thấy nàng hành xử quái lạ, bèn chau mày hỏi:

-Chuyện này nực cười lắm sao?

Công nương vớt một nhành thủy tiên trôi nổi trong bồn nước và vỗ nó lên vai anh:

-Tôi bảo ngài yêu ai thì hãy cứ yêu, đó là thời chân thật. Tôi không so đo hay gièm pha, tôi sợ chuyện đến với người ngày mai sẽ tìm tới mình.

Ludolf đắc ý ôm lấy vai nàng:

-Ôi Lovisa, nàng thật khôn ngoan và đáng yêu. Ta mừng vì thánh thần ban cho ta sự thông thái để chọn nàng làm bạn đời.

Công nương Lovisa che miệng cười rồi quay sang ngắm nghía mấy bông thủy tiên vàng còn sót lại trên bục tượng Jonquillo, bên tai nàng vang giọng nói sang sảng của vị Công tước:

-Hoa này là lòng thành kính ta dành cho Jonquillo. Vậy có hợp lẽ không, thưa cô chủ nhà?

Công nương nhất quyết phủ nhận cái danh chủ nhà:

-Ấy chết, tôi nào dám. Chuyện là bẵng đi nhiều năm, vì chủ trương khôi phục ngân sách, tổ tiên chúng tôi đã bán ngọn đồi và toà dinh thự dòng họ Tartari cho nhà Varagon. Vậy nên, kẻ dám nhân danh chủ nhà ở đây chính là gia đình ba người đang vui vầy trong tòa tháp cao kia.

Ludolf cảm nhận được cơn gió mát lạnh nồng vị hoa cỏ và sương đêm quét qua miệng. Anh hé môi ngạc nhiên khi ánh mắt men bờ tường tháp cao, trèo lên ban công mới xây có treo một ngọn đèn lồng chứa viên dạ minh châu. Đó là nơi ông viện trưởng muốn anh đến, nhưng Công tước xứ Mainisar đã khước từ.

Anh quay sang Lovisa, dò hỏi:

-Kép chính của vở "Filen" là một Varagon ư?

Trên lãnh thổ Thân vương quốc Valenti giàu có và tươi đẹp vẫn tồn tại các gia tộc cổ xưa sống còn sau ngày tàn của Đế chế Vàng. Nhà Varagon vĩ đại hơn bất cứ gia tộc nào còn lưu danh trong Kim Thư, bởi tổ tiên họ đã sáng lập vương triều Aurum đầu tiên và cai trị Đế chế Vàng hơn một thế kỷ. Sinh ra ở đỉnh tháp quyền lực, vị công tử kia nên hành xử đúng mực - đường hoàng ngự trên cao trông xuống sân khấu chứ không phải ngược lại.

Lovisa biết Công tước xứ Mainisar còn bán tín bán nghi nên xác nhận:

-Đúng thế, thưa ngài. Cậu Varagon, con thứ của Ilario Varagon, là một giọng ca trẻ tuổi đầy triển vọng.

Ai đấy đã ném hòn đá vào bể tròn dưới chân tượng khiến nước văng tung tóe. Ludolf vung áo choàng dày thêu chỉ vàng che chắn cho Lovisa. Trước mặt người đẹp, anh không vội đắc ý tâng công, cứ điềm nhiên phủi bụi nước và nói:

-Nếu ta phải sắm vai một đấng sinh thành, ta chẳng bao giờ khuyến khích con cái phơi mặt mua vui cho thiên hạ.

Viên mắt hổ dưới vành tai lúng liếng khi Lovisa quay mặt nhìn anh:

-Massimiliano và phu nhân Catalina tranh luận vấn đề này sôi nổi tới mức cả thành Noviroma đều nghe. Nhưng ngài thấy đó, con rối duy nhất chúng ta được thao túng là con cái của chính mình. Phu nhân Varagon đã đe nạt cậu quý tử hết sức cay nghiệt, đồng thời tuyên bố thẳng thừng trước mặt viện trưởng Tramontane và đội ngũ giảng viên, rằng sinorino chỉ được phép cống hiến cho Nhạc viện đến khi vỡ giọng. Cơn lũ dậy thì quét sạch nốt cao chót vót trong suối nhạc réo rắt tuôn từ cổ họng Massimiliano là tất cả chấm hết.

-Ái chà, tiếc thay cho thiên hạ và thương thay thân cậu ta. Cậu Varagon nay đã mười lăm, phỏng chừng ngày tơ đồng đứt đoạn không còn xa.

Công tước xứ Mainsiar làm bộ ôm miệng thảng thốt, cốt che đậy nét cười mỉa mai. Anh mong rằng nỗi mất mát sẽ dạy tên thiếu gia nhà Varagon một bài học về đức tính khiêm tốn.

Lovisa liếc anh:

-Nhiều người sẽ vui vì cậu ta thất thế. Tôi nghe nói, Massimiliano mười tuổi vừa nhập học vài hôm đã khiến cô hoa khôi Vittoria giận tím mặt mày, hổ thẹn và ấm ức đến mức khóa cửa buồng nửa tháng, không dám gặp ai.

-Tội nghiệp cô ta, chọc phải giống nhà nòi bất trị.

Lovisa chớp chớp hàng mi yêu kiều như cánh bướm:

-Bất trị ư? Không hẳn đâu, thưa ngài. Bền như kim cương vẫn bị khuất phục mà.

Anh vui vẻ tung hứng cùng nàng.

-Thế ai là thợ chế tác kim cương lành nghề?

Lovisa nêm vào giọng nói vài phần ám muội:

-Bóng ma ngài tìm, thưa ngài. 

---------------------------------------------------------------

Bonus ảnh chụy Lo và anh nam chính. Tui khá thích thuyền Luvisa, ở một thế giới khác có lẽ tình yêu của Lo sẽ cứu rỗi đời Ludolf, nhưng trong vũ trụ Dynasty tàn nhẫn này thì không. :))))

Công nương Lovisa.




Công tước xứ Mainisar.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com