Tứ Thập Tứ (四十四)
Đêm lắng xuống chậm như thể tiếc ngày chưa nói hết lời. Mái ngói lượn sóng ánh vàng nhạt, đèn đường hắt qua vòm lá trứng cá làm sân gạch ngỡ như đang chuyển động. Gió từ kênh Xáng thổi lên, mang theo mùi nước cũ pha với hơi nhang trong các miếu gần đó, vừa thâm u vừa quen thuộc như một món nợ chôn dưới đất nhiều năm chưa ai đào lên.
Trên bức tường rêu cũ, bóng của những cành hoa giấy lay nhẹ, như vết mực lỡ tay quệt qua bản án chưa tuyên. Xa xa, tiếng chó sủa một hồi rồi im bặt, nhường chỗ cho tiếng rao khuya đơn độc như từ một kiếp trước vọng về. Đèn trên gác hai còn sáng, nhưng không ai đi lại. Căn nhà ba gian lặng như thể chính nó cũng đang nín thở, dè chừng điều gì đó sắp vỡ ra.
Thời gian ở đây không trôi, nó lắng. Lắng xuống từng lớp bụi, từng kẽ gạch, từng khe gió rít khe khẽ qua cánh cửa khép hờ. Và trong lòng thời gian ấy, có một người đàn ông vẫn ngồi y nguyên trên chiếc ghế cũ bọc nhung sờn mép, như đã ngồi vậy từ ngày bỏ dao găm vào túi, vắt óc nghĩ về bàn cờ chính trị.
Quản Long. Cái tên ấy không cần nhắc, không ai dám gọi trống không. Một đời trèo lên từ vũng bùn, giờ ngồi trong lâu đài do chính tay mình đắp bằng máu. Nhưng đêm nay, ông không uống rượu. Cũng không hút thuốc. Chỉ ngồi đó, xoay xoay chiếc nhẫn bạc trên ngón tay như kẻ đang cân đo từng quân cờ trên bàn thiên hạ – và một quân vừa mới chịu đặt xuống.
...
Chắc cũng phải gần một canh giờ trôi qua từ lúc cánh cửa trước mặt ông đóng sầm lại. Không ai ra vào. Không tiếng bước chân. Không tiếng côn trùng. Căn phòng như đã già đi thêm mười tuổi kể từ khoảnh khắc ấy.
Chiếc ghế ông ngồi đã lõm xuống ở phần lưng, chỗ tựa bị tróc lớp nhung đỏ, để lộ phần đệm bên trong đã ngả màu thuốc bắc. Ghế ấy ông đặt sát cửa sổ, đúng vị trí có thể nhìn bao quát cả sân gạch phía trước lẫn hành lang dẫn ra phía sau nhà, như một thói quen cũ từ thời còn giắt súng ngủ dưới gầm giường. Bao năm nay, không đêm nào ông không ngồi đó. Nhưng hôm nay là lần hiếm hoi ông ngồi quá lâu mà không động tay vào ly rượu. Cũng không đưa tay vặn lại chiếc đồng hồ treo trên tường đã chạy chậm mất ba phút.
Không phải vì ông mệt. Mà vì ông đang phân thân trong suy nghĩ. Một phần ông đang ở đây – hiện tại – cùng ly rượu và chiếc ghế nhung. Phần còn lại thì đã lùi về hai mấy năm trước.
...
Căn phòng dần tối hẳn. Ánh đèn ngoài sân chỉ còn lấp ló nơi khe cửa, không đủ soi rõ ly rượu trên bàn. Gió lùa qua khe vách gỗ, chậm rãi như thể đang lật từng trang của một cuốn sổ đời cũ, viết bằng máu, chưa bao giờ khép lại. Mùi nhang sót lại từ chiều vương trong không khí, quện với mùi rượu, mùi thuốc, và cả chút ẩm mốc của thời gian — như thể mọi thứ đang chờ một ai đó kể lại. Không phải để được nhớ. Mà để không bị quên.
Mười tám tuổi. Một thằng nhãi lạc mẹ từ năm bảy tuổi ở bến phà Đại Ngãi, không biết mặt cha, không nhớ nổi họ, lớn lên giữa những chuyến ghe hàng chạy dọc sông Hậu, trôi dạt như rác, sống lây lất bằng đủ thứ nghề: vá lốp xe, bốc vác, lặt rau, kéo võng cho mấy ả điếm trong xóm nhà đèn, đêm đến ngủ đâu không quan trọng — miễn là không bị đá dậy hay đạp xuống sông. Không tên, không giấy tờ, ai hỏi tới, chỉ buông gọn lỏn: "Tao tên Long." Mặt còn non choẹt, giọng còn vỡ chừng nửa, nhưng ánh mắt thì đã hết tuổi thơ từ lâu. Đó là cặp mắt của một đứa từng đói đến độ phải chực giật cá cúng từ miếu ông Tà đem ra ăn sống.
Lần đầu hắn biết đến cái gọi là "giới", là khi bị bắt đi giữ xe cho tiệm bida ở thị trấn Phú Lộc. Một ổ mối vừa nhúc nhích là rớt ra tiền bẩn: giang hồ vặt, tụi lô đề, bài bạc, gái gú, đâm thuê chém mướn, và cả mấy tên công an đêm đêm ghé vô rửa mặt, xin lộc. Cái tiệm đó của Bảy Dần — ông trùm khu vực, một thằng miệng thì cười như Phật Di Lặc nhưng ra tay như cọp đói, từng dùng kìm bấm răng một tay buôn thuốc giấu hàng. Ở đó, hắn chỉ là thằng nhóc chùi bóng xếp bi, hứng nước rửa tay, rửa chân. Quét sàn, lau ly, bưng đá. Nghe nhiều hơn nói. Nhìn nhiều hơn thở. Cái kiểu sống của một con chuột biết mình đang ở giữa ổ rắn, nhưng chưa muốn chết.
Cho đến một buổi chiều, Bảy Dần nổi trận lôi đình vì mất cuốn sổ nợ — thứ không khác gì tấm vé sinh tử của cả khu: từ dân chạy xe ôm cho tới tụi công chức rửa tiền, từ con nợ hàng xóm cho tới vài tên tai to mặt lớn ký tên bằng dấu mộc. Không ai biết nó biến đâu. Người bị lục soát đầu tiên là hắn. Nhưng khi bị kéo lên tra hỏi, Long — lúc đó mới mười chín — chỉ nhìn thẳng vào mặt Bảy Dần và bắt đầu kể. Từng người. Từng món. Từng ngày giao tiền. Ghi chú màu mực, cách gạch chân, số thứ tự, dấu mực lem. Thậm chí còn chỉ ra vài khoản bị bỏ sót. Cả tên một gã từng được xóa khỏi sổ nhưng vẫn còn nợ.
Bảy Dần ban đầu bán tín bán nghi, sai người thử chép lại. Hắn đọc. Viết đúng từng chữ. Nhớ từng dấu chấm. Nhớ luôn cả mùi thuốc rê vương trên trang cuối. Một thằng nhãi không cha, không giấy, không quê quán, nhưng đầu óc thì như cái két mở sẵn, gõ đâu mở đó. Hắn đổi cây chổi lấy ghế sắt. Từ đứa giữ xe thành thằng giữ két. Không phải vì trung thành. Mà vì trí nhớ sắc như dao, ánh mắt không biết cúi đầu, và cái im lặng khiến cả những thằng đàn anh lâu năm cũng thấy lạnh sống lưng.
Một năm sau, Bảy Dần chết. Trúng chén thuốc lúc nửa khuya, trong phòng riêng. Không đau đớn. Không la hét. Chỉ là... ngưng thở. Người cuối cùng bưng cơm cho lão là hắn. Cơm còn ấm, muỗng còn dính nước mắm. Không ai hỏi. Không ai dám hỏi. Không ai kết tội. Không ai dám nhắc tên. Và cũng không ai dám ngồi vào cái ghế trống đó.
Bởi chỉ trong đêm hôm sau, ba đứa thân tín nhất của Dần — một đứa quản lý sòng, một đứa thu tiền, một đứa làm giao liên — lần lượt biến khỏi đất Phú Lộc như sương tan đầu ngõ. Không xác. Không tiếng súng. Không lời từ biệt. Chỉ là sáng hôm sau, ai nấy tự hiểu.
Ngày kế, hắn nghiễm nhiên trở thành người đứng tên chuỗi ba tiệm cầm đồ, bốn sòng bài, và một phòng khám Đông y. Tên hắn bắt đầu được nhắc giữa những bàn nhậu, những sới bạc, và cả trong mấy bản báo cáo nội bộ mà không ai dám ký tên thật. Không một tiếng súng. Không một giọt máu. Chỉ là những cuộc điện thoại không ai dám gác máy, những cái gật đầu không ai dám rút lại, và những cái nhìn tránh đi khi hắn bước ngang.
Người ta gọi hắn là thằng mồ côi từ miếu ông Tà. Nhưng giờ, chính ông Tà chắc cũng phải dời chỗ.
...
Ngồi vào ghế của Bảy Dần, Quản Long không mở tiệc mừng, không nhận anh em kết nghĩa, cũng không rót rượu tạ lễ. Hắn chỉ cho người niêm phong két sắt, đổi ổ khóa, đốt sạch giấy nợ cũ, rồi tự tay viết lại từng tên từ trí nhớ. Ai từng vay, từng lật lọng, từng chậm trễ, từng phản phé – không cần bằng chứng, hắn đều nhớ. Hắn không làm đàn anh. Hắn làm chủ nợ. Và từ đó, tất cả phải sống dưới luật của hắn.
Ba tháng sau cái chết của Bảy Dần, cả khu Phú Lộc không còn ai dám chơi đề nếu chưa lén lút xin phép hắn. Cũng chẳng còn ai đủ gan nhận một đồng tiền bảo kê từ mấy chợ đầu mối dọc sông mà chưa "cúng" hắn một phần. Ai muốn gặp, hắn đều từ chối. Nhưng tất cả – từng người một – đều nhận được hồi đáp. Có kẻ nhận một cú điện thoại lúc nửa đêm, giọng khàn như cát giấy, đọc đúng một câu rồi cúp máy. Có kẻ thò tay vô túi áo khoác lúc về nhà thì thấy một mảnh giấy gấp làm tư, viết nguệch ngoạc đúng tên vợ con mình. Và có kẻ, sáng hôm sau trôi lềnh bềnh trên bãi cạn, bụng trương nước, mặt úp xuống đất bùn – không ai biết chết từ lúc nào, chỉ biết người thân của hắn nhận được đúng một tin nhắn: "Trả trễ."
Hắn không để ai hiểu rõ cách làm. Cũng không cần ai hiểu. Đám đàn em mới theo ban đầu còn đồn nhau hắn nhát gan, chỉ biết ghi ghi chép chép, chơi chiêu làm màu. Cho đến một đêm, khi tất cả được gọi về căn hầm cũ phía sau tiệm cầm đồ – nơi từng là nhà kho, giờ đã hóa thành chỗ dằn mặt. Ở đó, chính mắt họ thấy hắn ngồi bệt trên nền xi măng lạnh toát, giữa một vũng nước tiểu, tay cầm cây đục thép bản dẹp. Trước mặt hắn là thằng Trực "móc", từng làm tay chân thân tín, vừa bị bắt quả tang bán thông tin cho tụi ngoài. Nó bị trói giật cánh khỉ, miệng bị nhét giẻ, nước mắt giàn giụa, nhưng không ai lên tiếng xin. Hắn không nói một lời. Chỉ đưa tay nhúng đục vào thau nước, rồi dộng phát đầu tiên vào ngón trỏ. Xương bật ra trắng hếu, móng bể nát, máu xịt thẳng lên áo hắn. Hắn không né. Cũng không chớp mắt. Rồi phát thứ hai. Phát thứ ba. Mỗi lần xuống tay là một tiếng "cạch" lạnh như đá vỡ. Trực giẫy, cả thân co giật như cá bị lột vảy sống. Nhưng hắn vẫn đều tay, như đang sửa một món đồ cũ, không vội vã, không biểu cảm. Đến khi tới ngón thứ sáu, lưỡi đục dính lại vì máu đã đóng bệt. Hắn chỉ bảo lấy dầu chà vào, rồi làm tiếp.
Từ đêm đó, không ai dám nhìn hắn quá ba giây. Cũng không ai dám hỏi thêm về những tờ giấy, những cú điện thoại, hay những cái xác trôi. Vì họ hiểu: một khi hắn đã xuống tay, là không còn chỗ cho xin lỗi, càng không còn chỗ cho mặc cả.
Quản Long không có bạn. Chỉ có người cần thiết. Trong những năm sau đó, hắn âm thầm dựng một mạng lưới riêng: tiệm cầm đồ, gara xe, quán bar, chùa miễu, cả phòng khám và tiệm thuốc Bắc – chỗ nào cũng cấy người. Không phải để rửa tiền. Mà để rửa sạch lòng tin. Một hệ thống vận hành trơn tru, không theo cảm xúc, không để lại mối ân nghĩa. Ai thiếu nợ, hắn nhớ. Ai giúp, hắn cũng nhớ. Nhưng không ai được phép nhắc tới chữ "ơn".
Có lần, một tay anh chị từ Sài Gòn xuống, nghe đồn về hắn, tới gạ bắt tay làm ăn. Gã cao lớn, da trắng, ăn mặc bảnh bao, đi đâu cũng mang theo cặp kính râm và hộp xì gà như một phần lễ nghi. Trước mặt đàn em, gã vỗ vai Quản Long cười lớn: "Chơi lớn đi thằng em. Hai mình, một mối." Không ai trong bàn nói gì. Chỉ có hắn, tay chậm rãi gắp miếng lưỡi vịt, chấm muối tiêu, ngước mắt nhìn gã: "Ừ, em cũng thích mấy thằng biết chơi lớn."
Sau bữa nhậu đầu tiên, hắn bảo đàn em tìm đúng một hộp Cohiba chính hãng – không phải loại ngoài chợ trời, mà là hàng xách tay từ Cuba, qua tay một ông nghị miền Trung. Hắn không nhờ người khác đưa. Đích thân mang tới, đặt lên bàn, còn tự tay lột lớp nilon, gỡ từng điếu, nói nửa đùa nửa thật: "Ngon thì hút, dở thì bỏ. "
Ba ngày sau, gã nằm trong nhà xác – mặt tím tái, miệng rỉ bọt trắng, trúng độc ngay từ điếu đầu tiên. Không chết vì xì gà. Chết vì nghĩ mình ngang hàng với người đưa nó. Hắn không cãi nhau. Không lớn tiếng. Không rút dao. Hắn chỉ để gã tự mở miệng, rồi cho gã chọn cách chết.
Từ một tên giữ sổ cho tiệm bida ông Bảy Dần, Quản Long leo lên như thể nước dâng không kèn không trống. Không ai biết hắn bắt đầu từ đâu – chỉ biết, qua mỗi mùa mưa, lại thêm một người biến mất, và tên hắn thì thấp thoáng trong những câu chuyện không đầu không đuôi, như thể một bóng vía. Hắn không để ai gọi mình là đại ca. Đại ca thì nhiều. Hắn chỉ nhận hai chữ: "and Long", bằng cái giọng vừa kính vừa dè chừng, như gọi tên một tai họa chứ không phải người.
Hắn không xây biệt thự, không mua xe sang. Đi đâu cũng xài chiếc Dream cũ, thay pô cho êm, không biển số. Ở mãi căn nhà ba gian ở cuối dốc – tường vôi cũ, mái ngói bạc màu, chỉ thay đúng một món: cái ghế bành đệm lò xo ngồi đọc báo. Mỗi đêm, hắn vẫn ngồi đó, mắt nhìn xuyên tờ báo ra ngoài bóng tối. Như một tượng đá biết thở. Chờ một chuyện chưa biết tên.
Đàn em từng hỏi hắn: "Anh không sợ tụi nó chơi lại sao?"
Hắn chỉ cười, giọng khàn như đục sỏi: "Chơi là phải cho tụi nó biết thua. Không thì đừng bắt đầu."
...
Sau ba năm, khi mọi mối dây ở Phú Lộc đã nằm gọn trong tay, Quản Long bắt đầu ngó về phía Nam. Sài Gòn – mảnh đất chật mà giàu, phồn hoa nhưng mục ruỗng – là đích đến. Không phải vì hắn chưa từng đặt chân tới, mà vì chưa đúng thời. Thành phố ấy đông như ổ rắn bò trong hốc tối, bề ngoài bóng loáng mà bên trong đầy nọc độc. Mỗi con hẻm có một ông trùm. Mỗi tụ điểm có một đường dây. Đụng vào mà không tính đường, chỉ có nước trôi sông hoặc rữa xác trong bãi rác.
Hắn không vội. Hắn biết mình chưa đủ gốc để chen chân vào mấy ổ đầu não đã đóng đô hàng chục năm trong khu Chợ Lớn, Chánh Hưng, Tân Bình – toàn những tên cáo già, có móc nối từ cảnh sát chìm tới giới chủ báo. Nhưng hắn cũng biết, chỗ nào càng chật thì càng có kẽ hở. Vấn đề là tìm ra nó.
Kẽ hở ấy nằm ở phố Phạm Ngũ Lão – nơi mà tây ba lô, bụi đời, y sĩ lang băm và ma túy chen chúc nhau sống từng ngày. Một vùng xám xịt giữa lòng thành phố hoa lệ, nơi dân phòng lười kiểm tra, còn công an thì vừa mỏi mòn vừa lo sợ. Chỉ vài tháng trước, cả đồn Hàng Xanh vừa ăn ba trái lựu đạn của bọn biệt động cài lại, mảnh xác còn dính trên trần nhà. Từ đó, bọn "ti cảnh" như chó ngửi thấy máu, đứa nào mới đến, đứa nào không giấy tờ, tụi nó đều chặn lại xét kỹ từng móng tay. Mà có đứa đút lót, nghe đâu vài bữa sau người nhà lên thăm chỉ còn nhận được một bao tro – xác khô quắt treo ở khám lớn, không ai dám mang về chôn.
Quản Long biết, muốn cắm rễ ở chốn này, không thể xuất hiện như một tay trọc phú đi đêm. Hắn cần một cái vỏ. Một vỏ bọc sạch, hiền, và đáng thương. Một cái mặt nạ mà khi nhìn vào, tụi ti cảnh sẽ thấy chán nản, còn mấy bà nội trợ lại thấy cảm tình.
Và hắn chọn: tiệm thuốc Bắc.
Tiệm nằm ngay góc ngã ba, bên cạnh một quán cà phê lụp xụp và một tiệm ảnh cưới cũ kỹ, vốn của một thầy lang lưng còng, bắt mạch theo kiểu truyền thống, có cả bàn thờ Quan Công phía sau quầy. Hắn không giết lão. Chỉ cho người "mời" đi một chuyến tẩm quất miễn phí – kéo dài năm tiếng, đủ để xương sườn rạn vài mảnh và cổ tay gãy đôi. Mỗi tiếng trôi qua là một câu hỏi không cần lời đáp, một bài học cho kẻ không biết điều.
Sáng hôm sau, giấy chuyển nhượng tiệm được đặt ngay ngắn trên mặt bàn, cạnh một phong bì dày, dằn thêm gói cao đơn hoàn tán. Lão ký, tay run như sốt rét, không hỏi gì thêm. Hắn không đuổi đám đệ tử cũ của lão – trái lại, thuê luôn tụi nó đứng quầy. Mặt mũi khắc khổ, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, có chút quê – thứ dân phố thích, mà công an không thèm để ý.
Chỉ còn thiếu một thứ duy nhất: đứa con hờ.
Một người cha đơn thân nuôi con – hình ảnh không ai nỡ nghi ngờ. Ai cũng dễ cảm, nhất là trong bối cảnh thành phố đầy những đứa trẻ mồ côi vì bom đạn, ly tán. Hắn chọn cách xuất hiện mỗi sáng sớm: mặc áo bà ba xám, ngồi bào thuốc bằng con dao mẻ, hoặc gõ bàn tính gỗ như ông già nhà quê. Trưa thì bưng cơm cho con, chiều lại ra trước tiệm nhóm lò sắc thuốc, thỉnh thoảng đưa tay vỗ về "con bé" mỗi khi nó ho. Bàn thờ Quan Công vẫn còn đó, mùi trầm vẫn quẩn quanh, như chưa từng có ai thay chủ.
Từ một thằng không tên không giấy tờ, giờ hắn trở thành "ông Quản" – thầy thuốc lương thiện, người cha tần tảo, chủ tiệm thuốc quý ở khu Phạm Ngũ Lão. Vỏ bọc hoàn hảo, không một vết nứt.
...
Hắn nghĩ đến chuyện đó khi đang trên đường từ Biên Hòa trở lại Sài Gòn, xe chồm chồm trên mặt lộ đầy ổ gà, nắng hắt xuống mái tôn hai bên nóng rẫy như gió từ lò nung. Qua khỏi bến xe, đoàn người bắt đầu dày đặc. Mấy dãy chợ xép xập xệ nối nhau, tiếng rao, tiếng xe, tiếng cãi nhau chan chát như nồi lẩu sôi tràn, chực đổ.
Xe vừa lướt ngang một sạp trái cây cũ kỹ, hắn bỗng bảo tài xế:
"Khoan."
Gã tài xế thắng cái "két", ngoái đầu:
"Chi vậy anh?"
"Dừng lại. Lui chút."
Không hiểu vì cớ gì – có thể chỉ là một bản năng xao động sau gáy – mắt hắn dừng lại ở một góc khuất sau hai sọt xoài dập, ngay sát chân cột điện. Ở đó, có một con bé đang ngồi co ro. Nhỏ xíu. Chắc chưa tới mười tuổi. Mặt mũi đen nhẻm, tóc tai rối bù như rễ cỏ, hai chân kẹp lấy nhau, đầu gối tì vào cằm. Nó không khóc. Không ngửa tay xin ai. Cũng không ngủ. Chỉ ngồi đó, bất động, như một món đồ bị bỏ quên giữa lòng phố.
Nhưng ánh mắt... lại không vô hồn.
Nó đang nhìn thẳng vào xe hắn. Không đảo quanh, không chớp lấy một cái – như thể biết trước người ngồi sau lớp kính ấy sẽ là kẻ định đoạt số phận mình.
Hắn mở cửa xe, bước xuống.
Mùi mồ hôi, khói xe và vỏ trái cây thối xộc lên, nhưng hắn vẫn đi lại gần, chậm rãi như đang bước vào một chỗ cúng vái. Con bé ngẩng đầu lên. Không lùi lại. Không tránh né. Khuôn mặt nó lấm lem, môi khô nứt, tay ôm chặt một cái túi vải rách đến mức không còn hình dạng, nhưng ánh mắt – lại sáng và trầm. Không phải ánh mắt của một đứa trẻ.
Mà của một người đã mất hết, và chấp nhận điều đó.
Hắn đứng nhìn một lúc lâu. Không nói gì. Rồi hỏi:
"Ba mẹ đâu?"
Con bé không trả lời. Nó chỉ lặng lẽ chìa ra cái túi. Hắn nhận lấy, mở ra.
Bên trong là một hộp gỗ nhỏ. Hắn bật nắp. Một cây trâm gãy. Một mảnh vải lụa cũ sờn. Và một xấp tiền âm phủ. Không gì quý giá. Nhưng rõ ràng là những thứ cuối cùng nó giữ lại – như một thứ tang lễ nhỏ cho tuổi thơ.
Hắn nhìn hộp. Rồi nhìn nó.
"Muốn theo tao không?"
Con bé gật đầu. Không do dự. Không sợ hãi. Như thể nó đã sẵn sàng từ trước.
Hắn quay lưng, đi trước một bước, rồi dừng lại. Gió thổi qua mái tôn trên đầu, âm thanh xào xạc như tiếng thì thầm của một ai đó đã chết từ lâu.
Hắn không hỏi tên. Không hỏi tuổi. Chỉ lẩm bẩm:
"Rồi, con nợ đầu tiên của tao ở đất Sài Gòn..."
Nói thế thôi. Nhưng khi hắn quay lưng bỏ đi, bàn tay trong túi áo đã siết lại.
Không phải vì giận. Cũng không vì mưu tính.
Chỉ đơn giản là... thấy trong lòng trống đi một khoảng – thứ cảm giác mà mười năm rồi hắn không còn nghĩ sẽ quay lại.
...
Hắn không đặt tên ngay. Phải đến vài hôm sau, khi vai diễn "ông chủ tiệm thuốc Bắc nuôi con gái mồ côi" đã vào guồng, hắn mới bắt đầu nghĩ tới chuyện ấy. Một cái tên – không được quá nổi bật, nhưng cũng không thể tầm thường. Phải vừa đủ kín đáo để lẩn vào đám đông, vừa đủ sắc để tồn tại.
Hắn đặt cho nó ba chữ: Liễu Trí Mẫn.
"Liễu" – không phải vì hắn thích cái họ đó, mà vì hắn nghĩ đến loài cây cùng tên. Loài cây mọc ven hồ, mềm dẻo, mảnh khảnh nhưng không bao giờ gãy. Nó biết cúi mình theo gió, biết cong xuống lúc mưa to, nhưng gốc rễ thì vẫn trụ. Trong mắt hắn, nếu con bé muốn sống sót giữa cái thế giới ngầm này – nơi gió độc thổi từ cả cảnh sát lẫn dân giang hồ – thì nó phải học cách như thế: không đối đầu, không phô trương, nhưng không bao giờ được gãy.
"Trí" – vì hắn không cần một con rối, hắn cần một cái đầu biết nghĩ, biết tính, biết lùi để tiến.
"Mẫn" – vì hắn ghét sự ngu si chậm chạp. Một kẻ sống sót phải tinh tường, bén nhạy, không ai ra hiệu mà không hiểu, không ai cười giả mà không biết đang bị khinh.
Một cái tên tưởng như vô cảm, nhưng lại chất đầy kỳ vọng. Trong đầu hắn, đứa nhỏ chỉ là một phôi thai – một con tốt có thể rèn thành dao, hoặc vứt đi nếu hư. Hắn không nghĩ mình thương nó. Không hề.
Thế nhưng, lúc viết ba chữ ấy xuống mảnh giấy giả mạo, tay hắn khựng lại một nhịp. Như thể ở tận sâu trong một góc tâm trí mà chính hắn cũng không muốn nhìn vào, một ý nghĩ đã thoáng qua: nếu nó thành người thì sao? Nếu nó sống sót, mạnh hơn, khôn hơn, tàn nhẫn hơn cả mình thì sao?
Và nếu... nó sẽ là con mình thật thì sao?
Nhưng hắn gạt ngay. Hắn là ai? Một kẻ như hắn không được phép có con. Càng không được phép yếu lòng. Đặc biệt với một đứa con gái.
Thế nhưng, cái tên ấy vẫn còn đó – ba chữ: Liễu Trí Mẫn. Như một dấu mốc nhỏ nhoi đầu tiên, đánh dấu thứ tình cảm mà hắn chưa từng gọi được thành tên. Và cũng chưa bao giờ dám nhận là có.
...
Ban đầu, ông chỉ định cho nó theo học mấy ông thầy lang trong tiệm thuốc. Một nghề tử tế, không dính máu. Dù sau này có bỏ rơi, con bé cũng không lưu lạc ngoài chợ đời, không bị ai dụ dỗ hay sa vào chỗ nào tăm tối. Ông từng nghĩ vậy – đơn giản, thực dụng, như cái cách một người từng đói khát sinh ra bản năng thương hại với kẻ cùng khổ. Nhưng rồi có một lần...
Hôm ấy, trời mưa lất phất. Ông về tới nhà, áo còn ướt mưa, đầu còn ong ong vì mấy cú điện thoại đứt đoạn với thằng Bảy Gai. Đám người của Hùng bỗng giở quẻ, lại đúng lúc thằng Thịnh vừa dính bẫy. Trí là mắt xích cuối cùng, không cạy ra được thì cả đường dây coi như mất. Đáng ra việc này đơn giản, nhưng tay Hiếu – thằng chuyên giữ cửa trong tiệm – sáng nay ngã xe, gãy mất hai đốt ngón, giờ còn rên hừ hừ trong Chợ Rẫy.
Ông biết cần người thay thế, ít ra cũng phải biết nhìn mặt chủ mà không mở miệng thừa. Cái tiệm Thọ Ký Đường mới mua này từ đầu vốn được ông chọn làm chỗ chính để "làm việc". Con bé rồi cũng phải biết.
Ông bước qua cổng, thấy mùi canh sấu chua và trứng thịt thoảng ra từ bếp. Đèn dầu hắt ánh sáng vàng êm lên từng đường nét trên khuôn mặt con bé đang chăm chú cầm bút. Nó vừa ngẩng lên nhìn ông, ánh mắt y như mọi lần: không sợ, chỉ có chờ đợi.
Ông đứng một khắc, nhìn nó, trong đầu còn phân vân liệu có nên để nó thấy cảnh ấy ngay từ lần đầu không. Nhưng rồi nghĩ lại, đây là lúc thích hợp hơn bất cứ lúc nào.
Ông buông một tiếng khẽ khàng, giọng khàn nhưng đều:
"Đi thay đồ. Theo ba làm việc."
Nó không hỏi gì, cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Chỉ cúi đầu vâng một tiếng, rồi lẳng lặng quay vào thay đồ. Mười phút sau, đã thấy nó đứng đợi nơi hiên nhà, tóc cột gọn, áo sẫm màu, dép lê không tiếng động. Ông không nói, nó cũng không hỏi. Hai người lên xe, rẽ qua những con đường ướt mưa, len sâu vào lòng Chợ Lớn – nơi tiếng rao đêm và mùi thuốc bắc đã trở thành một phần của cuộc đời ông.
Đến tiệm Thọ Ký Đường, nó vẫn lặng thinh, chỉ liếc nhìn mấy bó rễ cây treo lủng lẳng bên hiên như thể muốn hỏi đây là đâu, nhưng rồi lại thôi. Cái hầm ẩn ấy từng là kho hàng lậu của một tay người Triều Châu, sau khi gã bị bắt thì bỏ không gần hai năm. Ông cho người trát lại vách, lát nền bằng gạch tàu dễ lau máu, chêm thêm hai bóng đèn tròn nhỏ để tránh chói mắt tù nhân. Dăm cái móc sắt cũ trên trần thì giữ lại một phần, ông cho hàn thêm vòng xích neo thẳng từ dầm gỗ xuống. Thứ ông cần là sự ổn định và sạch sẽ, không phải để giết – chỉ cần khiến đám kia nghĩ mình sẵn sàng giết là đủ.
Nó đi sau ông qua dãy hành lang gỗ cũ, tới chỗ tấm thảm trải sàn đã sờn mép. Khi ông quỳ xuống kéo mép thảm, tra chìa mở hầm, ông liếc thấy nó khẽ nuốt nước bọt – nhưng vẫn không bước lùi nửa bước. Lúc cánh cửa sắt bật mở, hơi lạnh dưới hầm phả lên làm mắt ông cay xè. Ông bước trước, nó theo sau. Mỗi bước chân như gõ lên ký ức cũ của chính ông: những ngày còn lang thang bên biên giới, tay trần giấu dao trong áo, mỗi lần "xử việc" đều tự mình kéo xác. Giờ thì khác – ông không cần máu, ông cần im lặng và hiệu quả. Và cần biết, liệu con bé đi theo mình suốt chừng ấy năm... có đủ gan để đứng trong bóng tối hay không.
Ông bảo nó đun nước, giã thuốc, lau dao – mấy thứ tưởng chừng vô hại, nhưng nó thấy hết. Không phải chỉ là nhìn, mà là thấm tận da thịt từng chi tiết: cách thằng Trí bị treo lơ lửng bằng cổ tay, những tiếng xương gãy rắc rắc khi ông đấm vào da thịt, mùi máu tươi tanh lợm len lỏi vào từng khe áo, từng kẽ ngón tay. Nó chỉ khựng lại một lúc – không khóc, không bỏ chạy – chỉ hơi tái mặt, rồi tiếp tục làm theo lời ông dặn. Đôi mắt không chớp, như cố ghi nhớ mọi thứ thay vì cố quên đi.
Tối hôm đó, ngồi trong phòng hút thuốc, ông suy nghĩ rất lâu. Cái gai trong lòng ông bấy lâu – rằng con đường lên ngôi không thể không dẫm lên xác người – giờ đây như vừa có lời giải. Con bé này... nó chịu được. Nó có thể trở thành thứ ông chưa từng dám nghĩ đến: một thanh đao biết suy nghĩ, một bóng hình đủ im lặng để không ai nghi ngờ, nhưng đủ tàn nhẫn để dọn đường khi cần. Không phải là tay sai. Không phải con cờ trên bàn cờ. Mà là cánh tay thứ ba, vô hình, vô danh, chỉ dành riêng cho ông.
Từ hôm đó, ông bắt đầu dạy nó tất cả.
...
Trong nội bộ, lời xì xào bắt đầu nổi lên. Có thằng lâu năm theo hắn từ bến Cát Lái cằn nhằn: "Lượm đâu con nít về mà cưng như vàng vậy, anh Long? Tụi em đứt tay một cái còn không ai nhìn." Mấy thằng khác không nói, nhưng mắt liếc nhau, ngầm hiểu. Từ ngày con nhỏ đó xuất hiện, ông trùm đổi khác. Không rõ rệt, không ầm ỹ, chỉ là... đổi. Ít nói hơn. Ít ra tay hơn. Lâu lâu còn đứng nhìn nó quét sân, như thể quên hết chuyện trên đầu.
Quản Long nghe. Dĩ nhiên là hắn nghe. Tai hắn đâu có bỏ sót được thứ gì. Nhưng hắn không đáp. Chỉ ngồi trầm thuốc, mắt dõi ra khoảng sân sau – nơi đứa nhỏ đang lom khom gom từng chiếc lá rụng, từng cọng rác sát chân tường. Mỗi cử động của nó đều rón rén như kẻ đi dây giữa chợ – vừa e dè vừa rành rẽ từng khoảng đất. Mắt nó không nhìn ai, cũng chẳng cần nhìn. Cứ vậy mà làm, như thể đó là cách duy nhất nó biết để tồn tại.
Cũng lúc ấy, hắn nhận ra – trong đáy lòng mình, đã bắt đầu có một sợi dây khó gọi tên. Không phải yêu thương, càng không phải nhu nhược. Chỉ là... gắn bó. Gắn bó kiểu như một con dao đã quen tay – mà lỡ mất rồi thì thấy mình trống. Một cảm giác ngấm vào xương chứ không hiện lên mặt. Cũng không ai dạy hắn gọi tên nó là gì. Hắn từng giữ vô số dao – dao tốt, dao gãy, dao phản chủ – nhưng đây là lần đầu tiên hắn thấy một con dao biết nghe lời. Biết quan sát. Biết chờ đợi.
Và đôi khi, hắn thấy mình chờ nó quay mặt lại. Chỉ một lần. Nhưng nó chưa từng làm vậy.
...
Tiệm thuốc Bắc ban ngày vẫn mở cửa, nhận người bắt mạch, kê toa. Những ông thầy lang râu bạc áo dài nâu ngồi nghiêm chỉnh sau bàn, gật gù phán bệnh, mài thuốc bằng cối đá như bao lương y chân chính khác. Mùi cam thảo, xuyên khung, đương quy hòa trong tiếng leng keng của muỗng đồng, tạo nên một lớp mặt nạ hoàn hảo cho những gì diễn ra phía sau.
Ban đêm, nó thành điểm tụ. Các tay trùm từ Chợ Lớn, Tân Thành, Bình Tây lặng lẽ ghé qua – giả làm khách quen hoặc người nhà bị đau bao tử. Xe đậu cách đó vài con phố, người bước vào luôn đội nón rộng vành hoặc choàng khăn kín mặt. Giao dịch vũ khí, hàng nóng, đôi khi cả người. Mọi thứ đều nằm trong giới hạn im lặng tuyệt đối. Không ai được nói quá một câu không cần thiết. Cửa sau của tiệm thông với một hẻm cụt, nơi xe chở hàng đợi sẵn. Tiền chuyển tay qua các túi vải chứa thảo dược – hoàng kỳ, bạch truật, thục địa – nhưng trong ruột là USD, súng ngắn, đôi khi cả hộp thủy tinh đựng ngón tay hoặc mắt người, để xác nhận một vụ thanh toán đã hoàn tất.
Mẫn không vô can. Có đêm chính tay nó pha thuốc mê trộn vào rượu – một loại rượu ngâm sâm được bày lên bàn như đãi khách thân tình. Mùi sâm át đi vị thuốc, khiến con mồi chỉ kịp nhấc chén lần thứ hai trước khi ngã vật xuống như một bao bố. Có lần khác, nó giúp hắn bỏ độc vào thang thuốc cuối cùng của một tay phản – một ông chủ lò mổ từng trung thành tuyệt đối nhưng rồi âm thầm làm ăn riêng. Thang thuốc ấy do chính Mẫn đưa, cẩn thận dặn dò liều lượng và cách sắc. Ba tháng sau, người đàn ông ấy được tìm thấy chết trong nhà – mặt không biến sắc, tay vẫn đặt trên ngực như thể tim ngừng đập trong giấc ngủ.
Lần đầu làm việc ấy, Mẫn không run. Cũng không rùng mình. Nhưng sau đó, khi về lại căn gác nhỏ sau tiệm, nó ngồi hàng giờ bên thau nước rửa tay, dội đi dội lại dù chẳng còn mùi gì. Rồi đến một lúc, nó thôi không rửa nữa. Không phải vì quen. Mà vì hiểu: vết nhơ trong lòng không trôi bằng xà phòng hay nước ấm. Mà phải bằng niềm tin – thứ nó đã không còn từ rất lâu.
Từ đó, nó không hỏi vì sao phải làm. Không tìm hiểu tên những người bị hại. Hắn giao gì, nó nhận. Hắn sai gì, nó làm. Và dần dần, nó không còn là "đứa nhỏ được nhặt về", mà trở thành một phần của bóng tối – lặng lẽ, trơn tru, vô hình như chất độc trong máu.
...
Khi Mẫn bắt đầu lớn hơn, dáng người dần dài ra, tóc biết chải cho gọn, hắn để ý nó hay hát – không lớn tiếng, chỉ lẩm nhẩm trong lúc giã thuốc hay khi rửa chén, mấy câu hát vụn vỡ, lúc trúng lúc sai, nhưng có cái gì đó khiến người nghe không nỡ ngắt lời. Có lần, đi vòng ra sau nhà, hắn thấy nó đang ngồi trên cái ghế con bằng tre, dùng vỏ bào cuốn lại làm micro, vừa hát vừa cúi đầu sửa áo, biểu cảm nghiêm trang y như trên sân khấu. Nó mải hát đến độ không biết giờ ăn, không nghe ai gọi. Hắn đứng ở bậc cửa, nhìn một lúc lâu, rồi bỏ đi, không nói gì.
Nhưng ngay tháng sau, một đoàn hát cải lương cũ kỹ ở quận Tư – loại đoàn rệu rạo chỉ còn gượng gạo bám lấy rạp cũ và khán giả bình dân – bỗng nhận được một khoản chu cấp giấu tên. Đủ để thay màn, sửa sàn, sắm lại mấy món đạo cụ, và nhận thêm một "con nhỏ phụ việc" mười ba tuổi, biết lau đồ nghề, rửa bình trà, nhặt từng cái móng gảy rớt dưới sàn.
Hắn không cấm. Nhưng cũng không thả tự do. Người trong đoàn không biết rằng gã kỹ thuật viên mới vào chẳng phải dân kỹ thuật, mà là người của hắn – từng phụ trách dọn hàng nóng dưới bến cảng, giờ chuyển sang làm cái bóng sát bên con bé, báo về từng bước. Cả cái rạp đó, lối đi hậu trường, chủ rạp, tài xế... đều nằm trong tay hắn từ trước. Không ai biết. Và hắn cũng không cần ai biết.
Mẫn vui ra mặt. Những đêm nó đi theo đoàn hát tập, khi về đến tiệm thuốc dù mệt rã rời vẫn ôm đàn ngồi học thêm. Hắn nhìn thấy, không nói. Chỉ dặn mấy người trong tiệm đừng làm ồn buổi tối. Hắn không nói ra, nhưng người trong nhà bắt đầu thấy rõ: mỗi lần con bé tập tuồng, hắn ít hút thuốc hơn. Cũng không la ai.
Nhưng rồi một ngày, nó xin đi thật. Không chỉ phụ việc hay hát dạo nữa. Mà là đi tỉnh, đi theo đoàn lớn. Rời khỏi tiệm thuốc. Rời khỏi tầm mắt hắn.
Quản Long không đồng ý. Không phải vì sợ nó khổ. Mà vì cái nghề đó đi khắp nơi – chợ tỉnh, hội đình, sân khấu dựng tạm ngoài đồng – gặp đủ hạng người. Nghệ sĩ, tài xế, bầu gánh, khán giả... mỗi đêm một nơi, mỗi sáng một gánh. Hắn không thể kiểm soát. Không thể biết tối đó ai ngồi cạnh nó, ai đưa nó ly nước, ai ghé tai nó nói nhỏ sau cánh gà. Hắn biết quá rõ cái thế giới đó – nơi ai cũng biết cười, nhưng ít ai thật lòng. Những ánh mắt ướt át sau lớp hóa trang, những lời đường mật rót qua kẽ răng, những bàn tay chìa ra không chỉ để bắt tay.
Và hắn đã quen nhìn người. Quen từng ánh mắt dối trá, từng cái gật đầu hiểm độc. Quen đến mức chỉ cần liếc qua là biết ai đang giấu dao sau lưng. Cái thế giới đó – hắn chấp nhận nó với chính mình, nhưng không muốn ném nó lên đầu con bé.
Hắn không nói thẳng lý do. Chỉ gạt đi:
"Không được. Mày còn nhỏ. Học xong hẵng đi."
Mắt nó cúi xuống. Nhưng không cãi.
Nó không giống những đứa trẻ khác. Không vùng vằng. Không mè nheo. Chỉ lặng lẽ quay đi.
Chính sự im lặng đó – không than trách, không xin xỏ – khiến hắn bứt rứt.
Mãi đến khuya hôm đó, khi nghe tiếng đàn vọng ra từ sau bếp – bài Tâm sự nàng Ba Tri – hắn mới đốt thuốc trở lại.
Điếu thuốc cháy ngắn hơn mọi lần.
Nhưng đêm đó, hắn thức trắng.
...
Nhưng đó chỉ là lần đầu.
Vài tháng sau, nó lại xin đi. Lần này không chỉ là "theo đoàn", mà là một cơ hội thật sự – vai phụ trong một vở tuồng lớn do gánh nổi tiếng từ Trà Vinh mời. Có hợp đồng hẳn hoi, có bầu gánh lên tận nơi ngỏ lời. Cơ hội đó không phải ai cũng có. Và Mẫn hiểu, nếu bỏ qua, sẽ không còn lần sau.
Nó nói với hắn vào một chiều mưa. Khi tiệm thuốc chỉ còn ánh đèn leo lét và mùi cam thảo luộc. Nó đứng trước cửa, hai tay nắm chặt, giọng không lớn, nhưng dứt khoát:
"Con muốn đi lần này. Chỉ một tháng."
Hắn ngước lên, im lặng rất lâu. Rồi lắc đầu.
"Không."
Lần này, nó không gật đầu lặng lẽ. Không quay đi. Mà nhìn thẳng vào hắn, lần đầu tiên như một người đối thoại ngang hàng.
"Sao lại không? Con đâu còn nhỏ. Con học hát mấy năm nay, đâu phải để ngồi giã thuốc tới già."
Hắn đặt tách trà xuống. Ánh mắt vẫn bình tĩnh. Nhưng bên trong đã nổi sóng.
"Nơi đó không an toàn."
"Không đâu an toàn, ba. Ngay cả ở đây."
Lần đầu tiên, nó gọi hắn là "ba" trong giọng điệu chất vấn. Và chính từ đó, cái gì đó trong hắn rạn nứt. Không phải vì nó cãi. Mà vì nó bắt đầu tự chọn đường.
Hắn ra lệnh:
"Không nói nữa. Ba đã quyết."
Nhưng nó không nghe. Nó cãi. Cãi đến cùng.
Nó nói về những lần bị gọi là "đứa ở", dù đã hát hơn nửa năm trời. Nói về giấc mơ có sân khấu riêng, có vai diễn thật sự. Nói rằng nếu không đi lần này, cả đời sẽ chỉ quanh quẩn trong cái tiệm thuốc mà hắn dựng nên – vừa là nhà, vừa là ngục.
Và lần đầu tiên, Quản Long nhốt nó vào phòng tối.
Căn phòng vốn là nơi hắn từng trói kẻ phản bội, từng ép cung, từng dùng những thủ đoạn tàn nhẫn nhất để bảo vệ thứ gọi là trật tự. Không cửa sổ. Một bóng đèn vàng mờ như mắt người sắp chết. Không có đồng hồ, không phân biệt ngày đêm. Chỉ có tường gạch lạnh và một cánh cửa sắt với then gài dày cộm – không âm thanh nào thoát ra được.
Hắn không gào. Không đập bàn. Không lôi nó ra đánh hay ném vỡ đồ. Chỉ đứng đó, lặng im, tay cầm then sắt, như kẻ vừa phản bội chính mình.
Hắn không làm vậy vì giận. Mà vì sợ.
Băng Hùng vừa mới bị hắn thâu tóm chưa đầy một mùa. Lũ lâu la còn chưa chịu phục. Nhiều đầu mối chưa chịu quy hàng. Cả cái mạng nhện hắn giăng còn lỏng lẻo, tròng trành như mái hiên mùa gió chướng. Một đứa con gái xinh, hát được, biết võ, từng ra tay – như Mẫn – nếu để nó lang thang ngoài kia, không ai bảo đảm nó không bị ai đó tìm đến, để dụ, để khử, hoặc để làm con tin.
Mà hắn thì... không chấp nhận mất nó.
Phần vì tiếc – một đứa con gái mà chính tay hắn đào tạo từng ngón võ, từng cách tra người không để lại dấu, một tay sát thủ biết hát và giã thuốc.
Phần còn lại... hắn không dám gọi tên.
Bên trong căn phòng, nó đập cửa đến bật máu tay. Gào đến khản cổ. Rồi im. Rồi lại hét. Rồi thì thầm hát một mình, như thể muốn nhắc bản thân mình chưa chết. Nhưng chẳng ai nghe, ngoài hắn – vẫn ngồi bên ngoài, cả đêm không ngủ.
Không ăn. Không rời đi.
Ngoài kia, quyền lực hắn đã lên đỉnh. Cảng Nhà Rồng, chợ Bến Thành, khu chợ Gà – gần hết các đầu mối đã nằm trong tay hắn hoặc cúi đầu chia phần. Tên hắn được nhắc giữa cuộc rượu của các ông lớn, và cả trong các bản báo cáo tình báo vùng. Nhưng trong khoảnh khắc then cửa sập lại, hắn biết – tất cả những thứ đó không bằng tiếng đập cửa yếu dần của con bé bên trong.
Không phải vì nó phản.
Mà vì nó bỏ.
Vài ngày sau, con bé Lợi – bạn nó – bẻ khóa dẫn nó rời đi. Không khóc. Không ôm. Không nói gì. Chỉ đi thẳng, đầu ngẩng cao, như thể chưa từng sống trong bóng hắn suốt mấy năm qua.
Cánh cửa đóng sầm. Không một tiếng chào. Không một lần quay lại.
Từ đó, Quản Long không còn là ông trùm trên đỉnh. Chỉ là một ông già cô độc trong căn biệt thự gác mái, mỗi đêm về ngồi uống rượu một mình, nghe vọng cổ từ chiếc đài cũ – không vì nhớ nghề, mà vì muốn nghe xem giọng đó, có phải là nó không.
Có lần hắn nghe được một giọng quen trên đài – buồn, sâu, rạch từng chữ như cứa da. Hắn ngồi sững suốt mấy phút. Đài vừa dứt, hắn tắt rượu, đứng lên như định làm gì đó – nhưng rồi lại ngồi xuống, rót thêm. Không ai biết hắn định làm gì. Ngay cả hắn cũng không biết.
Và cho đến tận bây giờ, hắn vẫn không hiểu vì sao – mình lại để nó đi.
Hay thật ra, hắn hiểu – chỉ là không muốn thừa nhận.
Rằng cái ngai vàng hắn tự dựng nên... từ đầu đã không có chỗ cho một đứa con gái như nó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com