Phụ chú:Tóm lược lịch sử 27 vị Phật quá khứ.(Part1)
Trong suốt chiều dài thời gian 4 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất chỉ có 29 vị Chánh giác xuất hiện trên thế gian, 27 vị Chánh giác quá khứ, một vị hiện tại (là Đức Phật Gotama) và một vị tương lai (là Đức Phật Metteyya), đồng thời chỉ có 12 kiếp trái đất có Đức Phật Chánh giác xuất hiện, đó là.
1- Kiếp trái đất (cách đây 4 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất) có 4 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sāramaṇḍakappa, đó là: Đức Phật Taṅhaṅkara, Đức Phật Medhaṅkara, Đức Phật Saranaṅkara và Đức Phật Dīpaṅkara.
2- Kiếp trái đất (cách đây 3 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất) có một vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sārakappa, đó là Đức Phật Koṇḍañña.
3- Kiếp trái đất (cách đây 3 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất) có 4 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sāramaṇḍakappa, đó là: Đức Phật Maṅgala, Đức Phật Sumana, Đức Phật Revata và Đức Phật Sobhita.
4- Kiếp trái đất (cách đây 1 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất) có 3 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là varakappa, đó là: Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma và Đức Phật Narada.
5- Kiếp trái đất (cách đây 100 ngàn kiếp trái đất) có một vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sārakappa, đó là Đức Chánh giác Padumuttara (Liên Hoa).
6- Kiếp trái đất (cách đây 30 ngàn kiếp trái đất) có hai vị Chánh giác xuất hiện, gọi là maṇḍakappa, đó là Đức Phật Sumedha và Đức Phật Sujāta.
7- Kiếp trái đất (cách đây 1800 kiếp trái đất), có ba vị Chánh giác xuất hiện, gọi là varakappa, đó là: Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Aṭṭhadassī và Đức Phật Dhammadassī.
8- Kiếp trái đất (cách đây 94 kiếp trái đất), có một vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sārakappa, đó là Đức Phật Siddhattha.
9- Kiếp trái đất (cách đây 92 kiếp trái đất), có hai vị Chánh giác xuất hiện, gọi là maṇḍakappa, đó là: Đức Phật Tissa và Đức Phật Phussa.
10- Kiếp trái đất (cách đây 91 kiếp trái đất), có một vị Chánh giác, gọi là sārakappa, đó là Đức Phật Vipassī.
11- Kiếp trái đất (cách đây 31 kiếp trái đất), có 2 vị Chánh giác xuất hiện goi là maṇḍakappa, đó là Đức Phật Sikhī và Đức Phật Vessabhū.
12- Kiếp trái đất hiện tại, có 5 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là Bhaddākappa, ba vị Chánh giác đã hiện khởi là: Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana và Đức Phật Kassapa.
Hiện tại là Đức Phật Gotama, tương lai là Đức Phật Metteyya (DiLặc).
*Ba vị Phật.
– Đức Phật Taṅhaṅkara có tuổi thọ là 100 ngàn năm, Ngài thực hành 30 pháp balamật suốt thời gian là 16 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 7 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây bông sứ.
– Đức Phật Medhaṅkara có tuổi thọ là 90 ngàn năm, Ngài thực hành 30 pháp balamật suốt thời gian là 8 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 15 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây Vông đồng.
– Đức Phật Saranaṅkara, Ngài thực hành 30 pháp balamật suốt thời gian là 8 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 30 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây Cẩm lai. Tuổi thọ khi Ngài ở thế gia là 7.000 năm, tuổi thật là bao nhiêu thì không rõ, vì không thấy trong Kinh nói đến.
Tiền thân Đức Phật Gotama tuy được hội kiến với ba vi Chánh giác là Taṅhaṅkara, Medhaṅkara và Saranaṅkara nhưng chưa được thọ ký().
1- Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng).
Bồtát Dīpaṅkara sinh ra tại kinh thành Rammavatī, cha của Ngài là vua Sudeva, mẹ Ngài là bà Hoàng Sumedhā.
Bồtát Dīpaṅkara đã thực hành 30 pháp Balamật suốt 16 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.
Bồtát Dīpaṅkara sống đời tại gia là 10.000 năm, Ngài có ba cung điện là: Haṃsapāsāda (cung điện Thiên nga, vì có hình dán1g như con thiên nga), Koñcapāsāda (cung điện Hồng hạc) và Mayūrapāsāda (cung điện Khổng tước), mỗi cung điện có 100 ngàn cung nữ xinh đẹp.
Vợ Ngài là công nương Padumā (vì miệng của nàng có hình như cánh hoa sen), khi nàng Padumā vừa sinh ra hoàng nam là Usabhakkhandha cũng là ngày Bồtát Dīpaṅkara thấy điềm tướng thứ tư là "vị Samôn".
Trước đó Bồtát Dīpaṅkara nhìn thấy ba hiện tượng: Già, bịnh, chết (); ba hiện tượng này ám ảnh tâm trí này trong thời gian dài, nhìn thấy "vị Samôn", Bồtát như người tìm ra phương thuốc quý dẫn đến sự ra khỏi: Già, bịnh, chết; nên Ngài quyết định xuất gia tìm pháp giải thoát.
Bồtát Dīpaṅkara ra đi xuất gia bằng voi, có 10 triệu tùy tùng của Ngài cũng theo Ngài xuất gia, khi Bồtát Dīpaṅkara cắt tóc ném lên hư không, vua trời Sakka mang mâm ngọc hứng lấy tóc ấy, mang về tôn trí vào tháp Makuta (Makuṭacetiya) trên đỉnh núi Sineru (Tudi)().
Bồtát Dīpaṅkara thực hành khổ hạnh 10 tháng rồi thọ thực trở lại, hội chúng Samôn tùy tùng lìa bỏ Ngài đi đến trú nơi Tự viện Sunanda (Sunandārāma).
Vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (ngày 15-4 âl, tính theo lịch VN), Ngài đi vào thị trấn để khất thực, cũng vào khi ấy, thị trấn có tổ chức tạ lễ vị thần hộ trì họ bằng loại cơm sữa thượng vi.
Bồtát nhận được bát cơm sữa, Ngài đi vào rừng Sāla thọ dụng cơm sữa, vào buổi chiều, Ngài đi đến cây Pipphalī. Trên đường đi, du sĩ Sunanda dâng cho Ngài tám bó cỏ, những bó cỏ ấy trở thành Bảo tọa chiến thắng của Ngài và Ngài chứng Vô thượng Chánh giác khi mặt trời vừa ló dạng.
*Ba Thắng hội (abhisamaya)() của Đức Phật Dīpaṅkāra.
Thắng hội I.
Sau 7 tuần lễ an hưởng hương vị giải thoát, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu Giảng pháp của vị Đại phạm thiên
Đức Phật Dīpaṅkara theo đường hư không đến Sunandārāma (Tự viện Sunanda) để tế độ 10 triệu vị Samôn tùy tùng của Ngài trước đây.
Ngài thuyết lên Pháp thoại đầu tiên, khiến cho bánh xe pháp chạy đi, dứt Pháp thoại có 100 koṭi (102 x 107= 109= 1 tỷ) (1 koṭi = 10 triệu) chúng sinh (người và chư thiên) chứng đắc Thánh quả Alahán.
Đây là Thắng hội (abhisamaya) I của Ngài.
Thắng hội II.
Khi thấy trí của Ngài Usabhakkhana (con trai Ngài) trưởng thành, Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại thích hợp với cơ tính hội chúng, có đến 90 koṭi (900 triệu) chư thiên và người chứng đắc Thánh quả Alahán.
Đây là Thắng hội thứ II của Ngài.
Thắng hội III.
Trước khi lên cung trời Tāvatiṃsa (Ba mươi ba), Đức Thế Tôn Dīpaṅkara thể hện Song thông lực nơi cây Sirīsa tại cổng thành Amaravatī để nhiếp phục chúng ngoại giáo, rồi Ngài lên cung trời Tāvatiṃsa, thuyết lên tạng Thắng pháp để tế độ vị thiên tử kiếp trước là bà Hoàng Sumedhā.
Có đến 90 ngàn koṭi (900 triệu) chư thiên chứng Thánh quả Alahán.
Đây là Thắng hội III của Ngài.
Có Kinh văn sau:
8- Paṭhamābhisamaye buddho; koṭisatamabodhayi.
Dutiyābhisamaye nātho; navutikoṭimabodhayi.
"Thắng hội đầu tiên; Đức Phật tế độ 100 mười triệu chúng sinh giác ngộ .
Thắng hội thứ hai của Ngài; có 90 mười triệu chúng sinh giác ngộ".
9- Yadā ca devabhavanamhi; buddho dhammamadesayi.
Navutikoṭisahassānaṃ; tatiyābhisamayo ahu.
"Và nơi cung trời; Đức Phật giảng pháp.
Có 90 ngàn 10 triệu vị; đó là Thắng hội lần thứ ba"().
*Ba Tăng hội (hay Tăng đoàn) của Đức Phật Dīpaṅkara().
Tăng hội I.
Khi Đức Thế Tôn Dīpaṅkara trú ngụ nơi Tự viện Sunanda (Sunandārāma), có 100 ngàn koṭi (1.000 tỷ) Thánh Tăng từ các nơi về tụ hội để hành lễ Uposadha. Đây là Tăng hội I của Ngài.
Tăng hội II.
Có một hòn núi xinh đẹp tên là Nārada, nơi ấy có Dạxoa chúa Nārada trú ngụ, mỗi năm, cư dân trong vùng phải hiến dâng một người để làm tế lễ cho dạxoa. Đức Thế Tôn Dīpaṅkara tự mình đến núi Nārada. tế độ Dạxoa chúa Nārada cùng với 10 ngàn dạxoa khác chứng Thánh quả Dụlưu.
Truyền thuyết nói rằng: "Ngày hôm ấy cư dân chung quanh vùng mỗi làng mang theo một người cùng các tế phẩm khác đến để tế lễ cho Dạxoa chúa Nārada".
Pháp thoại của Đức Thế Tôn mang lại Thánh quả cho đại chúng. Có 100 ngàn vị nam tử xin được xuất gia, Đức Thế Tôn Dīpaṅkara cho xuất gia theo cách: "Etha bhikkhave... Hãy đến đây này các Tỳkhưu ...". Bảy ngày sau, tất cả đều chứng Thánh quả Alahán.
Vào đêm trăng tròn tháng Māgha (tháng giêng âl, theo lịch VN), các vị Thánh Alahán các nơi cùng nhau đi đến Đức Thế Tôn để hành lễ Uposatha (Bốtát). Giữa hội chúng Tăng có đến 100 koṭi (một tỷ) vị Tỳkhưu, Ngài thuyết lên Lời Giáo giới giải thoát(Ovādapaṭimokkha).
Đây là Tăng hội II của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara.
Tăng hội III.
Vào lần khác, khi Đức Thế Tôn Dīpaṅkara an cư mùa mưa ở núi Sudassana. Vào ngàyPavāraṇā, theo thông lệ cư dân thường tổ chức tế lễ trên đỉnh núi Sudassana. Cư dân trong vùng mang tế phẩm đến đỉnh núi, nhìn thấy Đức Thế Tôn Dīpaṅkara, đại chúng hoan hỷ mang lễ vật đến cúng dường, Đức Thế Tôn với pháp thoại tế độ chúng sinh chứng đắc Thánh quả nhiều vô số. Có 900 ngàn triệu vị chứng đắc Thánh quả Alahán, xin được xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara, Đức Thế Tôn cho xuất gia theo cách: "Etha bhikkhave...".
Đây là Tăng hội III của Đức Thế Tôn. Có Kinh văn sau.
10- Sannipātā tayo āsuṃ; dīpaṅkarassa satthuno.
Koṭisatasahassānaṃ; paṭhamo āsi samāgamo.
"Vị ấy có ba lần tụ hội; Bậc Đạo sư Dīpaṅkara.
Có 100 ngàn 10 triệu vị; là lần tụ hội đầu tiên".
11- Puna nāradakūṭamhi; pavivekagate jine.
Khīṇāsavā vītamalā; samiṃsu satakoṭiyo.
"Lần khác, nơi núi Nārada; Bậc Chiến Thắng sống độc cư.
Trong sạch, không còn ô nhiễm; có 100 mười triệu vị".
12- Yamhi kāle mahāvīro; sudassanasiluccaye.
Navakoṭisahassehi; pavāresi mahāmuni.
"Đấng Đại Hùng vào thời điểm khác; ngự trú ở núi Sudassana.
Có 90 ngàn 10 triệu vị; Bậc Đại ẩn sĩ hành lễ Tự tứ"(sđd. 10-12).
Rồi Đức Thế Tôn cùng 400 ngàn vị Tỳkhưu tùy tùng du hành đến thành Rammavatī và Đức Thế Tôn thọ ký cho Bồtát Sumedha thành vị Chánh giác tương lai.
Pháp thoại của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara thường mang đến Thánh quả Alahán cho từ 10 ngàn đến 20 ngàn nhân loại; môt hay hai người lãnh hội Giáo pháp của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara là điều không hề có.
Đức Thế Tôn Dīpaṅkara có tùy tùng là 400 ngàn vị Tỳkhưu là bậc ThánhAlahán Lục thông trở lên.
*Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Dīpaṅkara.
– Hai vị Thượng thủ thinh văn của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara là Trưởng lão Sumaṅgala và Trưởng lão Tissa. Thị giả là Trưởng lão Sāgata.
Hai nữ thượng thủ thinh văn của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara là Trưởng lão ni Nandā và Trưởng lão ni Sunandā.
– Hai nam cận sự tối thắng trong hàng nam cận sự của Đức Phật Dīpaṅkara là Ngài Tapussa và Ngài Bhallika.
– Hai nữ cận sự tối thắng trong hàng nữ cận sự là bà Sirimā và bà Soṇā.
Đức Thế Tôn Dīpaṅkara cao 80 hắc tay, hào quang luôn tỏa ra từ thân như cây đuốc chiếu sáng, hay như cây Sāla chúa trổ đầy hoa..
Đức Thế Tôn có thọ mạng là 100 ngàn tuổi, Ngài viên tịch nơi tự viện Nanda. Bảo tháp thờ Xálợi của Đức Phật Dīpaṅkara cao 36 dotuần, ngay chính nơi Tự viện Nanda. Có Kinh văn sau:
31- Dīpaṅkaro jino satthā; nandārāmamhi nibbuto.
Tatthevassa jinathūpo; chattiṃsubbedhayojanoti.
"Đấng Chiến thắng Dīpaṅkara, bậc Đạo sư; Ngài tịch diệt (nibbuto) nơi tự viện Nanda.
Bảo tháp của Đấng chiến thắng dành cho Ngài, cao 36 dotuần"().
Ngoài ra, một ngôi Bảo tháp được kiến tạo nơi cây Đại giác Pipphali để tôn thờ 8 món tư cụ Samôn của Đức Phật là: Tam y, bát, dao cạo tóc, bình lọc nước, dây thắt lưng và ống đựng kim.
Giáo pháp của Đức Thế Tôn Dīpaṅkara tồn tại 100 ngàn năm sau khi Ngài viên tịch().
Phụ lục.
*Trưởng lão Dhammaruci.
Là vị Thánh Alahán trong thời Đức Phật Gotama.
Vào thời Đức Phật Dīpaṅkara, tiền thân của Ngài là một thanh niên có tên là Megha, khi nghe Đức Thế Tôn Dīpaṅkara ghi nhận: "Ẩn sĩ Sumedha sẽ là vị Chánh giác trong tương lai", thanh niên Megha hoan hỷ với ẩn sĩ Sumedha nên xuất gia làm ẩn sĩ theo Bồtát Sumedha.
Do giao hảo với bạn xấu, Megha hoàn tục rồi phạm tội giết mẹ, nên phải tái sinh vào địa ngục.
Vào thời Đức Phật Gotama, Ngài tái sinh làm con cá lớn ở biển. Một chiếc thương thuyền bị bảo lớn sắp chìm vào lòng biển, các thuyền viên trên tàu trên tàu lớn tiếng cầu nguyện Đức Phật Gotama, con cá chợt nhớ lại lời tiên tri của Đức Phật Dīpaṅkara, nên mệnh chung tái sinh về kinh thành Sāvatthī.
Khi lớn lên được nghe pháp từ Đức Phật Gotama nơi Đại tự Jetavana (KỳViên), Ngài xuất gia trong Tăng đoàn, nỗ lực hành pháp chứng đắc Thánh quả Alahán().
Dứt lịch sử Đức Phật Dīpaṅkara.
2 – Đức Phật Koṇḍañña.
Sau khi Giáo pháp của Đức Phật Dīpaṅkara tiêu hoại, trải qua 1 atăng kỳ kiếp không có vị Chánh giác nào hiện khởi trên thế gian, gọi là kiếp trống (suññakappa). Kế đến trái đất được hình thành, trong kiếp trái đất này có một vị Chánh giác xuất hiện (gọi là sārakappa), là Đức Phật Koṇḍañña.
Thời gian thực hành Pháp độ của Ngài là 16 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Vào kiếp áp chót, Ngài tái sinh về cõi Tusita (Đẩusuất), theo lời thỉnh cầu của chư Thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới, sau khi quán xét năm điều (như Bồtát Santusita)(). Ngài tái sinh vào thai bào của bà Hoàng Sujātā của vua Sunanda, nơi kinh thành Rammavatī.
Sau 10 tháng Ngài ra khỏi thai bào, vì thuộc dòng tộc Koṇḍañña, nên Ngài được đặt tên là Koṇḍañña.
Bồtát Koṇḍañña sống tại gia là 10 ngàn năm, Ngài có ba cung điện: Suci, Suruci và Subha (theo Bản Sớ giải Lịch sử chư Phật: Ba tòa cung điện đó có tên là Rāmā, Surāmā và Subha), mỗi cung điện có 100 ngàn cung nữ giỏi ca múa, đàn hát để phục vụ Bồtát, vợ của Bồtát là công nương Rucidevī.
Khi nhìn thấy đầy đủ bốn hiện tượng: Già, bịnh, chết và vị Samôn, Bồtát Koṇḍañña quyết định xuất gia, cũng vào ngày hôm ấy, nàng Rucidevī sinh hạ một người con trai là Thái tử Vijitasena.
Bồtát ra đi xuất gia trên chiếc xe do 4 conngựa thuần chủng kéo đi. Đại chúng theo Ngài đi xuất gia có đến 100 triệu vị.
Ngài khổ hạnh 10 tháng, rồi thọ thực trở lại; hội chúng lìa bỏ Ngài đi đến khu rừng Deva (rừng Thiên thần) trú ngụ.
Vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (15-4 âl, theo lịch VN), Bồtát đến làng Sunanda, Ngài nhận bát cơm sữa của nàng Yasodharā, con gái của một trưởng giả trong làng cúng dường.
Sau khi thọ dụng cơm sữa, vào buổi chiều Bồtát đi đến cội Sāla chúa đang trổ hoa xinh đẹp, người ta nói rằng: "Cây Sāla chúa này chỉ mọc lên khi có vị vua Chuyển Luân hay Đức Chánh giác xuất hiện trên thế gian mà thôi và cây này chỉ xuất hiện duy nhất một lần".
Bồtát Koṇḍañña nhận 8 bó cỏ của du sĩ lỏa thể Sunandaka cúng dường.
Sau khi đi vòng quanh cội cây Sāla chúa ba vòng, Bồtát tìm nơi thích hợp, trải 8 bó cỏ, tám bó cỏ trở thành Bảo tọa chiến thắng của Ngài.
Bồtát Koṇḍañña chiến thắng toàn bộ quân ma, chứng Vô thượng Chánh giác khi mặt trời vừa ló dạng.
Đức Phật Koṇḍañña là Bậc Đạo sư có vinh quang, danh tiếng không thể đo lường được, như Kinh văn ghi nhận:
1-Dīpaṅkarassa aparena; koṇḍañño nāma nāyako.
Anantatejo amitayaso; appameyyo durāsado.
"Sau Đức Phật Dīpaṅkara; Bậc Lãnh Đạo tên Koṇḍañña.
Vị có vinh quang vô tận, danh tiếng vô cùng;
Không thể đo lường, khó có thể đạt đến"().
Ngài Buddhadatta, tác giả Bản Sớ giải Phật sử có giải thích:
"Bậc Lãnh Đạo". Là vị dẫn đường, vị chỉ dạy chúng sinh thực hành thoát khỏi mọi ô nhiễm (āsava).
"Không thể đo lường được". Nghĩa là: "Không thể nói cho hết được". Ở đây chỉ cho những ân đức đặc biệt như Giới, định, tuệ ... của vị Chánh giác.
Có ví dụ như sau: Một vị Chánh giác tán thán vị Chánh Giác khác suốt kiếp trái đất. Kiếp trái đất có thể đi qua, nhưng lời tán thán của vị Chánh giác đối với vị Chánh giác khác không hề dừng lại.
2- Dharaṇūpamo khamanena; sīlena sāgarūpamo.
Samādhinā merūpamo; ñāṇena gaganūpamo.
"Kham nhẫn của Ngài ví như trái đất; giới hạnh ví như biển lớn,
Thiền định ví như núi Meru; trí tuệ ví như không gian" (sđd, 2).
Giải thích.
Khamanena ti khantiyā: Kham nhẫn là kiên trì.
Kham nhẩn ví như đất.
Là sự kiên trì của Đức Chánh giác giống như trái đất, nghĩa là Ngài không thích thú khi được tán thán, cũng không khó chịu khi bị xuyên tạc, vu khống. Ví như trái đất luôn luôn thản nhiên trước các vật thơm hay các vật hôi thối đổ lên mặt đất.
Giới hạnh ví như biển lớn.
Nghĩa là Ngài luôn giữ thân, ngữ, ý trong sạch, các ác bất thiện pháp không thể có cơ hội sinh lên, giống như nước biển lớn không thể vượt qua bờ.
Lại nữa, người ta không thể đo lường được biển sâu rộng như thế này, như thế này, không thể biêt rõ tất cả những gì chứa trong lòng biển.
Cũng vậy, ân đức giới của Đức Chánh giác sâu rộng vô biên, ẩn chứa trong ân đức giới ấy vô số điều kỳ diệu mà không một ai có thể biết rõ tận tường, thấu đáo trọn vẹn được (ngoại trừ Đức Chánh giác).
Thiền định ví như núi Meru().
Núi Meru là núi chúa của thế giới (cakkavāla), rất rắn chắc, là núi ngọc quý nhất, cao nhất trong tất cả những ngọn núi.
Thiền định như núi Meru nghĩa là: "Đức Chánh giác đạt đến tột đỉnh của thiền định". Chánh định của Đức Thế Tôn vững chắc, không có một sức mạnh nào có thể phá vỡ được.
Trí tuệ ví như không gian.
Không gian rộng lớn vô tận, không thể tìm hiểu thấu đáo. Cũng vậy, Vô biên trí của Đức Chánh giác không thể bàn cho hết được.
*Ba Thắng hội của Đức Phật Koṇḍañña.
Thắng hội I.
Sau 7 tuần lễ hưởng vị giải thoát nơi cội cây Sāla chúa, theo lời thỉnh cầu giảng pháp Bất tử của vị Đại phạm thiên.
Đức Thế Tôn Koṇḍañña theo đường hư không đến rừng Devavana để tế độ 100 triệu vị Samôn tùy tùng của Ngài trước đây. Ngài thuyết lên Pháp thoại đầu tiên, tế độ nhân loại và chư thiên đắc Thánh quả là 100 ngàn 10 triệu (105x 107= 1.000 tỷ) vị, trong đó có 100 triệu vị Tỳkhưu chứng Thánh quả Alahán. Đây là Thắng hội I của Ngài.
Trong lần thuyết pháp này, Đức Thế Tôn thuyết tất cả những chi phần dẫn đến giác ngộ như: Năm Quyền, năm Lực, bảy Giác chi. Tám chi đạo và bốn sự thật, nên chư thiên và nhân loại thành đạo vô số.
Có kinh văn sau đây:
3- Indriyabalabojjhaṅga-maggasaccappakāsanaṃ.
Pakāsesi sadā buddho; hitāya sabbapāṇinaṃ.
"Quyền, lực, giác chi, đạo , sự thật được giảng dạy.
Đức Phật kiên trì thuyết giảng; vì lợi ích của tất cả chúng sinh".
4- Dhammacakkaṃ pavattente; koṇḍaññe lokanāyake.
Kotasahassānaṃ; paṭhamābhisamayo ahu.
"Ngài cho xe pháp chạy; Bậc Lãnh đạo thế gian Koṇḍañña,
Có 100 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội đầu tiên"().
Thắng hội II.
Sau đó Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Hạnh phúc (Maṅgalasutta) do một thiên nhân hỏi, có đến 90 ngàn 10 triệu (900 tỷ) chúng sinh chứng đắc Thánh quả Alahán, các Thánh quả thấp hơn thì không kể.
Đây là Thắng hội II của Ngài. Có Kinh văn.
5- Tato parampi desente; naramarūnaṃ samāgame.
Navutikoṭisahassānaṃ; dutiyābhisamayo ahu.
"Về sau, trong lần thuyết giảng khác; người và chư thiên hội lại.
Có 90 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội thứ hai"(sđd.5).
Thắng hội III.
Đức Thế Tôn thể hiện Song thông lực để nhiếp phục ngoại giáo, rồi Ngài thuyết lên pháp thoại, có đến 800 tỷ chúng sinh chứng đạt Thánh quả.
Đây là Thắng hội III của Ngài. Có Kinh văn.
6- Titthiye abhimaddanto; yadā dhammamadesayi.
Asītikoṭisahassānaṃ; tatiyābhisamayo ahu.
"Khi nhiếp phục các ngoại đạo, Ngài thuyết lên Pháp thoại.
Có 80 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội thứ ba" (sđd.6).
*Ba Tăng hội của Đức Phật Koṇḍañña .
Tăng hội I.
Lần an cư mùa mưa đầu tiên của Đức Thế Tôn Koṇḍañña ở tự viện Canda, gần thành phố Candavatī().
Khi ấy có thanh niên Bàlamôn tên Bhadda (còn gọi là Candamaṇava) con của Bàlamôn trưởng giả Sucindhara, một thanh niên Bàlamôn khác có tên là Subhadda, con của Bàlamôn trưởng giả Yasodhara, hai người là bạn thân với nhau.
Cả hai thanh niên cùng 10 ngàn thanh niên Bàlamôn khác được nghe pháp từ Đức Thế Tôn Koṇḍañña, tất cả đều chứng Thánh quả Alahán, xin xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn Koṇḍañña duỗi bàn tay phải ra nói rằng: "Etha bhikkhave ..." và tất cả đều được xuất gia.
Vào ngày trăng tròn tháng Jeṭṭha ( tháng 6 – 7dl, theo lịch VN là ngày 15-6 âl) Trưởng lão Subhadda cùng với 1 tỷ vị Tỳkhưu tự hội lại để hành lễ Bốtát, Đức Thế Tôn ban lời Giáo giới giải thoát đến hội chúng Tăng ấy.
Đây là Tăng hội thứ I của Đức Thế Tôn Koṇḍañña.
Tăng hội II.
Khi Ngài Vijitasena (con traicủa Đức Phât) chứng đắc Thánh quả Alahán. Vào đêm trăng tròn, Đức Thế Tôn Koṇḍañña tụng lời Giáo giới giải thoát (Ovādapaṭimokkha) trước 1.000 triệu vị Tỳkhưu có Ngài Vijitasena dẫn đầu tự hội lại. Đây là Tăng hội II của Ngài.
Tăng hội III.
Khi Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳkhưu du hành đến kinh thành của vua Udena. Nghe tin Đức Thế Tôn Koṇḍañña ngự đến kinh thành, vua Udena cùng đại chúng tùy tùng là 900 triệu vị, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn.
Sau thời pháp thoại tất cả đều chứng Thánh quả Alahán.
Đây là Tăng hội III của Ngài.Có Kinh văn sau.
8-Koṭisatasahassānaṃ; paṭhamo āsi samāgamo.
Dutiyo koṭisahassānaṃ, tatiyo navutikoṭinaṃ.
"100 ngàn 10 triệu vị; là lần tụ hội đầu tiên.
Lần hai có một trăm 10 triệu vị; 90 mười triệu vị là lần ba"()
*Tiền thân của Đức Phật Gotama.
Bấy giờ tiền thân của Đức Phật Gotama là vua Chuyển luân Vijitāvī có kinh thành là Candavatī, vua Chuyển luân Vijitāvī trị nước bằng pháp.
Đức vua Vijitāvī nghe Đức Thế Tôn Koṇḍañña cùng đại chúng Tỳkhưu ngự đến kinh thành Candavatī, nên cho trang hoàng kinh thành thật xinh đẹp để đón tiếp Đức Phật, cho sữa soạn nơi trú ngụ của Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳkhưu, vua Chuyển Luân Vijitāvī đã cúng dường vô song thí đến Đức Thế Tôn Koṇḍañña cùng đại chúng Tỳkhưu.
Đức Phật Koṇḍañña tiên tri rằng: "Kể từ kiếp trái đất này trở đi, sau 3 atăng kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất, vua Chuyển luân Vijitāvī trở thành bậc Chánh giác tương lai có tôc họ là Gotama, tên là Siddhattha" (như lời tiên tri của Đức Phật Dīpaṅkara).
Tiếp theo, Đức Thế Tôn Koṇḍañña thuyết lên Pháp thoại thích hợp với cơ tánh của đại chúng, mang Thánh quả đến cho vô số nhân thiên.
Nghe xong pháp thoại, vua Vijitāvī cúng dường vương quốc đến Đức Thê Tôn và Tăng chúng, Ngài xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn Koṇḍañña.
Sau khi học thông suốt pháp luật Trưởng lão Vijitāvī thực hành thiền định, chứng đăc bát thiền cùng 5 thắng trí.
Mệnh chung Ngài tái sinh về Phạm thiên giới.
* Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Koṇḍañña.
Đức Thế Tôn Koṇḍañña cao 88 hắc tay .
– Hai vị Thượng thủ thinh văn của Đức Thế Tôn Koṇḍañña là: Trưởng lão Bhadda và Trưởng lão Subhadda. Thị giả là Trưởng lão Anuruddha.
– Hai vị nữ Thượng thủ thinh văn của Đức Thế Tôn Koṇḍañña là Trưởng lão ni Tissā và Trưởng lão ni Upatissā.
– Hai nam cận sự tối thắng của Đức Thế Tôn Koṇḍañña là Ngài Soṇa và Ngài Upasoṇa.
– Hai nữ cận sự tối thắng của Đức Thế Tôn Koṇḍañña là bà Nandā và bà Sirimā.
Đức Thế Tôn Koṇḍañña viên tịch ở tuổi thọ 100 ngàn năm, ngôi Bảo tháp thờ Xálợi của Đức Phật Koṇḍañña cao 7 dotuần được kiến tạo nơi Tự viện Canda.
Giáo pháp của Ngài được tồn tại 100 ngàn năm.
Phụ lục.
*Trưởng lão Abbhañjanadāyaka.
Là vị Thánh Alahán trong Giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Trong thời Đức Phật Koṇḍañña, tiền thân của Ngài có dâng dầu mè lên Đức Phật Koṇḍañña.
Do phước báu này, 15 đại kiếp sau tiền thân của Ngài tái sinh là vua Chuyển luân có vương hiệu là Cirappa().
*Trưởng lão ni Saṅkamanattā.
Là vị Nữ Thánh Alahán trong Giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Vào thời Đức Phật Koṇḍañña, tiền thân của bà là một nữ nhân, khi thấy Đức Phật trên đường đi khất thực, nữ nhân ra khỏi nhà đi đến đảnh lễ dưới chân của Đức Phật, Đức Phật dùng chân chạm vào đầu bà().
Dứt lịch sử Đức Phật Koṇḍañña.
Sau Đức Phật Koṇḍañña, trải qua 1 atăng kỳ kiếp không có vị Chánh giác nào xuất hiện. Tiếp đến có kiếp trái đất, có 4 vị Chánh giác xuất hiện (gọi là sāramaṇḍakappa), đó là Đức Phật Maṅgala, Đức Phật Sumana, Đức Phật Revata và Đức Phật Sobhita.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com