Friedrich Nietzsche Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi!
Lời người dịch
Có ba quyển sách ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời tôi, đó là quyển Milarepa do W. Y. Evans-Wentz xuất bản, viết về đời sống của Bồ tát Tây Tạng Milarepa, quyển thứ hai là quyển nhật ký của Nijinski, một nghệ sĩ múa người Nga, quyển thứ ba là quyển Ecce Homo của Nietzsche, tức là quyển này đây.
Nhiều lúc điên gàn vớ vẩn, tôi tưởng tượng rằng tôi bị mù mắt, bị bại liệt cả thân thể một ngày nào đó thơ mộng trong kiếp này hoặc kiếp sau, trong một căn nhà đổ nát, tôi nằm dài trên nệm đất, trời nắng dữ dội, mắt tôi không thấy gì cả, nhưng lỗ tai tôi còn nghe được tiếng thở của trái đất thì có một người nào đó sẽ độ lượng chịu cực đọc cho tôi nghe năm mười trang trong quyển Milarepa hoặc quyển Ecce Homo của Nietzsche.
Chắc lúc ấy mắt tôi sẽ bừng sáng lại được, và tôi vùng lên đứng dậy, không còn bại liệt nữa. Tôi sẽ chạy đâm đầu vào núi cấm để chờ ngày núi nổ banh ra làm hai thì tôi sẽ khoan thai bước ra hiện nguyên tính! Lúc ấy cỏ xanh sẽ nhảy múa dưới chân tôi, chân tôi sẽ lướt trên cỏ như ma đi hỏng chân. Nhưng điều chắc chắn là tôi sẽ không là ma, mà là một cái gì rất hiền lành, rất dễ dạy, rất chậm chạp, vô danh, miệng cứ cười một nụ cười nhè nhẹ như không khí.
Tôi thường mang tiếng là giỏi sinh ngữ, thực sự thì tôi khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó đọc nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị để học từng chữ A, từng chữ B, tôi chịu khó học lại từng dấu hỏi, dấu ngã để nhìn lại những nét mặt quen thuộc của bà con làng xóm mà từ bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ tôi đã bỏ quên một cách ngu dại. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ẩn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được. Có lẽ khi sắp chết thì niềm bí ẩn kia sẽ hiện nguyên hình...
Còn tiếng ngoại quốc? Tôi coi những thứ tiếng ngoại quốc như những trò chơi nhảm nhí. Hồi 13-14 tuổi, tôi đã học tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Hoà Lan, tiếng Ba Lan, vân vân. Đến năm 18-19 tuổi, tôi lại học thêm tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hy Lạp, tiếng Tây Tạng, vân vân. Bây giờ có lẽ tôi đã quên hết mọi thứ tiếng, tôi chỉ nhớ một tiếng A của chữ Phạn, chỉ nội có tiếng A này có lẽ tôi phải đầu thai đến một trăm kiếp nữa thì mới hiểu nổi hết tất cả ý nghĩ kỳ lạ của tiếng A trong chữ Phạn!
Sở dĩ tôi say mê ba quyển sách kể trên (Milarepa, Nijinsky và Nietzsche) là vì tôi coi ba quyển sách này như là ba quyển văn phạm vỡ lòng để đi vào tiếng A của chữ Phạn! Tại sao thế? Xin cho tôi giữ lại một chút kín đáo về đời sống tâm linh mình.
Bây giờ tôi xin nhường lời lại cho Nietzsche.
Và đây là người mà chúng ta mong đợi, Ecce Homo!
Phạm Công Thiện
Ngày 5 tháng 11, 1969
Lời tựa của Nietzsche
I.
Tiên kiến rằng trong tương lai tôi phải đưa nhân loại đương đầu với một điều yêu sách gian nan nhất, khó nhọc nhất mà chưa từng ai đưa nhân loại đối đầu như vậy, tôi liền thấy ngay rằng việc tối khẩn hiện nay của tôi dường như phải nói cho mọi người biết tôi là ai. Thực sự thì chắc người ta cũng biết được chứ, vì tôi không bao giờ quên để lại "chứng minh thư".
Song sự chênh lệch giữa sự cao sang lớn lao của sứ mạng tôi và sự nhỏ bé thấp hèn của những người sinh ra đồng thời với tôi, sự chênh lệch ấy có thể tỏ lộ chân tướng rõ rệt trong việc người đời không hề nghe biết đến tôi, cũng không hề nhìn thấy được chân diện tôi. Tôi sống với niềm tin cậy mà tôi tự ban lấy cho tôi; ồ, cũng có thể lắm, có lẽ tôi chỉ sống với một thiên kiến thôi?
Dễ lắm chỉ cần mở miệng ra nói chuyện với bất cứ tên nào trong bọn "trí thức học thức" mỗi khi hắn nghỉ hè ghé tạt qua vùng thượng sơn Engadine, chỉ cần nhếch môi nói dăm ba lời với mấy tên ấy thì tôi thấy ngay rằng tôi không sống gì hết.
Gặp những trường hợp cắc cớ như thế, tôi cảm thấy có bổn phận mà thói quen của đời sống tôi, nhất là tính cao ngạo của những bản năng tôi, vẫn luôn luôn nổi loạn chống chế lại dữ dội từ đáy lòng sâu thẳm, chống lại cái việc cần phải quát lên: Chúng bây hãy lắng nghe ta! Vì ta là thế này, thế này đây. Chúng bây đừng bao giờ lầm lẫn ta, đừng nhìn lầm ta là một kẻ nào khác!
II.
Chẳng hạn, điều rõ ràng là tôi không bao giờ là một loài ác độc, quỉ quái, một loại quái vật luân lý học - trái lại thực sự tôi chống nghịch lại hẳn mẫu người mà thiên hạ từ lâu tôn sùng như là bậc có đạo đức, có đạo hạnh. Nói cho tận tình ý với nhau thì dường như cái việc đi nghịch lại thiên hạ ấy cũng là bản hữu của tính cao ngạo trong tôi. Tôi là học trò của triết thần Dionysus, bậc linh thần ào ạt say ngất tràn lan. Nói cho cùng lời thì tôi vẫn thích làm một tên thần hoang dã, mình người chân dê, hơn là làm một bậc thánh đạo hạnh cao đức. Nhưng dù sao người đời cũng nên đọc cho thấu đáo thiên tuyệt bút này. Cũng có thể lắm, may ra tôi nói được điều muốn nói; cũng có thể lắm; thiên tuyệt bút này đạt được ý nghĩa trung thực của nó, nghĩa là không nói gì hết ngoài việc nói lên sự tương phản kia qua một giọng điệu vui sống khoan thai, đầy tình thương xót nhân loại.
"Cải thiện" nhân loại ư? Điều ấy là điều còn lâu tôi mới xét tới. Tôi không hề dựng lên những thần tượng mới nào hết; hãy để lũ thần tượng cũ biết thế nào hậu quả cái việc chân bằng đất thó. Hãy lật đổ những thần tượng (tôi gọi "lý tưởng" là "thần tượng"), lật đổ những thần tượng mới thực là bản hữu của sinh nghiệp tôi. Người đời bày đặt ra một thế giới lý tưởng một cách láo khoét ngay lúc họ tước mất giá trị ý nghĩa, chân tính ra ngoài thực tại.
"Thế giới thực" và "thế giới giả" - có nghĩa: thế giới bày đặt láo khoét và thực tại.
Lý tưởng láo khoét từ lâu đã nguyền rủa thực tại; đó là nguyên do lý lẽ đã khiến cho nhân loại trở thành láo khoét giả dối sai lầm ngay cả những bản năng chính yếu nhất của con người - láo khoét đến nỗi họ đã sùng bái những giá trị đối nghịch lại với những cái duy nhất khả dĩ bảo đảm được sức khoẻ, tương lai, quyền hạn cao cả về tương lai của mình.
III.
Những kẻ nào có thể thở nổi không khí của những tác phẩm tôi đều biết rằng đây là không khí của những đỉnh cao vùng sơn thượng, một loại không khí mạnh khoẻ mãnh liệt; muốn thở nổi không khí ấy, mình phải được sinh ra để thở loại không khí ấy, phải bám trụ không khí ấy. Nếu không thể thì không thể tai qua nạn khỏi lúc mình bị cảm lạnh. Băng tuyết gần khít một bên, nỗi cô đơn thì quá sức chịu đựng, thực là khủng khiếp - thế mà tất cả mọi sự đều nằm im lặng biết bao, tĩnh lặng biết bao trong ánh nắng! Mình hít thở thoải mái biết bao! Mình cảm thấy biết bao nhiêu sự việc ở tận dưới chân mình!
Triết lý, sống triết lý như tôi hiểu, từng hiểu và sống, có nghĩa là sống cố ý, tình nguyện sống giữa vùng tuyết lạnh và vùng núi cao tít mù - moi móc cho ra tất cả mọi sự kỳ dị, mọi sự nghi vấn trong đời sống, tất cả mọi sự mà luân lý cấm đoán kiêng kỵ. Kinh nghiệm lâu dài học được suốt những lúc lang thang phiêu lãng trong vùng cấm đoán, đã dạy tôi nhìn thấy những lý do khác hẳn đi, trong một luồng ánh sáng khác hẳn, những lý do từ lâu xui khiến thiên hạ làm trò luân lý đạo đức, làm trò lý tưởng lý sự, tôi đã nhìn thấy những lý do ấy khác hẳn với lý sự thông thường được thiên hạ chấp nhận từ lâu: nhìn thấy sáng lên chân tướng, lịch sử giấu kín của những triết gia, tâm lý đen của những tên tuổi vĩ đại, mọi sự hực sáng bùng dậy cho tôi nhìn thấy tất cả.
Một tâm hồn có thể chịu đựng sự thật đến bao nhiêu? Có thể dám, có thể đánh liều sự thật đến bao nhiêu? Càng lúc càng sáng tỏ cho tôi thấy rằng việc ấy trở thành tiêu chuẩn, thước đo thực sự để tôi đánh giá con người. Sự sai lầm (đức tin vào lý tưởng) không phải là sự mù quáng, sự sai lầm chính là hèn nhát, khiếp nhược.
Bất cứ một sự đạt đạo, bất cứ một bước nào tiến lên sự tri tính kiến tính đều xuất phát từ lòng can đảm, từ sự cứng rắn chai lì với bản thân, cứng rắn đối với chính mình, lòng tinh khiết sạch sẽ của mình đối với chính mình. [1]
Tôi không chối bỏ những lý tưởng, tôi chỉ mang găng tay mỗi khi rờ mó chúng...
Nitimur in vetitum [2] : dưới dấu hiệu này triết lý của tôi nhất định một ngày kia sẽ chiến thắng, vì từ trước cho đến bây giờ ngay từ nguyên tắc, người ta vẫn chỉ khăng khăng cấm đoán một điều - điều đó là sự thật, chỉ có sự thật mà thôi.
IV.
Trong tất cả sáng tác phẩm của tôi, quyển Zarathustra của tôi nổi bật lên một chỗ ngự biệt lập ngang tàng trong tâm thức tôi. Qua tác phẩm Zarathustra ấy, tôi đã tặng cho nhân loại một quà tặng vĩ đại nhất từ trước cho đến giờ. Quyển sách ấy mà âm vang đồng vọng lên một tiếng nói bắc cầu bao nhiêu thế kỷ quả là một quyển sách cao nhất, một quyển sách thực thụ biểu lộ không khí tuyệt mù của những vùng non cao tuyết phủ - một quyển sách đạp con người xuống tận đáy sâu thẳm hạ, để con người nằm xa tít thăm thẳm dưới kia - đó chẳng những là quyển sách cao nhất mà cũng còn là một quyển sách sâu thẳm nhất, được khai sinh ra từ kho tàng nội tại nhất của chân lý, một giếng sâu không đáy mà không có thùng gáo nào thông xuống mà không múc lên đầy vàng óng và đầy lòng nhân thiện cao cả.
Nơi đây không có tên "tiên tri" nào lên tiếng dạy đời, những tên nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi, những tên hỗn tạp âm hiểm mắc bệnh hủi, mắc bệnh tham quyền, ham say thế tục oai hùng mà người đời gọi là những kẻ giáo chủ, những tên sáng lập tôn giáo. Cần nhất là phải nghe cho đúng điệu âm vọng đưa ra từ môi miệng này, giọng lời của Zarathustra mang lên thanh điệu của loài chim bói cá thần thọai thầm lặng, thanh bình mênh mang, xin chớ lầm lẫn bất công với ý nghĩa đạo lý cao cả của Zarthustra, nếu không làm bậy như thế thì cần phải nghe cho trúng tiết, trúng nhịp giùm vậy.
"Chính những lời thầm lặng nhất mới mang tới bão tố. Những tư tưởng nhón nhén trên bước chân bồ câu mới dẫn đạo thế giới" (Zarathustra, phần II, chương cuối).
"Những trái sung rời cành rụng xuống, những trái thơm ngọt chín đỏ, và khi trái rụng thì da đỏ vỡ nứt ra. Ta là cơn gió phương bắc thổi tới làm chín vàng trái xanh.
Cũng thế, như những trái sung, đạo lý ta rơi rụng trên các người, hỡi bằng hữu của ta; vậy các người hãy tận hưởng nước trái, cơm trái ngon ngọt. Mùa thu đang về vây phủ chúng ta, ôi sao vời vợi trời long lơ và buổi chiều mang mang..."
Nơi đây không phải lời lẽ của một tên cuồng tín, không ai thuyết pháp giảng đạo ở đây cả, không ai cần phải tỏ có đức tin ở đây: từ cõi vùng giàu sang vô hạn dẫy đầy ánh sáng và từ hố thẳm tràn lan vĩnh phúc nhỏ ra từng giọt, từng giọt thánh thót, từng tiếng từng lời vi vu: tiết nhịp của giọng lời là sự khoan thai chậm chạp mơn mơn dịu dàng du dương. Những điều nói ra theo cung điệu như thế chỉ có những kẻ chung thuyền ưu tú mới liễu nhập được. Kẻ nào lắng tai nghe được nơi đây quả là nhận được một ân huệ vượt bậc, không gì sánh ngang nổi. Không phải bất cứ ai cũng có được lỗ tai xứng đáng để nghe Zarthustra.
Có phải tất cả những thứ đó đã làm Zarathustra trở thành một tên huyễn hoặc, dụ dỗ, ăn nói "cam ngôn mật ngữ"? Thế nhưng chính Zarathustra tự nói những gì, lúc chàng trở về với nỗi cô liêu của chàng vào lần đầu tiên? Nhất định chàng nói ngược lại tất cả những gì mà bất cứ "bậc thánh nhân", "bậc thánh", "bậc cứu thế" hay bất cứ tên sa đọa nào cũng đều phải nói trong trường hợp như thế - Chẳng những lời lẽ của chàng khác biệt hẳn mà chính chàng cũng khác biệt hẳn.
"Hỡi những môn đệ của ta, giờ đây ta đi một mình, và chính các ngươi cũng phải đi một mình vậy, vì ta vẫn muốn thế. Hãy đi xa, tránh xa ta và hãy chống lại Zarathustra! Hãy xấu hổ vì hắn. Có lẽ hắn đã lường gạt các ngươi.
Kẻ thiện tri thức chẳng những phải yêu kẻ thù mà còn phải có khả năng thù ghét bạn bè thân hữu.
Mình chỉ trả ơn thầy mình một cách bội bạc mỗi khi mình vẫn luôn luôn là học trò thôi. Tại sao các ngươi không muốn đưa tay giật lấy vùng hoa nguyệt quế của ta?
Các ngươi sùng bái kính trọng ta, nhưng các ngươi nghĩ sao nếu sự sùng bái trọng vọng kia sẽ sụp đổ một ngày gần đây? Hãy thận trọng coi chừng thần tượng đè bẹp các ngươi.
Các ngươi tin tưởng Zarathustra ư? Thế nhưng Zarathustra là cái quái gì chứ? Các ngươi là những tín đồ của ta - thế nhưng tín đồ là cái quái gì hử?
Các ngươi vẫn chưa tìm ra các ngươi, thế mà các ngươi đã tìm ra ta. Tất cả lũ tín đồ đều giống như thế, đó là lý do tại sao mọi người đức tin đều chẳng có nghĩa lý gì ráo.
Giờ đây ta ra lệnh các ngươi hãy đánh mất ta và hãy tìm ra chính các ngươi, và chỉ khi nào các người đều từ bỏ ta trọn vẹn, thì ta mới trở về lại các ngươi".
Friedrich Nietzsche
Chú thích của dịch giả
Đoạn cuối cùng rất đáng cho chúng ta đọc lại nguyên tác chữ Đức; đối với những độc giả không biết chữ Đức thì cũng cứ đọc đại đi vì Vô Thức của mình sẽ hiểu hết những gì mà ý thức không thể quen thuộc:
"Allein gehe ich nun, meine Jünger! Auch ihr geht nun davon und allein! So will ich es.
Geht fort von mir und wehrt euch gegen Zarathustra! Und besser noch: schämt euch seiner! Vielleicht betrug er euch.
Der Mensch der Erkenntnis muss nicht nur seine Feinde lieben, er muss auch seine Freunde hassen können.
Man vergißt seinen Lehrer schlecht, wenn man immer nur der Schüler bleibt. Und warum wollt ihr nicht an meinem Franze rupfen?
Ihr verehrt mich: aber wie, wenn eure Verehrung eines Tages umfällt? Hütet euch, dass euch nicht eine Bildsäule erschlage! Ihr sagt, ihr glaubt an Zarathustra? Aber was liegt an Zarathustra! Ihr seid meine Gläubigen, aber was liegt an allen Gläubigen!
Ihr hattet euch noch nicht gesucht: da fandet ihr mich. So tun alle Gläubigen, darum ist es so wenig mit allem Glauben. Nun heisse ich euch, mich verlieren und euch finden; und erst, wenn ihr mich alle verleugnet habt, will ich euch wiederkehren..."
Trong câu chót có một động từ quan trọng, đó là "wiederkehren" có nghĩa thông thường là "trở về, trở lại, lặp lại" nhưng trong đoạn văn này Nietzsche lại có ý dùng "wiederkehren" trong ý nghĩa trầm trọng của việc Phục Tính, phục hồi như tính, phục hồi vĩnh viễn của sự đồng tính, "Die ewige Wiederkehr des Gleichen" (cf. Heidegger, Vorträge und Aufsätze, Teil I, 117). Một tiếng không, rồi một tiếng ừ, tiếng ừ lớn hơn, mãnh liệt hơn, sâu thẳm hơn trong trò chơi vũ trụ?
Vào ngày trọn vẹn hôm nay, khi tất cả mọi sự đều chín đỏ và chẳng những chùm nho chỉ vàng sẫm thôi mà cả tia nháy mặt trời cũng rơi rụng trên cuộc đời tôi: tôi nhìn lui, tôi nhìn tới, ồ chưa bao giờ tôi nhìn thấy được bao nhiêu cơ sự tuyệt vời hiện lên đồng lúc như thế. Ngày hôm nay tôi chôn sâu dưới lòng đất bốn mươi bốn năm trong cuộc đời, bốn mươi bốn năm trôi qua không phải là không ra gì cả: tôi được quyền chôn mất những năm ấy; những gì có sinh khí sôi động trong những năm ấy đã được lưu giữ lại với vạn đại thiên thu. Quyển sách đầu tiên về việc đảo ngược mọi giá trị, những bài hát của Zarathustra, quyển Hoàng hôn của những thần tượng nỗ lực sống triết lý nhát búa - tất cả đã đều là quà tặng cho tôi trong năm nay, chỉ vào những tháng cuối cùng năm nay! Làm sao mà tôi không quyên mang ơn suốt trọn đời tôi được? - Và vì thế tôi kể lại đời sống tôi cho chính tôi nghe.
An diesem vollkommnen Tage, wo alles reift und nicht nur die Traube braun wird, fiel mir eben ein Sonnenblick auf mein Leben: ich sah rückwärts, ich sah hinaus, ich sah nie so viel und so gute Dinge auf einmal. Nicht umsonst begrub ich heute mein vierundvierzigstes Jahr, ich durfte es begraben - Was in ihm Leben war, ist gerettet, ist unsterblich. Das erste Buch der Umwertung aller Werte, die Lieder Zarathustras, die Götzen - Dämmerung, mein Versuch mit dem Hammer zu philosophieren - alles Geschenke dieses Jahrs, sogar seines letzten Vierteljahrs! Wie sollte ich nicht meinem ganzen Leben dankbar sein? Und so erzähle ich mir mein Leben.
Chú thích của dịch giả
Trong đoạn văn trên có một chữ khó dịch là "Sonnenblick" có thể dịch là "tia nắng mặt trời", mà cũng có thể dịch là "cái nhìn mặt trời", mà cũng có thể dịch là "con mắt mặt trời", "nhật kiến". Tính cách mơ hồ của chữ Đức đã khiến cho những dịch giả không đồng ý nhau, chẳng hạn Walter Kaufmann dịch "Sonnenblick" là "the eye of the sun" ("con mắt mặt trời", còn Alexandre Vialatte dịch là "rayon de soleil" (tia nắng mặt trời), theo tôi thì trong lối sử dụng thông thường trong sinh hoạt dân Đức thì "ein Sonnenblick" có nghĩa là "một thoáng nháy mặt trời". Sở dĩ tôi đơn cử trường hợp chữ này để chúng ta thấy rằng mặc dù cảm nhận tất cả sức hút linh động của nguyên văn ở Nietzsche nhưng dịch giả vẫn phải bất lực trong việc lưu giữ thần hồn của nguyên ngữ, nhưng nói như thế không có nghĩa là Việt ngữ không có sức hút riêng biệt của mình, nhất là người dịch Nietzsche cũng lại càng bùng cháy một thứ lửa thiêng như Nietzsche?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com