Chỉ có thử thách chứ không có thất bại
Tháng 6 năm 1953, Hiệp định đình chiến được ký kết tạm thời, quân đội Mỹ bắt đầu rút sang Nhật.
Chiến tranh rồi cũng có ngày kết thúc, thế nên tôi không thể chỉ dựa vào những công trình của quân đội Mỹ. Tôi bắt đầu tích cực đi tìm những công trình phục hồi của nhà nước. Mặc dù biết rằng có thể sẽ bị lỗ nhưng tôi vẫn nhận thầu xây dựng lại văn phòng và phòng sấy khô của nhà máy in tiền vào tháng 10 năm 1953. Tuy nhiên, công trình khởi công chưa được 5 tháng thì vào năm sau đó, lệnh đổi tiền khẩn cấp được ban hành, giá trị tiền tệ sụt giảm nhanh chóng, từ 100 won chỉ còn đổi được 1 hwan, kinh tế Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Dù vậy, tháng Tư năm đó tôi vẫn nhận thầu thêm và bắt đầu công trình phục hồi cầu Koriong trong thời gian 24 tháng, với số tiền là 54.780.000 hwan. Cầu Koriong nối liền Teagu và Kochang, và để thảo phạt quân du kích phản loạn ở núi Chili nên việc khôi phục cần tiến hành gấp. Đó là công trình lớn nhất của chính phủ tính đến lúc bấy giờ.
Chúng tôi trông chờ rất nhiều vào công trình này. Tôi mời ông Kim Yong Pil - người có nhiều kinh nghiệm trong việc phục hồi các cây cầu trước chiến tranh và đã từng làm việc tại cômg ty xây dựng Nhật Bản Kiyomi ở chi nhánh Triều Tiên - về làm Giám đốc điều hành kiêm trưởng ban quản lý công trình. Đồng thời tôi cũng mời ông Lee Yon Sul, chuyên gia xây dựng cầu đã từng tốt nghiệp khoa xây dựng cơ bản trường trung cấp Oaseda về phụ trách kỹ thuật, và để Oh In Bo bạn tôi đảm nhiệm khâu kế toán công trình.
Nhưng ngày từ đầu, chúng tôi đã gặp khó khăn. Chân cầu chỉ còn lại phần cơ bản, còn phần thân cầu thì hư hỏng cứ chìm trong nước. Cho nên, dù gọi là phục hồi nhưng thực chất còn khó hơn xây dựng mới. Độ sâu của sông Nakdong cũng chính là trở ngại với chúng tôi. Khi mùa đông đến, cát dồn lại nên nước cạn, đến mùa hè thì nước sâu gấp mấy lần mùa đông. Chưa kể đến toàn bộ thiết bị công trình chỉ gồm một chiếc cần cẩu 29 tấn, một chiếc xe trộn bê tông và một chiếc máy bơm. Chưa hề có kinh nghiệm làm các công trình lớn, lại thiếu máy móc thiết bị nên đại bộ phận của cây cầu được xây dựng theo kiểu thời nguyên thủy là dùng sức người.
Khởi công đã được một năm nhưng chúng tôi chưa đóng được chân cầu nào. Trong thời gian đó giá vật tư biến động mạnh, giá dầu dự tính ban đầu khoảng 700 hwan, một năm sau tăng lên 2.300 hwan. Tất cả các vật liệu khác tăng giá lên tới 120 lần, tiền lương công nhân cũng tăng theo từng ngày. Thêm vào đó, kết toán công trình nhà máy in tiền chúng tôi bị lỗ 70 triệu hwan.
Bao nhiêu tiền mà chúng tôi kiếm được từ các công trình của Mỹ gần như bù hết cho công trình nhà máy in tiền. Tình hình tài chính của công ty tụt xuống tới đáy. Các công nhân bãi công đòi tiền lương, công trình thì cứ kéo dài ngày ra.
Với tôi, uy tín chính là tài sản của người kinh doanh, chính vì vậy dù có lỗ thì cũng phải giữ lời hứa, nhất định phải hoàn thành. Ngày nào tôi cũng chạy mọi nơi để vay vốn nhưng chẳng có kết quả gì. Lương nhân viên không trả được, văn phòng thì ngày nào cũng ầm ĩ vì các chủ nợ đến đòi. Học phí cho em trai tôi là Se Yong đang du học tại Mỹ cũng chẳng có mà gửi.
Tôi vốn là người lạc quan trong mọi hoàn cảnh, vậy mà lúc đó cũng thấy cùng đường. Nhưng dù thế nào thì cũng phải hoàn thành công trình cầu Koriong. Làm ăn thất bại thì vẫn có thể vươn lên lại, chứ làm người một lần đánh mất uy tín coi như mất tất cả. Dù có thế nào cũng phải xem đây chỉ là sự thử thách, nếu giơ tay đầu hàng ngay và chần chừ thì sẽ thất bại mãi mãi.
Trong sách "Thái Căn Đàm" có câu "Đắc ý chí thời, bình sinh thất ý chi phi", nghĩa là con người khi thành công thì cái rễ của thất bại nảy mầm. Lần này tôi thất bại, nhưng lần sau họa sẽ thành phúc.
Tôi tập trung các em lại, bàn với Choi Ki Ho và em rể Kim Yong Ju quyết tâm bán nhà của tất cả mọi người để giải quyết. Các em tôi muốn giữ lại một căn nhà để thờ cúng tổ tiên nên tôi đã bán xưởng sửa chữa xe ô tô phường Chochung. Bán cả ba căn nhà được 99.700.000 hwan, chúng tôi bổ sung thêm vào số vốn ban đầu của công ty xây dựng Hyundai là 300.000 hwan thành 100 triệu hwan, nhằm khắc phục công trình phục hồi cầu Koriong đang rơi vào tình trạng trì trệ. Tiền bán nhà chúng tôi dành để trả nợ hết nên vẫn phải đi vay. Lãi vay phải trả hàng tháng là 18%, một năm sau tiền vay tăng lên thành gấp đôi.
Tháng 5 năm 1955, công trình cầu Koriong đầy ác mộng của tôi đã kết thúc muộn hai tháng so với thời gian hợp đồng trong tình trạng tồi tệ nhất. Chúng tôi lỗ mất 65.000.000 hwan, trong khi số tiền hợp đồng chỉ có 54.780.000 hwan.
Chúng tôi mệt mỏi và đuối sức đến nỗi sau khi kết thúc công trình cũng không còn sức để mang các thiết bị máy móc về. Các chủ nợ thì cứ vây kín như đàn ong nổi giận. Những công ty cùng ngành lâu nay vẫn coi Hyundai như cái gai trong mắt được dịp hả hê trước sự thử thách này của tôi. Trong đội ngũ công nhân cũng có nhiều người nói rằng ông thầu chỉ học hết cấp 1 mà dám nhận công trình dài hai năm ấy đã sai lầm khi bỏ qua mức lạm phát trong việc tính hợp đồng, và rằng học lực ấy thì làm gì biết đến lạm phát.
Trong tình hình hỗn loạn của Hàn Quốc lúc ấy, khó mà dự đoán được lạm phát. Khi ký hợp đồng, tôi nghĩ rằng công trình có thể kết thúc một cách thoải mái trong vòng một năm rưỡi và giá vật tư tăng gấp đôi là nhiều. Mà bản thân tôi không có kiến thức bài bản về kỹ thuật, đồng thời cũng sai lầm vì không lường trước tình trạng thiếu thốn thiết bị của Hàn Quốc. Đó là nguyên nhân thất bại của công trình cầu Koriong.
Tôi đã trả học phí cho bài học này quá đắt. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Lý Bạch: "Vân tịnh giang không xứ, vô nhân nguyệt bạch cao" (Mây lặng, bờ sông vắng, chẳng thấy người đâu chỉ có trăng sáng ở trên cao), nhưng tôi không thấy tuyệt vọng và cô đơn đến mức ấy. Ngược lại, tôi nhận định rất rõ ràng vị trí của mình trong kết quả.
Trước tiên tôi phải trả nợ từ hai công trình này. Không thể mang tiếng "Chung Ju Yung sống bằng nợ" được. Đây là thử thách, chẳng phải thất bại. Tôi nghĩ cuộc đời không có thất bại. Khi không xem điều gì đó là thất bại thì đó không phải là thất bại. Phải lạc quan và suy nghĩ một cách tích cực.
Giờ đây tôi mới nhận ra trang thiết bị đóng vai trò quan trọng trong ngành xây dựng như thế nào. Chính phủ cũng biết công ty chúng tôi đã lỗ vì công trình này. Khó khăn này nhất định sẽ chuyển họa thành phúc. Vậy mà phải mất 20 năm tôi mới trả hết nợ công trình cầu Koriong. Những năm tháng dài của thời kỳ quan trọng đã tiêu phí vào việc trả nợ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com