CHƯƠNG 1: ĐẾM NGƯỢC THỜI GIAN
Mỗi ngày của tôi đều trôi qua trong một trung tâm chăm sóc nằm ở ngoại ô của một đô thị lớn ở Nam Phi. Chỉ cách đó vài giờ lái xe là những triền đồi được bao phủ bởi những bụi cây lá vàng nơi bầy sư tử vẫn thường dạo quanh tìm kiếm con mồi. Theo sau chúng là đám linh cẩu thu dọn những phần thịt thừa còn sót lại và cuối cùng là lũ chim kền kền rỉa rứt từng mảnh thịt cuối cùng của xác thịt ra khỏi xương. Chẳng có gì để lãng phí cả. Thế giới động vật là một vòng quay hoàn hảo của sự sống và cái chết, vô tận giống như bản thân thời gian vậy.
Tôi đã hiểu ra được tính vô tận của thời gian và vì thế mà tôi học cách đánh mất mình trong đó. Những ngày, nếu không phải là những tuần, có thể trôi qua khi tôi khép mình lại và hoàn toàn trở thành một khối màu đen bên trong cơ thể – không còn là gì ngoại trừ một vật được tắm rửa và cho ăn, được bế khỏi chiếc xe lăn và được đặt xuống giường – hoặc khi tôi chìm đắm vào từng lát cắt nhỏ nhoi của đời sống mà tôi nhìn thấy quanh mình. Những con kiến bò trên sàn nhà tồn tại trong một thế giới của chiến tranh và những cuộc đụng độ, những cuộc chiến nổ ra và kết thúc, với tôi là chứng nhân duy nhất của một lịch sử cũng đẫm máu và khủng khiếp chẳng kém gì so với thế giới loài người.
Tôi học được cách làm chủ thời gian thay vì trở thành nạn nhân của nó. Tôi hiếm khi nhìn vào đồng hồ, nhưng tôi tự luyện cho mình cách đoán định thời gian dựa vào mức độ mà ánh nắng và bóng râm đổ xuống quanh mình sau khi tôi nhận ra rằng tôi có thể ghi nhớ được vị trí ánh nắng đồ xuống mỗi khi có một ai đó cất tiếng hỏi về giờ giấc. Và rồi tôi vận dụng những mốc thời gian cố định được lập đi lập lại không ngừng nghỉ trong suốt những tháng ngày tôi ở nơi đây — uống nước buổi sáng vào mười giờ sáng, ăn trưa lúc 11:30, uống nước buổi chiều vào lúc ba giờ — để hoàn thiện kỹ năng này. Dù sao, tôi cũng có vô số cơ hội để luyện tập cơ mà.
Điều này có nghĩa rằng giờ đây tôi có thể đối mặt với ngày tháng, chia nhỏ chúng ra và đếm chúng theo từng phút, từng giờ, khi tôi để cho những âm thanh lặng lẽ của những con số lấp đầy trong tôi — sự uốn lượn của những số sáu và những số bảy, sự ngắt quãng đầy thỏa mãn của số tám và số một. Sau khi trôi qua cả một tuần lễ như thế, tôi thấy biết ơn vì được sống ở một nơi có nắng. Tôi có thể không bao giờ được học cách nắm bắt thời gian nếu như tôi sinh ra ở Iceland. Thay vì thế tôi sẽ phải để cho thời gian vô tận bao trùm toàn bộ con người mình, bào mòn tôi từng chút một như những con sóng triều bào mòn một hòn sỏi bên bờ biển.
Việc làm sao mà tôi lại biết được những điều như thế — như Iceland là một quốc gia phân cực của bóng tối và ánh sáng hay như sau lũ sư tử là linh cẩu, rồi đến kền kền — thì đối với chính bản thân tôi mà nói, đó cũng là một sự bí ẩn. Bên cạnh những thông tin mà tôi tiếp thu được bất cứ khi nào TV hay đài phát thanh được bật — những tiếng nói giống như những con đường cầu vồng dẫn tới chiếc bình bằng vàng là thế giới bên ngoài — tôi không được tham gia bất kỳ một khóa học hay được tìm hiểu tri thức từ một cuốn sách nào. Điều đó khiến cho tôi băn khoăn rằng liệu những điều mà tôi biết được có phải là những thứ mà tôi đã được học từ trước khi tôi bị ốm hay không. Bệnh tật có thể gây thương tổn tới cơ thể tôi, nhưng nó chỉ có thể tạm thời giam giữ tâm trí tôi mà thôi.
Lúc này đã qua thời điểm giữa ngày, có nghĩa là chưa đầy năm tiếng nữa ba sẽ tới đón tôi về. Đó là khoảnh khắc tươi đẹp nhất trong ngày bởi vì điều ấy còn có nghĩa là cuối cùng trung tâm chăm sóc sẽ được bỏ lại đằng sau khi ba tới đón tôi vào lúc năm giờ chiều. Tôi không thể diễn tả rõ ràng niềm vui của tôi vào những ngày mà mẹ tới đón tôi sau khi xong việc vào lúc hai giờ chiều.
Tôi sẽ bắt đầu đếm từ bây giờ — từng giây, từng phút, từng giờ — và hy vọng như thế sẽ khiến cho ba tới đón tôi sớm hơn.
Một, hai, ba, bốn, năm . . .
Tôi mong ba sẽ bật đài phát thanh trên xe và rồi chúng tôi có thể cùng nghe tường thuật trận đấu bóng cricket[1] trên đường về nhà.
“Khiếu nại[2]?” đôi khi ông sẽ kêu lên như vậy khi bóng lăn qua tam trụ môn.
Cũng giống như mỗi khi tôi ở trong phòng những lúc cậu em trai David chơi điện tử.
“Mình sẽ lên bàn!” thỉnh thẳng thằng bé sẽ hét lên như vậy khi những ngón tay của nó lướt trên bảng điều khiển.
Không ai trong số họ biết được tôi trân trọng những khoảnh khắc ấy đến nhường nào. Như những khi ba vui mừng nếu đội nhà ghi được sáu bào vị hay mỗi khi cặp lông mày của em trai tôi nhăn tít lại vì nó muốn cải thiện điểm số, tôi thưởng lặng lẽ mường tượng ra những lời nói đùa mà tôi đáng lẽ sẽ thốt ra, hay những lời chửi rủa mà tôi sẽ kêu lên cùng với họ, nếu như mà tôi có thể, và trong một vài giây phút quý giá ấy tôi không còn cảm thấy mình không còn là một người ngoài cuộc.
Ước gì lúc này ba đến đón tôi.
Ba mươi ba, ba mươi tư, ba mươi nhăm . . .
Hôm nay cơ thể tôi cảm thấy thật nặng nề, và sợi dây chằng quanh người cứa vào da thịt tôi qua lớp quần áo. Hông bên phải của tôi đau buốt. Tôi mong sao có ai đó đặt tôi nằm xuống và giúp cơn đau của tôi dịu bớt. Ngồi yên ở một tư thế trong hàng giờ đồng hồ cho tới cuối ngày thật chẳng phải là một việc dễ chịu gì. Bạn có thấy trong những bộ phim hoạt hình khi có một nhân vật nào đó rơi xuống từ vách núi, va chạm với mặt đất, và nát bấy — rầm! —thành những mảnh vụn? Tôi đang cảm thấy như vậy đấy — như thể tôi đang vỡ vụn ra thành hàng triệu mảnh nhỏ, và mỗi một phần đều đau đớn cả. Trọng lực là sự đau đớn khi nó phải gánh chịu cả một cơ thể không phù hợp với mục đích tồn tại.
Năm mươi bảy, năm mươi tám, năm mươi chín. Một phút.
Bốn giờ, năm mươi chín phút nữa thôi.
Một, hai, ba, bốn, năm . . .
Nỗ lực hết mình, tâm trí tôi lại quay trở về với cơn đau nhức ở hông. Tôi nghĩ đến nhân vật hoạt hình bị nát bấy. Đôi khi tôi cũng muốn mình rơi xuống mặt đất giống như vậy và tan nát thành những mảnh vụn. Bởi vì có thể là sau đó, cũng giống như nhân vật hoạt hình kia, tôi có thể nhảy bật lên và cơ thể trở lại lành lặn một cách kỳ diệu trước khi tiếp tục chạy.
[1] Cricket (phiên âm: Crích-kê; cũng gọi: bóng gậy, bản cầu, mộc cầu, tường cầu) là một môn thể thao dùng gậy đánh bóng, phổ biến tại nhiều quốc gia trong cộng đồng khối Thịnh vượng chung Anh, chơi giữa hai đội, mỗi đội 11 đấu thủ, trên sân cỏ hình tròn. Mục đích của trận đấu là hai đội thay phiên nhau, một đội giao bóng và một đội đánh bóng. Sau khi tất cả các đấu thủ của đội đánh bóng bị loại, đội này sẽ đổi sang ném banh, và đội bên kia sẽ vào sân để thành đội đánh.
Khi bắt đầu vào trận, một đội cử ra hai người cầm gậy đứng ở hai đầu một dải đất phẳng gọi là “phương cầu trường” (tiếng Anh: pitch). Mỗi đầu đều có tam trụ môn (wicket) gồm ba que gỗ cắm vào đất, có hai thỏi gỗ nằm trên. Đội bên kia cử ra một người giao bóng – “đầu cầu viên” (bowler) và một số người cùng đội đứng chung quanh đợi đánh bóng trường. Hai đấu thủ đội đánh bóng tiếp tục đánh và chạy tới lui như thế và kiếm điểm cho tới khi một trong hai người này bị đội ném loại ra bằng những cách:
Làm vỡ tam trụ môn khi giao bóng
Bắt được bóng từ gậy người đánh khi bóng chưa chạm đất (catch)
Đùi chặn bóng (leg before wicket): Làm người đánh sểnh chân đứng lố ra trước, chân che tam trụ môn và nếu trọng tài thấy, sẽ phạt, cho loại ra.
Dùng bóng làm vỡ khung thành tam trụ môn trong khi người đánh bóng còn đang chạy, không kịp về mức của tam trụ môn.
Đấu thủ bị loại được đồng đội khác vào thay. Đội đánh luôn có hai người cầm gậy trên sân (partner).
Tính điểm:
Chạy từ một đầu phương cầu trường sang mức tam trụ môn bên kia: 1 bào vị
Đánh banh ra tới vòng biên của sân: 4 bào vị
Đánh banh không chạm đất, bay ngoài vòng biên (kể cả bay vào khán đài): 6 bào vị
[2] nguyên văn: “Howzat” là một thuật ngữ trong môn cricket, được hiểu là hành vi yêu cầu trọng tài ra quyết định. Một kích cầu viên (fielder) sẽ yêu cầu trọng tài ra quyết định nếu họ cho rằng người đánh đứng lố ra đằng trước. Kích cầu viên sẽ phải hỏi trọng tài (umpire) rằng “Thế nào?” (“How is that?”) trước khi trọng tài đưa ra quyết định. Do các vận động viên thường hét to từ này nên nó nghe gần giống như Howzat
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com