Những nét chữ
Bức thư tình
Hôm đó tôi đẩy cửa bước vào thấy Lê Phong, bạn tôi, đang ngồi trước bàn giấy, một tay cầm cái kính hiển vi lớn đang soi từng nét chữ trên một bức thư màu xanh.
- Lê Phong làm gì đấy?
- Đọc thư của một cô.
- Của một cô?
- Ừ.
Tôi hỏi:
- Mà lại phải đọc bằng kính hiển vi?
Phong gật đầu và lại chăm chú làm cái việc kỳ khôi ấy mãi.
Không, anh ta không có ý đùa nghịch.
Vẻ mặt rất nghiêm trọng, trầm mặc, Phong như đang để hết tinh thần vào cả bức thư. Cái bản năng của con nhà nghề lại thấy rõ rệt phát lộ ra, tuy rằng ít lâu nay anh không có việc gì bí mật phải khám phá hết.
Lê Phong không được dịp làm phóng viên như trước, vẫn lấy làm bực dọc. Anh bèn đi viết tiểu thuyết cho đỡ buồn. Những tiểu thuyết tình thảm hay tình vui, tả những chuyện ân ái đắm đuối hay thơ ngây, anh lấy ở tưởng tượng ra nhiều hơn là ở sự từng trải. Nhưng chính vì thế mà Phong được công chúng, phần lớn về phái phụ nữ, rất hoan nghênh. Anh thường nhận được những bức thư ca tụng hết lời, lắm bức rất tình tứ, rất nhã nhặn, hay rất thiết tha. Nhưng Phong tỏ ra vẻ thản nhiên không chú ý đến.
Thế mà hôm ấy cũng nhận được thư của một cô con gái, anh lại cắm cúi đọc một cách rất khác thường!
Tôi toan hỏi thì anh bỗng ngửng đầu lên nhìn tôi, mặt sáng sủa, mắt lóng lánh như người vừa tìm ra được một điều rất mới lạ. Anh đưa bức thư cho tôi đọc. Đợi tôi đọc xong, bảo tôi đọc lại lần nữa rồi hỏi:
- Thế nào?
Bức thư ấy là của một cô thiếu nữ, chữ viết mềm mại, nhỏ và rạp về một chiều. Lời thư văn hoa, nhưng cũng có vẻ chân thực. Cô ta khen những truyện của Phong viết, khen cái tài giải phẫu tâm lý của nhà văn sĩ, và thú thực rằng văn chương của Phong đã làm cho cô và nhiều bạn gái biết bao lần mơ màng, thổn thức... Vậy nên tuy không được cái hân hạnh quen biết văn sĩ, cô cũng "đánh bạo viết thư này để ngỏ chút cảm tình thành thực và cảm ơn người đã thấu hiểu tâm sự của bạn gái chúng tôi". Bức thư viết dày hai trang giấy to màu phơn phớt xanh, toàn một giọng như thế cả. Cuối cùng thêm một câu rất kín đáo ý vị, nhưng đủ ngỏ cho Phong biết rằng trong cái cảm tình của cô đối với nhà văn sĩ, không phải chỉ có sự kính phục mà thôi đâu.
Phong hỏi nữa:
- Thế nào?
- Thế nào? (tôi trả lời) Anh chỉ có việc sung sướng thôi, chứ còn thế nào nữa? Trong đời người làm văn mà có những lời êm dịu ấy ca tụng thì còn gì sung sướng hơn? Tôi xem ra thì người thiếu nữ viết bức thư này...
- Yêu tôi lắm, chứ gì?
- Phải.
Phong gật gù hỏi:
- Được, nhưng anh bảo nên xử trí ra sao?
- Tôi thì tôi viết thư trả lời liền.
- Tôi cũng nghĩ the.
Nói rồi, anh vặn bút máy thảo một lúc xong bức thư đưa tôi xem:
"Gửi cho Đào thị Kiều Anh.
Thưa... ông,
Tôi gọi ông là ông, vì tôi biết ông không phải là một người con gái. Những lời ông khen tặng tôi khéo lắm, êm ái lắm, tôi rất lấy làm cảm động, và cảm ơn ông. Nhưng nếu ông đợi tôi mắc lừa, và đợi một bức thư trả lời cho cô Đào thị Kiều Anh thì xin ông cứ việc mà thất vọng. Tôi biết rằng cô Kiều Anh ấy chính là ông, và hơn thế, tôi lại biết rằng ông viết thư cho tôi bằng thứ bút máy ngòi xấu và cong; ông cặp bút vào giữa ngón tay đeo nhẫn và ngón út. Ông viết được nửa trang giấy thì hết mực, nên ngừng lại một lúc, rồi mới tiếp theo và lúc gần viết xong thì trời mưa, một cơn gió thổi vào làm tờ giấy chực bay, ông phải vội lấy tay đè lên - vì ông ngồi viết gần cửa sổ.
Viết xong, ông còn đưa cho các bạn ông xem để cười với nhau. Thế nào các ông chẳng chế giễu tôi và bảo nhau rằng: anh chàng Lê Phong nhận được thư này thế nào chẳng phải ngẩn ngơ? - Hoặc một câu tương tự thế. Các ông muốn nghĩ ra một chuyện tình nhỏ để trêu ghẹo tôi đấy chứ gì?
Tuy vậy, tôi vẫn phải nhắc lại lời cảm ơn ông, và khuyên các ông, khi viết thư tình, nên mua giấy thẩm thực tốt. Không thì cứ dùng cục phấn bảng lăn lên cũng được. Chào ông và các bạn ông.
Một người văn sĩ rất đa tình, nhưng lại đa nghi.
Lê Phong, kính bút"
Lê Phong vân vê điếu thuốc lá, nhìn sự ngạc nhiên trên mặt tôi. Đoạn anh cầm bức thư bỏ vào cái phong bì đè cho "Mademoiselle Đào thị Kiều Anh số nhà 142 phố Hàng Đẫy".
Tôi hỏi:
- Quái lạ! Anh biết trước việc này ư?
- Biết trước thế nào?
- Biết có người giả con gái viết cho anh?
- Không.
- Thế sao lại gọi cô Kiều Anh là ông, sao biết cô Kiều Anh không phải là con gái? Ngộ anh lầm thì sao?
- Tôi không lầm, vì bức thư này bảo cho tôi biết, lại bảo thêm cho tôi biết cả một vài điều lặt vặt tôi vừa nói ở trong bức thư trả lời. Mà cái đó cũng chẳng thần thánh gì, chỉ cần có tài quan sát như tôi là đủ. Đây này, anh nghe coi: vì một sự vô ý nhỏ của người viết, chữ ngoài phong bì rắn rỏi, ngang tàng hơn chữ trong thư, nhưng xét kỹ ra thì cùng một lối. Mà chữ rắn rỏi ấy là chữ của đàn ông. Vậy người viết thư là đàn ông. Một người đàn ông không được khỏe mạnh lắm, vì cái vết tay mờ mờ xanh ở một vài chỗ là vết của một bàn tay nhỏ thon. Tôi soi kính xem kỹ thì thấy có hai, ba thứ vết tay nữa mờ hơn và khác hẳn nhau - do thế tôi biết rằng, trước khi gửi cho tôi, "cô Kiều Anh" đã đưa cho mấy người khác đọc. Mấy giọt nước nhỏ hoen ở trang thứ nhất chính là mấy giọt nước bọt, họ cười làm bắn vào. Chữ ở trang giấy hơi nhòe, vì giấy thẩm của họ đã cũ quá. Bức thư viết gần cửa sổ là vì tôi thấy những giọt nước van vát tưới vào - mà cũng vì thế, tôi biết lúc ấy trời mưa bên ngoài. Còn như sự ngừng viết nửa chừng để lấy mực vào bút máy thì dễ đoán lắm. Tôi thấy chữ cứ dần dần nhạt, rồi bỗng ở giữa một câu thấy đậm hẳn lên. Nhưng điều làm cho họ chịu phục tôi hơn là cách cầm bút của họ.
"Người viết thư muốn cho chữ viết thành ẻo lả mà không mất tự nhiên, nên cầm bút theo... lối đầm. Nghĩa là cặp quản bút vào giữa ngón út và ngón đeo nhẫn. Mà bởi cố làm cho chữ ngả hẳn về một phía như chữ phần nhiều cô con gái, nên ngòi bút gại vào giấy và thỉnh thoảng làm bắn mấy điểm mực ra chung quanh. Nếu ngòi bút còn mới và không uốn cong thì không đến nỗi thế. Anh đã nghe ra chưa?"
Rồi bạn tôi mỉm cười, niêm phong bức thư trả lời trao cho tôi:
- Chốc nữa ra về, anh làm ơn bỏ thư này vào thùng dây thép hộ. Chiều hôm nay, họ sẽ nhận được, họ sẽ tưởng tôi mắc lừa họ, sẽ gọi các bạn hữu để thưởng thức cái mưu của họ và sẽ kinh ngạc khi đọc thư của tôi.
Anh ta nói thế một cách rất chắc chắn, vẻ tự tin của anh cho tôi biết rằng những điều anh đoán không thể sai được. Anh sung sướng vì đã biết trước mưu mô của một bọn người tinh nghịch và lại dùng chính cái mưu họ để giễu lại họ chơi.
Hứng chí, Lê Phong lại lấy thêm mấy bức thư nữa cho tôi xem, cắt nghĩa cho tôi biết tâm tính từng người, và tỏ ra anh là một tay xem chữ rất sành sỏi:
- Cô này người đa cảm, giàu tưởng tượng... Cô này còn ngây thơ quá... Cô này người yếu ớt, tính tình không được ngay thẳng... Cô này nhã nhặn, muốn tỏ ra mình là người lịch sự nên tháo một tờ giấy trắng trong vở đi học và xén theo khổ giấy viết thư... chữ viết dạng đột, thực thà cũng như tính người.
Mỗi người có một tâm tính riêng, anh cứ theo tự dạng mà cắt nghĩa cho tôi xem một cách rành rẽ.
Cách đó hai hôm, câu chuyện "Kiều Anh giả" chúng tôi đã gần quên, bỗng có một người đến tòa soạn hỏi Lê Phong có việc cần kíp.
Anh đưa tấm danh thiếp cho tôi xem. Dưới hàng chữ in:
ĐÀO ĐĂNG KHƯƠNG
Sinh viên trường thuốc
Còn một dòng chữ viết vội:
- Có việc khẩn cấp, muốn gặp ông Lê Phong. Người lấy tên là Kiều Anh viết thư cho ông mấy hôm trước.
Phong đứng dậy mắt đăm đăm suy nghĩ rồi nói:
- Ồ! Có lẽ là một việc lạ, xuống xem với tôi đi, Văn Bình.
Xuống tới phòng khách, chúng tôi thấy một người thiếu niên dáng người chững chạc ăn mặc lịch sự, đang ngồi tì trán lên lòng bàn tay.
Người ấy giật mình khi nghe tiếng giày bước vào, đứng dậy bối rối một lát rồi hỏi:
- Trong hai ông, ông nào là ông Lê Phong?
Bạn tôi chỉ vào mình:
- Tôi. Nhưng cần gì ông phải nói dối...? Ông có phải là người viết bức thư hôm nọ đâu. Người ấy bé nhỏ hơn ông nhiều.
Người thiếu niên nhìn Lê Phong trần trần, nhưng trấn tĩnh ngay được:
- Ông quả là người đoán giỏi. Vâng, tôi không phải là người viết bức thư ấy, nhưng tôi cần phải nói thế để được giáp mặt ông ngay. Người làm báo thường sợ người ta quấy rầy...
Rồi thong thả ngồi, Đào Đăng Khương nói tiếp:
- Thưa ông Lê Phong, đây là một chuyện riêng có quan hệ đến danh dự chúng tôi và cả đến cái chết đau đớn của một người nữa. Vì câu chuyện bức thư hôm nọ mà tôi tưởng tìm ra được một sự bí mật ghê gớm, và cũng nhân đó, tôi được biết cái tài suy đoán hiếm có của ông. Tôi muốn đem việc đó thưa với ông và nhờ ông xét hộ.
Giọng nói kính cẩn và chân thực, khiến chúng tôi hiểu rằng sẽ được nghe một câu chuyện khác thường. Nhưng đôi mắt buồn và thông minh của người ấy nhìn tôi có vẻ nghi ngại.
Lê Phong nói:
- Ông này là Văn Bình, bạn rất thân của tôi. Ông có thể tin ở sự kín đáo của Văn Bình cũng như của tôi, xin ông cứ cho biết đầu đuôi câu chuyện.
Rồi Lê Phong ngả người trên chiếc ghế bành, lim dim mắt để nghe.
---
Bài thơ
- Thưa ông, việc đã xảy ra từ mấy năm nay, người chết đã nằm yên dưới mồ, mà người nhà chúng tôi cũng đã quên được nỗi đau đớn. Duy có tôi là vẫn còn để tâm mãi mãi, bao giờ tôi cũng ngờ rằng người thiệt mệnh phải chết vì một cớ rất lạ thường.
"Xin phép ông cho tôi kể câu chuyện rành mạch và theo thứ tự như đã xảy ra, rồi sẽ nói vì sao bức thư gửi cho ông hôm xưa lại có thể có liên lạc - rất mong manh - với việc này được.
"Cách đây ba năm, người em gái lớn của tôi đang học ở trường nữ sư phạm, bỗng một hôm vô cớ xin bỏ trường. Thầy me tôi rất chiều con, và cũng không muốn cho em gái tôi theo đuổi mãi việc cử nghiệp là việc các cụ tin rằng chỉ dành riêng cho bọn con trai, nên bẳng lòng cho em Tuyết Mai tôi xin thôi cũng như đã bằng lòng cho em tôi xin thi vào trường ngày trước.
"Tuyết Mai là người con gái thông minh lắm, lại sớm có khiếu về văn thơ. Hồi ấy tôi là lưu học sinh ở trường Albert Sarraut, một tuần lễ, hai lần về thăm nhà, mà lần nào về cũng chỉ là để nói chuyện với Mai về văn chương, hoặc mỹ thuật. Thấy em thôi học, tôi hỏi, thì Mai bảo tôi rằng: 'Học mãi trong trường cũng chỉ có thế thôi. Em không muốn đi dạy học như các bạn hữu em thì khoa sư phạm không có ích gì. Ở nhà, đem cái vốn học thức đã góp được bấy lâu mà đọc sách, viết văn, em thấy dễ chịu hơn cả'.
"Cái ý kiến mở khách thính (salon littéraira) ngày nay chúng tôi vẫn để tâm đến, ngay từ độ ấy em Mai tôi đã có rồi. Tôi thường thấy Mai nói đến những cuộc hội họp các bạn gái ở nhà một người chị em. Nhưng được ít lâu, các cô mỗi người một nơi, nên việc đó không có kết quả gì hết. Tôi cần phải nói rõ điều ấy để ông biết cho rằng em tôi là người nhiệt thành vui vẻ và yêu sống, trong gia đình không có điều gì làm cho Tuyết Mai buồn..."
Lê Phong ngắt lời:
- Ông chưa nói cho biết cô Mai năm ấy bao nhiêu tuổi.
- Em tôi năm ấy mười tám, nhưng trông người và xét tâm tính, tư cách thì khôn ngoan sắc sảo hơn tuổi nhiều. Đây là bức chân dung của Mai, chụp sau khi thôi học được ít bữa.
Người thiếu niên đưa ra một tấm ảnh khổ carte postale. Lê Phong cầm lấy xem, khen nước ảnh đẹp, lối chụp khéo và có tinh thần, rồi không có liên lạc chi, anh ta nói:
- Piano với violon, cô Mai ưa thứ đàn nào hơn?
Người thiếu niên và tôi kinh ngạc nhìn Lê Phong, tưởng anh nói đùa, nhưng mặt anh vẫn nguyên vẻ đạo mạo. Anh nhắc lại:
- Tôi muốn hỏi ông người nữ tài tử này hay dùng thứ đàn gì? Vì ít ra, cô Mai phải giỏi âm nhạc.
- Vâng, quả thế. Mai giỏi violon lắm và đang học đánh piano. Tôi biết ông đoán tài, nhưng điều tôi không thể hiểu được là sao ông trông ảnh lại biết?
Lê Phong làm bộ thản nhiên, nhưng xem ý ra trong lòng vui sướng, thong thả trả lời:
- Có lẽ nói ra khí dài dòng. Vì phải ôn lại cho các ông nghe các điều bí nhiệm của khoa "physiognomonie", mà tôi tạm dịch là khoa xem tướng. Nhưng ông cứ biết rằng đôi mắt say đắm dưới cái trán cao rất đẹp này là đôi mắt của nhà nghệ sĩ. Mà cái tay thanh tú, mềm mại kia chẳng phải chỉ khéo nấu nướng mà thôi. Mà... hình như những hàng chữ viết sau bức hình này, cô viết trong lúc người đang yếu? Ông cho phép tôi đọc nhé.
Phong chăm chú đọc. Anh có vẻ đọc những nét chữ hơn là đọc lời văn. Song anh cũng lấy ngón tay gạch những câu mà anh muốn cho tôi chú ý. Đó là những câu tả cái cảm tưởng của một người trong lòng như buồn rầu, như bối rối: những câu trích ở một đoạn tư tưởng lúc nào cũng bồng bột trong lòng:
"Phải. Khi yêu, thì người ta có thể làm những điều không ngờ đến được... Trời, dẫu khe khắt, cũng dung thứ cho lòng yêu có những phút điên cuồng.
Trời ơi! Sao mà có nhiều điều khó hiểu thế? Tại sao, như chị ấy vẫn nói, tại sao Trời lại bắt chúng ta đau khổ? Nếu chính Trời là Hóa công thật, nếu Trời thật là đấng tạo nên thế gian, thì Trời sao lại tạo cả nên sự ác nghiệt, sự đau thương với điều tội lỗi. Tại sao người ta muốn sống vui, Trời lại bắt ốm, bắt chết.
Gió ở ngoài hiên nghe thảm quá... Lá bay xào xạc như rơi trong lòng tôi... Me ngủ yên đã lâu. Me ơi, chả nhẽ con cứ giấu me mãi. Me là một người đàn bà, và trong lòng cũng nghĩ như con..." (Viết lúc 11 giờ đêm)!
Tôi đưa mắt nhìn Lê Phong, thì thấy anh nhắm mắt, mím miệng lại một lúc, hai ngón tay cầm lấy tấm ảnh một cách đặc biệt như để cố tưởng đến tâm sự người viết những chữ chúng tôi vừa đọc xong.
Lúc mở mắt ra, câu thứ nhất của anh là:
- Trời! Một người đàn bà không tầm thường! Một tâm hồn rất lạ!
Rồi anh nói tiếp:
- Nêu tâm, trí, lương năng, trực giác của tôi vẫn không đánh lừa tôi như trước, thì cô Tuyết Mai đây quả là một người khác thường. Cô yêu, hay ghét, vui mừng, đau khổ, hay lo sợ, đều là ở trên một bực cả... nghĩa là đều không bình dị như mọi người. Trong lòng cô, lúc nào nguồn tư tưởng cũng sôi nổi. Cô ưa hoạt động, nhưng lại hoạt động ở tâm tưởng hơn... Chậc! Mà tôi nói toàn những điều chỉ riêng tôi thấy hay; điều ông muốn biết hơn, mà có lẽ ông cũng đoán biết rồi, là những lời văn trên này là một thứ văn nhật ký của một tâm trạng băn khoăn cần phải giãi tỏ ra. Mà bởi không giãi tỏ được với ai, nên phải viết ra hoặc vào sổ tay, hoặc trong thư, hoặc... lên sau tấm ảnh như đây, để trút những nỗi u ẩn lên mặt giẩy.
"Bây giờ xin ông kể nốt, tôi chắc những việc sắp xảy ra đáng cho ta chú ý hơn".
Người thiếu niên kể tiếp theo:
- Nỗi u ẩn của Tuyết Mai? Tôi thường tự hỏi em tôi có điều chi giữ kín trong lòng không? Vì thường ngày, Tuyết Mai không tỏ ra thái độ chi khác cả. Em tôi vẫn tiếp các bạn gái và bạn trai nữa; tính Mai rất tự nhiên.
"Năm chừng mười họa, tôi mới bắt chợt được vẻ buồn trên mặt Tuyết Mai. Đó là những lúc em tôi ngồi suy tưởng một mình, hoặc sau khi đọc sách, đọc báo. Nhưng chỉ thoảng qua giây lát. Tôi cho là một sự rất thường.
"Không ngờ một buổi tối kia, sau khi cả nhà vui vẻ nghe Mai dạo đàn ở trong phòng khách, tôi thấy em tôi cứ đi đi lại lại ngoài hiên và có vẻ bối rối lắm. Hỏi, Mai nói là trong người khó chịu, không muốn nói chuyện với tôi như mọi bận và vội vã bước về phòng mình. Sáng hôm sau, trưa lắm, tôi vẫn chưa thấy Mai ra, vào thăm em, thì thấy mặt em sút hẳn đi, hai mắt quầng thâm và có vẻ hốt hoảng. Mai ngồi trên ghế đệm, ở giữa những báo chí đang xem dở. Cái hình chụp tôi đưa các ông xem đây thấy rơi dưới đất, nhặt lên thì thấy có những hàng chữ viết này.
Lê Phong hỏi:
- Ông có nhớ những báo xem dở ở gần cô Mai là tuần báo hay nhật báo không?
- Là nhật báo.
- Trong báo có tin gì quan trọng hay có tin gì đáng cho cô Mai để tâm đến không?
- Theo ý tôi thì không. Báo chỉ thông những tin thường xảy ra hồi bấy giờ, một vài vụ trộm, mấy việc khám xét bắt bớ, nghĩa là không có gì lạ hết. Nếu có thì tôi, là người đã đọc báo ấy, đã chú ý đến ngay.
- Ông có đọc những báo ấy sau khi thấy cử chỉ cô Mai như thế không?
- Không.
- Thế là một điều sơ ý đáng phàn nàn. Nhưng không hề gì. Xin ông kể nốt.
- Từ hôm đó, em tôi mất hẳn tính vui vẻ, ngày nào cũng ở yên trong phòng ngủ và có những lúc hốt hoảng lặng lẽ. Tôi có hỏi cũng không chịu nói ra vì đâu. Thầy thuốc chúng tôi mời đến xem bệnh cho Mai chỉ nói rằng Mai bị bệnh đau tim và đang trong lúc tinh thần rối loạn. Cả nhà tôi hết sức săn sóc, nhưng Mai càng ngày càng yếu, trong có hơn một tuần lễ, người rộc hẳn đi, trông rất đáng thương.
"Tôi hỏi riêng me tôi xem có biết gì về tâm trạng Mai về hồi gần đó chăng, thì me tôi nói rằng không. Tôi vẫn ngờ rằng Mai mới có nhiều việc kín về tình duyên muốn giấu, và tự hứa rằng sẽ tìm cách dò hỏi cho ra. Đó có lẽ không phải là công việc của một người anh, nhưng xin hai ông biết cho rằng, tôi thương em tôi lắm. Mai với tôi không những là người ruột thịt, chúng tôi tương đắc với nhau lắm, mà ở đời tôi chưa thấy có bạn hữu nào thân hơn.
"Trong lúc Mai yếu, tính tình như cũng thay đổi. Em tôi thường có những lúc dằn dỗi vô cớ với me tôi, với tất cả mọi người trong nhà, nhưng lại có những lúc hiền lành dịu dàng và nói những câu rất êm ái, rất cảm động. Tôi bàn với thầy me tôi cho em tôi đi nghỉ mát ít bữa, tuy lúc ấy chưa đến nghỉ hè. Mai nghe nói tỏ ra ý rất vui và bảo tôi: 'Thế nào anh cũng đi với em. Anh phải đi với em, em mới bằng lòng... Mà không lúc nào anh được bỏ em một mình đó'. Tôi không lưỡng lự, định sẽ xin phép nghỉ học trước để lên Tam Đảo với me tôi và Mai.
"Bỗng nhiên, một hôm Mai nhận được bức thư, một bức thư cũng như mọi bức thư vẫn nhận được hằng ngày; nhưng khi mở ra coi, tôi thấy Mai tái hẳn mặt đi, hai tay run bật lên, ngơ ngác nhìn ra một cách kỳ dị không thể tả được! Tôi lo sợ lại gần hỏi thì Mai lắc đầu nói: 'Không, em tự nhiên khó ở, anh để yên em nằm nghỉ, anh ra đi!' Tiếng nói cũng có vẻ rất khác thường, giọng nói run run khiến tôi không thể nào cầm lòng được. Tôi nài xem bức thư gửi đến. Mai cười nhìn tôi một cách rất ảo não và đưa bức thư cho tôi xem.
"Thì ra nó là một bài thơ, thưa ông. Một bài thơ lục bát, như em tôi vẫn nhận được của các bạn gái gửi về, trong đó toàn những câu vẩn vơ buồn, chứ không có gì là khác lạ. Đây, bài thơ tôi vẫn còn giữ xin đưa ông coi".
Lê Phong, đôi mắt sáng lên một cách phi thường, anh cầm mảnh giấy nhỏ người thiếu niên vừa trao cho mà tay hơi run. Tôi biết anh đã đoán thấy nhiều việc quan trọng.
Bài thơ viết trên một thứ giấy kẻ ô, chữ viết rõ ra chữ người con gái và lơ thơ, quả như người thiếu niên nói, chỉ có những nghĩa vu vơ:
Đọc xong, bạn tôi không nói gì cả, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi đột nhiên hỏi:
- Ai đưa bức thư này đến?
- Nhà dây thép.
- Người gửi thư ở Hà Nội hay ở tỉnh khác?
- Ở Hà Nội, theo dấu đóng ngoài phong bì.
- Được, lạ lắm. Ông kể nốt câu chuyện đi.
Người thiếu niên thở dài:
- Thưa ông, tôi rất kinh ngạc sau khi đọc những dòng chữ này. Tôi không hiểu tại sao những câu tầm thường ấy lại làm cho em tôi sợ hãi quá đến thế. Tôi không biết duyên cớ để lựa lời khuyên giải em, vả em tôi cũng không muốn nghe tôi khuyên giải chi hết, chỉ lắc đầu đưa tay bảo tôi ra: "Không, em không hề gì hết, anh thu xếp mai đi Tam Đảo với em". Lời nói có giọng thiết tha, van vỉ. Tôi không đời nào quên được đôi mắt Mai nhìn tôi lúc đó, cái miệng cười gượng với tôi lúc đó và ngay lúc đó, tôi như cảm thấy những điều thảm khốc vô cùng.
"Nửa đêm hôm ấy, tôi đang ngủ bỗng nghe thấy bên phòng Mai có tiếng rền rĩ. Tôi vội vùng dậy, đâm bổ sang vỗ cửa thì cửa khóa kín... Tôi không còn hồn vía nào nữa, cuống cuồng lên gọi cả nhà dậy, phá cửa vào thì Mai đang giãy giụa trên giường. Tôi không kịp hỏi được một lời nào, Mai nẳm trong tay me tôi chỉ nấc lên mấy cái rồi tắt nghỉ".
Phong hỏi:
- Tự tử?
- Vâng, tự tử. Em tôi tự tử bằng các thứ thuốc rất mạnh trong nhà sẵn có, như teinture d'iode, cường toan, permanganate, trộn lẫn với nhau để uống. Không thể nào cứu được nữa, vì lúc ấy đã quá muộn rồi.
Nghe lời đó Lê Phong ngồi thẳng người lên, hai tay cầm mảnh giấy một cách cẩn trọng không biết ngần nào. Rồi ngẩng lên nhìn chúng tôi, anh nói:
- Bài thơ này giấu kín cả một tấn kịch, chưa biết là bi kịch hay hí kịch, nhưng là một tấn kịch rất lạ lùng... Xin ông để lại đó cho tôi xem, để cả tấm ảnh này đây, vì những chữ sau tấm ảnh này cũng sẽ giúp tôi tìm được đầu "mối dây". Thí dụ... Tôi biết được rằng, cô Mai không phải là em ruột ông... và... lúc ông nói ông thương cô tức là ông yêu cô đó. Xin ông tha lỗi cho, câu chuyện của ông làm tôi cảm động và có thiện cảm chân thực với ông nhiều lắm. Tôi muốn giúp ông khám phá ra các điều kín nhiệm, vậy ông cũng nên chân thực với tôi.
Rồi không để ý đến sự kính phục của Đào Đăng Khương, Phong mỉm cười để hai tay lên vai người thiếu niên và nói tiếp:
- Xin ông cứ tin ở tôi. Bài thơ lục bát kia đủ làm một quyển sách thần bí để tôi xem đó mà đoán được các việc phi thường.
° ° °
Một thảm tình
]Đào Đăng Khương trân trân nhìn bạn tôi bằng đôi mắt của người vừa thấy một điều quái dị. Chàng ta ngồi lặng đó đến hơn một phút, hình như tự hỏi chẳng biết Lê Phong là thứ người gì mà biết được những việc ẩn kín trong lòng mình, lại biết một cách rõ rệt nhanh chóng đến thế.
Một lát sau Khương mới nói:
- Thưa ông, quả ông là một bậc kỳ tài. Vâng, Mai không phải là em ruột tôi. Nhưng tôi xin thú thực câu phỏng đoán của ông vừa rồi tuy đúng, song tôi ngờ là... một câu vô tình ngẫu nhiên mà đúng. Vì tôi tưởng chưa hề nói ra điều gì có thể lộ việc kín trong gia đình tôi.
Lê Phong cười:
- Trước hết, tôi không phỏng đoán bao giờ. Vậy không phải vì sự tình cờ mà biết được việc riêng của ông. Tôi nghe lời ông nói, nghe giọng ông nói, chú ý đến cả những cách ông nói, tôi đã nghĩ thầm: có phải đây là giống một người anh kể chuyện một cô em không? Tôi trông đôi mắt ông mỗi khi nhắc đến tên Tuyết Mai, có một "tia sáng" âu yếm khác, giọng nói lúc đó cũng tha thiết, đắm đuối ông không ngờ đến, nhưng tôi, thì tôi thấy rõ ràng. Thế rồi, lúc ngắm đến bức chân dung của người thiếu nữ rất nhan sắc kia - người thiếu nữ mà ông bảo tâm tính rất hợp với tâm tính ông - thì tôi có ý tìm mà không thấy có nét nào giống ông hết. Hai anh em ruột mà lại tâm tính tương hợp thì ít nhất cũng phải có một vài chỗ tương tự giống nhau bề ngoài, đằng này thì không.
"Đó chưa hẳn là một chứng cớ chắc chắn. Nhưng chứng cớ đó thêm vào những điều quan sát về cử chỉ ngôn ngữ khi ông nói đến Tuyết Mai, cũng có thể cho tôi ngờ rằng cô Tuyết Mai với ông không phải là người trong ruột thịt... Vậy cô là em ông, nhưng là em họ hoặc em nuôi, phải không?"
Khương thong thả đáp:
- Tuyết Mai là con nuôi của thầy me tôi.
- Nuôi từ ngày còn nhỏ?
- Vâng, từ hồi mới được hai tháng. Hồi ấy đứa em nhỏ của tôi cũng được hai tháng, nhưng mắc bệnh sài bỏ mất, nên nhà tôi nuôi Tuyết Mai thế vào. Việc này trừ thầy me tôi, không ai biết đến. Cả Tuyết Mai cũng vậy, vì em tôi được cả nhà rất thương yêu. Tôi thì mãi gần đây mới dò ra được sự bí mật đó.
Lê Phong hỏi:
- Mà sao ông lại để ý dò ra?
Rồi, không để cho người thiếu niên đáp, anh nói tiếp theo:
- Đấy thì thực là điều phỏng đoán của tôi. Ông có ý dò xét cái "căn cước" thực của em gái ông, là vì trong lòng ông có điều nghi ngờ... Ông thấy lòng đối với cô Mai có một thứ tình mặn mà, đằm thắm hơn tình anh đối với em. Ông yêu Tuyết Mai theo nghĩa mạnh nhất của tiếng này. Ông kinh ngạc, ông khổ vì thấy lòng có những ý nghĩ bất chính đó... nhưng không thể đừng yêu được!... Có phải không? Rồi còn gì nữa? Trời ơi, cả một đoạn tình sử cay đắng!... Ông hối hận, oán trách ông đã yêu người máu mủ, ông khổ sở cho đến cái ngày ông biết Mai chẳng phải là con đẻ của song thân ông... Nhưng đến ngày ấy thì ông lại gặp... một... bức tường của lễ giáo: ông biết rằng vẫn không thể yêu em ông được, gia đình ông sẽ ngăn cấm không cho ông làm một việc tự nhiên đối với lý trí, nhưng trái ngược đối với thói thường...
"Đó là những điều tôi do một điều đã biết trên kia mà... tán rộng ra, một công việc của nhà tiểu thuyết giàu tưởng tượng hay của một ông thầy bói tinh ranh, nên có lẽ không được đúng cho lắm".
- Không! Rất đúng! Rất đúng! Tôi thực đã mang một tấm tình kỳ quặc trong khi tưởng em Mai tôi là em ruột, rồi lại mang một khối tuyệt vọng khi biết rõ dây liên lạc của Mai đối với tôi. Không biết bao nhiêu lần, ngồi trước mặt em, ngắm nhan sắc, em tôi muốn nắm tay em một cách âu yếm thiết tha hơn mà ngỏ cho em thấu nỗi khổ trong lòng. Nhưng thấy Mai vẫn trong sạch thản nhiên, vẫn không ngờ, không hiểu gì, nên tôi lại không có can đảm nói. Tôi chắc sẽ làm cho Mai khổ nếu tôi nói rõ những điều Mai không tưởng đến bao giờ. Em tôi vẫn sung sướng trong bóng êm đềm của gia đình tôi. (Lê Phong hơi mỉm cười đưa mắt cho tôi như để đánh dấu lấy câu nói văn vẻ ấy). Em tôi vẫn nhận lấy sự yêu thương của thầy me chúng tôi một cách rất bình tĩnh, và yên lòng tưởng đến những hạnh phúc của một người tin ở số phận đẹp đẽ của mình.
"Thưa ông, tôi ép lòng không tưởng đến tình yêu của tôi nữa. Tôi đành lòng mong cho cuộc đời của Mai không có một thứ mây nào ám đến. Nhưng tôi không khỏi ghen với những bạn hữu có thể yêu Mai một cách đường hoàng hơn tôi".
Phong ngắt lời hỏi:
- Thế ông bà thân sinh ông có nói đến việc nhân duyên của cô Tuyết Mai bao giờ không?
- Có. Vì có nhiều người hỏi, trong đó phần nhiều là bạn trai của tôi cả. Nhưng Mai vẫn chưa muốn nghĩ đến việc lấy chồng.
- Đối với các bạn ông, cô tỏ ra thái độ thế nào?
- Tôi đã thưa với ông rằng Mai là người thiếu nữ rất tự nhiên. Trong những lúc trò chuyện, bàn luận, đàn hát, em tôi không có vẻ rụt rè, e thẹn vô lý như phần nhiều người. Đó là do ảnh hưởng của sự Âu hóa hay sao thì tôi không biết. Nhưng về phần các bạn tôi thì có người cho sự thân mật của em tôi là một cái "ơn" riêng cho mình.
Trong lúc người thiếu niên nói, Lê Phong vẫn cầm bức ảnh nhỏ ngắm nghía, hoặc lật mặt trái xem lại những hàng chữ viết. Bỗng anh lại hỏi một câu không có liên lạc đến chuyện, theo như thói quen của anh:
- Ông có còn giữ quyển nhật ký của cô Tuyết Mai không?
Khương chưa hiểu; ngừng lại. Phong nhắc lại câu hỏi:
- Tôi muốn biết quyển nhật ký của cô Mai.
- Nhật ký nào?
- Thế ra ông không biết ư? Cô Tuyết Mai, theo ý tôi, tất phải có một tập nhật ký, trong đó cô có ghi chép các điều cô nghĩ, cô trông thấy hoặc nghe thấy. Vì đó là một sự cần cho một người con gái có tâm sự sôi nổi, có học thức rộng, và có cái thị hiếu cao quý như cô Mai đây... Có điều tôi lấy làm lạ là những lời sau bức ảnh này sao cô không viết ngay vào nhật ký. Vì đó là một đoạn văn nhật ký thật. Có ghi chép cả ngày giờ. Không viết vào nhật ký có lẽ vì cuốn nhật ký lúc đó không tiện lấy ra. Có lẽ sau bức ảnh đó, cô viết vội vào trong lúc ý tưởng trong trí hãy còn "tươi" như người Tây nói. Không giữ được quyển nhật ký thì ít ra ông cũng còn giữ lại thư từ của các bạn cô gửi đến chứ.
- Thư thì có, phần lớn là của các bạn gái.
- Ông có thấy gì khác không?
- Không, chỉ những chuyện văn chương hội họp, những ý kiến về các cuộc diễn thuyết, về các sách mới xuất bản, hoặc những chuyện cổ động cho khách thính.
- Có nói đến thơ ca bao giờ không?
- Có. Tôi lại thấy những bài thơ đăng báo cắt ra lẫn trong tập giấy má, và nhiều bài của các chị em bạn gái gửi cho Mai. Không có một bài nào giống thể thơ của bài lục bát tôi đưa ông coi đây, cũng không có bức thư nào tự dạng giống nét chữ ở bài thơ lục bát ấy...
- Cái đó đã hẳn, vì môt bài thơ lục bát mà làm một người kinh sợ đến nỗi tự tử được, tất nhiên không phải là một bài như mọi bài thường.
"Tôi quên chưa hỏi ông, cô Mai có để thơ tuyệt mệnh lại không?"
- Không, vì thế nên việc quyên sinh của em tôi càng có vẻ kỳ dị.
- Trong các bạn hữu ông, ai là người ông xem ra có ý lưu luyến đến cô Mai nhất?
- Tôi có ba người bạn thì cả ba đều hay lại chơi, mà xem ra thì Mai không để ý đến một người nào. Đối với ai em tôi cũng lịch thiệp, nhã nhặn, không tỏ ra ý thiện cảm hay ác cảm với riêng ai...
- Nếu vậy thì... những lời độc nhất ta bắt chợt được ở sau bức ảnh này, tôi đã hơi thấy có nghĩa... Nhưng tôi, tôi muốn hỏi thêm ông ít điều cần hơn. Ông đã xem xét kỹ những sách vở, giấy má của cô Mai, sau khi cô quyên sinh rồi chứ?
- Vâng.
- Các thư từ... nhất là các thư từ?
- Vâng.
- Ông không thấy gì lạ?
- Không thấy một sự lạ nhỏ nào. Vì thưa ông, cái chết của em tôi đã làm cho tôi kinh ngạc hết sức, nên tôi vẫn cố ý tìm để lấy một duyên cớ, một điều gì có thể làm tia sáng soi vào sự bí mật của Tuyết Mai. Không, trừ bài thơ lục bát là vật chỉ làm tôi khó hiểu thêm, không còn gì đáng chú ý hết.
- Tuy vậy, nếu có thể được, tôi muốn xem tập thư kia.
- Xin vâng, tôi sẽ đưa ông sau.
Lê Phong lấy sổ tay ghi chép mấy câu sực nghĩ ra rồi hỏi nữa:
- Các bạn gái của Tuyết Mai, những ai là đáng chú ý?
Khương ngẫm nghĩ một lát, mỉm cười nhạt nhẽo:
- Các cô ấy đến chơi luôn, ai tôi cũng thấy tử tế cả, vả lại, tôi cũng không hay giao tiếp với họ lắm, vì rằng...
Lê Phong cũng mỉm cười:
- Vâng, tôi hiểu rồi. Những thư gửi về là của những bạn ở xa hay cùng ở Hà Nội?
- Gần hết là của bạn xa. Nhiều cô đã lấy chồng... Hình như có cô ở ngoại quốc nữa.
Phong chợt có vẻ chăm chú. Anh hỏi:
- Thế nào? Không mấy cô viết thư là người ở Hà Nội?
- Vâng. Sao?
- Cần lắm. Mà bài thơ lục bát lại là của một người ở Hà Nội gửi đến? Ông nhớ kỹ chứ?
- Vâng.
Phong lại ghi lấy đoạn vấn đáp ấy rồi lấy mảnh giấy có bài thơ lục bát ra coi. Anh lẩm bẩm đọc mấy câu:
- Muốn tìm tảng đá đề thi...
Lòng đau khôn chép, khôn ghi được lời
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Và cứ câu này nhắc lại mỗi lúc một nhỏ dần, sau cùng mắt anh nhìn ra mơ màng như sắp tìm được sự lạ.
Chúng tôi cùng yên lặng để anh suy nghĩ và thấy ngón tay anh sẽ đưa lên đưa xuống như đánh nhịp cho những lời thơ sau. Hơn một phút đồng hồ. Mặt anh, đôi lông mày với đôi mắt sáng của anh, với cái miệng mắm lại, đều cho chúng tôi biết anh đang dùng hết tâm lực để cố theo đuổi một ý tưởng gì vụt thoảng qua...
Lê Phong lại lẩm bẩm nói. Tiếng nói rất nhỏ. Đôi mắt vẫn nhìn trân một phía. Tôi lắng tai hết sức nghe thấy mấy câu:
- Một bài thơ... một bài thơ lục bát... thế mà Tuyết Mai kinh sợ, rồi đến tự tử được... Tự tử... Hừ!...
Đầu anh se sẽ lắc. Anh thở một hơi rất dài, rất nhẹ, rất thong thả. Rồi bỗng sực tỉnh lại, anh nói:
- Ồ, kỳ lắm, kỳ lắm! Không thể nào... phải, không thể nào thấy ngay được. "Quyết tâm ai mảng quên ai". Văn chương kỳ quặc không! Lại còn "Tơ lòng chán nản phím đàn tử sinh" nữa. Thực là đủ các điều quái gở để tôi phải mất ngủ suốt đêm hôm nay. Bây giờ ông cho tôi biết thêm mấy điều nữa. Tôi xin hứa với ông rằng chậm lắm là ngày kia, "màn bí mật" phải mở ra, nếu không thì việc lạ này quả là quá sức tôi tưởng tượng.
Rồi, chăm chỉ, Lê Phong sắp sẵn bút với sổ tay, anh hỏi người thiếu niên:
- Ông có ngờ cho cô Mai bị thất vọng, bị ô nhục, hoặc bị một điều gì bất đắc chí về tình không?
- Không.
- Những hàng chữ ở sau bức ảnh, nói về lòng yêu. Vậy sự yêu ấy tất ám chỉ vào một người nào...
- Theo tôi biết, thì Mai có lẽ rất tin ở tôi, có điều gì tưởng cũng ngỏ cho tôi biết chứ.
- Cái đó không thể chắc được. Lòng người, ông nên hiểu, thực có nhiều nỗi éo le. Nhưng đó chỉ là điều phụ. Bài thơ lục bát gửi đến, ông nhớ chắc chắn rằng là của người ở Hà Nội chứ?
- Chắc.
- Ông có thấy còn kèm bức thư nào trong một phong bì không?
- Không. Lúc Mai xé phong bì là lúc tôi ngồi nói chuyện với em ở trong phòng riêng, Mai đang nằm nghỉ vì người chưa khỏe.
- Cô nói chuyện với ông vẫn như thường chứ? Nghĩa là không thấy có gì khác ở câu nói chứ?
- Vâng. Ông có ý muốn biết rõ trí não của em tôi có được bình thường không chứ gì? Xin quả quyết nói rằng em tôi không tỏ ra một thái độ nào, một lời nói nào khác lạ, trước khi đọc bài thơ khốc hại kia...
- Mặt cô Mai, sau khi cô đọc bài thơ, lộ ra vẻ đau đớn, tuyệt vọng?
- Không. Hơn thế nhiều lắm. Mai tái xanh mặt đi, mắt mở rất lớn ra vẻ sợ hãi không biết chừng nào. Có tôi ngồi đấy mà Mai cũng không tưởng đến sự giấu diếm tôi... Tay em tôi run lên, môi xám ngắt cũng run lên... Không có câu hỏi săn đón của tôi, có lẽ em tôi ngất đi mất.
- Được. Cả sự bí mật phần lớn ở bài thơ lục bát. Tìm ra nghĩa tức là tìm ra sự thực đấy, nhưng việc tìm ra không phải việc dễ dàng. Lúc nãy tôi vào đây, ông có nói với tôi rằng, vì câu chuyện gửi thư đùa tôi hôm xưa mà ông tưởng tìm ra một sự liên lạc với việc cô Mai. Vậy sự liên lạc đó có tính cách thế nào?
Khương đáp:
- Liên lạc có lẽ không phải là tiếng đúng lắm. Tôi có ý nói rằng vì thấy một người đàn ông có thể giả chữ con gái mà viết thư được thì tất cũng có thể có một người đàn ông khác giả chữ con gái mà viết ra bài thơ gửi cho em tôi. Tôi chỉ tìm ra được có thế thôi. Nhân thấy ông xem chữ mà biết được người viết, lại đoán một cách rành mạch cho trường hợp lúc chúng tôi viết thư cho ông, nên tôi liền nghĩ đến việc Tuyết Mai là việc tôi để tâm đến mãi mãi, và đem đến kể cho ông nghe để nhờ ông khám phá giùm. Xin ông vì sự thực và vì tình của một người anh khổ sở, vì một đoạn thảm sử trong lòng tôi mà ông đã thấu biết mà tìm đến việc này cho...
Sự cảm động làm nghẹn lời Đào Đăng Khương.
Lê Phong, đôi mắt dịu dàng, vỗ vai người thiếu niên, ôn tồn nói:
- Tôi xin hết lòng. Việc này tuy rắc rối và là một bài "tính đố" khó khăn lắm thực, nhưng chính vì thế mà gợi tính tò mò của tôi... Tôi lấy hết tâm trí để mong tìm cho chóng ra, vì sự thực thiêng liêng, vì một đoạn tình yêu thiêng liêng cũng có, nhưng chính cũng vì cái thị hiếu riêng của tôi nữa. Vậy hà tất ông phải cảm ơn tôi.
"Một điều tôi cần muốn dặn ông là về chuyện quyên sinh này, ông đừng cho ai biết rằng ông đã đem đến bàn bạc với tôi. Có lẽ họ biết cũng không sao. Mà có lẽ lại là điều rất trở ngại.
"Ông lại nhớ đưa cho tôi tập thư của các bạn gửi về cho cô Tuyết Mai... À, còn điều này nữa: sau khi cô Tuyết Mai quyên sinh, còn bức thư nào gửi đến nữa không?"
- Không. Tin em tôi mất đăng báo ngay hồi đó.
- Được, bây giờ xin ông cứ về.
Người thiếu niên ngần ngừ:
- Thưa ông... theo ý ông, thì em tôi quyên sinh vì cớ gì, ông có thể cho biết ngay được không?
- Ồ, ông nóng nảy quá. Tôi bây giờ cũng như ông, hay chỉ phảng phất biết hơn ông một chút là cùng. Điều chắc chắn mà ông cũng biết như tôi là cô Mai tự sát vì bài thơ... Còn ngoài ra...
Lê Phong tươi cười khoát tay lên để nổi vào câu nói.
---
Giả thuyết và sự thực
Sau lúc người thiếu niên ra về, Lê Phong liền đứng lên, bỏ bức ảnh với bài thơ vào túi, lên gác, vào tòa soạn, giở mấy tờ báo ra đọc, sắp tập giấy trước mặt, rồi yên lặng ngồi viết một thôi một hồi. Tôi hói:
- Anh viết gì thế?
- Viết bài số sau.
- Thế còn việc vừa rồi?
- Việc nào?
- Câu chuyện Tuyết Mai!
Bạn tôi trả lời bằng một cái nhún vai nhẹ, một lát anh nói:
- Chuyện ấy có quan hệ gì với số báo sắp ra?
Rồi không để ý gì đến tôi cũng như đến chuyện Tuyết Mai, anh cứ cắm cúi viết hoài. Viết xong, anh yên lặng đưa bản thảo cho ông chủ nhiệm, yên lặng lấy thuốc lá hút, rồi yên lặng đi ra. Tôi lấy làm lạ cho sự dửng dưng của anh đối với một việc mà chính anh nửa giờ về trước cho là rất kỳ dị.
Nhưng lúc tôi sang phòng bên cạnh thì thấy Lê Phong ngồi sau một cái bàn rộng, tấm ảnh và bài thơ để trước mặt. Một tay anh đang cầm dọc cái bút chì đưa lên ngang mặt, chăm chú ngắm nghía mãi, làm như ở đời chưa bao giờ thấy cái bút chì nào lạ hơn.
Đó là một cử chỉ đặc biệt của Phong mỗi khi anh ta để cả tâm trí vào một việc.
Tôi vẫn "kính trọng" những lúc suy tưởng đó của bạn, nên không nói gì qua. Tôi kéo ghế ngồi và ngẫm nghĩ đến câu chuyện Đào Đăng Khương thuật lại lúc nãy. Tôi cố ôn lại các trường hợp và sắp đặt cho có thứ tự và thử tìm xem có nảy ra được một "tia sáng" nào không.
Tôi tưởng đến những lời viết sau bức ảnh của Tuyết Mai, những lời nồng nàn về tình yêu của một tâm trạng không thường, tưởng đến tâm tình u ẩn của người cô ta tưởng là anh; tưởng đến bức thư - đến cái bài thơ lục bát kia - tuy lời bóng gió vu vơ nhưng quyết nhiên là có ẩn một ý nghĩa. Ý nghĩa đó chỉ có người viết bài thơ ấy hiểu với một người nữa: là Tuyết Mai...
Tư tưởng cứ theo cái luận lý dễ dàng ấy tiếp theo nhau, và để cho tôi lập được mấy "giả thuyết" cũng khá vững chãi.
Một câu nói rõ rệt của Lê Phong làm tôi sửng sốt:
- Những giả thuyết vững chãi cũng gần là sự thực rồi đấy.
Tôi ngảnh lại thì Phong đang nhíu mắt nhìn tôi mỉm cười. Tôi hỏi:
- Giả thuyết nào?
- Những giả thuyết anh vừa lập ra chứ giả thuyết nào? Có phải anh đang suy đoán về việc Tuyết Mai không?
- Phải.
- Anh đã tìm được nhiều điều hay? Nhiều điều mà anh tin là vững chãi?
- Tôi tưởng thế, nhưng sao anh biết?
- Vì tôi vẫn theo đuổi ý nghĩ trong mắt anh. Cái chuyện đọc tư tưởng ở trên nét mặt mà Edgar Poe với Conan Doyle đã nói đến, bây giờ tôi lại càng tin là chí lý. Vì tôi vừa mới thực hành xong. Tôi ngồi đây có nghĩ gì đâu. Anh thì anh tưởng tôi nghĩ lung lắm. Trái lại, tôi quan sát những vẻ biến đổi ở đôi mắt với ở nét mặt của anh... Thế nào, bài thơ lục bát anh đã thấy có ý nghĩa gì chưa? Tuyết Mai vì sao mà quyên sinh... Nói tóm lại, giả thuyết của anh thế nào, cho tôi biết với.
Tôi nhìn bạn để dò ý. Anh ta không có vẻ chế giễu, hỏi tôi câu vừa rồi một cách chân thực và vẻ mặt vẫn đứng đắn như thường. Điều đó khiến tôi phấn khởi. Lê Phong hỏi nữa:
- Thế nào, anh nghĩ về việc này thế nào?
Tôi trả lời:
- Theo tôi thì chuyện này có thể có nhiều điều đáng chú ý lắm. Cả đến những việc nhỏ tơ tóc cũng không được bỏ qua.
- Chính thế! Cho nên?...
- Cho nên tôi không chỉ nghĩ đến bài thơ mà thôi, tôi còn xét cả đến lời viết sau bức ảnh nữa.
- Khá đấy!
- Những lời sau bức ảnh, theo tôi, quan hệ chẳng kém gì lời bài thơ. Tôi lại phải để ý cả đến những trường hợp xảy ra trước lúc Tuyết Mai viết những lời kia, nghĩa là những việc sau lúc dạo đàn cho cả nhà nghe; anh vẫn nhớ đó chứ?
- Nhớ. Anh nói nốt đi, lời bàn của anh hay lắm.
Tôi sung sướng vì thấy những lẽ của mình trúng ý Lê Phong, và vụt thấy trí não sáng suốt một cách lạ. Tôi nói tiẽp:
- Vậy sau lúc dạo đàn là lúc Mai bối rối, đi đi lại lại ngoài hiên... Sự bối rối đó chính là vì Mai đã đọc một tin gì đăng trong báo, một tin mà Khương không để ý, nhưng có quan hệ đến đời... tình cảm của Mai.
Lê Phong nhìn tôi ra vẻ khen phục rõ ràng:
- Hay lắm! Giỏi lắm! Anh suy xét rất hợp với phương pháp của tôi.
Tôi nói luôn:
- Chỗ này tôi phải xét đến những lời sau bức ảnh Mai viết trong lúc đêm khuya trằn trọc. Đó là những lời, như anh đã nói, của một tâm trạng sôi nổi. Những lời, của một người biết yêu, và yêu một cách đằm thắm nồng nàn... "Khi yêu thì người ta có thể làm những điều không ngờ đến được... Trời dẫu khe khắt đến đâu cũng tha thứ cho lòng yêu có những phút điên cuồng". Một trái tim thản nhiên không bao giờ chứa những tư tưởng cuồng bạo đến thế. Nhưng Tuyết Mai yêu ai? Tất nhiên không phải yêu Khương...
- Vì sao?
- Vì cô ấy vẫn tin Khương là anh ruột. Vả lại Khương có bao giờ dám ngỏ nỗi lòng cho cô ấy biết đâu. Mà tất nhiên yêu một người trong mấy người bạn trai của Khương. Tình yêu đó kín đáo lắm, nên Khương không thể thấy được. Đến đây tôi thấy cái thuyết của tôi chia ra hai đường.
"Một là: ý trung nhân của Tuyểt Mai tuy yêu Mai mà không thể lấy cô ấy được. Sự cản trở nhân duyên ấy thường hay xảy ra lắm. Thí dụ gia đình người con trai không muốn anh ta lấy Mai là người họ cho là mới quá, hoặc gia đình nhà thiếu nữ tỏ ý không ưa anh chàng. Đôi bên vì thế xa nhau, rồi anh kia lấy vợ, cái tin chàng kia lấy vợ - tất nhiên là một tin đăng báo - khỏi sao không khiến Mai oán trách kẻ bạc tình?... Duyên do sự bối rối của Mai sau lúc dạo đàn và viết nên những lời oán trách của Mai là ở đó.
Phong sẽ gật đầu, mỉm cười như để nhận những lẽ phân giải của tôi.
- Thế còn bài thơ?
- Bài thơ ấy cũng của anh chàng kia gửi cho Mai, để tỏ cho cô ta biết rằng anh ta cũng đau đớn lắm, tuy lấy vợ nhưng lòng đã chán nản, vì bao giờ cũng thấy mình lẻ loi. Sở dĩ phải giả chữ đàn bà cũng là để tránh sự nghi kỵ của nhà Mai. Mà cũng bởi lẽ ấy nên thơ có giọng thán trách ngậm ngùi, tuy vu vơ nhưng Mai hiểu rõ lắm.
Phong hỏi:
- Vì thế mà Mai tự tử để đáp lòng người yêu chứ gì. Được, thế còn thuyết thứ hai, hay là cái ngả đường thứ hai của cái thuyết ấy?
- Thuyết thứ hai như thế này...
Nhưng bỗng Phong phá lên cười lớn, cười một cách đột nhiên vô cớ, hình như đã cố nín nhịn từ lâu. Anh đưa tay ra ngăn câu nói của tôi và khi cơn vui thái quá ấy đã nguội dần, anh mới nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói một câu tiếng Pháp:
- Người bạn rất thân của tôi ơi, anh làm tiểu thuyết rất hay... Tôi thú thực rằng cái thuyết của anh chỉ có tính cách văn chương thôi. Phải, chỉ có thế.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa ngượng nghịu nhìn anh ra ý trách móc, thì anh ôn tồn nói:
- Nếu tôi cứ để anh phân giải mãi, thì không biết lý luận của anh sẽ đi đến bờ bến nào... Anh quả xét được một cách kỳ khôi lạ! Lúc nãy anh nói cần phải để ý đến từng cái tơ cái tóc. Phải lắm. Nhưng đằng này anh đem chẻ cái tơ cái tóc ra làm tư, làm tám, theo lối nói của người Tây. Không, sự thực không thế.
"Tôi chưa dám quyết một điều gì hết, vì một điều gì thấy ngay tức khắc cũng có thể đánh lừa được mình! Trong việc này phải đứng ra xa mà coi, như thế mới trông bao quát được cả. Đằng này anh trông gần quá, vin vào một điều không ai dám chắc để gây nên những lý thuyết mơ hồ... Có lẽ làm văn thì hay, nhưng đây không phải là chuyện trong tiểu thuyết".
Tôi nói:
- Nếu anh biết những điều tôi nói không phải là sự thực, thì chắc anh đã thấy rõ cả sự thực rồi sao?
- Không cứ. Tôi mới đoán thấy một phần nhỏ câu chuyện này thôi. Nhưng cũng có thể biết là anh nói sai được. Tôi hãy nói đến cái tin đăng báo. Anh bảo là Mai vì xem báo, thấy cái tin mừng của bạn trai mà băn khoăn. Trước hết, người ta buồn bực hay thản nhiên, chứ không băn khoăn vì cái tin này. Sau nữa, Khương là người vẫn để ý dò xét tâm sự của Tuyết Mai, lại cũng đọc số báo đã làm cho Tuyết Mai có những cử chỉ đáng chú ý hôm đó, nếu thấy có tin một người bạn quen lấy vợ, tất không khi nào bỏ qua. Vậy Tuyết Mai bối rối, băn khoăn vì một cớ khác hẳn. Cái cớ đó tôi cũng đã đoán ra, nhưng chưa nói chắc, vì còn phải "thử" lại xem có đúng không.
"Anh lại bảo Tuyết Mai tự tử vì thất tình. Người ta có thể vì thất tình mà tự tử được lắm, nhưng khi khi đọc bài thơ, thái độ Tuyết Mai có phải là thái độ của một người đau đớn, tuyệt vọng vì tình đâu? Anh nên nhớ rằng cô ta chỉ sợ hãi thôi. Sợ hãi một cách rõ ràng hết sức: môi tái, run lẩy bẩy, mặt xám xanh, tay cầm bức thư cũng run... Vậy, bài thơ lục bát kia không phải là bài thơ sầu, nhưng chính là một bức thư ghê gớm.
"Điều này tôi đã đoán ngay được, tuy chưa thấy được những chữ ghép thành câu ghê gớm kia. Nhưng khi đem ráp với vẻ băn khoăn của Tuyết Mai tối hôm dạo đàn, thì tôi ngờ rằng Tuyết Mai vẫn đợi đến một sự ghê gớm có thể xảy ra được.
"Bây giờ hãy nói đến những nét chữ. Hãy nói đến ngay nét chữ rất quan trọng ở sau bức chân dung cho có thứ tự. Chữ ở đó, theo tôi, thì chính là chữ đàn bà và hẳn là chữ Tuyết Mai, vì nét chữ bối rối, chen nhau, tỏ ra người viết đang lúc thần trí không được bình tĩnh. Lời trong đó cho tôi thấy một điều cũng rất quan trọng nữa: Tuyết Mai là người rất dễ cảm xúc, rất hay ký thác tâm tư lên mặt giấy và cũng như những người đàn bà có tính chất giống như thế, cô Mai vẫn hằng ngày ghi chép lên một cuốn nhật ký những điều... rất có ích lợi cho tôi. Nếu có quyển nhật ký này thì công việc của tôi nhẹ đi được quá nửa.
"Còn nét chữ ở bài thơ (Lê Phong vừa nói vừa chỉ lên mảnh giấy cho tôi xem).
"Đưa mắt qua tôi cũng biết không phải là chữ con gái. Anh coi những nét tuy cố làm ra ủy mị, nhưng vẫn rắn rỏi lạ lùng. Nhưng đó chưa phải là điều ta cần phải chú ý đến vội.
"Điều mà tôi cần nói cho anh biết ngay là: trong bài thơ ấy, có ẩn cái nghĩa gì không? Đây tôi đọc lên cho anh nghe một lượt:
CHƠI NÚI CẢM TÁC
Muốn tìm tảng đá đề thi
Lòng đau khôn chép, khôn ghi được lời
Quyết tâm ai mảng quên ai
Để ai vội tỉnh giấc mai mơ màng
Gió sầu như dội bên ngàn
Tơ lòng chán nản, phiếm đàn tử sinh
Chữ tình ơi hỡi chữ tình
Lẻ loi còn biết phận mình đáng thương.
Dừng chân ngó đến con đường,
Xa xuôi dưới lối tình trường mà ghê.
"Công việc thứ nhất của anh và của Đào Đăng Khương khi đọc xong những hàng này, là đi tìm hiểu nghĩa bài thơ lục bát. Anh thấy nói đến những cảm tưởng chơi núi, đến cái nỗi đau lòng của một người ghi chép tâm sự trên tảng đá, đến những lời mà anh tưởng là nói bóng gió đến một chuyện tình duyên trắc trở đã qua. Mà như thế là anh lạc vào cái lối của tác giả bài thơ muốn cho anh đi. Xét ra, bài thơ tuy viển vông, xong không phải là không có một ý buồn rầu chán nản. Nhưng tôi không tin rằng thứ văn sầu ấy có thể hại được tính mệnh một người.
"Tôi chắc rằng bài thơ kia có một thứ 'chìa khóa' riêng, nghĩa là có những điều khoản mà người viết phải theo đúng để cho người đọc chỉ đưa mắt qua là thấy ngay những chữ ghép thành những tiếng, và những tiếng ấy chắp lại thành một câu có nghĩa hẳn hoi.
"Nếu trông ở sự tình cờ trong lúc kiên nhẫn lần mò, có lẽ cũng tìm ra được câu kia, cho nên tôi bảo rằng không biết chừng suốt đêm nay tôi phải thức. Nhưng đây tôi làm việc theo phương pháp, nghĩa là tìm hẳn cái chìa khóa hay cái điều khoản bí mật người ta ước hẹn với nhau.
"Nên tôi chú ý không những đến những câu, những chữ mà lại để ý cả đến từng nét một. Tôi biết rằng trong bằng ấy tiếng ở bằng ấy câu thơ không phải là tiếng nào cũng dùng được. Có những tiếng quan trọng và những tiếng bỏ đi".
Rồi nhích ghế lại gần tôi, Lê Phong chỉ vào mảnh giấy:
- Trước hết tôi xét xem có điều gì khác thường trong những hàng chữ không đã. Thoạt tiên thì không có gì. Không một dấu hiệu nào để mình trông thấy ngay. Nhưng nhìn kỹ thì tôi thấy chữ g ở tiếng lòng "tơ lòng chán nản, phiếm đàn tử sinh" có một nét kéo dài ra khác hẳn với chữ g khác. Chữ i trong tiếng xuôi "xa xuôi dưới lối tình trường". Chữ htrong tiếng tỉnh "để ai vội tỉnh", chữ u trong tiếng sầu, đều cùng kéo dài nét đuôi ra như chữ g nọ...
"Kéo dài ra để làm gì?
"Để đè qua cái vạch chì kẻ dọc trên tờ giấy kẻ ô. Anh trông kỹ lại mà xem.
"Cùng lúc đó, tôi lại chú ý đến chữ t ở tiếng quyết trong câu thứ ba, cái chữ t bé bỏng, rụt rè trông buồn cười lạ. Chữ n ở tiếng nản cũng rụt rè như thế; chữ o ở tiếng ngỏ cũng vậy, và nhất là chữ a ở tiếng xa. Bao nhiêu chữ a khác đều giống nhau, trừ chữ a này, rõ ràng là có ý viết thu lại.
"Tôi tự hỏi: như thế là có ý gì?
"Và tự trả lời: có ý làm trái lại với những chữ kéo dài mà tôi chỉ cho anh lúc nãy, nghĩa là để cho nó khỏi trèo qua những nét chì kẻ dọc này. Kết luận: trong bài thơ có những tiếng không cách xa nhau bằng nét chì dọc và những tiếng cách nhau bởi một nét chì dọc. Anh để ý đến những tiếng đi đôi: tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối xem, anh có thấy gì không?"
- Cứ mỗi tiếng đôi ấy đều cách nhau bởi một nét kẻ dọc.
- Còn những tiếng khác thì không thế, có phải không? Vậy tôi có thể tạm kết luận những tiếng đôi ấy cách nhau bởi một nét chì kẻ dọc. Còn ngoài ra là những tiếng bỏ đi.
"Đây, tôi viết những tiếng quan trọng riêng ra:
"Tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối. Những câu bí mật trong thư tôi đã nhờ 'chìa khóa' nét kẻ ô mà tìm ra rồi đấy".
- Tôi vẫn chưa hiểu?
Lê Phong cười:
- Bây giờ thì chả có gì là lạ lùng. Anh nghe hộ tôi câu này:
"Lăn vi lình bì lét xí liệc vị lông khi lành xì.
"Anh có biết là câu gì không?"
Tôi phì cười:
- Là một câu nói lóng chứ gì.
- Nhưng nghĩa là?
- Lăn vi là văn; lình bì là bình; lét xí là xét; liệc vị là việc; mà bốn tiếng sau là không sành: 'Văn Bình xét việc không sành", đó là câu anh mắng khéo tôi chứ gì?
- Khá đấy! Ừ, thế bây giờ tôi nói: "Căn viên hình bồng thông khanh bài tướng," anh có hiểu là gì không?
Tôi phải biên câu ấy ra giấy mới nhận ra đó cũng là một thứ tiếng lóng, nhưng lối này cầu kỳ hơn.
- Anh bảo: "Văn Bình không tài", phải không?
- Phải, và xin lỗi anh nhé. Đấy cả cái bí quyết là ở đó.
"Trong tiếng lóng, anh thấy những tiếng đi từng cặp một; trong một cặp, đem chữ câm ở tiếng dưới thay vào chữ câm ở tiếng trên và chỉ đọc tiếng trên sau khi thay đổi ấy là tiếng mình định nói. Thí dụ: lăn vi, đem chữ v thay vào chữ l thành văn; hay theo lối ghép sau; căn viên, cũng một cách trao đổi như thế. Mà cũng dùng cách ấy, anh sẽ thấy câu: tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối, thành một câu rõ rệt: Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản. Xử tử. Coi chừng đó. Xa lưới".
Tôi hỏi:
- Thế ra bài thơ lục bát là một bản án của một đảng bí mật?
- Không phải. Một bức thư báo trước, báo cho Tuyết Mai cái số mệnh của mình thế nào...
- Ồ! Nhưng Tuyết Mai sao lại bị khép vào tội bội phản, hay cô có chân trong một hội kín nào?
- Hẳn thế.
- Mà vì bội phản thực, sợ bị đảng ám sát, nên cô quyên sinh?
- Phải rồi!
Tôi kinh ngạc vì thấy Lê Phong trả lời những câu đó một cách rất thản nhiên, anh trông tôi bẳng đôi mắt tươi cười nửa như soi mói, nửa như chế giễu. Tôi nói:
- Tôi thực không ngờ rằng bài thơ lục bát lại giấu cái nghĩa bí mật ghê gớm này. Cũng không ngờ rằng anh khám phá ra được nhanh chóng đến thế...
Phong lắc đầu nói:
- Kể nhanh chóng về việc tìm ra nghĩa ẩn của bài thơ thì vâng, nhanh chóng thực; tôi tìm ra ngay từ lúc từ giã Đào Đăng Khương kia! Nhưng bảo rằng sự bí mật của bài thơ tôi đã khám phá ra thì chưa! Tôi chưa thấy gì hết. Sự bí mật vẫn dày đặc, mà trong đó, Văn Bình ạ, chưa biết còn ẩn bao nhiêu việc dị thường.
° ° °
Phân tích
Tối hôm đó, tôi đến chơi với Lê Phong tại nhà trọ của anh ta ở phố chợ Hôm. Một cái nhà hai tầng, dưới là chỗ ở của người chủ. Phong ở một mình trên gác, đi về đã có cổng riêng.
Sắp đẩy cổng vào, tôi thấy một tấm biển giấy đưa đẩy dưới ánh đèn điện. Tôi đọc rõ mấy chữ:
"Ông Lê Phong đi vắng, xin miễn tiếp các bạn đến chơi".
Tôi vừa quay gót thì có tiếng trên gác gọi xuống:
- Anh Bình! Lên đây! Tôi không đi vắng đâu.
Phong đón tôi ở đầu cầu thang và tươi cười trách:
- Anh thực vô ý quá. Ít ra thì người ta cũng phải biết quan sát chứ. Mọi khi tôi đi vắng có để đèn sáng trên gác bao giờ?
Lúc kéo ghế cho tôi ngồi, anh cắt nghĩa:
- Tôi sợ khách đến ngăn trở, nên phải treo cái biển đó. Nhưng với anh, thì tôi vẫn có nhà. Với cả Đào Đăng Khương và một người tôi muốn tiếp riêng tối hôm nay nữa. Ông Khương vừa ở đây ra.
Trên cái bàn lớn giữa nhà, tôi thấy bừa bãi những giấy má, sách, báo và cái kính hiển vi lớn mà anh lúc nào cũng để sẵn bên mình. Chỉ vào một đệp giấy nhỏ - mà tôi nhận ra là tập thư người thiếu niên đưa lại tòa soạn lúc Phong sắp ra về - bạn tôi bảo tôi nửa nghiêm trang nửa đùa cợt:
- Này Văn Bình ạ, anh muốn biết tâm lý bọn phụ nữ, tôi khuyên nên cứ đọc tập thư này. Đủ các giọng: văn, thơ, cảm khái, âu sầu, khôi hài, và... bi thảm nữa. Hay lắm, nhưng chỉ tiếc không giúp tôi được việc gì. Tôi có ý tìm, mà không thấy một sự liên lạc nào với bài thơ lục bát hết.
- Thế anh đã cắt nghĩa, đã giảng giải cho Khương biết câu chuyện bí mật ẩn trong bài thơ chưa?
- Rồi. Không thể tả được sự kinh ngạc của Khương! Ông ta ngồi lặng đó nhìn tôi một cách kỳ dị hơn lúc chiều, hết đọc bài thơ lại "đọc" cái thiên tài trên mặt tôi... Khương nhắc đi nhắc lại mãi một câu: "Có thế mà tôi dò xét trong ba năm trời nay không ra..." Nhưng điều ông ta lấy làm lạ hơn là việc Tuyết Mai có chân trong hội kín, Khương ngờ đến những điều bí ẩn nào khác kia, chứ đến điều ấy thì không... Mà tôi cũng không lấy chi làm lạ lắm.
- Vì sao vậy?
- Vì Tuyết Mai muốn giấu Khương, và đã giấu được Khương chứ sao. Một đảng viên "hội kín" không có quyền được nói chuyện đảng với ai hết, với anh em, cha mẹ hay vợ chồng cũng vậy - trừ phi người đó là đồng chí của mình.
- Thế ra Tuyết Mai thật có chân trong hội kín ư? Sao lúc chiều anh bảo còn nhiều việc bí ẩn khác.
- Vì lúc chiều tôi mới tìm ra được đầu mối thứ nhất, cái cớ tự sát của Tuyết Mai. Cô ấy nhận được thơ gửi về, đã biết cái điều khoản, cái chìa khóa để đọc thơ, thì cứ đưa mắt qua một lượt là biết bài thơ lục bát "nói" những gì. Thế mà bài thơ lại nói một câu phi thường: Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản. Mà tội bội phản tất nhiên bị trừng trị một cách ghê gớm như lời báo cáo. Vì thế mà cô Mai khiếp sợ quá đến nỗi quyên sinh... Kể ra nếu chỉ bằng lòng có thế, nghĩa là nếu tôi cho rằng tìm ra cái mối ấy là xong việc, thì việc tôi xong roi. Tôi cũng đã trả lời cho bài tính đố Khương đem đến hỏi tôi rồi. Vì bài tính đố chỉ hỏi có một điều: tại sao Tuyết Mai tự tử?
"Nhưng trong bài thơ còn ẩn một sự bí mật khác, hay nói cho đúng, bài thơ kia còn làm cho tôi... 'đánh hơi' thấy một sự bí mật khác mà tôi muốn khám phá ra. Tôi tự ra cho tôi những câu hỏi này:
"1) Tuyết Mai còn là người trong hội kín không?
"2) Tuyết Mai có bội phản không? Và sự bội phản của Tuyết Mai tính cách thế nào?
"3) Việc khép Tuyết Mai vào tử tội có thực không?
"4) Người viết cho Tuyết Mai bài thơ báo cáo ấy là ai, là người thể nào?
"Đặt bốn câu hỏi đó, rồi tôi bắt đầu tìm cách trả lời và thấy sự thực, 'sự thực theo trí suy đoán' của tôi lần lần hiện ra rõ rệt nhanh chóng không ai ngờ được.
"Trước hết, tôi tìm trong các báo hằng ngày xuất bản trước và sau hồi Tuyết Mai tự tử trong ít lâu. Trước hồi ấy chỉ có một vài tin khám phá và bắt bớ nhỏ, hoặc những cuộc khám phá ra một vài tổ hội kín chưa có chủ nghĩa rõ ràng. Tuyết Mai hẳn là thuộc về đảng này. Cô ta nhập đảng có lẽ trong lúc còn đang đi học. Nhưng nhập đảng theo tính a tòng hay vì không chịu suy nghĩ? Cái đó tôi không biết chắc, chỉ biết cô theo vào đảng không hẳn vì khuynh hướng của cô. Khuynh hướng của Tuyết Mai hoàn toàn là khuynh hướng mỹ thuật, văn chương, chứ không có màu chánh trị (thư của các bạn gửi cho cô, tôi không thấy đả động qua đến những tư tưởng ấy: những chuyện ấy, cô không bao giờ đem ra nói mặc dầu với các bạn rất thân). Vậy nếu cô là đảng viên trong một đảng nào, thì chỉ ở đó ít lâu rồi ra. Có lẽ lúc ra chính là lúc cô thôi học.
"Cái hội đảng mà Tuyết Mai chỉ biết qua hồi đó có lẽ không phải là một đảng có bề thế vững chãi, có lẽ chỉ là một cái bóng, cái hình thu nhỏ hay là một công cuộc bắt chước các hội đảng to.
"Thoạt tiên đảng bí mật mà Tuyết Mai theo còn lấy hình một hội văn, một cuộc hội họp có tính cách văn chương, mỹ thuật. Tuyết Mai có lẽ cũng vì tưởng thế, nên mới theo. Đến lúc thấy việc hành động toan kịch liệt hơn, nên cô bỏ. Tôi cho là từ đấy, cái hội không tên kia cũng tự giải tán và chết đi như cái mầm gieo trên đất khô. Còn chăng chỉ ở trong trí của Tuyết Mai là một người rất giàu tưởng tượng. Đối với trí tưởng tượng của cô ta thì các 'đồng chí' cô vẫn hoạt động, vẫn theo đuổi mục đích và cô vẫn nơm nớp sợ bọn ấy hiểu lầm cô. Cô sợ rằng họ ngờ cho cô là người có dã tâm có thể tố cáo phản phúc được.
"Sự lo sợ ngờ vực đó thường ám ảnh những tâm hồn bồng bột. Lúc nào mình cũng tưởng chung quanh toàn những người chỉ chực hại mình cả. Một việc nhỏ gì xảy ra cũng tưởng có liên lạc đến mình được cả, và làm cho mình băn khoăn luôn. Đó cũng là một bệnh của sức tưởng tượng, một thứ bệnh điên mà người Tây gọi là 'délire de persécution' ấy mà. Tuyết Mai cũng thuộc về cái lối 'ca' ấy.
"Cho nên một tin đăng báo về những cuộc bắt bớ đâu đâu cũng bắt cô tưởng đến việc riêng của cô. Lại thêm những chuyện ám sát, những án tử hình bí mật mà cô nghe thấy luôn, hoặc đọc trong các sách, khiến cho những điều mơ hồ vu vơ ấy càng ngày càng hóa ra sự thực, càng ngày cô càng tin là sự thực, làm cho cô càng thêm lo sợ, đau khổ mà không dám ngỏ ra với một người nào trong nhà. Cũng không dám ngỏ với Khương - và nhất là với Khương - là người cô yêu, nhưng yêu một cách trái ngược điên cuồng, vì cô vẫn tưởng Khương là trong ruột thịt. (Những lời nồng nàn viết sau bức ảnh khiến tôi lập được cái giả thuyết này).
"Đến khi cô nhận được bài thơ gửi về thì thực là nhát búa sau cùng làm khuynh động cả cái tâm hồn hốt hoảng ấy. Bài thơ này có những câu đáng sợ, ta phải cố tìm ra mới thấy, nhưng cô đã biết cách đọc từ trước rồi. Trong việc giao thiệp bí mật của các hội kín, thường có những cách trao gửi tin tức cho nhau riêng. Nếu không phải là một lối ước hẹn riêng của người trong đảng cô theo, thì ít ra cũng là lối ước hẹn của cô với một người trong đảng. Tuyết Mai vì sợ cái hình phạt ghê gớm mà cô tưởng là không tránh được nên nhất quyết tự tử dẫu cô không hề bội phản bao giờ.
"Nhưng đến đây, tôi gặp một điều khả nghi, Tuyết Mai vì tâm trí rối loạn không xét ra, nhưng điều đó cũng khá rõ rệt. Bài thơ đó có phải của người bạn đồng chí trong đảng viết cho cô không? Hay chỉ là một bức thư huyền hoặc?
"Tôi thì tôi tin đảng kia không còn nữa, và như tôi đã nói, còn chăng chỉ ở trong trí tưởng tượng của Tuyết Mai. Vậy việc khép tội Mai không bao giờ có. Vả lại, nếu đảng còn và án xử tử của Mai có, thì không bao giờ người ta bảo cho Mai biết trước. Vả lại nữa, trong hội đảng nào cũng vậy, các đảng viên đều có một tên kín - người ta gọi là bí danh. Nếu người viết bài thơ thực là người trong đảng muốn báo trước cái tin dữ ấy cho Mai, hắn phải dùng bí danh để gọi cô ta. Thế mà không. Vậy 'tác giả' bài thơ kia là một người quen biết Tuyết Mai, biết tâm sự và những điều bí mật của cô ta, nhưng không là một người trong đảng.
"Người ấy, theo tự dạng bức thư, là một người đàn ông như tôi đã nói cho anh biết, và tất nhiên là một trong mấy người bạn trai vẫn qua lại nhà Khương. Anh ta tất nhiên yêu Tuyết Mai, nhưng không được Tuyết Mai đáp lại tình yêu đó, hoặc bị Tuyết Mai cự tuyệt. Nhân đó biết việc kín của người thiếu nữ - bằng cách nào tôi chưa dám nói chắc - anh ta mới gửi bài thơ kia cho cô ta... Để làm gì? Để hại Tuyết Mai ư? Để cô ta lo sợ ư, hay còn có chủ ý nào? Các điều đó tuy tôi đã đoán đến cả rồi, nhưng... cần phải hỏi anh chàng kia đã".
Tôi ngạc nhiên hỏi Lê Phong:
- Anh bảo sao? Hỏi người viết thư cho cô Mai?
- Phải!
- Ồ! Thế anh đã biết người ấy là ai rồi sao?
Phong vẫn thản nhiên trả lời:
- Rồi!
- Ồ, quái lạ! Mà anh gặp hắn?
- Chưa gặp, nhưng (Lê Phong xem đồng hồ) người ấy cũng sắp đến đây.
Tôi chưa hiểu ra sao thì có tiếng giày thong thả bước lên thang.
Lê Phong vội thu tập thư từ với giấy má lại, rồi nhìn tôi mỉm cười. Anh hạ giọng xuống và nói nhanh:
- Anh ngồi yên mà nghe, mà xem: nhiều sự lạ lắm.
Bên ngoài, bước chân đã lên đến bực trên cùng. Chúng tôi ngồi yên. Ba tiếng gõ cửa se sẽ. Lê Phong nói:
- Cứ vào!
Cánh cửa chậm chạp hé mở, rồi... một cái mặt thiếu nữ ló vào, ngơ ngác nhìn chúng tôi:
- Thưa, đây có phải nhà ông Lê Phong không ạ?
Tôi thoáng thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt Phong, anh ta hơi chau mày, nhưng cũng đáp:
- Vâng. Mời... cô vào.
Người thiếu nữ liền đẩy cửa, thong thả bước vào, miệng tươi cười cúi xuống chào tôi, rồi nhìn thẳng Lê Phong sẽ nói:
- Thưa ông, tôi đến hơi đường đột, nhưng tôi muốn được giáp mặt ông một lần.
Tiếng nói nhỏ, nhưng giọng đầy, dồi dào và bạo dạn. Tôi có ý ngắm thì thấy cô ta vào trạc 25 tuổi, người hơi lớn, nhưng dáng điệu cũng khá dẻo dang. Phong trỏ cho cô cái ghế mời ngồi. Cô ta thong thả ngồi. Hai tay rất trắng, ngón mập và mềm, đặt lên bàn, giữ lấy cái ví đầm nhỏ. Miệng cô ta tô son rất có mỹ thuật, luôn luôn mỉm cười, đôi mắt to nhìn Lê Phong không rời. Bạn tôi cũng chăm chú nhìn lại.
- Thưa cô (anh nói bằng thứ giọng dịu dàng và nhã nhặn nhất), vì đâu mà tôi được cái hân hạnh...
- Thưa ông, tôi biết tiếng ông đã lâu, nhưng chưa lần nào được làm quen với ông như tôi vẫn ao ước.
Lê Phong vẫn nhìn người thiếu nữ không chớp, anh "vâng!" một tiếng nghe cụt ngủn, khiến cô kia hơi ngượng, trông về phía tôi. Một lát cô lại nói:
- Tôi vẫn mong được gặp ông. Vừa rồi, ông cho người đến mời anh tôi (Phong hơi gật đầu), nhưng anh tôi đi vắng, chắc ông có điều gì chỉ giáo, nên tôi nhân dịp đó...
Phong nét mặt nở nang, ngồi xuống ghế một cách chững chạc, rồi vui vẻ đáp:
- Vâng. Tôi hiểu rồi!
Người thiếu nữ mỉm cười tinh ranh:
- Ông hiểu rồi ư?
- Vâng. Cái việc tôi muốn nói riêng với ông Đỗ Lăng, thưa cô, là một việc rất quan trọng, nhưng xem ra nói với cô cũng được. Vậy tôi xin nói luôn.
Tôi đang chưa hiểu Lê Phong định nói gì, thì anh đã rút một mảnh giấy viết đưa cho người con gái xem.
- Thưa cô, tôi muốn nói đến một bài thơ, một bài thơ lục bát mà tôi chép ra đây và có đánh dấu những chữ đáng chú ý.
Rồi anh lại nói tiếp trong khi người kia lấy làm lạ, đỡ lấy mảnh giấy xem:
- Cô hẳn cũng không lạ gì bài thơ này lắm thì phải...
Lúc đó tôi thấy rõ ràng sắc mặt người con gái biến hẳn đi. Nhưng cô ta trấn tĩnh ngay được.
Mảnh giấy trên có bài thơ lục bát, lúc ấy cô vẫn cầm ở tay, nhưng không đọc nữa. Cử chỉ của cô tuy yên lặng, nhưng không giấu nổi sự bối rối và không thể lọt khỏi đôi mắt sáng quắc của Phong.
Một phút sau, cô ta mới ngửng lên nghiêm trang hỏi:
- Thưa ông, sao ông lại đem bài này hỏi tôi nhỉ? Thực tôi không hiểu ý muốn ông...
Thì bạn tôi liền đáp:
- Ý tôi muốn cho cô biết rằng bài thơ đó có ẩn một sự bí mật, mà sự bí mật ấy gây ra một án mạng, một việc tự sát thảm khốc, một cái tai vạ đau đớn cho một gia đình, mà tôi, thưa cô, tôi muốn khám phá ra... Việc này tôi biết rằng cô cũng không lạ. Vậy tôi muốn đem ra bàn bạc với cô.
Người thiếu nữ bỗng đứng dậy, cười nhạt một cách kiêu hãnh, rồi thản nhiên nói:
- Thưa ông Lê Phong, tôi không thể hiểu lời nói với cử chỉ của ông được, mà tôi đến đây cũng không phải để tìm hiểu những cái lạ ấy... Xin chào ông.
Nói đoạn, cô ta xăm xăm bước ra cửa.
Tức khắc Lê Phong đứng dậy, gọi to lên một tiếng như quát:
- Ông Lăng!
Ngoắt quay lại, người thiếu nữ tái mặt đi. Tôi kinh ngạc vô cùng. Lê Phong thì dáng đường đường nghiêm nghị như một ông chánh án:
- Ông Lăng! Ông trở gót lại. Và mời ông ngồi.
Người lạ mặt cứ yên lặng nhất nhất theo lời Lê Phong.
Lúc "cô ta" ngồi yên, anh mới ôn tồn nói:
- Ông Lăng! Tôi thú thực rằng ông có tài cải trang rất khéo. Có lẽ Mai Lan Phương cũng không giỏi hơn. Tôi không ngờ rằng được làm quen với ông trong một trường hợp thực hiếm có. Tôi định mời ông đến đây để nói một câu chuyện thân mật của một người bạn với một người bạn, chứ không phải là kẻ thù đối với kẻ thù.
Người mà Phong gọi là ông Lăng, thở một tiếng dài.
Anh nói tiếp:
- Tôi muốn biết một câu chuyện mà ông biết rõ hơn tôi nhiều. Bởi ông là một vai chính trong chuyện đó... Tôi chưa hiểu tại sao ông lại cải trang đến thăm tôi như thế - cải trang khéo đến nỗi thoạt tiên tôi cũng phải lầm. Điều đó, ông sẽ cho tôi biết sau, nhưng điều cần nhất tôi xin nói thực bây giờ là: có phải bài thơ này, bài thơ có ẩn cái câu đe dọa Tuyết Mai, chính là tự tay ông viết ra không? Ông không nên giấu tôi nữa, vì phần lớn chuyện này tôi đã biết.
"Ông Lăng" vẫn yên lặng, mặt tỏ ra vẻ thất vọng, kinh dị, nhưng vẫn dịu dàng. Một lát người ấy mới se sẽ lắc đầu, thở một tiếng dài và nói:
- Trước khi bước chân vào đây, thực tôi không ngờ... Tôi không ngờ rằng việc này lại cũng ông xét ra. Vâng! Chính tôi! Bài thơ lục bát này chính tay tôi viết.
---
Lại một chuyện tình
Lê Phong hỏi:
- Mà khi ông viết bài thơ ấy, vào khoảng ba năm trước đây, hẳn ông không ngờ đến cái kết quả ghê gớm của nó? Ông không ngờ rằng bài thơ ấy đã làm cô Tuyết Mai phải quyên sinh ư?
Người lạ mặt ngơ ngác nhìn, chưa hiểu rõ. Một lát người ấy bỗng kinh ngạc hỏi Phong:
- Trời ơi, ông nói thực đó chứ? Tuyết Mai tự sát ư? Thế ra Tuyết Mai chết là vì tôi ư? Không, không có thể thế được.
- Mà sự thực chính là thế đấy, ông để tôi kể lại cho ông nghe.
Rồi Lê Phong đem thuật lại rành mạch việc quyên sinh của Tuyết Mai. Vừa thuật, anh ta vừa nhìn thẳng vào mặt người kia, như để dò xét cái ảnh hưởng của lời nói mình trên những nét biến đổi...
Đỗ Lăng, trong bộ quần áo đàn bà, không còn vẻ gì là đàn bà hết.
Chàng ta ngồi trên chiếc ghế thấp, hai chân hơi giạng, hai bàn tay chống gối, đầu cúi xuống, đôi mày nhỏ cau lại, mặt lộ ra vẻ đau đớn khi nghe hết câu chuyện của Lê Phong. Lúc chàng ta ngửng lên, thì gặp đôi mắt của bạn tôi vẫn trân trân nhìn, nhưng là vẻ nhìn ái ngại giùm, hình như Phong đối với người kia sẵn có thiện cảm.
Chàng ta buồn rầu nói:
- Thưa ông Lê Phong, thực tôi không ngờ lại có thể xảy ra việc cay đắng đến như thế được. Hồi ấy, Tuyết Mai chết tôi vẫn tưởng cô chết vì ngộ cảm theo như giấy báo tang của người nhà, cho nên tôi không nghĩ gì đến bài thơ tôi gửi cho cô, mà cũng vì thế, tôi không có điều gì hối hận.
"Bây giờ thì khác! Bây giờ tôi mới biết mình đã làm một tội ác ghê góm. Tôi đã giết chết một người đáng yêu quý, một người thiếu nữ tôi kính trọng hơn hết mọi người ở đời".
Phong hơi mỉm cười:
- Một người ông yêu... một cách thầm kín nữa.
- Vâng, chính thế. Mà cái việc cuồng dại tôi đã làm đó, việc gửi cho Tuyết Mai bài thơ khốc hại đó, thưa ông, cũng chính vì lòng yêu xui nên. Có lẽ ông đã đoán ra; vì bao nhiêu ẩn tình, bao nhiêu điều bí mật đến tôi cũng không biết được, ông đã tìm xét ra cả. Dẫu sao, tôi vẫn là người khốn nạn không thể tha thứ được, một kẻ giết người mà vẫn ung dung vui vẻ trong ba năm trời nay. Trước khi bước chân vào đây, và trước khi nghe ông nói, thực tôi không ngờ, không biết gì hết.
"Thấy ông cho người cầm thư mời tôi lại chơi, tôi tưởng ông muốn hỏi tôi đến việc giả chữ con gái trêu ghẹo ông hôm xưa. Chúng tôi rất phục cái tài suy đoán của ông, riêng tôi, tôi vẫn muốn được dịp làm quen ông lắm. Việc cải trang của tôi hôm nay không có gì lạ. Tôi muốn đùa ông một lần nữa, xem ông có nhận được ngay không..."
Lê Phong mỉm cười:
- Tôi xin chịu là ông cải trang giỏi lắm. Thoạt trông không ai biết được ông giả gái, chính tôi cũng đã nhận lầm kia mà... Tôi chắc ông quen cải trang như thế nhiều lần rồi.
- Vâng.
- Ông tất đã đóng kịch nhiều lần?
- Vâng.
- Mà ưa đóng vai đàn bà? Vì tôi thấy giọng ông trong và cũng khá dịu.
- Vâng, tôi đóng kịch nhiều lần mà đóng vai đàn bà hệt lắm.
"Tôi lại muốn thử xem tôi còn có thể đi được đến đâu nữa, nên định thi hành một ý kiến táo bạo hơn. Tôi muốn cải trang để một đôi khi giao thiệp với bạn phụ nữ.
"Một dịp tốt hiện đến: người em họ xa của tôi ở Bắc Ninh lấy chồng. Tôi được tin đó trước một tháng, bàn riêng với cô không cho ai biết và ăn mặc rất khéo để đến hôm cưới làm một cô trong bọn phù dâu.
Phong hỏi:
- Vì thế mà ông gặp Tuyết Mai?
- Vâng. Tuyết Mai hồi ấy vừa là người đi đón dâu vừa là bạn cũ của người em họ tôi.
- Nhưng ông gặp Tuyết Mai lần này là lần đầu ư?
- Vâng, là lần đầu. Nhưng tôi vẫn biết tên cô và biết cô là em anh Khương, một người bạn học với tôi hồi còn ở ban tiểu học.
Lê Phong nét mặt tươi sáng lên, hai mắt thông minh linh động một cách sung sướng. Anh vừa xoa hai tay vào nhau vừa reo lên:
- Phải rồi! Tôi thấy rồi! Hay lắm!
Chúng tôi cùng nhìn anh, không ai nói gì. Anh vui cười như một đứa trẻ được quà, nhắc đi nhắc lại mãi:
- Ừ, tôi thấy rồi! Đầu mối đã cởi các mắt lưới cứ tự nhiên tháo tung ra.
Tôi hỏi:
- Mắt lưới? Anh định nói gì vậy?
Phong nhìn tôi một cách giễu cợt, không trả lời. Sau anh se sẽ gật gù và thong thả nói:
- Mắt lưới, hay là cái áo len cũng vậy! Anh lấy làm lạ? Nhưng có gì đâu? Đó là một câu ví dụ, một lối nói hoa mỹ như khi anh làm văn... Tôi thấy câu chuyện này tự nhiên bây giờ không còn một điều bí mật gì, tự nhiên rõ rệt như chính xảy ra trước mắt tôi. Óc tôi lúc nào cũng hoạt động phi thường. Sự thực cứ lần lần hiện ra, nhưng vẫn mờ ảo lắm. Tôi tìm được câu bí mật trong bài thơ bằng cách nào anh đã biết, tôi đoán ra một phần câu chuyện thế nào, anh đã biết. Tôi đoán ra ai viết bài thơ đó, anh cũng đã biết, vì người ấy tức là ông Đỗ Lăng đây.
Tôi hỏi:
- Nhưng vì sao anh biết được là ông Lăng.
- Vì những nét chữ. Người ta dẫu cố ý làm sai tự dạng đi cũng không thể giấu được con mắt biết xem xét. Tôi thấy nét chữ trong bài thơ với nét chữ của người sinh viên viết trêu tôi hôm xưa tuy có vẻ khác nhau, nhưng cũng một hạng chữ đàn ông, cùng một lối mạnh mẽ, rắn rỏi. Bởi thế tôi mới hỏi ông Đào Đăng Khương để biết tên và chỗ ở của ông Lăng. Tôi hỏi một cách tự nhiên thôi, vì tôi không muốn cho ông Khương ngờ rằng tác giả bài thơ kia tức là người viết thư cho tôi. Câu chuyện Tuyết Mai quyên sinh đối với ông Khương, thì đến việc cắt nghĩa điều bí mật trong bài thơ là kết liễu. Tôi đoán rằng những việc sau đây sẽ là những ẩn tình không nên để cho ông Khương biết, nhưng chỉ riêng tôi muốn biết. Bởi vậy tôi không để cho ông Lăng với ông Khương gặp nhau ở đây.
Rồi ngảnh lại phía Đỗ Lăng, anh nói tiếp:
- Bây giờ xin ông đem cả đầu đuôi sự thực kể ra. Tôi biết rằng việc quyên sinh của Tuyết Mai tuy ông gây nên, nhưng vì vô tình hay vì vụng suy mà gây nên. Bởi ông yêu Tuyết Mai. Cái chết đau đớn của người ông yêu cũng đủ là cái hình phạt cho ông, sự đau đớn hối hận là điều độc nhất để ông chuộc lại cái lỗi dại dột đó. Mà tôi tưởng ông không nên giấu diếm một điều nào, vì như tôi đã nói, cái trực giác của tôi đã giúp tôi thấy rõ các trường hợp... Tôi có thể nói hết đầu đuôi câu chuyện được, nhưng tôi muốn câu chuyện ấy chính ông kể ra.
Người kia nét mặt râu rầu, ngồi bóp trán suy nghĩ một hồi, rồi bỗng lại ngửng lên, cái tia sáng ở trong mắt chàng ta lúc đó là ánh lửa chân thực:
- Vâng, quả như lời ông nói, cái chết của Tuyết Mai từ nay sẽ làm cho tôi phải hối hận suốt đời. Vì tôi yêu Tuyết Mai thực. Không, tôi sẽ không giấu diếm một li một tí nào hết. Tôi sẽ đem cái đoạn tình yêu đương đau đớn của tôi kể hết ra...
"Tôi gặp Tuyết Mai trong một bữa tiệc cưới ở Bắc Ninh. Tuyết Mai hồi ấy ở Hà Nội sang đón dâu, mà tôi là người đi phù dâu, như ông đã biết. Sự cải trang của tôi làm cho tôi được dễ dàng nói chuyện với Mai và biết cô không những là tuyệt sắc, lại là một cô thiếu nữ đáng yêu và thông minh ít ai bì kịp. Cô thì vẫn tưởng tôi là con gái thực, và thực thà đem việc học hành, việc gia đình và cả chuyện tâm sự ra nói với tôi.
"Vì thế thành quen nhau. Tôi viết cho Mai một bức thư dài. Tuyết Mai trả lời và mời tôi đến chơi. Rồi, thư đi thư về, Mai coi tôi như một người bạn gái thân và tỏ ra lòng mến tôi lắm. Tuy vậy tôi chưa dám đến chơi nhà Mai lần nào hết, vì Khương với tôi là chỗ bạn cũ trước, thỉnh thoảng tôi có qua lại (tôi lại chơi riêng với Khương, nhưng không lần nào gặp Mai). Vả lại tôi vẫn sợ rằng tuy cải trang có hệt thực, song đối với Mai không phải như tôi đối với các người khác, chưa chắc, tôi đã giữ được cử chỉ tự nhiên.
"Hơn hai tháng trời chỉ nói chuyện với nhau bằng thư. Mai trách tôi sao không đến chơi, tôi tìm hết cớ này đến cớ khác để hẹn lần, sau cùng thấy Mai định đến thăm tôi ở nhà một người bạn mà tôi nói chính là nhà tôi, tôi sợ việc tiết lộ ra, nên đành phải đến chơi nhà Mai vậy. Cũng may tôi khéo đóng vai kịch, nên trong bộ y phục thiếu nữ, cử chỉ và lời nói tôi tự nhiên lắm, đến nỗi chính tôi cũng tưởng mình không phải là con trai.
"Cái kết quả buổi đầu tiên làm tôi không ngại ngùng như trước nữa.
"Rồi từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến nhà Mai, có khi đến rủ Mai đi chơi, tình thân mật của chúng tôi càng ngày càng thân mật.
"Tôi lại dám nhận lời đến dự những buổi hội họp của Mai hoặc của các bạn hữu Mai. Đó là những buổi bàn luận văn chương, mỹ thuật, y như những 'phòng văn' bên Pháp, nhưng trong đó không có ai là bạn trai. Các bạn hữu của Mai cũng không ai ngờ đến sự cải trang của tôi hết.
"Một hôm tôi nhận được bức thư Mai gọi đến bàn một chuyện rất cần. Lúc gặp mặt thì cô nhìn tôi một cách lạ lùng đến nỗi tôi đã lo ngại. Nhưng sau cô nói:
Em có một việc quan hệ lắm, đã lâu vẫn lưỡng lự không dám nói với chị, nhưng em biết chị là người em tin cậy được, nên xin nói để chị nghĩ hộ em.
"Rồi cô cho tôi biết rằng một số bạn của cô hiện đã lập nên một hội kín.
"Nhưng xem ra ít lâu nay có nhiều việc quá bạo trong các bạn gái, trong số bạn vụ ngoại và a dua hơn là chân thực; mà việc đảng chỉ chực những bại lộ, nên cô lo ngại lắm; cô muốn thôi không ở đó nữa, nhưng còn sợ các bạn nghi ngờ. Tôi khuyên Tuyết Mai thôi học đi, thì Tuyết Mai nghe ngay. Tuyết Mai 'từ chức' về ở nhà, chi hội vì thế tan, nhưng Mai xem chừng cứ hối hận và lo ngại mãi.
"Mai thực là một người tâm hồn sôi nổi, giàu tình cảm cũng như giàu trí tưởng tượng. Cô mừng vì đã thôi không dính dáng đến một việc cô không tin và không phục cách hành động, nhưng cô vẫn lo rằng sẽ bị các bạn buộc cho cái tội 'không trung thành'. Tôi hỏi 'không trung thành' là thế nào, thì Mai ghé tai tôi nói một cách sợ hãi:
Chị không biết ư? Luật trong đảng nghiêm khắc lắm; em muốn nói đến tội bội phản, mà bội phản là một tội đảng không tha bao giờ...
Nhưng chị có bội phản đâu?
Không, nhưng các bạn thấy em ra chắc ghét em lắm.
"Nhân đó, Mai nói cho tôi biết những phiên đó, bao giờ cũng nhắc lại các điều luật, những cách trừng trị... Mai lại có lần nói đến cả những khẩu hiệu của đảng viên và cách thông tin bằng những bức thư, hoặc những bài thơ viết theo những điều khoản riêng.
"Mỗi lần Mai ngỏ nỗi lo sợ với tôi và nghe lời yên ủi của tôi, Mai thấy vui vẻ lên, nhưng lâu ngày không gặp tôi, Mai lại lo sợ hơn trước. Một buổi đi chơi với tôi ở đường Cổ Ngư, Mai bỗng tái mặt đi vì bỗng thấy một cái xe đạp vụt qua đó hai lần; lại một hôm khác, cũng đi chơi, Mai bíu chặt lấy cánh tay tôi ngơ ngác trông ra. Tôi hỏi, Mai chỉ se sẽ thưa:
"- Em sợ lắm. Chị ạ...
"Rồi giục tôi đưa về tận nhà.
"Tôi thấy chỉ có tôi là khuyên nhủ, yên ủi được cô, mà tôi thì càng ngày càng yêu cô hơn lên, nên tôi nhất định đem sự giả gái thú thực với cô. Tôi mới viết cho cô một bức thư và xin cô thứ cho cái lỗi giả mạo ấy. Tôi cũng nói rõ cả nỗi tình u ẩn trong lòng tôi cho cô thấy và nài cô trả lời ngay.
"Bức thư gửi đi gần nửa tháng mà tôi vẫn không được thư phúc đáp. Tôi gửi liền hai bức nữa. Hai bức thư rất nồng nàn, có bao nhiêu lời tha thiết, bao nhiêu nỗi đau khổ, bao nhiêu giọng van lơn, tôi đều ngỏ hết ra, nghĩa là tôi trao cả trái tim tôi cho Tuyết Mai, cô chữa hộ những vết thương hay đập tan ra là tùy ở bức thư cô tha thứ cho tôi hay cô cự tuyệt.
"Cách một hôm sau khi gửi bức thư thứ ba, tôi nhận được thư cô; cô gọi tôi là anh...
"Anh đến chơi, anh Khương em vẫn nói đến anh luôn. Chuyện anh cải trang còn nói đến làm gì? Anh Khương em cũng không biết.
"Tôi đến nhà thì Mai vui vẻ tiếp, Mai nhìn tôi một cách ranh mãnh và khi bắt tay tiễn tôi ra cửa, cô mới nhắc lại chuyện trước và nói:
Em tiếc rằng chị Lệ Kiều không còn nữa - Lệ Kiều là 'tên thiếu nữ' của tôi.
"Từ ngày ấy tôi thường đến chơi nhà Mai. Cô vẫn tiếp đãi tôi như thường. Nhưng đối với lòng tôi cô thờ ơ cũng như với các bạn khác. Cô coi tôi như một người bạn, chỉ như một người bạn thôi! Tôi biết rõ điều đó một buổi tối kia tôi đến thăm và tặng Mai một bó hoa về dịp sinh nhật cô, Mai tươi cười cầm hoa thản nhiên nhìn tôi mà nói một câu cố ý cho tôi hiểu rõ ý:
Cảm ơn người bạn rất tốt của tôi.
"Từ đấy tôi biết rằng không thể còn mong mỏi gì được nữa.
"Tôi nghĩ đến những nỗi lo sợ của Mai khi trước. Những nỗi lo sợ chỉ riêng tôi được biết và làm cho tôi được gần gụi Mai hơn. Đến đây thì hết. Mai đã không đem chuyện đó than thở với tôi, mà hình như cũng không còn bận tâm gì đến những chuyện đó nữa. Tôi đã sinh ra tiếc những lời yên ủi, tiếc những lẽ tôi viện ra để Mai khỏi lo sợ và tự nghĩ rằng Mai sẽ phải cần đến tôi, nếu cô còn nghĩ đến cái hình phạt vô căn cứ đã làm cho cô vẫn băn khoăn.
"Tôi lại thấy càng ngày cô càng tử tế với tôi, càng nhã nhặn với tôi. Lúc đến thăm nhà cô, cô tỏ ra vẻ săn đón thân mật vô cùng, nhưng đó là cử chỉ rất tự nhiên, rất thản nhiên, không phải là sự vồn vã đằm thắm của người yêu gặp bạn.
"Thưa ông, vì thế nên tôi đau khổ lắm, vì thế mà sự đau khổ xui giục tôi nghĩ cách vớt lại những lúc êm đềm trước, nghĩ đến những lúc Tuyết Mai đợi những lời yên ủi của tôi, cần những lời yên ủi của tôi.
"Tôi mới mạo chữ một người đồng chí cũ của cô và theo đúng cách ước hẹn riêng mà cô đã cho tôi biết, để viết câu đe dọa trong bài thơ lục bát kia. Tôi đã chú ý đến mấy tin báo đăng về những vụ khám nhà gần đó. Cũng hồi ấy tôi biết Mai thường đọc những sách về những vụ do thám, những án xử tử, nên chắc rằng bài thơ kia sẽ làm cho Mai lo sợ và tìm đến tôi.
"Tôi có ngờ đâu sự lo sợ của Mai lại khốc hại đến thế. Cái mưu của tôi tính thực quá vụng dại như ông đã nói, Mai tự tử! Trời ơi, mà chính tôi đã giết Mai".
Người thiếu niên hai tay ôm đầu ngồi lặng hồi lâu. Lúc chàng ta ngửng lên thì chúng tôi thấy một bộ mặt đau khổ tuyệt vọng. Một lát Đỗ Lăng lại nói, giọng buồn thảm:
- Thưa ông, tin Mai chết hồi ấy tuy là một tin đột ngột dữ dội, nhưng tôi không ngờ rằng Mai quyên sinh, tôi cũng không ngại gì đến bài thơ mà tôi chắc không có thể làm cho Mai có tư tưởng chán nản đến thế. Người nhà Mai nếu có bắt được bài thơ đó chắc cũng không hiểu được, chắc lại cho là những bài thơ như các bạn Mai vẫn gửi về. Mãi đến nay tôi mới biết rõ cái tội ghê gớm của tôi.
Đỗ Lăng nói đoạn, buồn rầu nhìn Lê Phong như để dò xét...
Bạn tôi se sẽ gật đầu mấy cái, nhưng vẫn ngồi im lặng, mắt vơ vẩn như theo tìm một ý nghĩa nào. Một lát, anh thong thả bảo chúng tôi:
- Ông thuật câu chuyện không sai với câu chuyện của tôi một chút nào cả...
Tôi hỏi:
- Sao? Câu chuyện của anh?
Phong gật:
- Phải. Nghĩa là câu chuyện đã xảy ra theo như óc tôi suy đoán. Chính thực tôi đã biết trước những điều ông Lăng vừa kể. Tôi có thể nói ra như đã được chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, nhưng tôi muốn nghe vai chính trong chuyện kể ra kia... Nghe ông kể lại, để "thử lại bài tính" của tôi đã làm... Cũng là để nghe giọng nói của ông Đỗ Lăng, vì ông kể chuyện khéo và hay như... (Phong hơi mỉm cười) như một cô thiếu nữ.
Đỗ Lăng trông lại bộ y phục đang mặc, có vẻ thẹn, làm cho Phong chực bật cười. Anh mở ngăn kéo cầm bức thư của cô Đào thị Kiều Anh gửi cho hôm xưa, đưa mắt bảo tôi:
- Giọng thư, cũng như giọng người, cũng như dáng người, thực là êm ái dịu dàng, chỉ trừ những nét chữ. Mà chỉ vì những nét chữ đó, nên tôi mới được cái thú khám phá được câu chuyện bí mật đã ba năm nay.
Tôi tưởng nên đặt một câu khen.
- Sự bí mật vô song đã ba năm nay, mà anh xét ra chỉ có nửa ngày.
Phong sung sướng, nhưng sẽ nhún vai, rồi lấy thuốc lá mời Đỗ Lăng và tôi hút.
--hết--
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com