Chương 6 - END
Sáng, trời hửng nắng. Mây vẫn chưa tan, còn tản mạn nơi góc trời nhưng đã kỷ luật hơn: gom gom lại với nhau, sau một phen vặn vẹo thì nên hình hài một cục bông gòn trắng nõn mà ai quẳng lên nền trời xanh thẳm. Mặt trời lấp ló sau làn nước mặn chát của biển, nắng tô hồng lên gò má đào của làn mây, rồi thấm qua khung cửa sổ tới bên cô gái, gõ nhẹ vào mi mắt gọi cô dậy.
Cô gái mở mắt. Đồng hồ trên tường chỉ sáu rưỡi sáng. Cô hơi hoảng hốt, rồi bình tâm trở lại. Đã bao lâu rồi cô chưa dậy muộn hơn ông trời nhỉ? Đã từ lâu lắm rồi, cuộc sống của cô là chuỗi ngày làm việc trong quán bia đến tối muộn, rồi vào bar làm bồi bàn tới tận một, hai giờ đêm và sáng thì thức từ năm rưỡi ra bến tàu bê hàng thuê, lúc mặt trời lên lại đi phụ ở hàng ăn đầu ngõ. Đã từ lâu lắm rồi, cô không quan tâm thời tiết hôm nay thế nào, vì nắng hay mưa thì trời vẫn ướt đẫm mồ hôi. May mắn trời lạnh thì không sao, cóng một chút rồi thôi, chứ trời nóng thì kiểu gì quần áo ướt nhẹp cũng dính lên da, lại có vài đôi mắt bẩn thỉu đậu trên người cô. Đã từ lâu lắm rồi, đau khổ không phải là một trạng thái tâm lý mà dần thành định nghĩa của cuộc sống. Cô quên mất cách thương mình, cách xót xa mình, mà yêu bản thân là bài học đầu để biết yêu người khác, nên từ lâu lắm rồi, cô không còn tư cách yêu thương ai.
Sương mù đọng trước mắt cô, cô làm bộ ngáp dài thật dài, để khi ngồi dậy, nước mắt rơi xuống thật tự nhiên và dễ dàng. Bàn phím ngừng phát ra âm thanh "lạch cạch", người dựa lưng vào ghế, vừa gỡ cặp kính khỏi mắt vừa cười nói:
- Xin lỗi, tao làm mày tỉnh à?
Cô lắc đầu.
- Đi rửa mặt đi, tao lấy chút đồ.
Cô cụp mắt, ngẩn ngơ. Đến khung cửa khép lại mới vội đáp một tiếng "ừ". Cô đơ ra vì cảm giác quen thuộc. Một căn nhà, với hai vợ chồng trẻ với tình yêu còn chưa nhạt phai, thêm cô con gái nhỏ mặc váy hồng đứng ở giữa phòng chẳng phải là hình ảnh của gia đình cô khi ông bà nội còn sống hay sao? Bố khi ấy còn là chàng trai trẻ, và vợ đẹp con thơ từng bước đưa bố chạm đến hình tượng người đàn ông trưởng thành. Mẹ chăm con, và bố sẽ làm hết mọi việc, kể cả nấu ăn và phục vụ bữa sáng cho mẹ và con. Nhưng ông bà qua đời đột ngột, nỗi đau mất đi người thân, áp lực cuộc sống và cả gánh cơ nghiệp đồ sộ cùng đổ dồn xuống đôi vai bố, làm bố trở nên cọc cằn. Có những áp lực không thể nói với ai, bố sẽ chì chiết lên gia đình nhỏ của mình. Mẹ thông cảm, mẹ thấu hiểu, chỉ là mẹ sẽ phản kháng để bố dần biết giải quyết cảm xúc tiêu cực cá nhân.
Thế nhưng, bố lại lựa chọn dùng tiền để kiếm người sẽ chịu đựng mớ áp lực đó thay bố. Bố có bồ nhí, một người sẽ nghe, khóc thuê cho bố, chịu đựng tất thảy và không biết phàn nàn. Rồi bố mẹ ly hôn. Bố cấm con gái nhắc đến mẹ trước mặt bố, mẹ cũng cấm con nhắc đến bố trước mặt mẹ. Cuối cùng bố vẫn không cưới cô ả đó về làm mẹ kế. Cứ thế, cô gái nhỏ trở thành dấu chấm duy nhất giữa hai đường thẳng cuộc đời.
Đăng Anh bước vào phòng, mùi cồn khử trùng từ hộp y tế hun tỉnh Vy khỏi vùng hồi ức. Anh ta bảo cô ra sát mép giường, còn mình thì ngồi bệt xuống đất, khoanh chân lại rồi đỡ gót ngọc gác lên đùi mình. Cảm giác bẽn lẽn xa lạ nhen nhóm lên từ đáy lòng cô gái. Cô cứ ngồi, ngón tay anh ta gõ nhẹ qua tầng tầng băng gạc như đem rung động thuở nào trở lại trong lồng ngực. Thuốc rắc vào chân, xót, nhưng cô không nỡ kêu vì sợ có người sẽ lo lắng. Xong việc, anh ta ngồi trên ghế bấm điện thoại, còn cô nằm gọn trong chăn bông để đợi thuốc ngấm. Cô gái trân trân nhìn anh, anh chính ra chẳng đẹp trai: mắt không to, mũi không cao nhưng dáng người dong dỏng và khuôn mặt ưa nhìn.
Phỏng chừng bị khó chịu, anh buông điện thoại xuống, còn cô thì dịch người, dịch người, chừa lại một khoảng giường trống ở bên cạnh. Khuôn mặt anh ta ửng đỏ vì lúng túng, cô cũng vội trùm chăn kín mít đầu. Cuối cùng anh ta vẫn nằm xuống, yên vị và căng thẳng viết cả trong ánh mắt, cô luồn tay mình vào tay anh, nắm chặt rồi xoa nhẹ.
Anh ta thuận thế kéo cả người cô vào lồng ngực mình, ôm thật chặt, cả người cứ run bần bật. Anh ta không nói, nhưng cô biết dù có vùi đầu vào công việc thì có những nỗi nhớ vẫn sẽ luẩn quẩn quanh tâm trí bất kể ngày đêm rồi hoá thành ám ảnh, bởi vì chính cô cũng thế. Ngẩng đầu dậy từ trong vòng tay ấm áp, cô thấy mắt anh ta đỏ hoe nhìn cô, có tủi thân, có hờn dỗi, và bao trùm lên hết thảy những cảm xúc ấy, là thương.
- Mày còn yêu tao không?
Cô gái bật cười, gật đầu lia lịa. Anh ta lại hỏi:
- Thế... mày có muốn lấy tao không?
Vy bỗng ngưng lại một nhịp. Hình như, kết hôn bây giờ là quá sớm, dù hai đứa đã 26 tuổi đầu. Cô ngập ngừng vì tự ti, chỉ là đôi mắt của Đăng Anh khi hướng về phía cô luôn là đôi mắt mang đậm ánh cười, và luôn nhìn vào mắt trước, nhìn vào tâm hồn cô của hiện tại, của tương lai và vượt qua hết những bức tường lửa mà cô dựng lên để ngăn mình khỏi tổn thương. Trên hết là, tỉnh cảm đã ôm qua bao năm tháng, nói bỏ là bỏ làm sao được? Giống như đom đóm tìm về ánh đèn, cô gái từng chút lại gần anh ta, lại gần người làm trái tim cô muốn được yêu thương. Anh ta vòng tay đỡ lấy sống lưng cô gái, trống ngực gấp gáp như thúc giục, hơi thở đã quyện lại với nhau dù hai bờ môi chỉ còn cách một chút.
Đột ngột, cô đẩy anh ta ra. Khuôn mặt cô vừa ngây dại, vừa bàng hoàng, rồi thoáng cái chạy đi, để lại một mình anh trong căn phòng, trống vắng và bơ vơ.
Cô chạy, chạy ra khỏi nhà của anh ta, chạy đến khi thấy căn nhà cấp bốn của mình lấp ló dưới bóng cây xoài già, đến khi hơi thở vội vã gần cứa đứt khoang ngực mới dừng lại. Đang giờ người ta đi làm, thật hiếm thấy có một con đường như mặc kệ bao biến động ngoài kia mà cứ vắng vẻ như cũ, nước mưa tụ thành một chiếc hồ lớn ở ngay giữa mặt đường. Vy soi mình xuống. Chẳng biết từ bao giờ, cô dần ưa việc ngắm khuôn mặt mình phản chiếu trong làn nước thay vì trong gương, dần thích cái cách những mảng sáng tối của nước đan xen với nhau.
Trên đỉnh đầu bây giờ chính là toà biệt thự, mà cô từng cho rằng đó là Lâu đài Hạc Trắng trong lời ba kể, và Tuệ Vy là tiểu thư duy nhất được cưng chiều trong đó. Giờ thì hết rồi, một phen sa cơ lỡ bước, cô đứng phía sau mỗi ngày tỉnh dậy là một ngày hoài niệm về một quá khứ vô thực.
- Vy ơi, vào ăn sáng rồi đi tiếp này!
Tiếng mẹ cô gọi với. Mẹ đứng trước cửa nhà, trên tay là hai xô nước đầy, nét mặt rạng rỡ nhìn cô. Nước là để tưới rau, trồng trên mảnh vườn nhỏ bên cạnh nhà. Đất đó không phải của ba mẹ, chỉ là hàng xóm bên cạnh thương tình cho mượn vài năm nay để có cái cần câu cơm. Vy thừa hưởng cái tính thích nghi nhanh từ mẹ, cô ra ngoài kiếm tiền sáng tối, còn mẹ dành cả ngày trồng rau rồi đem bán ở chợ. Chỉ có bố.
Cô bước vào nhà. Gọi là nhà nhưng lúc nào cũng trống hoác, phòng khách có cái bàn còn phòng ăn có cái mâm. Mẹ nói lớn:
- Bố nó ơi, con về rồi này.
Bố nằm trên chiếu, quay mặt vào tường, nhàn nhạt đáp:
- Về thì sao? Nó cứ cút đi cũng được, bà đi luôn với nó cũng được.
Hai mẹ con cô quen rồi, quay đi nói chuyện với nhau. Vốn mẹ có thể sống an nhàn suốt phần đời còn lại bằng tiền chia tài sản sau ly hôn. Nhưng khi công ty phá sản, mẹ lại dùng hết số tiền đó để trả nợ cho bố, cũng xoay ra nghề bán rau rồi về căn nhà ọp ẹp này để chăm bố. Nên cả mẹ và cô đều biết, bố trở nên cọc cằn như thế cũng là vì tự ti.
Mẹ chạm vào chân cô, chỗ bị thương ấy, hỏi có đau không. Cô lắc đầu, nhưng mắt mẹ tinh lắm, hẳn đã nhìn ra đôi câu chuyện đằng sau chiếc áo sơ mi nam trên thân cô. Vy cũng đang nghĩ về chuyện đó, ánh mắt lang thang bên ngoài, bâng quơ hỏi:
- Mẹ ơi, nếu mà, bây giờ có người, yêu con rất lâu thì sao ạ? Chỉ là người ta muốn ở cạnh con thôi.
- Là cậu trai đi du học ấy hả?
- Không, không phải... thì, gần như thế ạ...
Cô cúi gằm mặt, mẹ đưa tay xoa lấy mái đầu rối như tơ vò của cô:
- Con biết không, trước đây từng có người nói rằng trên đời này có hai sự trùng hợp đẹp nhất, một là khi con đang buồn thì trời đổ mưa, hai là khi con yêu một ai đó, và người ấy cũng yêu con. Giữa thế giới này, tình song phương đã hiếm, mà tình ấy là chân thành và sâu đậm thì còn hiếm hơn. Là ai nhìn vào cũng tiếc, chẳng lẽ con nỡ phụ mối duyên thiên định này?
Mẹ hơi ngừng lại, rồi tiếp:
- Chàng trai đó sẽ không vì gia cảnh nhà mình mà buông tay con đâu. Mạnh mẽ lên con gái.
Mẹ nhoẻn cười, làm cô cũng cười theo. Mẹ vào gian trong với bố, chắc là để nói về chuyện của cô. Từ trước đến giờ vẫn như thế, chỉ có mẹ mới xoa dịu được tính khí ngày càng thất thường của bố thôi. Trong túi áo ngực vẫn còn hai tờ 500 mới cứng, Vy bèn đi tẩy tóc về lại màu đen óng ả. Bác bảo vệ nói rằng anh ta lên Hà Nội rồi, vì công việc đã ùn ứ lại thành đống lớn đống bé. Cô đi tiếp, tới nơi mà anh ta gọi là "Xuân Thì".
Chắc mẩm mẹ của anh đã biết chút gì đó về chuyện hai đứa, nhiều thì biết tất cả, nên đôi mắt của bác nhìn cô chẳng có gì giống như bất ngờ. Bác gọi cô vào gian trong, đuổi hết nhân viên ra bên ngoài tiếp khách. Vy vừa ngồi, chỗ còn chưa kịp ấm thì bác đã đưa cho cô cốc nước, hỏi:
- Cháu nói thử bác nghe, hôm nay cháu đến đây với vai nào?
- Cháu đến xin việc ạ.
Lòng cô bỗng run lên. Cô hơi sợ.
- Vậy cháu chọn làm việc ở chỗ bác vì nghĩ mình quen Đăng Anh thì sẽ được ưu tiên à?
Ồ, ưu tiên ư? Với tính cách anh ta thì có thể lắm. Chỉ là cô không cần.
- Cháu nghĩ bản thân đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu của bác. Chưa kể, không phải vì "cháu quen con trai bác" mà là vì "bác là mẹ của người cháu yêu" nên cháu càng phải cố gắng hơn để được bác công nhận.
Người phụ nữ lớn tuổi bật cười, ngả người tựa vào ghế. Lòng cô bỗng căng thẳng, cuối cùng đợi được một cái phất tay của bà:
- Lương tính theo giờ, hai mươi nghìn một tiếng, có bao ăn, nếu cháu cần tiền thì bắt đầu làm từ bữa trưa hôm nay.
Đó là cách cô trở thành nhân viên dưới trướng mẹ anh ta. Bình thường cô cứ làm, làm từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa mới trở về. Và "lãnh đạo" của cô, giống như chỉ cố gồng mình lên để xây dựng hình tượng đáng sợ chứ vốn bác chẳng có mấy phần nghiêm khắc, so với nhân viên còn vui tính và hài hước hơn cả bộn phần. Cô dành cả ngày trong nhà hàng, khách nườm nượp, gặp mấy hôm trời mưa mới được rảnh tay đôi chút. Cô thích ngồi bàn cuối của dãy bàn ăn, cạnh cửa sổ. Bác gái bảo anh ta cũng thường ngồi ở đó, cũng vẫn cái điệu ngẩn ngơ nhìn ra màn mưa trắng trời ngoài kia. Bác thường đưa thuốc cho cô, lúc đầu là thuốc làm lành vết thương, sau là mờ sẹo, thuốc là của ai gửi bác, chắc chẳng cần nói nhiều làm gì.
Cô tự thấy mình rất nghe lời, mà bác cũng coi cô như con gái, thi thoảng sẽ dúi ít tiền vào tay sai cô đi mua đồ ăn vặt cho hai bác cháu. Thời gian như nước chảy hoa trôi, mới đó đã đến tháng 8, trời thì nóng, và nắng rám quả bòng. Và địa điểm thường ghé của Vy sẽ từ hàng cốm cốt dừa sang Chè Phố ở gần Long Tiên.
- Cái Vy, đi mua chè đi, để tí mọi người ca sáng mang về.
- Dạ... nhưng mới có chín giờ sáng? Mua sớm sợ hộp giấy của người ta nát mất.
Bác hơi ngẩn người. Các chị nhân viên bên cạnh phụ hoạ:
- Bác nói thì cứ đi đi.
- Cứ đi đi, có gì mình đổi sang hộp của mình.
Thế là cô lại đội nón, đeo khẩu trang đi ra khỏi cửa. Trước nhà hàng, có một bóng người ngồi co ro dưới tán rộng của cây. Là Đăng Anh. Anh ra ngồi dưới đó tránh nắng, khuôn mặt vốn cau lại của anh ta khi vừa chạm phải ánh mắt cô lại giãn ra. Giống như lần trước cô nhường anh ta một nửa giường, hôn nay anh cũng chia cho cô một nửa bóng cây. Cô gái ngồi xuống, đột chiếc mũ rộng vành lên đầu anh ta, anh liền nói:
- Chào cậu.
- Ừ, chào cậu. Sao cậu lại ngồi ở đây?
- Mẹ tớ bảo tớ chờ vợ.
Cô cười ngất. Anh ta cầm tay cô dẫn qua cửa nhà hàng, bác gái từ trong trề môi, liếc xéo rồi quay đi. Bên kia đường, nơi anh đỗ xe là cánh cổng trường Chuyên rộng lớn, là nơi gói gọn hết thảy thanh xuân và cả những rung động đầu tiên của hai người. Cửa xe đóng sập lại, anh ta hỏi:
- Cậu có muốn lấy tớ không?
Cô im lặng, vì muốn thì chưa muốn, nhưng lần từ chối trước đã xa hai tháng, lần này cũng trả cho anh ta một cái lắc đầu, chắc sẽ là hai năm. May thay, anh đã kịp tiếp lời:
- Cậu còn điều gì muốn làm không? Tớ giúp cậu.
- Xem nào, là trả nợ cho ba mẹ, rồi học tiếp đại học.
Cô ngả người ra ghế. Đột nhiên anh ta bật cười:
- Ngược rồi.
- Hả?
- Cậu nói ngược rồi, phải là đi học trước, rồi mới kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ.
Khuôn mặt cô dần lộ ra bao bối rối. Học, thì tiền đâu?
- Vậy nên tiền học và sinh hoạt phí của cậu trên Hà Nội, tớ sẽ lo cho cậu. Tớ có một căn nhà ở gần trường cậu, cậu có thể sống với tớ. Nếu hai bác sẽ không yên tâm cho hai đứa mình ở cùng nhau thì ta đăng ký kết hôn, còn chuyện đám cưới thì để sau là được. Mà cậu còn có cả đời để trả, nên không cần thấy mắc nợ tớ đâu.
Một lúc sau, anh ta nói y như thế trước mặt bố mẹ người yêu. Bố cô nghe, rồi khuôn mặt trở nên nặng nề, lớn tiếng đuổi con gái lên nhà. Thế là cô không được nghe chuyện nữa. Cô ngồi trên tầng với hàng vạn mối lo, sợ ba mẹ sẽ không đồng ý giao con gái vào tay người khác, và bố mẹ ở nhà, mỗi ngày bán mấy đồng rau thì kiếp nào mới trả đủ cái lãi con? Chuyện dưới nhà cuối cùng cũng kết thúc, êm ái hơn cô tưởng. Mẹ chỉ nhìn cô, đôi mât đỏ hoe vì cảm động, sắc mặt bố vẫn khó đăm đăm như ban đầu, chỉ bớt đi phần địch ý. Ngược lại là nhà anh ta, buổi ra mắt của cô cứ như bữa cơm gia đình bình thường vậy. Bác gái đã biết, còn bác trai, chỉ cần thấy người yêu của con trai là sung sướng đến chín tầng mây. Bác chỉ vội dặn dò hai đứa đôi ba câu rồi chạy ù sang nhà bên khoe với hàng xóm, rằng ông bà nhìn thấy chưa, tôi sắp có con dâu rồi đấy, tôi sắp làm ông, tầm này năm sau là bế cháu rồi đấy.
Về cơ bản, mọi chuyện đều tốt đẹp. Tất cả mọi thủ tục do một tay anh ta lo liệu, nên suốt mấy ngày, cô gái chỉ bận xem lại bài và tài liệu học ngày xưa. Sáng chủ nhật tuần đó, anh ta mòn mỏi đứng chờ cô gái từ năm rưỡi sáng, đến giờ là gần một tiếng trôi qua vẫn chưa chờ được bước chân cô xuống nhà, dù anh đã nói năm lần bảy lượt là thiếu đồ gì thì lên thủ đô anh mua cho mà lâu vẫn hoàn lâu. Thấy tà váy lam lấp ló trên tầng, anh ta ngao ngán:
- Làm gì thế?
- Tìm đồ, quan trọng.
- Kẹp tóc quan trọng?
Cô gái bỗng xị mặt xuống. Còn anh ta thì ngờ ngợ, rồi vành tai thoáng chốc đỏ lên. Đồ thì chẳng quý, quý ở chỗ đó là món quà đầu tiên anh tặng cô gái. Mặc kệ cô khoái trí cười khanh khách đằng sau lưng, anh ta nắm tay dắt cô đi về phía ô tô nhà mình, cũng là đi tới tương lai dài dằng dặc. Đường phía trước có nắng hay mưa cũng chỉ là chuyện của trời, vì đôi tay ấy vẫn đan vào nhau, cùng đi qua giông bão của cuộc đời.
END - 00:02, 29/02/2024.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com