Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Thập Tứ (十四)

Note: Này bản draft hoi, có gì viết hết truyện tớ sẽ sửa lại nội dung kha khá á, nên đọc tham khảo thôi nhen <3

Sân khấu sau đêm diễn thường lặng lẽ hơn bình thường. Không còn tiếng vỗ tay, không còn ánh đèn vàng rực, chỉ còn mùi khói nhang cúng Tổ chưa tan và vài chiếc ghế khán giả chưa được xếp gọn.

Trác ngồi ở giữa sân khấu, hai chân xếp bằng, tay ôm cây đàn tỳ bà. Không đàn. Chỉ ôm như thể muốn giữ lại chút hơi ấm của ngày hôm qua.

Phía trên cao, một bóng đèn đơn treo lửng lơ như mặt trăng giả lạc lõng giữa trời. Ánh sáng trắng nhợt chiếu xuống nền gạch, soi rõ bóng Trác đang đổ dài, cong queo và méo mó như một nét vẽ không bao giờ thẳng.

Không ai còn ở lại. Cả Trí Mẫn cũng không.

Trác gảy thử một dây – tiếng vang lên, chạm vào vách tường lạnh rồi rơi tõm xuống sàn như một tiếng thở dài bị bỏ quên.

Cô ngẩng đầu, nhìn về phía hàng ghế khán giả đã trống:

"Nếu hôm đó em không nhìn chị hát dưới ánh đèn, liệu mọi chuyện có khác?"

Không ai trả lời.

Cũng chẳng cần ai phải trả lời.

Câu hỏi ấy — vốn không dành cho hiện tại. Mà là cho một thứ ký ức đã hóa sương khói trong tim.

Trác đặt cây đàn sang một bên.

Từ trong túi áo, cô lôi ra một mảnh khăn tay cũ. Đã gấp làm tư. Ép giữa hai lớp giấy mỏng.

Gốc khăn thêu một chữ "T." bằng chỉ đỏ — nay chỉ còn là một vệt nhòe, như một lời hứa không bao giờ giữ trọn.

"Em từng nghĩ... nếu mình giỏi hơn một chút. Hát hay hơn. Múa duyên hơn. Thì ánh mắt chị sẽ dừng lại ở em."

Nhưng không.

"Chị vẫn chỉ nhìn về phía có người khác."

Một người... thậm chí chẳng thèm ngoái đầu lại.

Trác cười — một cái cười mím môi, không thành tiếng.

Như thể cười chính mình: vì đã hy vọng. Vì đã tin.

Mà thứ mình chạm vào, cuối cùng, cũng chỉ là bóng lưng của một người chẳng bao giờ quay lại.

"Rốt cuộc... em thương chị...

Cũng giống y như cách người ta thương một ngôi sao đã rụng mất:

Đẹp, nhưng chẳng thể với. Ấm, nhưng mãi ở xa."

Gió thổi qua cửa hậu, nhẹ như bàn tay ai vừa lướt ngang gáy.

Tấm rèm sân khấu khẽ lay.

Trác đưa tay vuốt lại mái tóc rối. Một cử chỉ vô thức, nhưng hôm nay... lại giống như đang xoa dịu một vết cắt sâu – nơi chẳng ai thấy được.

Cô ngồi yên. Không nói thêm gì.

Chỉ có ánh đèn sân khấu cũ chiếu lên gương mặt đã thôi cười.

Ngày đầu tiên em thấy chị Mẫn — là lúc chị vừa từ bệnh viện về. Mặt còn nhợt, chân còn run, mà vẫn gắng ra tập cùng đoàn. Người khác bảo chị gàn. Em thì thấy... đẹp. Một vẻ đẹp kỳ lạ — không nằm ở nét mặt, không nằm ở dáng vóc. Mà là ở cái cách chị đứng dậy, dù chưa thật sự đứng vững.

Chị không cười với ai. Nhưng khi cất giọng hát, cả sân khấu như có nắng. Không phải nắng rực rỡ giữa trưa, mà là nắng sau mưa. Thứ ánh sáng khiến người ta vừa muốn đứng nhìn thật lâu, vừa muốn khóc.

Em ngồi ở mép sân khấu, chờ tới lượt tập, cứ lặng lẽ nhìn theo. Chị không biết đâu. Không ai biết.

Rồi có lần chị ho suốt buổi, giọng khàn đặc. Cả đoàn lo sốt vó. Chị lại cười, nói tỉnh queo: "Mất giọng cũng được. Miễn là khán giả không mất lòng tin."

Lúc đó, em thấy trong mắt chị một thứ mà trước giờ em chưa từng thấy ở ai. Không phải ánh hào quang. Mà là cái dũng — cái dũng của người dám chết với nghề, dám đặt trái tim lên sàn diễn như một lần cuối cùng được sống.

Chị đẹp... không phải vì chị là đào chính. Mà vì chị khiến người khác tin. Tin rằng trong cuộc đời nhiều khổ đau này, vẫn có những người sống vì điều gì đó lớn hơn chính mình.

...

Hôm đó cả đoàn đi diễn tỉnh. Chuyến xe cà tàng chạy xuyên qua mưa đêm, tới nơi thì ai nấy mệt bở hơi tai. Sân khấu dựng tạm, khán giả đông, trời lạnh, đường trơn. Diễn xong ai nấy rã rời.

Em với Mẫn ra quán cháo đầu hẻm, gọi hai tô đặc quánh, nóng hổi.

Tô cháo vừa bưng ra, mùi thơm đã dậy lên, quện giữa mùi hành phi, tiêu xay, với cái thoảng ngọt từ nước hầm xương — thứ mùi khiến bụng đang đói cồn cào như em chẳng thể ngồi yên. Cháo sánh đặc, sườn non ninh nhừ đến mức chỉ cần chạm đũa là tróc ra từng thớ, tan ra giữa đầu lưỡi. Phía trên rắc thêm chút hành ngò, vài lát ớt xắt đỏ au nằm trôi lững lờ như đang bơi trong biển sữa. Quán vỉa hè, bàn ghế xập xệ, nhưng cái tô đó... như thể ôm trọn cả một buổi tối dài đầy mệt mỏi.

Em ngồi suốt buổi trên xe, xóc đến ê cả sống lưng, rồi vừa tới là chạy vào thay đồ, hóa trang, ráp sân khấu. Diễn xong thì chân tay rũ rượi, đầu óc chỉ muốn gục xuống. Nhưng khi mùi cháo bay ngang mũi, em bỗng thấy ấm. Không phải cái ấm của thức ăn nóng — mà là cái ấm của một điều gì thân thuộc. Giản dị. Chân thật. Như nhà. Như vòng tay má ngày còn bé.

Cháo nóng phỏng miệng, nhưng em vẫn bưng cả tô mà húp. Không đợi nguội. Không kịp thổi. Như thể sợ chỉ chậm vài giây thôi, cái cảm giác này sẽ tan biến mất.

Còn Mẫn thì khác. Tô cháo đặt trước mặt, khói đã nguội đi từ lúc nào. Ai cũng nghĩ chị mệt. Chị chỉ cười trừ, không nói. Nhưng em ngồi đối diện, nhìn mà thấy lạ — lạ lắm. Chị không đụng đũa, cũng không hé miệng than lấy một câu. Mắt lơ đãng nhìn về đâu đó, môi hơi mím, mặt ửng hồng... lạ hơn mọi khi. Không phải kiểu lặng yên vì buồn hay vì giận. Mà như người vừa mệt, vừa lâng lâng ở một cõi nào khác. Lúc đó em không đoán ra. Chỉ biết... có gì đó trong chị không giống thường ngày.

Và thế là, giữa quán cháo đầu hẻm, một người thì cứ sùm sụp húp, như tìm lại chính mình trong từng muỗng cháo quê, còn một người thì ngồi yên lặng — giữa cái thơm, cái ấm, cái ngọt lành... mà mắt vẫn xa xăm.

Mẫn mệt, ăn chưa được nửa tô đã gật gù. Em bật cười, vừa húp cháo vừa nghiêng đầu chọc:

"Tỷ ăn lẹ đi, không lát đói xỉu cho coi."

Tỷ ngước lên nhìn em, mắt lờ đờ như phủ một lớp sương mỏng:

"Chắc... chắc chị say rồi."

"Ủa, tỷ uống rượu hồi nào mà say?"

Mẫn lắc đầu nhẹ, tóc rũ sang một bên, rồi tay quơ trúng ly trà đá, đổ cái rọt vô lòng. Em giật mình, hấp tấp buông muỗng, chồm qua đỡ. Trà ướt cả tà áo, tỷ nhăn mặt, nhưng không phản ứng gì. Cứ như người bị ngắt dây, lững thững chẳng còn biết đâu là thực nữa.

Em dìu tỷ đứng dậy, hai đứa lếch thếch đi về chỗ nghỉ — căn nhà gỗ nhỏ xíu nằm sau rạp, tường ván xộc xệch, giường tre kẽo kẹt, cái màn tuyn treo nghiêng, thủng vài lỗ nhỏ như mắt lưới, muỗi mà chui vô thì tha hồ tiệc tùng.

Không ai biết tỷ uống rượu lúc nào. Chắc trong lúc ngồi đợi hóa trang, ai đó đưa cho ngụm nhỏ, chắc để đỡ hồi hộp. Chậc... ai mà kỳ cục dữ vậy không biết. Biết người ta yếu bụng, còn xúi bậy.

Trời khuya, đường vắng hoe. Đèn đường vàng vọt loang loáng trên mặt gạch ướt, phản chiếu ánh nước như có ánh trăng rơi xuống. Tỷ vịn vào vai em, bước xiêu xiêu. Em nghe tiếng dép chị kéo lẹt xẹt trên nền đất, lòng vừa lo mà cũng vừa... thương. Thương cái dáng người từng đứng vững giữa ánh đèn rọi, giờ tựa như chiếc bóng nhòe giữa đêm tối sau rạp.

Tỷ nặng trịch, mà còn ráng rặn ra một câu như người còn đang diễn dở:

"Trác... khỉ con à... em thấy cái màn diễn hồi nãy... chị có quên thoại hông?"

Em bật cười, lắc đầu, vừa dìu tỷ qua cửa vừa nói cho qua:

"Thôi tỷ ơi, quên hay hông cũng xong rồi, khán giả vỗ tay muốn banh rạp mà còn lo gì nữa..."

Trong lúc loay hoay đỡ tỷ ngồi xuống mép giường, bỗng thấy chị khựng người lại, mắt trợn tròn. Em chưa kịp hiểu gì, thì chị giật tay em, thều thào:

"Trác... Trác ơi... chim... chim cú kìa!"

Em quay đầu nhìn theo... thiệt, ngay bậu cửa sổ, một con cú nhỏ đậu gọn lỏn, lông xám lốm đốm, cái đầu xoay xoay như xoay 360 độ vậy đó, mà im ru bà rù. Cái bóng nó hắt vô vách tường, nhìn y như một ông thầy tu cạo đầu đang ngồi thiền.

Tỷ thì khỏi nói, mặt tái mét, tay chân luýnh quýnh:

"Trời đất ơi! Trác, nó nhìn chị! Nó nhìn thiệt đó!"

Em chưa kịp trấn an, chưa kịp mở miệng "Tỷ bình tĩnh..." thì chị đã "á" lên một tiếng, đứng bật dậy như lò xo bung.

Cái đứng dậy đột ngột đó làm em té cái bịch, trượt chân, ngã dúi vô lòng tỷ. Hai đứa loạng choạng, chị thì lo né con cú, em thì lo đỡ chị, rốt cuộc thành ra nằm chồng hề nhau dưới đất, còn cái mền mỏng trên giường thì rớt xuống trùm luôn đầu em.

Khoảnh khắc đó... tim em đập thình thịch.

Ngực tỷ áp sát mặt em. Mềm, nóng hổi, run run theo từng nhịp thở. Mùi tóc chị — mùi bồ kết nồng nàn, lẫn chút khói sân khấu và mồ hôi mằn mặn — như tấm lưới vô hình trùm lên mặt em. Da chị ươn ướt, mịn như lụa mới hong, phả ra hơi ấm khiến tim em đập loạn. Em không dám cựa. Không dám thở mạnh. Chỉ biết há miệng thở khẽ, nghe vị da chị ngấm dần vào đầu lưỡi.

Một tay em — như tự nó không còn nghe lời lý trí — khẽ trượt lên, đặt hờ lên hông chị. Đầu ngón tay chạm vào lớp áo mỏng, lướt nhẹ như người dò tìm thứ gì vừa thật vừa mơ. Lồng ngực em dán sát da chị, hơi thở chị phả lên tóc em, nóng rẫy.

Trong khoảnh khắc ấy, em gần như quên mất mình là ai.

Cú vẫn ngồi yên ngoài kia, chắc nó cũng sững sờ vì màn "song kiếm hợp bích" trong nhà gỗ.

"Trác! Em làm gì đó?!"

Giọng chị thảng thốt. Cứng. Như kéo em từ cơn say về thực tại. Nhưng muộn rồi. Hơi thở em vẫn chưa kịp thu về.

"Con cú! Đuổi nó đi giùm chị đi, nó nhìn nữa kìa!!"

Em giật thót, như bị kéo bật khỏi giấc mộng. Lú đầu ra khỏi cái mền, thở hồng hộc, mặt nóng ran như có lửa:

"Con cú nó có làm gì đâu... Tỷ la dữ quá chắc nó cũng muốn xỉu theo!"

Chị chẳng trả lời. Mắt vẫn dán vô cái bóng ngoài cửa sổ, tay bấu chặt góc màn. Như thể cái gì vừa rồi chưa từng xảy ra.

Em lồm cồm bò dậy, phủi phủi cái mền, rồi hì hục bước tới phía con cú đang đậu – hiền khô, tròn vo, cái đầu nghiêng nghiêng, mặt mày ngơ ngác.

Huơ tay một vòng, em nói lớn:

"Thôi đi mậy, chỗ khác chơi giùm cái! Ở đây có người yếu tim!"

Con cú không nhúc nhích. Vẫn ngồi đó, nhìn em ngơ ngác.

Em đập tay vô vách:

"Ê... đi đi cưng. Ở đây hổng có gì vui đâu. Đi lẹ kẻo chị tao xỉu cái đùng là em bị rầy nghe chưa!"

Con cú cuối cùng cũng chịu bay đi. Nhưng còn ngoái lại lần nữa, ánh mắt như trách móc: "Con người vô tình..."

Em đóng cửa cái rầm, quay vô thấy chị vẫn co ro nép vô giường. Thế là nụ cười đang hé dần cũng phải mím chặt lại, ráng nuốt cục cười đang trồi lên tới cổ.

Tỷ ngồi đó, ôm gối, mặt vẫn chưa hết tái.

Em ngồi xuống cạnh, thở hắt ra:

"Thiệt chớ... sợ gì hổng sợ, sợ con chim cú mặt ngố dễ sợ. Thôi nghỉ đi tỷ, hên là nó chưa kêu cu cu..."

Mẫn lườm em:

"Cấm có nhắc tới nó nữa! Mốt mà em nuôi chim, chị nghỉ chơi thiệt luôn á nghe!"

Mẫn vẫn còn run, tay chân ướt nhẹp vì ly trà đá đổ ban nãy. Em lật đật đi lấy cái khăn, nhúng nước ấm rồi trở vô, ngồi xuống trước mặt chị mà lau từng chút một. Cái váy lấm lem nước trà, tóc chị xòa ra hai bên má, dính lại vì mồ hôi. Em cẩn thận chùi phần cổ áo, rồi tới hai cánh tay khẳng khiu, vừa lau vừa thầm nghĩ: "Tỷ ốm quá..."

Chị nhắm mắt, để yên cho em chăm chút. Nhưng rồi bỗng cười khúc khích:

"Khỉ con... còn như xưa quá. Nhớ không? Ngày xưa cũng ngã vào lòng chị kiểu này nè."

Em nằm đơ như đá. Tai đỏ bừng. Trái tim đập thình thịch như muốn chui ra khỏi lồng ngực.

Nhưng chưa kịp mơ thêm gì, chị bật cười – cái kiểu cười khan khô khốc khi hơi rượu đang tan dần khỏi người:

"Trác à... em đúng là như con khỉ nhỏ của chị hồi xưa..."

Chị nói tiếp, không nhìn em:

"Nhỏ xíu, dễ thương, lúc nào cũng chực chờ ôm ôm hun hun má..."

Rồi chị đứng dậy, phủi phủi áo, giơ tay ra kéo em:

"Lên, khỉ con. Ngủ sớm, mai còn chạy sân khấu."

Chị xoa đầu em như dỗ con nít, rồi vừa cười vừa nói:

"Mai mốt ai lấy được em, chắc là vui cả đời. Chứ chị thì già rồi... chỉ hợp làm bà chị khó tính của em thôi."

Lời chị nhẹ tênh. Nhưng tim em thì rớt một nhịp.

Cái tay đang níu áo chị... em buông ra, lặng lẽ.

Đêm đó, chị ngủ mê man. Em ngồi bên, không chợp mắt nổi, cứ nhìn hoài ra cửa sổ – nơi con chim cú từng đậu.

Nó không còn ở đó nữa.

Chỉ còn bóng đêm. Và một thứ gì đó trong lòng em vừa lặng lẽ gãy đi.

...

Ánh đèn cuối cùng trong rạp hát chớp nhẹ, như con mắt của một khán giả vô hình đang dõi theo cô.

Trác ngồi bệt xuống sàn gỗ, lưng tựa vào cánh gà, nơi Mẫn thường đứng nhìn ra trước mỗi buổi diễn.

Cô ngửa đầu, ánh sáng vàng hanh rọi nghiêng khuôn mặt đã lấm tấm mồ hôi. Không còn ai ở đây. Không còn ai để cô phải gồng mình diễn cho vừa ý.

Có tiếng gió rít ngoài cửa. Có tiếng dây cột màn rũ xuống, như một tràng thở dài không lời.

Cô khẽ nhắm mắt, để từng mảnh ký ức chầm chậm trôi về — như ánh bụi trong tia sáng.

"Em có gì đâu ngoài một giọng hát, chút duyên sân khấu, và một trái tim không biết đặt vào đâu cho đúng..."

Trác nghĩ về Mẫn – về những buổi tập khuya, những lúc cô bắt gặp Mẫn ngồi tựa đầu vào ghế nghỉ, mắt lim dim mà môi vẫn khe khẽ ngân nga.

Về lần Mẫn quay lại sân khấu sau một cơn ốm, Trác đã chờ sẵn, chìa ra cho Mẫn chai nước đường phèn gừng nấu sẵn — mà Mẫn chỉ cười, bảo "Em chu đáo ghê."

Một nụ cười, mà Trác đã mang theo suốt nhiều đêm dài.

Cô chưa từng nói với Mẫn. Vì Mẫn khi cười như thế, là đang nhìn về nơi nào khác rồi.

Trác ngửa bàn tay mình ra trong bóng tối, như thể tìm lại hơi ấm của một người đã lâu không chạm tới.

"Có phải chỉ mình em là người lạc đường trong mối cảm tình này không?"

Tiếng bước chân tưởng tượng vọng về từ khán phòng trống rỗng. Như có ai đó vẫn đang đợi cô nói một câu kết cho vở diễn chưa từng kết thúc.

...

Trác ngồi đó, nhìn ánh đèn sân khấu đã tắt, chỉ còn những mảng bụi lơ lửng nơi ánh sáng hắt lại từ dãy ghế khán giả trống.

Hơi thở nhẹ. Như sợ khuấy lên điều gì đó trong lòng.

Nơi ấy – giữa khoảng lặng mênh mông của rạp hát cũ – không hiểu vì sao, khuôn mặt của Chi Lợi lại hiện ra.

Ánh mắt lúc nào cũng dịu dàng, nụ cười pha chút gì chua chát. Người hay lặng lẽ ngồi đợi sau cánh gà, chìa cho cô một điếu thuốc, một cái gật đầu thay lời hỏi han.

"Cũng có phải em chưa từng thử đâu, tỷ à..."

"Em biết...tỷ thương em."

Tỷ Lợi không bao giờ hỏi em thương ai. Nhưng em biết tỷ biết.

Cái cách tỷ ấy đưa áo khoác cho em những đêm về khuya, cái cách tỷ đổ thuốc ho ra muỗng rồi bảo em ngậm từ từ, không uống vội – nó dịu dàng... như chỉ có thể dành cho người mình thương.

Chẳng bao giờ nói ra, nhưng từng cái nhìn, từng hơi thở đều nhẹ như thể chỉ cần em nghiêng một chút là sẽ rơi vào vòng tay ấy.

Em biết, và em quý, và em day dứt.

Mà cũng đâu phải em chưa từng thử...

Cũng có lần em nhìn tỷ, rất lâu, rất thật – như muốn hiểu xem trái tim mình có thể nào... nghiêng về phía ấy, thử hình dung nếu một ngày mình chấp nhận vòng tay ấy.

Thấy tỷ đối với mình chân thành như thế, em cảm động lắm chứ.

Tỷ luôn lặng lẽ bên em, không đòi hỏi. Là người duy nhất luôn biết lúc nào em đang buồn, biết dỗ dành bằng im lặng, chứ không phải lời.

Chỉ là...

Cảm giác ấy – nó không giống với khi nhìn thấy chị ấy.

Không có gì trào lên trong tim, không có tiếng gì vỡ ra trong ngực.

Em thương tỷ ấy như thương một người chị. Một người thân. Một cảm giác yên — yên đến nỗi... em biết, nếu em gật đầu, có khi chỉ là vì thấy áy náy.

Chứ không thể là thứ tình yêu cuộn trào, khiến tim thắt lại mỗi lần thấy người kia đau, thấy người kia cười với kẻ khác.

Em biết mình tệ...

Tệ ở chỗ, ngay cả khi không thể đáp lại, vẫn để tỷ ấy ôm hy vọng.

Nhưng mà... em cũng không biết phải nói ra sự thật đó thế nào.

Làm sao có thể nhìn vào mắt một người đã dành cho mình cả sự dịu dàng, rồi bảo: "Tỷ à, em không thương tỷ như vậy..."

Vả lại, tỷ thông minh lắm.

Chắc đã biết từ lâu rồi.

Chỉ là... biết vẫn khác với chấp nhận.

Biết mà vẫn ôm hy vọng — mới là điều khiến tim người ta đau dài dằng dặc.

Em không cố tình gieo một mầm tương tư.

Chỉ là... em không đủ tàn nhẫn để nhổ nó lên, ngay từ đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com