Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Thập Tam (十三)

Note: Này bản draft hoi, có gì viết hết truyện tớ sẽ sửa lại nội dung kha khá á, nên đọc tham khảo thôi nhen <3

Sau buổi diễn, quán rượu trong hẻm vẫn đìu hiu như mọi khi – ánh đèn vàng phủ bụi hắt xuống những chiếc ly trống rỗng. Chi Lợi ngồi lặng bên quầy, chiếc áo choàng nhung tím đã hơi nhàu, phấn son trên má còn vương lại chút dư vang của ánh đèn sân khấu. Ly Four Roses nằm giữa hai bàn tay mảnh khảnh, còn nửa – màu rượu hổ phách như mặt trời chết đuối trong vũng lặng cuối ngày.

Tiếng bật lửa vang lên sắc lẹm. Một điếu Gauloises bùng cháy giữa lòng bàn tay. Cô hít sâu, mắt lơ đãng nhìn tấm gương cũ kỹ sau quầy bar – nơi phản chiếu bóng mình đã nhòa đi trong làn khói.

Chuông gió nơi cửa rung lên khẽ khàng. Chi Lợi không ngẩng lên. Cô biết ai đó vừa bước vào. Ngoài hiên, tiếng mưa rơi lộp độp trên tấm bạt bạc màu.

"Lại là Four Roses."

Giọng nói quen thuộc vang lên từ bên trái – vừa đủ để xuyên qua lớp khói thuốc dày, như tiếng gọi vọng lại từ một chương cũ.

Cô quay đầu, thoáng ngạc nhiên – là hắn, người đàn ông từng ngồi cạnh cô sau vở diễn lần trước, người từng hỏi về Trí Mẫn, với ánh nhìn lạ lẫm mà tinh tế. Hắn vẫn vậy – sơ mi trắng, áo khoác xám vắt hờ trên vai, ly brandy sóng sánh trên tay như thể chưa từng rời đi.

Hắn ngồi xuống đối diện cô, không hỏi xin, như một người quen cũ của cơn yên lặng. Mùi thuốc lá đã thấm vào vải áo, quyện với mùi cà phê và khói thuốc của quán thành một thứ gì đó... cũ kỹ và dễ chịu. Sau vài giây nhìn cô châm thuốc lần nữa, hắn cất giọng đều đặn:

"Tôi cứ nghĩ... sau lần trước, cô sẽ đổi loại rượu."

Chi Lợi khẽ cười, cái cười nhạt như một tiếng thở khói.

"Four Roses không thay đổi mùi. Tôi cũng vậy."

"Lần trước cô kể tôi nghe về Trí Mẫn."

Chi Lợi không đáp, chỉ nhấp một ngụm rượu chậm rãi như đang uống ký ức.

"Ừ, thì tôi kể. Bộ muốn nghe phần hai?"

Hắn mỉm cười, nhưng lần này không buông lời đùa.

"Không. Hôm nay... tôi muốn hỏi cô về Nghệ Trác."

Một giây. Hai giây. Ba giây.

Chi Lợi không trả lời ngay. Tay vẫn mân mê ly rượu, ánh mắt rơi vào đáy ly như đang đếm lại từng năm tháng đọng lại trong màu hổ phách. Rồi cô khẽ thở dài. Một tiếng thở như kéo theo cả chiều dài ký ức.

"Con bé đó..." – cô bắt đầu, giọng nhỏ như gió lùa khe cửa – "không phải người ở đây."

Rồi cô im bặt.

Không khí ngưng đọng lại. Người đàn ông dường như định hỏi gì đó, nhưng ánh nhìn của Chi Lợi đã trôi đi đâu mất – như thể cô đang trò chuyện với một ai khác... trong quá khứ.

...

Người ta bảo mười sáu là tuổi đẹp nhất đời con gái. Nhưng mười sáu của em... là một buổi chiều nồng nặc mùi ẩm mốc ở bến xe miền Tây, nơi đất chưa kịp khô sau cơn mưa, và lòng người thì vẫn còn loang lổ sau những đổ vỡ không ai gọi tên.

Em ngồi đó – bó gối bên gốc cột điện, tấm áo sơ mi cũ kỹ ướt đẫm một bên vai, lem lấm bùn đất. Gió thổi lật vạt áo, lộ ra phần xương bả vai nhô cao đến thắt lòng. Cạnh bên là cây đàn tỳ bà bạc màu, gãy dây, mặt gỗ sứt sẹo như vừa được ai đó vớt lên từ đáy một con sông đã chết. Em ôm nó trong lòng như ôm ký ức cuối cùng còn sót lại.

Không ai dừng lại. Người ta quen rồi – với những hình bóng lạc loài.

Tôi cũng vậy. Tôi bước ngang.

Nhưng rồi... tôi nhìn thấy đôi mắt em.

Không có nước mắt. Không cả lời van xin. Chỉ có một thứ gì đó mỏi mệt đến tuyệt vọng. Cái cách em không ngẩng lên, không lay gọi một ai, cứ ngồi thụp xuống như thể em đang cố thu mình nhỏ lại, để biến mất khỏi thế gian.

Tôi đi ngang lần thứ nhất.

Rồi lần thứ hai.

Đến lần thứ ba, không hiểu sao chân tôi khựng lại.

Tôi hỏi, "Em từ đâu đến?"

Một lúc lâu sau, em mới rụt rè ngẩng đầu. Giọng em nhỏ xíu, khô khốc, phát âm méo mó:

"Dạ... em... từ Chợ Lớn."

Tôi hỏi em biết hát không.

Em gật đầu. Một cái gật rất khẽ, như thể sợ làm cây đàn trong tay giật mình mà gãy thêm một chỗ nữa. Rồi em đưa tay vuốt nhẹ mặt đàn, tay kia run run nắm vạt áo, mắt vẫn không dám nhìn thẳng tôi, lí nhí:

"Em... em học chút nhạc, hồi trước... má cho học... Nhưng... má... má mất rồi..."

Em ngừng lại, như bị nghẹn. Ngón tay siết chặt hơn. Và chính lúc ấy, tôi để ý – nơi cánh tay em kéo áo, là một vết bầm lớn, tím bầm tím tái, kéo dài từ cổ tay đến gần khuỷu. Phần da rách ra một chút, còn đọng máu khô.

Tôi cúi thấp xuống, hỏi khẽ, "Tay em bị sao vậy?"

Em vội giấu tay ra sau lưng, lắc đầu lia lịa:

"Không... không có gì đâu... em... em lỡ té..."

Nhưng tôi biết, cái té đó không phải do mưa gió. Nó là cú ngã của một đứa nhỏ bị quăng khỏi cuộc đời, không ai đỡ.

"Cô... cô có cần người... người đàn không? Em... em làm được, thiệt mà... em ráng..."

Tôi chưa kịp trả lời, thì em đã luống cuống giải thích, như thể sợ mình lỡ lời, sợ người ta bỏ đi:

"Em... không lấy nhiều đâu... chỉ cần... có chỗ ngủ... với miếng cơm... chút thôi..."

Giọng em vỡ ra như tiếng dây đàn bị kéo căng tới đứt, vừa tha thiết, vừa hổ thẹn, vừa sợ hãi. Như thể chính em cũng ghét chính cái tiếng nói của mình lúc này. Cái nghèo, cái côi cút, cái lạc loài—nó làm em không dám xưng "con", không dám nhận "cháu", chỉ dám tự gọi mình là "em", như một thói quen cũ còn sót lại từ những ngày còn có má, còn được ai đó ôm vào lòng.

Tôi nhìn em mà thấy mình không còn biết nói gì.

Một đứa nhỏ mười sáu tuổi, ôm theo một cây đàn gãy, một vết thương còn rỉ máu, và một nỗi đau quá lớn cho cái tuổi chưa kịp lớn.

Tôi không biết em còn lại gì trong đời.

Nhưng tôi biết, từ ngày hôm đó... tôi không thể để em ngồi một mình bên lề đời như vậy nữa.

...

Em vào gánh hát của tôi như thế. Không khóc lóc. Không kể lể. Cũng chẳng hỏi lương, hỏi chỗ ngủ.

Chỉ gật đầu khi tôi nói: "Theo tôi về."

Chỉ lẽo đẽo đi sau, ôm cây đàn gãy, vai vẫn còn ướt, máu ở tay đã khô nhưng chưa kịp rửa.

Tôi cho em ngủ tạm trong kho đạo cụ. Cạnh mấy thùng trang phục cũ nát, nặng mùi bụi và mối mọt. Không ai trong đoàn hỏi nhiều – ở thời buổi đó, người lạ là chuyện thường. Người không còn quê quán, càng không ai đếm.

Ban đêm, em co ro dưới tấm áo lính cũ của tôi, chiếc áo từng theo tôi diễn vai một người tử trận – giờ thành chăn cho em.

Ban ngày, em làm đủ thứ: quét sân khấu, châm đèn, giặt áo, nấu cơm. Chưa ai kêu đã thấy em đứng đó, chưa ai nhờ đã thấy em làm xong.

Không một lời than. Không một lần trễ nải.

Vậy là em ở lại. Bắt đầu lại từ con số không. Không tên tuổi, không giấy tờ, không gia đình, không ai chờ ở cuối ngày.

Chỉ có một đôi mắt lúc nào cũng mở to – quá tỉnh táo, quá lặng im, như thể chỉ cần chớp mắt một lần, em sẽ bị cuốn khỏi cõi đời này.

Mãi sau này, tôi mới lần ra được vài mảnh chuyện rời rạc, nhặt nhạnh từ những người gốc Hoa còn sót lại ở Chợ Lớn.

Rằng nhà em từng có một dàn nhạc. Cha là nhạc sư đàn nguyệt, mẹ là đào chính một đoàn hát nổi tiếng.

Rằng từng đêm, em ngồi dưới khán đài nhìn mẹ hát, chớp mắt là nhớ được từng ngón đàn.

Rồi biến cố ập xuống. Rồi có lệnh trục xuất.

Rồi họ đi.

Rồi ghe chìm.

Rồi... chỉ mình em bơi được vào bờ.

Em không kể. Tôi không hỏi. Nhưng có một đêm, khi tôi giả vờ ngủ trong kho đạo cụ, tôi nghe tiếng em nấc. Nhẹ thôi. Như nuốt vào.

Tiếng nấc của một người không dám khóc to vì sợ đánh thức quá khứ.

Từ đó, tôi bắt đầu nhìn em khác đi.

Không còn là đứa nhỏ vất vưởng.

Mà là một nghệ sĩ đã từng có sân khấu riêng – giờ mất sạch, vẫn không chịu gục.

Một kẻ bị quăng khỏi mái nhà, mất cha mẹ trong cùng một ngày, trôi giạt vào đời bằng đôi tay rớm máu, nhưng vẫn ngồi thẳng lưng khi gảy từng dây đàn cũ.

Có một lần, tôi thấy em ngồi một mình ở hậu đài.

Cây tỳ bà đã thay dây mới. Ngón tay em vẫn còn run – chắc vì lạnh, hay vì vết thương chưa lành hẳn. Phím đàn còn trượt. Nhưng ánh mắt thì... lạ lắm.

Không phải ánh mắt van xin. Không phải ánh mắt đói khổ. Mà là ánh nhìn của kẻ đã chết chìm và vừa mới học được cách thở trở lại.

Lửa trong mắt em không cháy ào ạt, không cuồng nộ – mà âm ỉ, nhẫn nại, như tro tàn còn ấm.

Cái ấm của một người hiểu rõ: nếu mình không tự sưởi, thì sẽ chẳng còn gì để giữ lại trên đời.

Rồi em xin học múa, học hát.

Không đòi hỏi. Không kêu ca.

Chỉ lặng lẽ xin tôi một chỗ trống ở cuối buổi tập, lúc mọi người đã ra về.

Tự học. Tự tập. Tôi không ngăn. Cũng không giúp.

Chỉ đứng từ xa, dựa vào cột gỗ đã mối mọt, nhìn cái bóng gầy của em nghiêng qua nghiêng lại theo từng nhịp gõ.

Từ khi nào tôi bắt đầu nhìn em nhiều hơn, tôi không rõ.

Chỉ biết có lúc, tôi thấy mình ngưng làm việc, chỉ để dõi theo cách em buộc tóc – chậm rãi, cẩn thận như thể không muốn kéo đau từng sợi.

Cách em cúi đầu chào người lớn – cúi sâu quá mức, như sợ không đủ lễ.

Cách em lau mồ hôi bằng cái khăn lông rách viền – miệng vẫn mím chặt, mắt vẫn nhìn lên sân khấu.

Tôi không định yêu em. Tình cảm, vốn đâu có ai định.

Có thể là hôm tôi bắt gặp em tập hát lén trong hậu trường – âm thanh vỡ vụn, chưa tròn chữ, nhưng ánh mắt thì sáng như một đốm sao nhỏ muốn bám víu vào trời.

Những chiều mưa em mang cho tôi chén cháo nóng – chỉ có vài hạt gạo, nhưng đủ ấm cả lòng bàn tay dù chính em cả ngày chưa có gì vào bụng.

Hoặc hôm tôi đi diễn về, giày ướt sũng, thấy em lom khom vá lại mũi giày bằng kim chỉ mượn tạm của người trong đoàn. Đôi tay em tím tái vì lạnh, ngón tay nứt nẻ đến bật máu – vậy mà vẫn tỉ mỉ như đang vá áo cho người thân.

Tôi không phải người mềm lòng.

Nhưng có những điều em làm – nhỏ thôi, không lời, không phô trương – lại như từng sợi chỉ âm thầm, đâm xuyên qua lớp vải dày tôi tự quấn quanh mình bấy lâu.

Em chưa từng gọi tên tôi. Chỉ gọi "Lợi tỷ" – nhưng gọi bằng giọng dịu đến mức khiến người ta muốn khóc.

Gọi như thể tôi là ai đó em từng có, từng mất, và giờ đang cố giữ lại.

Có lần em trượt ngã trên sân khấu. Sốt suốt cả đêm. Tôi ngồi bên, thay khăn, vắt nước, đắp mền.

Em mê man, vẫn mấp máy gọi tên tôi. Chỉ tên tôi.

Tôi không khóc. Chỉ ngồi đó, nắm lấy tay em – bàn tay gầy đến nỗi chỉ cần siết nhẹ một chút... tôi sợ mình sẽ làm em vỡ.

Giá như tôi có thể giữ em lại mãi...

Dưới mái bạt rách nát này.

Nhưng tôi biết.

Người như em... sinh ra không dành cho hậu trường.

Em sinh ra cho ánh đèn, cho sân khấu, cho tiếng vỗ tay và những vai đào chính. Và em đang tỏa sáng. Hát tiếng Việt đã rõ hơn. Múa đã mềm hơn. Cười với khán giả như một đóa hoa vừa kịp nở, sau mùa giông dài.

Còn tôi... vẫn đứng trong bóng tối, nép bên cánh gà, lặng im như một người giữ đèn.

Không ai thấy, không ai nhớ.

Tôi vẫn ở lại phía sau và chưa từng nói một lời.

Cái lần đầu tiên em mặc áo dài bước ra sân khấu ca hộ cho Trí Mẫn đi nghỉ, tôi đã đứng phía sau cánh gà, tay siết chặt, tim như khựng lại một nhịp. Em quay lại, cười: "Lợi tỷ, em có giống chị Mẫn chưa?" Tôi chỉ nhìn em, rồi quay đi. Không biết vì ánh đèn làm chói mắt hay vì nụ cười em lúc ấy... quá giống một thứ gì đó tôi không dám gọi tên. Em vẫn gọi tôi là "tỷ", vẫn tin tôi, dựa vào tôi – vô lo, vô toan. Còn tôi, chỉ biết ngồi lặng bên điếu thuốc mỗi đêm, nhìn khói tan vào bóng đèn vàng, nghĩ tới một bàn tay đã quen ở gần, nhưng chưa từng chạm tới.

Tôi không định giữ em. Không dám. Cũng chẳng biết làm sao để giữ. Chỉ biết mỗi lần nghe tiếng em cười, lòng lại thắt lại. Mỗi lần thấy em ngồi vá áo hay lau bụi sàn diễn, tôi lại bước đi chậm hơn một chút – như sợ lướt qua sẽ đánh rơi mất một điều gì đang dở dang.

Rồi tôi bắt đầu nhận ra Trác nhìn Mẫn như cái cách tôi từng nhìn em. Ánh mắt ấy... quá quen. Cái ánh mắt mà người ngoài dễ lầm là sự ngưỡng mộ, nhưng tôi thì biết – đó là sự khao khát muốn giữ gìn, muốn ở gần... mà không dám bước lại gần. Trác lén ở lại sau mỗi buổi tập, lau sàn sân khấu thay người khác, chỉ để đứng thêm một chút bên Mẫn. Lén đặt một nhành hoa giấy lên bàn hóa trang, rồi đi như chưa từng đến. Lặng lẽ... như cách tôi từng lặng lẽ.

Tôi nhận ra. Rất sớm. Nhưng không nói. Vì nói ra rồi thì sao? Có thay đổi được gì đâu. Chỉ là, có những đêm, khi sân khấu đã vắng, tôi ngồi lại một mình dưới bóng đèn hậu trường, gảy vài phím đàn cũ, rồi im. Khói thuốc cứ bay qua kẽ tay. Lòng thì rỗng – không vì thiếu, mà vì đã từng đầy. Rồi một ngày khác đến, như mọi ngày. Tôi lại vẽ lông mày, chải tóc, chỉnh tay áo cho đào chính. Còn mình... vẫn là người đứng trong bóng tối. Như mọi khi.

...

Chi Lợi trở lại với thực tại khi đầu ngón tay nhói lên – điếu thuốc đã cháy gần hết, tàn bén vào da. Cô thở nhẹ, như chỉ để xua đi một tiếng thở dài không kịp cất. Rút điếu khác, châm lửa. Lửa xanh, nhỏ, bập bùng trong lòng tay run nhẹ. Cô không vội hút. Chỉ ngắm ngọn lửa ấy một lúc lâu – như thể đang nhìn ngược lại một chiều gió cũ... nơi có dáng một đứa trẻ lặng lẽ theo sau, ôm chiếc đàn ướt sũng, đi mãi không dừng.

"Tôi thương em," – cô nói, giọng trầm, gần như một lời thì thầm với chính mình – "mà không bao giờ dám nói."

Người đàn ông ngồi đó, không động đậy. Hắn như muốn hỏi gì đó, môi hơi mở... rồi ngậm lại. Thay vào đó, chỉ có tiếng rượu chảy trong ly, lặng như một câu hỏi không lời. Và có lẽ, đâu đó giữa những tiếng ly va và ánh đèn mờ nhòe, có cả một tiếng lòng vừa nứt.

Chi Lợi dụi thuốc. Tàn rơi rất nhẹ, tan vào gạt tàn cũ. Cô khẽ đẩy ly rượu về phía người đàn ông.

"Đêm nay, anh uống nốt giùm tôi. Tôi mệt rồi."

Cô đứng dậy. Khoác lại chiếc áo choàng nhung đã sờn gấu. Không ngoái nhìn. Bước chân vang khẽ trên nền gạch cũ, từng tiếng một, như thể cô đang bước giữa hai thời gian – một đã cũ, một chẳng còn gì để chờ.

Và nếu có ai gọi tên cô từ phía sau lúc ấy, có lẽ cô cũng không quay lại. Vì quay đầu lại, là chạm vào điều chưa từng được gọi tên. Và cô sợ... nếu quay đầu, mọi thứ sẽ vỡ tan, như khói thuốc trong gió khuya.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com