Cửu (九)
Note: Này bản draft hoi, có gì viết hết truyện tớ sẽ sửa lại nội dung kha khá á, nên đọc tham khảo thôi nhen <3
Tối đó, sau khi đèn sân khấu vụt tắt, sau cả những tràng pháo tay và tiếng xuýt xoa cũng đã tan dần trong bóng đêm, Chi Lợi lê bước về phía quầy rượu. Đôi giày cao gót lấm tấm bụi đường, gót chân rã rời như thể mỗi bước đi là một khúc bi ca lặng lẽ.
Sảnh nhà hát đã gần như vãn khách. Chỉ còn vài chiếc bàn còn người nán lại – nhấp dở dang ly rượu, bàn tán nửa lời về vở diễn. Người cười, người ngả nghiêng, có kẻ lặng im chỉ lắc nhẹ ly thủy tinh, để rượu xoay vòng quanh đá lạnh như một điệu vũ quen thuộc của buổi khuya nhiều men.
Chi Lợi ngồi xuống chiếc ghế bọc nhung đã sờn mép.Cô gọi đại một ly Four Roses – loại bourbon rẻ tiền, nhập từ Mỹ, có cái mùi ngai ngái của gỗ cháy trộn lẫn lớp caramel xưa cũ.
Màu rượu ngả hổ phách, như ánh nắng hoàng hôn rót xuống đáy ly – đẹp nhưng mệt. Mùi thơm lên chậm, len qua khứu giác như làn khói của một buổi chiều cũ. Còn vị thì gắt, nặng như một cú đấm âm thầm vào ngực – không gây đau ngay, nhưng khiến tim thắt lại từng nhịp. Thứ rượu dành cho những đêm nhức óc, khi người ta không còn biết phải đổ mình vào đâu. Không để say, chỉ để không tỉnh táo thêm nữa.
Rút ra từ chiếc túi nhỏ là bao thuốc Gauloises màu xanh thẫm, vỏ giấy sờn mép, nhăn nhúm như một mảnh ký ức nhàu cũ còn sót lại từ thế kỷ trước. Chi Lợi khẩy nhẹ bao thuốc, lấy ra một điếu – ống giấy vàng úa, đầu lọc thô ráp và thân thuốc đã hơi cong, như thể đã trải qua vài chuyến ngồi bó gối trong túi áo dài.
Cô châm lửa. Ánh sáng bật lên hắt qua khoé mắt mỏi, bập bùng như đốm lửa cuối ngày sót lại trong bếp lạnh. Kéo một hơi thật sâu.
Mùi thuốc Gauloises, nồng, gắt và khô như một câu chửi bằng tiếng Pháp – không hoa mỹ, không trau chuốt, mà thành thật như nền đá ẩm ướt của những con hẻm nhỏ bên sông Seine. Mùi đó, có lẽ, là thứ gần nhất với Paris mà cô từng chạm vào – Paris trong lời kể của những bản tình ca cũ kỹ, trong chất giọng khàn buốt của Dalida hay tiếng thì thầm giữa đêm của một vở kịch Pháp nhập nhằng dịch nghĩa.
Cô hút như người ta đọc lại một bức thư tình nhàu nát – vừa để nhớ, vừa để quên, vừa để chứng minh mình còn sống. Khói thuốc phả ra, lặng lẽ quện vào lớp phấn son đã lem nhem, như thể cả ngày dài – ánh đèn, lời thoại, những tràng pháo tay giả tạo – đều đang được thu gọn lại trong một hơi thở buốt lồng ngực.
Chi Lợi là kiểu người khiến ai cũng nghĩ mình đã hiểu cô – cho đến khi họ nhận ra, thứ họ đang nhìn thấy chỉ là lớp vỏ bề mặt mỏng nhất mà cô chọn để mặc lên vào đúng buổi tối hôm nay.
Lặng lẽ, chừng mực, không cười to, không để lộ quá nhiều, không phản kháng khi bị hiểu lầm. Cô tồn tại như một người ghi chú – đứng sau sân khấu, đứng sau tiếng vỗ tay, đứng sau cả những giấc mơ của người khác.
Người ta bảo cô sống bằng hoài niệm. Nhưng thật ra, Chi Lợi không sống bằng gì cả. Cô chỉ tồn tại – bằng một thói quen: lặng lẽ châm thuốc vào cuối ngày, ngồi nhìn khói cuốn quanh những gì không còn nữa.
Và nếu từng có ai thấy được ánh sáng thật sự trong mắt Chi Lợi, không phải là khói, không phải phấn, mà là thứ ánh sáng phát ra từ nơi tận cùng cô nén lại – thì người đó, chỉ có thể là Trí Mẫn.
"Cô Chi Lợi, phải không?"
Giọng đàn ông vang lên từ bàn bên. Không lớn, không nhỏ – vừa đủ len qua làn khói thuốc, khẽ gõ vào vành tai như một lời gọi vô tình.
Lợi không quay đầu. Cô nhấc ly Four Roses, nhấp một ngụm. Đôi mắt vẫn dán vào tấm gương cũ kỹ phủ bụi sau quầy bar, nơi những bóng người đang dần nhòe đi dưới ánh đèn vàng – như thể tan vào một giấc mơ không ai còn nhớ trọn.
Người đàn ông đứng dậy. Cầm theo ly brandy sóng sánh màu hổ phách, anh thản nhiên kéo ghế, ngồi xuống cạnh cô, động tác nhẹ tênh như thể họ là hai người quen cũ – dù chưa từng gặp mặt.
"Tôi thấy cô trong hậu đài. Cô là quản lý của Trí Mẫn, đúng không?"
Lợi không trả lời ngay. Cô kéo một hơi thuốc, khói chậm rãi len ra từ kẽ môi rồi tan vào thứ ánh sáng đã cũ của căn phòng. Nhấc ly, uống thêm một ngụm. Rượu trượt xuống cổ họng, để lại dư vị như lửa liếm vào lòng ngực.
Cuối cùng, cô gật đầu. Vừa đủ để xác nhận. Cũng vừa đủ để từ chối bắt đầu một cuộc trò chuyện thật sự.
Người kia cười, nhẹ như thể đã quen với sự kiệm lời của những người sống gần sân khấu.
"Tôi hay tới nghe Mẫn hát. Cô ấy... lạ lắm. Đẹp theo kiểu không giống ai. Không phải cái đẹp mỉm cười ban ơn... mà là một thứ ánh sáng vụt qua trong giấc mơ. Khi tỉnh dậy, người ta cứ mãi băn khoăn... không chắc là mình từng mơ thật."
"Hay thật đó," hắn nói tiếp,
"Giọng cô ấy... như hát bằng tim. Nghe mà cứ tưởng mình đang mơ. Không hiểu sao, vừa nghe lại vừa thấy buồn. Cổ gặp chuyện gì à?" – người kia hỏi tiếp, lần này nhỏ hơn, như thể không muốn phá hỏng cái yên tĩnh giữa họ.
Chi Lợi cười nhẹ, không rõ là giễu cợt hay buồn thật. Đôi mắt lướt nhìn về phía hành lang nơi Trí Mẫn vừa rời đi. Cô đặt ly xuống, xoay nhẹ chiếc nhẫn trên ngón tay út – một thói quen vô thức. Cô nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt, giọng chậm rãi như thể đang lật từng trang ký ức cũ, như đang kể lại cho chính mình:
"...Cổ hát như vậy, vì cổ từng khóc cạn tiếng. Mười bảy tuổi, mê hát, cha cổ nhốt trong căn phòng tối đến mấy tuần. Cổ không la, chỉ khóc. Cha cổ ghét cái nghề đó. Nói con gái nhà tử tế không đứng sân khấu..."
Chi Lợi ngửa cổ, uống cạn ly, thứ lửa nồng len qua cổ họng như vết cứa âm thầm. Một cơn gió đêm lùa qua khe cửa sổ nhỏ, làm ánh đèn trên quầy bar run rẩy. Và như thể từ rung động ấy, ký ức cũ bắt đầu trào ra:
"Mà thiệt ra... tôi tới trễ. Rất trễ."
Giọng cô nhỏ đi, như thể sợ chính tai mình nghe thấy. Tay vẫn xoay nhẹ chiếc nhẫn trên ngón út – không phải để bình tĩnh, mà như đang cố tháo rời một phần ký ức mà cô đã giữ quá lâu.
"Cổ viết thư cho tôi trước đó cả tuần. Một mẩu giấy nhỏ, nhét trong túi áo diễn lúc tôi không để ý. Tôi đọc rồi... bỏ vào túi xách. Nghĩ 'để mai tính'. Tưởng như mọi chuyện chỉ là một trận giận dỗi con nít với cha mẹ. Tôi bận mấy buổi duyệt kịch, bận lo sân khấu, bận... sống một cuộc đời của mình."
Chi Lợi rít thêm một hơi thuốc, khói phả ra nhạt nhòa trong ánh đèn vàng. Gương mặt cô nghiêng nghiêng, vừa đủ để lộ cái bóng dưới mắt – không rõ vì thiếu ngủ, hay vì điều gì lâu hơn, sâu hơn.
"Tới lúc tôi thấy không yên trong bụng, tới lúc quay lại ngôi nhà đó và phá khoá mà vào... thì cổ đã ngồi lặng trong bóng tối gần ba tuần. Người nhẹ như gió, giọng như giấy, và mắt thì ráo hoảnh. Không phải hết khóc, mà là... đã qua khỏi cái mức có thể khóc."
"Tôi còn nhớ căn phòng đó – mùi ẩm mốc bám vào da thịt như không bao giờ rửa sạch được. Vách tường loang lổ những vệt nước cũ, có chỗ như vết cào – móng tay rướm máu hay là gì khác, tôi cũng không dám nghĩ sâu. Cửa sổ bị đóng đinh, chỉ còn một kẽ hở nhỏ, nơi ánh đèn đường lọt vào – vàng nhạt và chênh vênh như sợi tóc.
Khi tôi phá khoá bước vào, cổ ngồi co rút ở góc phòng, giữa nền xi măng lạnh như băng. Không chăn, không gối. Chỉ có một chiếc áo dài cũ khoác hờ lên vai. Mắt cổ ráo hoảnh. Không phải kiểu nước mắt cạn rồi – mà là kiểu người ta đã vượt qua mức khóc để đến một nơi lạnh ngắt hơn.
Tôi gọi tên cổ. Ba lần. Không nhúc nhích. Đến lần thứ tư, cổ mở miệng... và bắt đầu hát. Khẽ thôi. Như gió rít qua khe cửa. Như thể mỗi lời hát là một mảnh tim bị bóc ra. Giọng cổ khàn đến độ phải lắng thật lâu mới nghe được từng chữ. Tôi ngồi thụp xuống bên cạnh, mà chỉ thấy tay mình run. Cái lạnh không phải từ sàn nhà, mà từ chính không khí trong đó – cái thứ tuyệt vọng đã ở lì quá lâu, thành hình, thành khối, bám vào từng hạt bụi."
Cô nói tiếp, giọng nhỏ hẳn đi:
"Cha cổ là người... dữ lắm. Không la, không đánh. Chỉ nhìn. Nhưng cái nhìn đó, nó làm người khác nghẹt thở. Cổ kể với tôi, hồi nhỏ chỉ cần nghe tiếng giày ông đi ngang hành lang là tim đập muốn nổ tung. Mỗi lần cổ hát nghêu ngao trong bếp là mẹ cổ bị gọi lên nhà trên. Mỗi lần vậy, là bếp im, và mắt mẹ đỏ hoe.
Đến khi cổ lén đăng ký đi hát, là bị phát hiện. Ông không nói một câu. Chỉ ra lệnh khóa cửa phòng, không cho ai vào. Ba tuần. Mẹ cổ không dám mở. Người làm cũng sợ. Chỉ có tiếng hát lẫn trong tiếng thở. Đêm nào tôi đi ngang cũng nghe – nhỏ thôi, như tiếng ve rúc vào lỗ tai giữa mùa hạ. Và rồi... cũng im luôn."
Chi Lợi mím môi, nhìn vào khoảng không phía trước. Như thể cô còn đang ngồi trong căn phòng đó, không phải quán rượu này.
"Cổ không phải dạng hát vì vui. Cổ hát như để sống. Như nếu ngừng hát thì... sẽ chết mất."
Người đối diện im bặt, không dám hỏi gì thêm.
Câu chuyện rơi xuống đáy ly như giọt rượu cuối cùng – cô đặc, đắng, nhưng không thể quên.
Anh ta hơi nghiêng đầu, như thể muốn nhìn rõ hơn nét mặt của Chi Lợi dưới làn khói thuốc và ánh đèn tù mù. Nhưng cô chẳng cho thấy gì – ánh mắt vẫn lạnh như mặt hồ bị niêm phong suốt mùa đông, phẳng lì, vô hại – nhưng chết lặng.
"Vậy ra... cô là người đưa Trí Mẫn vào đời hát?" - Anh ta hỏi, giọng nhẹ như rót qua giấy lụa.
Chi Lợi bật cười. Không hẳn là tiếng cười, mà chỉ là một âm bật ra nơi cuống họng, xóc qua vị rượu, chạm nhẹ vào mệt mỏi cuối ngày như gót giày đã gãy.
"Không ai đưa cổ vào đâu,"
Cô nói, mắt không rời ly thủy tinh đã trống rỗng.
"Cổ tự mở đường. Tôi chỉ... đứng bên, cầm đèn soi lối một chút thôi. Mẫn không cần người cứu. Cổ chỉ cần... ai đó tin là cổ không sai."
Người kia không đáp. Chỉ nhấp thêm một ngụm brandy, ánh mắt dõi về phía sân khấu đã tắt đèn.
Ở đó, tấm màn nhung đỏ đã buông xuống, nhưng dường như dư âm giọng hát của Mẫn vẫn treo lơ lửng, chưa chịu tan.
"Cô ấy có vẻ mộng mơ, nhưng không phải kiểu yếu đuối."
Chi Lợi gật nhẹ, đôi mắt ánh lên một thoáng đồng tình hiếm hoi.
"Mẫn là kiểu người... nếu đời là con sóng dữ, cổ sẽ vừa khóc vừa bơi ngược lại. Không phải vì cổ không biết mệt. Mà vì cổ sợ nếu ngừng bơi, cổ sẽ mất tiếng hát của mình."
Cô ngừng một lúc, tay đưa điếu Gauloises lên môi lần nữa. Lửa bật cháy đỏ cam trong thoáng chốc, rọi lên gò má đã nhuốm thời gian. Rồi cô quay sang nhìn người đối diện, lần đầu tiên, thẳng vào mắt:
"Mỗi đêm cổ hát như thể đó là đêm cuối cùng. Không phải để làm ai cảm động. Mà là để sống sót."
Chi Lợi ngả người ra sau ghế, ánh mắt vắt ngang qua những chiếc ly trống trên quầy, vắt luôn cả vào khoảng tối bên ngoài cánh cửa vẫn khép hờ.
Có lẽ... nếu không có giọng ca đó, Trí Mẫn đã tan biến khỏi thế giới này từ lâu rồi. Tan như khói thuốc, như mùi sơn sân khấu cũ, như những giấc mơ tuổi mười bảy bị khoá chặt trong căn phòng không cửa sổ.
Mỗi lần cổ cất tiếng, là mỗi lần tự bẻ khoá nhà giam của chính mình.
Chi Lợi rít thêm một hơi Gauloises, giữ khói thật lâu trong miệng như thể đang ngậm một kỷ niệm cũ kỹ. Rồi nhả ra chậm rãi, từng vòng, từng lớp.
"Có người sinh ra để được yêu thương. Có người... sinh ra chỉ để hát. Còn Mẫn, cổ không chọn. Cổ bị đẩy xuống nước, rồi học cách vừa bơi vừa hát để khỏi chìm."
Gió bên ngoài lùa vào khe cửa, thổi tạt tàn thuốc rơi xuống nền gạch. Chi Lợi không nhặt. Cô ngồi yên, tay mân mê vành ly rỗng, mắt nhìn vào đâu đó rất xa — nơi Trí Mẫn có lẽ đang ngồi một mình, gỡ lớp phấn hát, gỡ luôn cả giấc mơ vừa hóa tro sau tấm màn nhung.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com