k1-đtvd
Đây thôn vĩ dạ( khổ 1)
Trong kho tàng văn học Việt Nam ta từ xưa đến nay có một nhà thơ hết sức đặc biệt. Đặc biệt về thơ trác tuyệt, đặc biệt về cuộc đời bất hạnh, ngắn ngủi, về cái chết trong đau đớn và về cả những mối tình đơn phương, vô vọng. Thế nhưng chính đó lại là một trong những nguồn cảm hứng của thi nhân để viết nên những tuyệt tác cho đời. Hàn Mặc Tử, và với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của ông chính là một trường hợp đặc biệt ấy. Nâng cái đẹp của cảnh sắc đất trời lên thành một dấu ấn và khắc vào đó tình cảm tha thiết – điển hình như khổ thơ đầu, là điều mà thi sĩ đã làm với tác phẩm, và đưa nó trở thành một trong những bài thơ xuất sắc nhất của phong trào thơ mới Việt Nam.
Xuất xứ của bài thơ cũng khá là đặc biệt. Bài thơ được viết năm 1939, khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh hiểm nghèo. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình Hàn Mặc Tử với một cô gái vón quê ở thôn Vĩ Dạ. Từ đó, hình ảnh một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng, trữ tình đã trở nên rất nổi tiếng và đi vào trí nhớ của hàng triệu người đọc.
Nhan đề "Đây thôn Vĩ Dạ" khá độc đáo, như một lời giới thiệu, một lời chào mời gọi: Đây, tôi sẽ chỉ cho các bạn xem nơi thôn Vĩ ấy. Nhưng lẽ ra nhà thơ phải bắt đầu bằng một câu tả thì tác giả lại mở đầu đột ngột bằng một câu hỏi:
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?"
Một câu hỏi tu từ đã gợi lên ấn tượng chung của bài thơ. Đó là nỗi nhớ, là hồi tưởng về cảnh và người thôn Vĩ Dạ. Chỉ một câu thôi! Câu hỏi của cô gái thôn Vĩ như lời trách móc nhẹ nhàng, vừa hàm ý tiếc nuối nhẹ nhàng lại chứa bao yêu thương mong đợi. "Thôn Vĩ...như thế nào sao anh không về ? ", "Sao anh lại có thể không về thôn Vĩ được ?". Anh đây là ai ? Một bạn xa lâu ngày không gặp, hay một người mà cô gái thương mến? Cô gái vừa nhẹ trách vừa tiếc nuối vì người ấy đã bỏ qua không chiêm ngưỡng vẻ đẹp mặn mà, ấm áp tình quê của thôn Vĩ Dạ – vùng nông thôn ngoại ô xinh xắn, thơ mộng của xứ Huế. Mà có lẽ, câu hỏi tu từ đó của tác giả cũng dành cho chính mình: "Em bảo sao anh không về thôn Vĩ ư ?", "Sao mình lại không về thôn Vĩ nhỉ?". Thật ra, đó chỉ là cái cớ cho nhà thơ bộc bạch niềm tha thiết say mê, niềm yêu cháy bỏng và ao ước thầm kín được về thăm thôn Vĩ. Bởi lẽ, trong kí ức của nhà thơ vẫn luôn tồn tại một thôn Vĩ đẹp lắm, kì diệu lắm.
Vậy nên chỉ với vài nét bút gợi tả, qua cái nhìn trong hồi tưởng và tưởng tượng từ những quan sát tinh tế, bức tranh thôn Vĩ trong sáng bình minh dần dần hiện ra:
" Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền."
Mỗi câu xuất hiện là một chi tiết của khu vườn. Tất cả hợp lại ánh lên một vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết. Đó là hàng cau, là nắng,có vườn xanh, có lá trúc và những khuôn mặt chữ điền. Nếu chỉ có thế thôi thì chẳng có gì khiến cho Vĩ Dạ thành nơi đặc biệt để say mê cả. Thế nhưng đọc ba câu thơ này, người đọc không thể không say mê. Bởi vì tất cả những chi tiết bình thường đó đã được nhà thơ khéo léo xếp đặt rong một thế hài hoà độc đáo lạ lùng. Cái đẹp của thôn Vĩ Dạ không chỉ bởi riêng nắng hay hàng cau, mà là do "nắng hàng cau kia". Sự phối hợp kì ảo ấy tạo nên những hàng cau thẳng tắp vươn lên trong nắng mới. Điệp từ "nắng" đi liền với "hàng cau" và "mới lên" cho thấy một vẻ đẹp riêng của nắng miền Trung, nắng của xứ Huế thơ mộng. Nắng chiếu trên thân những hàng cau trong vườn, nắng rực rỡ, mới lên, trong trẻo và thật tinh khiết. Dù thiếu hay tách riêng một trong ba yếu tố nắng – hàng cau – mới lên, thì sự kì diệu, cái lạ lùng làm lòng ta say đắm nơi thôn Vĩ sẽ không còn.
Nắng mai cứ theo thân cau và rót dần vào khu vườn. Đến khi tràn đầy thì no biến cả khu vườn xanh thành một viên ngọc lớn.
"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
Đại từ "ai" nói trống và hỏi bâng quơ một cách duyên dáng còn được hiểu là "ở đây". Nơi đây là thôn Vĩ Dạ, vườn ở thôn Vĩ Dạ thì vườn ai mà chẳng thế, tất thảy đều đẹp như thế ! Trong khu vườn ấy, người đọc như rợn ngợp trước một màu xanh của lá vườn, mà là vườn "xanh mướt" chứ không phải "xanh mượt". Vậy thì có gì khác nhau ? Đây cũng chính là một dụng ý của nhà thơ. "Mượt" thì chỉ trơn tru, nhẵn bóng lên, còn "mướt" thì không chỉ bóng nhẵn mà còn trong trẻo, mỡ màng, non tơ. Sắc xanh ấy như là loáng nước, như còn vấn vươn một vài giọt sương đọng lại trên lá qua một đêm dài, và hiện tại được nắng phủ lên làm ánh lên sắc màu tinh khôi, mơn mởn và mềm mại. Đặc biệt, sự so sánh "xanh như ngọc" hơi lạ. Có thể dó không phải là màu thực mà là màu trong tâm tưởng. Xa Huế lâu ngày, giờ đây chỉ còn lại trong kí ức. Màu thực qua thời gian, không gian kết lại thành màu của nỗi nhớ, của tình yêu nên trong suốt, lung linh như ngọc.
Vườn Vĩ Dạ đã đẹp lại đẹp hơn trong sự hài hoà giữa cảnh với người:
"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Câu thơ thứ tư này gây nhiều tranh luận. "Mặt chữ điền" ở đây là mặt của ai ? Có thể, đây là khuôn mặt của của người con gái thôn Vĩ. Mặt chữ điền là tiêu chuẩn về một khuôn mặt đẹp của con người xứ Huế. Theo quan niệm truyền thống thì đó là khuôn mặt của người ngay thẳng, phúc hậu nhưng cũng trang trọng và cao quý, một vẻ đẹp có sức hấp dẫn từ bên trong. Khuôn mặt ấy duyên dáng sau cành lá trúc là một nét vẽ tạo hình đậm chất cổ điển, thể hiện lên sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người Vĩ Dạ. Thế nhưng cũng có thể hiểu đó là gương mặt của người trở về thăm thôn Vĩ, đang đứng bên ngoài vịn cành lá trúc trước mặt mà say ngắm vẻ đẹp thần tiên của khu vườn. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì hình ảnh ấy cũng đại diện cho con người, làm cho cảnh vật, hoa lá trong vườn cây càng thêm sức sống sinh động. Thế những đó cũng chỉ là hình ảnh tưởng tựng của nhà thơ gợi lên cái thần thái của thôn Vĩ: cảnh xinh đẹp, người phúc hậu, thiên nhiên và con người ở đây như hài hoà trong vẻ đẹp kín đáo dịu dàng. Và cảnh vườn thôn Vĩ – cũng là hình ảnh cuộc đời – như một thiên đường trần gian, một ao ước ngoài tầm với, một hạnh phúc ngoài tầm tay của Hàn Mặc Tử.
Chỉ trong một khổ thơ ngắn ta có thể thấy được cái tài tình và cái thần trong thơ của Hàm Mặc Tử. Ngoài tâm tư còn là thành công về nghệ thuật: vận dụng linh hoạt điệp ngữ, sử dụng câu hỏi tu từ mang hàm ý cùng hình ảnh so sánh, nhân hoá. Vận dụng nỗi nhớ và trí tưởng tượng của mình, nhà thơ đã tạo nên những hình ảnh sáng tạo, có sự kết hợp hoà quyện giữa thực và ảo. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một bức tranh khu vườn thôn Vĩ tươi đẹp, tràn đầy sức sống trong buổi ban mai cũng như tình người tha thiết của nhà thơ.
Bốn câu thơ đầ bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử hiện lên trước mắt người đọc một hình ảnh thôn Vĩ vừa mượt ma, óng ả, vừa đằm thắm, thơ mộng. Đó thôn Vĩ của thơ, của tình yêu và cả hoài niệm. Nhờ nhà thơ, nhờ tình yêu say đắm của nhà thơ mà người đọc có được một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về mọt miền đất nước. Tuy số đời ngắn ngủi nhưng từng dòng thơ, từng tấm lòng của Hàn Mặc Tử để lại vẫn sống mãi mãi trong lòng những người biết và yêu thơ ông.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com