Huyệt Tuyết - Tranlamhp1
http://www.gio-o.com/VoDinhHuyetTuyet.html
Huyệt Tuyết
Tin tức mười giờ tối báo trước rằng nửa -dêm sẽ có tuyết lớn. Khi tắt -dèn đi ngủ, đồng hồ chỉ quá mười hai giờ rưỡi, Thế nhìn ra trời vẫn chưa thấy tuyết. Tuyết chưa rơi nhưng chàng cảm thấy có sự khác thường: Không gian im lìm, cỏ cây bất động, sững sờ. Từ xa, phía trên rừng, một tiếng hét đột ngột vang lên rồi tắt ngay. Thế tự nhủ, lại cái giống chim -dêm kỳ quái, tiếng kêu ngắn, sắc, lanh lảnh như tiếng người.
Thế tỉnh giấc, nhìn đồng hồ dạ quang trên bàn nhỏ cạnh giường. Ba giờ sáng. Nghe có tiếng lao xao rì rào bên ngoài, đoán là tuyết đang rơi, rơi mạnh. Thế khẽ vén chăn, ngồi dậy, khuơ chân kiếm dép, rón rén lần ra phía cửa sổ. Vườn sau đã trắng xóa. Mái nhà, thấp hơn từ mặt hậu nên dễ thấy, cũng trắng xóa. Cứ xét bề dày biết tuyết đã rơi mạnh liên tục, khá lâu. Thế nghĩ nếu cứ thế này thì đến khi mặt trời lên, tuyết có thể dày ba bốn chục phân. Nghĩ vậy, chợt thấy lo lắng, nhưng Thế không nghĩ tiếp, quay trở lại gường chui vào chăn. Vợ chàng ú ớ mấy tiếng khẽ, rồi thở đều, coi bộ ngủ say.
Thế nằm một chân co một chân duỗi theo một tư thế thoải mái đã quen lâu năm. Tấm chăn độn lông ngỗng thật ấm, túm lại ở vai, ôm lấy chàng. Hai tay Thế lọt vào dưới thắt lưng luồn giây thun, úp lên bụng dưới. Chàng có cảm tưởng thân xác to lớn dị thường. Tay chàng chạm phải gân thịt mình, căng thẳng, cứng, mịn. Thế vuốt ve, vuốt ve, vừa đủ khoái cảm để từ từ êm ả chìm vào giấc ngủ. Tay Thế mân mê nhè nhẹ cái đầu tròn mướt trong khi tai chàng vẫn nghe tiếng tuyết rơi bên ngoài, lao xao muôn ngàn tiếng thì thào có thể nghe mà không thể hiểu. Khi giấc ngủ trôi về lại, xóa nhòa ý thức cuối cùng của Thế cũng là lúc chàng rút hai tay ra khỏi dưới lưng quần, duỗi chân co ra, gập chân thẳng lại, đổi thế nằm, và buông thả cho toàn thân bềnh bồng trôi theo tiếng tuyết đêm rơi rơi...
Thế phủ hai ống quần vải dày luồn giây thun ở mắt cá ra bên ngoài ủng vì chàng muốn tránh tuyết chui vào giày. Bảy giờ sáng, còn lất phất. Mấy tiếng tuyết đổ, cả vùng núi đồi ngập lụt. Thế mang ủng cao đến gối: Từ nhà lên kho chứa củi có nơi bước lụt cả ống quyển. Tuyết dày thế kia mà vác những khúc gỗ lớn, mỗi cái mươi mười lăm ký, đi lên đi xuống mấy lần khoảng cách trăm thước này, Thế ngần ngại. Chàng nghĩ đến việc đóng một chiếc xe trượt tuyết dã chiến: Hai tấm ván dày, loại 1x12x8, cột hai đầu lại với nhau. Coi phim truyện Viễn Tây, chàng vẫn thấy người ta chặt cây, buộc lại thành một thứ "băng ca" rồi dùng ngựa kéo. Chàng có thể đặt gỗ đốt – firelogs – lên, chằng lại cho chắc rồi đẩy xuống đồi... "Cái khó bó cái khôn", Thế tự nhủ, cười thầm.
Khí trời sáng sớm sắc nhọn len vào phế quản làm cho Thế vừa đau rát vừa sảng khoái. Mỗi bước chân thọc vào tuyết sâu làm thành một lỗ hủng đen ngòm. Thế cúi xuống lấy gậy khời khời: Tuyết mỏng dưới chân giày để lộ ra lớp lá chết ướt mèm, lá từ mùa thu trước. Chàng nhìn xuống chân đồi. Từ chỗ Thế đứng xuống đến cánh đồng bắp ngô đã được gặt trắng xóa một màu và xa hơn là con hương lộ. Tuyết trắng phủ lấp tất cả. Chàng biết được con đường làng nằm ở đâu chỉ nhờ vào địa điểm những cột điện xa xa. Một cành cây, một tảng đá là những mảng, những vệt đen đặc trong nền trắng trinh tuyền. Quanh quất chỉ có trắng đen tương phản cùng cực.
Vì thế, khi Thế quay người tiếp tục đi lên đồi, một điểm màu sáng làm chàng giật bắn người. Chàng lắc đầu, nhìn lại. Một mảng nhỏ, hồng tím. Một sắc hồng tươi pha tím, màu hồng tím của một loài bông giấy, có thể gọi là magenta hay fuschia. Thế nghĩ thật nhanh: Ai đó đã đánh rơi cái khăn choàng. Một mảnh giấy gói quà – lễ Giáng sinh mới qua tuần trước – gió thổi tạt từ đâu tới. Một ý nghĩ khác cũng vút qua thật nhanh: Tuyết lớn như -dêm qua, khăn hay giấy gì thì cũng bị phủ ngập đi rồi. Trong một khung cảnh hoang dã như đây, mênh mông chỉ có trắng của tuyết và -den của cây cành, mảng màu tươi rói đằng xa có đấy như một sự bất thuần hợp, quá hơn thế, như một thách thức, vừa đột ngột, vừa phi lý. Sự có mặt bất ngờ đó làm cho Thế rợn cả người. Sáng ấy, Thế đã cẩn thận tròng thêm vào người bộ đồ lót thermal để giữ thân nhiệt lâu dài. Vậy mà cái rợn người làm chàng lạnh buốt sống lưng.
Cánh rừng sau nhà, mùa nào cũng hết sức rậm rạp. Thế thường chờ đến cuối thu khi cành lá bớt um tùm mới len lỏi xông vào cưa cây làm củi. Sau trận tuyết lớn, chỉ còn đám cành đen điu chằng chịt. Thế phải liên tục vén bên này, vạt bên kia mới tiến lên được. Mảng màu hồng tím lớn dần, rõ dần. Cách chừng mười thước, chàng thấy rõ: Đó là một cái khăn choàng, thứ khăn choàng lụa hẹp và dài. Góc khăn, đúng hơn, một đầu khăn nằm trên tuyết. Thế lại nghĩ rất nhanh: Khăn nằm trên tuyết vậy thì khăn mới bị đánh rơi đây thôi. Nhìn quanh, chàng rùng mình, không có dấu vết nào khác trên mặt tuyết trắng ngoài những hố nhỏ làm nên bởi chính đôi chân mang ủng của chàng.
Trước khi Thế nghĩ ngợi gì thêm nữa chàng đã đến đứng trước cái khăn màu hồng tím. Tuyết ở đó hủng xuống, làm thành một huyệt cạn. Thế thụt lùi một bước. Nhưng rồi chàng tiến tới gần hơn và nhìn vào lòng huyệt. Toàn thân chàng sững lại. Một người, một người đàn bà, nằm ngay ngắn trong khoảng trống đó. Mái tóc đen huyền như chiếc áo ngủ mỏng dài. Khăn lụa màu hồng tím quấn hờ quanh cổ, một đầu khăn duỗi theo thân người, đầu kia nằm vắt lên bờ tuyết. Cảnh tượng trước mắt làm cho Thế khựng lại một khắc. Nhưng rồi con người năng động trong Thế vùng dậy: Chàng vội quì xuống, vói tay sờ lên bờ vai trần người đàn bà. Chàng giật bắn. Làn da trắng phau, thật trắng, quaù trắng trông bình thường vậy mà lại cứng và lạnh như nước đá. Chàng ép hai ngón tay lên cổ người nằm, phía sau, bên dưới một tai. Tuyệt đối không có mạch tim đập. Thế kịp thấy một giây treo nhỏ rí của áo ngủ tụt một bên vai khiến cho mép áo trễ xuống để lộ một phần chiếc vú đầy. Chưa kịp xoay lưng Thế đã lại quì xuống, cầm lấy đầu khăn hồng tím vắt trên tuyết để lại trên thân người đàn bà cùng với đầu khăn kia vốn đã nằm duỗi theo thân người. Rồi theo dấu chân mình, Thế chạy vội xuống đồi. Chàng trượt chân, ngã ngửa mấy lần.
Xuống đến nhà, Thế xông vào bếp, tóm lấy cái điện thoại trên tường, gọi đồn cảnh sát/cấp cứu. Chàng cố giữ bình tĩnh để nói rõ lý do: "Vâng, một người nữ. Không, tôi không biết người đó đã chết bao lâu, và chết như thế nào. Tôi có thử dò mạch tim. Vâng, sau tai, dưới bên cổ. Tuyệt đối không có. Vâng, trong cánh rừng nhỏ. Ngay sau nhà chúng tôi. Quí vị lấy đường 464, quá Lovettsville độ ba dặm, thấy một dãy thùng thư bên đường thì rẽ phải. Lên đồi, đi tận cùng. Vâng, tuyết trên này dày lắm, phải xe 4 x 4 mới lên được. Các ông ráng đến gấp, chúng tôi chờ!"
Khi Thế xông vào bếp, vợ con đã có mặt đầy đủ. Đài vô tuyến địa phương đang phát thanh: "Để giữ an toàn cho mọi người, các công, tư sở và tất cả trường học trong hệ thống năm quận miền Tây đều đóng cửa. Chỉ các bệnh viện, các cơ quan an ninh mới phục vụ những trường hợp tối cần thiết. Tất cả mọi người, phía dân sự, nên tránh ra đường". Vợ Thế và các con còn mặc áo choàng ngủ và đi dép bông. Thế trấn an mọi người và ngồi xuống cùng ăn sáng. Nhưng mới nuốt được mấy hớp cà-phê sữa chàng đã vùng đứng dậy chạy ra khi có tiếng còi xe vang lên ngoài xa. Ba viên cảnh sát, hai nam một nữ đã ra khỏi chiếc Jeep lớn, Grand Wagoneer, gắn huy hiệu đồn cảnh sát địa phương. Người đàn ông cao to với bộ ria "Clark Gable" bắt tay Thế, tự giới thiệu là Trung úy Bill Baldwin rồi nói tên hai người kia. Cả ba đều trang bị cồng kềnh, đi ủng da cao đến gối, có chằng nịt mấu sắt ở đế. Thế đi trước dẫn đường, ba cảnh sát viên theo sau.
Đến khúc Thế nhớ là đã dừng lại nhìn thấy mảng màu hồng tím xa xa trong rừng thì chàng đứng ngẩn người: Không có dấu hiệu gì chứng tỏ đã có người quặt trái vào rừng. Những hố nhỏ, dấu chân của Thế, đến ngang đấy trở nên nhiều hơn, loạn xạ, rồi xoay ngược xuống đồi. Trung úy Baldwin hỏi Thế:
– Ông có chắc đây là nơi ông đã đổi hướng? Thay vì đi thẳng, ông đã rẽ trái vào rừng?
– Chắc chắn tuyệt đối.
Baldwin cúi xuống:
– Mặt tuyết bằng phẳng như thế này...
Thế nghiêm nghị:
– Tôi đã nói thật. Trăm phần trăm. Tin tôi đi.
– Tôi tin ông. Tin chứ. Ta cứ thử vào trong đó xem.
Cả bốn người vạt cành chắn đường, tiến vào sâu hơn trong rừng. Tám chân ủng đạp nát một vùng tuyết trắng.
Thế kêu lớn:
– Đây, chính nơi đây, tôi đã thấy xác người đàn bà. Một đầu khăn màu fuschia tại đây.
Mặt trời chiếu lên khoảng trống ngập tuyết, mặt phẳng long lanh muôn vàn tinh tú li ti. Trung úy Baldwin rút máy vô tuyến ở hông ra gọi:
– Tom đấy hả? Bill đây. Cậu làm ơn bảo Jerry Ellison đem con Shogun lên đây ngay. Tụi mình cần gấp. Cần lắm. Ừ, đường 464. Bảo Jerry đi ngay. Ừ, ngay bây giờ!
Viên trung úy quay sang Thế:
– Shogun là chó trinh thám. Có xác người đâu đây, nó tìm ra ngay.
Một tiếng đồng hồ sau, bốn viên cảnh sát và con chó ra về. Thế tiễn họ ra tận ngoài xe. Bên dưới bộ ria mép khá "điệu", cái mỉm cười của trung úy Baldwin trông khó hiểu. Ba người kia, lầm lì không nói. Đến khi xe đã quay bánh, thượng sĩ y tá Wright mới ngoái đầu ra cửa xe vừa nói vói vừa cười:
– Khi nào ông tìm ra người chết, gọi ngay cho chúng tôi nhé!
Thế không cười. Chàng nói:
– Nhất định rồi. Cái xác ấy chỉ chờ cho quí vị đi là hiện ra lại đấy.
Mấy lần Thế lội tuyết lên đồi, đứng nhìn về phía đã thấy người đàn bà áo đen nằm trong tuyết, về phía đã thấy mảng màu hồng tím sáng ngời trên mặt tuyết trắng. Chàng đứng nhìn thật lâu nhưng không thấy gì ngoài tuyết trắng và cành cây đen. Một hôm, Thế lại lên đồi, mò vào tận nơi chàng đã thấy xác người đàn bà. Với cái xuổng nhôm rộng vành, Thế hùng hục xúc tuyết. Xúc lên đổ xuống bên cạnh. Xúc cả tiếng đồng hồ, chàng làm sạch một vạt lớn. Nhưng chẳng có gì bên dưới ngoài lớp lá chết từ mùa thu trước. Thế chống xuổng, đứng thở. Mệt, nhưng minh mẫn. Chàng tuyệt đối tin rằng mình đã thấy xác người. Chàng nhớ lại làn da mịn màng khi vói tay tìm mạch tim đập nơi cổ người đàn bà. Chàng nhớ rõ là đã rút tay về ngay vì da thịt người đàn bà cứng và lạnh như nước đá. Thế nhớ rõ ràng như vậy, không thể nghi ngờ gì cả. Tuyệt đối.
Vậy mà khi con Shogun lên tới nơi, được anh cảnh sát Jerry Ellison tháo xích, nó chỉ đứng ngoắc đuôi nhìn mọi người. Ellison thúc dục: "Shogun! Shogun! Tìm đi! Tìm đi!" Vừa nói anh vừa dúi đầu con chó xuống. Nó hục hặc mấy cái rồi ngước lên, tuyết bám mõm trắng xóa, vẫy đuôi rối rít ra điều vui vẻ. Mọi người nhìn Thế. Có lẽ vì tôn trọng cách thức hành sự đúng phép, họ không nói gì. Nhưng Thế biết là họ đang nghĩ gì. Họ nghĩ rằng chủ nhà này là nạn nhân của một ảo giác. Họ nghĩ rằng Thế là một anh tâm trí bất thường, cần được trị liệu.
Hai tháng trôi qua từ sau trận tuyết lớn ấy. Đang giữa thời kỳ khốc liệt nhất của mùa lạnh, có bữa trời "ấm" lên, hàn độ loay hoay trên mức đông nước mấy chấm, tuyết tan rỉ rả khắp nơi. Thế lần mò lên đồi, tìm vào nơi chàng đã từng thấy xác người đàn bà. Tuyết còn lại những vạt lỗ chỗ, dày mỏng không đều, còn in dấu ủng của Thế, bốn cảnh sát viên, và dấu chân thật to của Shogun, con chó trinh thám. Nơi Thế tin là đã thấy xác chết hoàn toàn sạch tuyết vì, Thế nhớ, chàng đã xúc hết đổ thành đống một bên. Mặt đất tuyệt nhiên không có dấu vết gì ngoài lớp lá nát từng nằm bẹp dí dưới sức nặng của gần nửa thước tuyết ướt.
Sắp giã từ Đông, bước sang Xuân, trời đất không bình thản được lâu. Để đối phó với nỗi rộn rã manh nha bùng lên, nứt mặt đất mà bùng lên, trời đất loay hoay cựa mình. Sự chuẩn bị ấy, đúng như vốn kinh nghiệm của ông già bà cả trong vùng: "Sư tử dẫn đầu/Cừu non theo sau" ("March comes like a lion and goes like a lamb") ý rằng đầu tháng ba thời tiết rầm rộ dữ dằn nhưng cuối tháng ba lại hiền hòa êm ả.
Hai giờ chiều ngày cuối tháng hai dương lịch, trận bão tuyết "lớn nhất thế kỷ" đổ ập xuống vùng tam bang. Gió tàn bạo, hơn trăm cây số/giờ. Cỏ cây gục mình chịu trận. Chiều, rồi suốt đêm hăm chín tháng hai rồi suốt ngày đến nửa đêm mồng một rạng mồng hai tháng ba, tuyết hú băm bốn tiếng liên tục. Bông tuyết không rơi, bông tuyết bay ngang như tên bắn. Hàn thử biểu tụt nhanh: Tuyết trở thành băng. Bông tuyết là những mũi tên nước đá.
Đến nửa đêm, trận bão tuyết có vẻ bớt hung hãn. Không bay ngang nữa, những mũi tên băng bay chéo. Tuyết rơi chậm lại, chậm lại. Rồi lất phất, lơ thơ. Nửa đêm thì ngưng hẳn. Thế mặc áo ấm, mang găng dày, cầm cái xuổng cán ngắn dò dẫm một vòng chung quanh khu vườn nhà tuyết ngập đến bụng. Như thường lệ, sau trận tuyết lớn, tất cả không gian vạn vật im lìm dị thường. Cỏ cây nằm rạp xuống, nơi này chỗ kia vùi dưới tuyết. Thế biết, quẹt một que diêm rồi thổi tắt đi, sợi khói mỏng sẽ vươn lên thẳng tắp.
Thế nằm yên, không ngủ. Quá hai giờ sáng. Chàng tỉnh táo lạ lùng. Đi một vòng quanh nhà sau trận tuyết lớn có cực nhọc đó nhưng lại làm cho Thế sảng khoái và tinh nhạy một cách bất thường. Đến ngang chỗ quẹo về phía rừng nơi chàng đã thấy tử thi, Thế đột ngột dừng lại: Đó không phải là một người đàn bà xa lạ! Chàng đã từng biết người ấy khi còn sống. Bờ vai ấy, gò má ấy, mái tóc ấy... Chàng đã từng biết người ấy. Ở đâu, khi nào, làm sao? Thế khựng. Tựa người may mắn thoát chết sau một tai nạn kinh hoàng nhưng lại mất hẳn trí nhớ. Cầm một vật quen thuộc trong tay mà không nhớ tên gọi là gì, dùng làm gì, để vào đâu. Thế nhưng lẩn quẩn trong sâu thẳm tâm hồn vẫn mơ hồ biết rằng đó là một vật mình đã từng biết rõ, đã từng nưng niu...
Nỗi bồn chồn khiến Thế làm một việc thường ngày không làm: Tắm khuya. Tắm xong, chàng ngồi một lúc cạnh lò đốt củi hơi nóng bốc hừng hực cho tóc tạm khô, rồi tắt đèn đi ngủ. Nỗi bồn chồn tưởng đã theo giòng nước ấm và xà phòng trôi đi mất lại từ từ nhú lên trong lòng, rồi lớn dần, lớn dần. Quá ba giờ sáng Thế vẫn còn thức. Chàng chắc chắn mình đã từng biết người đàn bà ấy, đã từng gần gũi người đàn bà ấy. Chàng rà lại ký ức, nhớ lại những người đàn bà đi qua đời chàng. Thuở mười tám đôi mươi, thuở ba mươi, thuở bốn mươi, thuở năm mươi. Trời! Thuở năm mươi... Người đàn bà ấy Thế đã gặp, đã biết, Thế chắc chắn như vậy. Chàng tẩn mẩn hồi tưởng lại những mối tình cũ, những cuộc tình ngắn ngủi, những cuộc tình dài lâu, những tình cờ, những sắp đặt, những nông nỗi, những đam mê... Chàng cố nhớ, cố nhớ lại chuỗi thời gian người đàn bà trên rừng tuyết đã đến với chàng. Chàng cố nhớ nhưng chàng không thể nhớ. Tuy thế, khuôn mặt tử thi lạnh buốt hiện rõ trước mắt Thế, chàng có cảm tưởng chỉ cần mở miệng ra là có thể gọi tên người ấy.
Thế vốn có một cái "tật", cũng chẳng phải hiếm hoi: Mỗi khi cần nhớ lại một chữ, một con số, một tên người, một địa danh nào đó mà không nhớ ra, khổ tâm lắm. Người khác có thể bỏ qua, Thế không! Chàng cố nhớ, chàng truy lùng mọi ngõ ngách của trí nhớ. Nửa đêm về sáng chàng có thể vùng dậy, sục sạo thư từ giấy má, truy cứu sách vở, vật lộn với trí nhớ cho đến khi nào tìm ra được mới thôi. Đêm ấy, nhớ lại khuôn mặt tử thi nằm trên rừng tuyết, Thế thấy rõ là mình từng biết người ấy, từng gọi tên nàng, ăn cơm với nàng, đi dạo với nàng, ngủ với nàng, vuốt ve nàng. Nhưng Thế không thể nhớ ra nàng là ai, tên là gì, mình đã biết nàng ở đâu, vào thời điểm nào.
Thế nằm yên, tỉnh táo. Chàng biết, cứ tiếp tục thế này thì sẽ không ngủ cả đêm. Chàng cũng biết, và an tâm, mình đã để một trời đất ngập tuyết lại bên ngoài, im lìm trong đêm thâu. Thế nằm yên, một chân co, một chân duỗi, nằm yên, thở thật sâu, thở thật lâu. Chàng luồn cả hai tay vào dưới lưng quần, úp lên bụng dưới. Rồi tay Thế xuôi xuống xa hơn, rời rạc mân mê đám lông rậm. Sợi ngắn, sợi dài. Sợi mềm, sợi cứng. Sợi thẳng, sợi quăn. Cỏ rối. Sao lại cỏ rối? Câu thơ thuộc lòng mấy chục năm về trước bỗng đâu quay về: Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối; Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành. Chàng mơ màng thấy một màn đen rũ xuống và nổi bật giữa màn đen ấy là một làn da trắng ngần – một khuôn mặt trắng ngần giữa mớ tóc đen huyền, đen nhánh. Đột nhiên, Thế bừng tỉnh, tim đập dữ dội. Chàng nhớ ra rồi.
Không, Thế không nhớ tên người đàn bà, không nhớ hai người đã biết nhau ở đâu, khi nào, làm sao. Không nhớ hai người đã gần gũi nhau thế nào và bao lâu. Chàng vẫn không nhớ ra những chi tiết ấy. Chàng chỉ nhớ ra một điều. Một điều làm Thế bừng tỉnh, làm chàng hồi hộp, phập phồng, tê tái. Thây kệ mấy nhân viên công lực muốn nghĩ sao thì nghĩ, muốn cho rằng Thế là nạn nhân của một ảo giác cũng được, là một anh khùng cũng được. Thế chỉ trăm phần trăm tin chắc rằng sáng hôm đó mình đã thấy người đàn bà nằm trong huyệt tuyết. Chàng đã sờ bờ vai nàng, cứng và lạnh như nước đá. Chàng đã nắn mạch tim nơi cổ nàng, phía sau và bên dưới tai phải, tìm, tìm mà không thấy, chàng đã móc lại sợi giây treo vai nhỏ rí, kéo chéo áo lại che cho kín ngực nàng, chàng đã cầm một đầu chiếc khăn màu fuschia vắt trên bờ tuyết lạnh đặt lại lên ngực nàng, song song với đầu kia vốn đã nằm duỗi theo thân người. Sáng hôm đó, chàng thật đã có thấy người đàn bà nằm trong huyệt tuyết. Và giờ đây, khuôn mặt người đàn bà ấy lại hiện rõ ra trước mắt Thế, và chàng nhớ ra!
Chàng nhớ rằng có một chiều gió lớn người đàn bà ấy đã nằm bên chàng trong căn buồng vắng vẻ. Trong căn nhà vắng vẻ. Trong khu vườn vắng vẻ. Qua cửa sổ cao, thấy được những mũi tên tuyết bay ngang ngang. Người đàn bà ấy nằm bên chàng nhưng ngược chiều với chàng. Nàng nằm sấp, nghiêng nghiêng cheo chéo với thân thể chàng, và mái tóc nàng rũ xuống lòa xòa. Người đàn bà ấy nằm như vậy, một tay chống má, cánh tay và cùi chỏ ép sát vào hông chàng, tay kia, tay trái, giữa ngón trỏ và ngón giữa kẹp hờ một mớ tóc phe phẩy lên bụng dưới chàng. Những đuôi tóc mềm quét lên quét xuống, phất qua phất lại, vờn quanh, vờn quanh, những đuôi tóc đen huyền, đen nhánh. Thế nhớ ra rồi.
Tử thi trắng toát và lạnh buốt ấy, áo ngủ đen hở vai mỏng mướt dài đến tận mắt cá, người đàn bà ấy, một chiều gió lớn thổi tuyết bay ngang ngang, đã kẹp một mớ tóc đen nhánh giữa hai ngón tay trắng muốt phe phẩy lên bụng dưới của chàng. Thế nhớ, Thế nhớ ra như vậy, và lòng chợt se sắt vô biên...
2000
Chữ
Ngày xuân, chúng ta thường nói chuyện hoa mai, hoa -dào. Hoa -dào lại thường gợi nhớ đến một người: Ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên. "Bao nhiêu người thuê viết" tấm tắc ngợi khen chữ ông đồ đẹp như "phượng múa rồng bay".
Xin nói ngay: Chữ đây không phải là thứ chữ ông đồ viết. Chỉ có những a, b, c,... dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã mà thôi. Thứ chữ các cụ ngày xưa chê là ngoằn ngoèo như con trùn (thưa bạn đọc Bắc Nam: con giun, con trùng đấy ạ). Cũng xin nói rõ: Chữ đây là chữ viết, không phải "chữ nghĩa". Không có chuyện văn chương ở đây.
Chưa đầy sáu mươi năm về trước cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân ra đời. Thuở đó nhà văn Việt Nam chỉ sử dụng toàn thứ chữ "con trùn" này. Viết thì viết thứ chữ "con trùn" đó nhưng trong "Chữ Người Tử Tù" ông Nguyễn lại có cái giọng bi tráng tiếc thương nét chữ đẹp đã mai một. Nguyễn Tuân không nói ra nhưng người đọc thừa biết cái chữ đẹp đó không phải là chữ quốc ngữ như ta biết ngày nay mà là chữ Hán, chữ Nôm với những nét sổ, nét mác, nét câu, nét nại, v.v. Chẳng những người tử tù Huấn Cao cho chữ, ông còn có lời dặn dò viên quan coi ngục: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn, rõ ràng như thế. Thoi mực, kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?"
Đọc mê lắm. Tuy nhiên, cái mê thời nhỏ tuổi khác với cái mê lúc về già. Đọc lại Nguyễn Tuân, tôi hụt hẫng: Làm sao ở bực thầy về một cách viết văn, sự hiểu biết về cái đẹp của chữ Hán lại có thể lơ mơ như thế! Nét chữ "vuông vắn, rõ ràng" thì đẹp nỗi gì mà viên ngục quan phải cung phụng "người tử tù" đến mức ấy? "Vuông vắn, rõ ràng" đâu có làm nên thư pháp đẹp. Rồi lại thoi mực và chậu mực. Phải mấy thoi mới mài cho đầy một "chậu"?
Nhưng thôi, Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân, nhăn nhó với ông về ba cái lẻ tẻ này mà làm chi! Thời các ông Nguyễn Tuân, Huấn Cao đã qua rồi. Thời chúng ta, bây giờ đây này, thời những "con trùn" đã thực thụ trở thành con chữ, duy nhất, độc tôn, thứ chữ chúng ta dùng để làm thơ cũng như để thảo văn kiện, để viết thư tình cũng như để gắn "mét xa" lên tủ lạnh, thời nay chúng ta có ông Võ Phiến. Người tạo nên những nhân vật Bốn Thôi, Bốn Tản, Ba Thê Đồng Thời sanh ra thì chữ quốc ngữ đã bám rễ thật sâu, thật chắc rồi. Cho nên ông gần gũi với chữ "con trùn" hết sức. Ông viết về người nọ ngồi một mình xem sách: "Ở góc bên trái phía dưới trang sách, một chữ O nhoẻn cười, vui ra phết. [...] Cái chữ O này láu lỉnh lắm nhá". Thấy được một chữ O cười, đã là tinh. Thấy được "Giữa trang, một chữ N ngúc nga, ngúc ngắc[...]", đấy mới tài tình, chẳng phải ai cũng thấy được.
Trước ông Võ Phiến, trước cả ông Nguyễn Tuân, ở cái xứ từng đem quân qua xâm lược nước ta, cái xứ cũng dùng thứ chữ "con trùn" nói trên, có ông Arthur Rimbaud ["Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men"... – Xuân Diệu] lại thấy cả màu sắc nơi các con chữ nữa kia: "A noir, E blanc, I rouge"... (A đen, E trắng, I đỏ...).
Các nhà văn, nhà thơ, họ mẫn cảm lắm. Ông Nguyễn Tuân tiếc thương thứ chữ sổ dọc đá ngang của tiền nhân. Ông Võ Phiến thấy những con chữ đứa thì "cười" đứa thì "ngúc nga ngúc ngắc". Ông Rimbaud bên trời Tây xa xôi lại thấy những nguyên âm (bài thơ có tên là Voyelles)...có màu có sắc! Cả ba ông, ông Tây của thế kỷ 19, hai ông Việt của thế kỷ 20, cả ba ông đều cầm bút sắt viết chữ "con trùn" cả, thứ chữ các cụ ta ngày xưa vừa ghét vừa khinh (và, có lẽ, vừa sợ).
Tôi không chia sẻ cái nhìn đầy thành kiến của các cụ.
Tôi lớn lên, chữ Hán, chữ Nôm đã mất hết địa vị ở nước ta từ lâu. Thuở nhỏ, tôi cũng có được học mót dăm ba chữ của "thánh hiền". Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, thuộc như cháo đôi ba đoạn. Rồi đến tuổi mươi, mười lăm, tuổi ngấp nghé dòm ngó các nàng "văn học nghệ thuật", thú thật cũng đã có lúc trang trọng... ngoái ngược kiểu "vang bóng", ra cái điều cốt cách: nghí ngoáy viết chữ quốc ngữ theo lối viết chữ Hán, có đá, có móc, đủ ngón. Không viết ngang, từ trái sang phải mà viết dọc từ trên xuống dưới. Cổ kính lắm! Những năm chưa được một ông bạn người Hoa khắc cho cái triện son, cũng có khi ký tên xong còn lẩn thẩn vẽ thêm cái hình vuông vuông rồi ngọ ngoạy chêm vào dăm ba đường nét kỳ khu: Khi thì cái tên, khi thì cái năm. Ông Huấn Cao mà thấy được cái lối đóng triện son này e rằng ông cũng phải khóc thét lên!
Sao lại có chuyện rắc rối như vậy?
Chung qui chỉ vì cái nọc độc hại của một mớ thành kiến: Cái ghét, cái khinh của các cụ đối với chữ "con trùn" đã ăn sâu vào mình hồi nào không hay. Chữ "con trùn" là chữ của quân xâm lược, của ngoại nhân, của những giống "bạch quỉ". Chữ "con trùn" không được viết bằng bút lông mực Tàu cho nên những tiêu chuẩn truyền thống vốn để đánh giá cái nét đẹp, cái nét xấu, chỉ còn là một lũ ngơ ngáo không dùng vào đâu được. Chữ "con trùn" mà dùng để ghi chép lời hay ý đẹp của "thánh hiền", của "tao nhân mặc khách" à? Không được, không được! Vang Bóng Một Thời ra đời năm 1943: Tôi lên 10. Đâu ngờ hàng trăm năm sau ngày chữ "con trùn" xâm nhập vào đất nước của ông cha ta mà cái nọc độc của thành kiến vẫn còn sức công phá như thế.
*
Ông đồ già của thi sĩ Vũ Đình Liên, người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, họ phải chịu phần nào trách nhiệm về cái sức công phá ấy. Trong mấy chục năm, thanh thiếu niên Việt nam gồng mình cõng trên lưng khi thì ông đồ này khi thì người tù kia. Ông Vũ và ông Nguyễn không thể nào ngờ được rằng một ngày, đâu có xa xôi gì, thứ chữ "con trùn" ấy, khi đã hoàn toàn trở nên "quốc ngữ", tuyệt đối được chấp nhận và phổ biến, lại có nguy cơ bị hủy diệt. Xin thêm hai cái dấu kép: "hủy diệt". Bởi chăng cái tiếng (Việt) thì vẫn còn, cái lời (văn) thì vẫn sống nhưng cái chữ (viết) lại đang trên đà tiêu tùng.
Cuối thế kỷ 20, sáu thập niên sau "Chữ Người Tử Tù", kẻ phá hoại không phải là thái độ bảo thủ của các cụ ngày trước mà là khoa học kỹ thuật Tây phương. Cũng chính một phương Tây ấy, khi thì đem qua cho ta chữ "con trùn", khi thì, với áp lực hay cưỡng bách kinh tế, "vô tình" loại bỏ cái chữ viết của ta nay đã đến giai đoạn thay thế được những nét bút lông mê hoặc thuở nào.
A! đồ "bạch quỉ"! Đầu têu là cái máy đánh chữ (machine à écrire; typewriter).
Thuở nhỏ, tôi coi cái máy đánh chữ là một phát minh tuyệt vời. Được người lớn cho phép gõ lóc cóc vài chữ, sướng vô kể. Trong mấy thập niên nó được sử dụng để những gì viết (tay) ra nom gọn gàng, tươm tất, dễ đọc hơn, chính xác và "chính thức" hơn. Cho đến mươi năm trước đây cái máy đánh chữ còn được dùng đều đặn. Đồng thời người ta cũng vẫn còn cầm bút mà viết. Nếu cần, viết xong "cho đánh máy" lại. Viết thư, viết bài (học), viết báo, viết văn... Ngoại trừ một số trường hợp ở Âu Mỹ (viết thẳng với máy đánh chữ) cái máy vẫn chưa thay thế cây bút. Chẳng những thế, trong giới thượng lưu có học Âu Mỹ, người ta còn coi một lá thư viết tay như một dấu hiệu lịch sự của cung cách người viết. Ngày nay vẫn còn có những nữ chủ nhân cặm cụi viết tay những tấm thiệp mời đến dự một họp mặt tao nhã... Nhưng rồi cái còm-piu-tơ cá nhân được sản xuất hàng loạt, tung ra thị trường, ngày càng tân tiến, càng hoàn bị. Lúc đó, trong giới tiêu thụ nói chung, trong giới viết lách nói riêng, cây bút mới biết thân, biết phận, vội vàng rút lui.
Người ta không cầm cây bút mà viết nữa. Người ta gõ lóc cóc lên mặt chữ. Những con chữ chui ra từ máy điện não, gọn ghẽ, sắc sảo, và... trần trụi. Chữ không còn là "trùn" nữa.
Gõ lên mặt chữ cho cái máy nó in ra, nhanh hơn, khỏe hơn, hợp thời hơn. Dĩ nhiên. Dĩ nhiên, xe hơi nhanh hơn xe đạp. Xe đạp nhanh hơn đi bộ. Cái hay, cái tiện rành rành. Kỹ thuật tuyệt vời. Cho nên viết không được hiểu như trước. Viết được định nghĩa lại. Viết không nhất thiết phải là cầm cây bút mà viết những chữ "con trùn" ngoằn ngoèo lên giấy. Hoặc người ta không cầm cây bút mà viết nữa, hoặc bất đắc dĩ lắm phải cầm thì... Lẽ tự nhiên, cái gì mà không làm thường xuyên, để ngày càng nhuần nhuyễn, càng thuần thục, đến khi cần phải làm, tránh sao khỏi lọng cọng, vấp váp. Trong một bài viết cũ, tôi có kể lại kinh nghiệm bản thân: Thật lâu về trước, trong mấy năm trời, tôi không có dịp nói tiếng Việt. Một hôm, đột nhiên, có cơ hội nói mới kinh hoàng thấy rằng mình nói tiếng Việt... ngọng! Phải chăng những ngón tay ngày ngày gõ lóc cóc lên mặt chữ của một cái máy, đến lúc cần phải cầm cây bút, chúng nó tránh sao khỏi có lúc ngượng ngập, cứng cỏi. Hậu quả: Chữ viết bằng bút "xuống cấp" thê thảm.
Sáu thập niên về trước, nhà văn Nguyễn Tuân tiếc thương cái chữ đẹp mặc dù đó là thứ chữ của những kẻ đã bao lần đày đọa ông cha ta. Ngày nay, chẳng biết sẽ có một ông Nguyễn Tuân nào khác "dư nước mắt" khóc cho cái chữ "con trùn" trên đà mất dạng. Bởi vì những "con trùn" hạ tiện ấy cũng có cái đẹp của chúng.
*
Chữ "con trùn" mà đẹp à?!
Đẹp chứ. Xin lạy các cụ ngày xưa mấy lạy. Chúng con chỉ biết có thứ chữ "con trùn" này mà thôi. Tuy phần đông chúng con không đủ khả năng thưởng thức thứ chữ của "thánh hiền" đến từ phương Bắc, chúng con vẫn trân trọng lòng kính yêu quí Cụ đã dành cho nó. Sự trân trọng đó, xin quí Cụ thông cảm cho, vẫn cho phép một số chúng con để mắt đến... cái đẹp của thứ chữ ngày trước quí Cụ đã vừa ghét vừa khinh. Bởi vì chữ "con trùn" không đẹp bằng chữ Hán viết với bút lông mực Tàu nhưng nó cũng đẹp. Cái đẹp riêng của chính nó.
Ngày trước, khi ở Âu Mỹ người ta còn dùng ngòi bút lông ngỗng (tiếng Pháp, plume là lông vũ mà cũng có nghĩa là ngòi bút) viết chữ "con trùn" thật đẹp được đưa lên hàng một nghệ thuật: Calligraphy, một từ ngày nay còn được dùng để gọi cả thư pháp Trung Hoa, Chinese Calligraphy. Bạn đọc ở Mỹ cứ vào thư viện mà xem hình chụp bản Tuyên ngôn Độc lập. Hơn hai trăm năm về trước, người ta viết chữ "con trùn" bay bướm thế đấy, phóng túng thế đấy.
Hiềm nỗi, các "cha già dân tộc" Hiệp chủng quốc còn dựa dẫm quá nhiều vào cái đẹp ước lệ, dễ dãi: những đường cong lả lướt, vi vút, những râu ria xoắn tít xoắn mù, những "đuôi", những "vòi" chờn vờn, loanh quanh, điểm điểm tô tô, thừa thãi và vô bổ. Công bằng mà xét, cái đẹp của chữ viết như thế chưa bước đến gót chân của nét bút Vương Hi Chi, Tống Huy Tông, Tô Đông Pha và những đại thư pháp gia khác của Trung Hoa xưa. Tuy nhiên, cũng vì lẽ công bằng mà không thể đem so những "con trùn" với chữ viết của "thánh hiền". Cần phải có một cách nhìn khác.
Cách nhìn đó phải gạt bỏ ra ngoài vòng chơi những thứ trang sức hoa hòe hay điểm tô thừa thãi. Vì chữ "con trùn" được viết với bút sắt nên không thể bàn chuyện đẹp xấu của "thịt", "xương", "gân" như khi thưởng ngoạn thư pháp Trung Hoa. Vì chữ "con trùn" được viết ngay hàng thẳng lối, theo một thứ tự đều đặn và liên tục của những mẫu tự nối chân nhau nên cũng không thể có chuyện con chữ "vuông vắn, rõ ràng" như "chữ người tử tù" của ông Nguyễn Tuân. Ấy thế mà nếu được một bàn tay viết đẹp thì chữ "con trùn" cũng có thể đẹp lạ lùng.
Nhìn từ một góc độ khác, ở một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác, đối tượng của cái nhìn đem lại cho ta một cái thấy mới mẻ đầy thú vị, những khám phá không ngờ. Bạn đọc hãy làm một thí nghiệm đơn giản sau đây.
Trên một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, bạn lấy bút mực đậm (hay magic marker đen) viết tên bạn. Dưới tên, ghi năm sinh, nơi sinh... Chỉ cần để ý một điều: Hãy viết thật nhanh, tự nhiên, đừng nắn nót, gò bó. Đoạn bạn lật ngược giấy lại, soi lên ánh đèn. Những chữ (ngược), những con số (ngược) đó ngộ nghĩnh hẳn ra. Thoạt đầu, bạn có thể bỡ ngỡ không đọc được tên mình vốn là những chữ quen thuộc nhất. Nhìn kỹ hơn, những nét bút lạ sẽ đem lại cho bạn một niềm thích thú mới. Bây giờ bạn hãy xoay mảnh giấy dựng đứng lên. Tên bạn, v.v... bây giờ nằm dọc chứ không nằm ngang nữa. Cái thứ chữ "con trùn" này, đâu ngờ nó cũng có móc, có câu, có sổ, có đá đấy chứ không đâu! Bây giờ bạn thấy rằng, hiển nhiên, cái đẹp cũng có thể tìm ra được ở cái chữ "con trùn". Bây giờ, bạn hãy xoay mảnh giấy lại mặt phải của nó, và nhìn những chữ bạn đã viết với một đôi mắt mới tinh.
*
Nhất Linh là một nhà văn mà tôi hết lòng kính yêu từ thuở chưa được phép... mặc quần tây dài! Yêu cả khuôn mặt dạn dày và bộ ria dáng dấp phóng đãng của ông. Ấy vậy mà khi có dịp được thấy thủ bút của ông (được in lại), tôi tiu nghỉu. Chữ nhỏ li ti, đều đặn, liền lạc với nhau như những hạt mè đen nằm nối đuôi. Làm sao một người như Nhất Linh, nghệ sĩ, chính khách, một người có cuộc sống xuôi ngược, hào hùng như thế mà lại có chữ viết dè xẻn, cần cù như vậy? Tôi cũng từng được thấy chữ ký của Khái Hưng. Vì ông ký một cách như viết nên thấy được "nét" chữ của ông: Dõng dạc, phóng khoáng, đẹp.
Vốn thường lưu tâm đến chữ viết tay, tôi có cái thú... "bới lông tìm vết"! Phân tích chữ viết như một phương pháp khoa học tâm lý, tôi không màng. Tôi chỉ tò mò lấy làm lạ là có người viết (văn) hay mà viết (chữ) tồi. Có người bụng dạ thật tốt mà chữ viết... thật xấu. Có người tính khí mạnh mẽ mà chữ viết tầm tầm. Có người dè dặt, hiền lành mà chữ viết ngang nhiên, gân guốc. Vì thế tôi không dại gì đặt nhiều lòng tin vào nghệ thuật xem chữ đoán người. Sái một ly đi một dặm, là cái chắc.
Nhân nói chuyện về CHỮ không thể không nghĩ đến một vài người quen biết gần xa, những người tôi vẫn coi là viết chữ tốt. Dĩ nhiên, cái nhìn của tôi đâu có thể không chủ quan!
Ở Việt nam, Trịnh Công Sơn viết chữ thật tốt mặc dù có khi đều đặn quá, hay có khi lại bay bướm quá. Chữ Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể không "tốt" bằng chữ Trịnh Công Sơn, nhưng cứng cỏi hơn, rạch ròi hơn. Trương Thìn có chữ viết phóng khoáng, mạnh mẽ, nhiều tính nghệ sĩ. Hơn nửa thế kỷ, chữ viết cụ Vân Trì không thay đổi: Nét nào ra nét ấy, không thiếu, không thừa một ly. Chữ như vậy là tốt, nhưng đẹp?
Ở Pháp, thầy Nhất Hạnh cũng có lối chữ tương tự. Viết như thở: "Hít vào thì biết rằng hít vào"; "Thở ra thì biết rằng thở ra". Cho nên chữ viết dung dị, nghiêm túc, đều đặn. Và vắng bóng những nét bung phá ngoạn mục. Chữ Đặng Tiến có cá tính mạnh: Trúc trắc, gập ghềnh một cách nghênh ngang. Thi Vũ: Chữ viết chăm chút, nhưng rộng rãi, vững vàng.
Miền Đông Gia-Nã-Đại có một số chữ thật tốt: Nguyễn Quý Bổng ở Ottawa, Trân Sa ở Toronto, Hoàng Xuân Sơn và Hồ Đình Nghiêm ở Montréal.
Miền Tây Gia-Nã-Đại, ngươi Hạnh Cơ viết chữ quốc ngữ thật tốt mà viết chữ Hán với bút lông cũng nhuyễn lắm.
California, ha!
Ở Nam Cali, Bùi Vĩnh Phúc viết văn khúc chiết, sáng sủa, nhưng chữ viết của họ Bùi, thật tốt, lại có lúc bay bướm quá. Hoàng Quốc Bảo cũng vậy: Chữ thật tốt nhưng đôi khi quá hoa hòe. (Nguyễn) Khánh Trường không tránh né cái bay bướm, cái hoa hòe ấy được bao nhiêu cho nên lắm lúc bị chúng tóm được! Phóng bút là một cái "sướng" mà cũng là một cái "tật". "Tật" ấy, tìm thấy tận bên trời Úc châu xa xôi: Nguyễn Hưng Quốc, văn đã hay mà chữ lại tốt. Chỉ tiếc đôi khi chữ người trượt chân xuống chỗ hoa hòe – như ba ông, Bùi, Hoàng, và Nguyễn ở Nam Cali. Cũng ở tận bên trời Úc châu xa xôi có Hoàng Ngọc-Tuấn viết chữ thật tốt. Tốt và đẹp. Gần miền Đông Hoa kỳ hơn, bên Đức quốc, có Đỗ Quang Nghĩa – chồng của Lê Minh Hà – chữ viết cũng vào hạng cừ khôi.
Cũng ở Nam Cali, nhưng không như ông Bùi (Vĩnh Phúc) viết chữ bay bướm, có bà Bùi (Bích Hà) viết chữ thẳng thớm, đều đặn, rất tốt, tuy không có cái nét bóng bẩy lắm khi tìm thấy trong văn. Chữ viết của nhà thơ Viên Linh, thuộc vào bực thượng thừa. Cẩn trọng, đài các như người, là chữ viết của nhà thơ Thanh Nhung (Công huyền Tôn nữ Nha Trang).
Bắc Cali có Nguyễn Bá Trạc: Bây giờ không biết thế nào chứ nhiều năm về trước, gặp nhau, thấy người thì năng nổ, "bất cần đời" mà chữ viết lại ung dung, cẩn túc. Lạ. Đó cũng là trường hợp Nguyễn thị Hoàng Bắc ở Virginia: Chữ viết tốt, nghiêm trang, thon thả, không sắc nhọn, nghịch ngợm như người. Virginia lại có nhà thơ Vi Khuê, chữ viết trang trọng, nghiêm chỉnh. Có điều, chữ bà tốt nhưng vì chăm chút quá, nắn nót quá, thành ra gò bó. Cũng ở Virginia, có ngươi Đinh Cường viết chữ tốt. Tốt nhưng, không như danh tính, hơi nhu.
Trở về California, thủ đô tị nạn: Nhiều người, lắm tài. Có một anh, hay bệnh, gầy nhom, nhưng chữ viết lại ngang tàng, gân guốc. Nhịp chữ phóng khoáng, tự do mà trang trọng, chu đáo. Nét chữ sắc sảo mà vẫn có dáng uyển chuyển, hào hoa. Đó là người viết Hà Thúc Sinh.
*
Có một số chữ tốt khác, trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng "tốt" chưa đủ; chữ tốt lại cần phải có "nét" nữa kia.
"Nét" là gì? "Nét" quyến rũ cái nhìn của ta. Một khuôn mặt đầy đặn và đều đặn, mắt, mũi, miệng, cân đối có thể được coi là một khuôn mặt tốt. Nhưng phải có một hay đôi ba "nét" nào đó thêm vào mới làm nên một khuôn mặt đẹp. "Nét" đó không nhất thiết phải là một cái gì hoàn chỉnh, hoàn hão. Chiếc răng cời, cái má lúm, con mắt mại có thể làm cho một khuôn mặt tốt trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng thôi, chuyện đẹp xấu, nói không cùng. Người Mỹ có câu nói, đại khái chuyện xấu đẹp tùy nơi con mắt người nhìn. Thế này đã là chủ quan lắm lắm.
Tôi ước mong bạn đọc, bạn viết xa gần, gõ còm-piu-tơ thì cứ nhưng mỗi ngày hãy cầm lấy cây bút, tí toáy với nó một lúc đến khi nào ấm tay thì thôi, đừng để nó nằm vất vưởng một mình, tội nghiệp. Nhất là những vị may mắn được "trời cho" cái chữ tốt. Đừng để tác giả "Chữ Người Tử Tù", nơi minh mông, ông ấy tủi thân. Hỡi những ông (bà) đồ của thời nay!
2000
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com