Lấy anh
Hoà bình rồi, đánh thắng rồi.
Đầu làng là mấy đoàn xe trở bộ đội, bà con tấp nập chạy ra xem. Không khó để tìm thấy một người oà khóc khi gặp lại người thân khi họ trở về còn sống khoẻ mạnh.
Doãn Khởi không được hưởng may mắn ấy.
Anh ngồi trong lớp một mình, lũ trẻ hôm nay được nghỉ để ra đón anh đón bố. Cây bút chấm mực dần khô mà bài tập học sinh viết vẫn không có nổi một lời nhận xét của anh ghi vào.
Làm sao mà tập trung được, cố đến mấy vẫn không nổi. Bên ngoài tập nập người qua lại, tiếng gọi con của , những cái ôm của cặp đôi vì vướng việc nước mà chưa thể cưới. Trên tay các chàng trai áo xanh túi to nhỏ đựng quà bà con cho, bao gạo, rau xanh, có cả lồng đựng gà vịt.
Vài ngày trước, Khởi biết tin chú bộ đội mà anh vẫn ngóng chờ ngày đêm tử trận. Giữa một tiết dạy, thầy giáo chỉ có thể cố gắng nuốt cảm xúc vào trong mà giấu nhẹm đi với lũ trẻ con, dạy tiếp bài học còn đang dở.
"Khởi không mạnh mẽ như anh ấy thể hiện" - Chính Quốc luôn nói vậy khi bạn bè đề cập đến anh.
Doãn Khởi ngày hôm đó khóc rất lâu, không gào thét, không đập phá, chỉ có đôi vai anh run run, ánh mắt nhoè nước nhìn xung quanh chập chờn không rõ. Bàn tay nắm chặt đến nỗi tạo thành vết hằn móng tay đỏ au. Trời trở rét, anh vẫn còn chiếc khăn chưa gửi, còn gói bánh chưa đưa ra ngoài ấy để Chính Quốc chia cho mọi người cùng ăn.
Mẹ em hay tin em tử trận, hơn ai hết bà mới là người đau nhất. Cái danh anh hùng của người mẹ có con làm bộ đội hi sinh dù cao quý nhưng vẫn chẳng ai muốn nhận được. Anh nhìn bác ôm mặt lầm bầm gọi tên em, chỉ biết nhẹ nhàng vuốt dọc sống lưng người phụ nữ, không biết làm sao cho phải.
"Quốc ơi, sao con bỏ mẹ con ơi...sao số tôi khổ thế này, Chính Quốc của mẹ ơi...."
Anh nấu một mâm cơm đủ đầy mời bà ra ăn. Mẹ em với gương mặt nhợt nhạt bần thần xua tay từ chối.
"Bác không có tâm trạng để mà nhét cái gì vào bụng. Bác có lỗi với chồng, khi ông chết dặn là phải chăm thằng Quốc tử tế mà bác cũng không làm nổi."
"Đấy không phải là lỗi của bác, không bao giờ là lỗi của những người mong muốn độc lập."
Anh cầm đôi đũa cả xới ra một bát cơm vơi, gắp thêm ít thức ăn lại ngồi cạnh bà.
"Bác ăn một tí đi cho khoẻ kẻo lại lả người ra."
Doãn Khởi đối với mọi người vẫn điềm đạm, anh nói hậu quả của chiến tranh không thể tránh. Nay lại sảy đến với ngay người thân thích của mình, dù tiếc thương nhưng đó là những gì hoà bình đổi lại. Bản thân vì sức khoẻ không đáp ứng đủ phải để người khác tham gia, anh tự nhủ phải dốc sức cho nghề giáo để lấy công mình cảm ơn.
Hôm sau lũ trẻ trong lớp tươi tắn hơn hẳn mọi ngày, khoe với nhau quà bố mua cho. Trước đây có một lớp dành cho người lớn, chỉ dạy nhanh cách đọc viết vì họ muốn gửi thư về cho gia đình khi ra ngoài ấy tham chiến. Giờ người ta đến thăm anh, gửi quà, anh từ chối hết thịt thà gạo rau, chỉ nhận ít bánh trái làm thưởng cho học sinh. Người ở làng chất phác, có ơn chắc chắn sẽ trả cho dù họ có thiếu thốn bần cùng đến mức nào. Doãn Khởi so với họ đủ đầy hơn hẳn, bố mẹ ngoài tiền gửi cho anh vẫn còn dư một khoản kha khá, đều quyên góp cho bộ đội ngoài ấy hết. Thế mà ở làng ai cũng lo cho anh, sợ thầy giáo là đàn ông không giỏi chuyện trong nhà, đến bữa lại có các bà các chị ngó sang hỏi thăm.
"Thầy đã nấu cơm chưa, có thiếu cái gì không để tôi hỏi bà con ai có thì mang sang."
"Không không, em đủ hết rồi, không sao mà, chị cứ về đi trưa nắng đừng bế bé ra thế này."
"Thầy đừng khách sáo nhé, có cần gì thì cứ hỏi, phải ăn mới có sức dạy các cháu. Ở quê tôi người cày cuốc chẳng thiếu, có mỗi thầy dạy cho cái chữ mà để thầy thiệt thì có lỗi lắm."
"Sắp tới sẽ có nhiều người làm nghề giáo giống em hơn, chị ạ. Trẻ con người lớn ở toàn đất nước này sẽ đều thoát mù chữ. Chị về nhé, để bé nằm chỗ mát ngủ cho ngon."
Anh luôn mơ về một tương lai tươi đẹp như thế đấy.
[...]
- Thầy ơi.
- Ơi?
- Em viết xong rồi.
Bạn nhỏ kiễng chân đặt quyển vở vở đầy ắp chữ lên bàn của anh, tuy còn nhiều lỗi sai, nhưng nhìn bàn tay dính mực với đôi mắt lấp lánh của nó làm anh chẳng nỡ trách, chỉ lấy bút chì gạch nhè nhẹ bên dưới, thấm nước chiếc khăn rồi lau tay cho đứa nhỏ rồi xoa đầu nó thương yêu.
- Chữ này hơi to rồi, còn mấy lỗi bé xíu thầy gạch chân, em về sửa lại nhé, được không? Sắp đẹp rồi, em giỏi mà đúng không?
- Vâng ạ.
Nhìn bóng dáng nhỏ chạy đi, anh nhớ, Chính Quốc ngày xưa cũng giống thế này.
Anh về dạy khi Chính Quốc 11 tuổi, anh năm ấy đôi mươi.
Chính Quốc lúc đó đọc làu làu, tính toán cũng giỏi mà viết chữ xấu lắm, như là gà bới, giấy chưa được bao nhiêu dòng mà mực dính đầy tay. Bị anh mắng cũng chỉ hềnh hệch cười. Em có đôi mắt sáng, với hai cái răng thỏ cười trông rất dễ thương, Doãn Khởi lần nào cũng vì vậy mà tha thứ không phạt em. Lại giúp em giấu tội mấy lần đi chơi không bị bố đánh đòn.
- Sau này em cũng sẽ tham gia bộ đội.
Chính Quốc năm 15 tuổi nói với anh. Khi ấy em kém Doãn Khởi hai đốt tay, nhưng so với bạn đồng trang lứa thì cao to hơn.
- Em muốn thế hả?
- Khởi dạy chữ cho em rồi, em sẽ đều đặn gửi thư về.
- Hứa nhé?
- Em hứa!
Năm 18 em tham gia bộ đội thật. Trước khi đi mẹ dặn em đủ điều, sốt sắng hết cả lên. Chính Quốc chỉ cười xoà đặt tay vào hai bên vai bà trấn an. Nói mình sẽ cùng đồng đội chiến đấu hết mình, sẽ trở về khoẻ mạnh.
Còn đưa anh giữ một lời hẹn.
- Khi em về, Khởi đồng ý lấy em nhé?
- Khi ấy tuổi anh số chục là ba, em ưng thì không từ chối, chỉ sợ lúc đó trong lòng em có thiếu nữ phố đông, không cần thầy giáo già này nữa.
Chính Quốc thơm lên má anh.
- Khởi là xinh nhất.
Bức thư đầu tiên em gửi về là dành cho mẹ. Ngày nhận được thư bà đã vô cùng phấn khởi gọi anh sang nhà. Doãn Khởi mỉm cười nhận ra nét chữ của em đã đẹp lên nhiều, anh ngồi ngồi cạnh mẹ Quốc trên chiếc trõng tre đọc chầm chậm.
Chính Quốc kể ở trong ấy người ta rất nghiêm khắc, nhưng đều là người tốt. Em được dạy về rất nhiều thứ, rèn luyện sức khoẻ lẫn sức bền, có những hôm mồ hôi ướt đẫm bụng dạ trống trơn, đồng đội chia nhau miếng ăn nhưng trong lòng ai ai cũng phấn chấn năng nổ. Em không nói nhiều về khó khăn gian khổ, anh cũng biết mình phải làm gì mà khéo léo truyền đạt nhẹ nhàng dễ nghe. Doãn Khởi dù không tham gia bộ đội nhưng cũng không phải là chẳng biết gì, cuộc sống em và mọi người trong ấy ra sao anh đều hiểu cả. Mấy chiến sĩ vượt súng vượt bom vận chuyển đồ ra ngoài ấy cũng đã có người bỏ mạng, thư của em không rõ ngày tháng, nhưng chắc chắn không phải viết từ vài tuần lễ gần đây.
Có nhiều người bạn cũ của anh trên thành phố sơ tán về quê khi kháng chiến nổ ra để dành chỗ cho bộ đội. Ở quê ăn uống đạm bạc, có những đêm đám học sinh trở nhau trên chiếc xe đạp lên phố mua thức ăn, rồi hộc hơi đạp về trước buổi người ta đi cấy, mặt đỏ phừng phừng, miệng vẫn vui vẻ cười làm giáo viên phụ trách không nỡ trách phạt.
Mấy ngày bất chợt giữa đồng có vật gì thả xuống, nổ ra một làn khói độc. Trên chiến trường giờ chắc mưa đạn đang bay. Bà con đều cầu nguyện cho người thân của mình, cầu nguyện cho tất cả bộ đội an toàn chiến thắng.
Cứ mỗi đợt tin về, có người khóc, có người cười. Có người được báo về gia đình là đã trở thành nạn nhân bom đạn.
Dù thế, không có gì ngăn được tinh thần hi sinh của dân tộc.
Ngoài ấy còn thiếu thốn cái gì, bà con gom góp đóng gói gửi vào, các chiến sĩ vận chuyển cũng đã rất dũng cảm.
Mỗi lần Chính Quốc gửi thư về là mỗi lần Doãn Khởi gửi lại một món quà.
Chữ em từ đó đẹp ra nhiều, em kể rằng anh chỉ huy hỏi em viết thư cho người yêu à, bản thân đã rất vui vẻ gật đầu. Nhưng anh ấy lại chê chữ xấu thế này thì làm gì còn tình ý, bắt em tập nắn nót ra chiếc lá non làm sao cho nó không rách, rồi dạy em làm thơ. Đồng đội cùng tìm niềm vui cho quên cái rét đêm đông.
"Người ở đó có nhớ em không
Em nơi đây vẫn cứ trông đêm ngày
Trông ngày mình được nắm tay
Trông ngày giải phóng, chúng mình lấy nhau"
Chính Quốc hóng lắm hồi đáp, Doãn Khởi gửi lại kèm một chiếc khăn nâu
"Anh vẫn đợi, đừng có lo
Chờ ngày giải phóng, mình về lấy anh"
Cả một đội ồ lên lúc đọc xong. Khen Chính Quốc số hưởng có người yêu học thức lại khéo léo, thả chẳng bao nhiêu chữ mà làm chú bộ đội trẻ thao thức không ngủ được thế này, thảo nào thằng bé kiến cắn chẳng gãi gái đi qua chẳng nhìn.
.
.
.
Hà Nội phố đông,
Doãn Khởi dạo phố mua ít đồ.
Năm tháng thời gian đuổi nhau chạy,
Duyên phận, ân tình cũng đổi thay.
Anh đã tự chấp nhận được việc sẽ không bao giờ gặp lại em nữa. Chỉ là phải cho tới hiện tại khi người ta vô tình nhắc tới anh mới không còn chạnh lòng tới nỗi mắt cay cay.
Xích lô trở khách đi vòng những con phố quen.
"Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,..."
Phố Hà Nội cũng như chuyện tình đôi người yêu nhau.
Rối rắm, vòng vèo, có buổi trang hoàng đèn hoa, tiếng xe đạp lách cách, đòn gánh giao luôn miệng, mà cũng có những buổi ảm đạm, những con phố với kiến trúc ảnh hưởng từ phương tây với đường dây leo mọc bám chặt, hoa chưa đến mùa nở.
Nhưng những con phố ấy vẫn thông nhau,
Nếu một người chịu dừng lại chờ đợi, một người chịu tìm, rồi sẽ thấy.
Doãn Khởi từng nghĩ đến cảnh mình dẫn Chính Quốc lên phố đi lựa đào xuân. Dẫn em đi thăm nơi mình thuộc về, trêu em một tiếng sướng nhất Chính Quốc được làm rể Hà Nội. Cho em thử mứt ở trên này lắm loại, cùng em nhét tiền vào bao đỏ phát cho lũ trẻ ở lớp.
Anh đã đợi,
Mà tình chúng mình dừng ở ngày ánh mắt em ngô nghê.
Hà Nội với anh đều mang nét trầm, kiên trì, nhẫn nại.
Khác mỗi, người ta dẫu có đi cũng sẽ về với Hà Nội một ngày trời trong, bởi nó mang nét đẹp thuần tuý khó quên, xa lại nhớ.
Kể cả gò má anh có hây hồng, da dẻ như gạo nếp mới thổi còn thơm, tóc có mềm như lụa bán ở phố hàng Vải, ánh mắt trong có phẳng lặng yên ả như Hồ Gươm rêu phong buổi sớm mai. Chính Quốc có nhớ, cũng không về với anh được.
Tháng 4, mùa loa kèn vè trên phố. Gánh hoa rong chở theo một màu trắng muốt,
Doãn Khởi cũng mua một bó cho em.
Người ta góp tiền xây mộ cho các chiến sĩ hi sinh. Anh cũng là người tới đây thường xuyên để trồng và chăm cây xung quanh, như một cách tỏ lòng biết ơn.
- Hà Nội tháng 4 có loa kèn, anh mua cho em. Hà Nội có rất nhiều thú hay, sau này có gặp, anh sẽ đều mua mang đến cho em.
Anh nhỏ nhẹ cất lời, đặt bó hoa xuống. Lấy ra trong túi đeo một lá thư ngả màu vàng, mỗi lần anh đều đáp thư Chính Quốc bằng một món quà, cùng lắm kèm một mảnh giấy nhỏ,
Đây là lần duy nhất, trong giấy có ngày tháng, đầu dòng có chữ "Gửi em" bên dưới có bút kí của anh, có chữ anh viết tay thanh đậm.
Viết vào thời gian sau vài ngày toàn nước giải phóng.
Doãn Khởi nhìn nó rơi nước mắt, rồi lại nhanh chóng quệt đi,
Anh gạt bật lửa, châm vào một góc, nhìn bức thư cháy rụi, tro rơi trên nền đất.
Cùng nơi đó, chôn một hạt giống cây hoa.
" Chính Quốc đã không giữ lời hứa lấy anh, anh
không giận. Vì anh biết, Quốc là một đứa trẻ ngoan. Thầy giáo của em năm nay 37 rồi, người ta bảo nếu anh cứ ở một mình mãi như vậy sẽ càng ngày ngày già nua, chẳng cô nào ngó nữa.
Nếu anh già rồi, Quốc còn muốn lấy anh không?
Ở quê giờ ấm no hạnh phúc hơn rất nhiều, người ta cũng đã tu sửa cho trường, lũ trẻ có bàn ghế mới khang trang hơn. Anh từng dạy rằng có thể dùng hạt quả trồng một cây mới, con người có thể có thêm một lần sống. Anh mong lần sau của em, cuộc đời sẽ hiếu khách hơn, sẽ không tiễn em rời sớm như vậy.
Anh yêu Chính Quốc của anh!"
Hà Nội ngày hạ gần sang,
Cây che bóng mát
Nắng vàng sớm trưa.
Nói yêu mãi cùng thành thừa.
Nên anh chỉ đợi,
Mình về lấy anh.
Doãn Khởi mỉm cười,
Đẹp như lời hẹn của Chính Quốc năm mười tám.
Nụ cười đau thương,
Lời hứa cũng không trọn vẹn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com