Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 6: Lý Tưởng Trong Bóng Tối

Bên dưới mái vòm cổ kính của thư viện Sainte-Geneviève là bóng dáng của một cô gái với chiếc váy đen thường thấy ở những tiểu thư khuê các nước Pháp. Cô đang chăm chú đọc một quyển sách dưới bàn, trên người cô toát lên một vẻ huyền bí với gương mặt lãnh đạm dường như không có cảm xúc. Nhưng thứ khiến mọi người trong thư viện chú ý đến không phải là vẻ đẹp của cô, mà đó là sợi dây chuyền mặt khắc chữ 東 trên cổ mà cô đang đeo – vì ở nơi đây chưa ai từng thấy loại mặt dây chuyền kiểu này.

Hơn nữa, quyển sách trên bàn không phải là bất cứ cuốn tiểu thuyết hay từ điển học thuật nào, mà lại là tư tưởng chủ nghĩa Marx – Lenin, về cách mạng vô sản và các vấn đề thuộc địa. Mọi người đều nghĩ cô là một thành viên sôi nổi trong Đảng Cộng Sản Pháp, nhưng trong lòng cô hiểu rõ một điều rằng đây là chủ nghĩa chân chính cho dân tộc mình, cho đất nước mình và cho một Việt Nam độc lập tự do.

Cô là trưởng nữ của Trần gia – Trần Minh Thanh Tuyết, một gia tộc thường được người đời biết đến với những thương hội trải dài từ Hương Cảng đến London và hiện đang phát triển mạnh mẽ ở Paris. Những đơn hàng của họ đi khắp Trung Quốc, đến Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh và sang cả lục địa già để đến với London, Paris.

Huy hoàng ở nước ngoài là thế, nhưng khi ở trong nước thì Trần gia chỉ nép mình ở một căn biệt phủ cổ kính sau những hàng cây cổ thụ trên đường Lý Thường Kiệt. Với một biển hiệu đơn giản đề "Thương hội Trần gia", ngành kinh doanh chính của họ là vải và thu mua gạo bán cho các công ty độc quyền Pháp.

Nhưng giá thu gạo của Trần gia luôn cao hơn so với giá của thực dân ba phần mà khi bán cho công ty độc quyền với giá hợp tác thì chỉ thu lại được chín phần so với tiền thu mà họ bỏ ra. Gần như Trần gia đang kinh doanh lỗ, điều đó khiến cho cô lúc còn nhỏ đã bao lần hỏi bố mình rằng "Tại sao nhà ta lại thu gạo với giá cao vậy cha?". Đáp lại sự ngây thơ của con mình, Bố cô – Trần Tư Minh luôn từ tốn nói.

- Thực dân nó thu gạo ép giá, nhân dân ta đói khổ lắm con ạ! Nếu nhà ta còn thu gạo với giá đó thì dân ta làm sao mà sống? Họ đã nộp cho điền chủ đa phần số lúa mà họ làm ra, một phần ít đem đi bán được thì lại bị ép. Cha muốn nhà ta giúp được cho nhân dân lúc nào thì hay lúc ấy con ạ!

Ông vẫn cười dịu dàng như thế, cho đến khi lớn lên cô vẫn luôn coi cha mình là người dũng cảm nhất trần đời.

Ngành vải của Trần gia lại nguy hiểm hơn gạo bội phần. Thế lực và mối quan hệ của gia tộc này đa số là ở Trung Quốc còn ở trong nước chỉ bắt được quan hệ với một số nhà cầm quyền của chính quyền thực dân mà ngoài ra không còn ai khác.

Pháp luôn muốn biến nước ta thành thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nhập khẩu từ chính quốc sang nên những công ty độc quyền của chúng đã tuồn ra thị trường số lượng vải lớn, chiếm hầu hết thị phần ở Đông Dương. Giá thành bán ra lại đắt đỏ hơn nhiều so với sản xuất trong nước, mà ngành dệt trong nước lại bị hạn chế về số lượng nên dẫn đến việc nhiều nhà cả một năm chỉ đủ sức may một hai bộ quần áo.

Trong lúc đó Trần gia quyết tận dụng triệt để nguồn lực của mình, họ vận chuyển nhiều lô vải qua một tuyến đường bí mật từ Hương Cảng về Việt Nam. Mặc cho việc này nếu bị phát hiện thì cả gia tộc của họ với thế lực mạnh cỡ nào cũng không thoát khỏi lòng bàn tay của thực dân. Nhưng cha của cô vốn không hề sợ việc mình bị bắt, vì ông còn một nỗi sợ lớn hơn rất nhiều - đó là nhân dân ta sống trong sự bần tiện, khốn khổ.

Mẹ cô - Dư Nguyệt Thanh vốn là người của Dư gia, một đại điền chủ ở miền Trung thời kỳ cũ. Vì không đồng tình với sự áp bức nông dân và thông đồng với thực dân Pháp mà cô đã rời đi, sau đó gặp được một người cùng lý tưởng là Tư Minh. Từ đó Trần gia vốn bảo thủ đã trở thành một đại gia tộc dưới sự phối hợp của hai người.

Còn cô, từ nhỏ đã được bố mẹ truyền cho lòng yêu nước và lễ nghi của gia tộc. Cô được học thư pháp, đọc kinh thư, chơi piano và cách ăn nói xã giao trong các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, để tránh con mình thừa hưởng sự bảo thủ bao đời của tổ tiên, mẹ cô đã cho cô tiếp xúc với những kiến thức hiện đại từ rất sớm, như phong thái của quý tộc Pháp, học làm toán, viết văn, rèn chữ. Cô thật sự được đào tạo như một tiểu thư thật sự, điều đó khiến cho cô không bị bỡ ngỡ khi tham gia những bữa tiệc sang trọng.

Bố cô vẫn hay nói với cô một câu – thứ đã định hình lý tưởng cho cô từ thuở còn bé.

- Cho dù con ở đâu hay làm gì, hãy luôn nhớ con là người Việt Nam. Cho dù phải hy sinh đi lợi ích của mình cũng không được phản bội lại dân tộc.

Cô còn được dạy một chút tiếng Pháp để giao tiếp xã giao với các quan chức mà bố cô hay mời đến nhà bàn chuyện công việc. Đây là cách để ông có thể bảo đảm con đường buôn lậu vải vào trong nước không gặp phải nhiều trở ngại, dân ta sẽ phần nào bớt đi sự giá rét của mùa đông.

Thanh Tuyết còn có một người em nhỏ hơn mình 2 tuổi. Cậu bé đó nghịch ngợm và lanh lợi, cả hai vẫn hay đùa với nhau trong những lúc chị Tuyết không có buổi học. Cả hai thân nhau lắm, đi ngủ hay đi chơi cũng không tách nhau ra. Thanh Tuyết vốn sinh ra thông minh và sắc sảo, cậu em cũng không kém cạnh chút nào - ở nhiều lĩnh vực cậu bé còn xuất sắc hơn chị mình một chút. Cả hai được rèn một nét chữ như nhau, nhưng chữ của Thanh Tuyết lại mềm mại, thanh thoát hơn so với nét sắc bén của người em.

Ngoài ra những đứa trẻ khi lên ba tuổi sẽ được thừa hưởng một sợi dây chuyền truyền thống của tổ tiên họ Trần, thứ khi đứng cạnh nhau sẽ tạo thành một cặp. Khi trao sợi dây chuyền cho con mình, bố cô sẽ nói một câu trìu mến.

- Đây là sợi dây chuyền mà trăm năm trước tổ tiên ta truyền lại cho hậu thế. Rồi trên đường đời con sẽ đối mặt với nhiều thử thách nhưng hãy nhớ khi hai sợi dây chuyền được ghép lại cũng sẽ là lúc các con nhận ra nhau vì trên đời chỉ có một cặp duy nhất.

Trần gia tuy làm việc nguy hiểm nhưng họ không sợ bởi vì trong sân vườn luôn có bóng dáng hai đứa trẻ ngây thơ đang nô đùa với nhau, tạo nên niềm vui khó tả cho trên dưới gia tộc. Đồng thời chúng cũng thắp sáng hy vọng cho Tư Minh và Nguyệt Thanh đối mặt với mọi gian nan thử thách phía trước.

Mỗi khi Trần gia chủ trở về nhà trong cơn mệt mỏi sau một cuộc đàm phán căng thẳng thì luôn có hai đứa trẻ chạy ra ôm ông trong sự hớn hở.

- Thưa bố mới về! – Rồi chúng ôm hôn ông liên tục, lúc đó cho dù mệt đến mấy ông cũng sẽ cảm thấy mình khỏe hơn bao giờ hết.

Vợ ông cũng sẽ đứng sau hai đứa trẻ rồi cười khúc khích. Thi thoảng bà còn chọc ghẹo ông như một người bạn tri kỷ nữa. Họ tuy không còn trẻ nhưng vẫn yêu nhau theo cách riêng của mình. Gia đình họ không bao giờ có một tiếng cãi vã, la mắng. Cho dù là người giúp việc lỡ làm hỏng việc hay có bất đồng trong suy nghĩ.

Trần gia còn được mệnh danh là gia tộc trầm lặng nhất trong số những gia tộc đương thời. Mặc dù họ không được nhắc đến nhiều như Diệp gia, một gia tộc hàng đầu. Diệp Gia kinh doanh rất nhiều mặt hàng và vang danh khắp xứ Hà Thành, quan hệ của họ rộng khắp Đông Dương và cả những quốc gia phía Nam nữa.

Ngoài mặt họ tỏ ra là một gia tộc thân Pháp, nhưng kì thực trong bóng tối họ lại là gia tộc điều phối lượng lớn mặt hàng bị hạn chế cho nhân dân. Phong cách của họ rất khoa trương, nhưng là để đánh lạc hướng thực dân khỏi những công ty thuộc sở hữu của họ nhưng đặt dưới tên gia tộc khác.

Những năm tháng đầu 1930 đó là lúc mà Trần gia tràn đầy sức sống nhất, cũng như là lúc mà cô còn giữ trong mình được sự ngây thơ của một đứa trẻ. Không ai ngờ được một Trần gia làm nhiều việc tốt như thế lại hứng chịu một bi kịch mà sau này không một người nào dám nhắc đến.

Buổi tối định mệnh năm 1931, trong một bữa tiệc trọng đại được tổ chức bởi đại sứ quán Pháp, Trần gia là khách mời tham dự với đầy đủ cả nhà bao gồm cả cô và em trai. Đây là cơ hội để cô rèn luyện cách giao tiếp với những người trong giới thượng lưu, dù chỉ mới 7 tuổi nhưng cô đã tỏ ra mình là một cô bé thông minh với cách nói chuyện khéo léo và sắc sảo.

Cha mẹ cô thì đang nói chuyện với một vị đại sứ người Pháp ở một góc của bữa tiệc, trong lúc đó em trai cô không biết từ khi nào đã biến mất như tan vào màn sương đêm Hà Nội. Khi gọi mãi mà em không trả lời, cô đã bất giác làm rơi ly nước ép trên tay mình xuống thu hút ánh mắt của toàn thể mọi người trong căn phòng. Mẹ cô cũng bước đến để hỏi xem tại sao con gái mình lại sốt sắng đến thế.

- Thằng út... Em con lạc đâu mất rồi mẹ? – Cô nói trong tiếng nghẹn ngào như sắp khóc.

Nghe con nói vậy, mẹ cô cũng sững sờ, vì cho dù chỉ là một đứa trẻ vừa lên năm thì con trai bà cũng thông minh không kém gì những đứa trẻ mười tuổi do đó bà vốn không tin cậu sẽ đi lạc.

- Con đừng đùa mẹ nữa nhé? Hôm nay con giỏi hơn rồi, xém chút nữa là mẹ tin rồi đấy! – Mẹ cô gượng cười như không muốn tin vào sự thật.

- Con không đùa mẹ ơi, con gọi cậu nãy giờ nhưng không nghe ai trả lời cả. – Lần này cô òa khóc trong vòng tay mẹ.

Nguyệt Thanh buông thõng hai tay, quỳ xuống đất với vẻ tuyệt vọng. Thấy thế bố cô cũng từ biệt người đại sứ mà đến xem tình hình.

- Em đứng lên trước đã Nguyệt Thanh, đã có chuyện gì thế em? – Bố cô dịu dàng đỡ mẹ cô lên và từ tốn hỏi, ông vẫn bình tĩnh không có chút hoảng loạn.

- Anh... Con mình nó... - Cô nói không thành tiếng

- Con mình nó sao vậy em nhỉ? – Ông vẫn điềm tĩnh hỏi vợ mình.

- Con mình nó... Lạc mất rồi... - Cô ôm vai chồng mà thút thít.

- Em bình tĩnh đã, chắc nó không ở đâu xa chỗ này đâu. – Lúc này trong mắt ông đã ánh lên một tia lo lắng, rồi ông cho gọi cảnh vệ bên ngoài vào nói nhỏ.

- Các cậu chia nhau ra tìm thằng út cho tôi. – Họ gật đầu và rời đi nhanh chóng.

Rồi Trần gia chủ xin ra về trước.

- Thật xin lỗi các vị, nhà chúng tôi có chút việc nên xin về trước. Các vị cứ thong thả tiếp tục bữa tiệc đi nhé.

Sau đó ông nắm tay người vợ còn đang khóc và bế con gái mình trên tay đi ra khỏi cổng.

Chẳng bao lâu ông đã có mặt ở nhà, những người cảnh vệ cũng trở về.

- Sao rồi các cậu? – Ông sốt sắng hỏi.

- Thưa lão gia, chúng tôi vẫn không tìm được cậu chủ ở đâu ạ. – Họ cúi đầu tiếc nuối nói.

- Thật vô lý, ban nãy nó vẫn ở trong bữa tiệc đấy thôi. Một đứa trẻ chỉ vài phút thì đi đâu được? Các cậu đã tìm kĩ chưa? – Lần đầu tiên họ thấy Trần Tư Minh nổi giận như vậy.

- Thưa chúng tôi đã chia nhau ra tìm khắp bán kính 1 dặm xung quanh bữa tiệc nhưng vẫn không thấy ạ.

Tin tức này khiến cho Trần Tư Minh như sụp đổ, ông cứ như vậy mất đi một đứa con trai tài giỏi.

Suốt nhiều năm sau đó, Trần gia luôn tung tin tìm người khắp Hà Thành với giá treo thưởng ngày càng tăng cho người tìm được con trai. Dù đã đến mức 5000 đồng Đông Dương mà vẫn không một ai có tin tức gì về con của ông.

Kể từ đêm định mệnh đó, Trần gia không còn cái ánh sáng ngây thơ của những đứa trẻ nữa. Thanh Tuyết không còn nhảy chân sáo nơi góc vườn, không còn hoạt bát như ngày xưa, cũng không còn chạy khắp nơi làm nhà rối tung lên nữa. Cô chỉ lặng lẽ ngồi đọc sách và học những môn mẹ sắp xếp cho mình. Gương mặt vốn tươi tắn của cô nay bị thay thế bởi một sự vô cảm, lạnh lùng, không còn sức sống.

Mẹ cô tuy ngoài mặt vẫn là một phu nhân dễ mến như trước khi biến cố xảy ra nhưng chỉ duy nhất bố cô và cô biết được mỗi đêm bà vẫn hay khóc một mình bên cạnh ông. Mặc cho ông đã ôm chặt bà vào lòng để an ủi. Trần gia kể từ đó không còn trầm lặng như trước khi, họ biết đây không đơn giản là một vụ đi lạc bình thường mà là một âm mưu đã được dựng lên tỉ mỉ để đối phó gia đình ông.

Đối tượng mà Trần gia nghi ngờ không phải Diệp gia hay các gia tộc khác. Bởi vì cho dù là cạnh tranh nhưng họ với ông không thù không oán, những mặc hàng ông kinh doanh cũng không đả động gì đến họ. Cuối cùng chỉ còn một đối tượng tình nghi duy nhất, chính là thực dân Pháp. Động cơ của chúng rất rõ, bởi vì ông đã giúp đỡ cho nhân dân bớt phụ thuộc vào chúng, chắc chắn chúng sẽ lo sợ một ngày nhân dân đứng lên hất cẳng bọn chúng đi.

Nhưng Trần gia không phản công hay cắt đứt với Pháp. Họ biết nếu làm vậy thì sẽ tự mình rơi vào bẫy của chúng, chúng vốn coi Trần gia là cái gai trong mắt từ lâu nhưng căn bản không có lí do để tiêu diệt tận gốc dòng họ này. Âm mưu với con trai của gia chủ chỉ là để dụ cho Trần gia trở mặt, như thế chúng sẽ có thể tấn công Trần gia một cách hợp lý.

Mặc dù chúng có quyền sinh sát không ai dám căn ngăn, nhưng đó chỉ là ảnh hưởng ở Đông Dương. Mặt khác Trần gia có mạng lưới quan hệ đến cả Anh quốc và Tàu, hai quốc gia này thật sự chúng không dám đắc tội.

Còn về Thanh Tuyết, thời gian mười năm trời đã rèn giũa cô trở thành một quý cô thông minh, nhạy bén, trưởng thành và tràn đầy lý tưởng. Ngọn lửa cách mạng trong dân chúng giờ đây đã rất mạnh mẽ, kể từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập năm 1930 thì thời cuộc đã thay đổi mãi mãi.

Ngày 19/5/1941, mặt trận Việt Minh ra đời, lúc này cô đã 17 tuổi. Đệ nhị thế chiến nổ ra khiến cho Pháp phải tham chiến, nhưng để có tài nguyên cho chiến tranh thì chúng đã tăng cường bóc lột nhân dân ta gấp bội phần. Những đợt bắt lính, bắt phu, vơ vét của cải và các loại thuế muối, thuế sưu, thuế đất đè lên đầu nhân dân ta như những đòn roi tàn độc. Vì lí do đó, Thanh Tuyết mang theo mối thù với thực dân và lý tưởng cách mạng để nộp đơn cho tổ chức kháng chiến bí mật trong nội thành Hà Nội.

Sau một loạt bài kiểm tra năng lực, cục tình báo tự mình rút ra kết luận cho Thanh Tuyết.

"Xuất thân từ một gia tộc yêu nước, đủ phong thái của một tiểu thư khuê các. Trưởng thành, trí nhớ tốt, nhạy bén trong những tình huống khẩn cấp. Trung thành tuyệt đối, can đảm và đã thể hiện bản thân thấm nhuần lý tưởng cách mạng qua các thử nghiệm tâm lý cấp cao.

Có khả năng ứng biến tốt nhiều vai trò trong địa bàn địch nếu được giao. Đối tượng phù hợp nhất để đảm nhận trọng trách trọng yếu trong hoạt động tình báo. Đề nghị xếp vào tiêu chuẩn tuyển chọn chiến lược quốc gia.

Đưa vào lớp huấn luyện đặc biệt khóa X, chuyển hướng phát triển chuyên sâu để thâm nhập vào địa bàn Pháp.

Người trẻ này, tổ quốc cần."

Nghe tin này khiến Thanh Tuyết vô cùng tự hào, mối thù gia tộc, món nợ non sông cô sẽ trả hết một lần cho thực dân. Sau đó chiến sĩ phụ trách đã hỏi cô về lí do gia nhập.

- Đây sẽ là một hành trình nguy hiểm vì có thể đồng chí sẽ phải một mình giữa bốn phía đều là địch. Đồng chí chắc chắn mình sẽ không hối hận khi chọn con đường này chứ?

Thanh Tuyết dõng dạc đáp không có chút ngập ngừng.

- Lựa chọn tham gia vào phong trào cách mạng, tôi đã sớm bỏ qua nỗi sợ của mình rồi. Cách mạng chắc chắn sẽ có hy sinh, một ngày nào đó có lẽ tôi cũng sẽ nằm lại nơi đất khách quê người, nhưng tôi không hối tiếc. Nếu ai cũng sợ hãi mà bỏ cuộc thì non sông ông cha ta ngàn đời gây dựng sẽ rơi vào tay ngoại ban. So với việc sợ chết tôi lại càng sợ mất đi tổ quốc của mình hơn. Nhưng cũng là vì tôi có lí do riêng của mình, gia tộc chúng tôi đã không làm gì bọn chúng, chỉ muốn giúp cho nhân dân sống tốt hơn một phần. Chúng lại nỡ lòng nào ra tay độc ác với em trai của tôi, một đứa trẻ chỉ vừa lên năm tuổi? Nếu chúng đã muốn tiêu diệt tận gốc tổ tiên tôi thì tôi không thể đứng yên mà nhìn nữa. Một ngày nào đó, tia nắng bình minh của độc lập sẽ rọi xuống quê hương tôi, mong tôi vẫn có thể chờ cho đến lúc đấy.

Anh chiến sĩ đối diện cũng bị cảm động bởi quyết tâm của cô.

- Rất tốt, tổ quốc cần cô, mong cô sẽ hoàn thành tốt khóa huấn luyện.

Cô đứng dậy bắt tay với anh và ngay sau đó lên chiếc xe ô tô đang đậu gần đó để đến nơi tổ chức đang chờ.

Trước khi đi cô đã nói với bố mẹ mình rằng cô muốn đi Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm sau này tiếp quản gia tộc. Và kể từ đó, sợi dây chuyền là vật bất ly thân của cô.

Khóa chuyên nghiệp được huấn luyện với thời gian một năm, trong lúc đó cô được học về mã morse, điện đài, tâm lý khi bị hỏi cung, cách dùng súng, cách để trà trộn vào kẻ địch mà không bị phát hiện. Ngoài ra còn những kĩ năng quan trọng khác là tẩu thoát, truyền tin, mã hóa, theo dõi, võ thuật tự vệ, tiếng Anh, tiếng Pháp, cách giả giọng.

Cuối cùng vào năm 1942 cô xuất sắc tốt nghiệp khóa huấn luyện, sau đó được cấp trên đặt cho mật danh là "Vô Ảnh", ngụ ý chúc cô ẩn mình trong lòng địch vĩnh viễn không bị phát hiện. Hơn nữa cô còn được tổ chức trao cho một chiếc nhẫn bạc có đính viên đá quý màu tím, trên từng đường vân của viên đá được trạm khắc tinh xảo.

Chỉ khi nhìn ở một góc 45 độ với ánh sáng thích hợp thì mới nhận ra trên nó là chữ V – Viết tắt cho Việt Nam. Chiếc nhẫn này là minh chứng cho thấy cô đã được vào hàng ngũ đặc vụ cấp cao. Kí hiệu này cho dù là đặc vụ trong hệ thống cũng không biết, vì chỉ những người xuất chúng mới được phép sở hữu.

Trong trận thực chiến đầu tiên trong lòng thủ đô, cô phụ trách theo dõi một tên mật thám đang chuẩn bị giao dịch với cấp trên của hắn về danh sách đặc vụ của chính quyền cách mạng được cài trong nội bộ chính quyền thực dân. Ngay khi tên đó vừa đứng chờ ở một góc phố cuối đường Ngô Quyền với tờ báo trên tay thì cô lướt nhanh qua hắn, rồi một tiếng súng vang lên được che đậy đúng lúc bởi âm thanh thắng gấp của một chiếc ô tô đen.

Tên mật thám gục xuống, rồi cô nhanh nhẹn cúi xuống thu hồi lại danh sách mà hắn giấu kín trong lớp vải bên trong áo. Vốn dĩ đây là một nhiệm vụ tuyệt mật vì danh sách đó nếu không được thu hồi gọn gàng thì sẽ dễ đánh rắn động cỏ, ngoài ra phẩm chất của đặc vụ cũng phải được đảm bảo để phòng tránh đặc vụ hai mang. Được giao cho nhiệm vụ này chứng tỏ cấp trên đã rất tin tưởng cô và cô đã không làm họ thất vọng.

Nhưng đó chỉ là bước thử việc của cô mà thôi. Năm 1944, cô quỳ gối trước cha mẹ mình ở Trần gia để chuẩn bị lên đường sang Paris.

- Con gái bất hiếu không làm trọn được bổn phận của trưởng nữ Trần gia, hôm nay con xin tạ tội trước bố mẹ và tổ tiên. Mong bố mẹ hiểu cho con rằng con đang đi theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, vì một ngày mai nhân dân ta có thể ngẩng cao đầu mà sống trong đất nước của mình. Con không biết sau này có còn cơ hội để báo hiệu cho bố mẹ nữa hay không cho nên hôm nay con xin bái bố mẹ tam bái như lời từ biệt. Mong bố mẹ tha thứ cho con, cách mạng cần con, tổ quốc cần con, con không thể phụ lòng kì vọng mà sống một cuộc sống an nhàn được.

Rồi cô chắp hai tay lại lạy bố mẹ mình.

Trần Tư Minh chỉ đứng đó, đặt hai tay ra sau người.

- Con ra đi vì nghĩa lớn, bố mẹ không trách con. Liệt tổ liệt tông trên trời có biết cũng sẽ phù hộ con nơi đất khách quê người. Đường đời phía trước còn rất dài, con hãy tự bảo trọng lấy mình, bố mẹ chỉ còn một mình con mà thôi. Nào đứng lên đi con, đừng lạy nữa kẻo ta đau lòng.

Rồi ông đỡ cô dậy.

Mẹ cô lúc này không kìm nổi sự xúc động mà chạy đến ôm cô con gái trong nước mắt.

- Mẹ biết con vì quốc gia vì dân tộc mà mạo hiểm, mẹ cũng không muốn con đi nhưng vì thời cuộc trước mắt không cho phép mẹ giữ con lại, nếu vậy thì tổ quốc sẽ mất đi một nhân tài. Quả thật mẹ không nỡ nhưng con hãy bảo trọng nhé! Bố và mẹ vẫn đợi con về ăn cơm. Trần gia mãi là nhà của con.

- Nào con gái, hãy để ta ôm con lần cuối. – Bố cô dang rộng hai tay ra để ôm cô vào lòng.

Thế là hành trình của Thanh Tuyết bắt đầu, cô đặt chân đến Paris vào tháng 5 năm 1944, đúng vào năm cô 20 tuổi. Lúc này ở Pháp đang bị kiểm soát bởi Đức Quốc Xã, một kẻ địch của toàn thế giới.

Cô lấy thân phận là một y tá người Đông Dương đang làm việc tại bệnh viện Salpêtrière. Liên lạc viên một chiều của cô là bác sĩ Piere, đặc vụ thuộc phe Đảng Cộng Sản Pháp. Nhiệm vụ của cô được giao lần này là hợp tác giải cứu một đặc vụ mang thông tin quan trọng của phía Vichy và Đức Quốc Xã. Đây là nhiệm vụ thể hiện tình đoàn kết của lực lượng vô sản quốc tế, và cũng là một nhiệm vụ quan trọng cùng thế giới chống lại chủ nghĩa Phát xít.

Cô chuyên nghiệp vô cùng, khiến cho cả bác sĩ Piere còn đặc biệt khen cô.

Trong suốt khoảng thời gian đó, cái tên "Vô Ảnh" đã luôn là quân bài tẩy của cách mạng Việt Nam, cô truyền về những thông tin vô cùng quan trọng khiến cho quân ta kịp thời phát hiện âm mưu của Pháp mà chuẩn bị phương án tác chiến.

Một đêm mưa năm 1946, lúc cô đang nhận nhiệm vụ ở Paris thì thấy bóng một cô bé đang đững dưới mưa, người cô ướt sủng, trong tay là một tờ báo về trận đánh ở Hà Nội. Dù không biết cô gái đó là ai và đang trải qua chuyện gì nhưng Tuyết vẫn cầm chiếc ô trong tay mình đưa cho cô và động viên với câu nói "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi em nhé!". Cô gái đó không ai khác ngoài Diệp Nhã Minh Nguyệt.

Thanh Tuyết còn có công rất lớn trong việc kêu gọi dân chủ cho các nước thuộc địa, bằng cách viết các bài báo đăng lên trên tờ Le Monde, tạo nên phản ứng tích cực trong giới tri thức cả người Việt lẫn người Pháp.

Nhưng trong một lần năm 1951, khi cô đang đột nhập vào cơ quan DST (Direction de la Surveillance du Territoire) – một trong ba cơ quan tình báo quan trọng nhất của Pháp – để lấy danh sách các đặc vụ nằm vùng trong lực lượng cách mạng Việt Nam thì bỗng lính Pháp ập vào, lúc đó cô vừa kịp chụp xong tấm cuối cùng. Nhưng xem ra chúng vẫn thua cô một chút, cô nhanh nhẹn chạy ra cửa sổ, dùng những kĩ năng mà cô được huấn luyện để trèo lên trên nóc cuối cùng tẩu thoát trong màn đêm sương mù ở Lyon.

Ngày hôm sau cô giao những bức ảnh đó cho liên lạc viên một chiều ở quán café. Anh là một thanh niên trẻ, bí danh "Bồ Câu", tên thật là Vương Thế Trung, cùng khóa huấn luyện với cô và cả hai có thể xem là đồng chí thân thiết nhiều năm vì anh đã làm liên lạc cho cô từ 1945.

- Tổ chức có lời khen cho cô, nhưng xem ra lần này thân phận của cô đã bị lộ. Tôi vừa xin chỉ thị rút lui cho cô và được chấp thuận rồi, cô thu xếp mà rời khỏi Lyon ngay trong đêm nay đi, tránh để đêm dài lắm mộng. – Anh lo lắng nói.

- Tôi biết, có lẽ tôi sẽ đi Paris tránh sóng gió một thời gian. – Gương mặt cô vẫn không thể hiện bất cứ cảm xúc nào.

Tối đến, trong khi cô đang dọn đồ thì nhận được điện đài từ cấp trên.

Cô ngồi vào chiếc bàn đang đặt cái điện đài rồi sau đó nhanh nhẹn dịch ra.

"Vô Ảnh – đóng băng cho đến khi có chỉ thị mới, hãy nhanh chóng rút lui."

Cô không hiểu vì sao lần này cô lại bị đóng băng.

"Tổ chức nghi ngờ mình à? Sao lại đóng băng mình ngay lúc này?" Cô thầm nghĩ.

Kiên cường là thế, nhưng khi đối mặt với quyết định của tổ chức Thanh Tuyết lại cảm thấy vô cùng đau lòng, bởi có lẽ từ nay con đường cách mạng của cô đã bị đóng lại, không biết bao giờ sẽ được một lần nữa mở ra. Với một người đã dành cả thanh xuân để sống vì tổ quốc như cô thì việc bị đóng băng chẳng khác nào giam cầm cô trong bóng tối vĩnh hằng, khiến cô mất đi mục tiêu sống ở nơi đất khách này.

Tuy nhiên, cô không hề biết quyết định đó là nhằm bảo vệ cô, bởi vì việc bại lộ đó không phải là vô tình, mà còn sâu xa hơn thế. Cô còn chẳng hay về sự hy sinh của anh liên lạc viên trẻ tuổi trong nỗ lực bàn giao tài liệu mật đó cho tổ chức. Ngoài mặt anh nói là xin chỉ thị rút lui cho cô nhưng thật ra là xin chỉ thị đóng băng khẩn cấp do Pháp đã có tên cô trong danh sách đen phải loại bỏ ngay lập tức.

Anh không nói cho cô biết bởi vì anh quá hiểu tính của cô, thay vì bỏ chạy thì cô sẽ ở lại để liều chết với mật thám. Anh không muốn cô hy sinh nên mới khuyên cô rời đi trong đêm và để lại lời nhắn với cấp trên về vị trí của tài liệu. Sau đó anh tự mình đấu súng với mật thám để câu giờ cho cô, cuối cùng anh hy sinh ở Lyon vào ngày anh tròn hai mươi chín tuổi. Khi mật thám Pháp đuổi đến thì cô đã rời đi từ lâu, bọn chúng thất bại cây đắng trước nhiệm vụ ám sát này.

Cô không biết, không hề biết trong lúc cô rời đi trong màn đêm sương mù Lyon thì đã có một người nằm xuống vì đổi lấy vài phút quý giá cho cô. Người đó không nói lời tạm biệt, không nói mình liều mạng vì ai, vì đối với anh – chỉ cần cô sống sót, là đủ.

Sau đó cô chuyển đến khu Rue Monsieur-le-Prince, quận 6 Paris. Suốt 3 năm sau đó, cô dành phần lớn thời gian để đọc sách ở thư viện Sainte-Geneviève. Cho đến năm 1954, sau khi Hà Nội được giải phóng thì cô đã lên đường trở về với quê hương, kết thúc chuyến hành trình của một đặc vụ kì cựu khiêu vũ giữa bầy sói hoang.

Bây giờ cô chỉ là một cô gái bình thường, trở về quê trong bình minh của đất nước. Cô vẫn mang theo bức ảnh gia đình của mình từ năm 1930, đeo trên cổ sợi dây chuyền mặt chữ 東 truyền thống của Trần gia và một huyền thoại của chiếc nhẫn đính đá quý màu tím được khắc chữ V. Người đời không nhớ gì về một cái tên "Vô Ảnh" – cô cũng không nói. Cách mạng luôn có những sự hy sinh thầm lặng như thế đấy, họ chiến đấu và hy sinh trong bóng tối không vì gì cả, chỉ mong non sông mình độc lập, đất nước mình tự do mà chẳng mưu cầu được nhiều người biết đến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com