Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3: Mượn Xác Hồi Cung

"Có thích khách đột nhập! Thân phận không rõ, ăn vận giả làm thái giám, nghi ngờ mưu đồ bất chính! Lệnh áp giải vào đại lao, chờ quan xét xử vào giờ Mão ngày mai!"

Gió lạnh như kim, đêm chưa tan sương.

Địa Lao Tử Khí.

Tử Lao nằm sâu dưới ba tầng đá đen hậu cung, gió trong này đặc biệt lạnh hơn, Chiêu Khuynh Di bị áp giải trong bộ y phục thái giám, cổ tay bị xiết chặt bằng vòng sắt lạnh, hai bên là hai thị vệ nội cung cao lớn, mặt mũi hầm hầm. Nàng bị ép từ Hậu viện Nội Vụ phủ đến thẳng đây.

Đám lính canh đi trước mở đường bằng đuốc, ánh sáng lập loè phản chiếu lên bức tường đá lạnh toát. Nơi này giáp với phủ Tam Ty, gần với hầm giam trung ương, gọi là Lao Phủ Tề Phạt. Đám lính gác đẩy mạnh Khuynh Di xuống đất, tên mặt sẹo bật ra giọng khàn khàn:

"Thái giám ở đâu chui ra mà dám lảng vảng quanh nội viện giờ này? Không phải kẻ điên thì chính là gian tế!"

"Quỳ xuống! Ai cho ngươi ngẩng mặt lên!" Tên khác quát lớn, tay giáng xuống một roi da.

Quản ngục Lý Hình Phu bước tới, nhổ một bãi nước bọt xuống chân rồi gằn giọng: "Vào trong đi, xem ngươi còn cứng miệng được bao lâu."

Khuynh Di sau đó được lôi mạnh vào ngục phòng nhỏ, cửa sắt khoá lại sau lưng. Bàn tay nàng trầy xước vì bị kéo lê, chân mang thương tích cũ chưa lành, vết rách ở bả vai do tên thái giám vẫn còn rướm máu. Chỉ cần cựa mình, máu đã thấm qua y phục, lạnh buốt đến thấu xương.

Khuynh Di dựa lưng vào tường, đầu óc choáng váng. Nhưng chắc chắn cô không thể chết ở đây được. Chiêu Khuynh Di lục tìm mảnh gỗ mục rơi trong góc, cắn lấy góc áo xé toạc một phần, sau đó siết chặt miệng vết thương, ấn mạnh miếng gỗ cầm máu. Cơn đau khiến cô nhăn mặt, nếu cứ như thế này thì khác gì chịu chết? Trong lòng đã tính sẵn, nếu không tìm được cách thoát thân trước giờ Mão, bản thân sẽ bị lôi ra trước đình quan.

Khuynh Di biết khắp chốn cung thành này đâu đâu cũng là máu đổ, giết người không chớp mắt, chỉ là cái mạng quèn thôi, mất cũng chẳng sao.

Cái triều đình này loạn tới mức như thế. Nhưng chế độ giam của Lao Phủ rất nghiêm ngặt, cô nhìn quanh sự giám sát của mấy lính canh, Tử Lao gồm mười hai trạm gác, chín lớp khoá đồng, hai cửa sinh tử. Thân thể hiện tại cũng chẳng giúp ích được nhiều cho Khuynh Di nữa.

Vải thấm máu sẫm đen, từng đường gân tay hiện lên rõ ràng dưới ánh trăng le lói chiếu qua song sắt.

Nhưng nếu thoát ra thì tiếp tục làm gì? Phải làm sao mới được tiếp tục sống? Chuyện chôn sống thất bại nếu để lộ ra, e rằng Chiêu Khuynh Di còn khiến người ta nhắm vào cái mạng của cô hơn.

Khuynh Di nhìn xuống hai mảnh phù lệnh nhỏ, một ghi tên kho Lục Y 17, một là bản lệnh trừ tuyệt mờ mực đỏ, lúc này đều đã dính máu. Ngoài ra còn có bản sao nét bút viết tay của Vệ Tinh, từng đường mực cong vút, nét nghiêng trái hoàn toàn trùng khớp với bảng kiểm kê ngày xưa.

Trong cái rủi còn có cái may, nhờ nguỵ trang trong túi vải may chìm bên trong lớp áo, phù lệnh và bản sao nét bút vẫn chưa bị phát hiện, may thay lúc kiểm tra, lính chỉ lục qua loa do nghĩ nàng là thái giám con.

Tử Lao có nội quy riêng, phạm nhân nữ nếu từng làm việc trong cung thì không được chung giam, phòng ngừa truyền lời bịa đặt. Khuynh Di đưa tay chạm lên mép tường, một dung dịch đặc quánh, tanh tưởi xộc thẳng lên khứu giác, nàng cảm nhận xúc giác ở tay.

Lớp tro trộn máu gà? Nếu thế thì chính là để yểm khí, trên đầu Khuynh Di có tấm lưới xích chéo nhau, nếu gắng trèo lên sẽ bị lưỡi dao nhỏ đâm rách thịt. Ngoài song sắt, tiếng nói chuyện rì rầm len vào thinh không. Nàng nghiêng đầu, dựa vào vách, ép thính lực lắng nghe.

"Đáng lẽ tống tiễn luôn đi, còn để sau lễ làm gì?"

"Ngốc à? Không nghe tế thiên không được nhuốm huyết? Tiên Môn đã ra chiếu, lễ tế năm nay đại cát, vi phạm điều kiêng kị là chém đầu đấy!"

"Thừa tướng muốn dâng biểu đề tên người nhà vào lễ rước phúc, có cả bá tánh tín nhiệm, giết người trong mấy ngày linh thiêng là rước hoạ, rước hoạ!"

"Vậy tiểu thái giám này cũng coi như mạng lớn."

Khuynh Di chậm rãi nghiêng đầu, gò má lạnh như băng. Cô mệt mỏi tựa lại vào vách đá. Đồ vật nàng cướp từ Thẩm Nhược Phong, liệu hắn có biết không? Bản lệnh giả, danh sách đổi thẻ đều là manh mối duy nhất còn sót lại về vụ án năm xưa. Vụ án đưa Chiêu thị xuống, hại chết ba đời hoàng tộc.

"Mà trúng ngay ngày này nhỉ? Tiên Môn hạ phúc, thiên tượng xuất hiện ở Tây Thiên, Đại Tề ta rước được dị tượng. Lễ tuyển kỳ nữ lần này, nghe nói các gia tộc ngoại phiên cũng đưa người đến tranh suất nhập cung."

Tên còn lại nhổ phì một bãi: "Lại thêm một đám oanh oanh yến yến tranh nhau bò lên giường rồng. Ta chỉ lo bọn nữ nhân kia, mới vào đã đụng ngay cái tính cọc cằn của Thất hoàng tử."

"Tức là Lục Tần Dã?"

"Còn ai vào đây nữa, 17 tuổi đã cầm quân Bắc phạt, ba năm không thua trận, thập lục phủ sát biên đều nghe danh. Nghe nói hắn mới trở về kinh vài tháng, tính tình càng khó gần hơn trước. Chẳng ai dám nói trước hắn sẽ ngó ngàng tới tuyển phi hay không."

"Nhưng chẳng phải hắn là người sẽ lên ngôi kế vị à?"

"Suỵt!" Tên kia liếc trái phải, sau đó hạ giọng thì thầm: "Bệ hạ hiện tại vẫn khoẻ, chưa có ý truyền vị. Nhưng ai chẳng biết Lục Tần Dã mới là người được Thượng Phương Các và Thái Sử Viện âm thầm đứng sau chống lưng. Nếu không phải hắn còn giữ quân quyền..chỉ sợ.."

Mấy từ sau nàng không nghe được nữa.

Mồng Một tháng Ba, Lễ Kỳ Minh khai đàn tế trời.

Là tế lễ cầu quốc thái dân an, 3 năm mới có một lần, Tiên Môn từ Thiên Sơn hạ phạm ban phiếu phúc cho Đại Quốc. Theo truyền thuyết, ai sinh đúng năm giờ thiên cốt, cốt mệnh thanh thuần, linh căn chưa nhiễm uế khí, sẽ được chọn làm kỳ nữ chi phúc — đại diện nhân gian tiếp thụ linh chiếu, ban lộc an quốc.

Lễ mang tính thiên đạo, nên trong năm ngày tế lễ, không được xử hình, không được đổ máu. Phạm điều cấm, trời giáng thiên tai. Thiên tượng cấm sát sinh, bất kỳ máu người nào rơi xuống đều sẽ bị coi là điểm phản nghịch trời. Vậy nên bản án của Chiêu Khuynh Di, vốn định hành quyết công khai phải tạm hoãn tới mồng Sáu.

Trời không dung nàng, nhưng cũng không vội giết nàng. Đây có phải là cơ hội hay không?

Ý thức nàng chập chờn, máu đã khô thành vết cứng sau lưng. Đến khi nghe tiếng khoá sắt vang lên, nàng mới mở mắt. Một thị vệ mặc áo giáp đen bước tới, nhìn xuống Khuynh Di rồi hằn giọng: "Phòng 7, nội cung nữ, lệnh áp giải chuyển trại."

Chuyển trại? Giữa thời điểm kiêng sát này, mệnh lệnh nào ban xuống cũng là lưỡi dao bọc lụa. Không chết vì gươm thì cũng chết vì mưu.

"Bắt đi giờ này, không sợ kinh động quỷ thần à?" Một giọng lính gác cằn nhằn.

Tên áo giáp chỉ hừ lạnh: "Lệnh từ Nội Đình Giám, chuyển tạm xuống tầng hầm phía Tây để biệt giam."

Tầng hầm phía Tây? Chẳng phải nơi giam tội đồ đại nghịch, cung nữ tham dự mưu phản hay phạm giới Luật Cấm sao?

"Giám Chính đã tự tay đóng dấu rồi, lính gác chỉ cần kí xác nhận, chẳng ai dám trái lệnh của Thượng Phương Các."

Hai thị vệ bước vào, một tên kéo tay, kẹp sát vai sau đó kéo đi. Lúc xuống sâu hơn, gió từ khe đá rít lên từng hồi, bốn bể là tường đá ẩm mục, hôi thối.

"Mở." Cảnh cửa bị kéo ra, thứ hắt vào mắt Khuynh Di chính là mùi nhang trầm rất nhạt. Bên trong tối, một chiếc đèn hương được đốt trên bàn đá, ánh đèn chiếu nghiêng làm nổi bật mấy gạch ẩm bốc mùi.

Hai tên lính canh rời đi, Chiêu Khuynh Di nhìn quanh đánh giá thêm một lần nữa, may mà cô nhìn mấy thứ này quen rồi, chỗ này ghê rợn, không có ánh sáng, chưa kể mùi máu tanh, rêu phong đều gợi lên cảm giác bất an và nguy hiểm.

Dưới góc có một tầng hầm, xưa kia từng là nhà giam của Vệ phủ, giờ đây bị bỏ hoang, niêm phong từ lâu. Khi nàng gần như lả đi, một tiếng động lạch cạch vọng ra từ gian hốc đá bên trái.

"..."

Khuynh Di lùi lại, ép mình vào tường, hơi thở kìm lại cảnh giác. Ánh đuốc đỏ mờ rọi nghiêng xuống bức tường đá, lan man thấy được bóng hình già nua của một lão phụ.

"Ai đó..?"

Nàng đứng lặng, chỉ khi người ấy lại gần hơn, Khuynh Di mới nheo mắt lại. Tóc bà ta trắng như tro sương, da mặt hơi nhăn, lưng còng, ánh mắt nhìn thẳng vào Chiêu Khuynh Di, trên cổ tay nàng có mảnh dây lụa trắng buộc quanh, thêu một đường viền đặc biệt, chỉ có người Chiêu thị từng dùng: dây bạc ngũ tuyến được dệt theo đồ hình Cửu trùng liên hoa.

Một nhịp thở trôi qua, bà lão khựng lại.

"Ngươi là ai?" Lão phụ nhấc lồng đèn soi gần mặt Khuynh Di, ánh sáng lướt qua đôi mắt đen trầm không gợn sóng.

"Ta từng thấy một kẻ cũng đeo mảnh lụa giống thế này, cuối cùng lại là thích khách.."

Khuynh Di chớp mắt, đáp lại thản nhiên: "Thứ này từ nhỏ ta đã có, vì không thích mang trên người nên mẫu thân luôn dùng nó làm phụ kiện trên tóc cho ta."

Lão phụ mở to tròng mắt, hơi run rồi lẩm bẩm: "..Đi theo ta." Sau đó xoay người rời đi, bước chậm về phía lao thất cũ. Bóng bà khuất sau vách gạch sập, Khuynh Di cau mày nhưng vẫn bước theo, nàng biết trong loại tình thế này, kẻ đột ngột ra mặt vốn đã nắm phần chủ động.

Đi qua ngách gạch cũ dẫn xuống hầm, không ngờ sau đó là một gian phòng nhỏ tối tăm, có án gỗ hẹp, thùng nước mưa lọc cũ và cả một giá treo đồ. Trong góc là mấy bình sành niêm sáp.

"Tẩy đi." Lão phụ đặt xuống một ấm nước hâm nóng bằng cồn, giọng khàn khàn, không quay lại nhìn: "Miệng vết thương nếu không rửa sạch, tới sáng mai là nhiễm trùng mà chết."

"Bà là ai?" Khuynh Di cất tiếng.

"Ta?" Lão phụ cười khùng khục: "Bọn chúng gọi ta là lão cô cô Từ phủ, kẻ trông cửa ngục thất bộ. Năm xưa người đời gọi ta là Từ phu nhân — chính thất của Đông Hầu Trấn Nam quân. Ngươi chắc không biết."

Bàn tay Chiêu Khuynh Di dừng lại khẽ.

Từ phu nhân? Lão Từ thị từng theo phu tòng chinh tận Tây Vực, là người hiếm hoi được ban ấn mộc ngự nữ vì lập công khi còn là quân y. Nhưng sau trận chiến tại Liêu Môn Quan, bà và toàn danh trấn tây bị ép về kinh, từ đó biến mất khỏi sách sử.

"Bà theo phe nào?" Khương Di nghi ngờ: "'Nếu ta tin nhầm người, có khi đầu rơi cổ lạc ngay trong sáng mai."

"Năm xưa mẹ ngươi, Lam Uyển đưa ta về từ tử cốc. Bọn ta ở với nhau hơn ba tháng."

"Lam Uyển và ngươi có nốt ruồi lệ dưới mi mắt trái." Bà ta tiến thêm một bước: "Năm đó ngươi mới 3 tuổi, nhưng hay lẽo đẽo theo mẹ vào trại quân, có lần khóc ngặt chỉ vì ta không bế ngươi đi xem binh mã. Ta đã nghĩ, đời này không còn được chứng kiến cái nhìn ngây dại mà sắc bén của đứa nhóc hôm ấy nữa."

"Ta cũng từng bưng trà cho Chiêu Thị, mẹ ngươi là phu nhân của Trắc vương thời tiền triều."

"Chiêu thị bị kết án oan 9 năm trước, đến nay ta vẫn rất cần mẫn tìm kiếm chứng cứ trả lại sự trong trắng cho Lam Uyển. Tiếc thay cung thành quá tàn nhẫn, ta sợ mình không thể bước tiếp con đường này nữa." Lão phụ mở một chiếc hộp đá, bên trong là ngọc bội hình hoa, mài mòn ở một góc.

Mảnh hoa này từng là tín vật đính hôn, chỉ truyền cho con gái trưởng.

"Con gái ta, năm mười ba tuổi bị ép nhập cung. Nhưng sau ba tháng, Vân Nhi bị phán là mưu sát Nội phi, suýt chết trong tẩm phòng Thái Y viện. Ta đưa nó về chùa nữ ở Tuyết Tự, nơi chuyên tiếp nhận nữ quyền mắc bệnh tâm trí, để tránh tai mắt triều đình. Sau đêm náo loạn, chỉ có tin giả con ta phát điên rồi nhảy giếng."

Tang Vân vốn chỉ là thứ nữ của Từ gia, không ai quá quan tâm, khi nàng mất tích ở Tuyết Tự, Từ phu nhân cố tình không báo lên triều đình, chỉ loan tin nội bộ là phát điên. Điều này khiến hồ sơ trên triều chưa bao giờ ghi nhận nàng chết.

Tang Vân không phải con ruột của Từ phu nhân, nàng là con gái của một thiếp thất đã mất từ sớm, sau này Từ phu nhân lên làm chính thất mới nuôi dưỡng nàng, bên ngoài giữ thể diện gọi là nghĩa nữ nhưng theo quy chế vẫn là thứ nữ.

Song triều đình chỉ cần nữ tử chưa lập gia thất, gia thế sạch sẽ, không tiền án. Tang Vân là thứ nữ không ai nhớ tới, năm xưa Từ phu nhân không trình quan, chỉ nói với người nhà con bé nhảy giếng. Không giấy báo tử, không thẻ bài thi bị huỷ, bây giờ nếu quả thực sống lại, đúng là không ai tra ra được.

Từ phu nhân nói thêm: "Ta để tang, nhưng giữ lại thẻ kỳ nữ, sổ tịch và cả giấy triệu dự tuyển lễ sắc năm ấy."

Giọng bà khản đặc, nhưng ánh mắt lại sắt hơn dao: "Ta có nội ứng ở Nội Vụ Ty, mỗi năm lễ tuyển, ta đều dùng chút ân tình xưa kia, gửi một cái tên lên danh sách kỳ nữ nhập cung. Nhưng con gái ta đã chết. Danh xưng năm nay còn trống."

Ánh mắt bà nhìn thẳng vào Khuynh Di: "Ngươi muốn vào cung. Có dám mang thân phận của nó mà đi?"

Khuynh Di chớp mắt, cơ hội ở ngay trước mắt, nắm bắt nó để tiến sâu vào nội cung, chạm tay vào chân tướng năm xưa, và chạm tới kẻ đang ngồi trên đỉnh triều đình.

Một mảnh lụa được đưa ra, trong đó là thẻ kỳ nữ [1] cùng lệnh bài nhỏ của Tả Giám Nội Đình — chỉ phát một lần duy nhất mỗi ba năm.

[1] Thẻ kỳ nữ: Tín vật để vào kỳ tuyển, chỉ phát theo danh sách đã duyệt qua ba cấp quan ty.

"Ba ngày sau, lễ tuyển bắt đầu. Danh phận của ngươi là 'Tang Vân', con gái dòng thứ từ Thượng Lâm hương phủ, học hành thi hoạ, mệnh sinh giờ Canh Dần — thiên cốt phù quang. Vào cung không được điều tra ngay, mọi động tĩnh của ngươi đều sẽ bị giám sát."

Bà ngẩng đầu, nhìn sâu vào mắt Chiêu Khuynh Di: "Nếu ngươi chết trong cung, ta sẽ không tiếc thương. Nhưng nếu ngươi làm được, tìm ra kẻ đã vùi xác mẫu thân ngươi và Chiêu thị, thì cái mạng già này, coi như đã sống không uổng."

Gió lạnh thổi xuyên khe đá, lúc này, bên ngoài, tiếng chuông báo Canh năm vọng vang, nàng cúi đầu, đưa tay nhận lấy ngọc bội cùng thẻ bài.

"Bà thực sự muốn giúp ta sao?"

Ánh mắt bà lão vẫn y nguyên, chậm rãi nói: "Ta đã từng muốn tự tay giết hết lũ quyền thần, giờ ta già rồi, bất lực rồi, ta đặt cược vào ngươi. Huống hồ mẫu thân ngươi còn cứu mạng ta. Chiêu thị từng bị ép diệt môn bởi thứ quyền lực hủ bại trong cung này, ta muốn tìm lại chân tướng, cũng chỉ còn ngươi làm được việc đó."

Lão phụ áp tay lên tường, tìm khe nhỏ bên cạnh xà nhà, gõ một chuỗi nhịp kỳ lạ. Rất nhanh, có tiếng lách cách vang lên, viên gạch lỏng lộ ra khoảng trống  đủ để một người rời đi.

"Đây là mật đạo cũ dẫn tới tầng dưới của Lao phủ, còn một nhà giam bỏ hoang bị niêm phong. Có lỗi nhỏ thông ra kho sứ Tây Viện, từ đó nội ứng của ta sẽ tiếp ứng."

Bà dừng lại, sau đó nói thêm: "Mật đạo này năm năm chỉ mở một lần khi kiểm kê kho sứ, nếu ngươi không đi ngay, lần tới phải chờ thêm ba năm nữa."

Từ phu nhân nhìn sắc mặt Khuynh Di, sau đó nắm lấy bàn tay của nàng lên xoa dịu, kì thực là hồi nhỏ, Khuynh Di chính là đứa trẻ mà Từ phu nhân quý nhất: "Nhớ lấy, chuyện năm xưa con phát điên nhảy giếng chỉ là lời đồn trong phủ, chưa từng có giấy khai tử, càng không ai báo quan. Quan chủ Tuyết Tự đã chết, nô tỳ năm ấy bị đuổi, không ai còn nhớ mặt con. Từ hôm nay con chính là Tang Vân, tiểu thư của Từ gia, không ai được phép nghi ngờ." Ánh mắt lão phụ đảo qua đảo lại đầy hi vọng.

Lời nói êm dịu len vào tâm can, Chiêu Khuynh Di cúi đầu trước Từ phu nhân, người chinh chiến cùng mẹ cô nhiều năm trước, một cái gật đầu đầy sự biết ơn và trân trọng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com